Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Nhiều thân hữu viết: và đến viếng Tang, Chia tay với Ký giả tự do Phạm Bằng Tường!


Caption: Nhà báo Phạm Bằng Tường, người thứ hai (mang kính đen) từ trái. Photo: Cali Today Cali Today News – Anh Phạm Bằng Tường, ký giả tự do, người anh mà tôi trân qúy, đã vừa giả từ chúng ta vào lúc 22:49 phút tối thứ năm ngày 23 tháng 2, 2017, để đi về với cõi vĩnh hằng. 
<!>
Được biết, anh bị té ngã trong phòng tắm của gia đình vào chiều thứ năm tuần trước, được gia đình gọi 911 để đưa ngay vào bệnh viện Regional Medical Center để chữa trị, nhưng thật buồn vì anh đã bị hôn mê và qua đời một tuần sau đó.
Tuy anh không chính thức làm việc cho bất cứ tờ báo nào hay cơ quan truyền thông nào, nhưng bài vở của anh được nhiều báo đài, trong đó có hệ thống truyền thông Cali Today, đã thường đăng tải lại. Anh viết lách như là một nghiệp dĩ, đầy đam mê và không nhận nhuận bút bao giờ. Có khi có báo đăng lại bài của anh nhưng quên ghi tên anh là tác giả, anh vẫn cười vui và nói: Được họ đăng bài là vui rồi, không nhất thiết phải ghi tên tuổi. Anh rất rộng lượng và xề xòa, không quen trách móc, dù anh là người Bắc di cư. Tuy anh không nhận anh là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng tầm mức ảnh hưởng của những bài viết của anh có sưc ảnh hưởng mạnh không chỉ tại địa phương San Jose mà ở nhiều nơi trên thế giới qua các trang web và qua các diễn đàn điện tử.
Anh thường nói rằng “tôi không phải là ký giả chuyên nghiệp, mà chỉ là một người chuyển tin. Sau khi về hưu, có nhiều thì giờ rãnh rỗi, và nhờ biết chút ít computer, nên tôi chuyển tin cho bà con đọc cho vui.” Tuy rất khiêm tốn, nhưng nhiều anh em hành nghề truyền thông tại San Jose và khắp nơi đều thừa nhận được tầm mức ảnh hưởng của những bài viết của anh.
Riêng với Hệ thống truyền thông Cali Today, anh là một cộng tác viên qúy giá, một đàn anh đáng kính và là một người bạn chân tình, một cố vấn đầy kinh nghiệm. Vì thế, chúng tôi đều rất buồn và cảm thấy mất mát rất nhiều khi anh ra đi về với cõi vĩnh hằng.
Bài viết cuối cùng của anh được phát đi vào lúc 10:22 sáng ngày thứ năm 16 tháng 2, 2017 chính là bài “Đầu năm 2017, trong sinh hoạt cộng đồng người Viêt Bắc California đã có hai (2) vụ kiện về tội vu khống, mạ lỵ, xuyên tạc, chụp mũ…”. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau bài viết này, thì anh đã bị té và đi vào hôn mê. Cho tới ngày cuối cùng, cuộc sống của anh vẫn gắn liền với báo chí và với truyền thông.
Một điều khác mà chúng tôi cũng được ghi nhận là anh luôn rất thành thật, hết lòng vì bạn bè và vì thế mà anh luôn được bạn bè qúy mến. Từ các anh em trong nhóm café thứ ba và thứ bảy tại quán café Paloma, hay các anh em trong Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức, ai cũng yêu mến anh như những người anh em gắn bó. Cách sống chân tình và hết lòng vì bạn của anh là một tấm gương cho anh em chúng tôi…

uy rất gần gủi và cảm thông với mọi người, nhưng anh cũng tỏ ra rất rành mạch, rõ ràng và cứng rắn khi bày tỏ quan điểm, nhất là mỗi khi bầu cử đến. Khi anh chọn ủng hộ ai, thì anh ủng hộ hết lòng, dù sự ủng hộ đó làm một số người buồn lòng và trách cứ. Chung thủy và kiên quyết với lập trường của mình chính là bản tính của anh.
Sau khi anh Nguyễn Dương, cũng là một ký giả không chuyên nghiệp ra đi vài năm trước, tôi thật sự cô đơn và buồn. Anh Dương thường “cập nhật” tin tức cộng đồng và những vấn đề thuộc loại “cần phải biết” trong cộng đồng, thì anh Tường và tôi gần nhau hơn. Anh cho tôi những kiến thức cộng đồng mà tôi cần đến, nhưng thường không biết.
Vào ngày thứ ba, hai ngày trước khi anh rơi vào hôn mê, anh hẹn cùng tôi sẽ đi tham dự chung với nhau cuộc họp báo vào ngày thứ tư của nghị viên Nguyễn Tâm về nghị quyết 3.8 chống cờ đỏ của thành phố San Jose. Khi họp xong và ra về vào ngày thứ tư, anh đã gọi điện thoại liên tục cho tôi, để cập nhật tình hình. Ngày thứ năm anh viết bài, và phóng lên diễn đàn vào lúc 10:22 phút sáng. Anh gọi tôi liên tục sau đó để hỏi ý kiến tôi nghĩ gì về bài viết của anh. Chúng tôi gọi nhau nhiều lần và hẹn đi ăn cơm trưa vào ngày hôm sau thứ sáu cùng anh Nguyễn Mộng Hùng và ký giả Thư Sinh.
Hôm thứ năm, tôi hỏi anh: Sao anh mói có vẻ mệt mõi thế? Anh trả lời ngắn gọn: Mấy hôm nay, anh bêänh và mệt mõi lắm.
Sáng thứ sáu, tôi gọi anh ba lần để nhắc lại cú hẹn ăn trưa, và biệt vô âm tín. Tôi cứ nghĩ rằng anh đang đi bác sĩ, như anh thường hay đi trong dạo gần đây. Và đến chiều, thì nghe anh Thư Sinh báo hung tin. Tôi vội vàng cùng giáo sư Nguyễn Châu bỏ show truyền hình, chạy vào bệnh viện thăm anh. Khi vào đến nơi, nhìn anh nằm trên giường bệnh, thở bằng ống dẫn khí, máu từ não chạy từng giọt vào bình treo cạnh giường, đầu bị nhiều vết mỗ, tôi đã bật khóc, nhất là sau khi nghe chị Tường cho biết bệnh tình của anh là vô hy vọng.
Sau đó, tôi ra về, trời mưa tầm tả. Trời có lẽ cũng khóc cho anh một người chính trực và hiền lương vừa mới ra đi. Tôi cảm thấy trong giọt nước mưa tối đó, có lẽ có giọt nước mắt của tôi. Trong lúc tôi lặng người trước mất mát quá lớn này, thì luật sư Nguyễn Hoàng Duyên gọi hỏi thăm bệnh tình của Phạm Bằng Tường, tôi trả lời rằng anh Tường đang bị hôn mê và không còn chút hy vọng nào và sẽ rút dây trợ sinh vào thứ bảy, sau khi cô con gái anh bay về từ Chicago. Anh Duyên đã hét lớn trong điện thoại: TRỜI! Tiếng hét của anh Duyên còn vọng trong tôi đến ngày hôm nay.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Con người từ xưa đến nay ai mà chẳng chết. Thế nhưng, có những người chết đi đã để lại trong lòng mọi người sự tiếc nhớ không nguôi. Với anh Tường, tôi cảm thấy và nhiều bạn bè của chúng tôi cũng cảm thấy như thế. Khi nghe tin anh hôn mê, bạn bè nườm nượp kéo vào bệnh viện thăm anh. Nhìn dòng người đông như thế, chúng tôi mới hiểu và cảm nhận rõ ràng rằng anh đã được bạn bè thân qúy đến dường nào. Gần thì không nói, thế nhưng biết bao anh em văn nghệ sĩ và ký giả khắp nơi như Nam Lộc, Việt Hải (từ Nam Cali), Út Cao (Úc),… đều lo lắng, thăm hỏi anh.
Anh đã sống vươn xa hơn trong tình yêu của đồng nghiệp, bè bạn.

Trong hơn một tuần qua, câu chuyện trong quán càfé của nhóm café thứ ba, và thứ bảy, ai cũng buồn ngậm ngùi vì vắng bóng anh… Rồi đây, đời vắng anh rồi, say với ai (trích ý thơ của Vũ Hoàng Chương).
Trong giờ phút cuối này, chúng tôi, những đứa em của anh trong Hệ Thống Truyền Thông Cali Today, xin gửi đến anh lời cầu nguyện tốt đẹp nhất trên hành trình đi xa đầy đơn độc này.
Mấy năm qua, an hem ký giả ra đi nhiều, từ Nguyễn Đức Quang, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Xuân Hoàng, Cao Sơn, Lê Thiệp,… và một vài anh em ký giả khác cũng đang trong cơn bạo bệnh. Rồi đây, làng báo sẽ vắng đi lần lần những ngòi bút tài hoa. Và mỗi lần đi họp báo, những bạn trẻ thế vào. Dòng đời là thế, nhưng nếu có một ước mơ, thì tôi xin thời gian dừng lại!
Theo tin tức của tang gia, nghi lễ tiễn đưa anh sẽ được tổ chức vào ngày thứ năm (2 tháng 3) và thứ sáu (3 tháng 3) tại nhà quàn Lima Campagna – Alameda Mission Chapel, 600 South Second Street, San Jose, CA 95112.
Nguyễn Xuân Nam

Thân hữu viếng tang anh Phạm Bằng Tường chiều nay Thứ Năm 3/02/17 tại nhà Quàn đường số 2, thanh phố San José.


PHẠM BẰNG TƯỜNG – LỜI CHIA TAY
Nguyễn Hoàng Duyên
Làm báo Việt ngữ ở hải ngoại rất khó, làm một nhà báo chính trực lại càng khó hơn.

Tôi biết Phạm Bằng Tường qua những bản tin sinh hoạt cộng đồng, những lần bầu cử địa phương và toàn quốc. Qua nhiều năm tháng, những sơ giao trở thành sự quý mến vì con người, vì cách sống của anh.
Khi săn tin, Tường kiên nhẫn góp nhặt những mẫu sự kiện, đến từng chi tiết. Rồi tổng hợp, rồi phân tích. Khi viết tin, anh cân nhắc từng câu từng chữ, tỏ rõ lập trường của mình nhưng anh tránh dùng những từ ngữ nặng, hoặc những phê phán cực đoan.
Con người đời thường của Phạm Bằng Tường cũng thế. Khi anh em tụ tập quanh bàn ở các cà phê hè phố, câu chuyện thường dẫn đến những thảo luận về chính trị, về tranh cử, về phe phái. Tường lịch sự lắng nghe; đồng ý hay không đồng ý, anh luôn đóng góp rất ôn tồn. Anh thuyết phục hơn là tranh thắng.
Về tình bằn hữu, một đơn cử sau đây có thể nói nhiều về cách cư xử của Phạm Bằng Tường với bè bạn. Trong nhóm anh em, có người qua một lần bạo bệnh; việc đi đứng di chuyển khó khăn. Mỗi lần có sinh hoạt hội họp, hoặc ngay khi người bạn cần anh trong những việc cá nhân, Tường luôn luôn là người đưa đón bạn mình, trải qua nhiều năm tháng.
Chia tay Phạm Bằng Tường, chia tay một nhà báo chính trực, một người bạn chân tình. Anh đi trước, để lại cho chúng tôi một chổ trống rất thương yêu trong bạn bè và những người viết lách.
Nguyễn Hoàng Duyên

PHẠM BẰNG TƯỜNG – TRÍ NHỚ TÔI
Đỗ Vẫn Trọn

Những ngày qua – mưa, bão, lụt, kéo về San Jose, như ngọn thác đổ tràn dâng. Mưa đẫm lệ những vừng trán hoa niên. Mưa ẩm ướt cả một bầu trời nhung nhớ, và mưa…đã tiễn một người anh – một người bạn vong niên của tôi về miền xa xăm.
Tôi gặp anh cũng vào một chiều mưa, từ lâu lắm, từ lúc mà người Việt ở Thung Lũng Hoa Vàng này gặp nhau mừng rỡ, chia sẽ những hạnh ngộ về đời lưu vong. Những giao động trong đời sống không phải là những cào cấu – miệt thị mà chỉ là những lo toan hội nhập và mưu sinh.
Phạm Bằng Tường như một nhà Giáo, một người công chức gương mẫu. Anh nhập cuộc vào làng chơi Truyền thông – Báo chí muộn màng như để trút đổ những tâm sự, để gửi gắm, để ngăn chặn và kềm tỏa những hiềm khích xảy ra trong cộng đồng.
Không nhận mình là một nhà Báo, nhưng cách viết và cách đưa tin của anh rất chừng mực – tử tế, hơn hẳn những người tự nhận là nhà văn – nhà báo mà không giữ đúng ngòi bút của mình. Có những người đưa tin như anh Phạm Bằng Tường thì cộng đồng này bớt đố kỵ – hiềm khích – chia rẽ.
Tôi không có thói quen xem Internet – Facebook – Email qua lại, nhưng với những Email, những bản tin của anh Phạm Bằng Tường thì tôi thường đọc và có niềm tin vào đó.
Thời gian sau này, tôi thường liên lạc và gặp gỡ anh. Chúng tôi thân nhau từ đó. Có một cuộc vui nào, có một ly rượu nào ngon, tôi cũng muốn mời anh bằng được. Khi anh vào bệnh viện, tôi gọi thăm anh nhiều lần. Vừa ra khỏi bệnh viện, anh đã sốt sắng đưa lên mạng một bản tin có liên quan đến tôi. Sau đó, anh lại vào nhà thương, và lần này sự sống rất mỏng manh. Chị Kim Chi – vợ của anh cho biết; gia đình ráng đợi đến thứ Sáu để cô con gái nhìn anh lần cuối, nhưng anh đã đi sớm hơn một ngày.
Nhà Báo Phạm Bằng Tường đã lặng lẽ ra đi lúc 10 giờ 49 phút đêm thứ Năm ngày 23 tháng 2 / 2017 để lại niềm đau xót cho người thân và bằng hữu.
Nguyễn Xuân Nam giục tôi gửi bài để kịp làm số tưởng niệm nhà báo Phạm Bằng Tường, tôi chỉ có 30 phút để ghi lại những cảm nghĩ về anh. Tình bạn của chúng ta có trên 30 năm, giờ chỉ gói gọn chừng ấy, làm sao tôi viết hết được những cảm nghĩ về anh, một Phạm Bằng Tường rất tử tế, một Phạm Bằng Tường – nhà báo rất có tư cách, và một Phạm Bằng Tường mẫu mực để nhiều người noi theo.
Những ngày qua lòng tôi buồn bã, tôi thương tưởng đến một tình thân đã ra đi, đến một người anh mà tôi quý mến.

Cuộc sống này đến lúc cũng phải chia tay, hợp tan – tan hợp. Nhưng sống và chết có những giọt nước mắt cao quý nhỏ trên di hài của mình mới là điều cao cả.
Tôi biết, tôi sẽ không cầm lòng được khi tiễn anh đi. Tôi sẽ nhỏ những giọt lệ chào biệt anh. Ở một cõi nào khác, anh hãy bình yên – bình yên nha anh Phạm Bằng Tường!
Đỗ Vẫn Trọn

Phạm Bằng Tường, Vương Thế Tuấn và Đô đốc Trần Văn Chơn tại tư gia đô đốc. Ảnh: Cali Today
PHẠM BẰNG TƯỜNG: Mãi mãi còn vương!
Cali Today News – Trong nhóm bạn già cà phê cà pháo đấu láo với nhau vào mỗi thứ ba và thứ bẩy hàng tuần, Phạm Bằng Tường là người có sức khỏe tương đối tốt. Anh không bị vướng vào mấy chứng bệnh già (cao máu, tiểu đường) như anh em chúng tôi. Nên tin anh đột ngột qua đời đã làm sửng sốt mọi người. Tôi là người biết tin này sớm nhất vì tôi vai em họ, con chú con bác với anh. Do đó nỗi sửng sốt và đau buồn tăng lên, chất ngất. Từ nay tôi đã mất một người anh, một người bạn đồng chí hướng, và một người tài xế. Vì đã hơn bốn năm nay, sau lần mổ tim thừa sống thiếu chết, tôi không còn khả năng lái xe được nữa. Mọi sinh hoạt đi đây đi đó, phần lớn do anh Tường giúp đỡ.
Thêm một điều lý thú nữa. Tôi viết báo viết bổ thuộc loại tài tử. Anh Tường viết báo thuộc loại tay ngang. Nên giữa hai anh em chúng tôi, có sự đồng cảm và hiểu nhau trên rất nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề hết sức phức tạp trong cộng đồng người Việt của chúng ta tại miền Bắc Cali này. Đây là một trường hợp, mà “bạn” với “bè” đều đồng một nghĩa như nhau. Hay nói cách khác, cả hai anh em chúng tôi đều… tâm đầu ý hợp!
Nay, mối lương duyên này, bỗng bị ông trời đoạt mất. Theo thời gian, bạn bè rồi sẽ nguôi ngoai nỗi buồn mất bạn, một người bạn hiền lành chân thật. Còn riêng tôi, vì tình anh em họ hàng, tôi sẽ mãi còn vương mắc với anh, qua những lần họp họ hàng năm, để tưởng nhớ đến tổ tiên giòng họ Phạm, và những người thân yêu đã khuất.
Vậy, anh Tường ơi, chết mà vẫn còn có người tưởng nhớ đến, thì chưa hẳn đã chết. Xin anh ra đi bình an, và sớm về với cõi Niết Bàn.
Thư Sinh

LÊ ĐÌNH THỌ: Anh Tường đã xong phần việc nơi cõi trần ai!
Anh Tường!
Bề Trên đã gởi anh xuống để sống, để trả nợ và đối chiếu nghiệp từ kiếp trước của mình phải trả kiếp này, qua cuộc sống.
Anh Tường đã xong phần việc nơi cõi trần ai!
Chắc anh đã “NGỘ”, và xong một kiếp người!
Cầu mong anh sớm được siêu thoát!
Bạn anh. Lê Đình Thọ 
Một chút kỷ niệm với Nhà Báo Phạm Bằng Tường
Cali Today News – Thật là bàng hoàng khi được niên trưởng Nguyễn Mộng Hùng người anh lớn của nhóm cà phê Liên Quân hằng tuần ở Paloma Coffee tại San Jose báo cho biết: “Tuấn ơi! Phạm Bằng Tường vào emergency, tình trạng 9/10 rồ!”. Tôi chỉ kịp hỏi ở nhà thương nào rồi vội thay quân áo để vào Reginal Hospital.
Trời mưa tầm tã trên đường tới bệnh viện, đầu óc tôi quay cuồng với những kỷ niệm quá ngắn ngủi với anh. Tôi chỉ mới quen anh gần đây thôi, đó là hôm anh cùng nhà báo Nguyễn Xuân Nam của báo Cali Today đến phỏng vấn tôi tại nhà của tôi nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Quốc Hận 30/4. Và cũng từ hôm đó chúng tôi thường gặp nhau trong những buổi coffee tại Paloma vào mỗi sáng thứ Ba và thứ Bảy hằng tuần. Có lẽ nét chân chất hiền lành hiện trên nét mặt của anh đã khiến tôi có cảm tình với anh ngay từ buổi đầu. Rồi chúng tôi càng trở nên thân thiết hơn qua việc dựng tượng Đức Thánh Trần tại San Jose vì Hải Quân chúng tôi đã đóng một vai trò quan trọng. Cho nên tôi thường chia xẻ những diễn tiến của công tác dựng tượng cho anh nghe. Và khi ngôi tượng được dựng lên theo đúng lịch trình thì anh là người đả tỏ ra vui mừng hơn ai hết, nhưng rồi lại có tin bức tượng sẽ phải đem xuống để nâng đế cao hơn. Trước tin này anh cảm thấy lo lắng và hỏi tôi:
– Chuyện đó có thật phải không anh?
Giữa lúc đó thì nổi lên những sự đánh phá chê bức tượng bị gù như lão tiều phu hoặc nơi dựng tượng là đất tư nhân, không xứng đáng. Xa hơn thì có những bài báo dựa vào thuyết phong thủy và ngũ hành tương sinh để cho rằng ngôi tượng sẽ đem điềm xấu cho khu thương mại. Trước những ác ý đó thì chính anh Tường đã lặng lẽ viết một bài báo rất logic về phong thuỷ, và về ngũ hành tương sinh để chứng minh cái sai của kẻ viết bài. Sau đó thì chính tác giả các bài báo đó đã xin lỗi về những sai lầm của họ. Cuối cùng thì ngôi tượng của Đức Thánh Trần đã được dựng lại tại vị trí cũ nhưng cao hơn và uy dũng hơn. Đây cũng là kết quả trước quyết tâm của mọi người trong đó phải kể đến bài viết của anh Tường.
Hôm nay ngồi viết những dòng chữ này thì Phạm Bằng Tường vẫn nằm bất động trong bịnh viện để chờ quyết định tối hậu của gia đình. (Tin mới nhất là anh đã ra đi vĩnh viễn rồi) Mới thứ Bảy tuần rồi ngày 11-2-2017 anh em chúng tôi còn ngồi uống cà phê tại Paloma và hôm đó có vài điều đáng ghi nhận là tôi đã đem cuốn Đặc San Đại Hội Nguyễn Trãi để trao tặng anh như đã hứa và cũng chính hôm đó, anh đã phá thông lệ để bao chầu cà phê cho tất cả mọi người có mặt hôm đó như là một lời chia tay.
Sự ra đi của anh đã làm chúng tôi bị hụt hẫng, từ nay chúng tôi mất đi một người bạn hiền biết lấy ai để tâm sự, từ nay cá nhân tôi sẽ mất đi một một nguồn tài liệu sống. Thật tiếc thay!
Vương Thế Tuấn

Hoàng Cơ Định và vài dòng với Phạm Bằng Tường
Tôi tuy không có duyên cập kè cà phê hàng tuần với anh Phạm Bằng Tường, nhưng cũng hay gặp và quý mến anh ấy.
Vậy nhờ anh cho chúng tôi được góp phần giống như anh chị Trịnh Như Toàn trong việc phúng điếu tang lễ bạn hiền Phạm Bằng Tường của chúng ta.
Cám ơn anh nhiều,
Hoàng Cơ Định

Từ xa, nhưng xin gửi vài dòng cho Phạm Bằng Tường
Cùng anh NM Hùng,

Đang đi xa, tôi rất vô cùng bàng hoàng sửng sốt khi đọc được bản tin của Nguyễn Xuân Nam.
Phạm Bẳng Tường không còn nữa, thật hụt hẫng và đầy thương xót!
Mong nhờ anh cho vợ chồng tôi góp phần trong mọi chuyện phúng viếng tang lễ.
Tuy biết chỉ là nghĩa cử nhưng trong Tâm mới chính yếu. Giờ đây biết tìm lại đâu cho được 1 người bạn tâm đầu ý hợp như Phạm Bằng Tường nơi bàn cà phê mỗi tuần nữa!!!
Chợt nhớ mấy ý thơ của Hoàng Hải Thuỷ :
“Thằng đi sau lạy thằng đi trước.
Thằng đi trước kệ thằng đi sau.
Trước sau rồi cũng đều đi cả.
Có nghĩa gì đâu chuyện trước sau….”

Biết vô thường mà sao vẫn cứ buồn, buồn và buồn…
Khi về tôi sẽ viết cảm nghĩ về PBT nhiều hơn.
Cám ơn & Chúc anh Sức Khoẻ.
Tình thân, TNT 

PHẠM BẰNG TƯỜNG RA ĐI TA MẤT MỘT CHIẾN SĨ
BS Thượng Quân Lê Văn Sắc
Trước đây, đã nhiều lần viết về Phạm Bằng Tường, tôi thường chỉ giới thiệu đôi dòng “hiền lành” về bạn rằng “bạn là người học chung với tôi năm Dự Bị Y Khoa năm 1965 tại Đại Học Khoa Học Saigon”, nhưng trong thực tế bạn là một nhân vật đặc biệt, bạn là một trong những chiến sĩ “vô danh” âm thầm trong công tác chống cộng, thuộc tổ tình báo sinh viên Đại Học Saigon trực thuộc Sở Tình Báo Saigon khoảng 2 thập niên 1960 tới 1970. Vì tính chất tế nhị của công tác nên Phạm Bằng Tường thường phải “thầm lặng” không biểu lộ thái độ chính trị rõ ràng và chính vì vậy nên dễ bị “quần chúng phe ta” hiểu lầm, ồn ào phản đối, tấn công… Trường hợp Cao Sơn bị những người biểu tình chống cộng “xỉa xói” là một thí dụ và Phạm Bằng Tường thường yêu cầu tôi đừng đề cập đến bạn, vì tính cách tế nhị ấy… Nay bạn đã thoát ra khỏi “vòng ràng buộc” ấy, nên tôi muốn nhân dịp “xiển dương” những chiến sĩ vô danh nói chung và cá nhân bạn nói riêng.

Được biết nhóm tình báo chống cộng của bạn gồm nhiều người mà Cao Sơn là người ra đi trước, nay đến Phạm Bằng Tường. Có lần hỏi Phạm Bằng Tường về các hoạt động tình báo, phản gián ngày đó, đặc biệt Huỳnh Tấn Mẫm, Tường nói: “Mình báo cho cảnh sát bắt Mẫm ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã thấy Mẫm ngang nhiên đi trên đường Lê Lợi Saigon… Hỏi ai ra lệnh cho thả Huỳnh Tấn Mẫm thì Tường bảo: “thì Nguyễn Cao Kỳ chứ ai”. Trong đám sinh viên y khoa có hai nhân vật hoạt động cho Việt Cộng nổi bật là Huỳnh Tấn Mẫm và Dương Văn Đầy, nhưng Huỳnh Tấn Mẫm là nhân vật nổi, bị VC lợi dụng, còn Dương Văn Đầy mới chính là VC thứ thiệt. Cả hai có năng khiếu ăn nói, được VC huấn luyện và xử dụng triệt để, nhưng Huỳnh Tấn Mẫm thì có vẻ hiền lành hơn, còn Dương Văn Đầy thì “sắt máu” hơn. Chuyện sinh viên Trần Quốc Chương theo lời đường mật của VC ra khu, sau thấy không thích bỏ về, bị VC thủ tiêu, trói ném từ lầu 2 Khu Sinh Hóa xuống chết, là do Dương Văn Đầy chủ trương nhằm bảo mật đường dây liên lạc của VC. Việc GS thạc sĩ Trần Anh bị ám sát cũng do Dương Văn Đầy chủ trương. Trước đó, xẩy ra chuyện Sinh Viên Y Khoa tranh đấu chuyển ngữ tiếng Việt cũng do Dương Văn Đầy xách động, kết quả là Nguyễn Cao Kỳ tới thăm trường, cất chức GS khoa trưởng Phạm Biểu Tâm, đề cử một ủy ban 5 người thay thế (ngũ đầu chế) trong có GS Trần Anh. Sau một phiên họp, Ủy Ban 5 người ra về, đi dưới lầu, để ra sân thì Dương Văn Đầy đứng trên lầu thả một thùng sơn xuống nhưng không trúng ai. Có lẽ Dương Văn Đầy không nhắm giết ai nên làm bộ thả thùng sơn trật ra ngoài, không trúng đầu ai (vì nếu có người chết thì Đầy sẽ bị cảnh sát bắt là cái chắc).
Sau năm 1975, Huỳnh Tấn Mẫm được VC cho ra ứng cử quốc hội, còn Dương Văn Đầy được cho làm Phó Chủ Tịch Quận II Saigon, nhưng sau cũng bị chết, dư luận cho rằng bị VC thanh toán. Việc này có lý, vì Dương Văn Đầy là người táo tợn, trực tính nên khi thấy VC làm nhiều điều xuẩn động, chắc chắn Dương Văn Đầy lên tiếng phản đối nên bị VC thủ tiêu, trừ hậu họa.
Khi tôi nghe ông bạn già “dịch giả” báo tin là Phạm Bằng Tường đã mất, tôi bèn vào website của báo CaliToday của Nguyễn Xuân Nam thì mới biết rõ và sau đó gọi BS Vũ Trọng Tiến hỏi bạn có biết không thì Vũ Trọng Tiến trả lời biết rõ và cho biết, vì con cái ở xa nên dù Tường đã chết, gia đình vẫn phải hoãn lại để con cái ở xa về đầy đủ mới phát tang. Vũ Trọng Tiến còn than là “tưởng mình đi trước nó, không ngờ nó đã đi trước mình”.
Tường sinh năm 1945, nhỏ hơn tôi 4 tuổi, khi học chung lớp dự bị y khoa, trong nhóm thực tập chót (các vần cuối từ M tới Y) có hai người nổi bật là Trần Văn Mỹ và Phạm Bằng Tường vì hai người có nước da trắng bóc, dễ gây chú ý và dễ nhớ nên ít lâu nay, tự dưng tôi thấy mặt Tường “xuống sắc”, tôi không biết rõ, nên thỉnh thoảng vẫn gọi điện thoại hỏi thăm… Có lần, trả lời thắc mắc của tôi, Tường cho biết Tường bị Hernie Inguinal (sa ruột bẹn) đau đớn lắm, tôi nghe bèn cười thầm “giá Tường không bỏ y khoa thì việc đối phó với bệnh sa ruột này đâu có gì khó, dễ ợt”. Tôi bèn chỉ cho bạn cách tránh khỏi đau đớn là “khi nào ruột sa thì nằm ngửa (đặc biệt là khi ngủ) đầu thấp, đít cao để cho ruột thụt lại vào xoang bụng, và nếu đang đi mà thấy ruột “muốn sa xuống” thì lấy ngón tay bịt vào bẹn, ngay chỗ lỗ hở, không cho ruột sa xuống. Nhân tiện tôi còn trấn an bạn là y khoa bây giờ tiến bộ lắm, mổ dễ dàng, nhẹ nhàng như mổ gà vậy và còn báo cho bạn biết tôi đã từng “bị mổ” 5 lần (một lần mổ glomus intercarotid, chữa bệnh suyễn với BS Nguyễn Anh Tài, một lần cắt thịt dư họng amygdal tại khu Tai Mũi Họng Bệnh Viện Bình Dân và mới đây tại Bệnh Viện Stanford, Mỹ, mổ thay đầu gối trái vì hư đầu gối, bị đụng xe từ năm 1968),rồi 2 lần mổ cataract cườm mắt và nhấn mạnh không có gì ghê gớm… để bạn yên tâm. Tuần sau gọi lại, Tường bảo “nhờ ông chỉ” mà mấy hôm nay không còn bị cái ruột sa hành hạ nữa, đỡ quá. Hỏi bao giờ mổ thì Tường bảo tuần sau. Chờ hơn một tuần, tôi gọi thì Tường vui vẻ báo tin “mổ rồi, xong rồi”. Nghe vậy, tôi thở phào, mừng cho bạn nhưng vẫn không dám hỏi bạn về dáng vẻ có vẻ xuống sắc, gầy hơn. Mấy hôm nay theo dõi tin Phạm Bằng Tường mất, thấy một người viết rằng Tường không có bệnh gì, không huyết áp cao, không tiểu đường, tôi bèn tự hỏi vậy Tường mắc bệnh gì mà xuống sắc vậy? Cũng trong các bài viết về Tường, có người viết Tường bị bệnh linh tinh, gọi điện thoại, nhiều khi Tường không trả lời, nên khi Tường bị ngã, vào nhà thương, người đó cũng không biết, và nghĩ chắc là Tường lại đi khám bệnh gì đó. Vậy Tường mắc bệnh “lung tung” đó là những bệnh gì? Ung thư hay tim mạch?
Chuyện này cũng giống trường hợp của tôi, tôi gọi điện thoại trước và sau ngày 15 tháng 2, 2017, không thấy Tường trả lời, tôi thắc mắc nói với nhà tôi, bà ấy bảo “chắc là có chuyện gì, dạo này thấy ông ấy xuống sắc lắm, dám nằm nhà thương lắm”. Tuy thắc mắc về tình trạng sắc diện của Tường nhưng, tôi cũng không dám hỏi vì tôi biết nhiều người sợ bệnh hoạn, nên nếu mình hỏi khi người ta đã cố quên, mình gọi hỏi thăm làm cho người ta phải trở về với thực tại “bệnh hoạn”, người ta sợ hãi, hoảng hốt thì không nên, nên tôi cũng không bao giờ dám hỏi. Ngay ông cậu nhà tôi hút thuốc như hũ chìm, cô con gái lớn và nhà tôi “cằn nhằn” hoài về tật nghiện thuốc, ông cứ cãi bao nhiêu người hút thuốc có bị ung thư đâu. Ông còn nhấn mạnh “tao hút thuốc từ nhỏ đến bây giờ tám mươi mấy tuổi có bị ung thư đâu”. Thấy ông cậu cương đại, tôi đành phải nhắc khéo ông cậu là “cậu ơi, trong khi mổ xác chết lúc học y khoa, chúng cháu thấy nhiều xác có dấu vết ung thư rồi mà chưa phát đó chứ không phải là không có, không mắc”. Hù ông cậu vậy nhưng ông cậu vẫn bướng bỉnh không nghe, còn hút tăng thêm. Rồi một ngày ông cậu lái xe tự dưng tối xầm mặt, không nhìn thấy gì, lao vào hàng rào “công chánh” bên đường, lao xuống rãnh lề đường, bị cảnh sát tịch thu luôn bằng lái xe mà ông vẫn chưa sợ, còn hút hăng hơn nữa cho đến một ngày ông bị bí tiểu, tiểu không được, đưa vào nhà thương, người ta chụp hình thấy ông bị một trái thận bị ung thư “bites mất một mẩu”, phải đặt ống thông tiểu (có lẽ do chỗ thận hư rớt ra, chảy xuống đến chỗ thoát tiểu của bọng đái, không thoát ra được, làm nghẹt ống thoát tiểu. Lúc đó, ông mới thấy hoảng (đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ). Chính vì tình trạng bệnh của ông, nên kỳ này tôi không thăm hỏi, lo lắng gì cho ông như trước, vì sợ khi gặp ông, ông hỏi, rồi mình phải trả lời thật đúng như y khoa mình học, mình biết sẽ làm ông lo sợ, hoảng hốt hơn. Cuối cùng thì cũng phải ghé thăm ông cậu, nói chuyện khác, hay để ông cậu huyên thuyên nói chuyện của ông mà mình không dám chua thêm hay chú thích, phụ đề gì, sợ lỡ miệng làm ông cậu lo thêm… Viết kỹ thêm về trường hợp này, thực ra, tôi cũng nhắm đến những người “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” để khuyên họ nên nghe lời các bác sĩ hướng dẫn mà không nên cãi bướng.
Bây giờ thì bạn Tường đã mất thật, đã ngã và đã hôn mê, đưa vào nhà thương, được mổ trên đầu, có để ống thoát để cho nước và máu, sau khi mổ thoát ra (một người viết: máu chảy ra từ ống thoát từ trong đầu với nhiều chỗ mổ).. Có 3 lý do chính có thể gây ra cái chết cho Tường: 1- Huyết áp cao lên cơn cao máu đột ngột khiến mạch máu đầu bị bể. Nếu mạch máu bị bể lớn, máu chẩy ra ào ạt, không đông được nên bệnh nhân bị hôn mê rất nhanh, 2- Heart Attack (trụy tim, nghẹt mạch máu nuôi tim (coronary artery). Triệu chứng tiêu biểu là đang đi, hay đang ngồi tự dưng lên cơn đau tim, bệnh nhân ngồi vội xuống, ôm ngực. Ta thường gọi cơn đau này là cơn đau thắt tím (angine de poitrine), trị bằng ngậm (dưới lưỡi) viên thuốc nhỏ bằng đầu tăm… 3- Trượt chân ngã: Chuyện này thường xẩy ra trong phòng tắm (trơn trượt) hay bất cứ ở đâu, nhất là với người lớn tuổi, khi tiểu não, cơ quan kiểm soát sự giữ thăng bằng cho cơ thể, lấy lại thăng bằng khi cơ thể bị lảo đảo, loạng choạng bị suy yếu, hư hại (vì vậy khi cần thì phải có dây bám, thanh bám (hand rail) khi di chuyển, nhất là trong phòng tắm hay ở ngoài vườn. Có người ỷ là mình mạnh, có thể bước qua một khoảng cách nhỏ rồi bị cơ thể mất thăng bằng, không gượng được (vì tiểu não đã suy yếu), ngã xuống đập đầu vào thành bồn tắm hay vật cứng nào đó, bể xương sọ, máu chẩy nhiều, đè mô não (óc), làm óc chết. Nên nhớ là óc chỉ thiếu máu nuôi 5 phút là óc chết, mà óc chết thì người hết sống. (tiểu não là phần nhỏ năm dưới cùng)
Nhân tiện cũng xin nhắc là về già, cơ thể có những bất thường, với ngày thường uống 1 viên thuốc trị huyết áp (loại tác dụng kéo dài) là đủ, nhưng có những trường hợp uống 1 viên một lần một ngày không đủ mà phải uống tăng thêm thành 2 viên hay 3 viên một ngày (phải đo huyết áp cẩn thận mỗi khi thấy mặt đỏ, nhức đầu hay nóng mặt bừng bừng… Không cần phải chờ đo máu mới uống thuốc, mà có thể uống thêm 1 viên ttrị huyết áp cao, vì chờ đo máu nhiều khi không kịp, nhất là thuốc viên cần phải có thời gian tan thuốc và ngấm vào máu, làm dãn nở mạch máu, giảm huyết áp (có khi cả tiếng sau thuốc mới ngấm). Nên nhớ: Thuốc uống tăng lên gấp 2, gấp 3 không nguy hiểm chết người, nên khi cần ta cứ uống thêm. 4- Các bệnh khác cũng có thể làm cho bệnh nhân té ngã, gây thương tích cho óc não, chết người.

Tóm lại, trường hợp té ngã của Phạm Bằng Tường không là trụy tim mạch mà là một trong 2 trường hợp huyết áp cao cấp kỳ hay té ngã vì mất thăng bằng hay vấp té vì bác sĩ trong bệnh viện mổ ở phần đầu, không ở ngực (tim).
Phạm Bằng Tường có lần nói về xuất xứ gia đình khi nhân việc tôi nhắc đến Lại Đức Hùng và cụ Lại Đức Chuẩn (nguyên Đại Tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa). Tường cho biết có liên hệ họ hàng với họ Lại và cho biết gia đình họ Lại xuất phát từ vùng Yên Bái (nơi Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng khởi nghĩa chống Pháp năm 1930), như vậy gia đình họ Phạm cũng phát xuất từ Yên Bái và khi di cư vào Nam năm 1954, gia đình định cư ở vùng Tây Ninh, nên sau này gia đình theo đạo Cao Đài. Có lẽ vì vậy, Phạm Bằng Tường là người chống cộng và tham gia tổ tình báo chống VC tại các trường Đại Học tại Saigon.
Bạn Tường ơi! Bạn đã làm tròn bổ phận với tổ quốc, bạn đã âm thầm đảm nhiệm những công tác nguy hiểm ngay trước mặt kẻ thù cộng sản. Nay bạn đã ra đi, chắc là đã gặp Cao Sơn nơi cõi trời khác. Cầu mong hai bạn sẽ bình an tâm hồn trong cõi miên viễn.
Tôi và nhà tôi thành thật chia buồn với Kim Chi và các cháu Phạm Tài Hiển, Phạm Hồng Ân. Cầu mong Kim Chi và các cháu sẽ vượt qua được những đau khổ, nhớ thương trong đời thường để tiếp tục cuộc sống và làm công tác thiện nguyện… Cám ơn bạn “đồng nghiệp báo giới” Nguyễn Xuân Nam đã loan báo và viết nhiều về bạn Phạm Bằng Tường…
San Jose 2-3-2017
BS Thượng Quân Lê Văn Sắc

SAN JOSE TỪ NAY VẮNG PHẠM BẰNG TƯỜNG
Trần Củng Sơn
Buổi tối thứ tư 15-2-2017, tôi phôn cho anh Phạm Bằng Tường để hỏi thăm, không ai trả lời. Sau đó tôi nhận tin nhắn lúc 7 giở 30 tối: Tôi đang ở bệnh viện vì cảm cúm ói mửa nên không thể trả lời dt được.
Trong lòng tôi băn khoăn và cảm động, anh PBT đang bệnh mà cũng ráng trả lời qua tin nhắn. Tôi định nhắn tin câu chúc bình an, nhưng lại nghĩ rằng để cho anh tịnh dưỡng nên thôi. Và trong điện thoại của tôi vẫn còn lưu giữ lời nhắn cuối cùng đó.

Và sau đó một hai ngày nghe tin anh bị tai biến xuất huyết não, hôn mê rồi ra đi vĩnh viễn vào thứ năm 23-2-2017.
Biết anh Phạm Bằng Tường nhiều năm trước, trao đổi vài câu chuyện lan man mọi điều. Mấy năm sau này, anh bắt đầu viết một số bản tin về thời sự ở San Jose đưa lên mạng, gởi email cho bằng hữu khắp nơi.
Là người đã từng học đại học Vạn Hạnh trước năm 1975, anh sinh hoạt trong nhóm sinh viên Vạn Hạnh ở hải ngoại, cho nên anh lấy email là Tuongphamvh@yahoo.com. Email này từ nay cùng anh giã từ bằng hữu.
Một số người gọi anh là ký giả tự do, tôi lại nghĩ rằng anh không hành nghề này vì đâu có lãnh lương tờ báo nào. Anh chỉ là người biết chuyện, viết vài dòng kể lại rồi qua thư điện tử email chuyển cho bạn bè xa gần xa, đọc cho vui.
Với trình độ đại học khoa nhân văn ở trường đại học Vạn Hạnh thì bút pháp và kiến thức của anh Phạm Bằng Tường giúp cho bản tin trung thực, chữ nghĩa gọn gàng và người đọc thưởng thức.
Cũng giống như bút hiệu Thư Sinh Phạm Tài Tấn, cựu sinh viên đại học Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975, sở học đó đã làm ngòi bút Thư Sinh nở hoa ở Thung Lũng Hoa Vàng San Jose.
Mấy năm sau này, tôi thỉnh thoảng uống cà phê với Thư Sinh và Phạm Bằng Tường, vì anh PBT lái xe chở anh Thư Sinh. Chúng tôi bàn chuyện văn nghệ, thời sự đủ loại và nhất là chuyện San Jose.
Hội ái hữu nhà báo San Jose có quan tâm đến một vài người ký giả đau bệnh, tìm cách giúp đỡ. Nhưng không ai ngờ rằng anh Phạm Bằng Tường, thấy lúc nào cũng khỏe mạnh, lại ra đi bất ngờ.
Giã biệt anh Phạm Bằng Tường, San Jose – Thung Lũng Hoa Vàng- mùa hoa cải vàng đang nở rộ, hoa đào cũng khoe sắc thắm. Chợt nhớ tới câu thơ Đường có mấy chữ Yên Hoa Tam Nguyệt- tháng ba hoa khói mà Ngô Tất Tố dịch là Giữa Mùa Hoa Khói và phóng tác hai câu nhớ anh Phạm Bằng Tường :
“ Bạn ta từ biệt lên đường. Giữa mùa hoa khói bao người tiếc thương. “

San Jose- Tháng Ba Hoa Khói
1 tháng 3 năm 2017 

Lời Từ Giả
(nhớ Phạm Bằng Tường)

Hôm nay tôi đến đưa anh đi
Chuyến đi cuối trong cuộc đời dâu bể
Cùng anh em thắp nén nhang thơm
Một lời tiển biệt và một lời cảm ơn
Những gì chúng ta từng có.

Nhớ lại coi! À, chúng ta quen nhau
Bao lâu rồi nhỉ?
Có thể nhiều thế kỷ, hay vài ba năm?
Thật ra không còn cần thiết
Trong giờ tử biệt phải vậy không !
Nhưng là duyên tri ngộ.
Cái tánh cách mới là điều quan trọng
Đã ra đi mà như còn lại trong nhau
Có trước có sau
Đó là bản lai nguyên thủy.
Anh đúng là bạn, nếu không là tri kỷ
Cũng là duyên ta đến với nhau
Hiền, tốt bụng, anh là như thế
Chẳng bao giờ tôi nghe anh kể
Về cuộc đời anh
Nhưng đó đây bạn hữu nói về anh,
Tôi biết (tuy không rành)
Cuộc đời anh nói ít làm nhiều
Anh thể hiện ra bằng hành động.
Nhớ xưa khi đất nước loạn ly
Anh vào tuổi thanh niên
Anh tham gia hoạt động
Thanh Niên Á Châu chống Cộng
Chi hội Viện Đại Học Vạn Hạnh
Anh có mặt trong những giờ sôi động
Sân trường đại học Văn Khoa…
Anh là chứng nhân
Anh là người trong cuộc
Tên anh bị (được) kẻ thù lên án tử hình.

Rồi đất nước qua phân,
Mất vào tay cộng sản.
Lưu lạc xứ người làm lại cuộc đời
Xây dựng từ đầu mọi sự
Con cái nên người, Vợ chồng hạnh phúc…
Anh không cam lòng cúi mặt lặng yên
Không còn là tuổi thanh niên
Bầu nhiệt huyết vẫn còn
Anh bước ra với cuộc đời
Đứng chung với đồng hương tỵ nạn
Tham gia các hoạt động
Giúp các cụ già, khuyến khích tuổi thơ
Giữ sổ sách giấy tờ Quỹ Tương Tế người Việt
Thiện nguyện viên Giáo Chức phát thưởng
Cùng với bạn bè vận động bầu cử
Cổ động thiếu nữ Việt mặc áo dài
Xuống đường biểu tình
Tham gia viết báo đưa tin…
Có ai biết anh ở tuổi “cổ lai hy”
Vẫn cười nói hoạt động như thanh niên…
Nhưng…sanh lão bệnh tử
Mấy ai tránh khỏi…số phận chẳng chừa ai
Và sáng thứ Sáu nghe tin dữ
Anh vào bệnh viện …mạch máu não trật đường
Tai ương sao mà đến vội thế!
Anh nằm đó ư? Anh Phạm Bằng Tường!
Lồng ngực anh phập phồng
Nhưng không do Lá phổi anh thở
Biết nói làm sao??? Trời ở trên cao
Mà mặt đất thật gần,
Đành chịu!

Vẫn biết như người ta nói “sống gửi thác về”
Nhưng tôi chịu không được
Thương cho anh quá chừng
Vì anh đi mà không nói một điều chi
Anh ngã xuống đất và anh lặng lẻ ra đi
Không lời từ biệt.
Cũng đành…hôm nay đến đưa anh
Viết vội đôi dòng
Chia buồn cùng tang quyến
Cầu nguyện Đấng Chí Tôn
Đưa linh hồn anh về chốn Vĩnh Hằng.
Xin từ biệt.

Lê Bình
(2/3/2017 tại San Jose lúc 5:00pm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét