Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 26/3 - Lê Minh Nguyên


Hàng ngàn người biểu tình chống tham nhũng ở Nga
Hàng ngàn người Nga đã xuống đường trên khắp cả nước hôm Chủ nhật để phản đối tham nhũng và yêu cầu Thủ tướng Dmitry Medvedev từ chức. Các cuộc tuần hành này do lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny kêu gọi. Có tin ông Navalny đã bị tạm giữ ở Moscow khi ông đang trên đường tới một cuộc biểu tình.<!>
Các cuộc biểu tình này dường như là cuộc xuống đường có sự phối hợp lớn nhất kể từ những cuộc biểu tình lớn hồi năm 2011-2012 tiếp sau cuộc bầu cử quốc hội bị cáo buộc có gian lận.
Tính đến buổi trưa ở Mátxcơva, truyền thông nhà nước không đưa tin về các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, các trang tin tức và truyền thông xã hội đã đưa tin về các cuộc biểu tình ở các thành phố từ Vladivostok ở phía đông đến Yekaterinburg ở vùng Urals. Có tin hàng chục người đã bị bắt giữ ở Vladivostok.

Ông Navalny đã kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình này sau khi đưa ra một báo cáo chi tiết hồi đầu tháng này cáo buộc ông Medvedev đã tích lũy nhiều biệt thự, du thuyền và trang trại nho thông qua một mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận trá hình.
Báo cáo này đã có 11 triệu lượt xem trên YouTube. Đến nay ông Medvedev vẫn chưa phản ứng gì.

Những người biểu tình dự định sẽ tổ chức các cuộc mít tinh không có giấy phép ở Moscow và St Petersburg trong thời gian còn lại trong ngày.

Ông Navalny nói trên trang web chính thức của mình rằng 99 thành phố của Nga dự định tổ chức biểu tình, nhưng ở 72 thành phố trong số đó, các chính quyền địa phương đã không cho phép.
Ông Navalny đã tuyên bố dự định tranh cử tổng thống vào năm tới và gần đây đã vận động người ủng  hộ ở các thành phố lớn của Nga. - VOA

2.
Chính phủ Syria, Nga không kích phiến quân

Các máy bay chiến đấu của chính phủ Syria và đồng minh Nga đã không kích các mục tiêu là phiến quân trên khắp cả nước hôm thứ Bảy, giết chết nhiều người, trong đó có các tù nhân tại một nhà tù của phụ nữ do phiến quân kiểm soát ở thành phố miền tây bắc Idlib.
Đến thứ Bảy, vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về cuộc oanh tạc vào nhà tù trong đêm. Tuy nhiên, những người theo dõi thuộc Đài quan sát Nhân quyền Syria nói số người thiệt mạng ở nhà tù gồm 16 tù nhân và nhân viên nhà tù. Đài quan sát cho biết một số tù nhân đã bị các lính canh giết chết khi họ cố bỏ trốn sau cuộc không kích.

Ngoài ra, các nhà theo dõi nói rằng các lực lượng chính phủ đã nhắm mục tiêu các địa điểm của phiến quân ở phía đông Damascus, nơi có ít nhất 16 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương ở thị trấn Hamoria.
Đợt tấn công của chính phủ, được mô tả là một trong những trận đánh ác liệt nhất trong vài tuần qua, diễn ra chỉ vài ngày sau khi phiến quân muốn lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã tấn công bất ngờ vào Damascus bằng cách đào các đường hầm để xâm nhập vào thủ đô.

Đài quan sát cho biết phe nổi dậy hôm thứ Tư đã tiến sát một căn cứ không quân của chính phủ ngoại ô, chỉ cách vài kilomet.
Tuy nhiên, các nhà theo dõi nói hôm thứ Bảy rằng chính phủ đã bắn rocket dồn dập, buộc các phiến quân rút lui khỏi một số vị trí tiền tuyến của họ. - VOA

3.
Tổng thống Pháp công du Đông Nam Á với trọng tâm kinh tế

Tổng thống Pháp François Hollande hôm nay, 26/03/2017, tới Singapore, chặng đầu tiên trong chuyến đi Đông Nam Á, vòng công du cuối cùng với tư cách nguyên thủ. Mục tiêu chủ yếu của tổng thống Hollande là siết chặt các quan hệ giữa Pháp với một khu vực « có tiềm năng rất lớn » về kinh tế (theo điện Elysée). Paris cũng tìm cách khẳng định vị thế một cường quốc Thái Bình Dương, sau khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước TPP, để ngỏ không gian cho Trung Quốc tung hoành.
Tổng thống Hollande sẽ ở Singapore trong hai ngày, Chủ Nhật 26/03 và thứ Hai 27/03. Cùng đi với tổng thống Pháp là khoảng 40 lãnh đạo các doanh nghiệp, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng thống Pháp có kế hoạch gặp các doanh nhân Pháp làm việc tại Singapore trước khi hội kiến với đồng nhiệm Singapore Tony Tan Keung Yam. Ngày mai, ông Hollande sẽ tham dự lễ khánh thành một diễn đàn của 170 start-up Pháp hoạt động tại Singapore.

Singapore là đối tác thương mại số một của nước Pháp tại Đông Nam Á, với trao đổi thương mại khoảng 8 tỉ euro.
Tiếp theo Singapore, thứ Ba 28/03, tổng thống Pháp tới Malaysia, khách hàng truyền thống của Pháp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Kuala Lumpur đã mua nhiều tầu ngầm và máy bay vận tải của Pháp và hiện tại quan tâm đến các máy bay chiến đấu Rafale của tập đoàn Dassault. Chuyến công du của tổng thống Hollande khép lại với Indonesia. Quốc gia quần đảo chiếm đến 40% trọng lượng kinh tế của khối ASEAN đang có nhu cầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng biển. Pháp có thể hợp tác với Indonesia trong các lĩnh vực vận tải biển, xây dựng cảng, năng lượng biển, thông tin liên lạc, và kể cả du lịch.

Triển vọng hợp tác với Đông Nam Á của Pháp, với tư cách quốc gia Thái Bình Dương 

Theo các nhà quan sát, bên ngoài các mục tiêu về kinh tế, Pháp cũng tìm kiếm vai trò trên lĩnh vực địa chính trị Đông Nam Á, trong bối cảnh khu vực đang rơi vào không khí « bất định », sau khi tân chính quyền Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều nước ASEAN đang tìm kiếm các đồng minh chính trị và kinh tế mới, để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lấn át của Trung Quốc tại khu vực này.

Nước Pháp là một trong các động lực chính trong hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và khối ASEAN, thông qua các hiệp ước thương mại tự do. Thỏa thuận với Việt Nam đã được ký kết, dự kiến tiếp theo sẽ là Indonesia. Theo báo Huffington Post, với các lãnh thổ hải ngoại và vùng đặc quyền kinh tế biển tại Thái Bình Dương, Pháp chắc chắc là một quốc gia Thái Bình Dương. Paris có thể có được một vai trò tại khu vực này, « nếu biết cách liên kết hiệu quả với ‘‘các láng giềng’’ châu Á ».

Tại Singapore, ngày mai, 27/03, tổng thống Pháp François Hollande sẽ có một bài phát biểu về tình hình khu vực và quốc tế tại diễn đàn nổi tiếng Singapore Lecture, do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS Yusof Ishak Institute) tổ chức. - RFI

4.
Hồng Kông: Tân lãnh đạo là một phụ nữ thân Bắc Kinh

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), 59 tuổi, đắc cử trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông trong cuộc bỏ phiếu ngày 26/03/2017. Các thăm dò dư luận cho đến tận ngày bầu cử đều cho thấy đối thủ của bà dẫn đầu cuộc đua với hơn 30 điểm. Nhưng chung cuộc, bà Lâm được 777 trên tổng số 1.194 đại cử tri ủng hộ. Ứng viên về thứ nhì là ông Tăng Tuấn Hoa chỉ được 365 phiếu.
Theo giới quan sát, kết quả bầu cử Hồng Kông đúng như điều Bắc Kinh mong đợi. Thông tín viên đài RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy phác họa chân dung bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga :

"Tân lãnh đạo Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, 59 tuổi đã từng bước vươn lên trong chính quyền mà bà đã bắt đầu tham gia từ năm 1980, ngay sau khi tốt nghiệp đại học Hong Kong University. Khi đó bà mới 22 tuổi và trong những năm tháng còn là sinh viên, Nguyệt Nga từng tham gia một vài cuộc biểu tình. 
Từ đó tới nay, bà đã hoàn toàn vào khuôn phép. Bà từng được cử làm lãnh đạo cơ quan Xã Hội, rồi Phát Triển, trước khi được đề bạt làm nhân vật số 2 trong chính quyền mãn nhiệm của ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying). 

Uy tín của bà đã sứt mẻ trong 5 năm vừa qua vì tham gia chính quyền của ông Lương Chấn Anh. Dù vậy, bà vẫn được công luận xem là một phụ nữ có năng lực : làm việc hiệu quả, quyêt tâm, kín đáo và rất giỏi giang. Thêm vào đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại là một phụ nữ có tài hùng biện. 
Về hình thức bề ngoài, bà để tóc ngắn, đeo kính và ăn mặc rất lịch sự, đúng với hình ảnh một phụ nữ nắm vững các hồ sơ.

Tân lãnh đạo Hồng Kông từng theo học ở các trường công giáo và bà luôn là một tín đồ ngoan đạo. Lập gia đình với một giáo sư toán, bà có hai con trai. Lớn lên tại Wan Chai, một trong những khu bình dân của Hồng Kông trong những năm 1960, bà Lâm đã trở thành một trong những nhân vật ưu tú trong xã hội, kiểm soát một phần lớn kinh tế Hồng Kông.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thừa hưởng một Hồng Kông đang bị chia rẽ và phẫn nộ, với xu hướng muốn Hồng Kông độc lập đối với Bắc Kinh tăng cao trong lúc nền kinh tế phần nào bị suy yếu. Tựu chung là tân lãnh đạo Hồng Kông sẽ phải đương đầu với những khó khăn trên mọi phương diện ».

Theo hãng tin Úc Skynews, vào lúc gần 1.200 đại cử tri Hồng Kông bầu chọn tân trưởng đặc khu, ở bên ngoài phòng phiếu, hơn 200 người biểu tình vào sáng nay để đòi quyền bầu lãnh đạo Hồng Kông theo thể thức phổ thông đầu phiếu. 
Trong số những người biểu tình, có đông đảo các gương mặt đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông thuộc phong trào học sinh, sinh viên, như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) hay dân biểu trẻ tuổi nhất trong Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông, La Quán Thông (Nathan Law). - RFI

5.
Đông Timor: Một biểu tượng phong trào kháng chiến đắc cử tổng thống

Hôm qua, 25/03/2017, ủy ban bầu cử của quốc gia  Đông Timor ở vùng Đông Nam Á công nhận chiến thắng của ông Francisco Gutteres, 63 tuổi, bí danh « Lu-Olo », một hình tượng tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Indonesia để giành độc lập. Tthắng cử với 57% phiếu bầu, tân tổng thống Đông Timor sẽ phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn, do dự trữ dầu mỏ cạn kiệt.
Thông tín viên RFI Joel Bronner trở về từ Dili, thủ đô Đông Timor, cho biết cụ thể:
Ngón tay trỏ vẫn còn thấm mực và nụ cười rạng rỡ, ngay sau khi bỏ phiếu hôm thứ Hai vừa qua, ứng cử viên Lu-Olo đã dự báo sẽ chiến thắng ngay sau vòng một. Việc được ủng hộ từ hai đảng chính trị chủ yếu của Đông Timor, đảng Fretilin và đảng CNRT, cuối cùng đã cho phép ông Luo-Olo đắc cử.

Tại Đông Timor, vai trò của tổng thống về cơ bản mang tính nghi thức, tuy nhiên tân tổng thống có sứ mạng lớn trong việc củng cố sự đoàn kết của đất nước. Độc lập từ năm 2002, Đông Timor, đảo nằm giữa Indonesia và Úc, đang nỗ lực tìm cách đa dạng nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ của nước này, dự kiến sẽ cạn kiệt ngay trong những năm tới. 
Thách thức chủ yếu của chính quyền Đông Timor nhiệm kỳ tới, sau cuộc bầu cử dự kiến vào mùa hè này, là dùng tiền thu được từ dầu mỏ để mỏ để tiếp tục phát triển kinh tế. Đông Timor hiện là một trong những nước nghèo nhất châu Á. 

Kể từ đầu năm 2017, Đông Timor bắt đầu đàm phán với Úc để thông qua một thỏa thuận về phân định biên giới trên biển Timor và quyền khai thác các mỏ dầu khí ở khu vực Greater Sunrise, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye (Hà Lan).
Đông Timor hiện đang thương lượng để gia nhập Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN). - RFI

Tin Hoa Kỳ
6.
Cải cách thuế tại Mỹ: Một thất bại khác đón chờ tổng thống Trump?

Bị thất bại trong vấn đề dự luật chống obamacare, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/03/2017 đã lên tiếng trấn an, dự báo rằng obamacare "sắp vỡ tung". Theo giới quan sát, tân tổng thống sẽ lao vào vấn đề cải cách thuế, được cho là sẽ dễ dàng hơn, nhưng trong thực tế rất có thể sẽ gai góc không kém việc cải tổ luật bảo hiểm y tế.

Sau thất bại nặng nề hôm thứ Sáu 24/03 của kế hoạch bãi bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare, ngay từ sáng thứ Bảy, tổng thống Donald Trump đã phản công. Trong một tin nhắn Tweeter, ông lại tiên đoán rằng luật Obamacare sắp vỡ tung, và sẽ được thay thế bằng một đạo luật tuyệt vời cho NHÂN DÂN Mỹ. Và ông kết luận : « Đừng nên lo lắng ! ».
Theo thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tại Washington, cho dù đã ra một lời trấn an như vậy, tổng thống Mỹ vẫn sẽ gác vấn đề y tế gai góc qua một bên trong một thời gian, để tập trung vào một hồ sơ khác có thể cũng khó khăn không kém : Cải cách thuế.

Donald Trump muốn chuyển qua kế hoạch lớn thứ hai trong chương trình hành động của ông: cải tổ chế độ thuế. Đây là điều mà ông từng tỏ ý rất muốn đích thân giải quyết trước tiên hết. Ông đã phác thảo nét chính của kế hoạch này trong bài phát biểu trước Quốc Hội. 

Theo ông, đấy sẽ là một cải cách « lịch sử », cho phép giảm thuế suất đối với các doanh nghiệp Mỹ để có thể cạnh tranh ở bất cứ nơi nào, đồng thời cho phép « ồ ạt giảm thuế » cho tầng lớp trung lưu.
Bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin cho rằng kế hoạch cải cách thuế sẽ dễ được chấp nhận và thông qua hơn, so với cải cách y tế, nhưng chưa chắc !

Trên nguyên tắc, luật bảo hiểm y tế - mà ông Trump đã phải rút lại - cho phép tiết kiệm được một nghìn tỷ đô la để bù đắp cho chương trình giảm thuế. Nếu không có phần bù đắp này, thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên, điều mà cánh bảo thủ trong đảng Cộng Hòa ghét cay ghét đắng. Đảng Dân Chủ thì chắc chắn sẽ phản đối một hệ thống có lợi cho những thành phần giàu có. 
Bị suy yếu sau thất bại của dự luật bảo hiểm y tế, Donald Trump rất có thể sẽ lại phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong Quốc Hội Mỹ, với một kế hoạch cải cách thuế mà chưa một tổng thống nào cho thông qua được, kể từ thời ông Reagan vào năm 1986 đến nay. - RFI

7.
Nổ súng hộp đêm ở Mỹ: một người chết, 14 người bị thương

Một người thiệt mạng và ít nhất 14 người bị thương trong một vụ nổ súng tại một hộp đêm ở Cincinnati, Ohio, Hoa Kỳ theo cảnh sát.
Ít nhất hai tay súng đã tham gia vào vụ việc tại hộp đêm có tên gọi Cameo Night Club, theo Sở Cảnh sát Cincinnati.

Một số người bị các thương tích có thể đe dọa mạng sống, cảnh sát trưởng Paul Neudigate nói với kênh tin tức WLWT-TV.
Ông Neudigate nói: "Chúng ta đang ở trong một tình huống rất khủng khiếp xảy ra tại hộp đêm với nhiều nạn nhân."
Ông nói thêm rằng "đây sẽ là một đêm dài" cho các đơn vị điều tra về trọng án giết người "của chúng tôi để điều tra."

'Miễn cưỡng hợp tác'
Đại úy cảnh sát Kimberly Williams nói rằng các tay súng vẫn còn chưa bị bắt và giới chức an ninh chưa có thông tin miêu tả tốt về các thủ phạm. 
Các nhân chứng đã miễn cưỡng hợp tác, bà nói thêm.
Bà Williams nói với các phóng viên: "Tại thời điểm này, hiện chưa rõ chính xác điều gì đã gây ra vụ nổ súng."

"Chúng tôi tin rằng có ít nhất một vài tay súng có liên quan."
Vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 01:00 đêm giờ địa phương (tức 05:00 GMT) trong khi hàng trăm người đang ở bên trong địa điểm. 
Bà Williams nói rằng đã có " hỗn loạn" sau đó.

Hộp đêm Cameo đã có vấn đề trong quá khứ "nhưng điều này đến nay là tồi tệ nhất", nữ sỹ quan cảnh sát nói thêm.
Vụ nổ súng xảy ra chưa đầy một năm sau khi tay súng Omar Mateen khai hỏa tại một hộp đêm ở Orlando, Florida.
Mateen đã giết chết 49 người trong vụ sát hại bằng súng làm chết nhiều người, trầm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. - BBC

Tin Việt Nam
8
CSVN đấu đá nội bộ trước Hội Nghị Trung Ương 5 vào đầu tháng Năm

Ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn) ở Vĩnh Long, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN, thuộc phe Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng vừa gởi Bản Kiến Nghị đến ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính trị, đề nghị cách chức và xét xử Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình vì bao che cho các hoạt động lũng đoạn ngân hàng, đề nghị bắt ông trùm ngân hàng Trầm Bê, truy tố vợ chồng Thiếu tướng Trần Quốc Liêm vì liên quan đến việc chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong vụ án Dương Thanh Cường với ngân hàng Agribank. 
Những khuôn mặt trên đều thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng (và cả ông Sang dù đã nghĩ hưu) đều muốn nhổ hết tàn dư của ông Dũng.
Trước Đại Hội 12, ông Tư Cẩn cũng từng đưa ra kiến nghị để triệt hạ ông Dũng khi cuộc đấu đá giữa ông Dũng và ông Trọng đang hồi cao điểm để tranh chức tổng bí thư. Được biết ông Tư Cẩn mắt kém, không biết đánh máy và không biết sử dụng máy vi tính. - basam

9.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Mỹ

Ông Hà Kim Ngọc mới tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm kéo dài ba ngày để “trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong năm 2017”.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông gặp một loạt các quan chức ngoại giao, quốc phòng Mỹ, các trợ lý của Tổng thống Trump về vấn đề châu Á và thương mại quốc tế cũng như các trợ lý trong Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhằm thảo luận “về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, tình hình khu vực, quốc tế cùng quan tâm”.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam “nhấn mạnh coi trọng và sẵn sàng làm việc với chính quyền mới của Hoa Kỳ nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.
Ông Ngọc cũng “chuyển lời của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, mời Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam” và “cho rằng hai bên cần duy trì đà phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, nhân đạo...”

Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Việt Nam bày tỏ mong muốn nhà lãnh đạo Mỹ tới dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tới nay, phía Mỹ vẫn chưa có phản hồi chính thức về lời mời này.
Theo các nhà quan sát, chuyến thăm của ông Ngọc tới Mỹ lần này “mang tính thăm dò phản ứng của phía Mỹ”, cũng như “dọn đường cho chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam với ông Trump”.

Trao đổi với một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam hôm 9/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông “sẵn sàng” tới thăm nước họ và làm việc với Tổng thống Donald Trump để thúc đẩy quan hệ Hà Nội - Washington.
Trang Thông tin Chính phủ trên Facebook dẫn lời ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ phía Mỹ đã chính thức mời Thủ tướng Phúc công du Hoa Kỳ hay chưa. - VOA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét