Bà Trần Thị Nga (áo đỏ) bị công an đọc lệnh bất giam hôm 21/01/2017.
Hình thính giả gửi RFA
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Châu Á hôm nay 24/1 công khai trên mạng xã hội Facebook của cơ quan này quan ngại về việc chính quyền Hà Nội bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền và dân oan, bà Trần Thị Nga.<!>
Bà Trần Thị Nga, còn biết đến với tên Thúy Nga, hôm 21/1 vừa qua bị công an bắt giữ ngay tại tư gia ở tỉnh Hà Nam, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo điều 88 Bộ Luật Hình.
Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Châu Á, Điều 88 Việt Nam dùng để buộc tội vi phạm an ninh quốc gia và mức án tù có thể từ 3 đến 20 năm.
Điều khoản này còn cho phép công an biệt giam bà Trần Thị Nga trong suốt thời gian điều tra mà có thể dẫn đến nhục hình vi phạm Công ước Chống Tra tấn mà Việt Nam phê chuẩn vào tháng Hai năm 2015.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Châu Á nhấn mạnh trong những năm qua từng lên tiếng đối với một số trường hợp tương tự liên quan đến bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Năm ngoái, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, kêu gọi Chính phủ Việt Nam bãi bỏ các điều luật vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế gồm các Điều 88, 79, 87 và 245 và 258 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Các tổ chức Xã hội Dân sự lên tiếng
Cũng liên quan đến vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, 16 tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập và hơn 500 cá nhân trong và ngoài nước hôm qua 23/1 đã cho công khai một bản tuyên bố khẩn cấp với nội dung khẳng định trong những năm qua bà Trần Thị Nga kiên định đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người cũng như cho xã hội Việt Nam tiến bộ, dân chủ, văn minh và cường thịnh.
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập và những người ký tên xác định việc làm của bà Trần Thị Nga hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam; đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Nga cũng như chấm dứt mọi hành vi đánh đập, xúc phạm trong thời gian giam giữ và sau khi trả tự do đối với bà Nga.
Một vài nhà hoạt động khác còn lên tiếng đòi đi tù thay cho bà Trần Thị Nga như facebooker Hoàng Dũng, Bạch Hồng Quyền.
Bà Trần Thị Nga, 40 tuổi, từng là công nhân xuất khẩu ở Đài Loan. Bà lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho những công nhân bị lừa khi đi lao động nước ngoài.
Bà Nga cũng đồng hành cùng những người dân bị mất đất đai, nhà cửa một cách bất công. Bà tham gia hoạt động của một số nhóm xã hội dân sự độc lập và có mặt trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông.
Bà Trần Thị Nga từng bị hành hung đến thương tích hồi giữa năm 2014 ở Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét