Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

SỢ CHẾT ? - Krishnamurti - Thích Trí Hải (dịch)

Hỏi : Tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi nào đó. Hồi nhỏ tôi rất rụt rè, nhạy cảm, bây giờ thì tôi sợ tuổi già và cái chết. Tôi biết tất cả chúng ta đều phải chết, nhưng dù lý luận bao nhiêu tôi cũng không lắng dịu được nỗi sợ hãi này. <!>
Tôi đã gia nhập Hội Nghiên Cứu Tâm Lý, dự một vài buổi diễn thuyết, và đọc sách những bậc thầy vĩ đại đã nói về cái chết nhưng nỗi sợ chết vẫn còn đấy. Tôi cũng đã thử phân tích tâm lý, song vô hiệu. Nỗi sợ hãi này đã trở thành một vấn đề đối với tôi; nửa đêm tôi thuờng thức giấc với những cơn mơ kinh hoàng, tất cả những giấc mơ ấy đều liên hệ tới cái chết theo một cách nào đó. Tôi vô cùng sợ hãi bạo động và chết chóc. Chiến tranh là một cơn ác mộng liên tục đối với tôi, và bây giờ thực tình tôi rất rối loạn. Nó chưa hẳn là một tình trạng thần kinh, song tôi thấy rõ nó có thể trở thành chứng ấy. Tôi đã làm mọi cách tôi có thể làm để điều phục nỗi sợ đó; tôi đã cố chạy trốn khỏi nó, nhưng ở cuối chặn đường thoát ly tôi vẫn không thể rũ bỏ nỗi sợ hãi. Tôi đã đi nghe một vài buổi giảng khá ngớ ngẩn về sự luân hồi, và tôi đã nghiên cứu một vài sách Ấn giáo và Phật giáo liên hệ đến tái sinh luân hồi, song tất cả đều không đem lại thỏa mãn, ít nhất là đối với tôi.
 
Krishnamurti : Bạn có thái độ thế nào đối với tương lai, ngày mai, cái chết ? Bạn đang cố tìm sự thật về vấn đề, hay bạn đang tìm an ủi, tìm sự xác định có tính cách thoa dịu như “chết là còn” hoặc “chết là hết”? Bạn muốn biết sự thật hay muốn giải đáp trấn an?
 
Hỏi : Khi ngài đặt vấn đề kiểu đó, thì tôi thực tình không biết tôi sợ cái gì; nhưng nỗi sợ hãi vẫn ở đó và rất khẩn trương.
 
: Vấn đề của bạn là thế nào ? Bạn muốn thoát khỏi sợ hãi, hay bạn đang muốn tìm hiểu sự thật về cái chết ?
 
Hỏi : Ngài muốn nói sự thật về cái chết nghĩa là gì?
 
: Chết là một sự kiện không thể tránh, dù bạn có làm cách nào, cái chết vẫn là chết, không thể rút lui, nó có tính cách quyết định và rất thực. Nhưng bạn có muốn biết sự thật về cái gì bên kia cõi chết không?
 
Hỏi : Từ mọi thứ tôi đã đọc và một ít hình ảnh tôi đã xem, rõ ràng là có một sự tiếp tục nào đó sau khi chết. Tư tưởng tiếp tục dưới một hình thái nào đó, mà chính ngài cũng đã xác nhận. Cũng như sự phát thanh, những danh từ và hình ảnh cần một máy thu nhận chúng trước khi phát ra, cũng thế, cái tư tưởng tiếp tục sau khi chết cần có một khí cụ qua đó nó có thể tự diễn đạt nó. Khí cụ ấy có thể là một người đồng cốt, hoặc tư tưởng có thể nhập thế bằng một cách khác. Điều này khá rõ, có thể thí nghiệm và hiểu được, nhưng mặc dù tôi đã đi khá sâu vào vấn đề này, tôi vẫn còn có một mối lo sợ khôn dò mà tôi nghĩ là chắc chắn liên có quan tới cái chết.
 
: Cái chết là điều không thể tránh. Sự tương tục có thể chấm dứt, hay nó có thể được nuôi dưỡng, duy trì. Cái gì tương tục thì không bao giờ tự làm mới nó, nó không bao giờ có thể là cái mới, nó không bao giờ hiểu được cái không biết. Tương tục là sự kéo dài thời gian, và cái gì kéo dài bất tận thì không phải là cái phi thời gian. Qua thời gian, qua thời khoản kéo dài, thì không có cái phi thời gian. Phải có sự chấm dứt thì cái mới mới hiển lộ, cái mới không ở trong sự tương tục của ý tưởng. Ý tưởng là chuyển động tương tục trong thời gian; chuyển động này không thể đóng khung trong chính nó một trạng thái không thuộc về thời gian. Tư tưởng được xây dựng trên quá khứ, chính sự hiện hữu của tư tưởng thuộc về thời gian. Thời gian không chỉ là niên lịch, mà là tư tưởng như một chuyển động di chuyển từ quá khứ đi qua hiện tại và đến tương lai; đó là chuyển động của ký ức, của từ ngữ, là hình ảnh, biểu tượng, ký âm và sự lặp lại. Tư tưởng, ký ức được tiếp nối liên tục qua từ ngữ và sự lặp lại. Sự chấm dứt tư tưởng là bắt đầu của cái mới; sự chết đi của tư tưởng là đời sống bất diệt. Phải có sự chấm dứt miên viễn để cho cái mới hiển bày. Cái gì mới thì không có tiếp tục; cái mới không bao giờ nằm trong phạm vi thời gian. Cái mới chỉ có trong sự chết đi từng sát na. Phải có sự chết đi hàng ngày để cho cái không biết xuất hiện. Sự chấm dứt ấy là bắt đầu (của cái mới), mà sợ hãi làm  cản ngăn sự chấm dứt.
 
Hỏi : Tôi biết tôi có nỗi sợ hãi, mà không biết cái gì ở bên kia sự sợ hãi?
 
: Chúng ta định nghĩa sợ hãi là gì? Sợ hãi không phải là một điều trừu tượng, nó không hiện hữu biệt lập. Nó chỉ xảy đến trong tương quan với một cái gì khác. Trong quá trình tương quan, nỗi sợ hãi tự xuất hiện; không có sự sợ hãi nào tách biệt với sự tương quan. Vậy cái mà bạn sợ, là cái gì? Bạn nói bạn sợ cái chết. Chúng ta hiểu chết nghĩa là gì? Mặc dù chúng ta có những lý thuyết, tư tưởng, và một vài dữ kiện có thể quan sát, chết vẫn là cái mà chúng ta không biết. Dù ta có biết gì về nó đi nữa, tự bản thân cái chết cũng không thể được đưa ra ánh sáng của cái biết. Chúng ta duỗi ra một tay để bắt nó, nhưng nó không có đấy. Liên tưởng là cái đã biết, còn cái không biết thì ta không thể làm cho nó trở thành quen thuộc được; thói quen không thể bắt được nó, do đó mà có nỗi sợ hãi.
 
Cái đã được biết - tâm thức - có bao giờ hiểu được hay chứa đựng được cái không  biết? Bàn tay đưa ra chỉ có thể nhận được cái có thể biết, nó không thể nắm cái không thể biết. Mong muốn có kinh nghiệm là đem lại sự tương tục cho tư tưởng; mong muốn kinh nghiệm là tăng cường cái đã biết. Bạn muốn kinh nghiệm cái chết phải không? Mặc dù đang sống, bạn muốn biết chết là gì. Nhưng bạn có biết sống là gì không? Bạn chỉ biết sống là mâu thuẫn xung đột, rối loạn, chống đối, niềm vui thoáng qua, và nỗi đau khổ. Nhưng đó có phải là cuộc sống không? Một cuộc sống đấu tranh và đau buồn? Trong tình trạng đó, mà ta gọi là đời sống, chúng ta muốn kinh nghiệm một cái gì không nằm trong phạm vi ý thức của chúng ta. Nỗi đau khổ này, sự đấu tranh này, mối thù hận được ôm trọn trong niềm vui, đó là tất cả cái mà ta gọi là “sống”, và chúng ta muốn kinh nghiệm một cái gì đối lập với cái mà ta gọi là sống. Cái đối lập là sự tiếp tục của cái đang là, có thể có một ít thay đổi. Nhưng chết không phải  cái đối lập. Nó là cái không biết và cái biết khát khao kinh nghiệm cái không biết; nhưng  dù làm gì đi nữa, nó cũng không thể kinh nghiệm cái chết, do đó nó sợ. Phải không?
 
Hỏi : Ngài đã nói rõ. Nếu tôi có thể biết hay kinh nghiệm chết là gì trong khi đang sống, thì chắc chắn nỗi sợ hãi sẽ chấm dứt.
 
: Vì bạn không thể kinh nghiệm cái chết nên bạn sợ hãi nó. Có thể nào ý thức kinh nghiệm được một trạng thái không phát sinh qua ý thức? Những gì chúng ta kinh nghiệm chỉ là hình ảnh của ý thức, của cái đã biết; kinh nghiệm luôn luôn ở trong phạm vi của cái biết, cái biết không thể kinh nghiệm những gì vượt ngoài phạm vi của nó.Trạng thái cảm nghiệm hoàn toàn khác với kinh nghiệm. Trạng thái ấy không ở trong phạm vi của con người kinh nghiệm; song khi trạng thái cảm nghiệm tan mất, khi ấy xuất hiện con người kinh nghiệm và cái kinh nghiệm, và sự cảm nghiệm đã được đưa vào phạm vi của cái đã biết. Người biết, người kinh nghiệm, khao khát cái trạng thái cảm nghiệm, cái không biết; và bởi vì người kinh nghiệm, người biết ấy không thể đi vào trạng thái cảm nghiệm, nó đâm ra sợ hãi. Con người ấy là sự sợ hãi, hai cái không tách rời nhau.. Con người kinh nghiệm sự sợ hãi không phải là người quan sát sự sợ hãi, vì nó chính là sự sợ hãi, nó là dụng cụ của sợ hãi.
 
Hỏi : Ngài nói sợ hãi nghĩa là gì? Tôi biết tôi sợ cái chết. tôi không cảm thấy tôi là cái sợ mà tôi sợ về một cái gì. Tôi sợ, và tôi tách biệt với nỗi sợ. Sợ là một cảm giác khác với cái “tôi” đang nhìn nó, phân tích nó. Tôi là người quan sát, và nỗi sợ là cái bị quan sát. Làm sao người quan sát và cái bị quan sát lại là một được?
 
: Bạn nói bạn là con người quan sát, và sợ hãi là cái bị quan sát, nhưng có phải vậy 
không? Bạn có phải là một thực thể tách biệt với những tính chất của bạn không? Há không phải bạn và những tính chất của bạn chỉ là một ? Há không phải bạn chính là những tư tưởng, cảm xúc, v.v… của bạn? Bạn không tách rời với những tính chất, tư tưởng của bạn. Bạn là những tư tưởng của bạn. Tư tưởng tạo nên cái tôi của bạn, cái thực thể được coi như biệt lập, nếu không có tư tưởng thì không có con người tư tưởng. Vì thấy cái vô thường của chính nó, tư tưởng tạo ra người tư tưởng như một cái gì thường tồn, và khi ấy người tư tưởng trở thành người kinh nghiệm, người phân tích, người quan sát tách biệt với cái vô thường. Tất cả chúng ta đều khát khao một thứ trường cửu nào đó, và vì thấy xung quanh đều vô thường, tư tưởng bèn tạo ra người tư tưởng được xem là thường tồn. Và người tư tưởng ấy khởi sự dựng lên những trạng thái khác, những trạng thái cao cấp về trường cửu : đó là linh hồn, đại ngã  (Atman), siêu ngã v.v… Tư tưởng là nền móng của toàn bộ cấu trúc này. Nhưng đó là một vấn đề khác. Chúng ta đang bàn về nỗi sợ hãi. Sợ là gì? Chúng ta hãy xét xem nó là gì.
 
Bạn nói bạn sợ chết. Vì bạn không thể kinh nghiệm nó nên bạn sợ nó. Chết là cái không biết và bạn sợ cái bạn không biết. Có phải không? Bây giờ xin hỏi, bạn có thể sợ một cái mà bạn không biết chăng ? Nếu một điều gì đó bạn không biết, làm sao bạn có thể sợ hãi nó ? Bạn thực tình sợ hãi - không phải cái bạn không  biết - mà là - sợ mất đi cái bạn đã biết vì điều đó có thể  gây đau đớn, hoặc cướp mất lạc thú, niềm thỏa thích của bạn. Chính cái đã biết phát sinh sợ hãi, chứ không phải cái không biết. Làm sao một cái bạn không biết lại có thể gây sợ hãi ? Cái đó không thể đo lường theo tiêu chuẩn lạc hay khổ : nó là cái ta không biết.
 
Sợ hãi không thể hiện hữu một mình, nó đến trong tương quan với một cái gì. Bạn thực sự sợ cái không biết trong tương quan của nó, với cái chết, phải không? Bởi vì bạn bám lấy cái đã biết, cái kinh nghiệm, cho nên bạn sợ không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng cái sẽ là, tương lai, chỉ là một phản ứng, một tư duy, đối lập với cái đang là. Phải không?
 
Hỏi : Vâng, dường như đúng vậy.
 
: Và bạn có biết cái đang là hay không? Bạn có hiểu được nó không? Bạn có bao giờ mở tủ đựng cái biết ra và nhìn vào trong đó không? Há bạn không sợ hãi về những gì bạn tìm thấy trong đó hay sao? Bạn có bao giờ tìm xem cái đã biết, cái bạn có  hay chưa ?
 
Hỏi : Chưa, tôi chưa bao giờ. Tôi luôn luôn xem cái đã biết là chuyện tự nhiên. Tôi đã chấp nhận quá khứ như người ta chấp nhận nắng mưa. Tôi chưa bao giờ xem xét nó, người ta hầu như không ý thức về nó. Bây giờ ngài nhắc tới, tôi chắc là tôi cũng sẽ đâm sợ khi tìm thấy những gì tôi có thể gặp ở đó.
 
: Há chẳng phải phần đông chúng ta đều sợ nhìn vào chính mình? Chúng ta có thể khám phá ra những chuyện khó chịu, cho nên chúng ta thà đừng nhìn, chúng ta thích đừng biết tới cái đang là. Chúng ta không những sợ hãi về những gì có thể xảy đến trong tương lai, mà còn sợ hãi cái gì chúng ta là trong hiện tại. Chúng ta sợ biết con người thật của mình, và chính sự tránh né cái đang là làm cho ta sợ cái sẽ là. Chúng ta sợ giáp mặt cái mà ta cho là mình đã biết, chúng ta cũng sợ cả cái ta không biết, cái chết. Sự tránh né cái đang là là ham muốn được thỏa mãn. Chúng ta tìm kiếm sự an ninh, luôn luôn đòi hỏi đừng có gì lộn xộn xảy tới, và chính vì lòng ham muốn không bị quấy rầy đó làm ta tránh né cái đang là và sợ cái sẽ là. Sợ là sự vô tri về cái đang là, và đời sống chúng ta được trải qua trong một trạng thái sợ hãi miên trường.
 
Hỏi : Nhưng làm sao người ta bỏ được sự sợ hãi này?
 
: Muốn rũ bỏ một cái gì bạn phải hiểu rõ nó. Có sự sợ hãi, hay chỉ là lòng mong mỏi đừng thấy ? Chính lòng mong muốn khỏi phải thấy làm cho ta tiếp tục sợ hãi, và khi bạn không muốn hiểu toàn vẹn ý nghĩa của cái đang là, sợ hãi sẽ tác động như một cách đề phòng. Bạn có thể sống một đời sống thỏa mãn bằng cách cố tránh né mọi tìm tòi về cái đang là, và nhiều người làm vậy, song họ không hạnh phúc, những người thích thú với một khảo sát cạn cợt về cái đang là cũng không được hạnh phúc. Chỉ có những người hăng say trong sự tìm tòi của họ, mới có thể biết đến hạnh phúc, chỉ với những người ấy mới có sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.
 
Hỏi : Vậy làm sao người ta hiểu cái đang là?
 
K : Cái đang là phải được nhìn thấy trong tấm gương của sự tương giao, tương giao với mọi sự. Cái đang là không thể được hiểu bằng cách rút lui, cô lập; nó không thể được hiểu nếu còn có con người giải thích, con người diễn dịch ở đấy để chối bỏ hay chấp nhận. Cái đang là chỉ được hiểu khi tâm thức hoàn toàn thụ động, khi nó không tác động trên cái đang là.
 
Hỏi : Có phải là vô cùng khó khăn để Tỉnh giác một cách thụ động ?

: Rất khó, khi tư duy còn hoạt động.
 
Dịch giả : Thích Nữ Trí Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét