Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 24/2 - Lê Minh Nguyên


Trung Quốc đang đàm phán song phương về Biển Đông --- Trung Quốc hứa không xây dựng tại Scarborough --- Mỹ kêu gọi Trung Quốc đổi lập trường Biển Đông<!>
Trung Quốc đang đối thoại với từng nước một trong khu vực Đông Nam Á về các quyền lợi chung trong việc khai thác hải sản và nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Biển Đông đang có những tranh chấp chủ quyền chồng chéo. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc hoặc việc thiếu niềm tin chính trị sẽ gây cản trở cho bất kỳ một thỏa thuận chính thức nào và có thể sẽ chuyển trọng tâm sang các thỏa thuận kinh tế không chính thức.

Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau vào tháng trước để thảo luận về hợp tác hàng hải mà có thể bao gồm việc thăm dò dầu khí dưới biển. Đó là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm đối thoại riêng với các quốc gia có tranh chấp hàng hải kể từ khi một tòa trọng tài quốc tế ở La Hague ra phán quyết vào tháng Bảy năm ngoái nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khoảng 95% diện tích trên biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý.

Trung Quốc cũng đối thoại với Malaysia và Philippines về vùng biển có diện tích 3,5 triệu km vuông, nơi có nguồn hải sản và trữ lượng dầu khí dồi dào, và là một hải lộ quốc tế trọng yếu.
Các thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giảm bớt những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền bằng cách cho tất cả các quốc gia một ít quyền lợi mà không mất đi sự kiểm soát hiệu quả của bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc bác bỏ phán quyết của trọng tài quốc tế nhưng sau đó đã tự tìm cách cải thiện quan hệ với các nước đang có tranh chấp.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi việc theo đuổi các thỏa thuận song phương.
Phần lớn các cuộc đối thoại về Biển Đông được tổ chức bí mật, nhưng các chuyên gia dự báo rằng các thỏa thuận cuối cùng cũng là về quyền đánh bắt hải sản hoặc quản lý khai thác hải sản. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang đặc biệt quan tâm về quyền đánh bắt hải sản với những đội tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng nghiên cứu chính sách cao cấp về Trung Quốc ở Đài Loan cho biết: "Điều đầu tiên mà họ muốn làm là xác định các quyền đánh bắt hải sản. Và tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng bởi vì bạn phải bàn đến một số quy tắc hoặc một số vấn đề thực tế thay vì bàn về việc phân chia lao động hoặc khu vực đánh bắt."
Một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận ngư nghiệp đang hiện hữu là kể từ năm 2006 Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau tuần tra chung hoạt động khai thác hải sản ở Vịnh Bắc Bộ. Năm ngoái, hai bên đã mở rộng các tuyến tuần tra.

Sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 10, Trung Quốc đã thôi ngăn chặn các tàu đánh cá Philippines ở vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough, phía tây đảo Luzon, theo tin tức báo chí cho biết.
Nhưng các thỏa thuận kinh tế gắn kết một cách không chính thức với các tranh chấp hàng hải có thể dẫn đến nguy hiểm nếu các mối quan hệ này xấu đi.

Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay, đồng thời là chủ tịch luân phiên hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cho biết, ông "lo ngại sâu sắc" hành động của Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói phát biểu trên là "khó hiểu và đáng tiếc." Ông Sảng nói các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte đang được triển khai thực hiện, và Trung Quốc đã hứa sẽ ngừng việc xây dựng trên biển.

Ít nhất là từ năm 2013, Trung Quốc và Việt Nam đã bàn về việc cùng nhau khai thác dầu hỏa, và việc thảo luận khai thác dầu giữa Trung Quốc và Philippines đã bắt đầu vào tháng 10.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ foot khối khí đốt tự nhiên dưới đáy Biển Đông. Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam hiện nay đang làm khảo sát riêng và Philippines đã nhận đơn thầu thực hiện thăm dò dầu khí từ các công ty tư nhân.
Ông Carl Baker, Giám đốc các chương trình thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS tại Honolulu nói rằng việc cùng nhau tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch thiếu khả thi vì khi chia sẻ bất kỳ nguồn tài nguyên nào cũng sẽ có hàm ý là phải từ bỏ chủ quyền ở nơi mà tài nguyên đó được phát hiện.

Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Monash ở Australia nói rằng các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên sẽ được thực hiện một cách hợp pháp nếu các quốc gia ký kết đặt các vấn đề chủ quyền sang một bên, nhưng người dân trong nước thì vẫn hoài nghi việc này.
Ông Guilfoyle nói:"Thực tế khó thực hiện hơn so với lý thuyết. Hiện có những vấn đề thực tế đang được đàm phán, nhưng sau đó các vấn đề khác liên quan đến chính trị, sự tin tưởng và liệu công dân của bạn cuối cùng có ủng hộ một thỏa thuận như vậy không."

Ông Guilfoyle nói thêm rằng những thay đổi trong giới lãnh đạo của một quốc gia có thể gây phương hại đến tiến trình ra thỏa thuận, và một số nước thiếu sự tin cậy chính trị nên không thể bắt đầu. Ví dụ người tiền nhiệm của ông Duterte, vì giận dữ với Trung Quốc nên đã nộp đơn kiện tại tòa trọng tài quốc tế. Còn ông Duterte thì làm lành với Bắc Kinh sau khi nhậm chức vào tháng Sáu.
Các thỏa thuận song phương có thể bao gồm điều khoản làm thế nào để tránh rủi ro trên biển, tránh giao tranh, như vụ đụng độ đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1974 và 1988.

Trong năm nay, riêng Trung Quốc sẽ theo đuổi bộ khung quy tắc ứng xử (COC) với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau nhiều năm Trung Quốc chống lại COC.

Ông Herman Kraft, giáo sư nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman nói rằng bộ quy tắc ứng xử (COC) của ASEAN phù hợp với bất kỳ thỏa thuận song phương nào.
Nếu không có các thỏa thuận cụ thể về các hoạt động trên biển, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới để tăng cường thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển cho các bên có tranh chấp ở Biển Đông, những nước khát khao mong muốn phát triển nền kinh tế riêng của mình.

Sáng kiến "Đường tơ lụa Hàng hải thế kỷ 21" của Bắc Kinh được thiết lập để phân bổ một số tiền từ một nguồn quỹ 40 tỷ đôla và 100 tỷ đôla đầu tư vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để mua cổ phần xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á, một lợi ích khổng lồ cho các công ty Trung Quốc khi thị trường trong nước quá cạnh tranh.
Có nhiều dấu hiệu giao dịch kinh tế khá hào phóng khi có sự gia tăng lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam vào năm ngoái, trong khi Philippines kỳ vọng đạt 24 tỷ đôla viện trợ phát triển cũng như các khoản đầu tư từ Trung Quốc, sau cuộc đối thoại của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines vào tháng 10.

Trong tháng 11, Malaysia và Trung Quốc đã ký kết 14 bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh. Trung Quốc đã lên kế hoạch bán cho Malaysia 4 tàu chiến, cung cấp khoảng tín dụng 55 tỷ ringgit (khoảng 12,4 tỷ đôla) để xây một đường tàu hỏa. Malaysia đã xem Trung Quốc là đối tác thương mại và là quốc gia cấp vốn đầu tư trực tiếp hàng đầu.
Malaysia hiếm khi chỉ trích Trung Quốc một cách công khai vì các hoạt động hàng hải, mặc dù cả hai bên đều khẳng định chủ quyền các khu vực trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh có thể yêu cầu các nước khác im lặng về việc Trung Quốc cải tạo các hải đảo, việc Trung Quốc tăng sự hiện diện quân sự trên một số đảo nhỏ hoặc các đội tuần duyên Trung Quốc tuần tra trên vùng biển mà các bên khác thường xuyên qua lại.
Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan nói: "Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Họ đang cố gắng để một mặt hiển thị trên sức mạnh của Trung Quốc và mặt khác ngăn cản các nước khác tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông." - VOA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với người tương nhiệm Philippines rằng Trung Quốc sẽ không xây dựng trên một bãi cạn ở Biển Đông mà hai nước đều tuyên bố có chủ quyền, một Bộ trưởng trong chính phủ Philippines cho biết tin này ngày 23 tháng 2.

Căng thẳng giữa hai nước đã được cải thiện kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền tại Philippines vào tháng 6 năm ngoái, “trở mặt” với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ để tiến đến những quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Trung Quốc đặt một số nước láng giềng vào tình trạng báo động và khiến Hoa Kỳ lo ngại vì đã xây dựng 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, một số được trang bị các cảng biển và cảng hàng không, bị nghi là dùng cho quân sự. 

Trung Quốc phủ nhận có ý đồ xấu và khẳng định duy trì tự do hàng hải.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết lời hứa của ông Tập được đưa ra trong cuộc gặp với ông Duterte tại Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái sau khi Philippines nêu lên vấn đề bãi cạn tranh chấp trước tin tình báo của Mỹ là Trung Quốc đã gởi các tàu nạo vét đến khu vực này.
Ông Yasay nói với các phóng viên: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Duterte là sẽ không lấp đất lấn biển và xây dựng các cơ sở trên Bãi cạn Scarborough.”

Bãi cạn Scarborough nằm về phía đông bắc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm vào năm 2012 rồi cấm ngư dân Philippines đánh bắt tại đây. Tuy nhiên sau chuyến viếng thăm của ông Duterte, Trung Quốc cho phép ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough.
Ông Yasay nói Philippines sẽ phản đối nếu xác nhận được là Trung Quốc hoàn tất các vị trí phi đạn trên các đảo nhân tạo.
Một phát ngôn viên Trung Quốc nói phát biểu Ngoại trưởng Philippines “gây trở ngại và đáng tiếc”, và “không phù hợp” với sự phát triển trong quan hệ Trung Quốc-Philippines hay toàn thể tình hình ổn định tại Biển Đông. - VOA

***
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc thay đổi lập trường về Biển Đông, một thủy lộ chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên mà từ lâu nhiều nước đã đòi chủ quyền trên vùng biển này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Anna Richey-Allen nói “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc, cũng như những nước khác tranh chấp chủ quyền, tự chế không tiến thêm bước nào nữa trong việc xây dựng những cơ sở mới, quân sự hóa những đảo tranh chấp, và lấp đất lấn biển tại Biển Đông, và cam kết giải quyết hòa bình những tranh chấp với các nước khác.”

Tuyên bố được đưa ra vào lúc Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng những cơ cấu quân sự trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông theo như tin của Thông tấn xã Reuters.
Các giới chức Mỹ dấu tên nói với các hãng tin là việc xây dựng hầu như hoàn tất đối với hơn hai chục cơ cấu với mái đóng mở được thiết kế để chứa các phi đạn đất đối không trên quần đảo Trường Sa.

Bà Richey-Allen nói tiếp “Quân sự hóa những đảo này gây căng thẳng và những tin tức gần đây nhất đã tạo ra những quan ngại giữa các nước trong vùng.”

Một phúc trình được Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các đường băng và những hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo kể từ tháng 6 năm ngoái.
Vào lúc đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra một tuyên bố cho rằng việc xây dựng này “chủ yếu để sử dụng trong dân sự mà thôi.” - VOA

2.
Liệu chiến thuật 'trị' Trump của TQ có hiệu quả?

Đã một tháng trôi qua và thách thức to lớn cho Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn là làm sao thích ứng được với Donald Trump
Tân Tổng thống Hoa Kỳ bước vào nhiệm kỳ với hàng loạt thông điệp khiêu khích và khó lường về Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cần đến thiện ý, thị trường và công nghệ của Mỹ để xây dựng được cái gọi là "sức mạnh toàn diện" cho mình.

Mối quan hệ hiệu quả với Hoa Kỳ là lợi ích chiến lược cốt lõi của Trung Quốc - đây là điều hiển nhiên, tuy nhiên vẫn cần được nhắc lại.
Hiện ít nhất thì ông Trump có vẻ như đã ngừng xúc phạm và đe dọa Bắc Kinh - mặc dù hôm thứ Sáu 24/02 ông nhắc lại rằng ông vẫn cho Trung Quốc là "nhà vô địch thế giới trong thao túng tiền tệ". 

Những gương mặt quan trọng trong chính quyền Trump nay có vẻ nhã nhặn hơn trên điện thoại. 

Vậy chiến thuật của Trung Quốc là gì, và họ đã làm thế nào? 

1. Chăm sóc gia đình, chăm bạn bè 

Bắc Kinh nhanh chóng hiểu ra rằng cách điều hành chính quyền của Tổng thống Trump không hề giống với những người tiền nhiệm.

Phía Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của gia đình.
Trước khi chính ông Trump hoặc các thành viên quan trọng trong chính quyền của ông nói chuyện với nhân vật chủ chốt ở Trung Quốc, và trong lúc dân mạng Trung Quốc xì xào về việc ông Trump không có chút thông điệp thiện ý nào vào dịp Tết Nguyên đán, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc ở Washington, đã khéo léo làm thân với con gái ông Trump, cô Ivanka.

Cô làm cầu nối thay cho khoảng cách trong quan hệ chính thức giữa hai nước, với sự xuất hiện được truyền thông rộng rãi trong một sự kiện mừng năm mới ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington.
Chồng cô, Jared Kushner cũng liên hệ với Bắc Kinh qua các đối tác kinh doanh Trung Quốc của mình.
Và một người con gái khác của ông Trump, cô Tiffany cũng đóng vai trò nhất định khi ngồi ở hàng ghế đầu trong đêm trình diễn của nhà thiết kế người Trung Quốc Taoray Wang tại Tuần lễ Thời trang New York.

Để đẩy mạnh mạng lưới quan hệ không chính thức này, doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc, Jack Ma gặp ông Trump và hứa sẽ tạo hàng triệu việc làm cho người Mỹ bằng việc bán hàng của Mỹ trên trang Alibaba của ông.
Ngay cả trong các công ty tư nhân tại Trung Quốc cũng có chi bộ đảng cộng sản, và khối kinh tế tư nhân được yêu cầu phải tuân thủ mệnh lệnh của Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia.

Jack Ma mang theo một nhiệm vụ và thông điệp. Với 100 doanh nghiệp tài trợ cho thông điệp năm mới của Trung Quốc tới ông Trump ở trên biển quảng cáo ở Quảng trường Times, New York.

2. Tặng quà

Đế chế kinh doanh đầy tranh cãi của Trump có một số vụ việc liên quan tới đăng ký thương hiệu đang nằm chờ ở tòa án Trung Quốc.
Bắc Kinh không giấu diếm chuyện trên thực tế tòa án nước này cũng phải tuân thủ Đảng Cộng sản.

Việc thúc đẩy tiến độ đăng ký thương hiệu cho công ty dịch vụ xây dựng, điều mà ông Trump đã cố gắng đạt được trong cả chục năm nay, là điều mà Trung Quốc có thể dễ dàng thực hiện, nhất là khi việc này cũng phù hợp với chủ trương chung trong việc chống lại tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng, lấy các tên tuổi lớn làm thương hiệu.
Trong trường hợp của Trump, các bước đi cần thiết này được thực hiện nhanh chóng, không ồn ào trong mùa thu năm ngoái và đã khép lại với thắng lợi cho ông Trump hồi tuần trước.

3. Nhỏ nhẹ cho tới khi cần lớn tiếng 

Trung Quốc thường khá lớn tiếng với các lực lượng thù địch nước ngoài và cáo buộc chính quyền nước ngoài làm tổn thương tình cảm của người Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump xúc phạm và đe dọa Trung Quốc, gọi nước này là kẻ cắp, kẻ hiếp đáp hoạt động thương mại và thách thức vị thế của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Quan chức Hoa Kỳ cũng cảnh báo sẽ có thái độ cứng rắn hơn trên Biển Đông.

Nhưng trong suốt quá trình, Bắc Kinh tỏ ra luôn duy trì được kỷ luật thép và thái độ kiềm chế.
Tân Hoa xã nhận xét về ông Trump: "Ông ta sẽ sớm nhận ra rằng lãnh đạo của hai nước sẽ cần dùng đến những cách hiệu quả và chín chắn hơn để giao tiếp, thay vì có những trao đổi gai góc qua Twitter."

Sau đợt bầu cử hồi tháng 9, truyền thông Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ, bị bắt phải dùng những lời lẽ nhàn nhạt của Tân Hoa xã trong các bài tường thuật về Hoa Kỳ.

4. Không lên tiếng cho tới khi kịch bản đã được duyệt

Không giống các lãnh đạo thế giới khác, Chủ tịch Tập nổi tiếng là chậm nghe điện thoại.
Quan sát các cuộc gọi không mấy thành công giữa Tổng thống Trump với lãnh đạo Mexico và Úc, Bắc Kinh quyết tâm tránh để xảy ra các vụ việc không đúng chuẩn mực ngoại giao.

Bằng cách chờ cho tới khi các nhân vật chín chắn hơn như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson vào ngồi cùng một phòng (về mặt hình tượng và đôi khi là sự thực), Trung Quốc đảm bảo có được kịch bản mình mong muốn.
Khi cuộc gọi giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập cuối cùng cũng diễn ra, Bắc Kinh giành được thêm cam kết mới của Hoa Kỳ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc và có được cuộc gặp xứng đáng.

Chủ tịch Tập lại càng uy tín thêm với tính cứng rắn và nhẫn nại. 

Tổng thống Trump đã nói về quan điểm tiếp cận mới với Đài Loan, nhưng nay lại lùi bước.

5. Trao đổi hữu hảo

Kể từ sau cuộc gọi đó, các đường dây kết nối giữa Bắc Kinh và Washington DC đã hoạt động tích cực.
Tân Bộ trưởng Ngân khố vừa được chính thức bổ nhiệm, Steve Mnuchin, đã trao đổi với một số quan chức cao cấp của Trung Quốc phụ trách vấn đề chính sách kinh tế. Ông Tillerson đã gặp người tương nhiệm, Ngoại trưởng Vương Nghị, và quan chức ngoại giao cao cấp, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì.

Bắc Kinh đã bắt đầu trao đổi về việc thực hiện "sự đồng thuận đã đạt được giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump" về mối quan hệ "không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi".

6. Đưa ra những nhượng bộ

Về mặt thực tế, Trung Quốc biết rằng tình thế hai bên cùng có lợi sẽ đồng nghĩa với việc phải đưa ra những nhượng bộ và hợp tác ở bất kỳ lĩnh vực nào họ có thể. Và họ cũng đã tỏ rõ ý nguyện trong một mảng mà Hoa Kỳ quan tâm, với việc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn.

Tất nhiên, Bắc Kinh nói rằng quyết định này mang tính chuyên môn kỹ thuật, và có dựa trên hạn mức cần thiết.
Thế nhưng nếu xét tới thái độ khiêu khích của Bình Nhưỡng trong cuộc thử tên lửa mới nhất và tới sự quan ngại ngày càng tăng của Mỹ đối với những bước tiến của chương trình hạt nhân Bắc Hàn, thì đây nhiều khả năng là kết quả của sự toan tính kỹ lưỡng từ phía Trung Quốc trong việc nên đưa ra củ cà rốt nào về phía Donald Trump, và cây gậy nào sẽ giơ ra cho Kim Jong-un.

7. Biến điểm yếu của đối phương thành sức mạnh của mình

Trên diễn đàn quốc tế, Chủ tịch Tập đã thể hiện một cách hữu hiệu cho thế giới thấy bản thân ông không giống như Donald Trump.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông nổi tiếng là người đấu tranh cho toàn cầu hóa và tự do thương mại.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải là mô hình mẫu mực về tự do thương mại, với việc bảo hộ kỹ càng cho thị trường nội địa. Thế nhưng trong một thế giới với những "sự thật song song" thì sự hùng biện có tác động rất mạnh.
Trên diễn đàn khu vực, Trung Quốc đang quảng bá bản thân như một nhà lãnh đạo thương mại đa phương, nhất là sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong chính trị Trung Quốc, ông Trump đang gián tiếp làm các công việc thay cho ông Tập.
Đảng Cộng sản đôi khi gặp khó khăn trong việc bảo vệ "tính ưu việt" của chế độ độc tài toàn trị trước sự hào nhoáng, hấp dẫn của một nước Mỹ tự do, cởi mở và dân chủ. Thế nhưng những cảnh tượng biểu tình trên đường phố nước Mỹ và những hỗn loạn từ quyết định hủy chiếu khán nhập cảnh mà ông Trump đưa ra trong tháng đầu nhậm chức quả là món quà quý để Bắc Kinh tuyên truyền.

Những chiến thuật có tác dụng

Bắc Kinh sẽ thấy rất vừa lòng về những gì họ đã thể hiện cho tới nay. Thế nhưng đây là cuộc chơi nhiều bên, với nhiều nguy hiểm và cạm bẫy về dài hạn.
Bắc Kinh đã làm tốt việc tháo gỡ các rủi rõ và khai thác các cơ hội có trong tháng đầu Tổng thống Trump nhậm chức.
Vòng Một - Trung Quốc thắng. Sẽ còn nhiều vòng đấu nữa diễn ra trong thời gian tới. - BBC

3.
Bộ Trưởng Nội An hứa với Mexico không 'trục xuất hàng loạt'

Các giới chức Mỹ hứa với Mexico sẽ không “trục xuất hàng loạt” người nhập cư trái phép. Hứa hẹn đó giúp hạ giảm căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ mạnh tay trấn dẹp những kẻ xấu cư trú bất hợp pháp ở Mỹ
Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly và Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson của Mỹ hôm thứ Năm 23/2 họp với Tổng thống Enrique Peña Nieto và các bộ trưởng của Mexico. Các giới chức Mexico trong cuộc gặp gỡ đã bày tỏ “lo ngại và khó chịu” về quan điểm hung hãn của Tổng thống Trump trong quan hệ về thương mại và di dân với Mexico.

Bộ trưởng Kelly nhấn mạnh rằng sẽ không có việc “sử dụng quân đội” để tập trung di dân không giấy tờ theo như dự định của Tổng thống Trump đẩy mạnh trấn dẹp di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ.
Sẽ không, tôi xin lập lại là không có trục xuất hàng loạt. Mọi việc Bộ An ninh Nội đia của chúng tôi làm đều đúng theo luật pháp, hợp tính nhân đạo và trong khuôn khổ của hệ thống tự pháp của Hoa Kỳ. Mọi trường hợp bị trục xuất đều làm theo đúng quy định của hệ thống pháp lý.

Bộ trưởng Tillerson nói cuộc họp với các giới chức chính phủ Mexico rất hữu ích.
Mặc dù hai nước đã có chung lịch sử dài lâu, chuyến thăm và làm việc của chúng tôi nhằm mục tiêu hướng nhìn về phía trước, tập trung vào những lợi ích chung của hai bên và sẽ củng cố tình hình an ninh và quan hệ kinh tế vững mạnh giữa hai nước. Trong các cuộc họp, chúng tôi thừa nhận rằng quan hệ giữa hai nước có nhiều màu sắc rất ấn tượng, hai nước có chủ quyền mạnh đôi lúc vẫn có những bất đồng. Chúng tôi chú tâm lắng nghe ý kiến của nhau trong khi chúng tôi tôn trọng và kiên nhẫn nêu lên những lo ngại của mình.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không công bố chi tiết về những gì được thảo luận với Tổng thống Pena Nieto của Mexico.
Một thông báo của văn phòng tổng thống Mexico nói ông Pena Nieto lập lại rằng đối với với nước ông, “bảo vệ cho người Mexico ở Hoa Kỳ và tôn trọng quyền của họ là một trong những ưu tiên cao nhất của chính phủ Mexico.” - VOA
|
4.
Lực lượng Iraq được Mỹ yểm trợ chiếm lại sân bay Mosul

Các quan chức quân sự Iraq cho biết các lực lượng Iraq được Mỹ yểm trợ đã chiếm lại sân bay ở thành phố Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo. Nhóm cực đoan này đã chiếm giữ phi trường Mosul từ năm 2014.
Truyền hình nhà nước Iraq nói rằng: "Các lực lượng phản ứng nhanh và cảnh sát liên bang Iraq đang kiểm soát hoàn toàn sân bay Mosul."

Chính phủ Iraq hôm thứ Sáu cho biết quân đội cũng đã chiếm lại tại một căn cứ quân sự lớn cạnh sân bay, và lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, quân đội đã chiếm được một khu làng ở Mosul.
Trung Tướng Iraq Raid Shakir Jaudat cho biết các lực lượng chính phủ, được máy bay do thám và pháo hạng nặng yểm, từ nhiều phía đã tiến vào sân bay Mosul. Lúc đầu, nhóm tiếp quản sân bay cho biết phe Nhà nước Hồi giáo không kháng cự, nhưng sau đó có tin đụng độ giữa lực lượng Iraq với các phiến quân đóng trại tại các tòa nhà trong sân bay.

Một sĩ quan đặc nhiệm Iraq cho biết các phiến quân IS đã tấn công tự sát bằng xe bom nhằm vào lực lượng của chính phủ. Hàng chục quả bom đã thả xuống từ các máy bay do thám. Viên sĩ quan nói rằng có ít nhất 10 người thương vong và nhiều người bị thương nhẹ.

Lực lượng Iraq tiếp quản sân bay sẽ điều động binh lính từ phía tây nam tiến vào thành phố và đầu tiên sẽ kiểm soát một khu vực dọc theo bờphía tây của sông Tigris.
Các lực lượng Iraq bắt đầu hành quân chiếm lại khu vực phía tây của thành phố Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq vào ngày Chủ Nhật, sau khi cho biết vào cuối tháng 1 họ đã giải phóng khu phía đông của thành phố này.

Các lực lượng Hoa Kỳ đã góp một vai trò quan trọng, tăng thêm sức tiến công cho quân đội Iraq.  Các lực lượng Mỹ đã yểm trợ bằng các cuộc không kích và các cố vấn quân sự. Hôm thứ Năm, các lực lượng của Hoa Kỳ đã có mặt ở tuyến đầu của cuộc tấn công này.
Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã đến thăm Iraq và cam kết hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến Hồi giáo.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có ở lại Iraq sau chiến dịch tái chiếm Mosul hay không, ông Mattis nói "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ lưu lại với cuộc chiến này một thời gian và chúng ta sát cánh bên nhau."
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang nỗ lực xây dựng các trại tạm cư mới cho những người bị thất tán. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã hoàn thành tám trại và nói rằng họ bắt đầu kế hoạch xây một khu trại khác ở phía nam thành phố Mosul. - VOA

5.
TT Trump vẫn có thể đạt được thỏa thuận với Bắc Hàn

Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có lẽ đã quá muộn để có được một thỏa thuận ngưng chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng những người ủng hộ việc đàm phán với Bình Nhưỡng cho rằng ông Trump đang ở một vị thế có một không hai để đạt được một bước đột phá trong nỗ lực giải quyết tình hình an ninh căng thẳng đang le thang trên bán đảo Triều Tiên. 
Giáo sư Moon Chung-in của đại học Yonsei ở Seoul nói: “Tôi có một chút hy vọng rằng Tổng thống Trump có thể đạt được một thỏa thuận không thể tưởng tượng được với Bắc Hàn và có thể đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.”

Tổng thống Trump hồi đầu tuần này đã nhấn mạnh đến việc tăng cường quân sự trong khu vực, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Hàn Quốc để đối phó với việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang ra sức tăng cường khả năng hạt nhân và tên lửa.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Năm, Tổng thống Trump nói: “Muộn rồi. Chúng tôi rất bực mình với những gì ông [Kim Jong Un] đã làm.”

Năm ngoái, Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân, một vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo xuyên lục địa bị cấm, và phóng nhiều tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ tàu ngầm và các bệ phóng di động trên bộ.
Trước khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump đã viết tin nhắn trên Twitter rằng: “Điều đó sẽ không xảy ra!” để đáp lại tuyên bố của lãnh tụ Kim Jong Un rằng Bắc Triều Tiên chuẩn bị tiến hành một vụ thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa. Vào tháng 2, tổng thống Mỹ cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ thử tên lửa tầm trung của Bắc Triều Tiên.

Mất kiên nhẫn 

Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump một lần nữa quy lỗi cho Trung Quốc không kiềm chế đồng minh đang lệ thuộc hoàn toàn Bắc Kinh về kinh tế. Ông Trump cũng nói rằng người tiền nhiệm của ông, tức Tổng thống Barack Obama, đáng ra đã phải giải quyết vấn đề khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Việc Trung Quốc mới đây ra lệnh cấm nhập khẩu than đá của Bắc Hàn đã bị hãng thông tấn nhà nước KCNA ở Bình Nhưỡng chỉ trích hôm thứ Sáu. KCNA nói Trung Quốc “đang nhảy đồng điệu với Hoa Kỳ.”

Chính quyền của ông Trump đã kêu gọi Trung Quốc tăng thêm sức ép kinh tế lên Bắc Hàn, nhưng một số ít người lại cho rằng Bắc Kinh đã từ bỏ đồng minh của họ.
Giáo sư John Delury, chuyên gia về Trung Quốc của đại học Yonsei ở Seoul, nói: “Sai lầm khi nghĩ rằng ‘thật là tuyệt vời, Trung Quốc đang đóng cửa biên giới. Họ sẽ giải quyết vấn đề này cho chúng ta.’ Đó là cách hiểu sai về những gì đang diễn ra.”

Chính sách kiên nhẫn mang tính chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama, trong đó dựa vào các tăng các lệnh trừng phạt và cô lập ngoại giao, đã không thể buộc Bình Nhưỡng hoãn lại chương trình hạt nhân của họ. Các nhà phê bình nói chính sách đó phần lớn đã thất bại vì Bắc Kinh sẽ không áp dụng các biện pháp nghiêm khắc có thể dẫn đến sự bất ổn ở biên giới, sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un, và giúp cho ảnh hưởng Mỹ và Hàn Quốc ngày càng tăng trong khu vực.

Phá vỡ chu kỳ

Sự bế tắc này đã làm tăng cao một chu kỳ khiêu khích trắng trợn đối với các nghị quyết cấm các chương trình hạt nhân và tên lửa của Liên Hiệp Quốc, coi thường cộng đồng quốc tế và các lệnh trừng phạt mà cho tới lúc này chẳng phát huy được hiệu lực.
Những nỗ lực không ngừng của Bình Nhưỡng nhằm phát triển phi đạn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới đất liền của Mỹ đã thôi thúc sự cần thiết phải thay đổi chiến lược chống lại mối đe dọa này đối với an ninh của Mỹ.
Các nhà phân tích nói không có một giải pháp quân sự khả thi nào để loại bỏ các khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn mà không gây ra một cuộc phản công gây thiệt hại nặng cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, và thậm chí có thể làm bùng ra một cuộc chiến tranh toàn diện.

Vì vậy, đưa Bắc Hàn vào đối thoại là cách duy nhất hữu hiệu để đạt đến một giải pháp hòa bình. Nhưng điều đó được chính quyền Tổng thống Trump khởi động.
Giáo sư Moon Chung-in của đại học Yonsei nói: “Nếu Mỹ án binh bất động, Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi, bế tắc sẽ tiếp tục và sự bế tắc đó có thể trở nên rủi ro hơn và nguy hiểm hơn.”

Nhà thương thuyết
Lệnh cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn của Trung Quốc và những cuộc thương thuyết chính thức đang được chuẩn bị giữa các cựu quan chức của Mỹ và các đại diện của Bắc Triều Tiên có thể đem lại cho Tổng thống Trump cơ hội mở ra một kênh đối thoại.

Tổng thống Trump, người tự xem mình là một nhà thương thuyết đại tài và luôn chỉ trích những thất bại trong quá khứ của người tiền nhiệm, có thể sẵn sàng làm khác hoàn toàn và tìm cách có được một cách tiếp cận mới hơn
Bất cứ một thỏa thuận nào nhằm ngưng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng cần những sự nhượng bộ có thể bao gồm việc tạm hoãn các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, thêm các biện pháp khuyến khích, các đảm bảo an ninh và viện trợ kinh tế để cuối cùng có được một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân.

Khung cảnh chính trị ở Hàn Quốc cũng đang đứng trước nhiều thay đổi. Nếu tòa bảo hiến của nước này cho phép luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì một bê bối liên quan tới tham nhũng. thì một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ sớm diễn ra.
Các cuộc thương thuyết tất nhiên cần có thời gian và sự hợp tác chặt chẽ và có thể sẽ bị trì hoãn bởi những khiêu khích và vi phạm từ phía Bắc Hàn như đã từng xảy ra đối với các thỏa thuận trước đây, nhưng những người ủng hộ cho rằng có thể đã đến lúc cần thử lại lần nữa.

Trong thỏa thuận 6 bên đạt được năm 2005 giữa Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để nhận viện trợ kinh tế, các đảm bảo về an ninh và cải thiện các mối quan hệ ngoại giao.
Nhưng Bình Nhưỡng đã không giữ các cam kết của họ và đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 2006. - VOA

6.
Philippines bắt giữ một thượng nghị sĩ đối lập với tổng thống Duterte

Thượng nghị sĩ Leila de Lima, gương mặt tiêu biểu phản đối quyết liệt chính sách trấn áp đẫm máu của tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc chiến chống ma túy, đã bị bắt ngày 25/02/2017.

Bà de Lima, 57 tuổi, đã tới trụ sở Thượng Viện ở Manila vào tối hôm trước, để tránh bị cảnh sát bắt giữ. AFP cho biết, trước khi ra trình diện cảnh sát ngày 24/02, bà de Lima tuyên bố tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại tổng thống Duterte, người mà bà tố cáo là « kẻ giết người hàng loạt ».
Cảnh sát Philippines bắt giữ thượng nghị sĩ de Lima với lý do bà bị cáo buộc đã bao che cho những ông trùm buôn ma túy.

Từ Manila, thông tín viên Marianne Dardard cho biết thêm thông tin :

"Phải chăng bà Leila de Lima đã tiến hành một cuộc thập tự chinh chống lại tổng thống Rodrigo Duterte ? Chính bà là người đã khởi xướng cuộc điều tra của Thượng Viện về các vụ giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy. Bà đã bị tước quyền chỉ đạo cuộc điều tra sau khi tổng thống Duterte tố cáo bà quan hệ tình dục với người lái xe và người này có liên hệ với các ông trùm buôn ma túy. Những ông trùm này còn tinh chế cả ma túy ngay trong nhà tù lớn nhất Philippines vào thời điểm bà de Lima làm bộ trưởng Tư Pháp. Và đây có thể coi là một vụ bê bối mang tầm cỡ Nhà nước.
Vào năm 2009, cũng chính bà de Lima đã khởi xướng cuộc điều tra về các mối quan hệ giữa các lữ đoàn tử thần ở Davao và ông Duterte, lúc đó là thị trưởng thành phố này. Thậm chí, trong những ngày gần đây, nữ thượng nghị sĩ còn tố cáo tổng thống là một kẻ giết người hàng loạt và bệnh hoạn.

Trước đó, ông Duterte đã dọa nạt bà de Lima và nguyền rủa là bà hãy tự treo cổ đi. Một số chính trị gia thì đe dọa công bố một cuộn băng vidéo quay cảnh được cho là bà de Lima thác loạn tình dục với tài xế riêng.
Trong lúc đó, cuộc điều tra của Thượng Viện về những vụ giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy bị khép lại. Cuộc điều tra có thể được mở lại sau những tiết lộ của một người được cho là đã từng chỉ huy các lữ đoàn tử thần ở Davao. Trong những ngày qua, người này đã tố cáo là chính cựu thị trưởng Davao đã trả tiền, thuê ông giết người". - RFI

7.
Syria: Tấn công tự sát bằng xe bom, 35 chết

Một vụ đánh bom xe tự sát đã giết chết ít nhất 35 người và làm bị thương nhiều người khác trong một ngôi làng Syria gần thị trấn al-Bab, chỉ một ngày sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh nổi dậy chiếm được phần lớn thị trấn chiến lược này từ tay Nhà nước Hồi giáo.

Vụ đánh bom hôm thứ Sáu nhằm vào một chốt kiểm soát an ninh của phe đối lập tại làng Sousian, giết chết nhiều dân thường cùng với các lực lượng đối lập.
Khi đó có nhiều người tụ tập tại chốt an ninh xin phép được trở về thị trấn al-Bab, nơi mà nhiều tháng qua bị tàn phán nặng nề.

Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy đã chuyển vào thị trấn hôm thứ Năm sau khi các chiến binh Hồi giáo Nhà nước rút lui, kết thúc cuộc chiến tại thành trì của IS, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm hoạt động Syria.
Ông Fikri Isik, Bộ trưởng Quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin Anadolu do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ quản lý rằng: "Hiện nay, hầu như cả thị trấn al-Bab đang nằm dưới sự kiểm soát và một cuộc hành quân càn quét vẫn đang tiếp diễn."

Các phiến quan IS được cho là đang tiến về phía Nam nơi có các khu vực thuộc lãnh thổ Syria do IS chiếm giữ. Một số ít rải rác các phiến quân IS đang trú ẩn trong khu dân cư, theo tin từ thị trấn.
Một nhóm giám sát Syria cho biết các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang hành quân từ khu dân cư này đến khu dân cư khác để chiếm giữ thị trấn al-Bab. - VOA

8.
Phát hiện mèo rừng hiếm ở bắc Thái Lan

Việc nhìn thấy những con mèo rừng quý hiếm ở miền bắc Thái Lan đã dấy lên sự phấn chấn trong số các nhà hoạt động vì môi trường và các nhà bảo tồn, họ vốn lo ngại rằng môi trường sống bị mất đi và nạn săn bắn trộm đang góp phần làm loài này bị suy giảm. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về bài tường trình chi tiết như sau:
Người ta thấy có những con mèo rừng - tên khoa học là Felis chaus - ở nhiều khu vực trên thế giới - từ Ai Cập, Tây và Trung Á, Nam Á, Sri Lanka và Đông Nam Á - và chúng được coi là một chỉ số quan trọng về bảo tồn động vật hoang dã.

Nhưng các nhà bảo tồn nói mèo rừng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trên toàn thế giới vì môi trường sống của chúng bị co hẹp do sự can thiệp của con người.
Hồi tháng 1, hệ thống chụp ảnh tự động đã chụp được hai con mèo tại Khu Bảo tồn Các loài Hoang dã Omkoi ở tỉnh Chiang Mai, miền bắc Thái Lan.

Ông Thanya Nethithamkul, Tổng giám đốc Vườn Quốc gia Thái Lan, Ban Bảo tồn động thực vật hoang dã, nói với truyền thông địa phương rằng có lẽ từ lần cuối mèo rừng được nhìn thấy ngoài nhiên nhiên ở Thái Lan đến nay cũng phải đến 40 năm.
"Chúng tôi nghĩ rằng mèo rừng đã biến mất khỏi rừng của chúng tôi. Người dân địa phương từng khẳng định họ đã nhìn thấy chúng, nhưng không có bằng chứng chứng minh chúng tồn tại. Nhưng lần này, chúng tôi có ảnh cho thấy sự hiện diện của chúng".

Nhiếp ảnh gia Parinya Paduntin đã làm việc với một đội ngũ trợ lý nghiên cứu từ Trạm nghiên cứu các loài hoang dã Doi Chiang Dao.
Ông Parinya cho VOA biết một máy ảnh được kích hoạt bằng cảm biến đã được lắp trong công viên trong hai tuần đầu tháng 1. Ông nói các bức ảnh chụp những con mèo quý hiếm đã tạo ra sự phấn chấn lớn.

"Tôi cảm thấy thật tuyệt. Chúng tôi đều nghĩ mèo rừng đã tuyệt chủng. Không thể tả hết bằng lời. Đây là một thành công lớn. Chúng tôi muốn hét lên. Thật phấn khởi. Đã có lúc rối bời vì muốn báo tin cho tất cả bạn bè của tôi để nói về những gì đã diễn ra".
Ông Edwin Weik, người sáng lập Quỹ Bạn bè Thiên nhiên Hoang dã của Thái Lan, cho biết tuy không bị tuyệt chủng ở Thái Lan, mèo rừng vẫn nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp ở Thái Lan.

Ông Anak Pattanavibool, Hội trưởng Hội bảo tồn các loài hoang dã của Thái Lan, cho biết việc phát hiện vừa rồi là "rất quan trọng".
"Về việc ghi lại được hình ảnh của mèo rừng trong những ngày này, chúng rất quý hiếm và ở Thái Lan. Có nhiều người tốt tin rằng chúng có thể đã biến mất rồi. Nhưng lần này, hệ thống chụp ảnh tự động chất lượng cao này đã ghi được hình ảnh con mèo có chất lượng rất tốt. Rất rõ ràng, rất đẹp. Đây là sự khẳng định rất, rất quan trọng".

Mèo rừng và các loài tương tự khác đang phải đối mặt với những thách thức đang diễn ra trong khu vực, ở đó, tại nhiều nơi thuộc châu Á, số lượng mèo rừng đã suy giảm do bị đánh bẫy hoặc đánh bả độc.

Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) coi mèo rừng thuộc diện "ít quan ngại nhất" trong "danh sách đỏ các loài bị đe dọa" của IUCN.
Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), mèo rừng được liệt kê trong Phụ lục II, đồng nghĩa là tuy không nhất thiết gặp nguy cơ tuyệt chủng, cần phải kiểm soát việc buôn bán để tránh gây ra các nguy cơ đến sự sống còn của chúng.

IUCN nói tình trạng hiếm thấy mèo rừng ở ở Đông Nam Á lục địa "có thể là kết quả của nạn săn bắn quá mức ở những vùng rừng mở và dễ tiếp cận".

Nhất là ở Campuchia, theo IUCN, tất cả các khu vực được bảo vệ "đều không được quản lý đúng mức và gặp nguy cơ về mất môi trường sống, suy thoái và nạn săn bắn".
Ông Anak cho biết việc nhìn thấy mèo rừng diễn ra đúng vào thời điểm môi trường sống của chúng nói chung đang dần biến mất.

"Hầu hết những con mèo rừng đã biến mất vì sự xáo trộn về môi trường sống, cỏ biến mất, môi trường sống ở vùng rừng mở bị mất đi. Đây là môi trường sống còn lại trong vài nơi rất, rất nhỏ hẹp ở miền bắc Thái Lan, vì vậy điều rất quan trọng là chúng ta phải cố gắng giữ được môi trường sống này".

Thái Lan, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế và Công ước CITES, đã tiến hành các bước để nhằm giảm bớt tai tiếng của nước này vốn được xem là nơi trung chuyển của hoạt động buôn bán các loài hoang dã, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vận chuyển ngà voi bất hợp pháp từ châu Phi đi đến các thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam.
Các quan chức về các loài hoang dã và hải quan Thái Lan đã thành công trong việc phát hiện các hoạt động buôn bán tê tê, rùa, và các bộ phận cơ thể và xương hổ tới các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.

Ông Kraisak Choonhavan, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Freeland Foundation, chuyên theo dõi hoạt động buôn bán động vật hoang dã, cho biết việc phát hiện mèo rừng thật đáng chú ý trong bối cảnh có các mối nguy hiểm và thách thức đối với công tác kiềm chế buôn bán và săn trộm.

Ông Kraisak cho biết trong những năm gần đây khoảng 30 nhân viên bảo vệ các loài hoang dã của Thái Lan đã bị giết hại bởi các băng nhóm bắt trộm thường là những kẻ đến từ các nước lân cận.
"Ở những nơi chúng tôi gọi là khu bảo tồn động vật dọc theo biên giới với Myanmar và Lào là khu vực mà chúng tôi coi là phong phú nhất về mặt đa dạng sinh học bao gồm các hệ động vật và thực vật."

Nhưng khu vực này rất dễ bị xâm hại bởi các băng nhóm săn trộm.

"Người quả thực có đến đó một cách bất hợp pháp để giết động vật hoang dã. Chúng tôi thậm chí đã phát hiện ra rằng các công ty ở Trung Quốc chấp nhận thuê người Campuchia, những kẻ có vũ trang, đi vào Thái Lan và săn động vật cũng như chặt hạ các loại cây được bảo vệ có giá trị cao ở Trung Quốc".
Tổng giám đốc Vườn quốc gia Thái Lan Thanya từ chối tiết lộ chính xác nơi hai con mèo rừng quý hiếm đã được phát hiện. Nhưng ông nói thêm rằng xuất hiện của những con mèo cho thấy một vùng rừng lành mạnh trong Khu bảo tồn hoang dã Omkoi. - VOA

Tin Hoa Kỳ
9.
Ông Trump cam kết mang việc làm trở lại nước Mỹ

Tổng thống Donald Trump phát biểu trước hơn hai mươi giám đốc điều hành các đại công ty Mỹ hôm 23/2 rằng ông có kế hoạch mang hàng triệu việc làm trở lại Hoa Kỳ, nhưng không đưa ra chi tiết làm thế nào để để đảo ngược tình trạng suy thoái việc làm trong các nhà máy Mỹ nhiều thập niên nay.

Trong tháng đầu tiên cầm quyền, ông Trump đã áp lực một số công ty Mỹ phải thuê mướn công nhân tại Mỹ nhưng ông chưa đưa ra dự luật giải quyết những vấn đề lớn về kinh tế mà ông từng đề cập trong lúc tranh cử vào năm ngoái, bao gồm mức thuế thúc đẩy việc làm và chương trình hạ tầng cơ sở. Ông sẽ đọc diễn văn tại phiên họp của lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày 28 tháng 2 tới.
Trong một cuộc họp với giám đốc điều hành các đại công ty tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói Hoa Kỳ đã mất khoảng 1 phần 3 việc làm trong các nhà máy kể từ khi tham gia Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ vào năm 1994 và cho biết có khoảng 70.000 nhà máy bị đóng cửa kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cách đây 16 năm.

Lương thấp, tự động hóa, cạnh tranh của nước ngoài và những yếu tố khác làm cho việc làm trong lãnh vực sản xuất giảm mạnh theo như nhận xét của các chuyên gia kinh tế. - VOA

10.
Tổng thống Trump muốn mở rộng kho hạt nhân

Tổng thống Donald Trump ngày 23/2 tuyên bố muốn bảo đảm kho hạt nhân Mỹ phải đứng hàng đầu và cho rằng Hoa Kỳ đã bị tụt lại phía sau về khả năng vũ khí nguyên tử.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Trump gia tăng áp lực với Bắc Kinh để nước này gây ảnh hưởng nhiều hơn trong việc kiềm chế những hành động ngày càng hiếu chiến của Bình Nhưỡng. Ông nói Trung Quốc có thể giải quyết thách thức an ninh quốc gia gây ra bởi Bắc Triều Tiên “rất dễ dàng nếu như họ muốn”.
Tổng thống Trump nói rằng “Sẽ thật là tuyệt vời, một giấc mơ, nếu không quốc gia nào sở hữu hạt nhân, nhưng nếu các nước có sở hữu hạt nhân, thì Hoa Kỳ phải là quốc gia đứng đầu.”

Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Võ khí, một tổ chức độc lập phi lợi nhuận, nói “Lịch sự chiến tranh Lạnh đã chỉ ra rằng không quốc gia nào trở thành quốc gia đứng đầu trong cuộc chạy đua vũ trang và bên bờ vực chiến tranh hạt nhân”.
“Nga và Hoa Kỳ sở hữu vũ khí nhiều hơn mức cần để ngăn chặn tấn công hạt nhân bởi một nước khác hoặc bởi một quốc gia trang bị hạt nhân,” ông cho biết.

Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược mới, được gọi là New START, giữa Hoa Kỳ và Nga, yêu cầu cho đến trước ngày 5 tháng Hai năm 2018, cả 2 nước phải hạn chế kho vũ khí hạt nhân chiến lược đến mức tương đương cho 10 năm.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump gọi hiệp ước New START là “một chiều”.

Phát ngôn từ Phòng Bầu Dục, Tổng thống Trump tuyên bố “Chúng tôi rất tức giận” về vụ thử phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên và cho biết tăng cường hệ thống phòng thủ phi đạn cho đồng minh của Hoa Kỳ là Hàn Quốc và Nhật Bản là một trong nhiều lựa chọn khả thi.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đầu tháng này tại Florida đã bị gián đoạn bởi vụ thử phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

Tổng Thống Trump không hoàn toàn loại trừ khả năng gặp gỡ nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong Un trong tương lai dưới một số điều kiện nhất định, tuy nhiên ông cho rằng việc này có thể là quá muộn.

Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản nói với Reuters Nhật có thể tăng khoảng 1 tỷ đô la trong kế hoạch chi tiêu để nâng cấp hệ thống phòng thủ phi đạn của nước này.
Suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump cam kết sẽ gia tăng những nỗ lực phòng thủ phi đạn và chỉ vài phút sau lễ nhậm chức của ông, Tòa Bạch Ốc đã loan báo chính phủ dự định phát triển một “siêu” hệ thống phòng thủ phi đạn để bảo vệ trước các cuộc tấn công từ Iran và Bắc Triều Tiên. - VOA

11.
Tranh luận tại Mỹ: Tổng thống Trump có vấn đề về tâm thần hay không?

Tại Mỹ, nhiều chuyên gia tâm lý học đang tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. Một số người cho rằng ông Donald Trump không đủ khả năng điều hành đất nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của giáo sư Richard A. Friedman, trong bài viết đăng trên New York Times và được Courrier International trích dịch (21/02/2017), tổng thống Hoa Kỳ hiện nay chỉ thiếu tính chuyên nghiệp.

Thực trạng sức khỏe tinh thần của tổng thống Trump ngày càng khiến nhiều người lo ngại trong thời gian gần đây mà bằng chứng là nghị sĩ Dân Chủ bang California Ted Lieu tuyên bố có ý định trình một dự thảo luật yêu cầu có sự can thiệp về tâm thần ở Nhà Trắng. Ý định này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia về tâm thần học.
Tháng 12/2016, một bài viết trên Huffington Post từng trích một bức thư của ba giáo sư danh tiếng về tâm thần học, để dẫn chứng cho sự bất ổn của nhà tỉ phú Donald Trump, như “kiêu ngạo thái quá, hành động quá khích, nhạy cảm trước những lời chỉ trích”. Dù ba vị giáo sư này không đưa ra chẩn đoán chính thức, họ khuyên vị tổng thống mới đắc cử lúc đó nên được các chuyên gia khách quan khám tổng quát, cả về tâm lý học thần kinh.

Thậm chí, một nhà tâm lý học còn đi xa hơn vào cuối tháng Giêng 2017. Được trích trong bài báo có tên “Bệnh biến và tính thất thường” đăng trên tuần san U.S. News and World Report, ông khẳng định rằng tổng thống Trump bị “rối loạn nhân cách ái kỷ” (hay “yêu mình thái quá”) với dấu hiệu là “quá tự kiêu, bạo dâm và có thái độ chống xã hội”.

Một bức thư khác mới được gửi đến độc giả của New York Times, do 35 bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý và nhân viên xã hội cùng ký, cũng đi theo hướng này : “Tình hình trở nên quá nghiêm trọng để chúng tôi giữ im lặng. Chúng tôi cho rằng sự bất ổn về cảm xúc có thể nhận thấy được trong lời nói và hành động của Trump cho thấy ông không có khả năng phục vụ đất nước một cách an toàn”.
Giáo sư Richard A. Friedman nhấn mạnh : “Tôi không nghi ngờ một giây rằng các chuyên gia thấy phải hành động để bảo vệ đất nước khỏi một vị tổng thống có hành vi mà họ, giống như phần lớn chúng tôi, cho là nguy hiểm”.

Không nên “bắt mạch” gián tiếp cho tổng thống Trump
Tuy nhiên, giáo sư Richard A. Friedman cho rằng ý định chuẩn đoán bệnh lý cho tổng thống Trump và tuyên bố ông không đủ khả năng điều hành đất nước là một sai lầm trong nhiều mặt.

Thứ nhất, tất các các chuyên gia này có quan điểm chính trị dễ làm sai lệch chẩn đoán của họ. Tác giả bài viết lấy ví dụ liên quan đến nghề của ông : Năm 1964, thượng nghị sĩ Barry Goldwater trở thành ứng viên đảng Cộng Hòa tranh cử tổng thống Mỹ. Tạp chí Fact (hiện không còn phát hành) hỏi thành viên của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association, APA) nghĩ gì về ứng viên này. Đa số hội viên đồng thanh cho rằng Barry Goldwater bị “hoang tưởng”, “tâm thần” hoặc “hiếu thắng”. Thậm chí, một số người còn đưa ra chẩn đoán “bệnh tâm thần phân liệt” hay “yêu mình thái quá”.

Họ đã sử dụng kiến thức chuyên môn như một loại vũ khí chính trị chống lại một người mà họ chưa từng trực tiếp khám bệnh và người này chưa bao giờ đồng ý để các bác sĩ đó bàn luận về tình trạng sức khoẻ tâm thần của mình trước công chúng. Goldwater đã kiện những bác sĩ kia và dĩ nhiên ông thắng kiện.
Sau sự kiện này, năm 1973, Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ đã đề ra quy định Goldwater. Theo đó, các chuyên gia tâm thần học có thể trao đổi các vấn đề sức khỏe tâm thần với các phương tiện truyền thông, nhưng họ sẽ vi phạm đạo đức nghề nghiệp nếu đưa ra chẩn đoán những người mà họ chưa bao giờ khám bệnh và thậm chí không được sự chấp thuận của người bị chẩn đoán một cách bất đắc dĩ đó.

Dùng kiến thức chuyên môn giúp công chúng hiểu rõ
Tuy nhiên, quy định Goldwater không đồng nghĩa với việc bắt giới chuyên gia y tế giữ im lặng về các chính trị gia. Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, họ nên chia sẻ kiến thức để giúp công chúng hiểu rõ hơn.

Vì thế, một chuyên gia tâm thần sẽ vi phạm đạo đức nghề nghiệp nếu nói tổng thống Trump mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Tuy nhiên, chuyên gia đó hoàn toàn có thể trình bày về những dấu hiệu cho thấy một người có thể mắc bệnh tâm thần, như thích khoe khoang, cố chấp trước những lời chỉ trích, sau đó phân tích làm thế nào để những triệu chứng này có thể giải thích hành vi của Donald Trump.

Chứng yêu bản thân thái quá không chỉ thể hiện qua hành vi bốc đồng, thiếu suy nghĩ và tự phụ, mà còn có thể là triệu chứng của một vấn đề lâm sàng khác như tăng động, lạm dụng chất gây nghiện hoặc rượu, phấn khích hay rối loạn lưỡng cực (phấn khích-trầm cảm).
Nói một cách khác, các chuyên gia tâm thần có thể nói về tâm lý và các triệu chứng chung chung còn người dân Mỹ tự kết luận những thông tin đó có thể trùng hợp với tính cách của một người nào đó hay không.

Có triệu chứng tâm thần vẫn có khả năng điều hành đất nước

Vì vậy, khi một số chuyên gia chẩn đoán bệnh lý tâm thần cho “người của công chúng”, không những họ thiếu đạo đức nghề nghiệp mà còn thiếu trung thực vì họ không hề có bệnh án và dữ liệu lâm sàng cần thiết để đưa ra phán xét.
Hơn nữa, một vị tổng thống có triệu chứng bệnh lý tâm thần không có nghĩa là thiếu khả năng điều hành đất nước. Tổng thống Lincoln từng bị trầm cảm, Roosevelt có lẽ bị rối loạn lưỡng cực (hưng-trầm cảm), còn Grant thì nghiện rượu. Theo một nghiên cứu dựa trên dữ liệu tiểu sử, 18 trên 37 vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đều mắc một bệnh lâm sàng trong đời : 24% bị trầm cảm, 8% bị mắc chứng ưu tư, 8% bị rối loạn lưỡng cực và 8% nghiện rượu hoặc một chất gây nghiện khác. Và 10 trong số tổng thống này thể hiện các triệu chứng đó trong nhiệm kỳ.
Như vậy, một người có các triệu chứng tâm thần nhưng vẫn có khả năng quản lý, trong khi đó, cũng có những người hoàn toàn tỉnh táo, nhưng chưa chắc đã có khả năng này.

Để phán xét… chỉ cần chút lương tri là đủ

Tác giả bài viết nêu lý do cuối cùng để tránh đưa ra những nhận xét bừa bãi là phải nhìn nhận vào mức độ trách nhiệm mà các chính trị gia đảm nhiệm. Những hành vi xấu không hẳn là một bệnh lý ; trong thực tế, thái độ ti tiện và bất tài mới phổ biến hơn các rối loạn tâm lý.
Tất cả những điều đó để nói rằng Hoa Kỳ không cần một nhà tâm lý để quyết định liệu tổng thống Trump có năng lực phục vụ đất nước hay không. Đánh giá các tổng thống qua hành động, những lời phát biểu hay các tweet của họ ư ? Nước Mỹ không cần các chuyên gia cho việc này, chỉ cần một chút lương tri là đủ, tác giả kết luận. - RFI

12.
Kỹ sư Ấn bị giết tại Mỹ, người nhập cư lo sợ

Các giới chức ở New Delhi bị sốc khi một kỹ sư người Ấn Độ bị bắn chết trong một vụ nổ súng tại quán bar ở Mỹ. Sự việc đang được cơ quan chức năng của Hoa Kỳ điều tra.

Sự việc được truyền thông Ấn Độ đưa tin rộng rãi đã thu hút phản ứng mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội. Hàng chục ngàn người Ấn Độ hiện đang nghiên cứu và làm việc tại Hoa Kỳ và nhiều người nói rằng họ rất lo ngại về những gì họ cảm nhận là luận điệu chống nhập cư của chính quyền Trump.
Anh kỹ sư Ấn Độ Srinivas Kuchibhotla, 32 tuổi đã chết do những vết thương do một người ông bị cáo buộc là đã nổ súng trong một quán bar đông người ở ngoại ô thành phố Kansas vào hôm thứ Tư. Một người Ấn Độ khác và một người Mỹ đã bị thương khi tìm cách can ngăn vụ nổ súng.

Báo Kansas City Star dẫn lời một nhân chứng nói rằng một người đàn ông hét lên:"Hãy cút khỏi nước tôi" trước khi bắn vào người đàn ông Ấn Độ.
Ông Adam Purinton, 51 tuổi, đã bị bắt vài giờ sau khi vụ nổ súng, bị buộc tội giết người và âm mưu giết người.

Anh Kuchibhotla lấy bằng kỹ sư ở Ấn Độ và tiếp tục chương trình hậu đại học ngành điện tử tại Đại học Texas. Sau đó anh làm việc tại Hoa Kỳ. Anh và đồng nghiệp bị thương, Alok Madasani, cả hai đến từ thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ, làm việc cho Garmin International, một công ty chuyên về máy định vị (GPS) và thông tin liên lạc.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói trong một twitter rằng: "Tôi bị sốc vì vụ nổ súng ở Kansas giết chết anh Srinivas Kuchibhotla. Tôi gửi lời chia buồn chân thành đến gia quyến."

Bà cho biết anh Madasani, người bạn bị thương, đã được xuất viện.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra một tuyên bố nói rằng hai quan chức Đại sứ quán Ấn Độ đang đi đến Houston để xác minh thêm chi tiết và tìm hiểu vụ việc.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại New Delhi lên án vụ nổ súng, cho biết trong một tuyên bố rằng "Hoa Kỳ là một quốc gia của những người nhập cư và đón chào những người từ khắp nơi trên thế giới đến thăm, làm việc, học tập và sinh sống."
Đại biện Hoa Kỳ MaryKay Carlson cho biết nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ điều tra kỹ lưỡng và khởi tố vụ án.

Đề cập đến sự cố, Shashi Tharoor, một nghị sĩ Ấn Độ và là một cựu thứ trưởng ngoại giao viết trên tweeter rằng "sự phân biệt chủng tộc xấu xa ở một số khu vực tại Hoa Kỳ đã biến nhiều người vô tội, trong đó có Ấn Độ, thành nạn nhân.
Trong lúc đó có nhiều mối lo ngại đang gia tăng trong tầng lớp trung lưu Ấn Độ từ lâu đã khao khát được học tập và làm việc tại Hoa Kỳ, mà chính sách của ông Donald Trump về xuất nhập cảnh và việc làm có thể làm tạo ra bầu không khí không khoan dung. Đa số người Ấn Ðộ nhập cư Hoa Kỳ là chuyên gia trong các ngành công nghệ, như tin học. - VOA

Tin Việt Nam
13.
Việt Nam xác minh ‘kho chứa tên lửa’ của Trung Quốc

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 23/2 cho biết rằng Hà Nội “sẽ xác minh thông tin” về việc Trung Quốc sắp hoàn thành việc xây dựng hơn 20 cấu trúc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông được cho là giống với kho chứa tên lửa đất đối không tầm xa.
Một lần nữa, ông Bình tuyên bố rằng Việt Nam “có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, đồng thời khằng định “lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình”.

Trước đó, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Trung Quốc gần hoàn thành việc xây dựng hơn hai chục cấu trúc với mái đóng mở được thiết kế để chứa các tên lửa đất đối không trên quần đảo Trường Sa tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trong thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao, ông Bình nói tiếp: “Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp”.
Phát ngôn viên ngoại giao của Việt Nam “đề nghị các bên liên quan hành xử có trách nhiệm, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Trước đó, người phát ngôn của Lầu Năm Góc được Reuters dẫn lời nói rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết việc “phi quân sự hóa biển Đông”, đồng thời thúc giục mọi bên tuyên bố chủ quyền phải có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Còn tại Bắc Kinh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng nước mình “thực hiện các hoạt động xây dựng bình thường trên lãnh thổ của mình, trong đó có việc triển khai các cơ sở phòng thủ lãnh thổ cần thiết và phù hợp” và “đó là điều đúng đắn đối với các quốc gia có chủ quyền theo luật quốc tế”. - VOA

14.
TBT Nguyễn Phú Trọng: Phải kỷ luật vài người để cứu muôn người

Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng năm 2016 được tổ chức hôm nay tại Hà Nội.
Ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo. Truyền thông trong nước trích phát biểu của ông Trọng là phải ‘kỷ luật vài người để cứu muôn người’.

Theo chỉ đạo của ông này sau khi nghe các quan chức khác trong đảng báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát của đảng cộng sản Việt Nam trong suốt năm qua, thì vào năm nay các cấp làm công tác kiểm tra của đảng phải kịp thời nhắc nhở, chấn chính, ngăn chặn những hành vi bị cho là vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước.

Giới quan sát cho rằng tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đang làm theo chiến dịch mà tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình của Trung Quốc đang thực hiện với tên gọi ‘Đả hổ, diệt ruồi’. Biện pháp này được nhận định nhằm thanh trừng những phần tử có tư tưởng, đường lối khác với số lãnh đạo đang nắm quyền hiện nay.
Vào ngày 23 tháng 2, Ban Nội chính Trung ương, đảng cộng sản Việt Nam cũng có hội nghị tổng kết công tác năm ngoái và đề ra chủ trương, đường lối cho năm nay. - RFA

15.
Một giấy phép xuất khẩu gạo giá 20.000 USD?

Mỗi lần xuất khẩu gạo tốn không dưới 20.000 USD. Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu gạo ADC cho biết như vừa nêu trong buổi tọa đàm về sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017.
Theo ông này, số tiền “chạy” giấy phép đắt đỏ như vậy là do quy định gia hạn khi hết hạn theo giấy phép xuất khẩu, quy định về vùng nguyên liệu, tốn nhiều thời gian đến trình báo bộ Công thương.

Hiện tại Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo đoàn xác minh do thứ trưởng Trần Quốc Khánh đảm nhiệm để điều tra làm rõ sự việc như ông Nam trình bày.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong một số năm qua; thế nhưng năm ngoái số lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm sút đáng kể.
Hiện nay xảy ra nghịch lý là giá gạo trong nước vẫn tăng mà giá gạo xuất đi bị giảm. - RFA

16.
Bà Janet Nguyễn bị đưa ra khỏi phòng họp thượng viện

Một nữ chính trị gia người Mỹ gốc Việt bị buộc phải rời cuộc họp ở thượng viện California hôm 23/02 sau khi lên tiếng chỉ trích ông Tom Hayden, nhà hoạt động từng tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam và đã qua đời hồi tháng 10/2016. 
Bà Janet Nguyễn mở đầu phần phát biểu bằng tiếng Việt, sau đó nói bằng tiếng Anh, phản đối việc ông Tom Hayden "ủng hộ cộng sản Việt Nam".
Trong bài diễn văn đăng trên trang mạng của nữ thượng nghị sỹ từ địa hạt 34, California có đoạn viết bằng tiếng Việt:

"Tôi và những người con của Chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của cựu Thượng nghị sỹ Tom Hayden cho Cộng sản Việt Nam và sự đàn áp của Cộng sản Việt Nam đối với người dân Việt Nam.
"Sau 40 năm, việc làm của các vị như ông đã hại người dân Việt Nam và đã ngăn cản những người Việt Nam vượt biên như gia đình chúng tôi đến đất nước tự do Hoa Kỳ."

Bà Janet Nguyễn từng sống ở miền Nam Việt Nam trước khi cùng gia đình vượt biên qua Mỹ. Bà cho biết trong một phỏng vấn trước đó, gia đình từng rất nghèo, phải nhận trợ cấp của chính phủ.

Trang Los Angeles Times đưa tin, trong buổi họp tại thượng viện bang California, bà Nguyễn đã phát biểu trong phần diễn ra lễ tưởng niệm ông Tom Hayden.
Chỉ vài chục giây sau khi phát biểu, bà Janet Nguyễn nhiều lần được yêu cầu ngừng, yêu cầu ngồi xuống trước khi mic bị tắt và Thượng nghị sỹ Bill Monning nói bà vi phạm nội quy, đồng thời yêu cầu nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp thượng nghị viện California.

'Góc nhìn khác'
Một thượng nghị sỹ khác trong buổi họp nói rằng những bình luận của bà Nguyễn là thiếu tôn trọng và không phù hợp.

Một thành viên của đảng Dân chủ cho rằng bà Janet Nguyễn đã vi phạm quy định của quốc hội và bà vẫn có thể đưa ra phần bình luận của mình trong cuộc họp ngày hôm đó nếu chờ tới sau phần lễ tưởng niệm.
"Bà ấy đã làm được điều mà bà ấy muốn, là không được nói. Bà ấy muốn gây xôn xao cho địa hạt của mình," Dan Reeves, chánh văn phòng của thượng nghị sỹ Kevin De Leon bang California nói.

Ông De Leon bày tỏ "quan ngại" về vụ việc, cho biết sẽ thực hiện đánh giá nội bộ, và nói thêm quy định đã được giải thích trước cho bà Janet Nguyễn và nhân viên của bà.
Tuy nhiên một số thượng nghị sỹ Cộng hòa cho rằng bà Nguyễn đã bị ép phải im lặng. 

"Tôi rất ít khi nổi giận, và tôi đang rất giận dữ đây," Thượng nghị sỹ Jean Fuller, phụ trách các vấn đề về người thiểu số ở bang California nói.

Bà Nguyễn cho biết đã tránh đưa ra quan điểm về ông Tom Hayden trong buổi tưởng niệm ông, được tổ chức hai ngày trước đó, vì tôn trọng gia đình ông.

Tuy nhiên, trong buổi họp hôm thứ Năm, bà nói muốn lên tiếng cho hơn nửa triệu người Mỹ gốc Việt, và đưa ra "góc nhìn lịch sử khác" về những gì ông Hayden và việc phản đối chiến tranh ảnh hưởng tới bà và những người tỵ nạn khác như thế nào.
Ông Tom Hayden vận động kết thúc nhiều cuộc chiến trong đó có cả ở Afghanistan, Iraq và Pakistan. Ông cũng là chồng cũ của bà Jane Fonda, nữ nghệ sỹ từng tham gia nhiều hoạt động và lên tiếng phản đối chiến tranh Việt Nam. - BBC

17.
Vụ Kim Jong Nam: Phát hiện chất độc thần kinh VX trong xác nạn nhân --- Vì sao Tướng Tô Lâm lên tiếng với truyền thông quốc tế?

Cảnh sát Malaysia ngày 24/02/2017 thông báo phát hiện chất độc thần kinh VX trong thi thể Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Reuters dẫn lời cảnh sát Malaysia cho biết chính chất độc thần kinh VX trên mặt và mắt của Kim Jong Nam là nguyên nhân gây tử vong cho ông Kim. Liên Hiệp Quốc đã xếp VX vào danh mục các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hiện nhà chức trách Malaysia đang điều tra xem VX - loại chất độc thần kinh vốn được coi là nguy hiểm nhất - được mang vào Malaysia hay được sản xuất ngay tại nước này. Các cơ quan an ninh Malaysia đang khám xét kỹ sân bay và nhiều địa điểm khác để xem liệu có phát hiện ra chất phóng xạ hay không.

Ông Khalid Abou Bakar, lãnh đạo cảnh sát Malaysia, cho báo giới biết nếu lượng hóa chất mang tới sân bay là ít thì cơ quan an ninh rất khó phát hiện.
Theo tổ chức có tên Sáng Kiến Đe Dọa Hạt Nhân (Nuclear Threat Initiative), chuyên nghiên cứu về các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, Bắc Triều Tiên là nước sở hữu kho vũ khí hóa học lớn thứ ba trên thế giới.

Từ Singapore, thông tín viên RFI Margot Bédé cho biết thêm chi tiết :

"Chất VX có thể ngấm vào cơ thể qua da hoặc nếu hít phải. Chất độc này làm tê liệt hệ thần kinh trung ương. Chỉ khoảng 10mg VX là đủ giết chết một người sau vài phút. Chất VX độc gấp 10 lần khí sarin được dùng trong vụ tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo vào năm 1995 khiến 13 người chết và 6.000 bị thương. 
Ngày 13/02, Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đã bị hai phụ nữ tấn công ở sân bay Kuala Lumpur. Khi xem băng vidéo giám sát tại sân bay, người ta thấy dường như hai phụ nữ này xịt một thứ gì đó vào mặt Kim Jong Nam. Có thể đó chính là chất độc thần kinh VX. 

Sáng 24/02, lãnh đạo cảnh sát Malaisia tuyên bố rằng một trong hai người phụ nữ trên dường như cũng bị nhiễm độc, nhưng quan chức này không cho biết thêm chi tiết.  

Làm thế nào một chất cực độc như VX lại có thể được sử dụng tại một sân bay ?
Theo nhiều chuyên gia, hóa chất này rất ổn định, dễ vận chuyển, không màu, không mùi. Vì thế, VX rất khó bị phát hiện, cho dù các biện pháp an ninh ở sân bay rất nghiêm ngặt.  

Từ khi xảy ra vụ ám sát Kim Jong Nam, Bình Nhưỡng luôn bị nghi ngờ là chủ mưu. Mặc dù Bắc Triều Tiên luôn khẳng định không sở hữu vũ khí hóa học, nhưng việc phát hiện chất độc thần kinh VX trên cơ thể Kim Jong Nam khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi về vấn đề này ». 
Bình Nhưỡng đã cáo buộc Bắc Kinh « hùa theo Washington »

Liên quan tới quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, ngày 24/02, để đáp trả việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên tới cuối năm 2017, Bình Nhưỡng đã cáo buộc Bắc Kinh « hùa theo Washington». Biện pháp này của Trung Quốc khiến nguồn thu bằng ngoại tệ của Bắc Triều Tiên có thể sụt giảm tới 1 tỉ đô la/năm.
Hãng tin chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên gọi quyết định trên của nước láng giềng Trung Quốc là một quyết định « vô nhân đạo ». KCNA chỉ trích là Bắc Kinh đã ngăn chặn toàn bộ hoạt động xuất khẩu của Bắc Triều Tiên, gây ảnh hưởng tới việc cải thiện điều kiện sống của người dân nước này.
Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên cũng cho rằng thật là « ngây ngô » nếu tin rằng việc chặn nguồn thu của Bình Nhưỡng sẽ khiến nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa. - RFI

***
Một số nhà quan sát từ Việt Nam và Đông Nam Á nhận xét về phát biểu của Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm, trả lời BBC hôm 24/2 về nghi phạm 'người Việt Nam' trong vụ 'ám sát' được cho là xảy ra với ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.
Hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) cho rằng động thái xuất hiện trên truyền thông quốc tế tiếng Việt của ông Tô Lâm cho thấy vụ việc có tính chất 'nghiêm trọng' và Việt Nam muốn tránh những 'tác động chính trị' có thể có do việc một nghi phạm trong vụ việc xảy ra ở Malaysia mới đầy bước đầu được cho là 'công dân Việt Nam'.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng sự cố lần này tương đối là nghiêm trọng, một 'công dân Việt Nam' có liên quan và rõ ràng là nó có tác động về mặt chính trị nữa, cho nên tôi nghĩ rằng việc ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra các phát biểu đó thì hoàn toàn là bình thường và những phát biểu của ông Tô Lâm, tôi nghĩ cũng là phù hợp, hợp lý.
"Chỉ có điều là ai sẽ là người xử lý 'nghi phạm' Đoàn Thị Hương, nếu thực sự đấy là một công dân Việt Nam và thực sự cô Hương này có tham gia vào vụ 'ám sát'..., điều này còn phải phụ thuộc vào các thỏa thuận giữa hai bên.

"Chứ tôi cũng không nghĩ rằng Việt Nam chắc chắn sẽ có quyền để xử lý 'nghi phạm này', tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn phải chờ đợi những tình tiết tiếp theo và những thỏa thuận đàm phán tiếp theo liên quan trực tiếp thì mới biết được hướng xử lý tiếp sẽ là gì."

Khi được hỏi thế nào là 'tác động về mặt chính trị' đối với Việt Nam trong vụ việc, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp đưa ra giải thích với BBC:

"Vì nhiều người cho rằng một 'công dân Việt Nam' mà 'tham gia trực tiếp' vào vụ 'ám sát' lần này thì nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng sự tham gia đấy chỉ là hành động cá nhân hay là có một thế lực nào đằng sau hay không, chẳng hạn...
"Nếu có những nghi ngờ như vậy, nó có thể gây ra những tác động về mặt chính trị, về mặt ngoại giao và làm sao giải quyết được các nghi ngờ đó để có thể, ví dụ như khẳng định rằng các cơ quan hay giới chức của Việt Nam không có dính líu gì vào đấy và đấy chỉ là 'hành động của cá nhân' cô Đoàn Thị Hương chẳng hạn.

"Tôi nghĩ điều ấy hết sức quan trọng và Bộ Công an cũng như giới chức của Việt Nam sẽ cần phải làm việc để chứng minh điều ấy...
"Những phản ứng của Việt Nam trong thời gian qua có thể có những điều có thể làm tốt hơn, nhưng tôi nghĩ về cơ bản là phù hợp và trong thời gian này, chúng ta vẫn phải chờ đợi kết quả điều tra của phía Malaysia cũng như việc bên Malaysia cho phép bên Việt Nam cũng như bên Indonesia được tiếp xúc và bảo hộ cho công dân của mình, chúng ta mới có thể có được thêm thông tin và biết được điều gì đã thực sự đã xảy ra," nhà nghiên cứu từ Viện Iseas nói với BBC.

'Đánh giá rất cao'

Một ý kiến khác, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị khu vực đang có mặt ở Hà Nội cho rằng động thái của Bộ trưởng Tô Lâm có tính 'mới' và ông 'đánh giá cao' động thái có tính chất cở mở này với truyền thông quốc tế của Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 24/2, ông Hợp nói:

"Đây là một cái mới và nó tốt thôi vì nếu có thể nhìn lại quá khứ thì chưa bao giờ có một Bộ trưởng Công an nào trả lời một việc tương tự và trước đây cũng chưa có việc nào xảy ra như việc này cả. 
"Tôi đánh giá rất cao việc Bộ trưởng Công an Việt Nam đã trả lời trực tiếp một số cơ quan truyền thông nước ngoài, đầu tiên là trả lời Đài phát thanh Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và sau đó thì đến BBC...
"Và bây giờ truyền thông Việt Nam cũng bắt đầu mở ra, cũng đưa tin, đưa tin do mình làm và đưa tin từ các hãng khác làm."

'Đã từng từ chối'

Hôm thứ Sáu, trả lời BBC Việt ngữ qua điện thoại, Thượng tướng Tô Lâm nói về 'nghi phạm người Việt' và khả năng xử lý vụ việc, ông nói:
"Nếu là người Việt Nam thì chúng tôi phải bảo hộ và đưa về Việt Nam xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nhưng điều đầu tiên là phải xác minh đúng là người Việt Nam và có liên quan đến vụ án. Sau đó sẽ phải đánh giá có vi phạm như thế nào theo luật pháp Việt Nam."

Từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển đưa ra bình luận cho rằng phát biểu của ông Tô Lâm thể hiện một 'mong muốn và ý định' của chính phủ Việt Nam' tuy nhiên mong muốn này có được chấp nhận hay không 'còn tùy thuộc' vào thỏa thuận với phía Malaysia.
PGS. Giao nói: "Theo tôi đây là mong muốn của chính phủ Việt Nam..., nhưng quyền tài phán hình sự giữa các quốc gia là khác nhau, do đó đây là mong muốn hay ý định của chính phủ Việt Nam, nhưng ý định dẫn độ công dân đó để xét xử theo pháp luật Việt Nam có thực hiện được hay không, còn tùy thuộc vào sự thỏa thuận với phía Malaysia, nếu Malaysia đồng ý"

Nhân dịp này, chuyên gia về chính sách pháp luật nhắc lại trường hợp trước đây một công dân Canada gốc Việt (Việt Kiều) đã bị phía Việt Nam xử tử hình do bị khép vào tội buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép với số lượng lớn, ngay trong lúc phía chính phủ Canada đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao và đàm phán nhằm bảo hộ công dân, cũng như dẫn độ về Canada.
Ông nhận xét: "Đây là chuyện rõ nhất đã xảy ra, Việt Nam đã từng từ chối Canada việc dẫn độ công dân Canada gốc Việt phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là ví dụ rất cụ thể. Tôi xin nêu ví dụ cụ thể đó để làm rõ vấn đề này lên." - BBC

18.
Phái đoàn nhân quyền EU gặp các nhà hoạt động Việt Nam

Phái đoàn Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu vừa có buổi gặp một số nhà hoạt động xã hội dân sự để tìm hiểu thực trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Đây là chuyến đi thực tế trước khi Nghị viện châu Âu có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (FTA).
Các nhà hoạt động có mặt tại cuộc gặp hôm 23/2 là các ông bà Nguyễn Tường Thụy, Lê Công Định, Vũ Quốc Ngữ, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Anh Tuấn.
Những người này, đại diện cho 11 tổ chức xã hội dân sự độc lập, cho hay đã "cung cấp tài liệu và chia sẻ những vấn đề liên quan đến thực trạng nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, v.v..."

Họ cũng trình bày với phái đoàn "về các hành vi trấn áp, đe dọa, sách nhiễu, bắt giữ, ngăn cản mà nhà cầm quyền Việt Nam đang áp dụng đối với các hội nhóm xã hội dân sự độc lập và cá nhân ở Việt Nam khi thực hiện các quyền căn bản của con người cũng như các quyền dân sự".
Các thông tin đó được tập trung trong một 'Tuyên bố chung đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam trong 5 năm qua', gồm có 30 điều khoản đánh giá và 4 kiến nghị.

Gắn với Hiệp định Thương mại
Các kiến nghị của các nhà hoạt động dân sự đối với châu Âu tập trung vào Hiệp định FTA mà EU và Việt Nam đang đàm phán giai đoạn cuối.
Họ đề nghị FTA "phải có những điều khoản về nhân quyền, được xác định rõ ràng và có tính ràng buộc"; Ủy ban châu Âu phải tiến hành báo cáo đánh giá tác động nhân quyền, song song với Hiệp định; sau khi FTA được phê chuẩn, Ủy ban châu Âu phải xem xét các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ nhân quyền của mình; và châu Âu cần có cơ chế kiểm định, đánh giá về nhân quyền; khuyến khích và tạo điều kiện cho khối xã hội dân sự độc lập tham gia.

Được biết thứ Sáu 24/2, phái đoàn của Nghị viện châu Âu có cuộc gặp với Bộ Công an Việt Nam, trong đó có thảo luận về chủ đề này.
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một người có mặt tại cuộc gặp, nói với BBC ông đánh giá là cuộc gặp có hiệu quả vì "phái đoàn đã ghi nhận và tỏ sự ủng hộ đối với đề nghị của các đại diện ở Việt Nam và họ nói sẽ nêu các vấn đề này trong các cuộc làm việc với các bộ ngành của Việt Nam cũng như trong các cuộc đàm phán, thảo luận trong EU về Hiệp định thương mại song phương này".

"Quả bóng giờ đang nằm trong chân những người cầm quyền Việt Nam."

Ông đánh giá: "Chắc chắn phía Chính phủ Việt Nam chịu sự áp lực mạnh mẽ và nếu họ không cải thiện tình trạng nhân quyền thì nhiều khả năng Hiệp định Thương mại song phương này sẽ khó được phê chuẩn".
Ông Tuyến cảnh báo: "Cũng có thể họ lại sử dụng chiêu bài lâu nay là trả lại tự do cho ai đó để thể hiện sự nhượng bộ hay tuyên truyền rằng họ đã có cải thiện về nhân quyền". - BBC

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét