Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc 25 Feb. 17 - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc:
1. Anh Còn Yêu Em & Anh Còn Nợ Em & Khúc Thụy Du: Anh Bằng - Du Tử Lê - Thiên Kim - Nguyên Khang - Y Phương
<!>
2. Tiếng Xưa: Dương Thiệu Tước - Hà Thanh
3. Sắc Hoa Màu Nhớ: Nguyễn Văn Đông - Như Quỳnh - Thế Sơn
 
4. Đi Tìm Câu Hát Lý Thương Nhau: Vĩnh An - Anh Thơ

Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ...............
I. Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Thiên Luân: Formosa Hà Tĩnh - miếng "gân gà" ăn hay bỏ?
Trong Tam Quốc Chí có một điển tích rằng: Tào Tháo đem quân đánh Thục, Quân Thục chống trả quyết liệt khiến quân Tào rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tào Tháo tâm trạng hết sức buồn bực, vào một đêm viên tùy tướng đến hỏi mật khẩu giao ban đêm nay là gì, Tào Tháo thở dài nói “kê cân”. Dương Tu nghe được liền chẩn bị đồ đạc cho việc rút quân. Thấy lạ các tướng hỏi, Dương Tu trả lời, Thừa tướng ban mật khẩu “kê cân” (gân gà) là ý muốn nói ăn không được vứt cũng không xong, việc rút quân chỉ là nay mai. Tào Tháo biết chuyện liền cho chém đầu Dương Tu vì tội tiết lộ quân cơ. Không lâu sau Tào Tháo ra lệnh rút quân. Kể một chút về tích xưa là muốn liên hệ với việc ngày nay. Đó là vấn đề Formosa Hà Tĩnh - miếng gân gà của Chính quyền Việt Nam, ăn thì khó nuốt, bỏ đi thì không đành.
Tính đến thời điểm hiện nay, hiếm có doanh nghiệp nước ngoài nào được Chính phủ Việt Nam ưu ái như tập đoàn Formosa. Trong hợp đồng thuê đất của Formosa có viết, đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến hành thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện. Ngoài ra còn miễn tiền thuê đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế (thông thường là 25%), mà 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, sau đó giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và được miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định... Mặc dù được ưu ái là vậy nhưng Formosa thấy chưa đủ. Vào tháng 6/2014 Formosa đề xuất lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng. Tuy nhiên đề xuất này đã bị Chính phủ Việt Nam bác bỏ. Theo như thông tin đã công bố, tổng số vốn đầu tư của Formosa vào khu công nghiệp Vũng Áng khoảng 10 tỷ USD, trong đó thực vốn chỉ có 3,8 tỷ còn 7 tỷ là vay từ các ngân hàng trong và ngoài nước. Khoản vay ngân hàng nước ngoài được CP Việt Nam bảo lãnh. Còn tiền vay của ngân hàng thương mại trong nước là tiền của người dân: Thông báo ngày 219/TB - CP ngày 2/6/2014 của VP Chính Phủ đồng ý hạn mức cho Formosa vay tiền NHTM gấp 4 lần số vốn đăng ký. Theo đó họ sẽ được vay tới 40 tỷ USD, đó là tiền của người dân Việt Nam.
Thảm họa cá chết miền Trung năm 2016, chính Formosa là thủ phạm nhưng Chính phủ Việt Nam không có biện pháp nào trừng phạt thích đáng. Formosa đền bù số tiền 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, trong khi đó Chính phủ Việt Nam lại hoàn thuế cho họ tới 14.600 tỷ đồng. Đây là một việc làm khó hiểu. Trước những ưu ái lớn, bất thường như vậy khiến không ít người hoài nghi rằng, có một sự thỏa thuận ngầm nào đó giữa Formosa và Chính phủ Việt Nam, nếu không tại sao họ có thể tự tung tự tác như vậy được. Sau sự việc xả thải gây cá chết hàng loạt vào tháng 4/2016, Formosa xin lỗi hôm trước thì hôm sau lại có sự việc phát hiện 100 tấn chất thải của Formosa chôn trên đất liền, rồi việc người dân phát hiện tàu có ký hiệu HN-111 xả thải ra vùng biển Vũng Áng (20/11/2016) và mới đây nhất là chuyện vệt nước màu đỏ ở Vũng Áng.
Phía Formosa dường như đang thách thức lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Đóng cửa nếu Formosa tái phạm” khi liên tiếp vi phạm thỏa thuận, tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường. Họ cũng không quan tâm tới phản ứng của người dân vì đã có Chính quyền Việt Nam đảm bảo an ninh. Ngay cả việc người dân đi kiện ôn hòa cũng bị chính quyền đàn áp bằng vũ lực.
Nếu đóng cửa Formosa, chính quyền Việt Nam sẽ bị họ khởi kiện đòi bồi thường hợp đồng. Và quan trọng hơn nữa là số tiền Formosa đầu tư ở Vũng Áng là tiền của Việt Nam. Một khi họ bị đóng cửa thì các ngân hàng ở Việt Nam sẽ phải ôm đống sắt vụn. Còn nếu tiếp tục để Formosa tiếp tục hoạt động thì nhiễm môi trường sẽ vẫn tiếp tục bị tàn phá mà thảm họa hồi đầu năm 2016 chỉ là sự khởi đầu.
Còn nữa, việc để Formosa triển khai dự án ở Hà Tĩnh không phải quyết định của một người mà là của cả một tập thể. Cụ thể ở đây là chủ trương của Đảng, sự đồng ý của Bộ Chính Trị. Nếu bây giờ đóng cửa Formosa, hậu quả ai chịu trách nhiệm? Chính quyền Việt Nam dường như đang bế tắc trong vấn đề này. Những hi vọng tốt đẹp khi dự án mới triển khai giờ đang nhường chổ cho những khó khăn. Cho nên có thể nhận định việc Chính phủ Việt Nam cấp phép đầu tư cho Formosa là sai lầm. Ngành công nghệ sắt, thép không còn là xu hướng lựa chọn của nhiều nước trên thế giới vì nó không mang lại lợi ích phát triển cho quốc gia và hơn thế nữa là những tác động của nó tới môi trường. Trên thế giới nhu cầu tiêu thụ thép giảm. Tại Mỹ năm 2013, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã báo cáo lỗ ròng tới 1,2 tỷ USD. Trong nước, nhiều nhà máy chỉ chạy 50 - 60% công suất. Tổng công ty thép Việt Nam (VNSTEEL) với quả đấm thép Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) từ khi thành lập (1959) không tạo sự thần kỳ nào, thập chí hiện tại là gánh nặng của ngành thép Việt Nam.
Mức độ thiệt hại thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra là vô cùng lớn. Biển chết, nguồn nước, không khí ô nhiễm và đặc biệt cuộc sống của hàng triệu người dân 4 tỉnh Miền Trung đang đối diện với một tương lai mịt mờ. Họ mong chờ trách nhiệm phía Formosa trong việc tái thiết, đền bù nhưng chính quyền luôn tìm mọi ngăn cản. Chính quyền đang bảo vệ miếng “gân gà” Formosa thay vì quyền lợi của người dân. Nhưng liệu có nuốt nổi miếng gân gà đó không? Chắc chắn là không. Đã đến lúc phải giải quyết dứt điểm vấn đề của Formosa. Nhà máy phải đóng cửa và Formosa rút khỏi Việt Nam. Nếu không thảm họa sẽ còn tiếp tục, người dân còn phản đối và đấu tranh và mâu thuẩn giữa chính quyền và người dân ngày càng cao.
*** The Economist: Thảm họa Formosa - Đỏ chọi Xanh ở Việt Nam
Việc đảng Cộng sản không thể kiểm soát ô nhiễm đang bào mòn quyền lực của đảng
Tàu đánh cá ở Đồng Hới, một tỉnh lỵ thanh bình ở vùng biển miền trung Việt Nam, được trang trí bằng những nhánh xương rồng. Những miếng bùa đầy gai này được cho là bảo vệ thủy thủ trước bão tố và những mối hiểm họa khác, nhưng chúng không trừ được vận rủi ập xuống thành phố này mùa xuân năm ngoái. Vào tháng Tư, thủy triều tống hàng ngàn xác cá chết lên các bờ biển của Đồng Hới. Chính quyền chần chừ hàng tháng trời mới chịu nêu tên thủ phạm: một nhà máy thép mới gần biển có những đường ống xả chất thải độc hại xuống biển.
Gần một năm sau, Đồng Hới—giống như tất cả khu dân cư dọc vùng biển dài 200 cây số bị ảnh hưởng—vẫn còn tính thiệt hại của thảm họa này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngư dân của vùng này, với những chiếc thuyền đỏ và xanh dương túm tụm neo đậu lặng lẽ trên con sông rộng của thành phố này. Dân địa phương có người không chịu ăn cá do ngư dân đánh bắt, vì sợ độc tố còn sót lại; có người hứa chỉ ăn cá đánh bắt ngoài khơi xa, hay ở những độ sâu được cho là tránh được chất độc. Kho đông lạnh của nhiều nhà hàng hải sản nay trữ thịt gà và thịt heo.
Thảm họa này cũng đã phá hoại du lịch. Thành phố này bị san bằng trong cuộc chiến với Mỹ (ngoại trừ một mặt chính nhà thờ cháy sạm, nay được bảo tồn thành một đài tưởng niệm), nhưng đã hưởng lợi từ những hang động khổng lồ được khám phá ngay tại địa phương. Trong những hang động đó có Sơn Đoòng, được xem là hang lớn nhất thế giới, chỉ mới bắt đầu đón du khách từ năm 2013. Nhưng mùa hè năm ngoái, rất nhiều người hủy chuyến du lịch của họ vì sợ xoải chân trên đất nhiễm độc. Những khách sạn và căn hộ xây dở dang nằm rải rác vùng ngoại ô thành phố, bị những nhà đầu tư lo ngại nên bỏ rơi.
Nạn ô nhiễm tàn phá nhiều phong cảnh đẹp sững sờ của Việt Nam. Việc xây đập, đào giếng và canh nông với cường độ cao đang bào mòn Đồng bằng Sông Cửu long, nơi trồng khoảng một nửa lượng lúa của quốc gia. Mỗi năm đất đai vùng này mỗi mặn hơn do nước biển giạt vào ngập những dòng nước ngày càng yếu dần của vùng này. Màn khói bụi bức bách làm ngột ngạt thủ đô Hà Nội. Theo một số ước tính gần hai phần ba nước thải công nghiệp của Việt Nam xả xuống các sông hồ. Năm 2015 chính quyền đã xác định nhiều làng có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao khác thường, có lẽ là do nước máy nhiễm chì.
Trong danh sách này sẽ sớm có thêm một loại vấn nạn môi trường khác không hẳn là do Việt Nam gây ra. Với bờ biển dài hơn 3.200 cây số, Việt Nam đặc biệt dễ bị tác hại của sự biến đổi khí hậu. Theo một số ước tính, một phần năm Sài Gòn, đại đô thị miền nam đang mở rộng nhanh chóng, có thể nằm dưới nước vào cuối thế kỷ này. Thời tiết khắc nghiệt hơn và nạn lũ lụt trầm trọng hơn có thể phá hoại các khu dân cư dọc bờ biển dài.
Những mối lo ngại như vậy đang ngày càng ngấm dần vào chính trị Việt Nam, gây ra những thách thức cho chế độ cai trị đàn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Một báo cáo của chính phủ nói rằng ít nhất 200.000 người đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa năm ngoái. Một số người trong số họ cả gan biểu tình phản đối tại nhà máy chịu trách nhiệm—thuộc sở hữu của công ty Đài Loan—hoặc trước tòa án địa phương. Họ nói rằng số tiền 500 triệu đô-la mà công ty này phun ra để đền bù là quá ít ỏi, và đòi quyền kiện. Càng đáng ngạc nhiên hơn nữa là sự phẫn nộ của những người Việt mà bản thân họ không bị ảnh hưởng của vụ nhiễm độc này. Ngay sau khi thảm họa xảy ra, một phát ngôn viên của Formosa nói ám chỉ rằng không thể cùng lúc vừa chọn công nghiệp và ngư nghiệp. Người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn phản đòn: “Tôi chọn cá.”
Tinh thần dân tộc khuếch đại nỗi phẫn nộ về môi trường. Năm 2014, nhà máy thép của Formosa bị đốt bởi những người nổi loạn phản đối quyết định của Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp cách bờ biển Việt Nam không xa (bất chấp thực tế Formosa là công ty Đài Loan). Phần lớn người Việt nghĩ rằng giới lãnh đạo đất nước mềm yếu với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là nước cựu thù và nước đang tranh chấp nhiều đảo nhỏ ở Biển Đông. Việc CSVN cho phép một công ty (đại loại là) Trung Quốc làm nhiễm độc vùng biển là điều vô cùng nhục nhã.
Tất cả những điều này quả là đáng sợ đối với CSVN, vốn đã chứng kiến các phong trào môi trường ở Đông Âu vùi dập các chế độ cộng sản ở đó, và CSVN xưa nay đã đối xử một cách côn đồ với những người đứng đầu các cuộc biểu tình. Việc chụp mũ những người đấu tranh dân quyền là tay sai của các chính phủ nước ngoài nay khó hơn khi chính CSVN bị tố cáo là bảo vệ những kẻ gây ô nhiễm ngoại quốc. Trong lúc tìm kiếm những nước bạn mới để giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào giao thương với Trung Quốc, giới lãnh đạo ở Hà Nội cũng lo lắng về uy tín của Việt Nam. CSVN muốn người ngoại quốc xem Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chứ không phải là một nước cổ hủ tôn thờ một lãnh tụ quá cố trong một lồng kính. Vì vậy giới lập pháp Việt Nam đang có thiên hướng bảo vệ môi trường hơn. Việt Nam có luật lệ môi trường khá toàn diện, theo nhận định của Stephan Ortmann, tác giả của một cuốn sách mới về chủ đề này—nghiêm ngặt hơn luật lệ do giới cầm quyền Trung Quốc soạn cẩu thả, và được ban hành với tốc độ nhanh hơn. Việt Nam đã hứa cắt giảm carbon khỏi nền kinh tế của mình (dù chả ai hiểu nổi chuyện này ăn khớp ra sao với những kế hoạch xây dựng hàng chục nhà máy nhiệt điện). Hồi tháng 11/2016, nhà nước tổ chức một lễ rình rang trình diễn nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã, loại bỏ hàng tấn ngà voi bị tịch thu trong một đống lửa cháy rừng rực trông rất mãn nguyện.
Sương khói mịt mù chẳng biết đâu mà lần
Tuy nhiên vẫn còn nói nhiều hơn làm, và két tiền cạn của nhà nước chỉ là một phần nguyên nhân. Tăng trưởng kinh tế—vốn là yếu tố duy nhất để CSVN có được tính chính danh do không có những cuộc bầu cử có ý nghĩa—lấn át mọi thứ khác. Giới chức uy quyền ở các tỉnh thành phớt lờ các luật lệ được đặt ra ở Hà Nội, và các công ty quốc doanh uy quyền thường dường như bất khả xâm phạm. Một hệ thống tư pháp xử lý những người bất đồng một cách nhanh chóng và tàn nhẫn nhưng lại thất bại thảm hại trong việc thực thi luật lệ thông thường. Trong khi giới chức chống nạn khói bụi ở Bắc Kinh đã bắt đầu đóng cửa các nhà máy và hạn việc sử dụng xe hơi, giới tai to mặt lớn ở Hà Nội vẫn chật vật ngăn cản người đi xe máy đậu xe trên lề đường. Tâm lý bất bình âm ỉ về nạn ô nhiễm sẽ khiến CSVN khó đương đầu với các cú sốc chính trị hay kinh tế hơn. Trong khi đó, các triển vọng của Đồng Hới tùy thuộc vào việc du khách có trở lại vào mùa hè năm nay. Chính quyền nói rằng vùng biển này đã an toàn để tắm biển trở lại, nhưng không phải ai cũng tin họ. Một ngư dân nói rằng ông đã đi biển trở lại một thời gian, nhưng trong 5 hay 10 năm tới sẽ không cho mấy đứa con nhỏ của mình ăn cá do chính ông đánh bắt. (Nguồn: Red v green in Vietnam, The Economist, 16/2/2017). (Người dịch:Khương An)

(ii) Ls Đỗ Quý Dân: Tệ Nạn Chụp Mũ Trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại Dưới Cái Nhìn Của Cộng Đồng Và Luật Pháp
Chụp mũ cộng sản" cho người khác là một hành động gây thiệt hại lớn lao cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.Hành động chụp mũ là một hành động hèn hạ, tiểu nhân, gây tổn hại cho chính nghĩa, cho tự do trong suốt 41 năm qua. Cộng đồng Việt ở hải ngoại cần phải lên tiếng nói và tìm những biện pháp hữu hiệu để đối phó với tệ nạn này.
Nếu ở Việt Nam ngày nay, người dân, báo chí, những nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền bị công an, bị nhà nước dùng những điều luật vô lý, phi đạo đức, phản nhân quyền (như Điều luật 88 về Hình sự) để kiểm soát, kiềm chế, và cấm đoán những sinh hoạt hợp pháp, thì một đám người Việt ở hải ngoại, vì lý do này hoặc lý do khác, áp dụng phương pháp chụp mũ cộng sản lên những người lương thiện, vô tội để ngăn trở những sinh hoạt, công việc có ích lợi cá nhân, cộng đồng của họ. Mặc dù những thành phần hay chụp mũ cộng sản vào người khác chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong cộng đồng người Việt hải ngoại, hậu quả do việc chụp mũ của họ đã đem tới những thiệt hại rất nhiều cho cộng đồng người Việt. Cái thiệt hại lớn nhất là làm mất đi chính nghĩa của cộng đồng trong công việc tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ. Khi chụp mũ người khác, ít khi nào họ dám ra mặt công khai, chỉ giấu mặt, phổ biến những bài viết nặc danh, hoặc giấu giếm tung tích dưới một tên hiệu khác, hoặc thúc đẩy một số người kém suy nghĩ làm công việc chụp mũ giùm mình. Riêng cái phong cách này đã chứng tỏ cái tính chất tiểu nhân, hèn hạ, và nguy hiểm của việc chụp mũ.
Một số cá nhân, khi chụp mũ người khác, có lối suy nghĩ như sau: “Mình chẳng việc gì phải sợ cả. Mình trên răng dưới …, chửi chúng nó cho sướng, chúng nó làm gì được mình. Mình cùi đâu sợ lở!”. “Cùi không sợ lở.” Nói thế tội nghiệp cho người bị phong cùi, tội nghiệp cho những người bị căn bệnh trầm kha để phải chịu đau đớn, khổ sở cả đời. Các thành phần chuyên chụp mũ người khác không bị ghẻ lở thân xác, không bị phong hủi, nhưng họ ghẻ lở tinh thần, phong hủi trong cách suy nghĩ, bẩn thỉu trong hành động. Họ trở thành những kẻ bị ám ảnh bởi những âm mưu, tính toán. Họ để những âm mưu, tính toán đó gặm nhấm đầu óc họ, để họ trở nên thiếu sáng suốt, thiếu cân nhắc, để họ dần dà mất nhân tính. Họ chửi rủa, thoá mạ cộng sản, nhưng không biết rằng chính họ cũng đang áp dụng những phương pháp người cộng sản dùng để khủng bố dân. Họ chụp mũ người khác là cộng sản, là tiếp tay với cộng sản, là làm lợi cho cộng sản, nhưng chính họ đang làm hại cộng đồng và tiếp tay cho cộng sản làm cộng đồng người Việt tự do bị phân tán, làm giảm sức mạnh của cộng đồng, làm cản trở những nỗ lực tranh đấu cho chính nghĩa, tự do. Chính họ, chính những kẻ chụp mũ cộng sản lên đầu người khác là những kẻ thực sự làm lợi cho chế độ cộng sản. Chính họ là những “tội đồ của dân tộc”.
Những kẻ chụp mũ thường dùng những luận điệu nào để lên án các nạn nhân của họ? Họ dùng những tin đồn thất thiệt, thu thập một số dữ kiện, viết bài tố cáo nạn nhân là cộng sản hoặc tay sai cho cộng sản rồi sử dụng một danh sách email mà họ có để phổ biến bài viết chụp mũ các nạn nhân. Đôi khi họ gan lì hơn, cho đăng lên báo bài viết đó. Những “dữ kiện", “bằng chứng" trong những bài viết chụp mũ kia đại khái có thể được xếp loại như sau.
1. Nạn nhân có giao thiệp với nhà nước cộng sản. Nhiều khi chỉ cần giao thiệp với những người giao thiệp với cộng sản cũng đủ có tội đối với họ. Kết luận này, dưới luật pháp Hoa kỳ, là thiếu căn cứ, thiếu cơ sở luận lý. Người Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự do giao thiệp, tự do quen biết, tự do hội họp (freedom of association). Là người ở xứ tự do, ta có quyền giao tiếp bất cứ ai, dù người đó có quan niệm chính trị khác với quan niệm của chính quyền tự do, của xã hội, của cá nhân mình. Ta có thể gặp gỡ, tụ họp với bất cứ ai. Lên án người khác dựa vào sự quen biết, gặp mặt, hoặc giao thiệp với những nhân vật có liên quan đến nhà nước cộng sản là tước đi quyền tự do giao thiệp, tự do tụ họp của người khác. Muốn tranh đấu cho tự do, ta phải hiểu thế nào là tự do và phải biết tôn trọng tự do của người khác. Không ai có thể quy tội cho người khác trên căn bản giao tiếp (guilty by association) được. Quy tội như thế là phỉ báng, là vu khống.
Nếu sự giao tiếp giữa nạn nhân và nhân vật có liên quan đến nhà nước cộng sản làm hại cho cộng đồng, cho công cuộc đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ thì chúng ta có thể bảo nhau chứ không thể hành động chụp mũ. Người Việt tỵ nạn cộng sản chẳng mấy ai muốn sống dưới chế độ cộng sản, những thành phần thiên tả ngày xưa giờ cũng đã chán ngán nhà cầm quyền tham nhũng và thối nát của Việt Nam. Chúng ta bảo nhau thì nên, nhưng tuyệt đối không dùng những thủ đoạn hèn hạ, tiểu nhân để gây chia rẽ, làm sứt mẻ tình đồng hương, làm nản lòng những người muốn đóng góp cho cộng đồng.
Suy luận theo lối của những kẻ chụp mũ thì tất cả những ai về Việt Nam sau 1975 đều là Cộng Sản hoặc tiếp tay cho cộng sản. Vì họ vừa xuống phi trường đã phải gặp gỡ, “làm việc” với nhân viên hải quan cộng sản. Họ sẽ phải đem hộ chiếu (passport) trình cho nhà nước cộng sản. Và dĩ nhiên họ phải tiêu tiền ở đất cộng sản, làm lợi cho nhà nước cộng sản. Tất cả những ai phải làm việc với nhà nước Việt Nam, những người trong sứ quán Hoa Ky, trong những cơ sở kinh doanh làm việc ở Việt Nam, sẽ đều là cộng sản!
Không một toà án nào ở Hoa kỳ chấp nhận lối suy luận này. Vì thế, khi bị chụp mũ là cộng sản vì lý do quen biết, trao đổi, làm ăn với các đối tác ở Việt Nam, ngay cả với những đối tác trong chính quyền, nạn nhân có một cơ sở vững chắc để truy tố những kẻ chụp mũ ra trước pháp luật.
2. Nạn nhân làm từ thiện ở Viêt Nam, làm “văn hoá” ở Mỹ, có lợi cho cộng sản. Những kẻ chụp mũ hay chỉ trích những phái đoàn y sĩ về chữa bệnh, giải phẫu cho người nghèo ở Việt Nam, những hội từ thiện, những cơ quan phi chính phủ (NGO-non governmental organization), những cơ quan bất vụ lợi (ngày nay gọi là phi lợi nhuận – non profit organization). Họ viện lý do là những hội này, các thành viên của những hội này, tiếp tay cho cộng sản vì đây là công việc của nhà nước cộng sản chứ không phải là công việc của người hải ngoại. Làm việc “thay thế” cho nhà nước cộng sản là tiếp tay cho cộng sản, và do đó là cộng sản!
Các kẻ chụp mũ thường phê phán người cộng sản là bất nhân. Đi chữa bệnh cho người nghèo, nuôi trẻ em, giúp người già, cứu trợ người tàn tật là những việc làm nhân nghĩa. Tố cáo những thành viên của những hội từ thiện là cộng sản tức là gián tiếp đề cao cộng sản nhân nghĩa, trái ngược với những chỉ trích, chửi rủa mà đám người chụp mũ hay áp dụng.
Về phương diện pháp lý, chụp mũ kiểu này giúp nạn nhân đủ yếu tố để truy tố thủ phạm trước toà. Không có toà án Hoa kỳ nào chấp nhận lối suy luận này của kẻ chụp mũ. Nói như họ, thì các cơ quan Hồng Thập Tự khắp nơi đều có thể là cộng sản, là tay sai của những nước độc tài, khủng bố. Những suy luận này, nói theo lối người bản xứ Hoa kỳ, chỉ đáng bị “vứt ra khỏi cửa”.
3. Nạn nhân hay ca tụng cộng sản, hoặc ca tụng những kẻ “phản động”. Trường hợp nhạc Trịnh Công Sơn là trường hợp điển hình. Rất nhiều người vì yêu nhạc Trịnh, đứng ra tổ chức những buổi văn nghệ hát nhạc Trịnh, đã bị chụp mũ là cộng sản. Lý do: Trịnh công Sơn thân cộng, viết nhạc “làm lợi cho cộng sản”, những ai tổ chức sinh hoạt có nhạc Trịnh phải là những kẻ thân cộng, tiếp tay cho cộng sản.
Nói thế thì chắc phần lớn của cộng đồng Việt sẽ thành cộng sản, sẽ “mang tội” tiếp tay cho cộng sản. Một câu hỏi phải được đặt ra cho kẻ chụp mũ: có phải người tự do tuyệt đối không được ca tụng những tác phẩm của người thân cộng, của đảng viên cộng sản? Vậy họ giải thích thế nào về việc quốc ca Việt Nam do một đảng viên đảng công sản sáng tác? Họ giải thích thế nào về việc người trong Nam vẫn yêu chuộng thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên?
Lối suy nghĩ này không những cực đoan mà còn ấu trĩ. Trước pháp luật Mỹ, chụp mũ kiểu này sẽ bị coi như phỉ báng. Không toà án nào chấp nhận lối suy luận này được.
4. Nạn nhân kinh doanh, trao đổi với Việt Nam, do đó làm lợi cho cộng sản, tiếp tay cho cộng sản. “Lý tưởng” của những kẻ chụp mũ là không mua bán, trao đổi với bất cứ ai có quan hệ đến nhà nước cộng sản. Họ quên là người dân Mỹ, kể cả họ, tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm của Trung Hoa, ông trùm cộng sản. Nếu tiêu thụ hàng hoá Trung Hoa là làm giàu cho cộng sản ngoại bang, làm cho Trung Hoa mạnh hơn để có nhiều phương tiện thôn tính bờ cõi nước Việt hơn, và do đó là tiếp tay cho cộng sản, cho ngoại bang, thì có lẽ toàn thể cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ đang tiếp tay cho cộng sản, cho ngoại bang xâm lấn Việt Nam! Một lần nữa, cái lối suy luận này không những cực đoan mà còn vô lý. Nói đúng hơn, đây là lý luận ngu xuẩn. Nạn nhân bị chụp mũ dưới dạng này rất dễ thành công khi truy tố kẻ chụp mũ trước toà án.
5. Nạn nhân tán đồng ý kiến hoặc gặp gỡ những người ngày trước đã là đảng viên cộng sản. Những người này, giờ đây dù làm gì đi nữa, vẫn tiếp tục là cộng sản. Nếu họ tỏ thái độ chống cộng, đó chỉ là họ đóng kịch, giả tạo. Những ai tiếp xúc với họ, tán đồng với họ, đều là cộng sản.
Đây là trường hợp của Dương Thu Hương, Bùi Tín, và những người tương tự. Những người này đã từng là đảng viên trung kiên của cộng sản, đã là “tội đồ của dân tộc” thì không thể cho họ đứng chung hàng ngũ với người quốc gia được! Những ai đã đọc Dương Thu Hương hay Bùi Tín gần đây sẽ thấy họ là những cây bút đả kích cộng sản hữu hiệu, vì ít ra họ hiểu nhà nước cộng sản hơn người miền Nam. Đả kích Dương Thu Hương, Bùi Tín chỉ là đả kích vì tư thù, chứ không thể nói vì lợi cho cuộc tranh đấu của người tự do. Chụp mũ những ai tán đồng với họ là hành động khủng bố, áp bức những người đó. Trước toà án Hoa kỳ, nạn nhân bị phỉ báng, chụp mũ là cộng sản chỉ vì tán đồng với những người như Dương Thu Hương, Bùi Tín, sẽ có một cơ sở luận lý vững chắc để thắng kiện, để đòi được bồi thường. Kẻ thua kiện sẽ phải bồi thường: bồi thường về tổn thất, thiệt hại cho nạn nhân, bồi thường tượng trưng, bồi thường vì nhu cầu xã hội phải trừng phạt kẻ cố tình chụp mũ để khủng bố. Dù có dùng những thủ thuật như khai vỡ nợ, không tiền, tên tuổi và hành động kẻ chụp mũ chắc chắn sẽ được công bố cho cộng đồng. Họ có thể đủ liêm sỉ để tiếp tục chụp mũ hay không, ta phải truy tố họ ra toà thì sẽ có câu trả lời. Thế cho nên, kẻ nào chụp mũ người khác trong cộng đồng cần phải bị truy tố trước pháp luật... (Ls Dan Do - Efficio Law Group, PC. 586 N. First Street, Suite 227 - San Jose, CA 95112 - (408) 292-5505)
Phụ lục:  Hướng dẫn về luật phỉ báng (do các thẩm phán sử dụng để hướng dẫn bồi thẩm đoàn): California Civil Jury Instructions (CACI) 1704. Defamation per se—Essential Factual Elements (Private Figure—Matter of Private Concern). 

(iii) Ronald L. Feinman (Newsweek): Bao nhiêu ngày nữa thì tới lượt Pence làm Tổng Thống?
Đôi lời: Trường hợp các cơ quan điều tra Michael Flynn, nếu tìm thấy chứng cứ Donald Trump có mối quan hệ “đi đêm” với Nga, thì Quốc hội sẽ nói chuyện với Trump, buộc ông ta phải lựa chọn: hoặc là ông ta từ chức, hoặc là ông ta bị đem ra luận tội. Nếu Trump khôn như Richard Nixon, ông ta sẽ từ chức, lúc đó Mike Pence lên làm tổng thống, sẽ xá tội (pardon) cho Trump. Nhưng nếu Trump không chịu từ chức, thì Quốc hội sẽ mang ra luận tội. Nếu tìm thấy có tội, ông ta chẳng những bị mất chức, mà còn bị truy tố. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ chưa từng có tổng thống nào bị Quốc hội luận tội thành công. (Mời xem lại: Muốn truất phế một tổng thống Mỹ, có dễ không?) Nhưng cũng chưa từng có vị tổng thổng nào có những hành vi bị nghi ngờ vì liên quan tới người nước ngoài như tổng thống hiện tại.
Tin tức về chuyện bị bắt buộc phải từ chức của Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn, do vụ bê bối mà ông, là một công dân, đã nói chuyện với Đại sứ Nga vào tháng 12, sau khi Tổng thống Barack Obama ban hành lệnh trừng phạt Nga do hành vi hung hăng của họ, đã làm rung chuyển chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trump, đang bị nhiều nhà [chính trị] bảo thủ và thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích vì cuộc tình “bạn trai” với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bị nghi ngờ về lòng trung thành với chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ, là kết quả của việc bổ nhiệm Flynn từ lúc khởi đầu. Các nhà phê bình nhận xét Flynn có vẻ không đáng tin cậy và kém óc phán đoán. Các cựu đồng nghiệp nói đùa một cách mỉa mai rằng có “sự thật định hướng Flynn”, ám chỉ xu hướng bịa chuyện của ông. Flynn cũng bị chỉ trích quá gần gũi với Putin. Tại đại hội đảng Cộng hòa, ông tham gia vào điệp khúc “Nhốt bà ta lại!“, ám chỉ bà Hillary Clinton.
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại đang phải lắc đầu với hành vi và ngôn ngữ không thích đáng của Trump mỗi lần ông nói trước công chúng, hoặc đưa ra một tuyên bố trên Twitter, sự không kiên định và liều lĩnh của ông ta.
Việc ông ta có cuộc họp an ninh về việc thử nghiệm tên lửa của Bắc Hàn tại một bữa ăn tối nơi công cộng, trước con mắt của các thực khách, là một chỉ dấu cho thấy sự thiếu tinh thần trách nhiệm. Đột ngột kết thúc cú điện thoại với thủ tướng Úc, đồng minh trung thành của chúng ta qua 4 cuộc chiến trong vòng một trăm năm qua, thật đáng báo động.
Thông điệp trái ngược trong vấn đề đối phó với Trung Quốc, ban đầu ông ta ra chỉ dấu chấp nhận ý tưởng hai nước Trung Quốc và rồi sau đó lùi bước trước những áp lực, thật gây khó chịu. Sự mâu thuẫn của ông về giải pháp hai nhà nước ở Trung Đông là một vấn đề lớn, cũng như ông ta có vẻ thiếu tôn trọng đối với Thủ tướng Angela Merkel của Đức, và thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ cho NATO.
Thực tế là Phó Tổng thống Mike Pence đóng vai trò quan trọng trong việc khai trừ Flynn là một dấu hiệu cho thấy Pence đã tự khẳng định mình với Trump, và có vẻ rõ ràng rằng Pence sẽ không chấp nhận, cho phép chính sách đối ngoại của chúng ta bị thiệt hại, hoặc an ninh quốc gia của chúng ta bị đe dọa. Cuối cùng, người dân Mỹ sẽ không mong đợi bất cứ điều gì tệ hơn.
Mike Pence là một thành viên trong giới cầm quyền của đảng Cộng hòa, với 12 năm ở Hạ viện, nơi ông giữ chức vụ chủ tịch Hội nghị đảng Cộng hòa trong bốn năm cuối, trước khi tranh cử chức Thống đốc tiểu bang Indiana.
Pence là người Cộng hòa cứng rắn, không quanh co mà lòng tin Thiên Chúa giáo đã định hình [quan điểm] chính trị của ông, bao gồm quan điểm về các vấn đề nữ giới, vấn đề đồng tính, và từ chối không chấp nhận khái niệm về sự hâm nóng toàn cầu. Quan điểm của ông về những điều này và các vấn đề khác làm những người Cộng hòa trong tiểu bang của ông xa lánh. Con số thăm dò của ông thấp khi Donald Trump chọn ông làm phó tổng thống. Nhiều người nghi ngờ [khả năng] Pence có thể giành chiến thắng nhiệm kỳ thống đốc thứ hai.
Pence biết làm thế nào để “cương” và rõ ràng là qua thái độ và cử chỉ, ông thường không hài lòng với các hành vi phóng túng và bất cẩn của Trump.
Một cuộc điều tra về sự kiện Flynn sẽ xảy ra, với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Mitch McConnell, Lãnh đạo khối Đa số Thượng viện, sẽ thúc đẩy chuyện này. Ngoài ra, Thượng Nghị sĩ John Cornyn của tiểu bang Texas, Roy Blunt của Missouri, Lindsey Graham của South Carolina, và John McCain của Arizona, tất cả đang đẩy mạnh để có phiên điều trần.
Khi FBI điều tra thêm tình huống này, là điều được dự kiến sẽ xảy ra như một tiến trình bình thường sau một vụ xì căng đan cận kề và ở mức độ cao như vậy, sớm nhất chưa từng có trong bất kỳ nhiệm kỳ Tổng thống nào (25 ngày), sẽ có những lời kêu gọi Trump từ chức hoặc phải bị luận tội.
Pence sẽ gặp khó khăn trong việc bào chữa cho Trump trước công chúng, nhưng có thể được dự kiến sẽ làm việc sau hậu trường để bảo đảm rằng Trump chỉnh đốn lại các lời phát biểu và hành động, đặc biệt về chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh quốc gia.
Hiện nay, Pence đối mặt với một tình huống tương đồng một số điểm với Gerald Ford dưới thời Richard Nixon trong giai đoạn khó khăn và đầy tranh cãi, và khả năng về hành động trong tương lai của Quốc hội chống lại Donald Trump nếu hành vi tâm thần của ông vẫn tiếp tục gây rắc rối cho các lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa và thiết lập chính sách ngoại giao.
Như tác giả đã viết vào ngày 22 tháng Giêng trên History News Network, Pence có thể, ngay cả khi Trump kịch liệt phản đối, cậy vào Tu chính Hiến pháp thứ 25, mục 4, với sự chấp thuận của đa số thành viên nội các, điều có thể đưa Pence trở thành “Quyền Tổng thống”. Một số người có thể gọi đó là một “cuộc đảo chính cung đình”, nhưng Pence có thể đưa ra một hoàn cảnh thuyết phục rằng, thật quá mạo hiểm để Trump tiếp tục nắm quyền. Pence phải đối mặt với một gánh nặng rất lớn, và không biết có ai đồng ý với chính sách riêng của ông về đối nội và đối ngoại hay không, dường như rõ ràng rằng, phó tổng thống sẽ phải làm những gì ông cảm thấy bị bắt buộc phải làm nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Một người có thể tưởng tượng rằng nếu một kịch bản như vậy xảy ra, rằng Donald Trump sẽ từ chức, như Richard Nixon đã làm vào năm 1974 sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện phê chuẩn tiến trình luận tội. Nhưng với một người bất kể như Trump, ai có thể nói những gì sẽ xảy ra trong trường hợp như thế?
Dù sao đi nữa, có vẻ như Donald Trump sẽ rời chức vị tổng thống vào thời điểm nào đó, có lẽ giữa ngày thứ 31 của William Henry Harrison vào năm 1841 (chết vì viêm phổi) và 199 ngày của James A. Garfield vào năm 1881 (chết vì một viên đạn sát thủ sau 79 ngày vô cùng đau đớn và điều trị bất cẩn). Nhiều nhất, có vẻ như chắc chắn, ngay cả nếu bị kéo xuống, Trump sẽ không tồn tại 16 tháng và 5 ngày, như đã xảy ra với Zachary Taylor vào năm 1850 (chết vì căn bệnh về đường tiêu hóa). Nhiệm kỳ Tổng thống Pence dường như không thể tránh khỏi.
(Ronald L. Feinman là tác giả cuốn "Assassinations, Threats & the American Presidency: From Andrew Jackson to Barack Obama" - Nhà Xuất bản Littlefield, tháng 8 năm 2015) - (Dịch giả: Trần Văn Minh)

(iv) Thạch Đạt Lang: Cuồng Hồ và cuồng Trump
Sự đắc cử của ông Donald Trump, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ không những đã gây nên sự xáo trộn về chính trị, mâu thuẫn nặng nề trong xã hội Mỹ mà còn tác động không ít vào cộng đồng Người Việt Hải Ngoại (NVHN) cũng như người dân Việt trong nước.
Lần đầu tiên một tổng thống Mỹ, sau khi đắc cử đã trở thành biểu tượng của một số người Việt, những người này có hành động, lời nói mà có người đặt tên cho họ là Trump-ist. Đối với số người này, Donald Trump là một biểu tượng đáng kính, thẳng thắn, cương trực, dám nói, dám làm, một mẫu người hùng bất khả xâm phạm. Mọi bài báo, lời nói, ý kiến chỉ trích, phê bình Donald Trump của bất cứ ai, tác giả nào, cũng đều bị tấn công, ném đá, vu khống, sỉ nhục, chụp mũ bằng những lời lẽ hung hăng, thiếu văn hóa, vô giáo dục, côn đồ… không khác gì công an cộng sản VN đối với những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Hiện tượng này khiến người ta nhớ đến ông Hồ Chí Minh, một thời ở VN dưới chế độ CS, đã trở thành một nhân vật được sùng kính, tôn thờ tuyệt đối. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động… chỉ cấn có một chút ý chê bai, bất kính hay nghi ngờ về những mẫu chuyện thêu dệt thần thánh chúng quanh con người phàm tục, gian ác, quỷ quyệt này, đều có thể dẫn tới bị bắt giữ, đánh đập, tra tấn hoặc đi vào nhà tù, trại cải tạo không biết ngày về. Chế độ CS với một bộ máy tuyên truyền to lớn, xuyên suốt mọi tầng lớp xã hội, từ các đảng viên, cán bộ cao cấp ở trung ương đảng, bộ chính trị đến các chính quyền xã, ấp, những người nông dân nghèo khổ ở các làng mạc xa hôi, đèo heo hút gió mỗi năm chỉ được vài tháng ăn no. Sự tuyên truyền, nhồi sọ, lập đi lập lại đã len lỏi vào tất cả các ngõ ngách trong đời sống hàng ngày của người dân, từ trường học đến bệnh viện, công sở, trong quân đội, hoạt động với công suất tối đa qua hệ thống báo chí, truyền thông, giáo dục… duy nhất do đảng CS lãnh đạo, kiểm soát, trong một thời gian dài làm tê liệt suy nghĩ độc lập, phán đoán, nhận xét của con người.
Joseph Goebells, bộ trưởng tuyên truyền của Hitler thời Đức Quốc Xã đã từng nói rằng: “Một sự dối trá được lập đi, lập lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật”. Đảng CSVN đã áp dụng đúng nguyên tắc này khi cai trị. Việc Hồ Chí Minh trở thành thần tượng trong lòng người dân Việt Nam ở miền Bắc trước năm 1975 cũng như trên toàn quốc sau tháng 04.1975 cũng là điều đương nhiên. Cho dù đến hiện tại, nhờ giao dịch, tiếp xúc với xã hội tự do, qua internet, smartphone, báo chí, sách vở, tài liệu trong các thư viện khắp nơi trên thế giới…, thần tượng Hồ Chí Minh trong lòng nhiều đảng viên, cán bộ cộng sản đã bị phá vỡ, rơi rụng từng mảng ngày càng nhiều. Tuy nhiên số người còn tin tưởng vào đạo đức, sự toàn thiện, khả năng tài giỏi, siêu nhân của Hồ Chí Minh vẫn không phải là ít, nhất là giới cán bộ, đảng viên “lão thành cách mạng”. Việc xóa bỏ hình ảnh, thần tượng ông Hồ Chí Minh trong suy nghĩ, tư duy nhiều đảng viên, cán bộ CS là điều bất khả nếu họ không tự tìm hiểu, bởi môt ấn tượng, một hình ảnh được nhồi nhét, nhắc nhở hàng ngày mấy chục năm dài không dễ gì gột rửa được. Cũng có thể nhiều đảng viên, cán bộ ĐCSVN không còn tin tưởng những huyền thoại, tư cách, đạo đức của Hồ Chí Minh nữa nhưng họ vẫn ca ngợi xưng tụng, bám vào nhân vật đó để tìm cách lợi dụng, hưởng lợi.
Thế nhưng vì lý do nào, một tổng thống Mỹ, chỉ mới được cộng đồng NVHN, cũng như trong nước biết đến trong khoảng thời gian gần đây, chỉ trong vòng 2 năm lại có thể trở thành một thần tượng bất khả tư nghị của một số người Việt, giống như đảng viên CSVN sùng bái ông Hồ? So sánh sự cấu thành thần tượng giữa hai nhân vật, một Mỹ – Donald Trump, một Việt – Hồ Chí Minh, dễ dàng nhận thấy sự tương đồng cũng như khác biệt.
Sự tương đồng dễ thấy nhất là tính cách hung hãn của Hồ-ist và Trump-ist:
Hồ Chí Minh được đảng CS phù phép trở thành thần tượng để lãnh đạo ĐCSVN trong cuộc chiến chống Pháp, sau đó là xâm lược miền Nam bằng vũ lực. Do đó những suy nghĩ, tư duy, tìm hiểu đi ra ngoài đường lối tuyên truyền của đảng CSVN đều trở thành nguy hiểm cho chế độ, cần phải tiêu diệt bằng mọi cách ngay từ lúc phôi thai. Trump thì ngược lại, những Trump-ist bảo vệ, bào chữa, xưng tụng, ca ngợi Donald Trump như thần thánh là những kẻ tự nguyện, được sống ở những đất nước tự do, dân chủ, có đầy đủ phương tiện như internet, smartphone, báo chí, truyền hình, truyền thanh… để dễ dàng tìm hiểu sự thật.
Các Trump-ist không bị tuyên truyền nhồi sọ, hàng ngày không phải nghe ra rả những luận điệu dối trá, bịp bợm, không phải đọc duy nhất một tờ báo do chính phủ ấn hành, không phải coi một đài truyền hình duy nhất do nhà nước phát sóng, không bị bất kỳ ai bịt mắt, che tai… Hơn nữa, Donald Trump là gì của họ? Không phải thân nhân, liên hệ gia đình ruột thịt, bạn bè, họ hàng thân thích… Vậy tại sao họ lại dễ dàng giận dữ, trở nên điên cuồng đến độ chửi bới, sỉ nhục, vu khống chụp mũ những người phê phán chỉ trích Trump?. Không quá khó khăn để tìm ra nguyên nhân. Những lời nói, hứa hẹn dao to, búa lớn như: Xây bức tường biên giới Mỹ – Mexico ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp Mexico vào Mỹ, trục xuất 11 triệu người Mễ về nước, tận diệt khủng bố IS, giảm thuế doanh nghiệp để đem các hãng, xưởng ở ngoại quốc về Mỹ, tạo công ăn, việc làm cho người dân, nước Mỹ trên hết … Tuy nhiên điều làm những người Việt phát cuồng vì Trump là những tuyên bố liên quan đến chính sách kinh tế với Tàu cộng và biển Đông trong tương lai, cấm Tàu cộng tiếp tục xây dựng các bãi đá cạn, các hòn đảo nằm trên vùng biển quốc tế, cũng như không được tiếp cận các nơi đã được xây dựng thành căn cứ không quân, hải quân, cũng như Mỹ sẽ bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.
Lòng căm thù chế độ CS cũng như sự hung hăng bá quyền của Tàu cộng đã khiến đa số người Việt trong và ngoài nước nghe những điều Donald Trump nói lấy làm hả dạ, sung sướng nhưng trở thành Trump-ist thì chỉ có một số. Điều này cũng đúng thôi, mọi người đang sốt ruột chờ đợi một cuộc thư hùng sắp sửa diễn ra nay mai trên biển Đông giữa hai siêu cường Mỹ – Trung. Thế nhưng từ lời nói đi đến hành động (ngó bộ) hơi xa, nhất là sau khi James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố: chưa cần động binh ở biển Đông. Do kỳ vọng được xem trận Long Tranh Hổ Đấu (tưởng tượng) xảy ra nay mai, mọi lời chỉ trích, phê bình hành động, lời nói, tư cách của ông Trump trong hiện tại cũng như quá khứ đều bị Trump-ist đánh giá là phạm thượng, là phá thối, dèm pha, xúc xiểm, nếu không là tay sai của đảng dân chủ, của Hillary Clinton, thua bầu cử nên ấm ức, tức tối, thì cũng là dư luận viên của Việt Công, Tàu cộng… Những người này hung hãn tấn công, phỉ báng, bôi nhọ tất cả những ai không đồng ý với mình.
Những Trumpist này che mắt, bịt tai, nhất định thực hiện 3 không: Không thấy, không nghe, không biết những sắc luật Trump ban hành đang bị chống đối dữ dội, khắp nơi, từ người dân đến chính quyền, dân biểu, thượng nghị sĩ, chánh án, tòa án, bộ ngoại giao… Các Trump-ist cương quyết bảo vệ Trump (trên báo Việt ngữ online) thành nhân vật bất khả tư nghị. Những Trump-ist này cũng là những người chửi bới, nhục mạ các đảng viên, cán bộ CSVN nhiều nhất, hung hăng nhất, họ cho rằng đến ngày hôm nay ai còn thần tượng ông Hồ Chí Minh là ngu muội, cuồng tín khi tài liệu, hình ảnh phơi bầy con người thật của Hồ Chí Minh đầy dẫy khắp nơi, có thể tra cứu, tìm hiểu dễ dàng.
Vậy xin hỏi, những điều báo chí, truyền thông phê phán, chỉ trích ông Donald Trump có thể tìm hiểu, kiểm chứng được không hay tất cả đều là tin giả (fake news)? Những Trump-ist nhanh chóng học được chiến thuật của Donald Trump, áp đảo người khác bằng cách la lối, hung hăng chửi bới, trấn áp, chế nhạo… tìm cách bịt miệng người khác khi đuối lý.
Cứ đọc những ý kiến bình luận của độc giả trên Dân Làm Báo trong các bài chỉ trích, nhận xét tiêu cực về Donald Trump, sẽ thấy rõ một sự lên đồng tập thể mà có người định nghĩa đó là hội chứng đám đông. Những Trump-ist không khác gì Donald Trump trong cách hành xử, phát ngôn, thế nhưng họ rất tự hào là người quốc gia, chê bai cán bộ, đảng viên CS là u mê, ngu dốt. Người viết đã có 5 bài nhận định tiêu cực về Doanld Trump trên DLB, mỗi bài có vài trăm ý kiến, hơn 90% là nhục mạ, vu khống, chụp mũ, suy đoán nhân thân…, nhưng chưa có một bài phản biện nào có những lý lẽ phản bác hợp lý, được minh định bằng những bằng chứng có nguồn từ truyền thông, báo chí Mỹ.
Nói tóm lại, sự tương đồng giữa Hồ-ist và Trump-ist là tính cách hung hãn, tìm cách trấn áp, bịt miệng người bất đồng quan điểm với mình. Không được thì chửi bới, vu khống, chế nhạo, chụp mũ CS… Còn sự khác biệt là Trump-ist chưa có lãnh thổ, chưa có dân, chưa có quyền lực, công an, vũ khí, roi điện, còng số 8 trong tay như Hồ-ist. Giả sử rằng, nay mai chế độ CS sụp đổ, những Trump-ist lên nắm chính quyền thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thật không khó để trả lời. Hy vọng họ chỉ là thiểu số và bị loại trừ ngay từ trong trứng nước.

*** Hà Giang/Người Việt: Linh mục gởi thư TT Trump :"Toi mãi mãi là người tỵ nạn"
Tôi là một người tị nạn, và suốt đời mãi mãi sẽ là một người tị nạn!” Linh Mục Nguyễn Hoài Chương khẳng định với phóng viên nhật báo Người Việt như thế, khi được hỏi về tâm trạng của mình lúc viết lá thư ngỏ gửi cho Tổng Thống Donald Trump, về sắc lệnh di dân của ông, cấm không cho người tị nạn Syria được vào nước Mỹ một cách vô hạn định.
Lá thư ngỏ của vị linh mục, viết hôm 8 Tháng Hai, được ký giả Peter Steinfels, chuyên viết về đề tài tôn giáo, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Công Giáo Commonwealth, rồi từ đó được phổ biến rộng rãi và gây ra nhiều bàn tán. “Cho đến nay, tôi đã gửi lá thư đó ba lần rồi, nhưng vẫn chưa được hồi đáp của Tòa Bạch Ốc,” Linh Mục Nguyễn Hoài Chương, thuộc dòng Salesian Don Bosco ở Rosemead, California, nói.
Trong lá thư, giờ đây đã nổi tiếng, vị linh mục mở đầu: “Ngày 27 Tháng Giêng bắt đầu năm mới của người Việt mà chúng tôi gọi là ngày Tết, một thời gian mà theo truyền thống là để ăn mừng với nhiều ước vọng và niềm vui cho năm mới. Sáng hôm đó, ông ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ vô thời hạn không cho người tị nạn Syria nhập cư và giới hạn số lượng người tị nạn khác vào Hoa Kỳ. Sắc lệnh ấy làm tim tôi và hồn tôi băng giá. Tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện làm cho nước Mỹ lớn mạnh trở lại mà ông chia sẻ trong cuộc tranh cử. Hôm nay tôi viết vì tôi là một nhân vật trong những câu chuyện đó.”
Khẳng định rằng mình “là một người tị nạn,” Linh Mục Chương kể lại, ngày 29 Tháng Tư, 1975, theo cha mẹ trốn chạy Cộng Sản hết sức nguy nan đến một nơi vô định. Ông khẳng định: “Trở thành người tị nạn là một lựa chọn khi người ta không còn sự lựa chọn nào khác.” Gia đình ông may mắn được Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ đưa đến vịnh Subic, Philippiines, nơi mọi người được làm thủ tục vào Hoa Kỳ, bắt đầu cuộc sống tị nạn. Ông bày tỏ: “Lẽ sống đã được trao cho chúng tôi như một món quà, và chúng tôi đã không lãng phí món quà đó.”
Về sinh hoạt truyền giáo và hướng dẫn giới trẻ khắp năm châu, cũng như những hoạt động xã hội từ năm 1993 của mình như một sự trả ơn đời, góp phần làm cho nước Mỹ ngày càng tươi đẹp, vị linh mục kết luận: “Vâng! Tôi là một người tị nạn. Tôi là một người Mỹ và tôi đã làm cho nước Mỹ vĩ đại theo cách của riêng tôi trong vòng 41 năm qua, kể từ khi tôi được hưởng quy chế tị nạn tại đất nước tuyệt vời này. Nhưng giờ đây, tôi muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ và mong ông hãy trao quốc tịch này cho một người tị nạn Syria. Tôi chắc chắn rằng họ, giống như tất cả những người tị nạn, sẽ không lãng phí món quà của lẽ sống. Tôi tin họ cũng sẽ giúp làm cho Mỹ vĩ đại…”
Lá thư dài hai trang của Linh Mục Nguyễn Hoài Chương tạo cảm xúc cũng nhiều, nhưng gây sửng sốt cũng lắm, không chỉ vì tâm tư mà ông thổ lộ bị một số người cho là “thái độ chính trị,” hay sự “chống đối” Tổng Thống Donald Trump, hoặc chống đối sắc lệnh ban hành ngày 27 Tháng Giêng của tổng thống, mà còn vì đề nghị nhường quốc tịch cho một người tị nạn từ Syria đến là không thể được. Nhường quốc tịch Mỹ cho một người tị nạn Syria à? Linh mục nói thì nói cho vui vậy thôi, điều đó làm sao mà làm được? Người ta hỏi nhau, phê phán.
Tâm tư người viết thư
Chia sẻ tâm trạng của mình lúc ngồi viết bức thư ngỏ, linh mục nói: “Hoàn cảnh ngày càng có nhiều người tị nạn trên thế giới là vấn đề tôi đã quan tâm từ bốn, năm năm nay rồi. Còn việc lá thư vừa viết gửi cho ông Donald Trump…việc bầu cử tổng thống, mọi người có quyền chọn lựa. Tôi không bàn đến việc đó. Chỉ biết khi được tin về sắc lệnh đó của ông, tôi đã bàng hoàng với ý nghĩ: Nếu vào 1975 ông Trump là tổng thống thì người tị nạn Việt Nam mình lúc đó như thế nào?”
Bàn về phản ứng nhận được sau khi lá thư được phổ biến, linh mục cho biết ông nhận được “rất nhiều email tán thành” nhưng “cũng có một số ít người phản đối.” Về những ý kiến tán thành, linh mục kể: “Những linh mục cùng dòng Don Bosco, và các vị bề trên của tôi, đa số đều rất hãnh diện về lá thư, nói rằng thư viết thật rõ ràng, gọn mà cảm động, xúc tích. Còn các em học sinh, em thì nói trước đây không biết cha cũng có ý thức ‘chính trị,’ em khác nói lá thư của cha làm cho chúng em phải suy nghĩ mình là ai, và làm chúng em hiểu điều cha muốn nói khi cha dặn dò chúng em là chúng ta có thể tạo được sự khác biệt lên đời sống của người khác.” Lá thư ngỏ không chỉ được những người quen của linh mục tán thành. Nhiều độc giả của báo mạng Commonwealth, sau khi đọc lá thư của ông, cũng để lại lời bình, đa số là đồng ý.
Irene Baldwin: “Một lá thư thật tuyệt vời. Tôi gửi thư ấy đến các đồng nghiệp người Mỹ gốc Việt của mình. Tôi không thể hình dung hành trình của ông hồi còn là một đứa trẻ đến đây tị nạn ngày xưa nó như thế nào. Nhưng tôi luôn luôn cảm thấy khâm phục lòng từ bi mà những người bản thân đã phải chịu đựng gian khổ biết dành cho những người kém may mắn hơn họ.”
Bernard Dauenhauser: “Cảm ơn ông đã chia sẻ bức thư này. Ngoài những gì lá thư đã nói một cách rõ ràng, nó cho chúng ta một ví dụ rất hay về cách đưa ra những lời chỉ trích chính trị mạnh mẽ, nhưng vẫn tỏ ra tôn trọng ông Donald Trump, tôn trọng con người và chức vụ tổng thống của ông.”
Anne Chapman: “… Một cô con dâu của tôi là người Việt Nam. Cha mẹ cô ấy, như vị linh mục này, cũng là một thuyền nhân may mắn thoát chết trên biển, vài năm sau khi Sài Gòn thất thủ. Con dâu tôi sinh ra trong trại tị nạn. Dần dà gia đình cô ấy được vào Mỹ, một câu chuyện thành công cổ điển của những người tị nạn. Họ học tiếng Mỹ, làm việc vất vả, cho con vào trung học, rồi đại học. Cha mẹ cô giờ đây bỏ nhiều tiền bạc và thì giờ làm việc từ thiện, giúp những người cần họ giúp đỡ. Những câu chuyện đau đớn mà họ phải trải qua hồi còn ở Việt Nam, hồi còn ở trong trại tị nạn, ít khi được họ nhắc đến. Giờ đây, mỗi khi nghe chuyện người tị nạn ở vùng biển Địa Trung Hải cố gắng trốn chạy sự tàn bạo, chết đuối trên biển hay bị xua đuổi, tôi thấy rất đau lòng, vì tôi nghĩ đến những gì gia đình người con dâu tôi phải chịu đựng ngày xưa. Điều đau lòng khác là vị tổng thống của chúng ta, và nhiều người dân Mỹ bây giờ không muốn nước Mỹ đón nhận người tị nạn nữa. Mặc dù vị linh mục này không thể nhường quốc tịch Mỹ của mình cho một người khác, điều ông đề nghị là một biểu hiện tình người rất quan trọng…”
Minh Tran viết trên RFA: “Thật khâm phục với ý nghĩ và việc làm của của Linh Mục Nguyễn Hoài Chương. Bản thân tôi là một người tị nạn Việt Nam, tôi rất lấy làm thắc mắc tại sao có nhiều người tị nạn (trong những lời bình ở đây – RFA) sau khi đã đến bờ tự do và yên bình rồi, lại ngoảnh mặt với những người tị nạn theo sau mình? Thật không hiểu lương tâm họ để đâu?”
Những ý kiến phản đối của đồng hương, theo lời Linh Mục Chương, có thể là thiểu số, nhưng làm cho ông có vẻ khá buồn. Ông thổ lộ: “Tôi không dám dùng suy nghĩ của mình để phán xét cộng đồng mình. Nhưng phải nói, đáng buồn, là một số người tị nạn Việt Nam mình phê bình tôi rất nặng. Là tại sao tôi lại so sánh người Việt tị nạn với cái ‘bọn Hồi Giáo.’ Tôi thầm nghĩ chỉ nội cái cách dùng chữ “bọn Hồi Giáo” là không bao giờ thế giới có hòa bình được rồi.Là tại sao tôi lại chống đối tổng thống? Tôi không chống đối gì ai cả. Trước ngày ra sắc lệnh ấy, khi chưa nhậm chức, ông Trump là một công dân nước Mỹ, ông ấy có quyền nói lên tiếng nói của ông ấy. Tôi cũng là một người dân Hoa Kỳ, tôi cũng có quyền cất lên tiếng nói của mình.”
Ông tâm sự: “Thú thật, hình ảnh của chiến tranh luôn ám ảnh tôi, và tôi cũng không bao giờ quên được những hãi hùng phải vượt qua trước khi được trở thành một người tị nạn. Tị nạn, ‘refugee.’ Nhãn hiệu đó tôi mang suốt đời. Tôi mãi mãi là một người tị nạn.”.  “Vì thế, tôi cứ nghĩ, cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta, nếu yên lặng thì giống như đồng lõa với sự hắt hủi người tị nạn, những người cũng khổ y như mình ngày xưa, qua sắc lệnh mà chính Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cũng không đồng ý,” ông giãi bày thêm. “Tôi viết lá thư này vì lòng bàng hoàng không thể không viết. Lời thư cũng giống như lời nguyện của một con chiên dâng lên Thiên Chúa. Tôi chẳng là gì cả, lời thư tôi chỉ vang vọng lại chút ít lời của Đức Giáo Hoàng Francis đã làm rồi. Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng kêu gọi Âu Châu mở cửa đón tiếp người tị nạn, và nước Đức đã mở cửa đón nhận họ…”.  “Còn với Tổng Thống Donald Trump, nếu ông đang ngồi trước mặt, tôi chỉ muốn hỏi là ông đã đọc thư của tôi chưa và nếu đọc rồi thì ông có hiểu điều tôi muốn nói không. Chỉ thế thôi!”.  Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

*** Định Nguyên: Chừng nào "ấu vương" Donald Trump trở thành "minh vương"? 
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump là người khó ai hiểu nổi. Từ ngày đắc cử tổng thống đến nay, hành động và lời nói của ông chứng tỏ ông ta là người hết sức bất bình thường, nhiều khi như con nít.
Sau khi thắng cử, đã chễm chệ ngự tại Toà Bạch Ốc, thế mà ông ta vẫn cay cú trước việc ông thua bà Hillary đến gần ba triệu phiếu phổ thông. Ông la toáng lên rằng có gian lận bầu cử. Hàng triệu người di dân bất hợp pháp đã bầu cho bà Hillary! Người ta yêu cầu trưng bằng chứng nhưng ông ta không có mà cứ ấm ớ tố quanh, tố tới bến. Hiện nay, ông ta chỉ thị cho Phó Tổng Thống Mike Pence mở cuộc điều tra. Có lẽ ông Pence và những người nhận chỉ thị của TT D. Trump phải lắc đầu. Làm sao điều tra đây?  Bỏ tiền ra tổ chức đếm phiếu lại? Giả như phải đếm phiếu lại, làm sao biết phiếu nào của người Mỹ hợp pháp, phiếu nào là của “bọn di dân bất hợp pháp”? Ai cũng biết, phải có quyền công dân (citizenship) mới được bầu cử. Làm sao giải thích những người di dân lậu, tức là những người không có quyền công dân lại được được đi bầu?! Nên nhớ, trong uỷ ban bầu cử tại mỗi địa phương có đại diện của mọi giới, đặc biệt là hai chính đảng Cộng Hoà và Dân Chủ. Chính quyền địa phương nào dám cả gan và bằng cách nào để cho những người không phải là công dân Mỹ đi bỏ phiếu? Ông Trump hiếu thắng, kiểu hiếu thắng con nít, bất chấp sự thật và luật pháp. Chuyện thắng cử tri đoàn nhưng thua phiếu phổ thông không phải mới xẩy ra. Gần đây nhất, bầu cử năm 2000, Tổng thống George W. Bush thắng ứng cử viên Al Gore cử tri đoàn nhưng thua ông Gore phiếu phổ thông. Ông Bush trở thành tổng thống chẳng có ai kèn cự tố cáo gì cả. Thắng cử đoàn mới trở thành tổng thống. Thắng phiếu phổ thông chỉ được ghi nhận như một sự kiện, không làm thay đổi tình hình thực tế.
Trong ngày 20 tháng 01 vừa qua, theo nhận xét của các cơ quan liên hệ, số người tham dự lễ đăng quang của TT Trump không đông bằng số người tham dự lễ đăng quang của TT Obama (cả hai lần). Donald Trump lại đùng đùng nổi giận, cho rằng báo chí xuyên tạc tung thất thiệt (fake news). Theo ông, lễ đăng quang của ông phải là một lễ đăng quang vĩ đại nhất, có số người tham dự đông đảo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ!  Sự thật thế nào, ai dám cãi lời tổng thống đây? Dù sự thật thế nào, đây cũng chỉ là tiểu tiết, chuyện nhỏ không cần thiết để quá quan tâm đối với một vị tổng thống có tầm nhìn, có nhân cách. Sự hiếu thắng của ông Trump quá trẻ con. Trong khi quốc gia đại sự còn nhiều vấn đề phải lo, cần gì phải ăn thua đủ với những chuyện vặt vãnh.                   
Hôm 8 tháng 02, đang giữa ngày bận rộn trong cương vị tổng thống thế mà ông Trump lại tweeted lên án công ty Norstrom bất công với ái nữ Ivanka Trump. Lý do: công ty này không bày bán các sản phẩm của cô ta!  Khi còn đi làm, trong giờ hành chánh, thỉnh thoảng tôi dùng điện thoại nhà nước gọi về nhà.  Nếu supervisor biết được, tôi bị cảnh cáo liền.  Đang làm việc nước, ông Donald Trump bỏ ngang để làm việc nhà, bênh vực chuyện làm ăn của con gái. Là Tổng thống, đúng ra ông phải là khuôn vàng thước ngọc cho cả trên dưới 400 triệu người Mỹ, đặc biệt là thành phần công chức.
Vụ CIA công bố hồ sơ chứng tỏ TT Nga Putin trực tiếp ra lệnh và chỉ huy tin tặc tấn công phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, có lợi cho ông Trump làm cho ông tổng thống nhà ta không tiếc lời mạt sát cơ quan tình báo hải ngoại cao nhất, kỳ cựu nhất của Hoa Kỳ. Nhưng sau đó, khi đến viếng cơ quan tình báo này, TT Trump lại huyênh hoang “I love you.  Nobody loves you like I do…”. Thế là thế nào? Donald Trump là người lớn hay con nít? 
Người lớn, dù là dân thường, không ai hành động và nói năng kỳ cục như TT Trump trong các trường hợp trên. Là Tổng thống ông ta hành động như một “Ấu Vương” chưa trưởng thành.
Những điều bất xứng của ông Trump không phải chỉ bấy nhiêu, nhưng chừng đó cũng đủ chứng tỏ sự ngây ngô trong nhận thức và tính chủ quan trong phát biểu của ông ta, không xứng tầm của một tổng thống. Không một tổng thống nào (Mỹ) mới nhậm chức chưa tới một tháng mà bị chống đối từ mọi phía như ông Trump. Những sự chống đối này không những đến từ những kẻ “được làm vua, thua biểu tình”, những kẻ từng ủng hộ “bọn chó ghẽ Hillary Clinton”, bọn “Con Lừa phản chiến Dân Chủ”, bọn di dân bất hợp pháp, bọn “giặc chánh án”…mà đến từ những người không đảng phái, những người có tâm và có tầm trong Đảng Cộng Hoà.
Ông Eliot A. Cohen, một khuôn mặt bảo thủ kỳ cựu trong Đảng Cộng Hoà.  Khi còn đang tranh cử, ông ta đã từng với những nhân vật Cộng Hoà quan trọng khác, ký thư ngỏ cảnh báo sự nguy hiểm nếu Donald Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ vì tính khí bất thường và cá tính không giống ai của ông ta.  Xong bầu cử, sau mấy tuần theo dõi hoạt động của TT Trump, ông Cohen lại viết bài “Phút Giây Lịch Sử Mỹ Được Soi Sáng” (Do Trùng Dương dịch) tiếp tục báo động về mối nguy Donald Trump đối với dân tộc và đất nước Hoa Kỳ. Theo ông Cohen, Donald Trump đã đánh giá sai về khả năng đề kháng của dân tộc và các định chế quốc gia của Hoa Kỳ” nên nói năng bạt mạng, tiên hậu bất nhất; lại hành động không dựa vào luật pháp. Có lẽ, trước khi vào Toà Bạch Ốc, ông Trump đã tưởng tổng thống Mỹ có quyền hạn “nhất hô vạn ứng” như các vị hoàng đế hét ra lửa, mửa ra khói ngày xưa (kể cả các vị hoàng đế chưa tới tuổi thành niên, tức là ấu vương).
Ngày 16 tháng 2 năm 2017, TT Trump tổ chức một cuộc họp báo tại Toà Bạch Ốc. Sau phần giới thiệu người được ông chọn làm Bộ trưởng Lao Động, TT Trump dùng thời gian còn lại để tự ca tụng nhiệm kỳ tổng thống của mình, đồng thời tố cáo truyền thông báo chí là xuyên tạc ác ý, xấu xa (evil). Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu truyền thông báo chí xấu xa như thế nào, và sự thành công của TT Trump trong tháng đầu nhậm chức đến đâu. 
Trong buổi họp báo nói trên, trước khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông, TT Trump tuyên bố rằng ông là người thắng cử tri đoàn cao nhất kể từ TT Ronald Reagan. Lời tuyên bố này đã bị phóng viên Peter Alexander “lật tẩy”: “Bill Clinton và Barack Obama, cả hai đều thắng cử với số cử tri đoàn vượt quá con số 306 của ông Trump”! Trump chống chế: “Tôi chỉ nói về phía Đảng Cộng Hoà” (Trump said he meant by a Republican). Nhưng Peter Alexander không chịu thua, tiếp tục sửa lưng tổng thống: “TT George H.W. Bush (CH) thắng hơn 426 cử tri đoàn”!  Bí quá, Tổng thống nhà ta nói càn: “Tôi không biết. Tôi được cung cấp thông tin như thế”  (I was given that information; I don’t know)! (Yahoo! News ngày 17 tháng 02 năm 2017). Có lẽ vì bị các phóng viên “hỏi thăm sức khoẻ” kiểu này hoài nên ông Trump thâm thù họ, không ngần ngại gọi họ là “kẻ thù của người Mỹ” (Trump calls media “Enemy of American People (Yahoo! News ngày 17/02/2017).  (Và đây chính là “truyền thông thổ tả” mà một số người Việt đã a dua tố cáo và nhục mạ giới truyền thông Hoa Kỳ?!).  
Ngày 18 tháng 02, TT Trump đến Florida tổ chức nói chuyện với đồng bào dưới hình thức như một cuộc vận động tranh cử, truyền thông gọi là “Campaigner in Chief”. Tại đây ông tiếp tục tố truyền thông: “The media does not want to report the truth”!  Tổng thống quên rằng chính bọn truyền thông này đã theo dõi và phát hiện Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Tướng Michael Flynn đã liên lạc bất chính và bất hợp pháp với toà Đại sứ Nga tại Washington DC, hứa là khi nhậm chức TT Trump sẽ nhẹ tay với Nga (New York Time và Washington Post). Trong trường hợp này, nếu truyền thông “does not want to report the truth” thì tại sao không trừng phạt giới báo chí mà lại cất chức Tướng Flynn?!
Truyền thông nào là “kẻ thù” của dân tộc Mỹ? Nếu truyền thông chỉ trích/tường thuật đường lối/chính sách/hành động của một tổng thống/chính phủ sai, họ phải chịu trách nhiệm trước dư luận và pháp luật. Nếu họ nói đúng tại sao sợ họ? Chỉ những kẻ chủ trương độc tài mới sợ truyền thông báo chí.  TNS. John McCain (CH) nhận xét “Cách chống truyền thông của TT Donald Trump giống như giọng điệu của kẻ độc tài”. TT Trump muốn tiêu diệt truyền thông báo chí Mỹ? Không thể được. Đệ tứ quyền được Hiếp pháp Mỹ công nhận và bảo vệ. Tuyên chiến với truyền thông báo chí, TT  Trump sẽ khó thắng và khó sống. Ông Trump dù muốn trở thành kẻ độc tài cũng không phải dễ. Muốn độc tài phải dùng bạo lực bất chính (như CSVN). Chính quyền dựa trên bạo lực bất chính không có đất đứng tại Hoa Kỳ nơi có nền dân chủ tự do thuộc vào loại bậc nhất thiên hạ, nơi có khung sườn Hiến Pháp và luật pháp rõ ràng và vững chắc nhất thế giới. Donald Trump, nếu muốn tồn tại, phải sinh hoạt trong phạm vi của nền dân chủ tự do ấy, của khung sườn Hiến Pháp luật pháp ấy, không có một sự lựa chọn nào khác.        
 “Cha nó lú, có chú nó khôn”
Ngày 19 tháng 02trên truyền hình, tôi thấy/nghe Tướng Jim Mattis tuyên bố: “The media is not American people enemy”.  Bộ Trưởng Quốc Phòng đã dám phản bác quan điểm quái đản của cấp trên là Tổng thống Tổng Tư Lệnh Tối Cao quân đội Mỹ..
Qua thời gian, với sự đụng chạm thực tế, nhất là nhờ vào sự can gián, góp sức góp ý của các “quan phụ chính”, hy vọng thời kỳ “Ấu vương” của Donald Trump sớm chấm dứt. Ông ta sẽ học việc để có thể trở thành Minh Vương mới mong “Make America Great Again” được! So sánh những gì ông Trump nói lúc tranh cử và những gì ông ta làm hiện nay, chúng ta có quyền hy vọng như thế.
Khi tranh cử ông Trump tuyên bố sẽ dẹp NATO, rút quân Mỹ từ Nam Hàn và Nhật Bản về nước. “American first”, nước Mỹ sẽ không làm chuyện bao đồng lo bảo vệ an ninh cho người khác. Nhưng hiện nay chính quyền Mỹ đã tuyên bố sẽ hợp tác với NATO, không rút quân từ Nam Hàn và Nhật Bản về nữa mà sẽ hậu thuẩn hai xứ này 100%. Như thế là “Vũ như cẫn”!
Khi tranh cử, Donald Trump rất mạnh miệng với Trung cộng, tuyên bố “Hoa Kỳ không bị trói buộc bởi chính sách “Một Trung quốc’”, doạ tăng thuế nhập cảng hàng hoá của xứ này lên 45% về tội “đánh cắp” việc làm của dân Mỹ. Khi chưa đăng quang, Tổng Thống đắc cử Donald Trump phá lệ, tiếp chuyện điện thoại với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn làm cho phe ta hí hửng tung hô Trump lên tận mây xanh, tưởng rằng phen này người hùng Trump sẽ dùng lá bài Đài Loan, xuống tay tiêu diệt bọn bành trướng Bắc Kinh. Nhưng hiện nay, chưa thấy tăng một xu thuế nào đối với hàng hoá TC mà TT Trump còn chủ động gọi điện thoại và viết thư cho Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, công nhận chính sách chỉ có một nước Trung Hoa như các vị tổng thống tiền nhiệm. “Vũ như cẫn”, không khác gì con đường Obama đã đi!
Donald Trump thua Tập Cận Bình ngay keo đầu khi vừa bước lên vũ đài.
Khi tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ huỷ bọ hiệp ước nguyên tử mà chính quyền Obama ký với Iran.  Nhưng hiện nay, Mỹ tuyên bố vẫn giữ hiệp ước này!  “Vũ như cẫn”!
Khi tranh cử, Donald Trump tuyên bố ủng hộ Do Thái trong chiến dịch định cư người Do Thái trên lãnh thổ của Palestin, ngược với chủ trương của chính quyền Obama lúc ấy. Sau khi đắc cử, khi tiếp Thủ tướng Do Thái Benjamin Netayahu, ông Trump lại tuyên bố: “Việc di dân của Do Thái không có lợi cho hoà bình”! Ông lại giẫm trên con đường mà ông Obama đã đi. “Vũ như cẫn”.
Khi tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ mạnh tay với những xứ ương ngạnh như Iran, Bắc Hàn.  Nhưng khi ông Trump vừa ngồi vào Toà Bạch Ốc, cả hai xứ này đều phóng thử hoả tiễn tầm xa, có ý thách thức/nắn gân Tổng thống Mỹ.  Ông Trump chẳng biết làm gì để ra uy mà chỉ cảnh cáo, cấm vận…y như chính quyền “xìu xìu ển ển” Obama đã làm.  “Vũ như cẫn”!....
Nhận xét của tôi có thể chưa đủ. Tôi thật sự chưa biết ông Trump đã làm được gì mà có người huyênh hoang: “Mới cầm quyền chưa đầy một tháng mà TT Donald Trump đã đạt thành tích bằng ba đời tổng thống gộp lại”! Điều ai cũng có thể thấy là trong một tháng cầm quyền, Tổng thống Trump dường như “hạ quyết tâm” triệt phá những gì mang dấu ấn của ông Obama. Nhưng ngoại trừ việc huỷ bỏ “thành công” Hiệp Ước TPP (mà ông Obama đã cố tâm gầy dựng để cô lập Trung cộng), từng bước loại bỏ Obamacare, kiếm tiền để xây bức tường dọc biên giới Mexico… còn mọi chuyện khác vẫn như cũ, “vũ như cẫn” chưa thấy gì thay đổi để hy vọng. “Ngôn dị, hành nan”. Hô khẩu hiệu để kích động quần chúng thì dễ nhưng để thực hiện những khẩu hiệu đã hô khó lắm. Ông Trump ngang ngược buộc Mexico trả tiền cho việc xây tường. Mexico said: “No way”! Làm gì được nhau? Cái gọi là “Travel Ban” của ông Trump đã bị chính ngành tư pháp của Mỹ ngáng chân. Tức lắm, nhưng TT Trump đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Tổng thống Mỹ không phải là vua nước Mỹ muốn làm gì cũng được, lại càng không phải là cha thiên hạ, nói gì mọi người đều phải nghe theo. Chắc chắn thời gian tới TT Trump phải học cho được điều này. (Hạ tuần tháng 02 năm 2017)

*** Trần Trung Đạo: Niềm hy vọng của người Việt
(Trích) ... Người Việt hải ngoại và cả trong nước trong thời gian qua đã dành khá nhiều bút mực, lời ăn tiếng nói cho chính trị Mỹ, cụ thể là về TT Donald Trump. Phần lớn của những tranh luận trong dư luận người Việt hải ngoại tập trung vào chính sách đối ngoại của TT Trump nhiều hơn là đối nội. Điều đó phát xuất từ tấm lòng và nỗi lo cho tương lai Việt Nam, bởi vì họ hy vọng chính sách của TT Trump sẽ tác động hay ít ra ảnh hưởng đến chính trị Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng. 
Không ít người Việt hy vọng rằng chủ trương bành trướng Biển Đông của giới cầm quyền Trung Cộng từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình gần như không gặp phải sự chống đối quyết liệt nào, nhưng lần này sẽ phải gặp phải lực đối đầu rất mạnh và cụ thể.  Tuy nhiên, đừng quên rằng nước Mỹ hôm nay vẫn là nước Mỹ với tất cả những thuận lợi và khó khăn của  buổi trưa ngày 20 tháng Giêng 2017. Chính sách của TT Trump dù có khác với chính sách của tổng thống Barack Obama cũng phải cần rất nhiều thời gian và tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Dù tranh luận hay quan tâm đến chính trị Mỹ, cũng xin đừng quên trong giờ phút này, hàng triệu đồng bào Việt Nam vẫn còn đang chịu đựng thảm họa Formosa, hàng trăm tù nhân lương tâm vẫn còn bị giam giữ trong các trại tù. Xin đừng quên thảm họa Formosa, xin đừng quên Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các bạn tù của họ. Trong lúc quan tâm đến chính trị Mỹ là một điều đúng và vận dụng chính sách đối ngoại của một cường quốc để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa là cần thiết, trọng tâm của mọi người Việt quan tâm vẫn là phải xây dựng cho được lực thay đổi từ nơi chính Việt Nam.
Đa số nếu không muốn nói là hầu hết trong hơn một trăm ngàn người dân Miến bao gồm sư sãi, sinh viên, nội trợ, nông dân, trí thức xuống đường chống chế độ độc tài Ne Win tại Miến tháng 8, 1988 có thể không biết tên tổng thống Mỹ là gì nói chi đến chính sách đối ngoại hay đối nội của ông ta. Cuộc vận động dân chủ tại Miến bắt đầu trong cô đơn, âm thầm nhưng dẫn đến thành công nhờ vào nội lực dân tộc Miến chứ không phải bàn tay cứu vớt của lãnh đạo nước ngoài. Việt Nam rồi cũng thế. Không có một George W. Bush, Barack Obama hay hôm nay Donald Trump nào đến để trao chìa khóa mở cánh cửa tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Chiếc chìa khóa đó phải được đúc bằng hy sinh và xương máu Việt Nam.

II. Văn Nghệ
(i) Thơ Mạc Phương Đình: Buồn Vui Cùng Bạn
thơ vẫn cứ bập bềnh như thế 
nhiều nỗi buồn, chút ít niềm vui 
vừa nghe tin bạn về miên viễn 
không khóc mà đau với ngậm ngùi 
    bao năm bỏ xứ đi luân lạc 
    vốn liếng còn chi, ngoài bạn bè 
    thân phận làm thuê cho đủ sống 
    quê nghèo lá rách cũng nghiêng che 
cuối tuần họp mặt dăm ba đứa 
bắc ghế ngoài sân nói chuyện đời 
đọc lại thư nhà bè bạn gửi 
xem hình què cụt bỗng chơi vơi 
    lâu lâu gửi chút tình qua biển 
    lá nát tìm đâu được lá lành 
    lá rách đậm đà trong nghĩa nặng 
    thời gian lây lất cũng trôi nhanh 
mai kia chẳng hẹn con đường ấy 
mình sẽ gặp nhau, nở nụ cười 
tay bắt mặt mừng không hổ thẹn 
thiên đường, địa ngục vẫn cùng vui.

(ii) Thơ Xuân Thao: Cuối xuân, về thăm khóm cúc sân nhà
Cuối Xuân du tử trở về
Làng trên, xóm dưới đang kề vụ nông
Hắt hiu gió thổi trên đồng
Ôi chao! cái rét cuối Đông vẫn còn
Chân đi, dạ những bồn chồn
Cửa nhà quạnh quẽ, vợ con đâu rồi?
Em đang hái ngọn mồng tơi
Hai con lúc thúc ngồi chơi sau nhà
Ngó ra, mấy khóm hoàng hoa
Nở đầu Xuân, nay đã là cuối Giêng
Từng bông, rụng cánh muộn phiền
Hoa tuy tàn tạ... mà cành vẫn xanh
Bao năm lang bạt thị thành
Ăn chơi nức tiếng, hãnh danh bạc tình
Khi về, em tóc bớt xanh
Còn Xuân... ta nối khúc Tình Xuân Qua 
(Trong Vuông Chiếu LuanHoan)
.............................. .............................. .........................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét