Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

NHÀ NGHÈO LO TẾT - Truyện ngắn Huỳnh Mai Hoa

Năm nào cũng thế, cứ trông lịch đến tháng mười hai Âm Lịch, lúc mà ngày Tết chỉ còn đếm không kịp trên những đầu ngón tay trắng hếu, gia đình tôi lại lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng.<!>
       Ba má tôi có mười đứa con, đều còn ở tuổi ăn học, mà chỉ có ba tôi đi làm. Ba tôi làm nghề lao động tay chân, lấy bát mồ hôi
đổi bát cơm, nên có cơm ăn áo mặc qua ngày và có tiền cho con đi học cũng là may mắn lắm rồi. Vì thế mà dù cho đầu năm, giữa năm hay cuối năm, cái gọi là tiền dư không lúc nào thấy có.
       Nhưng mùa Xuân thì lúc nào cũng đi du lịch một vòng rồi trở lại trong cảnh ly loạn của quê hương, trong cảnh nghèo khổ của xã hội, đem đến cho nhiều người, nhiều gia đình niềm vui thì ít mà nỗi lo âu thì nhiều. Gia đình tôi cũng nằm trong số đó.
       Ngày Tết dù muốn, dù không, dù giàu hay nghèo, gia đình nào cũng phải mua sắm, cúng quảy ít nhiều để khỏi đau lòng ông bà nơi chín suối vì thấy con cháu quá nghèo, và khỏi tủi thân lũ con nít trong nhà khi so sánh cùng bạn bè trong xóm. Lũ con nít đâu có biết người lớn làm ăn khó khăn như thế nào, đâu có biết vật giá leo thang là gì, chỉ mong cho mau đến Tết để được mặc quần áo mới, để được ăn uống phủ phê. Nếu chúng ta có giải thích cho chúng về sự eo hẹp tài chánh của gia đình, về vật giá đắt đỏ của thị trường để thuyết phục chúng bằng lòng ăn một cai Tết kham khổ, thì chúng chỉ nghe một cách miễn cưỡng rồi lại quên ngay, mà chỉ nhớ đến quần áo mới, bánh mức, thịt thà v.v...
       Nói cho cùng, một năm có mấy ngày vui mà để cho bọn trẻ thiếu thốn thì cũng tội nghiệp. Cho nên, Tết gần đến, những người 
có trách nhiệm trong nhà phải lo âu đến đầu bù tóc rối. Nhất là những gia đình đông con như gia đình tôi thì càng rối rắm hơn vì chỉ toàn một lũ nhóc ăn hại. Một năm nay, tôi phải nghĩ học đi làm, mong giúp đỡ ba tôi phần nào lo cho các em. Nhưng tiền lương chẳng có là bao, vậy mà chúng nó tưởng đâu tôi có việc làm là có tiền nhiều lắm. Cho nên gần Tết là chúng nó xúm lại yêu sách.
       Thằng em trai mười ba tuổi lên tiếng trước :
        - Chị ơi, khi nào lãnh lương Tết, nhớ mua cho em một đôi giày ba- ta nghe chị. 
       Tôi gật đầu. Thằng em chín tuổi thấy vậy cũng bắc chước theo :
        - Chị mua cho em với nghe chị.
       Cô em gái mười một tuổi sợ mất phần nên cũng vội vàng tiếp theo :
        - Chị ơi, nhớ mua cho em cái áo đầm với đôi giày mới nữa nghe.
       Cô em gái bảy tuổi cũng xí xọn chen vào nói :
        - Chị cũng mua cho em áo đầm nè, giày nè và thêm một cái nón nữa nghe chị.
       Rồi còn mấy đứa nhỏ hơn chưa biết yêu cầu, mình cũng phải lo, rồi mấy đứa lớn...lớn, vì giữ "thể diện" cũng chưa lên tiếng....
       Thấy tội nghiệp chúng nó, tôi cứ gật đầu bừa, chưa biết rằng mình có đủ tiền mua hay không. Thôi thì cứ mua được tới đâu hay tới đó. Ngoài mặt tôi cười cười, nhưng trong đầu đã viết sơ sơ bài toán trừ, mà số trừ lớn hơn số bị trừ rồi.
        Cô em mười bảy tuổi của tôi thì đợi cho tụi nhỏ đòi hỏi xong, cô ta bắt đầu " tuyên bố " :
        - Chị à, năm nay nhà mình nghèo hơn năm trước, ba phải lo miếng ăn nhiều nên thiếu hụt, em không dám xin tiền mua sắm gì cả. Tết nay chị mua cho em một cái áo dài trắng, vừa mặc Tết, vừa mặc đi học cho tiện. Mua hàng nội hoá cho đỡ tốn tiền.
        Chao ôi, tôi nghe vừa thương em, vừa thấy hai vai nặng xuống. Khổ cái thân làm chị lớn trong nhà, các em lúc nào cũng muốn xin xỏ. Mà mình nào phải " kẹo kéo " gì đâu, chẳng qua là sợ không đủ khả năng. Tuy nhiên, tôi cũng gật đầu.
       Cô em mười bảy tuổi lại than thở :
       - Cái nhà mình năm nay cũng cũ quá rồi, chị có tính sơn phết gì không ?
       Tôi nhìn căn nhà mình mà thấy lòng tê tái não nề. Phân nữa gạch, phân nữ ván, vá víu với nhau, giống như đường nhựa vá những ổ gà. Mấy năm qua không sơn phết gì nên nó đã rêu phong. Nhìn chung, nó cũ kỹ quá rồi, không có cách gì làm cho nó coi tạm được. Chỉ có cách dỡ bỏ nó đi, cất lại nhà mới là tiện nhất. Mà điều đó thì trong mơ cũng chưa chắc có.
       Nhận định rõ tình hình căn nhà của mình, tôi lắc đầu chán nãn :
       - Thôi, cái nhà của mình không có cách nào tân trang được nữa, mặc kệ nó. Đợi ba mình trúng số rồi cất lại, hoặc đợi hoà 
bình rồi, ba dắt về quê ở. Cái đất Saigon cát bụi bon chen nầy, chị cũng chán quá rồi.
       Mấy đứa em tròn mắt nhìn tôi. Tôi cười một mình, hình như câu nói vừa rồi là của ông già, bà cả nào đó chớ không phải của tôi. Hay là sự lo lắng làm cho mình già trước tuổi ?
       Thật vậy, chưa lúc nào tôi lại lo nghĩ đến đồng tiền như bây giờ. Mới năm trước còn là học sinh, mọi thứ gì cũng trông vào cha mẹ. Bây giờ đi làm rồi, tự nhận cho mình cái trách nhiệm phải lo cho chính mình và lo cho các em, tôi mới thấy đồng tiền nó quan trọng ghê gớm. Chữ tiền nó làm rối ren, chai cứng đầu óc con người. Chữ tiền nó làm mất đi cái thời vo tư, hoa mộng của tôi. Đó là cứ mong đến Tết để xin tiền cha mẹ mua sắm. Bây giờ Tết đến, không có quyền xin cha mẹ mà còn bị tụi em nó xin. Làm chị mà còn khổ như vậy, huống chi là làm cha mẹ !
       Chuyện quần áo, giày dép, nhà cửa vừa nói xong, thì cô em mười bảy tuổi lại nhắc nhở :
       - Chị à, còn vấn đề bánh mức nữa. Bánh ít, bánh tét thì má sẽ làm, còn chị em mình có làm mứt không chị ?
       Trời đất ơi, Tết nhất sao có nhiều việc phải lo quá vậy kìa. Những thứ lo mà dù mình có muốn thông qua cũng không được ,
vì đó là tục lệ. Tết nhất, mình không ăn thịt thà, bánh mứt....cũng không sao. Nhưng bà con, bạn bè tới thăm, chẳng lẽ lại để người
ta ngồi chơi xơi nước lã như ngày thường thì ê chề quá. Từ đó chắc Tết không còn ai đến nhà mình nữa. Mà Tết không có ai đến chơi thì buồn tủi lắm.
        Những cái Tết trước đây, chúng tôi cũng làm vài thứ mứt. Nhưng năm nay thấy tình hình tài chánh gia đình eo hẹp quá, vì tuy tôi có việc làm, thì ba tôi có ít việc làm hơn. Tôi " tuyên bố" với mấy đứa em :
       Năm nay tiền bạc trong nhà mình eo hẹp, nên ta không làm mứt gì cả. Để chiều ba mươi Tết, khi người ta bán rẻ, chị ra chợ mua chút ít về đãi khách, còn mình thì ăn lấy vị được rồi.
       Cô em mười một tuổi chống đối liền :
       - Không được đâu chị ơi, nhà mình đông người mà chị mua ít làm sao ăn lấy vị đủ.
      Cô em mười bảy tuổi ôn tồn hơn, cô ta nói :
       - Dù ít hay nhiều cũng nên làm ở nhà để đỡ tốn tiền, mà lại sạch sẻ. Chị bận đi làm, để em làm mứt cho.
       Thấy chúng nó hùa nhau chống đối mình, tôi làm bộ tạo bộ mặt nghiêm trọng :
        - Nín hết nghe chị nói nè, Tết nay nhà mình nghèo quá, tính sao cũng không đủ, tính làm gì cho mệt. Vậy để chị đề nghị với ba má như vầy :" Mấy ngày Tết ba má sẽ dắt các em nhỏ đến nhà cô Năm mình ăn Tết ké. Anh Hai cấm trại sẽ ăn Tết nhà binh. Còn chị và mấy đứa lớn sẽ ở nhà đóng cửa ngủ ba ngày Tết. Thế là mình khỏi phải mua bánh mứt, thịt thà gì cả, tiện lợi ghê chưa .
       Tụi nhỏ nín thinh, nhìn tôi nửa tin, nửa ngờ với những gương mặt lo âu, căn thẳng.
       Thấy tội nghiệp, tôi không nỡ kéo dài sự hồi hộp của chúng nó, tôi mĩm cười :
        - Chị nói chơi chớ ai mà đi ăn Tết ké, mắc cỡ lắm. Để rồi chị sẽ cố gắng làm mứt nhiều....nhiều cho.
       Những gương mặt trẻ thơ tươi lên như cành lá sau cơn mưa, và những đôi mắt sáng lên niềm hy vọng. Tôi mĩm cười với chúng mà nghe lòng mình nằng nặng nỗi lo âu ./.

    Huỳnh Mai Hoa ( Mùa Xuân Năm 1967)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét