Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Quan Hệ Việt – Mỹ sẽ ra sao dưới thời Tổng Thống Donald Trump ? - Nguyễn Quốc Khải

alt

Với Trump, chỉ có tiền, bất kể đồng tiền kiếm được bẩn hay sạch.
Nguồn: Brigette Supernova/The Daily Beast
Hiện nay còn quá sớm để có một nhận định rõ ràng về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với chính quyền của Tổng Thống Donald Trump. Nhưng cũng không phải là quá sớm để bắt đầu theo dõi một cách nghiêm túc quan hệ này. 
<!>

1) Tiếp xúc dầu tiên giữa Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thống Trump 

Sau gần một tháng cầm quyền, chính quyền của Tổng Thống Trump chưa có một chính sách nào rõ ràng đối với Việt Nam và Á Châu và cũng chưa một dấu hiệu cụ thể nào cho thấy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ xấu đi hay tốt hơn trong bốn năm tới, nhưng chắc chắn nó sẽ thay đổi. Trong lần tiếp xúc đầu tiên giữa Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với Ô. Trump qua cuộc điện đàm nhân dịp ông này vừa đắc cử tổng thống cho nhiệm kỳ 2017-2020, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng ngỏ ý muốn tăng cường quan hệ mật thiết giữa hai nước. Ô. Trump đã ca ngợi những thành quả mà Việt Nam đã đạt được cũng như những phát triển tích cực của mối liên kết song phương.

Cuộc tiếp xúc đầu tiên này xem ra chỉ là một nghi thức ngoại giao. Chính quyền Trump đã tại chức chỉ được hơn 4 tuần. Chúng ta cần một thời gian để biết những thay đổi sắp đến. Tạm thời Ô. Ted Osius sẽ tiếp tục làm đại sứ tại Hà Nội vì ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nên đã không phải buộc bị từ chức như những vị đại sứ khác được bổ nhiệm như một chức vụ chính trị (political ambassador / non-career ambassador). Tuy nhiên Ô. Osius đã làm đại sứ ở Việt Nam đã trên hai năm kể từ ngày 16-12-2014. Nay đã đến lúc ông có thể được thuyên chuyển đi nơi khác.


2) Những biến chuyển gần đây liên quan đến Việt Nam và Hoa Kỳ

Trong khi chờ đợi, chúng ta cần theo dõi những biến chuyển liên quan đến Việt Nam để dự đoán quan hệ giữa hai nước. 

Vào đầu tháng 10, 2016, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, hai tàu Hải Quân Hoa Kỳ, khu trục hạm USS John S. McCain và tàu ngầm trải giây cáp USS Frank Cable, đã tiến vào hải cảng quốc tế Cam Ranh nhân dịp hai nước kỷ niệm 21 năm tái lập bang giao. Giữa tháng 12 năm 2016 một chiến hạm thứ ba của Hoa Kỳ, khu trục hạm trang bị tên lửa USS Mustin, cũng đã viếng thăm hải cảng Cam Ranh, một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác quốc phòng tăng cường giữa hai quốc gia.

Vào giữa tháng 1, 2017, đại công ty năng lượng Exxon-Mobil và công ty quốc doanh PetroVietnam đã ký kết một dự án khai thác khí đốt trị giá 10 tỉ Mỹ kim có tên là Cá Voi Xanh (Blue Whale). Mỏ này được ước tính chứa 150 tỉ thước khối khí đốt thiên nhiên, lớn gấp ba lần khối lượng khí đốt của dự án ở phía Nam đảo Côn Sơn đang được khai thác bởi Nga và Việt Nam.

Theo dự án Cá Voi Xanh, Exxon-Mobil sẽ xây một đường ống dài 88 km để dẫn khí đốt từ Biển Đông ngoài khơi tỉnh Quảng Nam vào nội địa. PetroVietnam sẽ xây bốn nhà máy sản xuất năng lượng và sẽ có khả năng cung cấp được 3 tỉ watts. Trong giai đoạn bành truớng dự án Cá Voi Xanh sẽ cung cấp một lượng khí đốt để sản xuất 5.7 tỉ watts và phó sản dầu hỏa như dầu xăng, dầu lửa, và dầu mỡ. Dự án Cá Voi Xanh sẽ cung cấp cho Việt Nam một số lợi tức khoảng 20 tỉ Mỹ kim.

Trước đây Exxon-Mobil đã hủy bỏ ý định thực hiện dự án Cá Voi Xanh vào năm 2011 sau khi Trung Quốc đe dọa những công ty khai thác trong vùng tranh chấp. Mặc dù mỏ dầu khí Cá Voi Xanh nằm trong vùng kinh tế đặc biệt của Việt Nam (exclusive economic zone – EEZ), nhưng nó cũng nằm trong khu vực chín đoạn mà Trung Quốc cho là của họ. Một số công ty đa quốc gia khác cũng đã bỏ dở các dự án với Việt Nam dưới áp lực của Trung Quốc vào thời điểm này.

Trước đó, vào 2007, cũng do áp lực của Bắc Kinh, tập đoàn dầu khí Anh Quốc British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại Nam Côn Sơn. Hai năm sau đó BP chính thức rút khỏi dự án khai thác nhiên liệu ở Biển Đông.

Trong khi đó, bất chấp Trung Quốc đe dọa, Ấn Độ tiếp tục thăm dò và khai thác dầu ở Biển Đông từ nhiều năm qua. Vào tháng 9, 2014 Ấn Độ và Việt Nam đã thỏa thuận gia tăng hợp tác này nhân dịp Tổng Thống Ấn Độ Pranab Mukherjee viếng thăm Việt Nam. Công ty ONGC Videsh đang hoạt động trong khu 128 ngoài khơi Phan Thiết. 

Theo chân Ấn Độ, cựu Ngoại Trưởng John Kerry đã giúp hồi sinh dự án Cá Voi Xanh trước khi chính quyền Obama chấm dứt nhiệm kỳ. Trong lần viếng thăm Việt Nam lần cuối vào giữa tháng 1 năm 2017 với tư cách là ngoại trưởng, Ô. Kerry đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Việt Nam về dự án Cá Voi Xanh.

3) Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) giữa 12 nước trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ đã được chánh phủ của những nước này thỏa thuận vào tháng 2, 2016 sau 7 năm thương thuyết nhưng chưa được quốc hội hay nghị viện của các quốc gia thành viên ngoại trừ Nhật Bản chấp thuận. Nay Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP, hiệp định này khó có thể thành hình dù tất cả 11 nước còn lại đồng ý vì Hoa Kỳ là một nước lớn có một nền kinh tế chiếm 62% của tổng số GDP của cả 12 nước. Nhật là nước lớn thứ hai với GDP chiếm 16%. TPP chỉ có hiệu lực khi các quốc gia còn lại có GDP chiếm ít nhất 85% GDP của 12 nước thành viên. 

Theo những cuộc nghiên cứu trước đây, TPP sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng 11% hay 36 tỉ Mỹ kim, xuất cảng tăng 28% trong vòng 10 năm từ 2015 – 2025 nhờ đầu tư đổ vào Việt Nam và giảm thuế nhập cảng. Nay TPP không thành hình, Việt Nam mất những cơ may này. Việt Nam sẽ phải tiếp tục lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, vắng bóng TPP, Việt Nam sẽ không chịu áp lực để cải thiện công ty quốc doanh, môi trường, quyền lao động, cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập và quyền lập hội nói chung, một điều cơ bản của xã hội dân sự.

TPP không những giúp cho kính tế của 12 nước thành viên và thế giới phát triển mà nó còn tạo ảnh hưởng ngoại giao và chính trị tích cực trong vùng Á châu và Thái Bình Dương. Nay rút lui khỏi TPP, Hoa Kỳ sẽ đánh mất những ảnh hưởng này và tạo một khoảng trống cho Trung Quốc nhẩy vào thay thế. Thật vậy, các nước như Phi Luật Tân và Mã Lai gần đây đã có dấu hiệu tiến gần Trung Quốc hơn. Úc châu và Tân Tây Lan đã bầy tỏ hi vọng là có thể mời Trung Quốc và các quốc gia Á châu khác tham gia TPP. Chile đã mời các bộ trưởng TPP, Trung Quốc và Hàn Quốc để thảo luận về việc cứu nguy TPP.

Trong bài báo nhan đề “Hoa Kỳ có thể để mất Đông Á vào tay Trung Quốc” (U.S. may be losing East Asia to China), phổ biến trên tờ báo Japan Times, ngày 19-12-2016, Ô. Bob Savic, một chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Toàn Cầu (Global Policy Institute) Anh Quốc, nhận xét rằng thuyết giây truyền domino đang tiến hành tại Đông Á qua chiều hướng ngoại giao chuyển trục từ Hoa Kỳ qua Trung Quốc và ngay cả Nga ở mức độ ít hơn. Phi Luật Tân và Mã Lai theo chân Lào, Campuchia, Thái Lan ngả theo Trung Quốc và giữ khoảng cách với Hoa Kỳ.

Có thể do sự lo ngại “liệu các quốc gia trong khu vực còn có thể tin cậy Mỹ sẽ can thiệp giúp nếu các nước này bị đe dọa bởi Trung Quốc ngày càng mạnh” khiến cho các quốc gia này tìm cách xa lánh Hoa Kỳ. Đây là một câu hỏi Bà Carrie Gracie, một biên tập viên của BBC, đã nêu lên trong bài báo “U.S. Leaving TPP: A Great News Day for China” ngày 22-11-2016.

Trong bài “TPP is dead. What now?” (nghĩa là: TPP đã chết. Bây giờ là cái gì?) phổ biến trong tạp chí The National Interest, ngày 25-1-2017, Kinh Tế Gia Samuel Rines bình luận rằng Hoa Kỳ không những mất tín nhiệm ở Á châu, một vùng đông dân nhất thế giới, mà còn ở những nước lân cận với Hoa Kỳ như Canada, Mễ Tây Cơ, Chile, và Peru. Hoa Kỳ tháo lui trong lãnh vực thương mại cũng như ảnh hưởng trên thế giới.

4) Ngoài TPP Tổng Thống Trump còn muốn duyệt lại những hiệp định thương mại đa phương khác như Hiệp Định Thương Mại Tư Do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement – NAFTA). Ảnh hưởng của việc này như thế nào đối với thế giới và Việt Nam?

Với khẩu hiệu “America First”, Hoa Kỳ chủ trương giảm nhập cảng và tăng xuất cảng. Một trong những biện pháp giảm nhập siêu mà TT Trump đã đề cập tới là tăng thuế nhập cảng và giảm thuế hay trợ cấp hàng xuất khẩu. Chính sách này được gọi là bảo hộ mậu dịch sẽ gây ảnh hưởng đến sự mua bán giữa các nước trên toàn thế giới, không riêng gì với Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ theo chính sách bảo hộ thương mại, nhiều nước cũng sẽ làm theo. Hậu quả là hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ đắt hơn và ngoại thương của thế giới sẽ giảm. Khẩu hiệu “America First” xem ra mua chuộc được cử tri Hoa Kỳ, nhưng lại gây bất lợi ngoại giao trên chính trường quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Wall Street Journal, Ô. Trump nhận xét rằng đồng Mỹ kim quá mạnh làm cho hàng Mỹ đắt, khó cạnh tranh. Trường hợp ngược lại là Trung Quốc giữ đồng Nhân Dân tệ thấp, khiến cho hàng Trung Quốc rẻ và trị giá hàng xuất cảng tăng gấp bội so với nhập cảng. Do đó, cán cân thương mại của Trung Quốc thặng dư với Hoa Kỳ và các nước rất lớn. Tuy nhiên cho tới nay, người ta chưa biết chính quyền Trump có chủ trương giảm trị giá của đồng Mỹ kim xuống không, hay tiếp tục giữ cho đồng Mỹ kim mạnh như dưới các chính quyền trước đây.

5) Hoa Kỳ xem ra cứng rắn hơn với Trung Quốc về Biển Đông? Việc này ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?

Tân Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, nguyên là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành của Exxon – Mobile, đã từng đe dọa Trung Quốc về Biển Đông trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ để được phê chuẩn làm ngoại trưởng. Ông tuyên bố sẽ bao vây những đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây bất hợp pháp trong vùng biển tranh chấp để ngăn cấm Trung Quốc tiếp cận những đảo này. Cho đến nay Trung Quốc chưa có một lời phê phán chính thức nào về dự án Cá Voi Xanh, ngoại trừ một ý kiến đăng trên tờ báo China Daily lên án hành động này là “thiển cận”, “khờ khạo”, và “quái dị”.

Trước khi nhậm chức tổng thống, chính Ô. Trump cũng đã từng lên án Trung Quốc xây các căn cứ quân sự ở Biển Đông. Trong buổi họp báo đầu tiên, Phát Ngôn Viên Sean Spicer của Nhà Trắng đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông.

Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis trong cuộc viếng thăm Nhật và Nam Hàn vào đầu tháng 2 năm 2017 đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật quốc tế và giải quyết những tranh chấp qua trọng tài thay vì áp bức. Ông Mattis tuyên bố “Chúng tôi đã theo dõi Biển Nam Hải bởi vì Trung Quốc đã làm đổ vỡ sự tin cậy của các quốc gia trong vùng, rõ ràng Trung Quốc muốn có quyền phủ quyết trên các vấn đề an ninh và kinh tế của các nước lân cận. Nếu chúng ta có tranh chấp, chúng ta cần trọng tài – chúng ta không giải quyết bằng vũ lực.”

Ô. Mattis gạt bỏ bất cứ “động thái quân sự sâu xa” (dramatic military maneuvers) nào về phía Hoa Kỳ, nhưng tái xác nhận quyền tự do đi lại trong hải phận quốc tế của các tàu hải quân hay thương mại cho dù Trung Quốc nghĩ trái ngược. Theo kế hoạch chuyển trục qua Á châu, Hoa Kỳ sẽ điều động 60% lực lượng Hải Quân qua vùng Thái Bình Dương, trong đó có ít nhất 6 trong tổng số 10 hàng không mẫu hạm nguyên tử của Hoa Kỳ trong tương lai gần.

Vào lúc đang viết bài nhận định này, tác giả nhận được tin Tổng Thống Trump gửi thư cám ơn và chúc Tết Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 8-1-2017. Nhà Trắng cho biết thêm rằng Tổng Thống Trump trông đợi hợp tác với Chủ Tịch Tập Cận Bình để cùng phát triển mối quan hệ xây dựng có lợi cho cả hai nước. Nội dung lá thư này xem ra trái ngược hẳn với nhiều lời phát biểu chống Trung Quốc trước đây của Ô. Trump. Một ngày sau, trong cuộc nói chuyện lâu dài qua điện thoại, Ô. Trump đã đồng ý tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” trái với lời đe dọa trước đây theo lời yêu cầu của Ô. Tập Cận Bình. Đôi bên hứa hẹn gặp gỡ vào lúc sớm nhất và thuận tiện nhất.

Trong buổi họp báo vào ngày 10-2-2017, sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe họp chính thức lần đầu tiên tại White House, khi Ký Giả Nhật Takita của báo Sankei Shimbun hỏi về phản ứng của Hoa Kỳ trước lập trường cứng rắn của Trung Quốc về Biển Đông và Biển Nam Hải, Ô. Trump chỉ nhắc lại cuộc nói chuyện lâu dài và vô cùng ấm cúng giữa ông và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm qua. Ông Trump nói thêm rằng Hoa Kỳ cũng đang tiếp xúc với nhiều đại diện khác nhau của Trung Quốc, mọi sự diễn tiến tốt đẹp và sẽ có lợi cho mọi người, kể cả Trung Quốc, Nhật, và Hoa Kỳ.

Tóm lại cả ba nhân vật diều hâu chủ chốt ấn định chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nay đều đột nhiên dịu giọng với Trung Quốc. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng cám ơn lá thư của Tổng Thống Trump và nói với các ký giả rằng “Hai nước chia sẻ nhiều quyền lợi chung và hợp tác là đường lối đúng duy nhất”. 

Lập trường rõ ràng hơn của những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ chắc hẳn làm cho Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á yên tâm hơn để biết cách đáp ứng. Việt Nam từng tuyên bố ủng hộ sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ ở Biển Đông, muốn dựa vào thế lực của Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên Việt Nam xem ra không muốn rơi vào thế kẹt trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và do đó sẽ tiếp tục chính sách mềm dẻo với Trung Quốc. Trong khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry viếng thăm Việt Nam vào giữa tháng 12 năm 2017, Tổng Bí Thư CSVN qua thăm Bắc Kinh theo lời mời của Tổng Bí thư, kiêm Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong dịp này hai bên đã ra thông cáo chung và ký 15 văn kiện tăng cường hợp tác giữa hai nước về nhiều lãnh vực khác nhau. 

Tuy nhiên việc thay đổi lập trường nhanh chóng của Ô. Trump và những người phụ tá bị chỉ trích nặng nề. GS Amital Etzioni của George Washington University viết trong một bài bình luận phổ biến trên tạp chí Diplomat rằng “Thế giới bây giờ nên làm quen với một ông tổng thống và chánh quyền nói trước và (có thể) sẽ suy nghĩ sau. Tổng Thống Donald Trump đã tạo dựng một hồ sơ gồm nhiều lời tuyên bố phản ảnh cảm tính nhất thời hoặc một điều phật ý hoặc dữ kiện tưởng tượng, nhưng không phải là chính sách được suy nghĩ chín chắn.” 

Uy tín của Hoa Kỳ đã bị giảm khá nhiều trong chưa đầy một tháng qua. GS Etzioni hy vọng, một khi ban tham mưu về ngoại giao của Ô. Trump thành hình, sẽ nhận thức được rằng quyền lợi của Hoa Kỳ không nằm ở những hòn đảo ở Biển Đông, mà ở phương cách làm việc với Trung Quốc để kiềm chế khả năng bành trướng nguyên tử của Bắc Hàn, thay đổi khí hậu, nhóm khủng bố Jihadist, và giúp phát triển kinh tế thế giới. Rõ ràng đây không phải là ưu tiên của Việt Nam.

Trả lời cuộc phỏng vấn của đài truyền hình China Global Television Network vào ngày 23-1-2017, Ô. Kevin Rudd, Chủ Tịch của Asia Society Policy Institute, nguyên là Ngoại Trưởng và Thủ Tướng Úc, đã nhận định rằng, qua chiến dịch tranh cử nặng về vấn đề nội bộ và kinh tế, Ô. Trump sẽ nhìn Trung Quốc chủ yếu qua lăng kính kinh tế.

Trung Quốc là một nước láng giềng. Còn Hoa Kỳ nay đến mai đi không biết đâu mà lường. Bà Carrie Gracie, một biên tập viên của BBC, nhận xét như sau: “Hoa Kỳ là một cường quốc Á châu khi nước này muốn, trong khi đó Trung Quốc là một cường quốc sẽ không bao giờ bỏ đi” (America is an Asian power when it wants to be, Beijing will suggest, while China is the power that never leaves). Một điều làm cho Việt Nam đáng e ngại là chính quyền Trump còn mới, lại phải lo lắng quá nhiều về những chuyện quốc nội, và cá tính của nhà lãnh đạo lại xem ra bất thường.

6) Trump và nhân quyền

Quan sát cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ vừa qua và thời gian cầm quyền tuy ngắn ngủi của Tổng Thống Trump, người ta có thể nhận ra rằng chính quyền này xem ra chú trọng nhiều về những vấn đề quốc nội và thương mại, cho nên sẽ không để ý mấy đến vấn đề nhân quyền. Với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” dĩ nhiên người ta e ngại rằng chính quyền Trump lại càng không màng tới tình trạng nhân quyền của các nước khác, trong đó có Việt Nam, khi những vi phạm không liên hệ gì đến quyền lợi vật chất của Hoa Kỳ. 

Thật vậy, chính quyền Trump xem ra ít nhậy cảm đối với ngay cả những vấn đề của phụ nữ, những người cư trú hợp pháp, quyền tự do báo chí ở Hoa Kỳ. Do đó mà chỉ trong chưa đầy một tháng, người ta đã thấy nhiều cuộc biểu tình chống đối Tổng Thống Trump trên khắp nước Mỹ. Tổ chức Human Rights Watch (HRW) trong phúc trình hàng năm vừa phát hành vào giữa tháng 1, 2017 nhận định rằng, trong thời gian tranh cử, phe của Ô. Trump đã tỏ ra khinh miệt phụ nữ, bài ngoại và kỳ thị chủng tộc. Cũng theo HRW, Tổng Thống Donald Trump là một đe dọa đối với quyền tự do của công dân Hoa Kỳ. Chủ trương hủy bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare có nghĩa là lạm dụng quyền con người.

Trong môi trường bất thuận lợi cho nhân quyền như trên, những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam sẽ mất đi một hỗ trợ quý giá.

7) Tổng Thống Trump tiếp tục đường lối ngoại giao của Tổng Thống Obama đối với Việt Nam? 

Ô. John Kerry trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần cuối mới đây vào giữa tháng 1 năm 2017 với tư cách ngoại trưởng, đã nói rằng, với chính quyền của ông Donald Trump, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ không có gì thay đổi. Ông cho rằng, bang giao giữa hai nước dựa trên lợi ích của đôi bên chứ không dựa trên cá nhân hay cá tính của người lãnh đạo. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi, Ô. Kerry tuyên bố như trên cốt để trấn an Việt Nam. Những biến chuyển về mặt kinh tế và chính trị gần đây tại vùng Á châu – Thái Bình Dương như đã trình bày ở trên cũng sẽ ảnh hưởng ít hay nhiều đến bang giao giữa hai nước.

Tiếp theo hiệp định TPP tan vỡ, Ô. Donald Trump, một nhà lãnh đạo chính trị non nớt, được bầu làm tổng thống, và thiếu vắng đường hướng ngoại giao Hoa Kỳ sẽ theo đuổi, Việt Nam đang phải kết thân với những đồng minh mới là Nhật, Ấn Độ và Pháp. Thủ Tướng Nhật Abe, trong lần thăm viếng Hà Nội vào giữa tháng 1, 2017, đã tuyên bố, Nhật sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam sáu tuần tiễu duyên hải và ký kết một số dự án đầu tư. Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi viếng thăm Việt Nam vào tháng 9, 2016 đã đạt được một thỏa hiệp an ninh với Việt Nam. Theo đó, Ấn Độ sẽ huấn luyện phi công tác chiến Việt Nam và đang thương lượng để bán hệ thống hỏa tiễn cho Việt Nam. Cách đây hai năm, Ấn Độ cũng đã tài trợ cho Việt Nam $100 triệu Mỹ kim dưới hình thức một món nợ dài hạn với lãi suất 2% để chi dùng vào mục tiêu quốc phòng. Cũng vào tháng 9 năm 2016, Tổng Thống Pháp Francois Hollande đã đến Việt Nam để thảo luận về một hiệp định thương mại với Liên Hiệp Âu Châu. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong năm tới.

8) Kết luận

Vào thời điểm này chưa thể có một kết luận nào về quan hệ Việt – Mỹ cho cả bốn năm tới. Trong một tương lai ngắn hạn, đối với Việt Nam, Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao của cựu Tổng Thống Obama vì quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ sẽ không thay đổi, dù với Obama hay Trump. Còn Việt Nam, vì thiếu tin tưởng vào Hoa Kỳ, qua việc hủy bỏ TPP, một tổng thống non nớt về chính trị, bản chất bất thường, chú trọng về vấn đề thương mại và quốc nội, nên sẽ đẩy mạnh chính sách ngoại giao đa phương với Nhật, Ấn Độ, Úc, và Pháp. Việt Nam sẽ cảm thấy thoải mái hơn với chính quyền Trump, một khi chính quyền này lơ là về vấn đề nhân quyền.

Tham khảo:
1.  Chris Blake, John Boudreau, “Vietnam recalibrates after Trump-Duterte combo upsets strategy,” Bloomberg, January 12, 2017.
2.  Kathleen Cavanaugh. Mark Levin, “Human rights: from Obama to Trump,” Aljazeera, January 22, 2017.
3.  Helen Clark, “Exxon-Vietnam gas deal to test Tillerson’s diplomacy”, Asia Times, January 23, 2017.
4.  Brett Davis, “Death of TPP trade deal a blow for Vietnam’s promising economy,” Fobes, November 22, 2016.
5.  Alexandra DeSanctis, “Human Rights Watch’s alarmist stance toward Trump,” National Review Institute, January 17, 2017.
6.  Hoang Do, “Trump’s Triumph and what it means for Vietnam,” International Policy Digest, December 5, 2016.
7.  Amitai Etzioni, “Tillerson, Trump and the South China Sea,” The Diplomat, January 28, 2017.
8.  Carrie Gracie, “US leaving TPP: a great news day for China,” BBC, November 22, 2016.
9.  Jeffrey Hornung, “Mattis’ mission in Japan, South Korea,” CNN, January 31, 2017.
10.                James Hookway, “China – U.S. rivalry spurs Vietnam to look for new comrades,” The Wall Street Journal, January 17, 2017.
11.                Vu Trong Khanh, Nguyen Anh Thu, “Vietnam, India to expand oil exploration in contested South China Sea,” The Wall Street Journal, September 15, 2014.
12.                Hana Kusumoto, Yoo Kyong Chang, “Mattis to Japan, S. Korea: we still have your back,” Febuary 5, 2017.
13.                Tom Phillips, “Trump agrees to support ‘one China’ policy in Xi Jinping call,” The Guardian, February 10, 2017.
14.                Samuel Rines, “TPP is dead. What now?” The National Interest, January 25, 2017.
15.                Richie Santosdiaz, “The future of 14 free trade agreements America has under Trump,” Fobes, December 7, 2016.
16.                Bob Savic, “U.S. may be losing East Asia to China,” The Japan Times, December 19, 2016.
17.                Sophie Tatum, “Rights group: rise of Trump, far right leaders puts human rights system at risk,” CNN, January 14, 2017.
18.                Carlyle A. Thayer, “Background briefing – Vietnam: Exxon Mobil signs agreements to develop Vietnam’s largest gas project,” January 16, 2017.
19.                The Economist, “The Collapse of the Trans-Pacific Partnership,” November 23, 2016.
20.                VOA, “Kerry expects no changes in US – Vietnam relations under Trump,” VOA News, January 13, 2017.
21.                Tian Wei, “An ‘overwhelmingly domestic president’ Donald Trump sees China through economic lens – Kevin Rudd on CGTN,” China Global Television Network, January 23, 2017.
22.                White House, “RemarksbyPresident Trump and Prime Minister Abe of Japan in Joint Press Conference,” Office of Press Secretary, January 10, 2017.


Posted by adminbasam on 24/02/2017
Nguyễn Quốc Khải

23-2-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét