Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 18/2/17 - Lê Minh Nguyên


Ông Pence: Mỹ ‘kiên định trong cam kết’ với NATO
Phó Tổng thống Mỹ phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich rằng "Lịch sử sẽ chứng thực rằng khi Hoa Kỳ và Châu Âu được hòa bình và thịnh vượng, thì chúng ta thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của toàn thế giới."<!>
Ông Mike Pence phát biểu hôm thứ Bảy: "Hôm nay, thay mặt Tổng thống Trump, tôi mang đến cho quý vị sự bảo đảm này. Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ NATO và sẽ kiên định trong cam kết của chúng tôi đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương này.
"Số phận của Hoa Kỳ và Châu Âu gắn chặt với nhau," Phó Tổng thống nói. "Sự gắn kết của chúng ta mạnh tới mức suốt thế kỷ qua, binh sĩ Mỹ đã từ đất nước của chúng tôi ồ ạt đổ sang để giúp phòng vệ cho quý vị."

Ông Pence nói NATO "phải nổi trội trong thế giới kỹ thuật số cũng như chúng ta đang ở trong thế giới thực" để chống lại những nhóm như Nhà nước Hồi giáo, mà ông nói "có lẽ là kẻ tà ác lớn nhất trong hết thảy" và đã "cho thấy sự dã man chưa từng thấy kể từ thời Trung Cổ."
Liên quan tới Ukraine, Phó Tổng thống nói, "chúng ta phải buộc Nga chịu trách nhiệm và đòi họ tôn trọng các Thỏa thuận Minsk, bắt đầu bằng việc xuống thang bạo lực ở miền đông Ukraine."

Ông nói rằng Mỹ "sẽ tiếp tục buộc Nga chịu trách nhiệm, ngay cả khi hai nước chúng tôi tìm kiếm điểm chung mới, như quý vị đã biết, mà Tổng thống Trump tin là có thể tìm được."
Ông Pence tìm cách trấn an các nước đồng minh rằng Mỹ ủng hộ NATO theo sau những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về sự ngưỡng mộ của ông đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và chỉ trích của ông đối với NATO trong lúc có nhiều bất ổn toàn cầu. Những phát biểu của Trump đã khơi lên nỗi lo sợ từ các chính phủ Châu Âu.

Tuy nhiên ông Pence nói với các thành viên NATO rằng ông Trump kỳ vọng là các nước thành viên liên minh giữ đúng cam kết tài chính của mình đối với NATO. "Lời hứa chia sẻ gánh nặng phòng thủ của chúng ta từ quá nhiều năm nay vẫn chưa được đáp ứng và nó làm xói mòn nền tảng liên minh của chúng ta," ông nói. "Khi thậm chí chỉ một đồng minh không hoàn thành nghĩa vụ của mình, thì nước này làm suy yếu khả năng của tất cả các nước giúp đỡ lẫn nhau."
Ông Pence lưu ý tất cả 28 nước thành viên của liên minh đã cam kết vào năm 2014 tại Hội nghị Thượng đỉnh Wales là sẽ "hướng tới cam kết an ninh tối thiểu hai phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của họ về quốc phòng trong một thập kỷ." Ông cho biết chỉ có Mỹ và bốn quốc gia khác đã đáp ứng trách nhiệm tài chính của mình đối với khối.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng phát biểu tại hội nghị hôm thứ Bảy.

Vào ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu trước hội nghị rằng nền an ninh của Mỹ gắn liền với Châu Âu, mô tả nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO là một "cam kết nền tảng."
Tổng thống Trump hồi tháng trước gọi NATO là lỗi thời. Nhưng ông Mattis cho biết Tổng thống Mỹ giờ dành mọi sự ủng hộ của mình cho liên minh - mặc dù ông nhắc lại đòi hỏi là Châu Âu phải chia sẻ gánh nặng tài chính nhiều hơn.

Thêm binh sĩ và thiết bị quân sự của Mỹ được đưa tới Latvia và Romania trong tuần qua, một phần trong đợt củng cố quân lực lớn nhất của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Các nước đồng minh Châu Âu cho biết họ cảm thấy được trấn an với những lời nói của ông Mattis đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng nhiều đại biểu cũng cho biết họ muốn nghe những lời đó từ chính Tổng thống Trump. - VOA

2.
Trung Quốc: Lợi ích chung vượt cách biệt Mỹ-Trung --- Chiến hạm Trung Quốc kết thúc tập trận ở Biển Đông

Trung Quốc nói lợi ích giữa mối quan hệ Trung-Mỹ vượt xa hơn những khác biệt giữa đối bên. Tuyên bố được Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra hôm 17/2 trong lần đầu gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson kể từ khi ông Tillerson nhậm chức.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump làm Bắc Kinh giận giữ sau cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và sau những lời bình luận rằng Hoa Kỳ không buộc phải gắn kết với chính sách “Một nước Trung Hoa” theo đó Washington công nhận lập trường của Trung Quốc là chỉ có một nước Trung Hoa và Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này.

Trong một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, ông Trump thay đổi lập trường và đồng ý tôn trọng chính sách “Một nước Trung Hoa.” Đây là một thắng lợi ngoại giao đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc không chấp nhận bị chỉ trích vì tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan tự trị.
Tuy nhiên, một vài lãnh vực khác biệt giữa hai nước, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Bắc Triều Tiên không được đề cập đến trong các tuyên bố công khai hay trên các cuộc điện đàm.

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được công bố sau khi ông Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Tillerson bên lề hội nghị Ngoại trưởng các nước G20 tại Bonn, Đức, cũng không đề cập rõ ràng đến những bất đồng giữa hai bên.

Ông Vương nói cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Trump rất quan trọng, và hai nước nên thúc đẩy các mối quan hệ tốt hơn nữa.
Vẫn theo lời ông Vương, Mỹ-Trung nên tăng lòng tin lẫn nhau, hợp tác sâu rộng hơn và đảm bảo rằng dưới thời Tổng thống Trump, hai nước đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và thịnh vượng thế giới.

Thông cáo cho biết hai bên cũng đã “trao đổi quan điểm một cách sâu rộng”về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng không cho biết chi tiết.
Ngoại trưởng Tillerson cũng thúc đẩy Trung Quốc làm mọi việc có thể để làm dịu bớt cách hành xử của Bình Nhưỡng gây bất ổn khu vực sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo ngày Chủ Nhật vừa qua. - VOA

***
Tân Hoa Xã ngày 18/02/2017 cho biết là ba chiến hạm của Trung Quốc vừa kết thúc một tuần tập trận ở Biển Đông vào hôm trước, sau khi cách đây không lâu hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này thử nghiệm các vũ khí tại đây.
Đội tàu, trong đó có một khu trục hạm trang bị tên lửa, đã tiến hành tập trận từ thứ sáu tuần trước, và nay đang tiến về vùng đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương. Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập huấn lần này bao gồm các cuộc diễn tập « tấn công bất ngờ » và đã được thực hiện « thành công » trong điều kiện biển rất xấu.

Một chuyên gia quân sự cho đài truyền hình trung ương Trung Quốc biết rằng các cuộc tập trận nói trên « không theo một kịch bản nào » và « gần với giao tranh thật sự nhất ».
Các cuộc tập trận nói trên được thông báo sau khi hôm thứ Tư 15/02, Trung Quốc vừa cảnh cáo Hoa Kỳ là không được thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, vì có tin là Washington chuẩn bị mở lại các cuộc tuần tra để bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển này, đưa các chiến hạm Mỹ đến sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây ở Biển Đông.

Trung Quốc hiện cũng đang xem xét việc sửa đổi luật an toàn hàng hải, buộc các tàu ngầm nước ngoài khi đi vào vùng biển Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước và báo cáo hành trình của họ cho nhà chức trách Trung Quốc. Tuy không đề cập trực tiếp đến Biển Đông, nhưng bản dự thảo luật sửa đổi cho phép các cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc ngăn chận tàu nước ngoài đi vào vùng biển Trung Quốc nếu xét thấy những tàu này có thể gây phương hại cho an toàn hàng hải và trật tự. - RFI

3.
Trung Quốc đình chỉ tất cả than đá nhập khẩu của Bắc Triều Tiên

Trung Quốc sẽ đình chỉ tất cả than đá nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên bắt đầu từ ngày 19 tháng 2, Bộ Thương mại nước này cho biết trong một thông báo đăng trên website của mình hôm thứ Bảy, như một phần trong nỗ lực của họ nhằm thực thi những chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào nước này.
Bộ Thương mại cho biết trong một thông cáo ngắn rằng lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31 tháng 12.

Bộ không cho biết lý do tại sao tất cả những lô hàng sẽ bị đình chỉ, nhưng hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tuần trước đưa tin một lô hàng than đá của Bắc Triều Tiên trị giá khoảng 1 triệu đôla đã bị từ chối tại cảng Ôn Châu ở bờ biển phía đông của Trung Quốc.

Sự từ chối này xảy ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một phi đạn đạn đạo tầm trung, là thách thức trực tiếp đầu tiên của nước này đối với cộng đồng quốc tế kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái loan báo họ sẽ cấm nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên để tuân thủ những chế tài của Liên Hiệp Quốc và nhắm mục tiêu cắt nguồn ngân quỹ cho chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của họ.

Nhưng Trung Quốc cho phép những ngoại lệ nếu những chuyến hàng này là vì "phúc lợi của nhân dân" và không liên quan tới chương trình hạt nhân và phi đạn.

Mặc dù có những hạn chế, Bắc Triều Tiên vẫn là nước cung ứng than đá lớn thứ tư của Trung Quốc trong năm qua, với khối lượng than nhập khẩu không phải than non đạt 22,48 triệu tấn, tăng 14,5 phần trăm so với năm 2015. - VOA

4.
Mỹ-Ấn thảo luận sản xuất máy bay F-16 tại Ấn Độ

Lockheed Martin, công ty sản xuất thiết bị quốc phòng của Hoa Kỳ cho biết chính phủ Mỹ và chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về đề xuất của công ty, dự tính sản xuất chiến đấu cơ F-16 tại Ấn Độ.
Ông Randall Howard, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh máy bay F-16 của công ty Lockheed, đề cập đến dự án này tại cuộc triển lãm hàng không ở thành phố Bengaluru, bên Ấn Độ.

Máy bay chiến đấu F-16 của hãng Lockheed Martin và chiến đấu cơ Gripen của hãng Saab, Thụy Điển, còn gọi là máy bay “Griffin” hay “Gryphon”, được coi là những sản phẩm hàng đầu của hai công ty cạnh tranh giành hợp đồng trị giá nhiều tỷ đô la để cung cấp từ 200 đến 250 máy bay cho không lực Ấn Độ. Chính phủ ở New Delhi dự kiến sẽ hoàn tất hợp đồng nội trong năm nay.
Ấn Độ đòi bất kỳ công ty nước ngoài nào được giao hợp đồng, cũng phải sản xuất tại nước họ, cùng cộng tác với một đối tác ở địa phương. Mục đích là nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất hàng không và quốc phòng của Ấn Độ.

Đây là một sáng kiến ​của quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhằm gắn kết các hợp đồng mua vũ khí quốc phòng trị giá lên đến 200 tỷ đô la với chủ trương của Thủ tướng Narendra Modi, là thúc đẩy lĩnh vực chế tạo sản xuất ở Ấn Độ. - VOA

5.
Nhật Bản đóng thêm tầu chiến để củng cố phòng vệ Biển Hoa Đông

Nhật Bản đang lên kế hoạch thúc đẩy chương trình đóng tầu chiến, nâng số lượng lên hai tầu mỗi năm. Theo những người nắm rõ hồ sơ được Reuters trích dẫn ngày 18/02/2017, những chiến hạm trên có nhiệm vụ tuần tra vùng bờ biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Kế hoạch ban đầu của Nhật Bản là đóng mỗi năm một tầu khu trục có trọng tải 5.000 tấn. Tuy nhiên, từ tháng 04/2018, con số này sẽ tăng lên gấp đôi và mỗi tầu có trọng tải 3.000 tấn. Tokyo muốn thành lập một đội tầu gồm 8 chiếc loại mới nhỏ hơn và rẻ hơn, song vẫn có khả năng rà soát mìn và chống tầu ngầm. Trị giá của mỗi tầu được thẩm định từ 353 triệu đến 443 triệu đô la.

Vẫn theo nguồn tin ẩn danh trên, các tập đoàn đóng tầu, trong đó có Mitsubishi Heavy Industries, Japan Marine United Corp. (JMU) và Mitsui Engineering & Shipbuilding, đều được mời thầu. Trong bản thông cáo ngày 15/02, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết yêu cầu nhà thắng thầu phải nhượng một phần hợp đồng đóng 8 tầu khu trục cho các tập đoàn tham gia đấu thầu khác nhằm đảm bảo các xưởng đóng tầu trong nước tiếp tục hoạt động.
Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishada bên lề hội nghị G20 đang diễn ra tại Bonn (Đức), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Nhật Bản có những động thái « tiêu cực » trên nhiều vấn đề quan trọng gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Theo ông Vương Nghị, hai nước cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện mối quan hệ này.

Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, cách đông bắc Đài Loan khoảng 220 km. Nhiều sĩ quan Nhật Bản lo ngại về việc Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Biển Hoa Đông, xung quanh chuỗi đảo Okinawa, ở miền nam Nhật Bản. Tokyo cũng trợ giúp về mặt quân sự cho nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó Philippines và Việt Nam, để đối phó những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. - RFI

Tin Hoa Kỳ
6.
Tổng thống Trump lại đi vận động như lúc tranh cử, nhắm tới năm 2020

Chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục đi vận động hôm thứ Sáu khi ông đi thăm một cơ sở lắp ráp máy bay Boeing khổng lồ ở bang South Carolina.
Tổng thống đã tổ chức một vài cuộc tập hợp trong nhà chứa máy bay ở sân bay khi ông đi vận động tranh cử khắp cả nước vào năm ngoái. Chuyến thăm Boeing ở phía bắc thành phố Charleston, bang South Carolina gợi nhớ tới những cuộc tập hợp như vậy.

Giọng điệu của ông Trump tại Boeing lạc quan hơn một ngày trước đó tại một cuộc họp báo ồn ào trong Tòa Bạch Ốc, nơi ông đả kích giới truyền thông và tiếp tục công kích bà Hillary Clinton, đối thủ Đảng Dân chủ của ông lúc tranh cử tổng thống.

Ông Trump, người thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống ở bang South Carolina, nói với các nhân viên Boeing, những người mà gần đây đã biểu quyết không tổ chức công đoàn cho dây chuyền sản xuất của họ, rằng ông đang dốc sức giữ lại công ăn việc làm ở Mỹ. Công nhân đã reo hò khi nghe thấy phát biểu này.
Tổng thống cũng nói đùa rằng ông vẫn đang mặc cả với Boeing về mức giá của chiếc Air Force One mới, chuyên cơ của tổng thống. Chiếc Air Force One hiện thời đã 30 năm tuổi. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump tỏ ra ngần ngại về một chiếc chuyên cơ thay thế có giá nhiều triệu đôla.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng ủy ban vận động của ông Trump sẽ tổ chức một cuộc tập hợp ở bang Florida vào ngày thứ Bảy. Tin cho hay Tổng thống đã nộp hồ sơ để tái tranh cử vào năm 2020 vào ngày ông nhậm chức.
Nói về cuộc tập hợp ở Florida trước đó trong tuần, Tổng thống nói: "Những đám đông khổng lồ muốn có mặt ở đó."

Ông Trump cũng đang nhắm tới cuộc bầu cử năm 2020, nhưng sau một tháng tại nhiệm Tòa Bạch Ốc được xem là đang trong tình trạng hỗn loạn. Vấn đề nhân sự không suôn sẻ như Tổng thống mong muốn. Mối quan hệ của ông với giới truyền thông mang tính đối đầu cực kỳ lớn, với việc các quan chức Tòa Bạch Ốc gọi giới truyền thông là "phe đối lập."

Không giống như những tổng thống tiền nhiệm, ông Trump vẫn chưa công bố hồ sơ khai thuế của mình mà sẽ cho biết thông tin chi tiết về những hoạt động kinh doanh của ông, vốn bị nhiều người chỉ trích cho rằng có thể vi hiến.
Tổng thống vẫn bị đeo bám bởi những câu hỏi về mối quan hệ của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sự dính líu của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ông Trump phản ứng mạnh mẽ với gần như bất kỳ chỉ trích hay lời nói đùa nào về ông. Ông thường xuyên lên Twitter để đả phá những người mà ông cho là công kích ông. - VOA

7.
Thượng viện phê chuẩn người lãnh đạo cơ quan môi trường, bất chấp phản đối

Thượng viện Hoa Kỳ đã chuẩn thuận người được Tổng thống Donald Trump đề cử để lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) bất chấp phản đối của những nhà vận động vì môi trường, những người đang lo ngại rằng những nỗ lực thực thi luật môi trường của cơ quan này sẽ bị rút lại.
Scott Pruitt được các thượng nghị sĩ chuẩn thuận với tỉ lệ 52-46 theo lập trường đảng phái. Chỉ có một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa biểu quyết chống lại ông, trong khi hai thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đến từ hai bang sản xuất năng lượng biểu quyết ủng hộ ông.

Cuộc biểu quyết hôm thứ Sáu diễn ra sau khi phe Dân chủ chiếm diễn đàn Thượng viện thâu đêm với một loạt những bài phát chống lại việc chuẩn thuận ông Pruitt.
Ông Pruitt tuyên thệ nhậm chức sau đó trong ngày thứ Sáu với sự chủ trì của Thẩm phán Tòa án Tối cao Samuel Alito.

Trong sáu năm giữ chức tổng chưởng lý bang Oklahoma, ông Pruitt đã đệ trình 14 vụ kiện thách thức những quy định EPA bao gồm giới hạn phát thải carbon từ những nhà máy điện đốt than.
Ông cũng kiện việc EPA gần đây mở rộng những vùng nước được quản lý theo Đạo luật Nước Sạch; một luật của liên bang vấp phải sự chống đối của các ngành công nghiệp vì buộc họ phải làm sạch nước thải ô nhiễm.

Ông Pruitt đã cho biết ông sẽ cải tổ và hiện đại hóa EPA. Theo lịch trình ông sẽ phát biểu trước toàn thể nhân viên EPA ở Washington vào thứ Ba tuần sau. - VOA

8.
Angelina Jolie giới thiệu tại Cam Bốt phim về tội ác Khmer Đỏ

Ngày 18/02/2017, tại quần thể kiến trúc Angkor nổi tiếng ở Cam Bốt, nữ diễn viên kiêm đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Angelina Jolie giới thiệu bộ phim mới của cô về tội ác diệt chủng dưới thời chế độ Khmer Đỏ.
Trong khoảng 1.500 khách mời buổi chiếu bộ phim Họ giết cha tôi trước tiên, có nhà vua Norodom Sihamoni cùng với nhiều người còn sống sót sau chế độ Pol Pot. Sau đó, bộ phim sẽ được trình chiếu trên toàn quốc và được phát trong vòng 7 tháng trên trang Netflix.

Họ giết cha tôi trước tiên được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của nhà văn Loung Ung, một nhà bảo vệ nhân quyền. Trong cuốn sách, bà thuật lại nỗi khiếp sợ mà bà phải chứng kiến và trải qua dưới thời Khmer Đỏ, khiến hơn 2 triệu người chết từ năm 1975 đến 1979.
Ông Sin Chanchhaya, giám đốc sở Điện Ảnh và Phổ Biến Văn Hóa Cam Bốt, nhận xét : « Bộ phim phản ánh rõ hành động tàn nhẫn của chế độ Khmer Đỏ... Đây là một vấn đề quan trọng đối với chúng tôi. Người dân Cam Bốt rất quan tâm đến bộ phim ».

Sau buổi chiếu ra mắt, Angelina Jolie sẽ có một cuộc họp báo ngay tại Angkor với sự tham gia của tác giả Loung Ung. Ít khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi đệ đơn ly hôn Brad Pitt, sự xuất hiện của nữ diễn viên rất được mong đợi. Angelina Jolie có quan hệ mật thiết với Cam Bốt vì đây là quê hương của Maddox, cậu con nuôi cả của nghệ sĩ. - RFI

Tin Việt Nam
9.
Tàu hải quân Singapore cập cảng Cam Ranh

Tàu hải quân Singapore RSS Endurance cùng 180 thủy thủ vừa cập cảng Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 17 tháng 2 bắt đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài 5 ngày.
Đây là chuyến thăm cảng quốc tế Cam Ranh lần thứ hai của tàu hải quân Singapore kể từ khi cảng này chính thức khai trương vào tháng 3 năm ngoái.

Báo chí Việt Nam đưa tin, chuyến thăm lần này là một hoạt động cụ thể triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng hai nước thời gian qua, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước.
Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8 năm 1973. Quan hệ giữa hai nước được nâng lên thành đối tác chiến lược vào năm 2013. - RFA

10.
‘Doan Thi Huong’ bị Việt Nam lãng quên? --- Vụ sát hại anh của Kim Jong-Un: Cảnh sát Malaysia bắt một người Bắc Triều Tiên

Tên của nữ nghi can mang giấy tờ Việt Nam bị Malaysia bắt giữ vì bị nghi dính líu tới vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un hoàn toàn biến mất trên truyền thông trong nước cũng như thông cáo chính thức của Việt Nam.
Khó tìm thấy cái tên Doan Thi Huong trên các trang báo nhà nước, mà nó chỉ xuất hiện trong các bản tin của các cơ quan báo chí tiếng Việt ở hải ngoại cũng như trên các trang tin “lề trái”.

Trong một bài báo miêu tả hình ảnh của cô Doan Thi Huong mà báo chí nước ngoài nói là được ghi lại trên camera an ninh, trang web của Đài tiếng nói Việt Nam viết: “Hình ảnh ghi lại các đặc điểm của kẻ nghi là sát thủ này, theo đó nghi phạm là người trung niên và gốc châu Á. Trong hình ảnh này, người phụ nữ mặc chiếc áo với dòng chữ “LOL” to và một chiếc váy ngắn màu xanh. Tay trái cô ta để trên một chiếc cặp xách nhỏ”.
Còn trang Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam viết: “Hãng thông tấn Bernama ngày 15/2 đưa tin giới chức Malaysia đã bắt giữ một phụ nữ đến từ Myanmar trong cuộc điều tra về cái chết sáng 13/2 của ông Kim Jong-nam - anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”.

Luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang Facebook cá nhân hôm 16/2: “Lẽ ra, báo chí Việt có cơ hội câu view, hốt bạc khủng, nếu "được phép" đưa tin, tìm hiểu nghi phạm sát thủ có tên Doan Thi Huong, ở Nam Dinh, sinh 31/5/1988. Tìm hiểu sự thật về một vụ đại kỳ án thế giới, có thể liên quan công dân nước nhà, mà phải "được phép" thì buồn ơi là buồn!”
Hiện chưa rõ lý do vì sao nghi can mang giấy tờ Việt Nam không được đề cập đến trên báo chí trong nước.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý truyền thông trong nước, để phỏng vấn.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/2 cũng không thấy nhắc tên cô Doan Thi Huong, nữ nghi can sinh ngày 31 tháng Năm năm 1988 ở Nam Định như theo thông cáo của cảnh sát Malaysia hôm 15/2.

Tuyên bố của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà chỉ nhắc tới cái tên "của công dân Triều Tiên Kim Chol" trong khi chính quyền Malaysia và Hàn Quốc đã khẳng định rằng nạn nhân là ông Kim Jong Nam, anh trai của ông Kim Jong Un.

Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam trên Facebook có đăng lại thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam với tên nạn nhân là Kim Chol, nhưng lại đăng ảnh của ông Kim Jong Nam. Kim Chol được cho là tên trên giấy tờ giả mà ông Jong Nam mang theo người lúc bị ám sát.
Dường như khó hiểu về đoạn thông cáo, một Facebooker tên Quoc Vuong đặt câu hỏi trong phần bình luận: “Nhưng Việt Nam liên quan gì mà phải hợp tác nhỉ?????”, và được một người đọc khác tên Huong Vu trả lời: “Một nghi phạm nữ mang hộ chiếu Viêt Nam đã bi bắt”.

Hãng tin Reuters dẫn lời truyền thông Malaysia đưa tin rằng cô Doan Thi Huong đã nói với cảnh sát rằng cô bị lừa thực hiện điều mà cô ta nghĩ là một trò chơi khăm vô hại.
Một người phụ nữ thứ hai bị câu lưu, mang quốc tịch Indonesia, cũng nghĩ rằng cô tham gia vào trò chơi khăm cho một chương trình truyền hình.
Ngay sau khi cô Siti Aishah bị bắt, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã lên tiếng rằng cô chỉ là “nạn nhân bị lừa hoặc bị lôi kéo” tham gia vụ ám sát ông Kim Jong Nam, theo the Straits Times.

Ngoài ra, tờ báo của Singapore còn đưa tin rằng một nhóm bảo hộ công dân từ Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã tới Malaysia để xử lý vụ việc liên quan tới cô Aishah. Chưa rõ phía Việt Nam đã cử ai tới Kuala Lumpur để hỗ trợ người được cho là mang giấy tờ Việt Nam hay chưa.
Thông tin báo chí mới nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/2 là “phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 12/02/2017, Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo”.

Trong một diễn biến liên quan tới vụ ám sát ông Kim Jong Nam, cảnh sát Malaysia hôm 18/2 thông báo đã bắt giữ một người đàn ông Bắc Hàn có liên quan tới vụ giết hại anh trai cùng tra khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un.
Nạn nhân bị tấn công trong tuần này tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi chuẩn bị đáp chuyến bay đi Macau, nơi ông sinh sống cùng người vợ hai dưới sự bảo vệ của Trung Quốc, trong một vụ được cho là đầu độc chớp nhoáng. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng ông Jong Nam đã bị các điệp viên Bắc Hàn ám sát.

Theo cảnh sát Malaysia, vụ bắt giữ mới nhất được thực hiện tối 17/2. Nghi can tên là Ri Jong Chol, 47 tuổi. Ông này có mang theo một thẻ nhận dạng dành cho công nhân nước ngoài ở Malaysia.
Cho tới nay, có bốn người bị bắt giữ trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Hai nữ nghi can, một công dân Indonesia và một người mang giấy tờ Việt Nam, cùng một người đàn ông Malaysia bị bắt trước đó. Reuters dẫn các nguồn tin chính phủ Malaysia cho biết rằng ít nhất 3 nghi can khác vẫn “cao chạy xa bay”. - VOA

***
Ngày 18/02/2017, cảnh sát Malaysia thông báo vừa bắt giữ một người đàn ông Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ sát hại Kim Jong-Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un.
Người bị bắt giữ tối hôm qua có mang giấy tờ cấp cho người lao động nước ngoài ở Malaysia, nhờ vậy cảnh sát biết được danh tính của ông ta là Ri Jong Chol, 46 tuổi. Như vậy là cho tới nay tổng cộng đã có 4 người, trong đó có một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Doan Thi Huong, bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ ám sát ông Kim Jong-Nam hôm thứ hai vừa qua tại sân bay Kuala Lumpur, mà theo Seoul là do các điệp viên Bắc Triều Tiên tiến hành.

Các chuyên viên Malaysia hôm nay đã phân tích các mẫu lấy từ cơ thể của nạn nhân để xác định xem chất độc nào đã được phun lên người của ông ở sân bay Kuala Lumpur. Theo bộ Y tế Malaysia hôm nay, việc phân tích có thể mất đến hai tuần.  Mặc dù phía Bình Nhưỡng không đồng ý, nhưng các bác sĩ pháp y của Malaysia đã tiến hành mỗ khám nghiệm tử thi của nạn nhân.
Vụ này đang gây căng thẳng quan hệ giữa Malaysia với Bắc Triều Tiên. Tối qua, ngay trước nhà xác nơi đang đặt thi hài của ông Kim Jong-Nam, đại sứ Bắc Triều Tiên ở Malaysia Kang Chol đã tuyên bố nước ông sẽ bác bỏ các kết quả khám nghiệm tử thi, đồng thời cho biết đã yêu cầu cảnh sát Malaysia trao trả thi hài ông Kim Jong-Nam, nhưng phía Malaysia vẫn từ chối.

Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của phía Bình Nhưỡng kể từ vụ ám sát anh của lãnh đạo Kim Jong-Un, tuy nhiên đại sứ Bắc Triều Tiên đã không xác nhận nạn nhân đúng là Kim Jong-Nam, cũng như không nói gì về hoàn cảnh xảy ra cái chết của ông.
Lãnh đạo cảnh sát bang Selangor hôm qua cho biết là cho tới nay không có thân nhân nào đến xác nhận danh tính hoặc xin trao trả thi hài người quá cố và họ cần một mẫu ADN của một người trong gia đình để xác định danh tính của nạn nhân.

Một trong hai nữ nghi phạm bị bắt giữ trong vụ này là một cô gái Indonesia 25 tuổi. Theo lời lãnh đạo cảnh sát Indonesia, những người lạ mặt đã nói với cô này là muốn cô tham gia một trò chơi truyền hình theo kiểu « giấu camera », nên nhờ cô phun một chất lỏng vô hại vào người nạn nhân. Cô đã không ngờ là mình tham gia vào một vụ ám sát. - RFI

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét