Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Tin tức Á Châu

media
G20 : Mỹ thúc giục Trung Quốc kềm chế Bắc Triều TiênTú Anh
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (P) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) bên lề G20 tại Bonn, Đức, ngày 17/02/2017REUTERS/Brendan Smialowski/Pool<!>
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ và Trung Quốc gặp nhau vào hôm nay 17/02/2017 bên lề hội nghị nhóm G20 tại Bonn, Đức. Trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng từ khi thay đổi chủ nhân tại Nhà Trắng, hồ sơ Bắc Triều Tiên, Đài Loan và Biển Đông có thể là trọng tâm cuộc thảo luận giữa Rex Tillerson và Vương Nghị.
Trong cuộc hội đàm Mỹ-Trung, lần đầu tiên ở cấp ngoại trưởng từ khi Donald Trump đắc cử, Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc dùng ảnh hưởng kềm chế chính quyền Bắc Triều Tiên.
Cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đồng sự Trung Quốc Vương Nghị diễn ra tại Bonn, vào buổi sáng thứ Sáu 17/02/2017. Theo AFP, vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên cũng như những hồ sơ xung khắc giữa Washington và Bắc Kinh như Đài Loan, Biển Đông và thương mại chắc chắn được hai bên đề cập đến.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner cho biết, trong cuộc tiếp xúc này, ngoại trưởng Rex Tillerson đã nhấn mạnh đến hành động đe dọa của Bình Nhưỡng càng ngày càng nghiêm trọng sau một loạt thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ thúc giục Trung Quốc sử dụng mọi phương tiện có hiệu quả để làm giảm thái độ gây bất ổn định của chính quyền Bắc Triều Tiên.
Thoạt đầu, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa tân ngoại trưởng Mỹ và đồng sự Trung Quốc không được dự trù kể cả khả năng ông Vương Nghị tham dự hội nghị G20 cũng không có gì chắc chắn do Bắc Kinh cảm thấy « quyền lợi cốt lõi » bị tân chính quyền Washington xem thường.
Tổng thống Donald Trump hai lần hăm he xét lại nguyên tắc « một nước Trung Hoa » gây phẫn nộ cho Bắc Kinh trước khi gọi điện thoại xoa dịu chủ tịch Tập Cận Bình. Còn ngoại trưởng Rex Tillerson thì tuyên bố hành động lấn chiếm Biển Đông là phi pháp và cần phải ngăn chận khiến báo của đảng cộng sản Trung Quốc đe dọa sẽ có «chiến tranh ».

Mỹ sẵn sàng bảo vệ Nhật và Hàn Quốc bằng bom hạt nhân

media
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida (T), đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson (G) và Hàn Quốc Yun Byung-Se trong cuộc gặp tay ba ở Trung tâm Hội nghị, Bonn, Đức, ngày 16/02/2017.REUTERS/Brendan Smia
Trong một bản tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Hàn công bố ngày 16/02/2017 tại Bonn, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cực lực lên án vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng ngày 12/02 vừa qua và khẳng định bảo vệ hai đồng minh Bắc Á bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ khí « hạt nhân ».
Chính phủ mới tại Mỹ tỏ ra cứng rắn với Bắc Triều Tiên. Nhân hội nghị G20 tại Bonn, Đức Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã có một cuộc tiếp xúc bên lề với đồng sự Nhật Bản Fumio Kishida và Hàn Quốc Yun Byung-Se.
Ngoại trưởng ba nước kêu gọi Bắc Triều Tiên « dứt khoát » từ bỏ vũ khí hạt nhân để được tái hội nhập vào cộng đồng thế giới. Bên cạnh tuyên bố quen thuộc này, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến quyết tâm « bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc » bằng « sức mạnh răn đe rộng lớn kể cả vũ khí quy ước và hạt nhân ».
Bản tuyên bố chung có tính răn đe này của ba nước Mỹ-Nhật-Hàn được công bố ba ngày sau khi toàn thể 15 thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong đó có Trung Quốc, đồng lên án vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên ngày hôm trước.
Tên lửa Pukguksong-2 của Bắc Triều Tiên có tầm bắn hơn 2000 km, từ giàn phóng di động, bay khoảng 500 cây số trước khi rơi xuống biển Nhật Bản Chủ nhật vừa qua.

Hàn Quốc bắt tạm giam lãnh đạo tập đoàn Samsung

media
Ông Lee Jae-yong (G) ra khỏi tòa án ở Seoul, sau khi bị tư pháp quyết định tạm giam, ngày 17/02/2017Shin Wong-soo/News1
Lee Jae Yong, người thừa kế tập đoàn Samsung hôm nay 17/02/2017 đã bị bắt vì tội tham nhũng, khai man và biển thủ công quỹ liên quan tới vụ tai tiếng chính trị-tài chính khiến tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bị Quốc Hội phế truất hồi tháng 12/2016.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :
« Sau lần từ chối đầu tiên hồi tháng Giêng và sau những cuộc thảo luận đến tận sáng sớm, tòa án Seoul cuối cùng đã quyết định dứt khoát : Lee Jae Yong, 48 tuổi, con trai của chủ tịch tập đoàn Samsung, đã bị tạm giam. 
Để thuyết phục các thẩm phán, nhóm điều tra đã trình ra các bằng chứng mới. Lee Jae Yong bị cáo buộc rót 38 triệu đô la cho một người thân tín của tổng thống Park Geun-Hye và đổi lại là để được chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình thừa kế tập đoàn.
Những tổ chức cấp tiến của Hàn Quốc từ nhiều tuần nay đã yêu cầu bắt giữ Lee Jae Yong vì quá bất mãn khi thấy tư pháp nương nhẹ tay với các tập đoàn. Các đại tập đoàn gia đình trị này đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc. 
Cứ thứ Bảy hàng tuần, nhiều người lại biểu tình đòi tổng thống phải ra đi. Họ cũng giương cao các tấm biển minh họa Lee Jae Yong bị giam trong tù. 
Samsung đã phủ nhận hối lộ tổng thống. Trong một thông cáo ngắn gọn, tập đoàn này bảo đảm là « sự thật sẽ được làm sáng tỏ trong những phiên tòa sắp tới ».

Vụ ám sát anh Kim Jong Un: Malaysia đòi cung cấp mẫu ADN

media
Hình ảnh nghi phạm thứ hai (áo vàng) trong vụ ám sát Kim Jong Nam được chiếu trên truyền hình Trung Quốc.REUTERS/CCTV
Thi hài Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, bị ám sát tại Kuala Lumpur chỉ được trao cho Bình Nhưỡng khi nào gia đình họ Kim cung cấp mẫu ADN. Trên đây là quyết định của Malaysia bất chấp hai yêu cầu của Bình Nhưỡng : chống giảo nghiệm tử thi và đòi trả thi thể nạn nhân.
Malaysia tìm cách làm rõ vụ ông Kim Jong Nam, 45 tuổi, sống lưu vong tại Macao bị ám sát bằng chất độc ngày 13/02/2017 tại phi trường Kuala Lumpur. Theo Seoul, thủ phạm là hai nữ điệp viên hành động theo lệnh của lãnh đạo Bắc Tiều Tiên Kim Jong Un.
Bản tin của AFP ngày 17/02 cho biết các bác sĩ pháp y và chuyên gia hóa học của Malaysia bắt đầu phân tích từ mẫu xét nghiệm các bộ phận cơ thể nạn nhân. Đại sứ quán Bắc Triều Tiên chống lại biện pháp giảo nghiệm tử thi và đòi đưa thi hài ông Kim Jong Nam về Bình Nhưỡng, nhưng Malaysia cương quyết khước từ. Cảnh sát trưởng của bang Selangor, Abdul Samah Mat, quản lý phi trường quốc tế Kuala Lumpur, cho biết cho đến nay « chưa thấy gia đình hay người thân » đến nhận dạng hay đòi thi thể nạn nhân. Chỉ có chính quyền Bắc Triều Tiên đòi, nhưng trước khi trao xác thì Malaysia phải « định rõ danh tính nạn nhân qua đời » và do vậy, gia đình họ Kim phải cung cấp mẫu « gen » ADN.
Chưa biết phản ứng của lãnh đạo Kim Jong Un ra sao. Trong khi đó, cảnh sát Malaysia đã tiến hành thẩm tra hai nghi can bị xem là điệp viên của Bình Nhưỡng : một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam tên Doan Thi Huong và một phụ nữ Indonesia tên Siti Aishah cùng người bạn trai Malaysia.
Chính phủ Indonesia nhanh chóng xác nhận nghi can Siti Aishah, 25 tuổi là công dân Indonesia và chỉ thị cho sứ quán tại Kuala Lumpur hỗ trợ về mặt lãnh sự.
Về phần nghi can 29 tuổi mang hộ chiếu Việt Nam, không rõ giả thật như thế nào. Chính quyền Việt Nam chỉ giải thích là đang điều tra.
gười tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 1979
media
Người dân tham gia tưởng niệm 38 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung tại Hà Nội, ngày 17/02/2017.REUTERS/Kham
Vào hôm nay, 17/02/2017, hàng chục người đã tập hợp trước tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội để kỷ niệm 38 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu của Việt Nam chống lại Trung Quốc xâm lược.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, những người tham gia đã đến đặt hoa và thắp nhang trước tượng vua Lý Thái Tổ, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát, đã dùng loa phóng thanh kêu gọi đám đông giải tán.
AP đã trích lời một người tham gia đến dự lễ tưởng niệm bày tỏ nỗi « xúc động » trước việc còn có người nhớ đến những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc vào năm 1979, những cũng bất bình trước việc chính quyền cố gắng hạn chế những cuộc tưởng niệm công cộng.
Theo hãng AP, chính phủ Việt Nam không có hoạt động chính thức nào đánh dấu sự kiện này, và cố gắng giới hạn các cuộc biểu tình phi chính thức. Thế nhưng các phương tiện truyền thông báo chí như đã được phép đề cập đến sự kiện này một cách rộng rãi.
Nhân dịp này, AP nêu bật : báo điện tử Vnexpress hôm nay đã nêu lên một thực tế là cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu và hủy diệt do Trung Quốc khởi động đánh vào Việt Nam, lại hiếm khi được đề cập trong một thời gian dài trước đây, và chỉ chiếm vỏn vẹn 11 dòng trong một quyển sách giáo khoa trung học.
Ngược dòng lịch sử thì ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tung hàng trăm nghìn quân tràn qua biên giới phía Bắc, đánh vào 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, gọi là để « dậy cho Việt Nam một bài học ».
Theo một số nguồn tin, lực lượng Trung Quốc đánh vào Việt Nam lên đến 600.000 người, một con số còn cao hơn cả lực lượng Mỹ huy động vào cuộc chiến tranh Việt Nam trước đó, chỉ khoảng 550.000 người.
Còn lực lượng phòng thủ của Việt Nam lúc nổ ra chiến tranh chỉ khoảng 50.000 quân, chủ yếu là lính địa phương, công an võ trang và dân quân.
Gặp sức kháng cự dữ dội của Việt Nam, 30 ngày sau, Trung Quốc đã phải rút quân, để lại một khu vực biên giới phía bắc Việt Nam bị tàn phá nặng nề.
Quan hệ hai nước sau đó rơi vào tình trạng căng thẳng trong một chục năm, với những vụ đụng độ nhỏ dọc theo vùng biên giới, cho đến tận năm 1991 khi hai bên quyết định bình thường hóa quan hệ.
Bắc Kinh đòi Hà Nội xin lỗi về vụ đánh du khách Trung Quốc
Cũng về quan hệ Việt-Trung, Bắc Kinh vào hôm qua, 16/02/2017 đã yêu cầu phía Việt Nam xin lỗi một công dân Trung Quốc mà Bắc Kinh cho là đã bị công an cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, miền bắc Việt Nam) đánh đập ngày 07/02 vì không chịu đưa tiền hối lộ.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết là lãnh đạo vụ Lãnh Sự thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đặc biệt có cuộc tiếp xúc với đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh để « một lần nữa bày tỏ quan điểm cứng rắn » của Trung Quốc.
Phát ngôn viên này còn nói thêm : « Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân, xử lý nghiêm khắc những người có liên can và có những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm sao cho việc này không tái diễn ».
Theo phía Bắc Kinh, vụ việc đã làm dấy lên « công phẫn nơi các cư dân mạng » Trung Quốc.
Theo Reuters, ngày 15/02 vừa qua, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã cho biết qua thư điện tử là chính quyền Hà Nội đang làm sáng tỏ vụ việc và sẽ giải quyết vấn đề tùy theo bản chất vụ việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét