Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Nhật báo Văn Hóa phỏng vấn Nhà văn Nhật Tiến

alt
Nhật báo Văn Hóa
Kính gửi văn /thi hữu Việt Nam hải ngoại
Gần đây, ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà Văn VN có ngỏ lời mời các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về nước tham dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3 Âm lịch sắp tới.".

<!>
Là một nhà văn/nhà thơ hải ngoại cùng có chung một Tổ Hùng Vương, và cũng là một dịp để văn giới hải ngoại lên tiếng về một vấn đề văn hóa do Hội Nhà Văn trong nước nêu ra, xin anh/chị cho biết ý kiến về việc này:

- Có về tham dự hay không?

- Xin giải thích lý do ?

Trong cuộc phỏng vấn này của nhật báo Văn Hóa, nhà văn Nhật Tiến đả trả lời trong số báo ra ngày Thư Tư 15 tháng 2, 2017.

Trân trọng

Nhà văn Nhật Tiến, sinh ngày 24-8-1936 tại Hà Nội; di cư vào Nam năm 1954; viết truyện ngắn, truỵện dài trên các tạp chí: Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Đông Phương, Bách Khoa, Văn, Văn Học… chủ trương nhà xuất bản Huyền Trân (từ năm 1959), chủ biên tuần báo Thiếu Nhi (1971-1975); năm 1979 vượt biển qua Thái Lan rồi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980.
Ông viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch. Ông đã xuất bản trên 20 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là những cuốn Chim Hót Trong Lồng, Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Giấc Ngủ Chập Chờn". Tác phẩm mới nhất in năm 2016 là cuốn biên khảo “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút vn 1957-1975. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam (trước 1975), Nguyên Hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa (nhiệm kỳ II, 1974),- Nguyên Ủy Viên Báo Chí Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại (1982-1985), Nguyên Chủ tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời Văn Bút Việt Nam Hải ngoại Nam California (1988), Chủ biên cơ sở xuất bản Huyền Trân (từ năm 1959 cho đến nay).
Hôm thứ Bẩy 11 tháng 2, 2017, chúng tôi gặp Nhà văn Nhật Tiến cùng một số văn nghệ sĩ hải ngoại đến dự lễ Cầu Siêu cho nhà văn Quân đội Vũ Huy Quang tại chùa Liên Hoa ở Nam California. Trong lúc Hòa thượng Chơn Thành cử hành lễ cùng với gia đình Nhà văn Vũ Huy Quang, thì nhóm anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi tụ tập ngoài sân chùa. Bổn báo Văn Hóa có gợi ý mở một cuộc phỏng vấn về một bài viết của ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập trong nước đăng trên VOA ngày 01 tháng 2, 2017. (1)

alt

Từ trái: Nhà báo Lý Kiến Trúc, Nhà văn Nhật Tiến, Nhà thơ Nguyễn Hải Hà , Nhà văn Phạm Quốc Bảo. 
Ảnh VH
Báo Văn Hóa Online - California trích lại bài viết của ông Phạm Chí Dũng với tựa đề: 

"Chuyện gì vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương: Mời hết thảy nhà văn nhà thơ Việt hải ngoại về nước bàn chuyện?"

Bài viết mở đầu có đoạn chú thích trên bức ảnh ông Hữu Thành đương kim Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam:

" Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đột ngột thông báo sẽ ‘Mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ dịp giỗ tổ Hùng Vương".
Một video đã tường thuật nguyên văn phát biểu của ông Hữu Thỉnh về “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”: 

“Đây là một sự kiện chưa từng có, Tổng Bí thư có hỏi tôi rằng: Có phải đây là lần đầu tiên tổ chức hội nghị này không? Tôi trả lời: Đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) 2017…”.

Khi chúng tôi trao đổi với Nhà văn Nhật Tiến về sự kiện trên, ông đồng ý báo Văn Hóa nên mở rộng cuộc thăm dò đến với các nhà văn nhà thơ, văn nghệ sĩ hải ngoại. Kính mời quý thân hữu văn nghệ sĩ vui lòng đóng góp.
Ý kiến đầu tiên là Nhà văn Nhật Tiến.
VĂN HÓA: 
- Qua việc ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam công khai tuyên bố "mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương’ sắp diễn ra vào ngày 10 tháng Ba âm lịch 2017. Dưới con mắt của một nhà văn hải ngoại, ý kiến của ông có nên tham gia hay từ chối, xin ông cho biết lý do?

Nhà văn Nhật Tiến:
- Tôi nghĩ là ông Hữu Thỉnh có đầu óc hơi hoang tưởng hoặc ông chủ quan chẳng đếm xỉa gì đến những nhận thức của hầu hết văn giới hải ngoại nên mới đưa ra một lời mời như thế. Bởi vì trong khi mà Bá quyền phương Bắc ngang nhiên lấn chiếm biển Đông, những người ở trong nước đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc quyền tự do, dân chủ vẫn tiếp tục bị đàn áp, cầm tù thì Hội Nhà Văn của ông ta im thin thít, không dám ứng xử quyền tự do cầm bút của mình để lên tiếng bênh vực những người công chính. Thế thì Hội Nhà Văn VN đâu còn tư cách gì để mà đứng ra tổ chức một cuộc hop mặt đông đủ văn nghệ sĩ trong ngoài nước như thế. Mặt khác, cái mà ông Hữu Thỉnh gọi là ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ có đúng là như thế không hay cái hội nghị này chỉ là một hình thức choàng vòng hoa cho một chế độ đã bộc lộ hết bản chất xấu xa của nó.
Về phần tôi, một khi đất nước không còn chế độ độc tôn và thực sự có tự do, dân chủ thì chẳng cần ai đứng ra mời, tôi cũng sẽ sẵn lòng trở về tham dự./
(1) Bài viết của Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đăng ở mục DIỄN ĐÀN VĂN HÓA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét