Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Nhiều giới ở Việt Nam tiếp tục chết dần, chết mòn vì FTA

clip_image002
Gian hàng bán trái cây trong một ngôi chợ ở Hà Nội. Trái cây Trung Quốc, Thái, Úc, New Zealand tràn lan nên nhiều nơi khiến nông dân Việt Nam phải đổ rau, củ, trái cây cho bò ăn. (Hình: Getty Images)
<!>
 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cả doanh giới lẫn nông dân cùng điêu đứng vì hàng hóa và nông sản từ ngoại quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam sau khi hàng loạt Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) được ký kết thiếu suy xét.
Bộ Công Thương cho biết, hai tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu khoảng $3.5 tỉ, trong đó có một điểm đáng chú ý là so với cùng kỳ năm ngoái, những loại hàng hóa cần kiểm soát và hạn chế nhập cảng đều tăng vọt. Ví dụ so với cùng kỳ năm ngoái, hàng tiêu dùng, rau, củ, trái cây tăng tới 67.1%; xe hơi dưới chín chỗ tăng 96.6%; sắt thép phế liệu tăng 153.7%.
Trong khi nông dân trên khắp Việt Nam liên tiếp đổ bỏ đủ loại rau, củ, trái cây, gia cầm, gia súc chết già cả vì hệ thống phân phối nôi địa quá tệ lẫn bị động trong xuất cảng thì đủ loại trái cây tương tự từ Trung Quốc, Úc, New Zealand, … ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam. Theo những gì mà FTA và Việt Nam ký thì từ 2015, rau, củ, trái cây từ Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam không phải trả thuế nhập cảng từ năm 2015. Sang năm, sẽ tới lượt rau, củ, trái cây của Úc, New Zealand,… hưởng thuế xuất nhập cảng là… 0%!
Năm nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về kim ngạch nhập cảng của Việt Nam. Hai tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập cảng của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc tăng thêm khoảng 24%.

Báo chí Việt Nam dẫn một phân tích của Tổng cục Hải quan cho thấy cơ cấu hết sức phi lý của hàng hóa nhập cảng. Chẳng hạn, tính từ đầu năm đến giữa tháng này, Việt Nam chi $133 triệu cho nhập cảng rau, củ, trái cây. Khoảng $90 triệu cho nhập cảng thịt. Khoảng $70 triệu cho nhập cảng các loại thực phẩm đã được chế biến. Khoảng $29 triệu cho bánh kẹo và các sản phẩm làm từ ngũ cốc…

Mục tiêu của FTA là mở cửa các thị trường cho hàng hóa lưu thông dễ dàng. Trong khi các quốc gia hoặc các khối quốc gia ký kết FTA để mở rộng thị trường xuất cảng cho hàng hóa của họ, tạo thêm việc làm cho dân chúng, gia tăng nguồn thu, lợi tức từ xuất cảng thì dường như Chính phủ Việt Nam ký kết các FTA chỉ nhằm khoe “bản lĩnh và năng lực” bởi đã… ký được nhiều FTA.
Khi gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia được dồn cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đã vừa nhỏ, vừa yếu lai phải gánh thêm đủ loại chi phí nên giá thành cao nên các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập cảng họ chết dần, chết mòn trong dòng lũ hàng hóa nhập cảng ngay tại “sân nhà.”
Trừ việc dùng các FTA mở toang cửa cho hàng hóa ngoại quốc tràn vào Việt Nam, đến nay, Chính phủ Việt Nam chưa làm bất cứ điều nào hữu ích để hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng xâm nhập các thị trường ngoại quốc.
Cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế về việc ký quá nhiều FTA, bất chấp nội lực của Việt Nam đã kém lại thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho kinh tế Việt Nam giờ đã trở thành một thảm họa thật sự.
Hồi đầu Tháng Mười Một năm ngoái, khi tường trình về ngân sách quốc gia với Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính từng giải thích, một trong những lý do khiến bội chi trở thành trầm trọng là vì các nguồn thu giảm đáng kể và một trong những lý do khiến các nguồn thu giảm đáng kể là vì tác động của các FTA mà Việt Nam ký kết. Tính đến cuối Tháng Mười, thuế xuất – nhập cảng, một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách của Việt Nam chỉ đạt được 65% mức dự trù.
Một số chuyên gia kinh tế từng than rằng, Việt Nam nhượng bộ rất nhiều để có thể ký kết các FTA nhưng các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới khai thác được FTA ký với Nam Hàn – khoảng 73% chứng nhận xuất cảng sang Nam Hàn được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên đa số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi trong số 73% này là doanh nghiệp Nam Hàn đầu tư vào Việt Nam, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam!

Những chuyên gia kinh tế đó nhiều lần nêu thắc mắc là nếu doanh nghiệp Việt Nam không hưởng được chút lợi lộc nào thì đàm phán – nhượng bộ – ký kết các FTA để làm gì (?) nhưng không có viên chức hữu trách nào thèm trả lời!
Trong bối cảnh ngân sách thất thu trầm trọng, bội chi tăng nhanh và mạnh thành ra phải liên tục vay mượn thêm để chi tiêu, Bộ Tài chính Việt Nam đã ra lệnh cho ngành thuế phải… nỗ lực hơn nữa trong việc tận thu, các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã khốn khó lại càng khốn khó hơn. (G.Đ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét