Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Diễn tiến vụ dựng tượng họ Hồ ở Wien, Áo quốc - Trần Văn Tích

Nguồn tin liên quan đến dự án dựng tượng họ Hồ ở Wien, thủ đô nước Áo, do trang web của Hội Áo-Việt đưa lên ngày thứ tư 03.08.2016, theo đó, Sở Công viên Thành phố Wien đã chấp nhận dự án dựng tượng họ Hồ tại địa điểm Công viên sông Danube, khu vực dành cho Á châu.<!>Vẫn theo nguồn tin này, đã có sự gặp gỡ giữa gã Đại sứ Việt cộng tại Áo và Tiến sĩ Peter Jankowitsch, cựu Ngoại trưởng Áo, Hội trưởng đương nhiệm Hội Áo-Việt, cùng giới chức thẩm quyền Sở Công viên Thành phố Wien để chọn lựa chỗ dựng tượng. Lễ khánh thành tượng kỷ niệm dự kiến xảy ra vào ngày ghi nhớ hai quốc gia Áo và Việt (cộng) thiết lập bang giao cách đây 45 năm, tức là ngày 26.10.2017.
Từ khi kế hoạch bị phát hiện, hằng loạt thư phản đối từ Hoa Kỳ, Úc, Hoà Lan và Đức được gửi dồn dập đến Ông Đô trưởng Thủ đô Wien qua bưu điện hay qua mạng lưới. Đồng thời qua hệ thống change.org, bốn thư chung được phổ biến để thu thập chữ ký của đồng bào và những người ngoại quốc quan tâm :
  • Petition của Bà Junker, một vị nữ lưu tranh đấu cho nhân quyền và công lý người Đức;
  • Petition của nhóm Ông Võ Hùng Sơn, Hội Người Việt Tỵ nạn Frankfurt, Đức;
  • Petition của Bác sĩ Nguyễn Quyền Tài, Liên mạng Người Việt Tự do Toàn cầu, Hoa kỳ;
  • Petition của Cộng đồng Người Việt Hoà Lan (Ông Nguyễn Hữu Phước).
Thư chung của Bà Junker được hưởng ứng mạnh mẽ hơn cả và thu thập được nhiều chữ ký nhất, trong số người ký có rất nhiều người hiện đang ở Việt Nam. Giáo sư Đỗ Xuân Sơn ở Hoa Kỳ còn hô hào phải đạt con số 150.000 chữ ký. Tất nhiên đây là chuyện không thể nào thực hiện được1. Ngày 21.02.2017, Ông Florian Mauthe, thuộc Câu lạc bộ Đảng ÖVP Thủ đô Wien (ÖVP : Đảng Dân tộc Áo), cho biết nếu hội đủ ít nhất 500 chữ ký thì có thể đạo đạt thỉnh nguyện thư cho chính quyền Thủ đô; tuy nhiên phải là 500 chữ ký của nam nữ công dân nước Áo.

Hành động có lớp lang của Việt cộng
Ngày 24.06.2015, diễn đàn Đàn Chim Việt đưa tin Việt cộng mưu toan xin dựng tượng Hồ Chí Minh ở Chrastava, Tiệp Khắc. Chrastava là một thị trấn nhỏ có khoảng sáu ngàn dân thuộc vùng Bohemia bên Tiệp Khắc, cách thủ phủ địa phương Liberec lối 10 km về phía tây bắc. Thị trấn nằm trên con sông nhỏ Jerice gần chỗ hợp lưu với sông Neisse2. Năm 1958, họ Hồ đã đến đây thăm một trăm thiếu sinh quân do Việt cộng gửi sang du học. Dự án của ViXi không được đáp ứng.
Ngày 12.12.2015, vẫn diễn đàn Đàn Chim Việt cho biết Việt cộng vận động hành lang và nghị trường để xin dựng tượng họ Hồ trên bến Newhaven ở Anh quốc. Newhaven là một thị trấn thuộc lĩnh vực quận hạt East Sussex, toạ lạc trên cửa sông Ouse, nhìn ra eo biển Manche3. Đó là một hải khẩu đồng thời cũng là một bến phà ở cách London 79 km, có dân số trên mười hai ngàn người. Năm 1913 họ Hồ tha phương cầu thực đến địa điểm này và sinh sống bằng nghề phụ bếp nướng bánh trên đường phà Newhaven-Dieppe4. Chính quyền sở tại không chấp thuận lời thỉnh cầu của cộng sản Việt Nam.
Ngày 19.05.2016, nhân dịp sinh nhật “Bác“, tờ báo địa phương Sächsische Zeitung đưa tin gã đại sứ Việt cộng ở Berlin cùng hai ba người Đức a tòng thăm viếng khu Moritzburg trên lãnh thổ Đông Đức cũ, nơi đây năm 1957 họ Hồ đã ghé thăm hơn ba trăm thanh thiếu niên nam nữ “du sinh“. Chiến dịch vinh danh họ Hồ trên đất Đức được khởi động, tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội để rồi cuối cùng hy vọng sẽ chìm xuồng.
Cả ba mưu toan dựng tượng vinh danh họ Hồ ở Tiệp, ở Anh, ở Đức đều dựa vào những chứng tích lịch sử dầu sao thì cũng ít nhiều chính xác. Trái lại, ở Áo, nơi không hề có vết chân lãnh tụ cộng sản, một tổ chức thân cộng vẫn đứng ra hô hào xây tượng cho tên tội phạm nhân loại ngay tại một công viên nằm giữa trung tâm thủ đô và dự án quái gỡ này lại có vẻ như được một chính quyền đỏ-lục (rot-grün, red-green) tán trợ!

Hành động có phối hợp của Việt cộng
Ngày 17.02.2017 Cộng đồng Người Việt Quốc gia Vùng Montréal, Communauté vietnamienne au Canada - Région de Montréal do Bác sĩ Đào Bá Ngọc đại diện lên tiếng tố cáo Việt cộng thành lập cái gọi là Hiệp Hội Canada Việt Nam (Canada Vietnam Society, CVS) một tổ chức tiếm danh lạm hành do Việt cộng nặn ra để tự cho mình tư thế thay mặt 200.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Gia Nã Đại nhằm làm những việc ngoài thẩm quyền của nó. Chuyện phải xảy ra đã xảy ra.
Tại Cộng hoà Liên bang Đức, chuyện đó xảy ra từ ngày 22.10.2011 lận, nghĩa là cách đây đã sáu năm rồi. Đại sứ quán Việt cộng ở Berlin đẻ ra cái Hội Liên Hiệp Người Việt Toàn Liên Bang Đức qua triệu tập một đại hội thành lập. Từ đó đến nay, Hội Liên Hiệp của Việt cộng cố gắng tìm mọi cách len lỏi vào các cơ quan công quyền Đức.
Canada và Đức đều có thiết lập bang giao với Việt cộng. Trên bình diện ngoại giao, các chính phủ trung ương cũng như địa phương ở Gia Nã Đại và ở Đức quốc đều bắt buộc phải giao thiệp với cán bộ cao cấp cộng sản. Việt cộng không thiếu phương tiện tài chánh và có đủ lực lượng nhân sự để âm thầm vận động hậu trường chính trị, cùng với sự tiếp tay hỗ trợ của các thể nhân hay thiết chế do chính chúng thai nghén như Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức, Hiệp Hội Canada Việt Nam bên cạnh những tổ chức, hội đoàn thân cộng vào loại Hội Áo-Việt, Hội Đức-Việt, Vietnamese Student Organization in Canada (VietSoc) v.v..
Trong một cục diện chính trị-xã hội-văn hoá như vậy, những ai còn một tấc lòng nghĩ đến chính nghĩa quốc gia và đại cuộc chống cộng tự cảm thấy mình phải luôn luôn cảnh giác hầu sẵn sàng ứng phó với những biến chuyển bất ngờ và bất lợi do kẻ thù gây nên. Hôm qua Đức, hôm nay Canada, ngày mai sẽ là Pháp, ngày kia sẽ là Bỉ, Hoà Lan, Thụy sĩ, Na uy...Ở Pháp chẳng hạn, đã có hoà nhạc với dàn nhạc mặc áo đỏ lòm và sao vàng năm cạnh!

Đối lập Wien lên tiếng
Ngày thứ năm 23.02.2017, giới đối lập trong Hội đồng Nghị viên Thủ đô Wien lên tiếng, sau những tiếp xúc và vận động vừa kiên trì vừa hữu hiệu của các nhóm ngưòi Việt tỵ nạn hiện cư ngụ tại Áo. Tờ nhật báo mạng Krone đăng bài bình luận với tựa đề “Một khu tưởng niệm tại Wien cho kẻ giết người hàng loạt Hồ Chí Minh, Ein Denkmal in Wien für Massenmörder Ho Chi Minh“. Nó đan cử lời Nghị viên đối lập thuộc đảng ÖVP (Österreichische Volkspartei, Đảng Dân tộc Áo) Manfred Juraczka gọi dự án dựng tượng họ Hồ là một mối ô nhục, eine Schande. Văn phong luận chiến sắc bén nhưng tựu trung vẫn chỉ là một hình thức đấu khẩu nơi chốn nghị trường diễn ra trên mặt báo. Tờ Falter cũng đề cập đến cùng đề tài nhưng dưới một hình thức trình bày độc đáo : tờ báo chỉ loan tải một đoạn khởi đầu bài viết ngắn, độc giả nào muốn đọc trọn vẹn bài bình luận chính trị thì phải trả 0,19 € và chỉ có một số độc giả nào đó mới có thể tiến hành trả tiền! Những nạn nhân trực tiếp của tên giết người hàng loạt vẫn chưa hề có tiếng nói trên truyền thông báo giới Wien!
Thách thức trong vụ Wien chắc chắn to lớn gấp bội thách thức trong vụ Moritzburg.
23.02.2017
1 Kinh nghiệm thu thập chữ ký cho petition cho thấy rằng phải cố gắng liên lạc trực tiếp với đối tượng có thể có ý muốn ký tên, còn nếu kêu gọi chung chung thì kết quả chỉ tương đối. Tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân vốn dĩ là những xa xỉ phẩm. Khi nhóm Việt Dzũng thu thập chữ ký để gửi cho Toà Bạch ốc, tôi nghe nói các thanh niên nam nữ bên Hoa kỳ đã mang máy computer đến các nơi công cộng để góp nhặt chữ ký của khách qua đường, kết quả đạt được là 150.000 chữ ký. Ngày 20.02.2017, quần chúng Anh được yêu cầu ký tên vào một thư ngỏ liên hệ đến chuyến viếng thăm vương quốc của tân Tổng thống Donald Trump, thư ngỏ thu được 1.500.000 chữ ký; có lẽ vì do các chính đảng đứng ra phụ trách.
2 Sông Neisse là một trong hai con sông tạo thành biên giới giữa Đức và Ba Lan, con sông kia là sông Oder. Tiếng Đức gọi đường ranh này là Oder-Neisse Linie. Chính quyền hai quốc gia thù nghịch cũ ký kết hiệp ước công nhận thủy giới này năm 1990, hiệp ước được lưỡng viện quốc hội phê chuẩn năm 1991.
3 Eo biển Manche có tên tiếng Anh là The (English) Channel, đó là vùng biển giữa Anh và Pháp nối liền Đại Tây Dương với Bắc Hải.
4 Google vào đề mục Newhaven thấy có chú thích ngắn mang tựa đề “ Ho Chi Minh in 1913“.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét