Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 22/2/17 - Lê Minh Nguyên


EU hoang mang vì thông điệp của Tòa Bạch Ốc
Trong tuần lễ trước chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Brussels với lời hứa Mỹ giữ cam kết “lâu dài và bền vững” đối với Liên hiệp Châu Âu, chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch Ốc Steve Bannon đã gặp một nhà ngoại giao Đức và đã chuyển đi một thông điệp khác, các nguồn thạo tin cho Reuters biết.<!>
Những người này nói ông Bannon cho Đại sứ Đức tại Washington biết là ông xem Liên hiệp Châu Âu là một cơ cấu có nhiều khuyết điểm và ông muốn có những mối liên hệ với châu Âu trên căn bản song phương.
Ba người được nghe thuyết trình về cuộc gặp này nói với Reuters với điều kiện ẩn danh vì tính cách nhạy cảm của vấn đề. Chính phủ Đức và Đại sứ Peter Wittig, từ chối bình luận nêu lý do về tính cách bí mật của cuộc thảo luận.

Một giới chức Tòa Bạch Ốc kiểm chứng với ông Bannon đáp yêu cầu bình luận của Reuters xác nhận có cuộc gặp này nhưng nói tin cung cấp cho Reuters là không chính xác. Giới chức này nói “Họ chỉ nói chuyện với nhau khoảng 3 phút, và chỉ chào nhau mà thôi.”
Trong khi các nguồn tin cho biết cuộc gặp ấy dài hơn và ông Bannon đã nhân cơ hội này thể hiện quan điểm của mình về thế giới. Nguồn tin này cho hay thông điệp ông Bannon đưa ra tương tự như ông đã nêu lên trong một hội nghị Vatican vào năm 2014 khi ông đang điều hành một trang web cánh hữu Breitbart News. Lúc bấy giờ, phát biểu qua Skype, ông Bannon tỏ vẻ ủng hộ các phong trào dân túy châu Âu và mô tả về những khao khát dân tộc chủ nghĩa trong lòng những người “không tin vào Liên minh xuyên châu Âu này.” Lúc đó, ông Bannon còn tuyên bố Tây Âu được xây dựng trên nền tảng “các phong trào dân tộc mạnh mẽ” và rằng đó là điều “có thể giúp chúng ta tiến tới.”

Cuộc gặp vừa rồi không làm cho những người trong chính phủ Đức lay chuyển, một phần vì một số giới chức hy vọng là ông Bannon có thể đã dịu bớt quan điểm khi bắt đầu nhiệm sở và đưa ra thông điệp uyển chuyển hơn về châu Âu trong những cuộc gặp riêng tư.

Một nguồn tin được thuyết trình về cuộc gặp nói cuộc họp đã xác nhận quan điểm rằng Đức và các đối tác châu Âu phải chuẩn bị cho một chính sách “thù nghịch đối với châu Âu.”
Một nguồn tin thứ hai bày tỏ lo ngại, căn cứ trên sự tiếp xúc của ông đối với chính quyền, rằng vai trò của Liên hiệp châu Âu trong việc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng EU thời hậu chiến không được đánh giá cao. - VOA

2.
Nga chơi trò ngoại giao mập mờ, Ukraina lo ngại

Tại Donbass, khu công nghiệp ở miền đông Ukraina, lệnh hưu chiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày thứ Hai, 20/02/2017, đã bị ngưng. Các vụ oanh kích lại tiếp diễn tại các khu vực đông dân và tập trung nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, Nga lại chơi một trò chơi ngoại giao mập mờ, khó hiểu, khi chấp nhận thẻ căn cước do chính quyền cộng hòa ly khai Donetsk và Louhansk cấp. Nhà chức trách Ukraina tỏ ra lo ngại.

Từ Lviv, đặc phái viên RFI Sébastien Gobert giải thích :

"Thỏa thuận hòa bình Minsk luôn trong tình trạng hấp hối kể từ khi được ký kết hồi tháng 02/2015. Nhưng nó thường xuyên được thương lượng lại. Đối với tổng thống Ukraina Petro Porochenko, mọi chuyện rất có thể sẽ phải được xem xét lại. Ông Porochenko phát biểu : « Chúng tôi không chỉ nhận thấy lệnh hưu chiến bị vi phạm, mà còn lấy làm tiếc về quyết định vô liêm sỉ liên quan tới việc Nga thừa nhận các loại giấy tờ giả mạo do các chính quyền bù nhìn cấp. »
Trong bối cảnh chính quyền Kiev vừa thông qua kế hoạch tái hòa nhập vùng Donbass vào một nước Ukraina thống nhất, thì việc Nga quyết định công nhận các loại giấy tờ hành chính của chính quyền ly khai Donestk và Louhansk không phải là một ý tưởng hay. 

Tổng thống Ukraina Petro Porochenko khẳng định : « Theo các quy định quốc tế, bước đi này nhằm tiến tới công nhận các thực thể bất hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc bác bỏ tiến trình hòa bình Minsk, và sẽ dẫn tới những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn ».
Hy vọng thương lượng để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng có vẻ ngày càng trở nên xa vời. Và điều này sẽ không cải thiện được tình cảnh của hàng triệu thường dân hiện vẫn đang ở Donbass." - RFI

3.
TQ xây cất ở Biển Đông để thiết đặt võ khí

Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng gần hai chục công trình trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà dường như nhằm để tạo điều kiện cho những phi đạn đất đối không tầm xa, Reuters ngày 21/2 dẫn nguồn tin từ hai quan chức Hoa Kỳ cho biết.

Diễn tiến này có phần chắc đặt ra câu hỏi liệu Hoa Kỳ có phản ứng hay không và phản ứng như thế nào bởi Mỹ đã cam kết có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông.

Xây dựng kết cấu bê tông trên Đá Subi, Đá Chữ thập, và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (nơi Trung Quốc đã có các đường băng đủ diện tích phục vụ cho mục đích quân sự) có thể được coi là một sự leo thang quân sự, các quan chức Mỹ không muốn nêu tên cho biết.
Một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ giữ vững cam kết “phi quân sự hóa ở Biển Đông” và kêu gọi tất cả các bên hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Trong buổi điều trần được Thượng viện chuẩn nhận để nhậm chức hồi tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson khiến Trung Quốc tức giận khi tuyên bố chớ nên cho phép Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông.

Ông Tillerson sau đó dịu giọng. Tiếp đó, Tổng thống Trump giảm căng thẳng bằng cách cam kết tôn trọng chính sách lâu dài của Hoa Kỳ về “Một nước Trung Hoa” nhân cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 10/2.

Ông Greg poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, trong phúc trình cuối năm ngoái từng khuyến cáo Trung Quốc dường như đã cài đặt võ khí, trong đó có các hệ thống chống phi đạn và chống máy bay, trên tất cả bảy hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Các quan chức vừa được Reuters dẫn nguồn tin cho hay các cấu trúc mới này có khả năng phục vụ cho việc thiết đặt các phi đạn đất đối không giúp mở rộng khả năng quốc phòng của Trung Quốc tại các đảo này. Họ không cho biết theo họ khi nào thì Trung Quốc sẽ triển khai phi đạn lên đảo.

Ngày 21/2, Philippines tuyên bố các nước Đông Nam Á xem việc Trung Quốc lắp đặt võ khí trên Biển Đông là “hết sức đáng ngại” và kêu gọi đối thoại để ngăn chặn leo thang các diễn tiến gần đây.
Ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, nói Hiệp hội ASEAN hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đảm bảo hòa bình - ổn định khu vực. - VOA

4.
Cựu lãnh đạo đặc khu Hồng Kông bị kết án 20 tháng tù

Ông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang), cựu đặc khu trưởng Hồng Kông, ngày 22/02/2017, đã bị kết án 20 tháng tù trong một vụ liên quan đến tham nhũng. Nhân vật được cho là thân Bắc Kinh từng giữ chức vụ cao nhất đặc khu Hồng Kông từ 2005 đến 2012 đã bị tòa cáo buộc « phạm lỗi », song tránh được tội « tham nhũng ».

Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy cho biết thêm chi tiết :

"Ông Tăng Âm Quyền vẫn giữ thói quen thắt nơ ở cổ áo khi đến tòa án sáng thứ Tư (22/02) để nghe tuyên án, nhưng ông bị còng tay và được đưa đến bằng xe thùng của cảnh sát. 
Thẩm phán Andrew Chan cho biết : Trong suốt sự nghiệp, chưa bao giờ ông lại chứng kiến một nhân vật giữ trọng trách cao như vậy rơi vào tình cảnh này. Thẩm phán Chan cho rằng cựu đặc khu trưởng đã phạm lỗi nghề nghiệp khi không khai báo với Hội Đồng Hành Pháp rằng, với tư cách cá nhân, ông đang thương lượng để thuê lại một căn hộ cao cấp với một doanh nhân mà vào thời điểm đó, doanh nhân này lại đang xin chính quyền Hồng Kông giấy phép hoạt động cho một trong số các công ty của mình.

Phiên xét xử cũng làm sáng tỏ nhiều điểm không bình thường, như khoản tiền 110.000 euro được gia đình ông Tăng trả, liệu có phải là tiền thuê nhà hàng năm hay là bình phong cho số tiền mua căn hộ sang trọng đó ? Khoản tiền 400.000 euro sửa chữa nhà phải được giải thích như thế nào ? Tại sao lại có 42.000 euro tiền mặt được chuyển vào tài khoản của bà Tăng ? 
Từ khi bản án được quyết định vào thứ Sáu (17/02), vị thẩm phán nhận được hàng chục lời kêu gọi khoan hồng nhấn mạnh đến tính cương trực và tận tụy của ông Tăng Âm Quyền. Về phần mình, biện lý Hồng Kông cáo buộc cựu lãnh đạo đặc khu Hồng Kông là người hám của, sống hai mặt, lạm dụng quyền lực để tư lợi cá nhân". - RFI

5.
Malaysia đòi thẩm vấn bí thư thứ 2 của Bắc Triều Tiên về vụ giết Kim Jong Nam --- Vụ ám sát anh Kim Jong Un: Hai nghi phạm đã được huấn luyện

Cảnh sát Malaysia hôm thứ Tư đã nêu danh một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên cùng với một quan chức hàng không nhà nước mà họ đang truy tìm để thẩm vấn cho vụ giết ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Cập nhật tin tức về cuộc điều tra đang khiến Bắc Triều Tiên tức giận, cảnh sát trưởng của Malaysia, ông Khalid Abu Bakar, cho biết nhà ngoại giao đang bị truy nã để thẩm vấn là ông Hyon Kwang Song, 44 tuổi, Bí thư Thứ hai của Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Ngoài ra, cảnh sát Malaysia cũng muốn thẩm vấn ông Kim Uk Il, 37 tuổi, nhân viên của hãng hàng không nhà nước Bắc Triều Tiên Air Koryo.
Ông Khalid cho biết cả hai đều ở Malaysia nhưng không thể xác nhận họ có đang ở trong đại sứ quán hay không.

Ông nói với các nhà báo:
“Chúng tôi đã gọi điện nhờ họ hỗ trợ. Chúng tôi hy vọng đại sứ quán sẽ hợp tác với chúng tôi và cho phép chúng tôi thẩm vấn họ một cách nhanh chóng, nếu không chúng tôi sẽ phải buộc họ đến gặp chúng tôi”.

Trả lời Reuters, ông Khalid cho biết:

“Chúng tôi không thể xác nhận họ có đang lẩn trốn trong đại sứ quán hay không”.
Cho đến nay, cảnh sát đã xác định được tổng cộng 8 người Bắc Triều Tiên bị tình nghi là có liên quan đến vụ giết người.

Ngoài những người bị bắt, ông Khalid cho biết cảnh sát Malaysia “tin chắc” 4 người khác đã trở về lại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên, trốn khỏi Malaysia vào ngày diễn ra vụ ám sát.

Trong số những người bị bắt có một phụ nữ Việt Nam và một phụ nữ Indonesia. Họ bị nghi đã ra tay thực hiện vụ giết ông Kim Jong Nam bằng một chất độc có tác dụng cực nhanh.

Ông Kim Jong Nam, 46 tuổi, đã bị giết chết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào ngày 13 tháng 2, trong lúc chuẩn bị lên máy bay đi Macau, nơi ông sống lưu vong cùng với gia đình dưới sự bảo vệ của Bắc Kinh.
Các giới chức Hàn Quốc và Hoa Kỳ cho rằng vụ giết anh trai lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là một vụ ám sát được thực hiện bởi các điệp viên Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Jong Nam đã lên tiếng công khai chống lại chế độ gia đình trị tại quốc gia bị cáo buộc có vũ khí hạt nhân và bị cô lập này. - VOA

***
Theo cảnh sát Malaysia, hai nữ nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam và Indonesia bị bắt giữ trong vụ ám sát anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày 13/02, đã được huấn luyện để giết người bằng chất độc.
Hôm nay, 22/02/2017, trả lời giới báo chí tại Kuala Lumpur, lãnh đạo cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar bác bỏ thông tin cho rằng hai nữ nghi phạm mang tên Đoàn Thị Hương và Siti Aishah đã tưởng rằng họ tham gia vào một trò chơi truyền hình, chỉ phun một chất lỏng vô hại vào mặt ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Trên thực tế, hai nghi phạm này đã được huấn luyện để giết người bằng chất độc, thậm chí đã tập dợt ngay tại sân bay, trước khi tấn công ông Kim Jong Nam. Sau khi phun một chất lỏng vào mặt anh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, một trong hai nghi phạm đã đi về hướng nhà vệ sinh, hai bàn tay đưa về phía trước, chứng tỏ nghi phạm biết rõ đây là chất độc và cần phải rửa tay ngay lập tức.
Trong cuộc gặp ba bên với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh và Malaysia Anifah Aman bên lề cuộc họp ASEAN ở Barocay, Philippines, hôm qua, ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi đã yêu cầu phía Malaysia cho tiếp xúc với nghi phạm Siti Aishah. Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng có yêu cầu tương tự với nghi phạm Đoàn Thị Hương. Từ khi hai nữ nghi phạm bị bắt giữ vào thứ Năm tuần trước, nhà chức trách Malaysia vẫn chưa cho Indonesia và Việt Nam tiếp xúc với hai người này, với lý do đây là một vụ án nghiêm trọng.

Lãnh đạo cảnh sát quốc gia Malaysia hôm nay cũng cho biết là họ muốn thẩm vấn một nhà ngoại giao của đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Kuala Lumpur, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Nhà ngoại giao đó là ông Hyong Kwan-Song, 44 tuổi, bí thư thứ hai của sứ quán Bắc Triều Tiên. Hiện giờ, nhà chức trách Malaysia xác định có đến 8 người Bắc Triều Tiên bị tình nghi có liên quan đến vụ ám sát. Cho tới nay, cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ vẫn cho rằng vụ ám sát bằng chất độc ông Kim Jong Nam là do gián điệp của Bắc Triều Tiên thực hiện. - RFI

6.
Trung Quốc nỗ lực chống ô nhiễm không khí

Một báo cáo gần đây của tổ chức Greenpeace Đông Á cho biết sản lượng của ngành công nghiệp thép Trung Quốc thực tế đã tăng ròng 36,5 triệu tấn trong năm ngoái.

Thế nhưng công suất thép tăng không có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn môi trường vào lúc các thị trường toàn cầu vẫn thừa thép còn các tỉnh miền bắc Trung Quốc đang phải chịu nạn khói mù ngày càng tồi tệ hơn.
Trung Quốc vốn đã là nước phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, chiếm hơn một phần tư khí thải carbon dioxide toàn cầu.

Vẫn theo Greenpeace, các nhà máy nhiệt điện than còn gây đau đầu lớn hơn cũng như làm cho chất lượng không khí của nước này tồi tệ thêm vì chúng là những nguồn thải ra nhiều nhất sulfur dioxide và bụi li ti.
Nhưng tổ chức này cũng cho biết đã có những bước tiến tích cực được tiến hành.

Đầu tháng 1, Trung Quốc đã ra lệnh đình chỉ 103 dự án nhiệt điện than, gần một nửa trong số 210 nhà máy mới đã được phê duyệt từ năm 2015. Làm như vậy, Trung Quốc hy vọng khống chế công suất nhiệt điện than của nước này dưới 1.100 gigawatt.
Theo thông tin của Cục Năng lượng Quốc gia hôm 17/2, chính phủ đặt mục tiêu đóng cửa 500 mỏ than vào năm 2017 với tổng công suất là 50 triệu tấn, tương đương 20% của mục tiêu 250 triệu tấn trong năm ngoái.

Các chuyên gia lạc quan về khả năng Trung Quốc đạt mục tiêu 2020 về môi trường, trong đó bao gồm việc giảm 18% carbon dioxide trên mỗi đơn vị GDP và giảm 15% tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, điều này nằm trong những nỗ lực tổng thể hiện có của đất nước chuyển năng lượng sạch hơn.
Để đáp ứng các mục tiêu, Trung Quốc đã công bố tổng đầu tư 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (373 tỷ đôla) cho lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo mới từ nay đến năm 2020, trong đó bao gồm 75 tỷ đôla cho thủy điện, 104,5 tỷ đôla cho phong điện và 149,3 tỷ đôla cho điện mặt trời. - VOA

7.
Đại dương bị ô nhiễm vì hạt nhựa cực nhỏ

Ngoài những đống rác trôi dạt làm ô nhiễm đại dương, hiện rất nhiều hạt nhựa siêu nhỏ không nhìn thấy được, có nguồn gốc từ lốp xe hay quần áo làm từ sợi tổng hợp, cũng tác động đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đây là lời cảnh báo của Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên (IUCN) ngày 22/02/2017.

Nhưng hạt nhựa này cũng nằm trong các lớp sơn tầu, sơn vạch đường hay mỹ phẩm và trong bụi đô thị. Theo Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên, chúng chiếm một phần quan trọng trong « đống hỗn hợp chất dẻo », làm cáu bẩn các dòng nước, chiếm từ 15-31% trên tổng số khoảng 9,5 triệu tấn chất dẻo được đổ ra biển hàng năm.
Tại nhiều nước phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu, Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên phát hiện rằng sự ô nhiễm do các hạt nhựa này gây ra còn vượt quá cả mức ô nhiễm do rác thải nhựa khác. Theo ghi nhận với AFP của ông Karl Gustaf Lundin, người chỉ đạo Chương trình Biển và Cực của tổ chức IUCN, có rất ít nghiên cứu về sự tác động của các vi hạt này lên sức khỏe, dù chúng đã được tìm thấy trong chuỗi cung cấp thức ăn hay trong nguồn nước. Trong khi đó, những hạt nhựa này lại có kích thước vô cùng nhỏ để có thể thâm nhập sâu vào cơ thể người và như vậy có thể « gây ra tác động đáng kể ».

Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên khuyến cáo các nhà sản xuất lốp xe và quần áo nên cải tiến công nghệ để sản phẩm của họ ít gây ô nhiễm hơn. Cụ thể, nên dùng rộng rãi hơn chất liệu cao su trong việc sản xuất lốp xe, loại bỏ lớp nhựa tráng trong ngành công nghiệp dệt may hay các nhà sản xuất máy giặt phải lắp hệ thống lọc hạt nhựa.
Ông Lundin cảnh báo tình hình hiện đang ở mức báo động tại Bắc Cực - nguồn cung cấp hải sản lớn nhất cho châu Âu và Bắc Mỹ. Các hạt nhựa siêu nhỏ này bị đóng trong băng. Khi băng tan, các hạt này tan theo nước, các loài cá ăn các hạt này và như vậy chúng "thâm nhập trực tiếp vào chuỗi cung cấp thức ăn của con người". - RFI

8.
Năm 2030: Tuổi thọ trung bình có thể vượt 90

Theo một nghiên cứu do Đại học Hoàng Gia Luân Đôn phối hợp với tổ chức Y Tế Thế Giới tiến hành tại 35 nước phát triển và mới nổi, từ nay tới năm 2030, tuổi thọ trung bình sẽ tăng tại nhiều nước, thậm chí sẽ vượt ngưỡng 90 tuổi. Nghiên cứu này được công bố ngày hôm nay 22/02/2017 trên tạp chí Y Khoa Lancet.
Reuters cho biết là theo nghiên cứu, tới năm 2030, trong số các nước phát triển, Hàn Quốc sẽ là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất. Phụ nữ Hàn Quốc sinh năm 2030 trung bình sẽ sống được 90,8 năm, còn nam giới sẽ thọ 84,1 tuổi. Tuổi thọ cao như vậy chủ yếu là do người dân Hàn Quốc có chế độ ăn uống lành mạnh, huyết áp không cao, ít hút thuốc lá và nước này có hệ thống y tế tốt. 

Hoa Kỳ nằm cuối bảng xếp hạng (79,5 tuổi đối với nam giới và 83,3 tuổi đối với nữ giới), tương đương với các nước có thu nhập trung bình như Croatia hay Mêhicô. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ trong tương lai sẽ thấp như vậy là do thiếu hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ thông, thêm vào đó tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ phụ nữ tử vong khi mang thai, tỉ lệ tự sát và béo phì đều cao. 
Tại châu Âu, phụ nữ Pháp và đàn ông Thụy Sĩ sẽ có tuổi thọ trung bình cao nhất, lần lượt là 88,6 và 84 tuổi. - RFI

9.
'Tham nhũng là gốc rễ của cực đoan'

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng tham nhũng là một trong những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Tổ chức chống tham nhũng này nói rằng cộng đồng quốc tế cần phải đưa việc chống tham nhũng thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến đang diễn ra chống các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo và Boko Haram.

Trong bản báo cáo công bố hôm thứ Ba, Minh bạch Quốc tế cho rằng việc chính phủ tham nhũng giúp các phần tử hiếu chiến lợi dụng được sự tức giận của công chúng để tuyển mộ, vận chuyển vũ khí, và làm suy yếu các định chế công như quân đội – làm cho các chính phủ không có khả năng kiểm soát các mối đe dọa cực đoan.
Bà Katherine Dixon, giám đốc lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Minh bạch Quốc tế, nói: "Cộng đồng quốc tế có nhiều nỗ lực nhằm xử lý vấn đề 'hệ tư tưởng' của các nhóm như ISIS, tập trung vào những lời lẽ to tát về tôn giáo của chúng, song lại hoàn toàn bỏ qua những hoàn cảnh vật chất mà nhờ đó chúng phát triển mạnh".

Cụ thể về Nhà nước Hồi giáo, Minh bạch Quốc tế cho biết thông điệp của nhóm này môt tả rằng chúng thanh khiết theo cách thức mà các chính phủ ở Trung Đông không được như vậy.
Báo cáo viết: "Thông điệp của ISIS thật rõ ràng: các chính phủ đang nắm quyền đều tha hóa, chỉ chú trọng đến lợi ích của giới tinh hoa không đông đảo, không có tính đại diện. Họ không phục vụ cho các công dân; trong khi đó, ISIS đặt trọng tâm vào công lý, quản trị tốt và phục vụ".

Theo báo cáo, "có lẽ điều đáng quan ngại nhất về nhóm này không phải là sự cuồng tín của chúng, mà là khả năng của chúng thống nhất được sự cuồng tín bằng những thông điệp cộng hưởng với sự thất vọng của công chúng, kết cục là đi đến bạo lực".
Báo cáo cũng nêu ra rằng nhóm cực đoan Boko Haram ở Nigeria trong những năm đầu mới hình thành từng là một tổ chức đặt trên nền tảng chống tham nhũng và những lời lẽ to tát chống giới tinh hoa. - VOA

Tin Hoa Kỳ
10.
TT Trump: Hành động bài Do Thái thật đáng ‘kinh tởm’ --- Ân Xá Quốc Tế: Trump và nhiều lãnh đạo reo rắc lời lẽ thù hận

Trong chuyến thăm viện bảo tàng lịch sử về người Mỹ gốc Phi mới được thành lập, Tổng thống Donald Trump hôm 21/2 phát biểu rằng ông sẽ làm những gì có thể để cải thiện quan hệ sắc tộc. Ông lên án hàng loạt vụ tấn công hồi gần đây, cũng như những tuyên truyền bài người Do Thái bằng hình vẽ và chữ viết tại những nơi công cộng.

“Những đe dọa bài Do Thái nhắm vào cộng đồng Do Thái và những trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Do Thái thật đáng kinh tởm và đau lòng, một sự gợi nhớ đáng buồn về những điều cần phải làm để bài trừ tận gốc định kiến hận thù và tà tâm,” ông Trump phát biểu sau chuyến thăm Bảo tàng Văn hóa và Lịch sử Quốc gia về Người Mỹ gốc Phi.
Trong cuộc phỏng vấn trước đó trên MSNBC, ông Trump nói rằng “Chủ nghĩa bài Do Thái thật đáng kinh tởm, cần phải chặn nó lại, và nó phải chấm dứt.”

Tổng thống Trump đang chịu áp lực ngày càng tăng về việc phải lên tiếng trước tình trạng bài Do Thái giữa lúc xảy ra hàng loạt đe dọa hồi gần đây, bao gồm đe dọa đánh bom hôm 20/2 nhắm vào 11 trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Do Thái. Những đe dọa tương tự cũng xảy ra với các trường học của người Do Thái trong những tuần gần đây, những kẻ bài người Do Thái còn đập phá hàng tá bia mộ tại nghĩa trang của người Do Thái ở St. Louis hôm 16/2.

Ông Trump cũng phát biểu hôm 21/2 trong khi đi thăm viện bảo tàng của người Mỹ gốc Phi rằng: “Nó nhắc nhở tại sao chúng ta phải chiến đấu chống lại sự cố chấp và bất dung thứ.”
Tháng trước, chính quyền Trump đã bị chỉ trích khi ra thông báo nhân ngày Quốc tế tưởng niệm vụ Đức Quốc xã thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ II nhưng không đề cập đến người Do Thái. - VOA

***
Trong bản báo cáo hàng năm được công bố ngày 22/02/2017, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cáo buộc nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump, gieo rắc những bài diễn văn thù hận, bôi nhọ một số nhóm người. Amnesty International lo ngại lời lẽ hùng biện « độc hại » như vậy sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn.

Ngoài tổng thống Mỹ, báo cáo của tổ chức Ân Xã Quốc Tế cáo buộc « những lời phát biểu mang tính phân biệt của Viktor Orban (Hungary), Recep Tayyip Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ), Rodrigo Duterte (Philippines)… nhắm vào nhiều nhóm người, coi họ là người thế mạng và tuyên truyền ý tưởng rằng một số nhóm người ít nhân đạo hơn một số khác » và mục tiêu đầu tiên chính là người nhập cư.
Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế lấy dẫn chứng là thủ tướng Hungary gọi người nhập cư là « thuốc độc », hay thủ tướng Hà Lan từng viết một bức thư ngỏ kêu gọi người nhập cư hãy hành xử một cách « bình thường » hoặc quay về nhà họ. Vẫn theo Ân Xá Quốc Tế, người nước ngoài và người Hồi Giáo là « những mục tiêu chính của chính sách mị dân tại châu Âu » và bị coi là « một mối đe dọa cho an ninh, bản sắc quốc gia hay là những người đến cướp việc làm và là những người lạm dụng hệ thống an sinh xã hội ».

Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế cho rằng những lời phát biểu mang tính hạ thấp và thù hận đó tác động trực tiếp đến các quyền và quyền tự do căn bản, mà cụ thể là « một số chính phủ đã cho thông qua các đạo luật hạn chế quyền tị nạn, tự do ngôn luận và hợp pháp hóa việc theo dõi hàng loạt hay trao cho lực lượng an ninh nhiều quyền hạn ».
Tổ chức Ân Xã Quốc Tế nêu tổng cộng 36 nước đã « vi phạm luật pháp quốc tế khi trục xuất một cách bất hợp pháp người tị nạn về nước, nơi quyền của họ bị đe dọa". - RFI
|
|

11.
Di dân lậu tới Mỹ lúc nhỏ vẫn còn được ‘an toàn’

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục bảo vệ các di dân đến Mỹ khi còn nhỏ một cách bất hợp pháp, nhưng vẫn sẽ xem xét việc trục xuất tất cả các di dân bất hợp pháp khác, theo một hướng dẫn được công bố vào ngày thứ Ba 21 tháng 2.
Hướng dẫn của Bộ An ninh Nội địa là kế hoạch thi hành lệnh hành pháp về an ninh biên giới và thực thi di trú mà ông Trump đã ký ngày 25 tháng 1 năm nay, vài ngày sau khi ông nhậm chức.
Tổng thống Cộng hòa tranh cử trên lời hứa cứng rắn hơn đối với khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp tại Mỹ, nêu lên những lo ngại về các tội phạm bạo động trong khi hứa xây dựng một bức tường dọc biên giới Mexico và chấm dứt các phần tử khủng bố xâm nhập nước Mỹ.

Các giới chức Bộ An ninh Nội địa không muốn nêu danh tính cho báo giới biết dù bất cứ di dân bất hợp pháp nào tại Mỹ cũng có thể bị trục xuất, nhưng Bộ sẽ ưu tiên trục xuất những người nào có thể là một mối đe dọa. Những người này bao gồm những người mới đến gần đây, những người bị kết tội và những người bị truy tố nhưng chưa có án.
Tuy nhiên các giới chức này nói thêm nhiều chỉ thị đối với các nhân viên di trú phác họa trong bản hướng dẫn sẽ không được thi hành ngay tức khắc vì còn tùy thuộc vào Quốc hội, ý kiến của công chúng, hay thương thuyết với các nước khác.

Hướng dẫn mới có ảnh hưởng đối với những di dân không chứng minh được đã có mặt tại nước Mỹ hơn 2 năm, họ sẽ bị “trục xuất nhanh chóng.” Hiện nay chỉ những di dân bị bắt gần biên giới và không thể chứng minh đã có mặt tại Mỹ hơn 14 ngày sẽ bị trục xuất nhanh.
Hướng dẫn cũng chỉ thị cho cơ quan thi hành luật di trú và hải quan bắt giữ những di dân hiện đang chờ phán quyết của Tòa về việc họ có bị trục xuất hay được cho tị nạn hay không.

Cơ quan cũng đang có kế hoạch gởi trả những di dân không phải người Mexico vượt biên giới phía nam nước Mỹ về lại Mexico trong khi chờ đợi quyết định về trường hợp của họ. Các giới chức Bộ An ninh Nội địa nói kế hoạch này tùy thuộc vào các đối tác với chính phủ Mexico và sẽ không được thi hành trong một sớm một chiều.
Những biện pháp của ông Trump chống lại di dân bất hợp pháp đã làm dấy lên những cuộc biểu tình như sự kiện hồi tuần trước mà những nhà hoạt động gọi là “Một ngày Không Di dân” để nhấn mạnh tầm quan trọng của dân nhập cư, chiếm 13% dân số Mỹ, hay hơn 40 triệu người được nhập tịch Mỹ. - VOA

12.
Mỹ: Ngành cần sa hồi hộp chờ quan điểm mới

Marijuana, hay cần sa, hiện được sử dụng hợp pháp cho mục đích chữa bệnh hoặc giải trí ở 28 tiểu bang của Mỹ. Bốn trong số các tiểu bang này hợp pháp hóa marijuana vào tháng 11 vừa qua. Được công chúng ủng hộ nhiều hơn, ngành công nghiệp cần sa hợp pháp trị giá nhiều tỷ đô la cũng đang lớn mạnh. Trong khi marijuana được hợp pháp hóa ở nhiều bang, luật liên bang chưa hợp pháp hóa cần sa. 
Mua chất kích thích – mà người Mỹ gọi dân dã là pot – tại một chẩn y viện ở Los Angeles giống như là đi vào một cửa hàng rượu cao cấp. Các cây cần sa được trưng bày có mô tả về công dụng của chúng. Các loại thức ăn và các sản phẩm vệ sinh có marijuana được bày trên giá với mục tiêu làm cho chất kích thích này trở thành sản phẩm thông dụng và để xóa đi những vết nhơ về nó, đặc biệt kể từ khi California hợp thức hóa việc sử dụng marijuana cho mục đích giải trí vào tháng 11 năm ngoái.
Vào năm 2016, ngành kinh doanh marijuana được hợp pháp hóa đã đạt giá trị gần 7 tỷ đô la. Con số đó được kỳ vọng sẽ tăng đến hơn 21 tỷ đô la trong 5 năm tới. Nhưng chính quyền mới của ông Trump đang làm cho một số người trong ngành công nghiệp đang phát triển này lo lắng.

Ông Daniel Yi của công ty sản xuất cần sa hàng đầu ở Los Angeles cho VOA biết:

"Marijuana chắc chắn là ngành đang phát triển mạnh và có nhiều thay đổi, một phần là vì nó đang trong bối cảnh luật pháp phức tạp. Nó được hợp pháp hóa ở một số tiểu bang, nhưng không được liên bang hợp pháp hóa và đang có nhiều luật mâu thuẫn, chồng chéo nhau."
Ông Martin Adamian là giáo sư của Đại học bang California ở Los Angeles.
"Có những luật ở cả cấp tiểu bang lẫn liên bang. Khi các luật đó mâu thuẫn nhau, thì luật liên bang thắng - với đúng nghĩa là điều khoản tối cao, một điều khoản trong Hiến pháp Mỹ quy định rõ rằng luật liên bang là tối thượng."

Nhưng việc chỉ các giới chức liên bang mới có thể thực thi luật liên bang ở các tiểu bang có luật khác với luật liên bang không có nghĩa là nó vô hiệu hóa luật tiểu bang, và do đó nó đang gây bối rối, khó hiểu về vấn đề này. Nhưng cuối cùng thì mỗi tổng thống sẽ là người đặt ra các tiêu chí thực thi.
Chính quyền tổng thống Obama dùng cách tiếp cận không can thiệp, và cho phép mỗi tiểu bang thực thi luật của riêng họ. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thực thi luật của chính quyền Trump là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Khi còn làm Thượng nghị sĩ đại diện bang Alabama năm 2016, ông Sessions nói:

"Người tốt không hút marijuana."
Vấn đề trở nên khó hiểu hiểu hơn trong buổi điều trần chuẩn thuận cho chức bộ trưởng tư pháp, ông Sessions đã không nói rõ khi trả lời một câu hỏi của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy của tiểu bang Vermont.

Ông Leahy hỏi: “Ông sẽ dùng các nguồn lực của liên bang để điều tra và truy tố những người bị bệnh dùng marijuana được luật của tiểu bang cho phép, cho dù mâu thuẫn với luật liên bang hay không?"
Ông Sessopms trả lời: “Thưa Thượng nghị sĩ Leahy, tôi cam kết luôn thực thi luật liên bang, nhưng đây hoàn toàn là một vấn đề các nguồn lực của chính phủ liên bang chúng ta."

Giáo sư Martin Adamian của trường đại học Tiểu bang California nói:

"Với đủ tính độc lập và tự do để quyết định đường hướng, một người như ông Jeff Sessions có thể sẽ tìm mọi cách để thực thi luật liên bang về marijuana mà có thể đưa tới thêm những vụ bố ráp tại các tiểu bang cho phép việc sử dụng majiuana."
Nhưng một số tổ chức kinh doanh trong ngành công nghiệp cần sa đang có nhiều hy vọng, như MedMen là nơi quản lý các chẩn y viện.
Anh Daniel Yi của Medmen cho biết thêm:

"Nếu bạn tin vào triết lý chính phủ làm theo ý chí của người dân và thực tế là ngành công nghiệp marijuana đang phát triển mạnh – nó đang thực sự pháp triển và hoạt động trong phạm vi luật pháp và cho thấy nó là một ngành công nghiệp có tiềm năng -- thì tôi cho rằng chúng ta có thể có chút lạc quan về tương lai."
Quốc hội đang tìm cách đáp ứng lại sự phổ biến của marijuana bằng cách lập ra Ủy ban Cần sa lưỡng đảng để làm cầu nối giải quyết sự mâu thuẫn giữa các luật lệ của tiểu bang và liên bang và cũng để giúp ngành công nghiệp marijuana phát triển. - VOA
|
|

Tin Việt Nam
13.
Vụ Formosa: ông Võ Kim Cự, Hồ Anh Tuấn bị quy trách nhiệm chính

Về vi phạm của Hà Tĩnh liên quan đến dự án Formosa, ông Võ Kim Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (2011-2016) và ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (2010-2016) phải chịu "trách nhiệm chính", theo một thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 17/2. 

Những vị cán bộ khác của Hà Tĩnh "có phần trách nhiệm" bị nêu tên trong thông cáo này là các ông Lê Đình Sơn, Đặng Quốc Khánh, Dương Tất Thắng và Nguyễn Nhật trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh. 
"Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các đồng chí Võ Kim Cự, Hồ Anh Tuấn là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật," thông cáo viết rõ.

Hồi tháng 11/2016, ông Võ Kim Cự đã bị Đảng Cộng sản "kiểm tra sai phạm". 

Ông Cự đã từng nói rằng khi cấp phép cho Formosa, "ông không có gì sai," theo VnExpress (24/7) và "việc cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng theo trình tự, đúng theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định 108 của Chính phủ." trong phỏng vấn với VTV hôm 25/7. 
Theo các văn bản của chính phủ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đăng trên trang Thư viện Pháp luật thì nhiều lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam đã tham gia chỉ đạo việc chuẩn bị đón nhận đầu tư và triển khai công trình của tập đoàn Hưng Nghiệp, Đài Loan vào Vũng Áng ngay từ giai đoạn đầu.

Trong các văn bản này, vai trò của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Đảng ủy tỉnh không phải là nổi bật.
Trang thuvienphapluat.vn còn lưu lại quyết định hồi năm 2007 (145/2007/QĐ-TTg) phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành, gồm cả công trình tại Hà Tĩnh.

Về phần Bộ Tài nguyên và Môi trường, "trách nhiệm để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh" bị quy cho ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Nguyễn Thái Lai, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị quy là "thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao."
"Những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đồng chí nêu trên là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật," thông cáo viết tiếp. - BBC

14.
Chuyên trang điện tử của báo Văn Nghệ bị yêu cầu đóng cửa
Chuyên trang điện tử của báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ - vannghetre.net, vừa bị yêu cầu đóng cửa ngay sau khi đưa thông tin sai về Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Văn Nghệ Trẻ hôm 21/2 có bài 'Lại thêm một vụ cán bộ dùng xe công gắn biển giả?', trong đó cáo buộc chiếc xe biển số xanh 43A-299.99 mà ông Xuân Anh sử dụng là 'dùng biển giả'.
Các báo trong nước nói lý do chính thức mà chuyên trang này bị yêu cầu đóng cửa là có đuôi tên miền .net trong khi chỉ được cấp phép cho đuôi miền .com.vn

Tờ báo 'mẹ' của Văn Nghệ Trẻ, báo Văn Nghệ, cũng bị Bộ Thông tin - Truyền thông xử phạt 30 triệu đồng.
Cục Báo chí Bộ Thông tin-Truyền thông ra quyết định xử phạt chiều 22/2 và tuyên bố sẽ "tiếp tục làm việc để truy xét đúng sai" trong bài báo về chiếc xe của Bí thư Đà Nẵng.

Cáo buộc
Văn Nghệ Trẻ nói một xe cá nhân cũng có biển số 43A-299.99 cùng với biển số với xe của Bí thư Đà Nẵng đang sử dụng. Báo này còn cáo buộc chiếc xe Toyota ông Xuân Anh sử dụng có trị giá "khoảng 2,5 tỷ đồng".

Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng sau đó lên tiếng nói chiếc xe này được Văn phòng Thành ủy "tiếp nhận từ một doanh nghiệp tặng với đơn giá được ghi rõ trong hóa đơn là 1,182 tỉ đồng", theo báo Tuổi Trẻ.
Chiều 22/2, ông Bằng cũng đã ký công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông "đề nghị chỉ đạo xử lý bài viết của tác giả Trương Ngọc vì đưa tin không đúng sự thật, đồng thời yêu cầu báo Văn Nghệ phải đính chính, xin lỗi theo đúng quy định của pháp luật".
Ông Nguyễn Xuân Anh được báo Dân Việt dẫn lời nói: " Rõ ràng là xe có đăng ký, có kiểm định, làm gì có chuyện biển số giả. Người đưa thông tin như vậy là bôi nhọ Đà Nẵng".

Ông cũng nói đang xem xét kiện Văn Nghệ Trẻ.
Chỉ trong ngày 22/2 cơ quan chức năng đã xử lý hết sức nhanh chóng. - BBC

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét