Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (T) họp báo chung với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị sau cuộc hội đàm tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh ngày 18/03/2017.REUTERS/Mark Schiefelbein/
Tự do thương mại, bảo hộ mậu dịch, tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống Pháp là một số chủ đề trang nhất của các báo Pháp. <!>Nhưng trước hết, xin giới thiệu những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Trung, nhân chuyến công du đông bắc Á của ngoại trưởng Mỹ, qua vở kịch ngắn « ba hồi » của Les Echos.
Bài « Trung Quốc tránh làm căng với Hoa Kỳ » nhận xét : căng thẳng Mỹ-Trung đột ngột chùng xuống hôm Chủ nhật 19/03, qua « những lời lẽ thân thiện » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cho dù chỉ trước đó ít giờ, chính quyền Mỹ đã có « những phát biểu mang tính tấn công, đầy tính toán » nhắm vào Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Hồi thứ nhất : Trong chặng dừng chân tại Hàn Quốc, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố chính sách được gọi là « kiên nhẫn chiến lược » của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã chấm dứt, và giờ đây mọi giải pháp mới sẽ được xem xét, trong đó không loại trừ « biện pháp quân sự », nếu Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân « đến mức » Washington cho rằng cần phải phản ứng.
Hồi thứ hai : Chỉ ít giờ sau phát biểu của ngoại trưởng, đến lượt tổng thống Trump tung lên Twitter một thông điệp cáo buộc Bắc Kinh « ít nỗ lực » để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Theo Les Echos, hồi thứ ba của vở kịch, với đặc điểm là hai bên tìm cách sưởi ấm quan hệ, « có thể » đã bắt đầu diễn ra tại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua. Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh được xem là để chuẩn bị cho cuộc gặp tay đôi đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ - Trung tại Mar-a-Lago, Florida. Việc khu nhà nghỉ của Donald Trump được lựa chọn có thể giúp cho quan hệ Mỹ - Trung ấm lại, sau những căng thẳng lạnh giá trước kỳ nghỉ cuối tuần này.
Không thiếu vấn đề khiến quan hệ song phương căng thẳng. Trong khi tổng thống Trump đe dọa thiết lập nhiều thuế mới với hàng nhập khẩu Trung Quốc để trừng phạt, thủ tướng Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn khi tuyên bố không muốn « chiến tranh kinh tế ». Về phần mình, Bắc Kinh phản đối dữ dội hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc để đề phòng vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Theo Les Echos, trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, « quân bài đã được chia để chuẩn bị cho đợt mặc cả lớn ». Bắc Kinh có thể tác động mạnh hơn đến Bình Nhưỡng, với điều kiện hệ thống lá chắn tên lửa không được triển khai. Tuy nhiên, « ít có khả năng » Washington chấp nhận. Điều này lại càng khó khi có một ẩn số lớn, có thể làm thay đổi mọi thứ. Chỉ cần Bình Nhưỡng tiếp tục có các động thái mới, các thương lượng Mỹ - Trung ngay lập tức sẽ trở nên vô hiệu.
Chuyên gia Nhật : Đưa Bắc Triều Tiên tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân quân sự
Về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Le Monde phỏng vấn một chuyên gia quan hệ quốc tế Nhật Bản. Giáo sư Kazuto Suzuki cho rằng : « Chúng ta phải chấp nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân ». Chuyên gia Kazuto Suzuki từng là thành viên nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Iran. « Bình Nhưỡng hiện trơ lì trước các áp lực chính trị và kinh tế », vấn đề là làm thế nào để vũ khí hạt nhân trong tay Bắc Triều Tiên không đe dọa các nước trong khu vực và quốc tế.
Chuyên gia Nhật không tin rằng các cố vấn quân sự của tổng thống Mỹ ủng hộ giải pháp « quân sự », bởi kịch bản này sẽ dẫn đến « một cuộc chiến tranh hạt nhân » khu vực. Mặt khác, ông Kazuto Suzuki cũng khẳng định khả năng Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân là « giới hạn », và chỉ là « lựa chọn của kẻ cùng đường ». Điều nên làm, theo ông, là đưa Bắc Triều Tiên tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, bởi hiểm họa lớn nhất ở đây là Bắc Triều Tiên – do túng tiền – có thể « bán công nghệ hạt nhân cho bất cứ ai ».
Vũ khí hạt nhân : Giai đoạn chạy đua mới
Cũng trong hồ sơ hạt nhân, báo Le Monde, có bài giới thiệu về các nỗ lực chạy đua tăng cường sức mạnh hạt nhân của năm thành viên Hội Đồng Bảo An (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) và một số cường quốc hạt nhân khu vực (Israel, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên), trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc chuẩn bị mở ra loạt thương thuyết đầu tiên về cấm vũ khí hạt nhân, kể từ ngày 27/03.
Theo các chuyên gia, các cường quốc đang bước vào kỷ nguyên hạt nhân quân sự thứ ba (sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, với mục tiêu hủy diệt lẫn nhau, và thời kỳ giải trừ hậu Chiến tranh Lạnh những năm 1990 – 2000). Một đặc điểm của giai đoạn hiện nay là các bên tăng cường lực lượng hạt nhân từ tàu ngầm, có khả năng vượt qua mọi hệ thống lá chắn, bất ngờ tấn công đối phương vào bất cứ thời điểm nào.
G20 : « Cú lắc đầu lịch sử của Mỹ »
Lần đầu tiên kể từ năm 2005, các cường quốc kinh tế G20 đã không đưa được cam kết « chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch » vào tuyên bố chung, sau 48 giờ thương thuyết căng thẳng. Báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh « cú sốc tại G20 sau khi Hoa Kỳ ngăn chặn nguyên tắc tự do mậu dịch ». Trong hội nghị tại Baden-Baden, Đức, cuối tuần trước, cũng không có một đồng thuận nào về tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Khí hậu COP21 không được nhắc đến trong tuyên bố chung.
Bất bình trước thái độ của Mỹ, bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Pháp Michel Sapin nhấn mạnh, đây không phải là bất đồng của G20, mà là « giữa một quốc gia với tất cả các nước còn lại ». Về phía tân chính quyền Mỹ, mối quan tâm trước hết là « giảm thâm hụt thương mại » khiến Washington muốn xem xét lại các quy tắc hiện hành.
Theo Les Echos, Hoa Kỳ muốn xem xét lại toàn bộ luật chơi thương mại quốc tế, từ hơn nửa thế kỷ nay vốn dựa trên nguyên tắc đa phương, với định chế tiêu biểu là Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - WTO. Tại Badan-Baden, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Steven Mnuchin bình luận WTO đã « lạc hậu », và cần phải được « đàm phán lại ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét