Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Những người ngủ đêm giữa nghìn ngôi mộ ở Sài Gòn

Bình Hưng Hòa là nghĩa trang có diện tích lớn nhất tại TP HCM với hơn 75.000 ngôi mộ. Năm 2011, nghĩa trang bị đóng cửa để di dời giải tỏa, xây dựng trung tâm thương mại phức hợp, tháp lưu tro cốt và công viên cây xanh.
<!>

Dù được quy hoạch tách bạch với khu dân cư, song từ bao năm nay, nghĩa trang Bình Hưng Hòa vẫn ẩn chứa trong không ít phận người. Họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, số ít là dân trốn nợ hay nghiện ngập.
 
Với họ, nghĩa trang là nơi ăn chốn ở. Những người sống lâu năm trồng rau cải, nuôi gà, cho chúng đi tìm thức ăn quanh những nấm mộ.
 
Họ chăn bò và cũng cho chúng ăn trên những ngôi mộ.
 
Chó là vật nuôi mà nhà nào cũng có. Do kẻ gian hay bắt chó nên nuôi chó phải làm chuồng. Chuồng chó nằm trên ngôi mộ cũ. Giải thích việc tại sao nuôi chó, người bảo "nuôi để giữ nhà", người chỉ cười cười bí hiểm bảo "để cho chúng sủa ma".
 
Chiều chiều, họ leo lên mộ ngồi hóng mát, nhìn về phía khu dân cư đông đúc cách đó non cây số. Lý giải cho việc chọn bãi tha ma sinh sống, hầu hết đều than nghèo. "Chẳng ai muốn sống cùng mồ mả âm hồn làm gì. Mấy chục năm thèm mua được cái nhà ở đàng hoàng tử tế. Nhưng hoàn cảnh quá khó", một người trong số họ tâm sự.
 
Một cư dân nghĩa trang tranh thủ đan lưới bắt chim khi trời dần tối. Số tiền anh kiếm được bằng nghề này đủ cho ba bữa cơm mỗi ngày. Tối về lại lăn ra mộ ngủ.
 
Túp lều của bà Thủy, người có hàng chục năm sống tại nghĩa trang. "Nghèo lắm, không có tiền mua nhà, con cái lại nghiện ngập nên tôi dựng cái lều để có chỗ che nắng che mưa", bà Thủy nói.
 
Tại nơi bà Thủy ở, tứ bề là mộ. Mộ trở thành bếp nấu, mộ cũng là bàn ăn. Ngày rằm ngày tết, cả khu vực này bị dọn sạch để thắp nhang, mẹ con bà phải đi tạm chỗ khác ở.
 
Cách lều bà Thủy chừng trăm dãy mộ là nơi trú ngụ của một cặp vợ chồng đến từ miền Tây. Người vợ cho biết "do hoàn cảnh nên vào nghĩa trang ở từ trước tết". Họ chọn nơi đây ngủ nghỉ vì nhà mồ lớn có mái vòm che nắng che mưa. 
 
Còn ngôi mộ này từ hơn nửa năm qua trở thành "nhà" của người thanh niên nghiện rượu. Tài sản duy nhất của anh là chiếc võng mắc trên chiếc lồng sắt của nấm mộ.
 
Người sống ở đây ít khi thắp nến ở chỗ mình nằm, nhưng cứ khi trời tối, mỗi người đều cầm hộp quẹt đi quanh quanh, rồi đốt đèn thắp cho các miếu thờ hoặc các ngôi mộ của những người mà họ chỉ biết mặt trên bia đá. Theo kế hoạch của UBND TP HCM, nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ hoàn tất việc di dời vào tháng 4 năm nay.
 
Thiên Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét