Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 23/1/17 - Lê Minh Nguyên


Trung Quốc sẽ nhận vai trò lãnh đạo thế giới nếu cần --- Trung Quốc quy trách Nhật chia rẽ ASEAN<!>
Trung Quốc không muốn làm lãnh đạo thế giới nhưng có thể buộc phải đóng vai trò đó nếu các nước khác không đảm nhiệm, một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc tuyên bố ngày 23/1.
Ông Zhang Jun, tổng giám đốc bộ phận phụ trách kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra phát biểu này sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết đặt ‘Nước Mỹ trên hết.’

Nhận định của ông Zhang được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), mô tả Trung Quốc là lãnh đạo của một thế giới toàn cầu hóa, nơi chỉ có hợp tác quốc tế mới giải quyết được các vấn đề lớn.

Ông Zhang nói Trung Quốc không có ý định mưu tìm vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhưng nếu được yêu cầu làm điều đó, Bắc Kinh sẽ lãnh trách nhiệm.
Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế quan trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, ông Zhang khuyến cáo rằng ông Trump khó đạt được mục tiêu tăng trường kinh tế nếu cùng lúc phải ‘tham chiến’ trong cuộc chiến thương mại.

Nhà ngoại giao của Trung Quốc cảnh báo ‘một cuộc chiến thương mại hoặc một cuộc chiến tỷ giá hối đoái sẽ không có lợi cho bất kỳ nước nào.’ - VOA

***
Trung Quốc không hài lòng với các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Nhật tới Việt Nam, Philippines, Australia, Indonesia vì quan ngại ông Shinzo Abe có thể ‘hất chân’ các nỗ lực của Trung Quốc để lấy lòng các nước láng giềng trong khu vực và xung quanh Biển Đông.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, cáo buộc chuyến công du Châu Á của Thủ tướng Nhật khuấy động căng thẳng khu vực, chứng tỏ động cơ tối hậu và ‘nếp nghĩ không lành mạnh’ giữa lúc Bắc Kinh và các nước láng giềng đã ổn định tình hình ở Biển Đông.

Tại Philippines, nước làm chủ tịch ASEAN năm nay, ông Abe từng tuyên bố vấn đề Biển Đông liên hệ trực tiếp tới hòa bình-ổn định khu vực và là một ‘mối quan ngại cho toàn bộ cộng đồng quốc tế.’
Bài xã luận của Tân Hoa xã viết rằng dù ông Abe đề cập với Tổng thống Philippines phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, ông Abe có thể sẽ cảm thấy thất vọng vì ông Duterte không hề đả động trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông trong các cuộc hội đàm với ông Abe.

Tuy nhiên, thật ra, Tổng thống Duterte đã mô tả Nhật Bản như ‘một người bạn gần gũi hơn cả anh em’ trong buổi quốc yến chiêu đãi ông Abe.
Tại cả hai chặng dừng chân ở Philippines và Việt Nam, ông Abe hứa hẹn các cơ hội đầu tư và ủng hộ lực lượng tuần duyên hai nước bảo vệ lãnh hải.
Thủ tướng Nhật cũng cam kết là Tokyo sẽ cung cấp tàu tuần tra mới cho cả Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. - VOA

2.
Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc chiếm lãnh thổ ở hải phận quốc tế

Tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 cam kết Mỹ sẽ ngăn không cho Trung Quốc chiếm lãnh thổ trong các khu vực hải phận quốc tế ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng “Hoa Kỳ sẽ đảm bảo bảo vệ các lợi ích của mình tại đây.”

Vẫn theo lời người phát ngôn Spicer, vấn đề đặt ra là liệu các đảo đó thật ra nằm trong lãnh hải quốc tế và không phải là một phần thuộc Trung Quốc hay không, nếu đúng vậy, thì Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng họ  bảo vệ không để cho các lãnh thổ quốc tế bị một nước nào chiếm dụng.
Tuyên bố được đưa ra đáp câu hỏi liệu tân Tổng thống Donald Trump có đồng ý với phát biểu tuần trước của người được đề cử chức Ngoại trưởng, Rex Tillerson, rằng chớ để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo họ đã xây dựng trên Biển Đông. - VOA

3.
Philippines-Trung Quốc: Hợp tác trên 30 đề án trị giá 3,7 tỷ đô la

Bắc Kinh đã đồng ý hợp tác với Manila trong 30 đề án, trị giá 3,7 tỷ đô la, tập trung vào lãnh vực xóa đói giảm nghèo tại Philippines. Quyết định hợp tác đã được cả hai bên loan báo vào hôm nay, 23/01/2017 sau một cuộc họp tại Bắc Kinh nhân chuyến viếng thăm của một phái đoàn chính phủ Philippines.
Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc Cao Hổ Thành (Gao Hucheng) đã loan báo tin trên nhưng không cho biết chi tiết, chỉ nói đây là « lô đầu tiên » của các đề án cần được hoàn chỉnh trước khi chuyển qua các ngân hàng.

Về phần mình, bộ trưởng Tài Chính Philippines Carlos Dominguez đánh giá là ông đã có một cuộc tiếp xúc rất có kết quả với phía Trung Quốc, và hai bên đã thảo luận nhiều đề án quan trọng trong lãnh vục nông nghiệp và một số đề án nhỏ khác.
Thỏa thuận hợp tác trị giá 3,7 tỷ đô la trên đây là thông báo đầu tiên trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Trung Quốc 2 ngày của một phái đoàn chính phủ Philippines. Chuyến đi diễn ra 3 tháng sau khi tổng thống Philippines Duterte đến Bắc Kinh, mở đường cho công cuộc hợp tác thương mại mới giữa hai nước vốn căng thẳng trước đây.

Trung Quốc rất hoan nghênh chủ trương xa rời Mỹ của tân tổng thống Philippines, và nhân chuyến công du của ông Duterte, Bắc Kinh đã đồng ý đầu tư 15 tỷ đô la vào Philippines.

Được hỏi về chính sách kinh tế của tân tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Philippines-Trung Quốc hay không, ông Dominguez cho biết là ông « chưa biết chính sách mới của Mỹ ra sao nhưng việc tổng thống Philippines chuyển hướng sang Trung Quốc là một hành động khôn ngoan ».
Theo chương trình, đoàn Philippines còn gặp phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương vào hôm nay, và ngoài lãnh vực thương mại, hai bên còn sẽ đề cập đến việc Philippines làm chủ tịch ASEAN năm nay. Ngoại trưởng Philippines hôm 11/01 đã tỏ ý tin tưởng là một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông có thể được hoàn tất vào giữa năm 2017. - RFI

4.
Nước Nga và "hội chứng cuồng Trump"

Theo Reuters ngày 20/01/2017, sự kiện ông Donald Trump đến Nhà Trắng đã tạo ra hiện tượng mê say Donald Trump gọi là Trumpomania hay là "hội chứng cuồng Trump" tại đất nước của ông Putin.
Từ nhiều năm qua, quan hệ giữa Matxcơva và Washington không mấy tốt đẹp và trên phương diện cá nhân, sự thiếu thiện cảm giữa Barack Obama và Vladimir Putin cũng chẳng phải là một bí mật gì. Nhưng điện Kremlin, và nhiều người Nga, hy vọng là tình trạng này sẽ thay đổi với vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, và một thời kỳ quan hệ hữu hảo hơn sẽ mở ra đối với hai cường quốc.

Điều đó có nghĩa là bãi bỏ cấm vận áp đặt sau vụ Nga sát nhập Crimée tháng 3/2014, là một liên minh quân sự Mỹ-Nga chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, cũng như là giảm hoạt động quân sự của NATO sát biên giới Nga.
Lễ nhậm chức của Donald Trump hôm thứ Sáu 20/01/2017 đã được các phương tiện truyền thông nhà nước Nga tập trung đưa tin đầy đủ, thậm chí còn không đếm xỉa đến các tin tức thời sự ở chính nước Nga.

Guennadi Gudkov, một cựu dân biểu nổi tiếng là chống Putin đã xem đấy không khác gì một hiện tượng gọi theo tiếng Pháp là « Trumpomania », nói nôm na là « hội chứng cuồng Trump ».

Hãng tin Anh Reuters đã lược qua nhiều dấu hiệu về chứng « cuồng Trump » này :
Chính quyền Nga đã cho đúc một loại tiền xu kỷ niệm bằng vàng và bạc, bên trên có khắc khẩu hiệu « In Trump We Trust - Chúng tôi tin vào Trump, mô phỏng phương châm xuất hiện trên đồng đô la Mỹ « In God We Trust – Chúng tôi tin vào Chúa ».

Trong các cửa hiệu, người ta đã bày bán những con búp bê matriochka bằng gỗ lồng vào nhau nổi tiếng của Nga, với hình tượng Donald Trump, để bổ sung cho những con búp bê có hình Vladimir Putin, hay trước ông là các lãnh đạo Liên Xô như Mikhail Gorbachev, Stalin hay Lenin.
Một cửa hàng bán đồ thặng dư quân sự Nga nằm ngay trước mặt của đại sứ quán Hoa Kỳ đã phát động một chiến dịch quảng cáo giảm giá 10% cho tất cả các nhân viên cơ quan ngoại giao nhân dịp lễ nhậm chức của Donald Trump .

Các thành phần dân tộc chủ nghĩa Nga cũng không thua kém. Họ tổ chức một lễ hội được cho là kéo dài suốt đêm bên trong tòa nhà mà thời Liên Xô, được dùng làm bưu điện chính của thủ đô Matxcơva. Họ sẽ trình bày bộ ba yêu thích của mình, đặt cạnh nhau ảnh của tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen.
Một trong những nhà tổ chức sự kiện, Konstantin Rykov, một cựu dân biểu thân Putin đã giải thích trên các mạng xã hội Nga là nên chào mừng một cách long trọng sự ra đời của một « trật tự thế giới mới ».
Nhân vật này không ngần ngại tiên đoán « Rồi thì Washington sẽ sớm thuộc về ta". - RFI

5.
Trung Quốc khuyến cáo Nhật Bản không được xen vào chuyện Đài Loan --- Bắc Kinh dùng du khách Trung Quốc làm vũ khí gây sức ép

Bình luận về cuộc tập trận của quân đội Nhật Bản, theo kịch bản Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 22/01/2017 yêu cầu Tokyo không nên nhúng tay can thiệp vào « chuyện nội bộ của Trung Quốc ». Đài Loan cũng đang tiến hành một cuộc tập trận bằng đạn thật « với qui mô lớn nhất » theo kịch bản chận đánh một cuộc đổ bộ từ Hoa Lục.
Theo Kyodo, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh yêu cầu Nhật Bản « thận trọng trong lời nói và hành động » vì Đài Loan là « chuyện nội bộ » của Trung Quốc. Tokyo không nên có « động thái phá hoại hoà bình ».

Hãng Kyodo, trong bản tin ngày 18/01 cho biết, từ ngày 22 đến 26/01, bộ Quốc Phòng Nhật sẽ tiến hành một cuộc diễn tập, nhưng trên máy tính, chiến thuật đối phó với tình huống xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và Đài Loan, để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh quốc gia.
Trước khi bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản ứng, bộ Quốc Phòng nước này cho biết « kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích » làm hại quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Không hẹn mà gặp, cả Nhật Bản và Đài Loan đều tiến hành tập trận đương đầu với Trung Quốc. 
Theo AFP,  Đài Loan huy động hải lục không quân, nhảy dù, thiết giáp, hỏa tiển phòng không, tên lửa chống hạm. Hàng chục ngàn quân nhân trừ bị cũng tham gia. Cuộc tập trận bằng đạn thật, được thông báo « lớn nhất từ 10 năm nay » bắt đầu từ thứ tư tuần trước, tiếp theo một loạt động thái biểu dương lực lượng của Bắc Kinh bày tỏ bất bình trước thái độ trọng thị của lãnh đạo mới tại Washington đối với tổng thống Thái Anh Văn. - RFI

***
Với 6 triệu người sắp đi du lịch ở nước ngoài nhân dịp nghỉ Tết từ ngày 27/01/2017 tới đây, du khách Trung Quốc quả là một nguồn thu nhập đáng kể của  ngành du lịch các nước khác ở châu Á. Bắc Kinh biết rõ điều đó, và không ngần ngại dùng du khách Trung Quốc làm công cụ gây sức ép trên các chính phủ dám làm phật ý họ. Hàn Quốc và Đài Loan đang là nạn nhân của chính sách « ngoại giao du lịch » này.

Trường hợp Đài Loan là lộ liễu nhất. Theo hãng tin Anh Reuters, lượng du khách đến từ Hoa Lục đã giảm mạnh với tỷ lệ 36% kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn nhậm chức vào tháng Năm 2016. Trung Quốc luôn tố cáo nữ tổng thống Đài Loan là muốn giành độc lập cho hải đảo mà Bắc Kinh cho là lãnh thổ Trung Quốc.
Đối với các hãng du lịch Đài Loan, ý đồ gây sức ép của Bắc Kinh đã rõ như ban ngày. Chủ nhân một hãng du lịch Đài Loan đại diện cho một lobby vận động hành lang để tổng thống Thái Anh Văn cải thiện quan hệ với Trung Quốc đã thừa nhận với hãng Reuters : « Trung Quốc sử dụng du khách của họ như một vũ khí ngoại giao… Hiện có rất nhiều lo ngại rằng ngành công nghiệp du lịch Đài Loan sẽ không sống được nếu tình hình tiếp tục như thế này. »

Đài Loan không phải là nạn nhân duy nhất hiện nay của chính sách dùng du khách làm vũ khí ngoại giao của Trung Quốc. Ngành du lịch Hàn Quốc đã trở thành đối tượng bị Bắc Kinh tấn công từ khi Seoul đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ của mình.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc – xin giấu tên - cho biết là các hãng du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc đã tiết lộ với ông rằng Cục Du Lịch Quốc Gia Trung Quốc đã chỉ thị cho các công ty du lịch Trung Quốc cắt giảm các tour du lịch đến Hàn Quốc theo tỷ lệ tối thiểu là 20% từ tháng 11/2016 cho đến tháng 02/2017.
Theo quan chức này, Hàn Quốc đã mất đi hàng ngàn du khách tiềm năng sau khi Bắc Kinh bác bỏ tám đơn xin tăng chuyến bay charter giữa hai nước trong tháng Giêng và tháng Hai. Phía Trung Quốc giải thích rằng những biện pháp hạn chế các chuyên bay charter chỉ nhằm giảm bớt số lượng chuyến bay giá rẻ chất lượng thấp, vốn đã quá nhiều.

Dĩ nhiên là chính quyền Trung Quốc không đời nào thú nhận là họ đã tìm cách hạn chế khách du lịch đến Hàn Quốc hoặc Đài Loan để bày tỏ thái độ không hài lòng với đường lối của các chính phủ sở tại, mà cho rằng chính du khách Trung Quốc đã tránh đến hai nước đó.
Thế nhưng dụng tâm lợi dụng du khách để phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh đã lộ rõ ra ánh sáng khi xem xét hai ví dụ ngược lại là Philippines và Malaysia, với lượng du khách Trung Quốc tăng vọt trong thời gian gần đây.

Cả hai nước này đều đã công khai thể hiện ý muốn xích lại gần Trung Quốc, với hai chuyến thăm cấp Nhà Nước của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và thủ tướng Malaysia Najib Razak qua Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Đường lối của hai lãnh đạo này dĩ nhiên đã làm cho Bắc Kinh hết sức hài lòng, và hệ quả là lượng du khách Trung Quốc đổ vào hai nước này lập tức tăng vọt, nhờ một loạt biện pháp hành chánh như hủy bỏ cảnh báo du lịch, nới lỏng quy định cấp visa.
Du khách Trung Quốc đến Malaysia đã tăng 83% trong giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Mười Hai năm 2016, trong lúc lượng khách Trung Quốc du lịch Philippines cũng tăng 40% trong 10 tháng đầu năm 2016. - RFI

6.
Hoà đàm Syria khai mạc, phe nổi dậy từ chối đối thoại trực diện với Damas --- Khủng hoảng Syria: Nga làm chủ cuộc chơi

Đàm phán giữa phái viên của tổng thống Bachar al Assad và đại diện các nhóm nổi dậy mở ra vào hôm nay 22/01/2017 tại Astana, thủ đô Kazakhstan cho dù vào phút chót, các nhóm võ trang Syria từ chối đàm phán trực diện với chế độ Syria. Phe nổi dậy lên án Damas không tôn trọng thỏa thuận ngưng bắn ký kết hồi tháng 12/2016, sau trận Aleppo.
Theo AFP, phiên họp đầu tiên đã được ngoại trưởng Kazakhstan Kairat Abdrrakhmarov khai mạc. Phái đoàn chính phủ Syria và đại diện của đối lập võ trang ngồi chung quanh một chiếc bàn hình vành khăn.

Ngoại trưởng Kazakhstan kêu gọi hai bên « đàm phán với thực tâm thông hiểu lẫn nhau vì đó là con đường duy nhất dẫn đến hoà bình ».

Mục tiêu và tương quan lực lượng:
Sau chiến thắng Aleppo, chế độ Syria đến bàn hoà đàm trong thế mạnh. Đối diện là các tổ chức võ trang bị chia rẽ và hiện diện thưa thớt. Nhóm mạnh nhất là Ahra al-Cham tẩy chay hoà đàm. Hai tổ chức thánh chiến gồm Daech và Fateh al-Cham tên mới của Mặt trận al-Nosra ( trước đây là cánh tay nối dài của Al Qaida) không được mời.

Mục tiêu của hoà đàm Astana là củng cố thỏa hiệp ngưng bắn ký kết ngày 30/12/2016 cho đến nay vẫn thường xuyên bị vi phạm. Do vậy, thảo luận sẽ tập trung trên vấn đề quân sự. Đại diện chính trị của đối lập chỉ đóng vai trò làm cảnh.
Hàng chục thành viên phe nổi dậy đến Astana tham dự hoà đàm do ông Mohamed Allouche, nhà thương thuyết trưởng của đối lập Syria, làm trưởng đoàn.

Theo một thành viên đối lập, chính Thổ Nhĩ Kỳ thuyết phục các phe võ trang ngồi vào bàn đàm phán với Damas.
Hoà đàm Astana do Nga cùng Iran, đồng minh của Damas một bên và bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẩn đối lập võ trang, đồng bảo trợ. Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu gần như đứng bên ngoài,chỉ cử đại sứ tại Kazakhstan đến chứng kiến.

Nga một mình hưởng lợi nếu hoà đàm đạt tiến triển:

Từ Matxcơva , thông tín viên Muriel Pomponne phân tích :
Kazakhstan, nước cộng hoà cũ của Liên Xô tại Trung Á, theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ khó lòng từ chối đề nghị làm chủ nhà đón tiếp hoà đàm Syria. Đàm phán diễn ra tại một nơi cách xa địa điểm biểu tượng Genève để có thể gần Matxcơva hơn .

Bởi vì chính nước Nga là kẻ giựt dây. Tổng thống Putin áp đặt phải để cho Bachar al Assad tiếp tục cầm quyền. Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận. Một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ gần đây tuyên bố « muốn giải quyết hồ sơ Syria mà không có Bachar al Assad là một đòi hỏi không thực tế ». Đổi lại, vai trò và tương lai người Kurdistan, tạm thời bị bỏ quên.
Sau thất bại tại Aleppo, các nhóm nổi dậy bị mất thế thượng phong. Trước tiên là Thổ Nhĩ Kỳ, điểm tựa trước đây của đối lập võ trang, nay đã nghiêng theo Nga. Các quốc gia Ả Rập vắng mặt tại hội nghị Astana. Bên cạnh Nga, chính quyền Iran, đồng minh của Damas trở lại bàn cờ quốc tế trong thế mạnh, áp đặt nhịp độ thương lượng, bác bỏ sự tham gia của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, chính quyền Damas, được Nga ủng hộ mạnh mẽ, kêu gọi các nhóm nổi dậy buông súng và đang ước mơ tái chiếm toàn bộ lãnh thổ.
Rất có thể chính Matxcơva sẽ hạ nhiệt tham vọng của Bachar al Assad. Đối với Nga, ưu tiên số một là phải duy trì thỏa thuận ngưng bắn rồi sau đó để cho thủ lĩnh các nhóm võ trang tham gia tiến trình chính trị. Thực hiện được hai mục tiêu này sẽ là thành công ngoại giao rất lớn của Matxcơva." - RFI

***
Cho dù hội nghị tìm kiếm hòa bình cho Syria ngày 23/01/2017 do Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng bảo trợ, nhưng nhật báo Libération chỉ chú trọng vào trục Matxcơva-Damas–Teheran trong bài báo « Syria : Nga xây dựng lại thế giới của mình ở Kazakhstan ». 
Không phải tình cờ mà các bên đã chọn Astana làm địa điểm cuộc đàm phán đầu tiên giữa đại diện của chính quyền Damas và phe nổi dậy.

Về mặt quân sự Astana nằm rất xa trận địa Aleppo, nhưng nhìn từ góc độ chính trị thủ đô Kazakhstan lại rất gần với Matxcơva : điều đó có nghĩa là Nga đang làm chủ cuộc chơi để đem lại hòa bình cho Syria, như ghi nhận của Libération.
Trong khi đó, cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Hoa Kỳ đều « bị gạt ra ngoài » tiến trình vãn hồi hòa bình cho Syria. Chính xác hơn là Bruxelles và Washington chỉ cử đại diện đến « quan sát » cuộc đàm phán mở ra sáng nay ở thủ đô Astana. Điều ấy không cấm cản điện Kremlin một mực khẳng định rằng, cuộc họp Astana không « cạnh tranh với hội nghị Genève » và Nga không « áp đặt bất cứ điều gì ».

Libération không mấy lạc quan khi tìm cách trả lời câu hỏi : Người ta có thể chờ đợi gì ở cuộc họp hôm nay ? Bởi vì thứ nhất, chương trình nghị sự không được thông báo rõ ràng, thứ hai là ngay giữa các nhà bảo trợ cho chế độ Damas- là Nga và Iran-, còn quá quá nhiều bất đồng sâu rộng. Rõ rệt nhất là trong lúc Matxcơva muốn tạm dừng chiến dịch quân sự, thì ngược lại Teheran và Damas cùng muốn thừa thắng xông lên để đạt đến một « chiến thắng toàn diện », kiểm soát lại toàn bộ những vùng trong tay đối lập Syria.
Trở ngại sau cùng là khâu chuẩn bị cho một « cuộc tổng tấn công » nhắm vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Theo Libération, Nga ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của các lực lượng vũ trang Hồi Giáo Shia Iran đối với quân đội Syria. - RFI

7.
Thái Lan ủng hộ phá bỏ các đảo nhỏ trên Sông Mekong

Chính phủ Thái Lan ủng hộ một kế hoạch của Trung Quốc phá bỏ những đảo nhỏ và những bãi đá trên Sông Mekong trong khuôn khổ của một dự án kéo dài 10 năm để tăng tiến vận chuyển hàng hải từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến tỉnh Luang Prabang ở Lào.
Dự án có tên Kế hoạch Phát triển về Thủy lộ quốc tế trên sông Lancang-MeKong (2015-2025) được thành lập theo 3 giai đoạn, với một cuộc thăm dò sơ khởi, thiết kế, và đánh giá môi trường và xã hội.

Kế hoạch “cải thiện” lưu thông đường thủy bao gồm 630 kilômét từ Trung Quốc đến cột mốc biên giới 243 của Myanmar tới Luang Prabang nhằm giúp các tàu thuyền 500 tấn di chuyển qua lại khu vực này.
Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 2020, bao gồm việc cải thiện vận tải đường sông dài khoảng 259 kilômét, cũng như xây dựng các cảng hàng hóa và hành khách.

Tuy nhiên, kế hoạch được Nội các Thái Lan chấp thuận vào tháng 12 vừa qua đã bị giới bảo vệ môi trường thiên nhiên phản đối vì cho rằng việc phá bỏ những đảo nhỏ sẽ có “ảnh hưởng tai hại” lên đời sống hoang dã của các loài thủy sản và những cộng đồng địa phương.
Năm 2015 ước tính có khoảng 3,500 tàu chở hàng, phần lớn từ 100 và 300 tấn, chuyển hàng hóa tới Thái Lan.

Giới chức Thái Lan cho hay Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan đã thành lập một toán khảo sát sông và nhất trí cải thiện thủy lộ này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thành lập một kế hoạch cải thiện sự hợp tác và liên kết trong 6 nước của sáng kiến Hợp tác Lancang-Mekong bao gồm Trung Quốc, Kampuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trung Quốc cho vay 1,54 tỉ đô la và 10 tỉ đô la tín dụng để tài trợ hạ tầng cơ sở và cải thiện mạng lưới giao thông trong vùng Sông Mekong.

Giới bảo vệ môi trường nói kế hoạch mới nhất được đưa ra giữa lúc Sông Mekong đã phải đối mặt với những ảnh hưởng của việc xây đập, trong đó có 3 dự án thủy điện đã được Lào xây dựng hay đang trong vòng cứu xét ở hạ lưu Sông Mekong.
Quan tâm chính của các nhà bảo vệ môi trường tập trung vào một dải sông dài 1,6 kilômét được gọi là Khon Pi Luang-một dải các đảo và đá nằm rải rác, và là biên giới tự nhiên giữa Thái Lan và Lào ở quận Chiang Khnon thuộc Chiang Rai.

Kế hoạch cải thiện thủy trình trên Sông Mekong của Trung Quốc có trên 25 năm. Họ đã cho nổ những đảo nhỏ tại vùng hạ lưu và một chương trình phá những đảo nhỏ ở hạ lưu Sông Mekong đã diễn ra vào năm 2001, gần bang Shan của Myanmar.
Vào năm 2002, chính phủ Thái Lan dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhằm lấy lòng Trung Quốc, đã cho nổ các đảo thượng nguồn từ Khon Pi Luang.

Tuy nhiên chương trình này bị Bộ Quốc phòng Thái Lan ngưng lại vì ngại rằng sẽ có tranh chấp biên giới với nước láng giềng Lào. Biên giới Thái-Lào được đặt tại điểm sâu nhất của dòng sông. Phá hủy những đảo sẽ thay đổi lằn ranh biên giới có thể bất lợi cho Thái Lan.
Các nhà bảo vệ môi trường nói các đảo nhỏ đóng một vai trò trọng yếu trong môi trường sống của cá và là nơi sinh sống của 200 loài cá sống dọc theo dải sông này. - VOA

Tin Hoa Kỳ
8.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ủng hộ ông Tillerson làm Ngoại trưởng

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 23/1 chuẩn thuận đề cử của tân Tổng thống Donald Trump, chọn cựu chủ tịch công ty Exxon Mobil, Rex Tillerson, làm tân Ngoại trưởng Mỹ.
Cuộc biểu quyết với tỷ lệ 11-10, mỗi thành viên trong Ủy ban thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ ông Tillerson trong khi mỗi thành viên Dân chủ trong Ủy ban phản đối sự đề cử này.
Ông Tillerson dự kiến sẽ được xác nhận đảm trách vị trí Ngoại trưởng khi vấn đề được đưa ra trước Thượng viện gồm 100 thành viên. Phe Cộng hòa có 52 ghế, chiếm đa số tại Thượng viện. - VOA

9.
Tân Tổng thống Trump sắp bị kiện

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bị một cơ quan giám sát về đạo đức chuẩn bị nộp đơn kiện ông đã vi phạm một điều khoản trong Hiến pháp.
Nhóm Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (CREW) ở Washington cho biết họ có ý định nộp đơn kiện vào ngày thứ Hai tại tòa án liên bang ở Manhattan.

Điều khoản Hiến pháp cấm các cường quốc nước ngoài, bao gồm cả các chính phủ, tặng tiền hoặc quà cáp cho tổng thống mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Theo The New York Times, tờ báo đầu tiên tường thuật việc này hôm Chủ nhật, vụ kiện không nhằm đòi tiền bồi thường thiệt hại, mà thay vào đó yêu cầu tòa án ngăn tổng thống nhận tiền từ “các thực thể” nước ngoài.

Nhóm CREW nói vì ông Trump đã từ chối rút hoàn toàn khỏi doanh nghiệp riêng, nên “bây giờ ông đang nhận tiền mặt và các ưu đãi từ các chính phủ nước ngoài, thông qua các vị khách và các sự kiện tại khách sạn của ông, và thông qua các hoạt động cho thuê các tòa nhà và các giao dịch bất động sản có giá trị ở nước ngoài”.
Bà Sherri Dillon, một trong những luật sư của ông Trump, hồi đầu tháng này nói: “Khi Hiến pháp được viết ra, không ai có thể nghĩ rằng việc trả tiền hóa đơn khách sạn lại là một khoản thù lao”.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành CREW Noah Bookbinder cho biết: “Chúng tôi không muốn mọi chuyện đi đến mức này. Chúng tôi chỉ hy vọng Tổng thống Trump sẽ thực hiện các bước cần thiết để tránh vi phạm Hiến pháp trước khi ông nhận nhiệm sở”.
Ông Eric Trump, con trai ông Trump, nói với tờ New York Times rằng vụ kiện của CREW là “sự quấy rối hoàn toàn vì lợi ích chính trị”, và nói động thái này là “rất, rất đáng buồn”.

Gần đây, Tổng thống Trump cho biết ông đang lập ra một quỹ tín thác và hai con trai Donald Trump Jr. và Eric, cùng với một trong những giám đốc điều hành của Tổ chức Trump, sẽ điều hành các khoản phúc lợi kinh doanh toàn cầu của ông. 
CREW nói khi Tổng thống Trump ngồi xuống để đàm phán các thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác nhau, “người dân Mỹ sẽ không có cách nào để biết liệu ông có suy nghĩ về lợi nhuận của doanh nhân Trump hay không”.

“Tổng thống Trump đã đưa ra khẩu hiệu ‘Nước Mỹ hàng đầu”, ông Bookbinder nói. “Do đó bạn sẽ nghĩ rằng ông ấy muốn tuân thủ chặt chẽ điều khoản của Hiến pháp về thù lao, vì nó được viết ra để đảm bảo rằng các giới chức chính phủ của chúng ta nghĩ đến người dân Mỹ đầu tiên, chứ không phải các chính phủ nước ngoài”.
Ông Norm Eisen, một luật sư về những vấn đề đạo đức của chính quyền Obama, là một thành viên của nhóm pháp lý CREW. Ông nói với tờ Times rằng vụ kiện chính là cách để có được các bản sao khai thuế liên bang của ông Trump nhằm đánh giá đúng các giao dịch kinh doanh của tổng thống với các chính phủ các nước như Trung Quốc và Nga, và ông đang nợ họ bao nhiêu. - VOA

10.
Ông Trump ra lệnh ngưng thuê mướn công chức liên bang --- Ông Trump muốn đưa sản xuất trở về Mỹ --- Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh chính thức rút khỏi TPP

Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 ban hành lệnh ngưng thuê mướn nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang, một cách nhằm giảm bớt gánh nặng lương bổng và giới hạn quy mô guồng máy nhân sự trong liên bang.  
Chỉ thị của ông Trump thực hiện đúng cam kết của ông khi tranh cử.

Tổng thống cho biết các thành viên trong quân đội không nằm trong gói kế hoạch ngưng thuê mướn nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang vừa kể. Các vị trí trong lĩnh vực an toàn công cộng và sức khỏe công cộng cũng được nằm trong diện ngoại lệ.
Tân Tổng thống đã hứa sẽ có hành động giảm bớt bộ máy hành chính liên bang cồng kềnh và chỉ thị hôm nay có thể là bước đầu trong nỗ lực cắt giảm nhân viên chính phủ.

Lệnh do ông Trump ký hôm nay tương tự như bản ghi nhớ cựu Tổng thống George W. Bush ký khi bắt đầu nhiệm kỳ hồi năm 2001.
Trong năm 2015, chính phủ có 1,3 triệu nhân viên làm việc trong 372 cơ quan nhà nước với mức lương trung bình là 82,576 đô la/năm, theo thống kê của trang Federalpay.org.

Trước khi mãn nhiệm, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã gia tăng thuê mướn công nhân viên chức nhà nước trước khi ông Trump lên nắm quyền.
Những người nào được thuê mướn nhưng chưa chính thức bắt đầu làm việc có thể bị ảnh hưởng bởi chỉ thị ngưng thuê mướn công chức do Tổng thống Trump ban hành hôm nay. - VOA

***
Hôm thứ Hai, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gặp một nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ và cam kết cắt giảm đáng kể thuế má và các quy định. Ông nói ông muốn đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cắt giảm 75% các quy định. Có lẽ là hơn. Nhưng khoảng 75%. Có sự bảo vệ tốt hơn, theo một cách nào đó. Nhưng, khi quý vị muốn mở rộng nhà máy, quý vị sẽ được phê duyệt rất nhanh chóng”.
Ông Trump nói việc cắt giảm thuế và các quy định sẽ mang lại động lực cho các công ty ở Hoa Kỳ. Nhưng theo ông, những người đang tìm cách di chuyển các cơ sở của họ ra nước ngoài, thì sẽ bị áp đặt thuế biên giới trên bất kỳ hàng hóa và dịch vụ nào mà họ muốn mang trở về Mỹ để bán. 

Tổng thống Trump cho biết khi ông gặp các chủ doanh nghiệp lớn nhỏ, tất cả đều nói với ông rằng việc cắt bỏ các quy định là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Ông cam đoan sẽ không có đất nước nào có thể mở rộng kinh doanh hơn Mỹ.
Ông Trump nói cho dù có những cắt giảm lớn như ông hứa hẹn, nhưng sẽ vẫn có những bảo vệ về môi trường và an toàn được thực hiện, dù ông không cho biết chi tiết cụ thể. - VOA

***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa thực hiện một cam kết mà ông đưa ra trong quá trình vận động tranh cử, với việc ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thỏa thuận thương mại, vốn được coi là một trong những thành công quan trọng của cựu Tổng thống Barack Obama trong chính sách Á châu, được ký kết bởi 12 quốc gia.
"Điều chúng ta vừa mới làm là một điều vô cùng to lớn cho người lao động Mỹ," ông Trump nói khi đặt bút ký lệnh xóa bỏ sự tham gia của Mỹ trong hiệp định này.

Ông cũng cắt giảm ngân sách dành cho các nhóm quốc tế ủng hộ hoạt động nạo phá thai, và đóng băng việc tuyển dụng một số dạng công chức liên bang.

Lệnh của ông Trump đối với TPP được nhiều người coi là mang tính biểu tượng bởi hiệp định này chưa bao giờ được chuẩn thuận tại Quốc hội Mỹ vốn có nhiều phân rẽ.
Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông Trump chỉ trích hiệp định này là 'có nguy cơ trở thành thảm họa cho đất nước chúng ta' và nói nó gây hại cho ngành sản xuất Hoa Kỳ.

Ngày làm việc đầu tiên của chính quyền ông Trump khởi đầu với một loạt các lệnh của tổng thống, theo đó cho phép tổng thống bỏ qua Quốc hội để ra các chỉ thị mang tính ràng buộc pháp lý đối với các cơ quan liên bang, từ việc trang trí lại Tòa Bạch ốc cho tới chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Phân tích của Anthony Zurcher, BBC News, Bắc Mỹ
Tổng thống và thư ký báo chí cuối tuần qua đã phê phán báo giới và việc tường thuật lễ nhậm chức - sự đối địch này dĩ nhiên chi phối các hàng tít.

Nhưng đằng sau phòng họp, đảng Cộng hòa trong chính phủ và Quốc hội đang tập trung thúc đẩy nghị trình chính trị.

Tổng thống đã ký sắc lệnh về thương mại và phá thai hôm thứ Hai.
Các ủy ban quốc hội sẽ sớm đưa ra luật về thuế và y tế. 

Sự khởi đầu không suôn sẻ của Tổng thống Trump khiến một số người tự hỏi liệu tổng thống có đang làm lãng phí quyền lực, vốn thường ở đỉnh cao trong vài tháng đầu của nhiệm kỳ.

Nhưng quyền lực mạnh hay yếu là do bản thân ta. Thách thức thật sự cho sức mạnh của ông Trump sẽ không phải là các trang báo về Twitter, các bài phát biểu ngẫu hứng, mà sẽ là các chính sách và luật pháp.
Mặc dù có thể thấy dễ xem thường các bước đi của ông Trump, nhưng nếu phe bảo thủ tiếp tục lấn tới trong sự hỗn loạn, họ có thể lại dần dần thích phong cách độc đáo của tân tổng thống. - BBC

Tin Việt Nam
11.
Tân Sơn Nhất ‘như cái chợ’ ngày cận Tết

Những ngày cận Tết, Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất Việt Nam, oằn mình “gồng gánh” hàng trăm ngàn người Việt ở hải ngoại về quê ăn Tết. Và nếu mỗi một người Việt đáp xuống Tân Sơn Nhất lại có một gia đình 6, 7 hoặc 10 người ra đón, thì sân bay này trở nên quá tải, tạo tình trạng chen chúc mà theo mô tả của một số tờ báo, là “từ trong ra ngoài và cả từ trên trời xuống mặt đất.”
“Lò lửa” tại phi trường 
Trả lời phỏng vấn VOA qua điện thoại, từ Sài Gòn, bà Lê Thu Hằng, quyền Vụ Trưởng Vụ Thông Tin Văn Hóa của Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết ước tính “hàng trăm ngàn Việt kiều” về ăn Tết trong dịp Tết năm nay.

Trong vài tuần cuối cùng của năm âm lịch, lượng hành khách lớn dồn về cộng với lượng người đến đón đông gấp 6-7 lần đã biến các khu vực chờ đợi của phi trường Tân Sơn Nhất thành “một biển người,” theo mô tả của một số Việt kiều. Thậm chí, có người ví nơi đây như một “lò lửa” vì không khí trở nên ngột ngạt trong không gian dường như bị co hẹp lại khi lượng người liên tục tăng lên.
Vài trăm ghế ngồi ở khu chờ đợi luôn kín người, khiến hàng ngàn người khác phải đứng lố nhố hoặc ngồi vật vờ trên sàn. Xen vào khung cảnh này, đây đó có những nhóm người bày thức ăn, nước uống ra sàn để “tiếp sức” cho cuộc marathon chờ đợi.

Cảnh chen lấn xô đẩy thỉnh thoảng lại diễn ra, khi người đến sau cố tìm chỗ đứng hoặc ngồi chờ gần cửa ra để dễ đón người thân. Ngược lại, có những người đã đứng ở hàng đầu ngay sát cửa lại phải “tháo chạy” ra ngoài vì ngộp thở giữa biển người.
Cảnh tượng này diễn ra từ gần 10 giờ tối cho tới tận hơn 2 giờ khuya, khoảng thời gian có nhiều chuyến bay quốc tế hạ cánh nhất.

Một Việt kiều, không nêu tên, nhận xét rằng Tân Sơn Nhất những ngày này "đông khiếp đảm, như một cái chợ,” và “nhếch nhác, bẩn thỉu nhất trong tất cả các sân bay trên thế giới này."
Trong khi đó, ông Phan Thành, 63 tuổi, người gốc Việt sống tại Canada, thì cho rằng những gì diễn ra ở Tân Sơn Nhất “không phải chuyện lớn.” Ông nói với VOA: “Có đông khách về vì máy bay dồn dập xuống nhiều quá. Chuyện chờ ở sân bay như thế tôi cho là cũng bình thường, không lớn lao gì. Anh chị em lâu lâu về một lần nhìn thấy cũng không bằng nước ngoài, kiểu như vậy. Nói chung, nếu so phi trường mình với bên Mỹ hay Canada thì có khác.”

Vẫn theo ông Thành, người “ra vô Việt Nam” đông hơn nên “phi trường có thể gọi là tắc hơn một chút; đặc biệt ngày gần Tết cũng có sự chật chội hoặc điều không hài lòng.”
Tân Sơn Nhất ‘quá tải’

Để tìm hiểu con số thống kê chính thức về số hành khách và số chuyến bay đáp xuống Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cận Tết, VOA liên lạc với giới chức phi trường và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Tuy nhiên, hai cơ quan này từ chối trả lời qua điện thoại.

Ông Đặng Tuấn Tú, Giám Đốc Cảng Hàng Không Tân Sơn Nhất, nói: “Chúng tôi không cung cấp [thông tin] trên điện thoại cái kiểu như thế này. Dữ liệu thì báo chí [trong nước] có hết rồi, đăng báo hết rồi. Báo chí nó đăng là chính xác.”
Thông tin cập nhật trên báo chí trong nước dẫn lại giới chức hữu trách cho hay, ở thời điểm bình thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 17.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam qua cửa ngõ Tân Sơn Nhất. 

Trong những ngày cao điểm giáp Tết, giới chức phi trường ước tính mỗi ngày có trên 150 chuyến bay hạ cánh với lượng người nhập cảnh tăng lên hơn 20.000 mỗi ngày. So với dịp Tết năm ngoái, số chuyến bay tăng thêm 20 chuyến, còn số khách tăng hơn 5.000. 
Đa số hành khách là Việt kiều từ nước ngoài trở về đón Tết Đinh Dậu 2017. Chị Lê Chi Pha thuộc hãng hàng không Asiana nói với VOA: “Lượng hành khách là Việt kiều Mỹ về với Asiana tăng lên rất nhiều. Một ngày có đến 2 chuyến bay từ Los Angeles về. Từ San Francisco, từ Seattle, Chicago, rồi New York nữa. Đường bay bên Mỹ khá đông. Hầu như chuyến nào cũng bị overbooked [số vé bán ra nhiều hơn số ghế ngồi].”

Số người về nhân lên cho 6, cho 7, thậm chí cho 10, sẽ thấy Tân Sơn Nhất kẹt ra sao. Anh Danny Huỳnh, từ Mỹ về, nói với VOA: “Người Việt Nam mình một người đi 10 người đón. Thường là lên đón khoảng chừng 6, 7 người. Số người đi rước đông dữ lắm, rất đông.”
Ngày 21/1, trả lời báo chí trong nước, Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải Tp. HCM, Trần Quang Lâm, cho biết “nhiều lực lượng” sẽ túc trực từ sáng sớm đến 11 giờ khuya để giải quyết tình trạng kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm Tết.

Ông Lâm cảnh báo: “Từ 26 Tết [23/1] trở đi mới đông, 800 chuyến bay mỗi ngày. Dự báo những ngày tới khu vực này ùn tắc rất cao, nhất là vào chiều tối".
Hồi đầu tháng Giêng, báo chí Việt Nam dẫn lời Cục Trưởng Cục Hàng Không, Lại Xuân Thanh, cho hay phi trường Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải cả trên trời lẫn dưới mặt đất. 

Năm 2016, Tân Sơn Nhất đón 33 triệu hành khách. Con số này cao hơn gần 30% so mức tính toán cho năm 2020. 
Trước nhu cầu cấp bách về nâng công suất hoạt động, ngày 20/1, một phương án chi khoảng 19.700 tỷ đồng (khoảng 860 triệu đôla) được đề xuất nhằm mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Nếu được phê duyệt, thời gian xây dựng sẽ kéo dài 3 năm, sau đó phi trường sẽ đón được 43-45 triệu hành khách/năm.

Thủ tục ‘hơn một tiếng’

Tùy vào thời điểm hạ cánh, không phải hành khách nào cũng phải chứng kiến cảnh đông nghẹt người đón ở sảnh.
Hầu hết hành khách đều mất khoảng một tiếng đồng hồ, hoặc hơn, để làm thủ tục nhập khẩu và nhận hành lý. 

Anh Giang Đoàn, 42 tuổi, từ Texas, Mỹ, trở về vào tối 6/1, nói với VOA: “9h45 hạ cánh. Tới thứ tự, cứ theo thứ tự, ra lấy hành lý xong rồi xách ra chừng khoảng 11h kém.”
Ông Lê Đăng Nguyên, 77 tuổi, đáp chuyến bay từ California về, hạ cánh lúc 11h đêm, nói “chờ lấy hành lý lâu chút xíu. Chắc phải 45 phút, 1 tiếng gì đấy.”

Đặc biệt, khi các chuyến bay hạ cánh dồn dập, nhiều người kể lại thời gian làm thủ tục lên đến 2 tiếng đồng hồ, tính từ lúc rời máy bay cho đến khi ra được đến bên ngoài phi trường.
Thời gian gần đây, báo chí trong nước và một số trang mạng xã hội cá nhân đăng thông tin về nhân viên xuất nhập cảnh hoặc hải quan phi trường “gây khó dễ” đối với hành khách. Họ cho rằng điều đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến thời gian làm thủ tục bị kéo dài.

Trở về Mỹ hôm 9/1, một Việt kiều đề nghị không nêu tên chia sẻ với VOA câu chuyện của ông. Người đàn ông sống ở một bang miền tây Hoa Kỳ kể rằng tại phi trường ở Việt Nam, ông đưa cho nhân viên xuất nhập cảnh cùng lúc hai hộ chiếu của vợ chồng ông. Một nhân viên nói ông “không được trình hộ chiếu chung.” Ông nêu thắc mắc và được đáp lại: “Vì anh chị không nhét tiền vào hộ chiếu, mọi người phải nhét tiền vào hộ chiếu.”
Ông cho biết “không thèm đôi co, chỉ tổ mất thời gian” và kiên quyết “không nhét 1 đồng xu lẻ nào.”

Cũng theo lời ông, trước đó, trong chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, ông chứng kiến hai hành khách Việt Nam ngồi ngay sau ông bàn với nhau về việc nhét tiền vào hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh ở phi trường.
Việt kiều này cho rằng không nên “đồng loã với thói xấu này nữa.” Ông kêu gọi “đừng ai nhét tiền đút lót” cho nhân viên xuất nhập cảnh, vì “không việc gì mình phải nhét tiền cho họ.”

Không như tình huống của câu chuyện trên, gần 10 Việt kiều khác trả lời phỏng vấn VOA, nói “không thấy có vấn đề gì về thủ tục.”
Mới trở về từ Texas, Mỹ, ông Út Hồ, 63 tuổi, cười và đưa ra nhận xét: “Hồi xưa bết lắm, giờ lên ngon lành rồi. Cũng qua phản ảnh của báo đài, bây giờ người ta thay đổi thái độ rồi. Chứ nếu làm căng thì ai tới đây du lịch nữa.”

Ông Phan Thành, Việt kiều Canada, đồng tình: “[Bây giờ] không còn như hồi xưa nữa. Tôi có người em bên Úc về, nói ngạc nhiên quá, tại sao không có ai soát gì hết trơn, không ai hỏi gì hết trơn.”
Không cần lo về taxi?

Từ phi trường, chỉ còn một điều nữa phải làm để hoàn tất chuyến về thăm nhà, đó là vượt qua quãng đường từ sân bay về nhà.
Sự mỏi mệt sau chuyến bay dài, một chút khó chịu do thời gian làm thủ tục lâu dường như tan biến khi những người trở về gặp được người thân. 

Niềm hạnh phúc sau bao ngày xa cách trào dâng, xóa tan những cảm xúc tiêu cực ít phút trước đó. Anh Giang Đoàn nói, khi gặp lại gia đình, anh “quên cả thời gian,” “ngồi chuyến bay mệt mỏi, thành ra ra đến cửa là mừng. Gia đình gặp nhau là lên xe về thôi, gặp nhau vui quá, lên xe về đến nhà cũng không nhớ thời điểm về đến nhà là mấy giờ nữa.”
Tương tự anh Giang, hầu hết người Việt hải ngoại về thăm nhà đều được người nhà thuê xe đón rước, không chỉ những người có quê ở các tỉnh khác mà ngay cả người ở Sài Gòn cũng vậy.

Một số chọn đi bằng taxi thông thường hay các loại dịch vụ chở khách kiểu mới, là Uber hoặc Grab. Ông Út Hồ, Việt kiều từ Mỹ, nói về kinh nghiệm riêng: “Tôi về thì con đăng ký trên điện thoại của tôi. Tôi muốn đi đâu thì gọi Uber hoặc Grab. Giá bằng nửa giá của xe ngoài. Uber và Grab tăng vào những giờ kẹt xe, những giờ cao điểm. Giá hiện lên, anh chịu thì anh đi. Có thể là tăng gấp đôi.”

Người chưa quen dùng Uber hay Grab lo lắng rằng khi nhu cầu đi lại tăng cao, có thể khan hiếm taxi thông thường và giá cả cũng tăng lên. Bên cạnh đó, họ sợ một số tài xế tìm cách gian lận để tính tiền cao hơn.
Nhưng ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp Hội Taxi Tp. HCM đưa ra lời trấn an. Ông nói với VOA: “Riêng taxi Vinasun không có thay đổi giá. Tài xế thì tôi có app quản lý nên không thể trục lợi được. Hãng nào cũng có thể có tài xế xấu. Nhưng mà đối với Vinasun, vừa rồi có phát hiện trường hợp tương tự như vậy thì thậm chí tụi tôi bắt tài xế mang tiền đến nhà trả cho khách hàng, xin lỗi khách hàng, đi cùng cán bộ công ty. Làm vậy cho nó chừa đi.” - VOA

12.
Tiếp tục biểu tình đòi bồi thường vụ Formosa

Hai cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại thỏa đáng do thảm họa môi trường biển mà nhà máy thép Formosa gây nên nổ ra hôm nay 23 tháng Một ở khu vực miền Trung.
Một cuộc biểu tình của giới tiểu thương chợ Lộc Hà trước Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Số tiểu thương này cho biết họ biểu tình đòi bồi thường thiệt hại cho lượng hải sản tồn kho mà cơ quan chức năng yêu cầu họ mua cho ngư dân.

Trong khi đó người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng tiến hành biểu tình chặn quốc lộ 1A.
Lý do được một người dân miền trung nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thảm họa môi trường biển mà Formosa gây nên cho biết:

“Quảng Trạch hôm nay nổi dậy cũng vì đền bù tôm cá không thỏa đáng: chỉ đền bù cho những người có tàu bè ra biển, còn những người ở cạnh đó vì thảm họa môi trường không làm ăn gì được mà không được đền bù đến nơi đến chốn như đã hứa hẹn.”

Vào đầu tháng tư năm ngoái, hằng chục tấn cá, hải sản chết đồng loạt tấp vào bờ dọc ven biển 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.
Nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Hà Tĩnh đến cuối tháng 6 công khai thừa nhận xả hóa chất độc hại ra biển gây thảm họa môi trường và hứa bồi thường 500 triệu đô la để khắc phục.

Khoản tiền này được giao cho chính phủ Hà Nội và cơ quan chức năng thông báo đối tượng, thời gian bồi thường. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân vấn đề bồi thường bị chậm trễ và không thỏa đáng nên dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và mới nhất là hai cuộc vừa nêu tại Hà Tĩnh và Quảng Bình trong ngày 23 tháng Một. - RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét