Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 21/2/17 - Lê Minh Nguyên


Trung Quốc phản đối Mỹ tuần tra Biển Đông --- Trung Quốc sửa luật để tăng cường kiểm soát Biển Đông
<!>
Chính quyền Bắc Kinh hôm 21/2 cho biết phản đối bất kỳ hành động của các nước dưới “chiêu bài tuần tra tự do hàng hải”, đe dọa chủ quyền của nước này, sau khi Hoa Kỳ triển khai hàng không mẫu hạm tới vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, hải quân Mỹ nói rằng lực lượng của Mỹ, gồm hàng không mẫu hạm, bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông hôm 18/2, giữa bối cảnh có nhiều lo ngại rằng vùng biển tranh chấp này sẽ trở thành một điểm nóng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm 21/2: “Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải và bay ngang mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật quốc tế. Nhưng chúng tôi luôn phản đối các nước liên quan đe dọa và gây tổn hại tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển dưới chiêu bài tự do hàng hải và bay ngang qua”.

Chỉ huy của đội tàu chiến Hoa Kỳ tuần tra trên Biển Đông, thiếu tướng James Kilby, nói rằng nhiều tuần lễ diễn tập ở Thái Bình Dương trước đó đã cải thiện khả năng hoạt động hiệu quả cũng như sự sẵn sàng của đội tàu này.

Ông Kilby được dẫn lời nói rằng “chúng tôi nóng lòng muốn chứng tỏ những khả năng đó trong khi gây dựng mối quan hệ vững mạnh sẵn có với các đồng minh, đối tác và những người bạn ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương”.

Thông tin về hoạt động tuần tra của hàng không mẫu hạm Mỹ xuất hiện một ngày sau khi Trung Quốc thông báo kết thúc các cuộc tập trận ở Biển Đông.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo Washington không nên thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.

Hoa Kỳ từng chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo cũng như các cơ sở quân sự trên Biển Đông. Hải quân Mỹ từng tiến hành một số đợt tuần tra “tự do hàng hải” qua vùng biển này.

Trong khi công du châu Á đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 4/2 tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực. - VOA

***
Trung Quốc có thể cấm tàu ngầm nước ngoài đi vào vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, đó là bài nhận định được đăng hôm nay, 21/02/2017, trên trang thông tin news.com.au của Úc.
Bài viết trở lại thông tin trên báo chí chính thức Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh đang tiến hành sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải 1984. Dự luật sửa đổi, theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ năm 2020, cho phép hải quân Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nước này được quyền ngăn chận những tàu nào bị xem là « vi phạm an toàn hàng hải » hoạt động trong các vùng biển của Trung Quốc, kể cả vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế.

Nhưng điểm gây ngạc nhiên là dự luật này đặc biệt nhắm vào các tàu ngầm. Dự luật nói trên không nói gì đến Biển Đông, nhưng gần như chắc chắn là nó có liên quan đến vụ hải quân Trung Quốc tháng 12 năm ngoái thu giữ một tàu ngầm không người lái của hải quân Mỹ ở Biển Đông và sau đó trả lại phía Hoa Kỳ.

Dự luật quy định là các tàu ngầm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển của Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước, treo quốc kỳ và thông báo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển này.

Luật sửa đổi cũng nghi rõ là nhà chức trách Trung Quốc có thể khoanh một số vùng đặc biệt và có thể cấm các tàu của ngoại quốc đi qua những vùng này dựa theo đánh giá của họ về mức độ an toàn giao thông hàng hải của những tàu đó. Chiếu theo luật mới, những tàu nào bị xem là vi phạm luật Trung Quốc sẽ bị đuổi ra khỏi vùng biển của Trung Quốc.
Dự luật này được xem xét vào lúc Trung Quốc gần hoàn tất việc xảy dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở vùng biển này.

Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông, trực thuộc chính phủ Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh đang cố cải thiện việc quản lý an ninh hàng hải bằng cách đưa vào luật những chi tiết mới, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến « những mối đe dọa ngày càng tăng của việc nước ngoài giám sát quá chặt chẽ ( vùng biển của Trung Quốc) ».
Trang news.com.au nhắc lại rằng cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á ( Asia Maritime Tranparency Initiative ) vào tháng 12 vừa qua đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đặt thêm các dàn súng phòng không và dàn tên lửa tại các phi đạo và hải cảng trên các đảo nhân tạo.

Việc quân sự hóa các cơ sở này ( mà trước đây Bắc Kinh khẳng định là được xây dựng chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải ) khiến giới quan sát lo ngại là Trung Quốc chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Việc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không có nghĩa là mọi phi cơ bay ngang qua không phận vùng này đều phải xin phép Bắc Kinh. Như vậy, Trung Quốc áp đặt sự kiểm soát của quốc gia lên một vùng biển cho tới nay quốc tế có thể được sử dụng.
Đầu tháng 7 năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết bác bỏ « quyền lịch sử » mà Trung Quốc vẫn dùng để đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, thể hiện qua bản đồ « đường lưỡi bò ».

Cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn cho rằng các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc là những vùng biển quốc tế và đã thường xuyên có những hành động nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển này. Kể từ tháng 10/2015 đến nay, các chiến hạm của hải quân Mỹ đã bốn lần đến sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ, bất chấp khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên các đảo này.

Cũng chính là nhằm khẳng định quyền của quốc tế được tự do lưu thông ở vùng này mà hải quân Hoa Kỳ trong tuần này đã điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vilson đến tuần tra ở Trường Sa. Cụm tàu này, mà gần như chắc chắn sẽ bao gồm cả tàu ngầm, theo dự kiến sẽ « trắc nghiệm » phản ứng của Bắc Kinh bằng cách đi vào phạm vi 12 hải lý chung quanh một hoặc nhiều đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Đây là khoảng cách được luật pháp quốc tế công nhận là ranh giới vùng biển hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của một quốc gia. Hiện giờ luật pháp quốc tế không công nhận các đảo nhân tạo của Trung Quốc là lãnh thổ quốc gia của nước này, mặc dù Bắc Kinh vẫn khẳng định như thế. Bây giờ nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, đây sẽ là một hành động khiến nguy cơ xung đột với Mỹ gia tăng.

Đợt tuần tra của cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson sẽ là đợt tuần tra đầu tiên của hải quân Mỹ ở vùng Biển Đông kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Sau khi nghe thông tin về đợt tuần tra sắp tới của tàu Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh vẫn tôn trọng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật quốc tế, nhưng yêu cầu Hoa Kỳ « không được có bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc » và « phải tôn trọng nỗ lực của các nước khu vực duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Nam ( Biển Đông) ».
Chính phủ Bắc Kinh khẳng định luật An toàn Giao thông Hàng hải được sửa đổi dựa trên các quyền của Trung Quốc trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS ). Nhưng trên thực tế dự luật trái với UNCLOS, vì công ước này bảo đảm quyền « đi lại vô hại » ( innocent passage ), cho phép tàu dân sự và quân sự được đi qua vùng lãnh hải các nước mà không bị ngăn chận, trừ phi các tàu này có một số hoạt động không được phép.

Dự luật nói trên sẽ được áp dụng như thế nào là còn tùy thuộc vào việc Bắc Kinh diễn giải khái niệm « vùng biển Trung Quốc » rộng đến đâu. Cho tới nay, thật sự thì Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ là đối với họ, toàn bộ vùng nằm trong đường « lưỡi bò », chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông, là thuộc chủ quyền Trung Quốc hay không.
Một điều chắc chắn là Hoa Kỳ và các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc sẽ không chấp nhận luật sửa đổi với những nội dung như trên. Nhất là đối với Washington, tự do hàng hải ở Biển Đông là « tuyệt đối », dù là đối với tàu dân sự hay tàu quân sự, như bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhắc lại vào ngày 04/02 vừa qua. - RFI

2.
ASEAN muốn Hoa Kỳ sớm có chính sách rõ ràng về Biển Đông

ASEAN hy vọng chính quyền của tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng thảo ra « một chính sách cụ thể hơn và rõ ràng hơn » về khu vực, đặc biệt chính sách với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh « quân sự hóa » nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa, khiến các quốc gia Đông Nam Á rất lo ngại. Trên đây là tuyên bố của lãnh đạo ngoại giao Philippines hôm nay, 21/02/2017, sau phiên họp kín với các đồng nhiệm ASEAN.
Reuters cho hay, phát biểu trước báo giới, tại Boracay, sau phiên họp đầu tiên với các ngoại trưởng ASEAN ngày hôm qua, Ngoại trưởng Perfecto Yasay tuyên bố : « chúng tôi hoàn toàn hiểu được là chính sách (quốc tế) của Hoa Kỳ đang được chính phủ Donald Trump xây dựng », « hiện tại chúng tôi chưa nắm chính xác về chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc… và chúng tôi hy vọng sẽ được biết cụ thể hơn và rõ ràng hơn trong những tháng tới ».

Ngoại trưởng Perfecto Yasay cũng cho biết bộ trưởng các nước thành viên ASEAN đã thể hiện « sự quan ngại rất lớn » về « các hoạt động quân sự hóa » của Trung Quốc tại nhiều đảo ở Biển Đông, và việc làm sao để Trung Quốc chấp nhận « phi quân sự hóa » và giải thể các công trình quân sự hiện có tại các đảo tranh chấp là một thách thức lớn đối với toàn khối, đặc biệt là các nước có yêu sách chủ quyền như Việt Nam, Malaysia và Philippinnes.
Hãng thông tấn Philippine News Agency dẫn lời thứ trưởng Ngoại Giao Philippines Enrique Manalo trong cuộc họp báo hôm qua tại Boraca, theo đó ASEAN « rất quyết tâm » hoàn tất sớm Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông, và các hoạt động chuẩn bị sắp tới sẽ « rất khẩn trương ». Về mặt chính thức, ASEAN và Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn tất khuôn khổ chung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (gọi tắc là COC) vào giữa năm nay 2017, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Philippines, trên thực tế, rất ít tiến bộ đạt được trong các đàm phán, kể từ khi ý tưởng này được các bên nhất trí vào năm 2002.

Một số bộ trưởng ASEAN lo ngại các căng thẳng hiện nay tại Biển Đông có thể làm « xói mòn lòng tin », ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC. Ngay trước hội nghị hai ngày đầu tuần này của ASEAN, thứ Sáu tuần trước, 17/02, Trung Quốc vừa kết thúc một đợt tập trận với tàu sân bay tại Biển Đông. Ngày 18/02, Hải Quân Hoa Kỳ tuyên bố sẽ đưa một nhóm tàu chiến đấu cùng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới tuần tra tại Biển Đông, để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sẽ tiếp tục hôm nay. Đây là cuộc họp đầu tiên cấp bộ trưởng do Philippines tổ chức với tư cách quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2017. - RFI

3.
Tổng thống Philippines Duterte bị tố cáo là kẻ sát nhân hàng loạt

Một thượng nghị sĩ Philippines hôm nay, 21/02/2017, tố cáo ông Rodrigo Duterte là kẻ sát nhân hàng loạt và kêu gọi phế truất vị tổng thống này.
Tiếp theo lời cáo buộc của một cựu cảnh sát Philipines về việc ông Duterte khi còn làm thị trưởng vùng Davao, ở miền nam, đã đích thân ra lệnh và khuyến khích cảnh sát thẳng tay trấn áp, giết chết những người bị nghi ngờ dính líu đến ma túy và hạ sát các nhân vật đối lập chính trị, hôm nay, đến lượt bà Leila de Lima, một thượng nghị sĩ thuộc phe đối lập Philippines, tuyên bố với giới báo chí rằng, « không còn gì nghi ngờ nữa, vị tổng thống của chúng ta là một kẻ bệnh hoạn, giết người hàng loạt ». Bà de Lima khẳng định, Hiến Pháp cho phép chính phủ, với đa số ủng hộ, cần phải khẩn trương buộc ông Duterte từ chức vì về mặt tinh thần, ông không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ tổng thống.
Thượng nghị sĩ de Lima còn nhắc đến cuộc cách mạng « Quyền lực nhân dân », cách nay ba thập niên, đã lật đổ chế độ độc tài Marcos vào năm 1986.

Bà de Lima là cựu quan chức phụ trách vấn đề nhân quyền. Tuần trước, chính phủ của ông Duterte đã cáo buộc bà khi còn làm bộ trưởng Tư Pháp, đã có dính líu đến buôn lậu ma túy.
Thượng nghị sĩ de Lima, cùng những người ủng hộ bà và các tổ chức nhân quyền cho rằng đây là một thủ đoạn của chính phủ nhằm bịt miệng bà và đe dọa những ai muốn lên tiếng chống lại tổng thống Duterte.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng Sáu năm ngoái, ông Duterte đã phát động một chiến dịch xóa bỏ tệ nạn ma túy, cho phép áp dụng các biện pháp bạo lực, làm hàng ngàn người thiệt mạng. Theo cảnh sát Philippines, 2555 người đã bị giết chết, và khoảng 4000 trường hợp tử vong khác chưa rõ nguyên nhân. - RFI

4.
Bộ trưởng Mattis: Mỹ ‘không ở Iraq để chiếm dầu của bất cứ ai’

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm thứ Hai nói rằng Mỹ không có ý định chiếm giữ dầu hỏa của Iraq, điều mà Tổng thống Donald Trump trước đây đã cổ súy là "chiến lợi phẩm" cho hoạt động quân sự của Mỹ ở đó và để ngăn chặn nhóm Nhà nước Hồi giáo đem bán.
Ông Mattis phát biểu trước đoàn phóng viên tháp tùng ông tới Iraq cho một chuyến thăm không báo trước, diễn ra vào ngày thứ hai của một cuộc tiến công quân sự nhằm đánh bật nhóm Nhà nước Hồi giáo khỏi phần phía tây của thành phố Mosul.

"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ở đây trong căn phòng này, tất cả chúng ta ở Mỹ, trước giờ vẫn trả tiền cho khí đốt và dầu hỏa của chúng ta, và tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai," ông Mattis nói. "Chúng tôi không ở Iraq để chiếm dầu của bất cứ ai."

Ông Mattis cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Iraq suốt cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. "Tôi bảo đảm với bạn rằng chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn suốt cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ sát cánh bên các bạn và quân đội của các bạn trong tương lai để chủ quyền của các bạn được bảo vệ bởi các lực lượng Iraq và không ai khác," ông nói.
Khi được hỏi liệu Mỹ có ở lại Iraq sau khi cuộc chiến ở Mosul đã kết thúc hay không, ông nói: "Tôi hình dung chúng ta sẽ tham gia cuộc chiến này trong một khoảng thời gian và chúng ta sẽ sát cánh bên nhau."

Trung tướng Stephen Townsend, chỉ huy liên quân do Mỹ dẫn đầu đang nỗ lực đánh bại Nhà nước Hồi giáo nói rõ ràng hơn. "Tôi không dự đoán là chúng tôi sẽ được chính phủ Iraq yêu cầu rời đi ngay lập tức sau khi giành lại Mosul. Tôi nghĩ chính phủ Iraq nhận thức đây là một cuộc chiến đấu rất phức tạp và họ sẽ cần sự hỗ trợ của liên minh thậm chí vượt xa hơn cả Mosul."
Hôm thứ Hai, các lực lượng Iraq đã tiến vào vùng ngoại ô phía nam của Mosul vào ngày thứ hai của nỗ lực đánh đuổi những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo khỏi mạn tây của thành phố. Các lực lượng nhắm mục tiêu vào một ngọn đồi nhìn ra sân bay của thành phố, tiến vào làng Abu Saif. - VOA

5.
Ông Trump bình luận tin tức trên TV về di dân ở Thụy Điển

Một ngày sau khi có tin tức không chính xác về một sự cố an ninh liên quan đến di dân dân tại Thụy Điển, hôm Chủ Nhật Tổng thống Donald Trump nói rằng bình luận của ông đưa ra là dựa trên một bản tin trên truyền hình mà ông đã xem trước đó.
Ông Trump, ngay trong tuần đầu tiên khi nhậm chức đã cố gắng thắt chặt vấn đề an ninh biên giới, phát biểu tại cuộc mít-tinh hôm thứ Bảy rằng Thụy Điển đã gặp vấn đề nghiêm trọng với những người nhập cư.
Ông Trump nói: "Bạn hãy xem những gì đang xảy ra đêm qua ở Thụy Điển. Chính tại Thụy Điển. Ai sẽ tin này chứ? Thụy Điển tiếp nhận lấy số lượng lớn người nhập cư. Họ đang gặp phải các vấn đề mà trước đó họ không bao giờ nghĩ rằng sẽ xảy ra."

Thật ra không có sự cố gì xảy ra ở Thụy Điển và chính quyền Thụy Điển rất bối rối, đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải thích.
Ông Trump cho biết trong một tweet vào ngày Chủ Nhật: "Tuyên bố của tôi về những gì đang diễn ra ở Thụy Điển là dựa theo một câu chuyện trên kênh truyền hình FoxNews có liên quan đến di dân & Thụy Điển."

Fox News, một kênh truyền hình của Hoa Kỳ được ông Trump ủng hộ, hôm thứ Sáu đưa tin về vấn đề tội phạm được cho là có liên quan đến người nhập cư ở Thụy Điển.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng nói với các phóng viên hôm Chủ nhật rằng ông Trump đã đề cập việc tăng tội phạm nói chung, chứ không phải là một vụ việc cụ thể ở một nước Bắc Âu.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ tội phạm của Thụy Điển đã giảm kể từ năm 2005, ngay cả khi nước này tiếp nhận hàng trăm ngàn người nhập cư từ các nước có chiến tranh tàn phá như Syria và Iraq.
Lời bình luận của ông Trump làm Stockholm cảm thấy hổ thẹn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Catarina Axelsson nói: "Chúng tôi đang cố gắng để mọi thông tin được rõ ràng."

Đại sứ quán Thụy Điển tại Mỹ lặp lại lời bình trên twiter của ông Trump về bản tin trên kênh truyền hình Fox, và nói thêm rằng: "Chúng tôi mong muốn thông báo cho chính quyền Hoa Kỳ rõ về chính sách nhập cư và hội nhập của Thụy Điển."
Ông Trump đã bị chỉ trích rất nhiều khi đưa ra những phán xét mà không có bằng chứng hoặc ít chứng cứ. - VOA

6.
Quốc Hội Anh thảo luận về chuyến thăm của Donald Trump



Hàng ngàn người Anh hôm qua 20/02/2017 biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc Hội để phản đối dự định của thủ tướng Theresa May mời tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Luân Đôn trong năm 2017. Các nghị sĩ cũng đưa chủ đề này ra thảo luận trước Quốc Hội, sau khi nhận được lá đơn với 1,8 triệu chữ ký kiến nghị hạ chuyến công du của ông Donald từ chuyến thăm cấp nhà nước xuống thành chuyến thăm chính thức.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình :

"Không ồn ào như những người biểu tình phản đối bên ngoài phố, nhưng các nghị sĩ cũng tham gia thảo luận rất đông, rất hăng hái, chứ không dè dặt, ý tứ, về chuyến thăm cấp nhà nước của Donald Trump, theo lời mời mà thủ tướng Theresa May đưa ra vào tháng trước.
Thậm chí, một số nghị sĩ còn chỉ trích kịch liệt là thủ tướng May đã quá vội vàng khi mời vị tổng thống Mỹ đang gây nhiều điều tiếng. Đây là một chuyến thăm mà trong đó tổng thống Donald Trumd sẽ được Nữ Hoàng Elisabeth Đệ Nhị đích thân tiếp đón trọng thể. Nghị sĩ Alex Salmond - thuộc đảng Quốc Gia Scotland SNP - đã viện lý do chủ yếu về kinh tế để trách thủ tướng thiếu khôn ngoan khi đưa ra lời mời này. Còn nghị sĩ Công Đảng Paul Flynn thì đánh giá là không thể tin tưởng vào một vị tổng thống cư xử như một « đứa trẻ tính khí thất thường».

Nhưng không phải nghị sĩ nào cũng phản đối chuyến thăm của tân chủ nhân Nhà Trắng : nghị sĩ đảng bảo thủ Nigel Evans đã so sánh việc Donald Trump trúng cử với thắng lợi của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit và phê phán những người đối lập với Donald Trump là không chịu hiểu về phong trào dân túy hiện nay. 
Khi được mời phát biểu ủng hộ hay phản đối chuyến thăm cấp nhà nước của Donald Trump, đa phần các nghị sĩ đã hô to « Không ». Nhưng việc phản đối này chỉ mang tính biểu tượng, vì Quốc Hội không có quyền buộc chính phủ rút lại kế hoạch tiếp đón Donald Trump, mặc dù chính phủ Anh vẫn tránh nêu rõ ngày diễn ra chuyến thăm." - RFI

7.
TT Trump muốn thấy NATO tăng chi tiêu quốc phòng

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuối năm nay muốn nhìn thấy ‘tiến bộ thật sự’ của các đồng minh NATO trong việc tăng cường chi tiêu quốc phòng hướng tới tỷ lệ tối thiểu 2% sản lượng kinh tế.
Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 20/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh: “Nước Mỹ sẽ tròn phận sự của mình nhưng quốc phòng Châu Âu đòi hỏi các khoản cam kết của EU cũng ngang bằng như của chúng tôi…Tổng thống Mỹ kỳ vọng sẽ có tiến bộ thật sự trước cuối năm nay.”
Trước đó, hôm 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo các đồng minh NATO phải tôn trọng cam kết chi tiêu quốc phòng sao cho liên minh không bị Hoa Kỳ giảm bớt hỗ trợ.
Ông Mattis tuyên bố sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ không nên xem như là một việc sẵn có. Ông nói trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã kêu gọi các nước đồng minh châu Âu chi tiêu 2% giá trị kinh tế vào quốc phòng.

Vẫn theo lời tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các nước đồng minh NATO phải chứng tỏ tiến bộ trong năm 2017, thông qua một kế hoạch với ngày giờ cụ thể về các mục tiêu chi tiêu quốc phòng.
Chi tiêu thấp của Châu Âu khiến Hoa Kỳ khó chịu trong khi Mỹ đã đóng góp đến 70% phần quỹ của liên minh NATO.
Trong suốt cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã mạnh mẽ chỉ trích NATO, khiến cho đồng minh Châu Âu lo ngại. - VOA

8.
Đại sứ Nga ở LHQ đột ngột qua đời

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin đột tử, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga. 
Ông Churkin lẽ ra mừng sinh nhật lần thứ 65 hôm thứ Ba, nhưng đột ngột qua đời khi đang làm việc tại New York hôm thứ Hai.
Chưa rõ nguyên nhân cái chết của nhà ngoại giao Nga.

Ông Churkin là đại sứ ở Liên Hiệp Quốc từ 2006, mạnh mẽ bảo vệ chính sách của Nga.
Sinh ra ở Moscow, ông từng tham gia đóng phim khi còn là thiếu niên trước khi vào học tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao.
Trước khi làm ở Liên Hiệp Quốc, ông phục vụ tại Canada, Bỉ, và là đặc sứ trong các đàm phán về Nam Tư cũ đầu thập niên 1990. - BBC

9.
Một triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở Nam Sudan



Chính phủ và các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc cho biết xung đột, kinh tế sụp đổ, giá lương thực tăng cao và năng suất nông nghiệp thấp là những gì làm mất an ninh lương thực trên toàn quốc. Một triệu người được cho là đang ngấp nghé nạn đói.
Tình trạng đói kém đã hiện diện tại hai quận hạt thuộc bang Thống nhất ở miền nam, ảnh hưởng đến hơn 100.000 người. Challiss McDonough, một phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới ở Đông Phi, cho biết giao tranh dữ dội tại bang này đã gây khó khăn cho việc thương lượng để các nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận an toàn. Các nhân viên này đang cố gắng để cung cấp đồ cứu trợ cho người dân của vùng bị vây hãm.

Hàng chục ngàn người dân Nam Sudan đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu nổ ra hồi tháng 12 năm 2013 giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và cựu phó tổng thống của ông là Riek Machar.
Khoảng năm triệu người dân Nam Sudan bị nạn đói đe dọa rất nghiêm trọng, con số này dự kiến sẽ tăng thành 5,5 triệu người vào tháng 7, tương đương khoảng một nửa dân số Nam Sudan. - VOA

Tin Hoa Kỳ
10.
Chiến lược gia Lục Quân làm cố vấn an ninh quốc gia

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai đã bổ nhiệm một cố vấn an ninh quốc gia mới, chọn Trung Tướng Lục quân H.R.McMaster, một chiến lược gia quân sự đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

Ông Trump gọi ông McMaster 54 tuổi là "một người đàn ông có tài năng kiệt xuất và kinh nghiệm dày dạn."

Tổng thống, đưa ra thông báo từ khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ở bang Florida ven bờ Đại Tây Dương, nói rằng Trung tướng Lục quân về hưu Keith Kellogg, người trước đó đảm nhận chức quyền cố vấn an ninh quốc gia, giờ sẽ phục vụ trong vai trò tham mưu trưởng của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Ông McMaster hiện là giám đốc Trung tâm Tích hợp Năng lực của Lục quân, một cơ quan quân đội có nhiệm vụ tích hợp "khả năng tiến hành chiến tranh vào lực lượng này" và với các cơ quan chính phủ khác. Ông Trump chọn ông McMaster trong số bốn ứng viên, bao gồm ông Kellogg.
Ông McMaster sẽ thay thế ông Michael Flynn, Tướng Lục quân về hưu đã đã bị ông Trump sa thải một tuần trước chỉ sau 24 ngày kể từ khi ông Trump bắt đầu nắm quyền ở Washington. Tổng thống tuần trước nói rằng ông Flynn đã làm điều không thể chấp nhận được là nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về những liên lạc của ông ta với đại sứ Nga tại Washington trong những tuần trước khi ông Trump nhậm chức cách đây một tháng.

Ông Pence hôm thứ Hai nói ông "thất vọng" khi biết rằng ông Flynn đã lừa dối ông về những liên lạc của ông ta với đại sứ Nga, nhấn mạnh rằng ông ủng hộ quyết định của ông Trump sa thải ông Flynn.

Ông McMaster là một chiến binh được trao tặng nhiều huân chương. Ông giành huân chương Sao Bạc vào đầu sự nghiệp Lục quân của mình vì dẫn dắt binh sĩ Mỹ tiêu diệt 80 xe tăng của Vệ binh Cộng hòa Iraq mà không để bị tổn thất trong cuộc chiến chống lại lực lượng của Saddam Hussein trong cuộc xâm lược Kuwait vào năm 1991. Ông McMaster đã giữ nhiều vị trí chính yếu trong suốt 25 năm qua.
Ba năm trước, tạp chí Time đưa ông vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, gọi ông là "kiến trúc sư của Lục quân Mỹ tương lai." - VOA

11.
Chính sách đối ngoại của TT Trump thay đổi mọi quan hệ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong khi vận động tranh cử đã hứa sẽ thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, bao gồm việc mưu tìm những điểm tương đồng với Nga, một hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Iran và Trung Quốc, và mạnh mẽ ủng hộ nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, đã sau một  tháng, chính quyền của ông Trump đang định lại những ưu tiên cần tập trung. Từ Washington, thông tín viên Jesusemen Oni của đài VOA có bài tường trình.

Trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng thống Donald Trump quả quyết rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ làm theo một nguyên tắc duy nhất.

"Từ hôm nay trở đi, nước Mỹ sẽ được đặt lên trên hết, chỉ có nước Mỹ là trên hết. Tất cả mọi quyết định về thương mại, thuế khóa, di dân, và đối ngoại."
Trong tháng đầu tiên làm tổng thống, ông Trump bắt đầu thay đổi những truyền thống đó tồn tại mấy chục năm qua và các quan hệ quốc tế. 

Tổng thống Trump đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tòa Bạch Ốc, phát đi tín hiệu của một chương mới trong quan hệ hợp tác Mỹ-Israel mà trước đó đã rơi vào tình trạng căng thẳng dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Khi còn là một ứng cử viên, ông Trump hứa sẽ dời Ðại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem, và tỏ ra ủng hộ chình sách định cư ở Khu Bờ Tây của Israel. Tuy nhiên khi lên nhận chức tổng thống, ông Trump tỏ dấu rằng ông “đang xem xét” việc dời đại sứ quán, và yêu cầu Israel “ngưng” mở rộng khu định cư.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Trump cũng thận trọng né tránh quan điểm lâu nay của Hoa Kỳ là ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và người Palestine.
"Tôi đang tìm hiểu giải pháp hai nhà nước và một nhà nước, và tôi ủng hộ giải pháp nào mà các bên đều mong muốn."

Ông Trump hứa sẽ không để cho Iran có vũ khí hạt nhân. Ông chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà 6 cường quốc ký với Tehran năm 2015 là một “thỏa thuận thực sự tồi.”

Hồi tháng 2, ông Trump đã ra thêm các lệnh chế tài đối với Iran để đáp lại việc nước này thử nghiệm phi đạn đạn đạo.
"Và tôi sẽ có thêm các biện pháp không để cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân."

Tổng thống Trump nhiều lần lập lại gợi ý rằng hâm nóng lại quan hệ với Nga sẽ là một ý tưởng hay, bất chấp những quan hệ của Moscow với Iran và những cáo buộc về việc Nga phá rối cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ năm 2016.
Điều đó khiến một số nhà lập pháp Mỹ và các đồng minh Âu châu khó chịu.

Hồi cuối tuần qua tại Brussels, Phó Tổng thống Mike Pence đã tìm cách trấn an các đối tác Âu châu.
"Trong lúc Hoa Kỳ sẽ tiếp tục buộc Nga chịu trách nhiệm, theo chỉ thị của Tổng thống Trump, chúng tôi cũng sẽ mưu tìm những điểm tương đồng với Nga mà Tổng thống Trump tin là sẽ tìm được."

Ông Trump thường chỉ trích Trung Quốc khi ông vận động tranh cử. Ông tố cáo Trung Quốc cố giữ giá trị thấp của đông nguyên để cạnh tranh bất công.

"Trung Quốc không làm ăn không theo luật lệ, và tôi biết đã đến lúc họ bắt đầu phải tuân thủ."
Tổng thống Trump hứa sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và thay đổi chính sách thương mại. Cho đến giờ, chính quyền của ông Trump vẫn giữ im lặng về những vấn đề đó, thay vào đó họ chuyển sự tập trung vào vấn đề địa chính trị.

Tổng thống Trump đồng ý tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc,” liên quan đến vấn đề Ðài Loan, nhưng Mỹ tiếp tục nêu nghi vấn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Một hạm đội có tàu sân bay của Mỹ mới đây đã bắt đầu “cuộc thao dượt thường lệ” trên Biển Đông.
Việc làm này bất chấp cảnh báo của Trung Quốc là không can thiệp vào chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói:
"Theo tôi thì có một xung lực trong chính quyền của Tổng thống Trump khiến họ phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, và đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, nhưng không rõ là từ những tuyên bố mà chúng ta đã nghe cho đến bây giờ, liệu có một chính rõ ràng hay không."Chỉ mới mấy tuần lễ kể từ khi Mỹ có chính quyền mới, các nước đang theo dõi sát những thay đổi lớn trong quan hệ với Mỹ, trong lúc Tổng thống Trump tiếp tục định hình cho chính sách “nước Mỹ trên hết” sẽ như thế nào. - VOA
|
12.
Nhiều cuộc tập hợp chống TT Trump trong Ngày Tổng Thống

Hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập khắp toàn quốc để phản đối chính quyền Trump vào Ngày của Tổng thống hôm thứ Hai.
Những cuộc tập hợp mang tên Không Phải Tổng thống Của Tôi bao gồm những người biểu tình tụ hội từ khắp cả nước để bày tỏ sự ủng hộ đối với người da màu, người nhập cư, người Hồi giáo, người lao động, người LGBTQ, và người nghèo.
Những sự kiện này diễn ra từ Boston tới Seattle, nơi người biểu tình cho biết họ hy vọng biến nó thành một ngày chống Trump. Một danh sách các thành phố trên trang Facebook có tên Ngày Không Phải Tổng thống Của Tôi cho thấy ít nhất 30 thành phố, nơi mà các cuộc biểu tình lấy cảm hứng từ phong trào toàn quốc mang tên Những Gã Xấu và Những Người Đàn bà Đanh đá được hoạch định.

Tại Chicago, hàng trăm người tụ tập hôm Chủ nhật gần tòa nhà Trump Tower, giơ những biểu ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Ả-rập và tiếng Tây Ban Nha kêu gọi kháng cự chính sách nhập cư của Tổng thống Trump.
Một người phụ nữ tuần hành tại Los Angeles cho biết cô tuần hành vì cha mẹ của cô, những người đã làm việc cật lực "để chu cấp cho chúng tôi."

Một người biểu tình khác tại Dallas, bang Texas, cho biết người ta đang tức giận.

"Có rất nhiều thứ đang diễn ra và chỉ mới một tháng thôi, và rất nhiều người đã thấy sợ rồi bởi vì rất nhiều người đang thực sự bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra," cô này nói.

"Tôi có mặt ở đây để phản đối mọi thứ mà 45 [Tổng thống thứ 45 của Mỹ] đại diện ... Từ quan điểm của ông ta về phụ nữ cho tới quan điểm của ông ta về nhập cư, kì thị chủng tộc, kì thị giới tính và tất cả những điều tồi tệ mà ông đại diện đang làm bẽ mặt đất nước của chúng ta," một người biểu tình nói.

Trong một tháng giữ chức tổng thống, ông Trump đã ký 24 sắc lệnh hành pháp và bản ghi nhớ bao gồm các lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương, đình chỉ việc tuyển dụng công chức liên bang, và tạm thời cấm công dân từ bảy quốc gia với đa số dân là người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ. Lệnh này đã bị các thẩm phán liên bang chặn lại.
Hầu hết học sinh, nhân viên trường học, và nhân viên chính phủ được nghỉ ngày thứ Hai vì là ngày lễ liên bang. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

13.
Hàng xóm: Hương 'không giết nổi một con gà' --- Thân phụ Đoàn Thị Hương ‘không biết con gái làm gì’

Chính quyền cũng như người nhà nghi can Đoàn Thị Hương ở Nam Định xác nhận thân nhân của cô, nhưng cho rằng “cô bị lừa” trong khi hàng xóm nói cô còn không thể “giết một con gà”.
Sau nhiều ngày im lặng về nữ nghi can mang hộ chiếu Việt Nam, báo chí trong nước hôm 20/2 đồng loạt đăng tải các thông tin liên quan tới nữ nghi can người Việt bị Malaysia bắt giữ trong vụ giết hại anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lần đầu tiên đề cập tới cái tên Đoàn Thị Hương trong thông cáo tiếp theo liên quan tới vụ việc hiện tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ giữa Malaysia và Bắc Hàn.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết vẫn chưa thể tiếp cận cô Hương, vì “phía Malaysia cho biết do đây là vụ án nghiêm trọng nên trong vòng 7 ngày chưa cho tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm bị bắt giữ” nên “quá trình xác minh chưa có tiến triển”. Tin cho hay, phía Indonesia cũng nhận được thông tin tương tự như vậy khi tìm cách tiếp cận nữ nghi can là công dân của nước này.

Trước đó, cảnh sát quốc gia Malaysia công bố bức ảnh chụp cô Hương sau khi bị bắt cũng như số hộ chiếu cùng ngày nhập cảnh và xuất cảnh khỏi quốc gia Đông Nam Á này. Nghề nghiệp của cô được nêu là “nhân viên giải trí”. Cô Hương bị tạm giam trong bảy ngày, từ 16 tới 22/2, theo cảnh sát Malaysia.
Trong khi nhiều cơ quan báo chí quốc tế dẫn các nguồn tin khác nhau nói rằng ông Kim Jong Nam có thể bị đầu độc trong cuộc tấn công chớp nhoáng của điệp viên Bắc Hàn ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi ông chuẩn bị bắt chuyến bay tới Macau nơi ông sinh sống, theo tin mới nhất, chính quyền Malaysia được Reuters dẫn lời hôm 21/2 cho biết rằng vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông Kim Jong Nam, cũng như “chưa chính thức xác nhận thi thể”, được cho là người anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn vì người thân của ông này chưa xuất hiện.

Anh Bùi Văn Hoàn, một người hàng xóm của cô Hương, cho VOA Việt Ngữ biết rằng vụ việc đang thu hút dư luận địa phương, cũng như dẫn tới nhiều đồn đoán về động cơ thật sự của nữ nghi can đồng hương Nam Định.

Anh Hoàn nói thêm: "Có mà cả xã, cả làng, cả huyện quan tâm. Ở đây họ đang nghi là vì một mục đích nào đấy. Một tổ chức lớn đứng lên thuê để ám sát ông ấy. Có thể một tổ chức khủng bố nào hoặc là một đội hình nào đó thuê cô ấy để tiêu diệt [ông Kim Jong Nam]. Mọi người muốn biết nguyên nhân, mục đích, động cơ ám sát. Có nhiều uẩn khúc. Rất nhiều là khác”.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản hôm 20/2 dẫn lời ông Đoàn Văn Thạnh, 64 tuổi, cha của cô Hương nói tại nhà ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, rằng con mình là “người yếu đuối” và rằng ông không tin là con mình có thể “giết bất kỳ ai”.
Ông cũng được trích lời nói rằng “có thể cô đã bị ai đó lừa”. Hãng tin của Nhật còn dẫn lời một người hàng xóm nói rằng cô Hương là “người tốt, tuýp người không thể giết chết một con gà”.
Người hàng xóm tên Hoàn nói rằng vụ ám sát “giống như cốt truyện của một bộ phim”.

Anh nói thêm: “Cô này cô ấy đi đâu ấy, ít khi về lắm. Cô này cô ấy sống ẩn dật lắm. Ngay cả bố mẹ, bạn bè, người thân, cô cũng ít chia sẻ. Cô ấy sống rất nội tâm”.
Tờ báo của Nhật Bản Yomiuri Shimbun hôm 20/2 dẫn lời tờ China Press bằng tiếng Hoa của Malaysia đưa tin rằng “một người đàn ông châu Á dường như là điệp viên của Bắc Hàn” tiếp xúc với hai nữ nghi can Indonesia và Việt Nam khoảng “ba tháng trước vụ ám sát”.

Tờ báo đưa tin rằng người đàn ông này lần đầu gặp cô Hương ở Malaysia ba tháng trước, và để “gây dựng lòng tin với cô, người đàn ông đã đi thăm Việt Nam cùng cô rồi đi mua sắm ở Hàn Quốc”. Người này sau đó giới thiệu công dân Indonesia và Việt Nam với nhau rồi nói là họ sẽ tham gia vào một trò chơi khăm trên truyền hình. VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập thông tin này.

"Mong cô ấy vô tội"
Các hãng tin trên thế giới hôm 21/2 cho đăng tải các đoạn video do máy quay an ninh ghi lại cho thấy người phụ nữ mặc áo trắng, được tin là công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, đã tiếp cận ông Kim Jong Nam từ phía sau, ném một thứ gì đó qua đầu ông này, rồi nhanh chóng tẩu thoát. Nữ nghi phạm thứ hai cũng được nhìn thấy nhanh chóng rời khỏi hiện trường theo một hướng khác. Hiện vẫn chưa rõ vai trò của người này trong vụ ám sát, theo Reuters.

Về các thông tin dồn dập liên quan tới người cùng xã, chị Quỳnh, một người hàng xóm của cô Đoàn Thị Hương, nói với VOA Việt Ngữ rằng “dân thường ở xã này chỉ nghe loáng thoáng qua đài báo, chứ còn chưa có tin tức chính thức gì”.
Chị nói thêm: “Xã hội hay chính quyền cũng chưa công bố chính thức như thế nào. Cái này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Còn liên quan tới chính trị rồi các thứ, chứ không phải đơn giản. Mới nghi ngờ thôi, chứ chưa có cái gì là kết án hay như thế nào cả. Không nói được trước cái gì cả. Chỉ nghĩ là đáng tiếc nếu chuyện này nó là sự thật. Cô ấy còn quá trẻ như thế”.
Chị Quỳnh nói thêm rằng “bọn em cùng quê, cùng là người Việt Nam thì chỉ mong là cô ấy vô tội hoặc là bị người ta lợi dụng thôi”. - VOA

***
Thân phụ cô Đoàn Thị Hương, nghi can mang giấy tờ Việt Nam trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông “không biết con gái làm gì.”
Ông Đoàn Văn Thạnh, thân phụ cô Hương, nói “nghĩ lại thì chưa biết gì. Chính quyền thì họ biết rồi…”

Và ông bày tỏ là phải chờ “nhà nước xem xét và nghiên cứu.” “Cũng khó. Mong muốn gặp, nhưng mà nhà nước chưa giải quyết xong, thì không được, ví dụ vậy. Giờ chưa biết ai mà nhờ được… Như vậy thực tế thì cũng chưa biết được. Thực tế thì cũng để mà… nhà nước thì xem xét và nghiên cứu…, chứ mình cũng không hiểu. Chịu.”
Ông Thạnh nói với VOA Việt Ngữ rằng con gái ông có về nhà hôm 28 Tết Đinh Dậu, rồi đến mùng 2 tết thì “rời nhà mà không cho biết đi đâu.”

“Ở xa, thì biết làm sao được cái đấy. Không thể biết được. Mà nó đi nó có bảo đâu mà mình biết. Cháu về hôm 28 tết. Đến mùng 2 thì đi. Đi thì coi như mình cũng không biết, nó làm như thế nào cũng không biết được. Vì thực tế thì vậy. Nó đi nó không bảo sao…”
Ông Thạnh nói con gái ông “hiền lành và chịu khó, không chơi bời gì.”

Thông tin về nghi can Đoàn Thị Hương hoàn toàn trùng khớp với thông tin cá nhân của cô gái 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ngay cả ngày sinh 31/5/1988 cũng trùng khớp.
Truyền thông trong nước dẫn hồ sơ tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nam Định, cho biết cô Hương làm hộ chiếu phổ thông vào ngày 21/10/2015, đăng ký thường trú tại xã Nghĩa Bình. Bố tên Đoàn Văn Thạnh, mẹ là bà Đoàn Thị Hường.

Trao đổi với VOA Việt ngữ tối ngày 20/2, ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch xã Nghĩa Bình, cho biết bản thân cô Hương và gia đình “không có vấn đề, không làm gì phiền hà cho cộng đồng tại địa phương” và rằng bố cô Hương là thương binh “chống Mỹ” 2/4 hiện đang được hưởng trợ cấp xã hội.

“Cô ấy là con của ông Đoàn Văn Thạnh, xã Nghĩa Bình. Bố của cháu này là thương binh, rất đàng hoàng. Xã giao cho anh ấy coi giữ xe ở chợ. Còn mẹ cô Hương chết rồi, giờ có mẹ kế phụ bố trông coi xe ở chợ Nghĩa Bình, trông coi xe đạp xe máy cho người ta đi chợ thôi,” ông Cương nói.
Chủ tịch xã cho hay trước đây, gia đình cô Hương thuộc diện “hộ nghèo”, nhưng vài năm gần đây, kể từ khi mẹ ruột cô mất vào năm 2014, gánh nặng có đỡ hơn.

Ông Cương nói các cơ quan chức năng của Việt Nam đã về xã tìm hiểu để tiến hành điều tra và xã tích cực hợp tác, cung cấp và xác minh các thông tin về lý lịch, nhân thân, và hoàn cảnh gia đình cô Đoàn Thị Hương.
Chủ tịch xã cho hay là con út trong gia đình, Hương có một anh trai và ba chị gái. Hương chưa chồng con, nhưng tất cả anh chị của cô đều đã lập gia đình ra riêng, cùng sinh sống trong xã Nghĩa Bình, gia cảnh khó khăn, mưu sinh bằng nghề nông, làm ruộng. ‘Tất cả anh em lý lịch tốt, bình thường, không có vấn đề gì,’ ông Cương nói. - VOA

14.
Lần đầu tiên Công An 'nghĩ về cuộc đổi mới'

Giữa lúc Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương bàn về việc “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế tư nhân” định hướng đến năm 2025, thì ngày 19/2, báo Công An Nhân dân (CAND) có bài viết của Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với tựa đề “nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai” được coi là một bước thay đổi về “quan điểm cải cách và dân chủ”, lần đầu tiên xuất hiện trên cơ quan ngôn luận của ngành công an.

Theo nhà báo độc lập và blogger nổi tiếng Nguyễn An Dân, báo Công An Nhân dân trước nay luôn có nhiều bài viết phê bình, chỉ trích các quan điểm cải cách và dân chủ từ trong Đảng ra đến nhân dân, “thế mà hôm nay cũng đã đăng 1 bài viết thúc đẩy ‘đổi mới 2’.” Nhà báo Nguyễn An Dân nói với VOA rằng bài báo của ông Lê Kiên Thành cho thấy “lực lượng công an đang kêu gọi đổi mới.”
“Bài báo này đưa ra trong tình hình hiện nay thì, thứ nhất, nó chỉ rõ lực lượng nào là lực lượng kêu gọi đổi mới, trong đó là có lực lượng công an. Vì tờ báo Công an Nhân dân là cơ quan ngôn luận của ngành công an. Thứ hai, đối với xã hội, thì nó cho thấy xu hướng đề kháng lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam, đó là xu hướng cần phải được thúc đẩy ở trong Đảng.”

Cũng theo ông Dân, đứng đầu ngành công an hiện nay là tướng Tô Lâm, đứng đầu lực lượng vũ trang hiện nay là chủ tịch nước Trần Đại Quang, là 2 người có xu hướng "thân Mỹ" bên cạnh một số ủy viên Bộ Chính trị khác, thế nên việc ngành công an “bắt đầu chuyển hóa là điều tôi không ngạc nhiên.” Ông Dân lý giải vì sao có xu hướng này:

“Vì rõ ràng rằng ông Lê Kiên Thành là con của ông Lê Duẩn. Bản thân ông Lê Duẩn chỉ vì chống lại một số sách lược bành trướng của Trung Quốc nên sau khi ông Lê Duẩn mất thì những người con của ông ta không được lên cao trong hàng ngũ của Đảng. Thành ra khi ông Lê Kiên Thành được cất lên lại tiếng nói thì chúng ta phải hiểu rằng đây là tiếng nói đại diện cho một xu hướng trong Đảng, chứ không phải cho cá nhân ông Lê Kiên Thành.”

Trên trang Facebook, nhà báo độc lập Nguyễn An Dân viết: “Việc báo CAND đăng bài này của ông cũng không có gì lạ, vì một người em của ông là thiếu tướng Lê Kiên Trung cũng đang là Tổng cục phó Tổng cục an ninh II”, còn gọi là tổng cục an ninh bảo vệ Đảng.

Trong bài “Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần hai”, ông Lê Kiên Thành cho rằng cuộc đổi mới lần 1 năm 1986 không phải là đổi mới, “những việc chúng ta làm không phải là đổi mới…mà chỉ là tự cho phép mình làm những điều mà vì lý do gì đó mình đã không dám làm, vì lý do gì đó, mình đã tự cấm đoán mình.”
Ông Thành cũng nhìn nhận rằng “chủ nghĩa tư hữu hàng ngày hàng giờ đẻ ra Chủ nghĩa Tư bản” (CNTB) và “hiểu theo cách đó, thì thừa nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép CNTB hàng ngày hàng giờ nảy sinh trong lòng đất nước XHCN này.”

Nhận định về vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Thành viết: “qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất cuả nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất…DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền kinh tế thị trường của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.”
Về con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, ông Thành thừa nhận một sự thật mà ít đảng viên nào dám nói công khai trước đây: “trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại.”

Ông Thành đánh giá rằng chính nhóm lợi ích là rào cản của cuộc đổi mới lần 2: “Nhưng đến hôm nay, chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi.”

“Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ.”
Theo cách lý giải của nhà báo Nguyễn An Dân, con số 1/3 mà ông Thành đề cập là một bộ phận bảo thủ trong đảng, chiếm tỷ lệ chừng 1/3 tổng số đảng viên. Ông An Dân nói nhóm bảo thủ chiếm giữ lợi ích chính trị và kinh tế, đã và đang chống lại nhóm đổi mới 2, một nhóm có lực lượng kém hơn nhóm bảo thủ về cả thế và quyền.

Rõ ràng bài viết của ông Thành mang một thông điệp đổi mới: “đây là thời điểm mà chúng ta phải nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 - và cuộc đổi mới này - giống như 30 năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh!..Tôi mơ ước rằng, tôi sẽ được chứng kiến cuộc đổi mới lần thứ hai của đất nước trước khi quá muộn, với cả cá nhân tôi và với cả dân tộc này.”
Ngoài ra ông Thành còn đề cập vấn đề “không dân chủ” trong bầu cử và chậm thông qua luật biểu tình. Nhà báo An Dân đánh giá vấn đề này như sau:

“Nhưng mà lần này một tờ báo của ngành công an mà đưa nội dung này vô thì chúng ta có thể hiểu rằng là rất nhiều khả năng là 3 năm sau, chính ngang công an họ sẽ thúc đẩy luật biểu tình. Luật biểu tình này ra đời sẽ có lợi cho phe chuyển hóa ở trong Đảng, cũng như nó có lợi cho xu hướng dân chủ trong xã hội.”
Nhà báo An Dân cho VOA biết khả thành thành công của cuộc chuyển hóa trong Đảng lần này theo quan điểm của ông như sau:

“Bản thân ông Lê Kiên Thành là một đảng viên, em trai của ông là thiếu tướng Lê Kiên Trung, đang là phó tổng cục trưởng cục 2. Tôi không nghĩ tờ CADN dám đăng bài này nếu không có sự bật đèn xanh từ phía ông Trần Đại Quang hoặc ông Tô Lâm. Chúng ta thấy rõ là bây giờ xu hướng diễn biến và chuyển hóa là xu hướng diễn ra theo quy luật. Đảng vẫn lo lắng vấn đề đó, nhưng Đảng phải chấp nhận. Như ông Thành nói: hiện giờ có 1/3 chống đổi mới, nó ít, nhưng nó ở thượng tầng. Ông Thành nói dù có trả giá, dù có hy sinh thì cũng phải đưa cuộc đổi mới này thành công.” 

Nhà báo An Dân nhận định trên Facebook rằng khi bài báo “Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần 2” xuất hiện trên báo CAND chính là lúc “trận chiến trong Đảng đã bắt đầu.” - VOA
|
15.
VN thứ 10 thế giới về nhập khẩu vũ khí

Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) vừa công bố báo cáo thường niên về tình hình mua bán vũ khí trên thế giới.

SIPRI cho biết Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 10 thế giới, và đứng số một Đông Nam Á trong 5 năm qua (2012-2016).
Chi tiết này diễn ra trong bối cảnh nhập khẩu vũ khí ở châu Á và châu Đại Dương chiếm 43% thị trường toàn cầu cùng giai đoạn.
Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí số một thế giới giai đoạn 2012-16, chiếm 13% toàn cầu.
Theo SIPRI, những năm 2007-211, Việt Nam mới đứng thứ 29 thế giới thì đã tăng lên thứ 10 trong 5 năm qua.

Nga vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất đến Việt Nam. Ước tính của SIPRI cho thấy Nga xuất vũ khí trị giá 722 triệu đôla năm 2015 và hơn 1 tỉ đôla năm 2016 cho Việt Nam.
Tính cả giai đoạn 2012-16, Nga bán vũ khí cho Việt Nam có tổng trị giá hơn 3,7 tỉ đôla.
Belarus đứng thứ hai, bán vũ khí cho Việt Nam trị giá 150 triệu đôla.

Theo số liệu của SIPRI trong 5 năm qua, đứng thứ ba là Ukraine (120 triệu), theo sau là Israel (116 triệu), Czech (48 triệu), Tây Ban Nha (36 triệu), Canada (27 triệu) và Slovakia (5 triệu).
Tính chung toàn cầu, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí số một, với gần một nửa là bán cho Trung Đông.
Nga chiếm 23% thị phần thế giới. 70% hàng của Nga là bán cho bốn nước: Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Algeria.

Nhà bán vũ khí lớn tiếp theo là Trung Quốc (6,2%), Pháp (6%), và Đức (5,6%).

10 nước mua vũ khí nhiều nhất (2012-2016):

Ấn Độ
Ả Rập Saudi
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Trung Quốc
Algeria
Thổ Nhĩ Kỳ
Australia
Iraq
Pakistan
Việt Nam - BBC

16.
Nga sẽ giao 2 tàu khu trục cho Việt Nam năm nay



Nga sẽ bàn giao thêm 2 tàu khu trục “Gerpard-3.9” cho Việt Nam vào giữa năm nay.
Thông tin vừa nêu được Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết tại triễn lãm vũ khí INDEX-2017.

Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, ông Renat Mistahov cho biết thêm đã có kế hoạch để hoàn tất các thử nghiệm cho 2 chiếc tàu khu trục và sẵn sàng cho việc giao hàng vào giữa năm 2017.

Tàu khu trục “Gerpard-3.9” do Nga sản xuất được trang bị tên lửa hiện đại và vũ khí phòng không, chống tàu ngầm…
Theo hợp đồng ký kết với Việt Nam, Nga đã giao 2 tàu khu trục đầu tiên hồi năm 2011 và 2012. - RFI

17.
Hàng trăm doanh nghiệp không tuân theo chỉ thị của Thủ tướng

Gần 200 doanh nghiệp không muốn chuyển giao vốn Nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thông tin vừa nêu tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (gọi tắt là SCIC) diễn ra vào sáng hôm nay, ngày 21 tháng 2.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 234 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao vốn Nhà nước cho SCIC, nhưng từ năm 2013 cho đến nay chỉ có 61 doanh nghiệp thực hiện chuyển vốn.

Báo cáo của SCIC nói rằng nhiều tập đoàn, tổng công ty công khai chống lại lệnh của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành bán vốn trước khi hoàn vốn về cho SCIC.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy số vốn Nhà nước tại 173 doanh nghiệp vào khỏang 82.600 tỷ đồng vẫn “nằm trên giấy” và nhiều bộ, ngành cùng địa phương được cho là cố tình trì hoãn để giữ vốn đặc biệt. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét