Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Lá Thư Úc Châu Chúc Mừng Năm Mới Trang Thơ Nhạc Mừng Xuân - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhac: 4 mùa qua
1. Phượng Nhớ Hoàng: Vũ Đức Sao Biển - Đông Đào
<!>
2. Ngày Xưa Hoàng Thị: Phạm Duy - Phạm Thiên Thư - Thái Thanh
3. Cõi Buồn: Anh Bằng - Hương Lan
4. Xin Còn Gọi Tên Nhau: Trường Sa - Lệ Thu
Tình thân

NNS
.............................. .............................. .............................. ............

I. Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Ts Jonathan London: Thư gởi Việt Nam
(BBC: Trước giờ tổng thống tân cử Donald Trump lên nắm quyền, BBC giới thiệu bài của Tiến sỹ Jonathan London, người gốc Boston, 'Thư gửi Việt Nam' viết bằng tiếng Việt. Gs Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, nói và viết được Việt ngữ,  hiện làm việc tại Đại học Leiden, Hà Lan).
Chúng ta đang sống những ngày rất lạ, và rất tiếc phải nói rằng mỗi ngày một xa lạ hơn và không còn cảm giác an toàn như trước.
Vốn thường nghi ngờ những lời lẽ đao to búa lớn, nhưng lúc này tôi lại đồng ý với nhận định rằng thế giới đang có nguy cơ rơi vào một cơn khủng hoảng sâu rộng chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II, riêng nước Mỹ thì rơi vào cơn khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ thời Nội chiến.
Đối với Việt Nam, nguy cơ bị tác động xấu là không thể coi nhẹ. Khác so với vài tháng trước, Việt Nam ngày nay không còn chỗ dựa ngoại giao "an toàn" nữa, ít nhất cho đến khi ẩn số Trump lộ diện. Trong không khí bất an đó, tôi xin chia sẻ vài ý kiến về thời cuộc với tư cách là một công dân Mỹ và là bạn của Việt Nam - một Việt Nam của cả dân lẫn người trong bộ máy, của cả những người nghi ngờ về từ diễn biến, tự chuyển hoá, tự này tự kia…
Về an ninh quốc phòng: Thứ nhất, về an ninh quốc phòng, các bạn hãy bình tĩnh. Dù Trump có vô số những động thái khác lạ, nhưng quan điểm an ninh ở Biển Đông khó mà có thay đổi lớn so với thới Obama. Riêng về quân sự và ngoại giao, "chế độ mới" hẳn sẽ mạnh bạo hơn.
Tuy nhiên, liệu bộ sậu của Trump có hành động đủ cẩn trọng hay không là một câu hỏi lớn cho tương lai. Lúc này chỉ có một điều chắc chắn là không có chuyện Mỹ rút lui khỏi biển Đông và khoanh tay trước những đòi hỏi bất hợp pháp của Tập Cận Bình.
Điều đáng chờ đợi, thậm chí rất đáng chờ đợi, là một số nhân vật trong bộ sậu của Trump. Chẳng hạn tướng Mattis (nick Chó Điên) được đánh giá là có trí tuệ và được tôn trọng từ lính đến sĩ quan. Trong khi đó, ông Rex Tillerson, ngoại trưởng mới được đề cử, vẫn còn là một ẩn số trong vấn đề Đông Á.
Tiếng hót mùa đông của Đỗ Nam Trăm
Tuần trước, phát biểu "cấm Bắc Kinh không được tiếp cận các đảo nhân tạo ở biển Đông" có lẽ là lời nói hơi thiếu thực tế, tuy nhiên nó là tín hiệu cho thấy ông không phải là người thuận theo Bắc Kinh. Hơn thế nữa, hợp đồng hợp tác dầu khí giữa ExxonMobil và Việt Nam mới ký tuần trước là một tín hiệu đáng ghi nhận khác (nhân tiện, cũng hy vọng rằng hợp đồng này không biến thành một vài căn nhà ở Tam Đảo).
Câu hỏi ở đây là liệu Mattis và Tillerson (nếu được phê chuẩn) cùng với những nhân sự khác của "chế độ mới" Hoa Kỳ có đủ năng lực cáng đáng nhiệm vụ hay không, và không kém phần quan trọng là khi cần họ có đủ ý chí lẫn trí tuệ để chống lại một Tổng thống độc tài như Trump hay không.
Còn Việt Nam thì sao?
Trong thời gian tới Việt Nam phải (và tôi tin sẽ) tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực. Tôi cũng khuyến nghị rằng dù "kẻ lừa bịp đầu mầu cam" nói gì đi nữa thì cũng hãy nhớ đại đa số các nước vẫn quyết tâm tìm kiếm một giải pháp an ninh bền vững cho Biển Đông.
Về kinh tế xã hội: Thứ hai là kinh tế, vì chúng ta chưa rõ Việt Nam có cơ hội gì mới trong thời kỳ hậu Obama, nên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt vẫn y như cũ. Tất nhiên khả năng lớn là sẽ không còn hiệp định thương mại đa phương nữa. Ngay sau thắng lợi bầu cử (được Putin góp tay dàn dựng) của Trump, ta đã thấy cả Tập lẫn Abe đều đua nhau lấp đầy không gian mà Mỹ đã chiếm.
Với tổng giá trị của xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ chiếm tới 20% GDP thì Mỹ là mối quan hệ kinh tế mà Việt Nam không thể bỏ qua. Trong khi đó, hai nước (dù Trump hoặc ai cầm quyền) vẫn còn chia sẻ những quyền lợi kinh tế xã hội. Vì thế tôi khuyến nghị Việt Nam cứ tiếp tục nỗ lực tái cấu lại nền kinh tế, đầu tư vào giáo dục sao cho hiệu quả hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân càng nhiều càng tốt.
Muốn Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn, hãy chọn con đường chính đại.
- Hãy dũng cảm và sáng suốt để bảo vệ người lao động Việt Nam.
- Hãy dứt khoát nói không với những dự án không đảm bảo môi trường.
- Hãy hiểu và biết quý trọng giá trị câu '"dân cần nước sạch".
Làm như thế thì Việt Nam mới có lực để 'chịu phát triển' bền vững, và có chất lượng hơn so với những năm gần đây.
Về giáo dục: Cải cách giáo dục cách khác so với trước— không chỉ nói suông mà không chỉ xem ngành là ngành hành chính: phải thực sự coi trọng, phát triển năng lực lẫn tinh thần sáng tạo của nhà giáo, nhà nghiên cứu, và toàn xã hội - và không chỉ những người mà đang ở đọ tưởi trẻ. Phải thực sự sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện, và thi nhiệm với những cách dạy hiện đại, phương pháp sư phạm mới. Mừng để thấy hiện nay đang có những nỗ lực về vấn đề này.
Quan trọng là những nỗ lực tiếp tục được để mạnh trong khi đó cách giới thiệu những ý tưởng, phương pháp được nghiên cứu, điều chỉnh và khuyến kích. Những cải cách này không thể mang tính 'hành chính' mà phải đưa sâu vào thình thần của giáo dục ở mọi bậc học và kể cả ngoài ngành. Thị trường dĩ nhiên có vai trò của thị trường, nhưng không có nghĩa là phải hy sinh giáo dục phi lợi nhuận như chúng ta đang thấy. Đừng lạm dụng làm giầu bằng thương mại hoá mọi thể loại giáo dục. Việc những trường đại học phi lợi nhuận có tôn chỉ hoạt động dựa trên giá trị của những vĩ nhân như Phan Chu Trinh đang bị doạ đóng cửa, đang bị doạ bán là những sự kiện cực xấu.
Hãy đừng lấy PISA hoặc đào tạo ra vài nhà toán học thực giỏi làm thước đo. Tinh thần sẵn sàng đầu tư cho giáo dục của con cái sẽ vô cùng lãng phí nếu chúng ta (tức là cộng đồng nhà giáo và người dân) không đòi hỏi và xây dựng được một hệ thống giáo dục thực sự phản ánh tinh thần cởi mở, phản biện, khoa học.
Nếu không thế, chúng ta không có cơ sở gì để kỳ vọng đất nước Việt Nam cất cánh. Trong thời gian bất trắc này thì tốt nhất Việt Nam phải tìm cách để khắc phục những trở ngại còn lại để thực sự cải cách và đẩy mạnh nỗ lực cải cách.
Về chính trị, xã hội, và tương lai: Nguyên nhân nước Mỹ có "một kẻ lừa bịp mị dân lên nắm quyền" bắt nguồn từ những sai lầm của chính quyền Mỹ suốt 40 năm qua: mức sống của người lao động không được cải thiện cộng với sự suy yếu của nền tảng dân chủ do…. quyền lực nhóm!!! Một nguyên nhân khác là chiến lược tranh cử của bà Hillary thiếu hấp dẫn, phản ánh bằng việc 1 tỷ đôla đã bỏ ra mà vẫn thua.
Dù nền dân chủ Mỹ có nhiều vấn đề từ lâu, nhưng Mỹ đến ngày hôm nay vẫn được coi là một nước tiêu biểu cho dân chủ và những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do. Tôi thừa nhận khoản khắc giữa những nguyen tắc dân chủ ấy và tình hình thực tế ở bên Mỹ quá là báo động - cho đến mức tôi lo về tương lai về số phận của nước mình. Việc một "nhân vật có nét độc tài như Trump" thắng cử cộng với tình hình ở Châu Âu, Nga v.v. dấy lên lo lắng về tương lai của dân chủ không chỉ là ở Mỹ mà còn cả trên thế giới. Nhưng dù vậy, lý tưởng dân chủ vẫn luôn là nguồn cảm hứng. Vấn đề chỉ là bảo vệ và thúc đẩy như thế nào trong tình hình báo động của hôm nay. Ở đây vẫn phải lạc quan về Việt Nam. Hiện nay người dân Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến số phận của đất nước mình.
Thủ tướng VN: 'Không đổi mới là chết'
Và đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam từ thời Pháp đến nay:tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị. Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết.
Dù không loại trừ khả năng "Ngài/kẻ lừa bịp mị dân sắp vào Nhà Trắng" có thể gián tiếp đem lại lợi ích cho Việt Nam, chúng ta có đủ lý do để lo ngại về những kịch bản trước mắt có thể xảy ra của khu vực cũng như trên thế giới.
Trong tình trạng bất an hôm nay, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi, tham gia đóng góp và ra sức thúc đẩy một xã hội dân chủ hơn, văn minh, minh bạch, công bằng, và có trật tự.
Tôi nghĩ rằng dù ở Việt Nam hay ở Mỹ hay bất cứ ở nơi nào trên trái đất, những nỗ lực phát triển xã hội thể theo nguyện vọng Dân chủ và Nhân văn vẫn là vấn đề cốt lõi và cần được khuyến khích hơn bao giờ hết. (JL, Hà Nội)
*** Ts Nguyễn Thị Từ Huy (RFA): Thư cảm ơn Jonathan London của một người Việt Nam
Trong những ngày giáp tết cổ truyền này chắc không ai muốn nói chuyện buồn, chắc không ai muốn nói giọng bi quan, tôi cũng vậy. Vì thế, khi đọc được « Thư gửi Việt Nam » của người Mỹ Jonathan London, tôi được truyền một cảm hứng lạc quan để viết bài này, tất nhiên, như mọi khi, về chủ đề chính trị, vì blog của tôi, như mọi người hẳn đã lưu ý, là một blog chính trị.
Jonathan London, trong bài blog của mình, đã gián tiếp nêu lên một vấn đề cốt lõi cho quá trình dân chủ hoá Việt Nam : Việt Nam chỉ có thể dân chủ hoá khi người Việt có nhu cầu về dân chủ. Người Việt có nghĩa là đa số người Việt Nam, chứ không phải chỉ là một thiểu số như hiện nay. Tôi trích nguyên văn phát biểu của Jonathan London : « Và đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam từ thời Pháp đến nay: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị. Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết. »
Nếu chúng ta trung thực với chính mình thì chúng ta sẽ phải nói thật rằng: hiện nay dân chủ hoá chưa phải là nhu cầu của đa số chúng ta. Đa số vẫn chỉ đang dừng lại ở nhu cầu thoát nghèo và nhu cầu tiêu dùng. Tầng lớp trung lưu chủ yếu vẫn đang bị cuốn vào lô gic của xã hội tiêu thụ, và đặt mục tiêu kiếm tiền, nhưng chưa tự đặt cho mình nỗi băn khoăn về việc kiếm tiền theo cách nào và kiếm tiền để làm gì. Vì thế, một cách gián tiếp, Jonathan London dường như muốn nói rằng giới đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam nếu muốn cuộc đấu tranh có hiệu quả thì cần phải đánh thức nhu cầu dân chủ hoá ở mỗi người dân Việt Nam.
Giờ đây có lẽ chúng ta đã có đủ thời gian, đủ các điều kiện thực tế để thấy rõ rằng cuộc đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hoá Việt Nam không thể đi tới thành công nếu chỉ dừng lại ở phản ứng cá nhân hoặc phản ứng của các nhóm nhỏ, cũng không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở những phản ứng thiên về tố cáo chế độ, biểu lộ sự phẫn nộ, sự bất bình, sự căm giận chế độ…, hoặc mượn từ mà giới bình luận trên mạng vẫn hay dùng là « chửi ». Nhiều người đã nhận ra điều này, chẳng hạn nhà báo Song Chi đã viết không ít bài để nói rằng chửi không thể mang lại hiệu quả. Các phản ứng của các cá nhân hoặc của các nhóm nhỏ cũng không thể nào mang lại hiệu quả mong muốn. Những người dũng cảm đã phản kháng, đã vào tù, và đã ra tù… thực tế cho thấy rằng sự hy sinh của các cá nhân không thể nào đưa công cuộc dân chủ hoá tới kết quả cuối cùng.
Vậy cần làm gì để thành công trong việc mang các giá trị tự do, dân chủ đến cho Việt Nam ? Tôi vẫn bảo lưu cách nhìn nhận của mình : cần phải hình thành được các tổ chức chính trị lớn mạnh, các đảng phái chính trị lớn mạnh, hoạt động một cách chuyên nghiệp vì mục đích dân chủ hoá (chứ không phải để lật đổ chế độ cộng sản, xin mở ngoặc để nói thêm như vậy), những tổ chức có khả năng giúp hình thành nhu cầu dân chủ ở người dân và lôi cuốn sự ủng hộ của người dân cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước.
Điều đáng quý ở Jonathan London là ông đặt niềm tin vào người Việt, ông lạc quan tin rằng người Việt có mong muốn, có nhu cầu về dân chủ và sẽ hành động cho một Việt Nam dân chủ hoá.
Trước niềm tin của người bạn quốc tế ấy, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước sẽ làm gì ? Sẽ chứng tỏ rằng Jonathan London đã đặt niềm tin nhầm chỗ hay sẽ chứng tỏ rằng ông đã đúng khi tin tưởng ở người Việt Nam ?
Cá nhân tôi xin cảm ơn Jonathan London vì sự quan tâm của ông đối với đất nước Việt Nam và niềm tin mà ông đã dành cho người Việt Nam chúng tôi. (Paris, 24 tháng chạp năm Bính Thân tức 21/1/2017)

(ii) Ns Tuấn Khanh: Cho một người phụ nữ, tháng Chạp
Thật nhanh chóng, cuộc vây bắt người phụ nữ có hai đứa con nhỏ tại tỉnh Hà Nam mới diễn ra vào buổi trưa ngày 21/1, thì đến tối, người ta đã nhìn thấy hình ảnh video do công an đưa ra. Cơ quan này vội vã cho biết đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với chị, Trần Thị Nga, về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1999.
Cuộc vây bắt được chuẩn bị thật tươm tất và chu đáo, đã nhắm vào một người không hề trốn chạy và luôn nhìn thẳng, đối diện với mọi hình thức tàn bạo nhất. Cuộc vây bắt rầm rập và quá chuyên nghiệp đến mức người ta nhớ đến các cuộc ra đi khỏi Việt Nam một cách thư thả, của các quan tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh, mà tiếng hô vang truy tìm giống như một trò chơi trốn tìm của trẻ con.
Chị Nga bị bắt vào 24 Tết, tức chỉ còn vài ngày nữa là chị Nga và 2 đứa con nhỏ của chị là Phú và Tài sẽ cùng cùng nhau đón ông bà, cùng nhau đón một năm mới. Họ sẽ có cơ hội để ôn lại những ngày tháng cả gia đình nhỏ bé đó bị công an đập cửa sách nhiễu, an ninh mặt thường phục đeo khẩu trang hành hung, thậm chí bị 6 người vây đánh chị Nga bằng gậy sắt đến gãy chân vào năm 2014.
Phú và Tài, hai đứa bé đã cùng mẹ lớn lên, có đủ cơ hội để học biết về bạo lực của ngành công an Hà Nam, lẫn sự phi nhân của người cầm quyền đã không chỉ nhắm vào chị Nga, mẹ của chúng, mà còn cả với chúng – những đứa trẻ đến trường và bị buộc phải học và yêu thương những kẻ tàn độc với mẹ của chúng .
Chị Nga không phải là người phụ nữ duy nhất bị đối xử bất nhân và quy chụp theo điều 88. Nhà cầm quyền đã kéo lê điều 88, 258, 79… đi khắp nước như những cái máy chém vô hình để chụp xuống bất cứ ai mà họ cảm thấy là nhân vật gây khó trong công cuộc gieo rắc toàn trị. Từ sau 1975 đến nay, có rất nhiều người phụ nữ với tiếng nói và tinh thần tự do, ôn hòa của mình đã trở thành cái gai trong mắt kẻ có quyền. Từ Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu… và hôm nay là chị Thúy Nga, tức Trần Thị Nga. Đất nước có bao giờ như thế này đâu?
Trong video mà công an đưa ra vào ngày 21/1, gương mặt chị Nga như cố ghìm lại mọi cảm xúc để không ai lợi dụng được hình ảnh yếu lòng của chị. Lúc đó, nỗi đau lớn nhất của chị chắc chỉ là nghĩ đến 2 đứa nhỏ. Tết này chúng sẽ đón ông bà và năm mới mà không có mẹ. Thậm chí chúng sẽ phải tập sống với những ngày mà mẹ chúng bị giam cầm, chúng phải tự lớn lên và học biết chung quanh chỉ là dối trá.
Nhìn vào video, những ai không biết, có thể nghĩ rằng chị Nga là một người hết sức mạnh mẽ và lạnh lùng.
Năm trước, trong một dịp chị vào Sài Gòn, khi ghé thăm Phú và Tài, tôi hỏi là dạo này công an còn làm khó chị không. Trong tíc tắc, tôi thấy chị như rùng mình, trở lại yếu đuối như mọi người đàn bà trên thế gian này cần được sự chở che. Chị nói “chúng vẫn đánh Thầy à”. Và khi hỏi về lúc chị bị những tên bịt mặt vây đánh đến gãy chân, mà chị đã nhận mặt rằng đó là những tên an ninh vẫn đuổi theo chị, chị nói mà ngấn nước mắt “lúc đó, em chỉ nghĩ đến làm sao che được cho 2 đứa con. Chúng có đánh chết em cũng được nhưng em phải che cho Phú và Tài”. Trên đường về, tôi tự hỏi mình rằng, nếu như tôi có mặt ở đó, chứng kiến tội ác, tôi sẽ làm gì?
Lịch sử chưa thể ghi hết và kể hết. Nếu Việt Nam có một Svetlana Alexievich để viết về thân phận của những người phụ nữ đầy sợ hãi nhưng quyết đứng lên để nói sự thật và tranh đấu cho những oan khiên kẻ khác, thì chắc chắn nhân loại sẽ phải rơi nước mắt với nhiều chương u uất của nước Nam, không thua vì những người phụ nữ Nga trong Đệ nhị Thế chiến hay từ sự cố Chernobyl.
Từ vị trí một người công nhân đi lao động hợp tác bị lừa đảo, và khi trở về, nhận ra những bất công xã hội chung quanh mình, chị Nga cũng như những người phụ nữ Việt Nam khác đã dấn thân, trở thành người xây dựng nền móng công lý và sự thật trong xã hội. Thật dễ nhận ra, ở đâu cũng vậy, khi một nhà nước kinh sợ công lý và sự thật, tìm cách trấn áp, thì chắc chắn đó là một nhà nước tăm tối và vô luân.
Thế kỷ 21, có những người phụ nữ Việt Nam đã nguyện thắp lên những ngọn đuốc soi sáng trong xã hội, cho tôi và cho cả các bạn vậy. Ánh sáng đó, đôi khi họ phải trả giá bằng đời người, bằng tù đày và cô đơn. Hôm nay, nếu các bạn và tôi phản bội lại ánh sáng đó, chúng ta không xứng đáng làm người, cũng không xứng đáng để tồn tại trong giống nòi Việt Nam.
*** Phạm Thanh Nghiên: Viết ngắn cho bạn
Bạn có biết người phụ nữ này không? Cô ấy tên là Trần Thị Nga, quê ở Hà Nam, tuổi Đinh Tỵ, tức là bằng tuổi tôi. Nhưng cô ấy hơn hẳn tôi về lòng can đảm và ý chí quật cường. Sau nhiều ngày bị khủng bố, đe dọa và quản thúc tại nhà, hôm nay cô ấy chính thức bị bắt đi tù, theo điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN”, tức là cũng bị cáo buộc chống lại cái thứ không có thật giống như tôi gần chục năm về trước. Điều 88, 79 và 258 đương nhiên là những điều luật cho phép nhà nước bắt người tùy tiện, trừng trị những con người không cùng chính kiến với chế độ. Nga có 4 đứa con trai, đứa thứ 3 chưa được 7 tuổi, đứa út mới lên 4 tuổi. Cả hai đứa đều gọi tôi là “mẹ”, một bà mẹ có lẽ giờ chúng không còn nhớ mặt, vì ít khi được gặp nhau.
Chỉ vì đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, chống lại những bất công xã hội mà Nga liên tục bị sách nhiễu, đe dọa, bị đánh đập, bắt bớ, bắt cóc và câu lưu trái phép. Không những thế, các con của Nga cũng luôn là mục tiêu tấn công của kẻ ác, kẻ xấu. Năm 2014, khi đang đi cùng hai con nhỏ, Nga đã bị những kẻ lạ mặt đánh đến gãy chân. Cô khẳng định thủ phạm của trận đòn thù này chính là công an. Năm 2015, một cuốn sách e-book về những phụ nữ đấu tranh cho quyền con người ở châu Á được tái bản. Cuốn sách bao gồm 17 chân dung của những phụ nữ quả cảm trong những quốc gia và vùng lãnh thổ mà nhân quyền bị đàn áp dữ dội. Trần Thị Nga và Đỗ Thị Minh Hạnh là hai phụ nữ Việt Nam vinh dự có tên trong cuốn sách này.
Nếu bạn xem những hình ảnh của phía truyền thông “lề đảng” ghi lại cảnh Nga bị bắt và bị giải đi, hẳn bạn sẽ cảm phục cô. Bị bao vây bởi một lực lượng đông đảo công an sắc phục lẫn thường phục, nhưng cô vẫn giữ được nét bình thản, điềm tĩnh và vô cùng tự tin. Hoàn toàn ngược lại, phe bắt người tỏ ra lo lắng, căng thẳng. Bạn hãy nghe đoạn cuối clip khi Nga bị còng tay và giải đi.
-THẾ À? OK… LÚC ĐẤY CÓ KHI XÃ HỘI ĐÃ THAY ĐỔI RỒI.
Tôi đoán rằng có thể khi ấy Nga bị nhân viên an ninh nào đó đe dọa và cô đã đối đáp lại như thế. Nếu cô ấy phạm tội thật sự, làm những điều bất trung bất nghĩa, liệu cô có giữ được vẻ đĩnh đạc và thần thái hơn người như thế không?
Trần Thị Nga, Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhiều người phụ nữ khác không làm gì sai nhưng vẫn phải ngồi tù. Bởi vì họ yêu con và mong cho con có những thứ tốt đẹp, những thứ tốt đẹp có được trong sự thẳng thớm và đàng hoàng. Ngoài Nấm và Gấu, hôm nay lại có thêm hai đứa trẻ bé xíu khác là Tài và Phú phải lìa xa mẹ. Tết năm nay, nhà của chúng không còn rộn rã tiếng cười.

(III) Dan Rather: Bình luận về buổi lễ nhậm chức của ông Donald Trump
Và nó đã bắt đầu.
Trong gần 20 lễ nhậm chức tổng thống mà tôi có thể nhớ, chưa bao giờ có một buổi lễ nhậm chức mà tôi cảm thấy như hôm nay. Thậm chí không có buổi lễ nào gần giống như vậy. Không bàn tới chuyện số lượng đám đông tham dự ít, hoặc hàng chục nhà lập pháp tẩy chay, hay thậm chí các cuộc biểu tình phản đối dự kiến diễn ra vào ngày mai, khắp nơi trên cả nước. Đó là những vở kịch trên sân khấu. Điều thực sự chưa từng xảy ra trong tâm trí tôi, là sự lo sợ của hàng triệu người Mỹ, đa số những người dân trên đất nước chúng ta, nếu các cuộc thăm dò là đúng, mà họ đang đối mặt hôm nay, đã phải vật lộn trong nỗi đau âm ỉ của sự sợ hãi.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đất nước tôi trong ngày tổng thống nhậm chức quá chia rẽ, quá lo lắng, quá sợ hãi, quá mơ hồ về hướng đi tới [trong tương lai].
Tôi chưa bao giờ thấy một sự chuyển giao quyền lực quá chia rẽ với việc chọn lựa nội các quá ngổn ngang, bừa bãi bởi những câu hỏi nghiêm trọng về khả năng chuyên môn và đạo đức như thế.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bóng ma của một kẻ thù bên ngoài, lẫn trong bóng tối ở các hoạt động của nền dân chủ của chúng ta.
Tôi chưa bao giờ thấy một tổng thống mới quá bận tâm để đối phó với sự thất thường dễ hiểu của những người bất đồng quan điểm và dường như không muốn đối mặt với đầy đủ trọng trách của công việc đầy quyền lực nhất thế giới.
Tôi chưa bao giờ thấy một sự phức tạp rối loạn về xung đột lợi ích như thế.
Mặc dù có cảnh phô trương về sự đoàn kết được trình diễn tại Capitol hôm nay, có một cảm giác nhức nhối mà chúng ta đang bước vào một chương mới trong câu chuyện tiến hóa của dân tộc, không hề giống câu chuyện nào đã từng được viết ra. Để chắc chắn, có hàng triệu người ủng hộ Donald Trump, là những người hào hứng với sự trỗi dậy của ứng cử viên của họ. Những cử tri khác bỏ phiếu cho Trump đã bày tỏ sự dè dặt, lắng nghe những lời lẽ đao to búa lớn so với đối thủ của ông ta trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng càng ngày càng có nhiều người đã thừa nhận rằng, họ không chắc người đàn ông mà họ giao cho chìa khóa để nhận chức tổng thống thuộc dạng người như thế nào. Phần còn lại của nước Mỹ – đa số cử tri – sẽ không – và thực sự không ngần ngại trong việc chia sẻ kết luận của mình về cá tính của Donald Trump và chuyện ông ta có phù hợp cho chức vụ tổng thống mà ông ta đang nắm giữ [hay không].
Một niềm hy vọng được nghe từ một số người phê bình Donald Trump rằng, thời điểm này có thể ông ta thay đổi. Có lẽ khi ông ta đứng đó vào một ngày buồn tẻ, xám xịt của tháng Giêng, đọc lời tuyên thệ long trọng mà Hiến pháp chúng ta bắt buộc, khi ông ta nhìn ra ngoài, thấy điều mà Charles Dickens từng được gọi là “Thành phố của những ý định tuyệt vời”, ông ta sẽ bằng cách nào đó nắm bắt được tầm quan trọng của những điều mà ông ta đã hứa hẹn. Có lẽ ông ta sẽ hiểu rằng, ông ta phải là tổng thống của tất cả nước Mỹ, qua hành động cũng như bằng lời nói. Có lẽ, nhưng đã có quá nhiều hành động [của ông ta] trong quá khứ, đang diễn ra trong hiện tại (nghĩa là Trump chỉ nói mà không thực hiện – ND).
Thường có nhiều ồn ào xung quanh các bài diễn văn nhậm chức. Và những bài diễn văn cũng thường bị lãng quên – với một số trường hợp ngoại lệ đáng chú ý. Tôi nghĩ rằng, [bài diễn văn] hôm nay sẽ được ghi nhớ, không phải vì những lời nói hoặc cách diễn đạt, mà người ta nhớ tới nó là vì [nhớ tới] người đã đọc nó và thời đại mà nó mở ra cho chúng ra ở phía trước.
Ông Trump đọc bài diễn văn và rất ít khi nhìn về phía cử tọa, dường như ông ta đang đọc một cách cẩn thận từ một máy nhắc (teleprompter). Những lời nói và giọng điệu của ông tức giận và thách thức. [Dường như] ông ta vẫn còn đang trong chiến dịch tranh cử, chẳng có hơi hám gì của tinh thần đoàn kết. Có rất ít hoặc không có sự đề cao – lời của Washington, Lincoln, Roosevelt, Kennedy, hoặc Reagan. Chúng ta nghe một cuộc biểu diễn các khẩu hiệu và một câu nói đùa, những lời hứa hẹn to lớn để “mang lại” một nước Mỹ – bất cứ điều gì thực sự có nghĩa đối với nhiều người nhìn vào lịch sử của chúng ta và thấy sự tiến bộ trong xã hội hiện tại của chúng ta.
Bài diễn văn bắt đầu với một thông điệp về truyền thống ở Washington, làm giàu trên lưng của các gia đình nghèo khổ trên cả nước. Đó là lời phát biểu kỳ quặc, hãy xem lý lịch của nhiều người trong nội các mà ông ta chọn. Tổng thống Trump vẽ ra một bức tranh đen tối về tình trang hiện nay trên đất nước chúng ta, bị vây quanh bởi các băng nhóm ma túy và bạo lực, bất kể những dữ liệu cho thấy [không phải như vậy]. Lời nói của ông ta bị thổi phồng lên với chủ nghĩa dân túy về kinh tế và chủ nghĩa dân tộc “nước Mỹ trên hết”. Tiếng vỗ tay đã thưa thớt, và tôi tưởng tượng nhiều tiếng khác đã bị tắt lịm, thậm chí còn cảm thấy phát bệnh, thay vì truyền cảm hứng từ những điều mà Tổng thống mới cần nói. Tổng thống Obama nhìn vào mà chẳng có chút cảm xúc gì. Người ta chỉ có thể tưởng tượng ông đang suy nghĩ gì.
Cần nhớ rằng một người không thể nào tiên đoán được khúc quanh của một nhiệm kỳ tổng thống. Đó là nơi mà mọi thứ được định hình bởi những chuyện vượt quá tầm kiểm soát của người chủ [Nhà Trắng]. Những thách thức đó, bất cứ nơi nào và dù kiểu nào, chúng cũng có thể phát sinh, bây giờ sẽ nằm trên bàn làm việc của Tổng thống Trump. Chúng ta chỉ có thể thấy điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta hy vọng, vì an ninh và sự thiêng liêng của nền Cộng hòa của chúng ta, ông Trump sẽ đáp ứng những thách thức đó bằng sự thận trọng và khôn ngoan. Những lời nói hôm nay không phải để trấn an.
Nền dân chủ của chúng ta đòi hỏi sự tranh luận và bất đồng chính kiến – khốc liệt, liên tục, và không nao núng khi cần thiết. Tôi cảm nhận được rằng thủy triều đang lên cao trong đảng đối lập mà họ đang bỏ qua một bên sự thụ động để hành động. Chúng ta nhìn thấy một đảng Dân chủ táo bạo hơn mà tôi đã chứng kiến trong nhiều thời kỳ. Nó đang được thúc đẩy bởi sự nồng nhiệt, sôi sục từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống.
Đây là những dòng nước xoáy về con tàu của đất nước chúng ta. Bây giờ chúng ta có một thuyền trưởng mới và không có kinh nghiệm. Quyền lực của ông ta thì bao la, nhưng nó không được ban cho từ thần thánh trên cao. Ngạn ngữ có câu, nó có nguồn gốc từ sự đồng thuận của người dân. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Trump hiện đang làm việc cho chúng ta – tất cả chúng ta. Và nếu ông ta quên điều đó, chúng ta có nhiệm vụ phải nhắc nhở ông ta. (Ngọc Thu dịch)
(Đôi lời: Bài viết của nhà Báo huyền thoại Dan Rather về buổi lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump hôm nay, trong 12 tiếng qua, đã thu hút gần 300.000 like, với gần 150.000 lượt chia sẻ và hơn 20.000 lời bình luận. Ông Dan Rather đưa ra cái nhìn thực trạng về mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ, cũng như nỗi lo lắng mà người dân Mỹ đang phải đối mặt, khi ông Trump lên nắm quyền. Ông Rather cũng không quên nhắc người dân Mỹ rằng, nhiệm vụ của tổng thống Mỹ là phục vụ dân Mỹ: “Tổng thống Trump hiện đang làm việc cho chúng ta – tất cả chúng ta. Và nếu ông ta quên điều đó, chúng ta có nhiệm vụ phải nhắc nhở ông ta“).
*** Thạch Đạt Lang: Cảm nghĩ về bài diễn văn của T.T. Donald Trump
Bài diễn văn, theo báo chí Mỹ cho biết, nó được Stephen Miller soạn thảo, ông Trump có lẽ chỉ sửa lại vài chỗ cho hợp ý mình, vì thế khi đọc diễn văn, ông đã phải chăm chăm nhìn vào máy nhắc (teleprompter) thay vì nhìn khách tham dự. Về hình thức, diễn văn có lời lẽ hùng hồn, dễ hiểu, không có những ngôn từ bí ẩn, quả thật dễ làm xúc động, gây tin tưởng, hy vọng, thiện cảm nhiều người. Tuy vậy theo tôi, nếu chịu khó suy nghĩ kỹ về những lời trong diễn văn, chắc sẽ có không ít người nhận ra ngay sự mâu thuẫn về con người, cá tính với lời nói của Donald Trump.
Để cho độc giả, những người không biết tiếng Anh có thể tìm hiểu, nhận định, tôi trích những điều quan trọng trong diễn văn, bản tiếng Việt của BBC đăng trên trang Anh Ba Sàm để phân tích nội dung. Những câu về nghi thức, những đoạn không quan trọng sẽ được lược bỏ, những dòng chữ in đậm là trích trong diễn văn. Ngoài ra đây chỉ là nhận định cá nhân, không đại diện cho bất cứ ai hay khuynh hướng nào:
“Thưa Chánh án Roberts, Tổng thống Carter, Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, xin cảm ơn. Các công dân Mỹ chúng ta nay cùng nỗ lực để xây dựng lại đất nước, hồi phục lời hứa cho tất cả dân tộc”.
Ngay phần đầu, sau những lời cám ơn, ông Donald Trump kêu gọi người dân Mỹ cùng bắt tay xây dựng lại đất nước, phục hồi lời hứa dân tộc. Chỉ riêng câu cho tất cả các này, ông Trump đã phủ nhận toàn bộ những thành công vượt bậc của nước Mỹ trong nhiệm kỳ các tổng thống tiền nhiệm trong hơn 40 năm qua nếu tính từ khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
“Cùng nhau, chúng ta sẽ quyết định con đường đi của nước Mỹ và thế giới trong nhiều năm tới. Chúng ta sẽ đối diện thử thách. Sẽ đương đầu khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ làm được”.
Người dân Mỹ quyết định con đường đi của nước Mỹ và thế giới bằng cách nào? Với chiến thắng chưa tới nửa số cử tri đi bầu, Donald Trump lên làm tổng thống vì những lời hứa hẹn trong khi tranh cử. Nay đắc cử, thành lập chính phủ, tức những người bỏ phiếu lẫn không bỏ phiếu cho ông đều phải chấp nhận những chính sách, kế hoạch, đường lối do ông và nội các đưa ra, được quốc hội thông qua trong thời gian 4 năm.
Những chính sách, đường lối đó chưa chắc đã được toàn dân Mỹ ủng hộ, nhưng ông và nội các vẫn có thể thực thi trong 4 năm trên con đường vạch sẵn, nếu không bị truất phế (impeachment) vì những lỗi lầm nghiêm trọng trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, cho dù nước Mỹ là cường quốc số 1, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nhiều nước khác, Trump chỉ có thể quyết định con đường đi của nước Mỹ thôi, còn đường đi của thế giới tùy thuộc vào lãnh đạo, chế độ, người dân các quốc gia khác. Khi bàn cờ chính trị quốc tế thay đổi, mỗi đất nước sẽ có thái độ, lập trường khác nhau. Đối diện với thử thách, đương đầu với khó khăn là chuyện đương nhiên, chẳng có tổng thống, chính phủ nào không gặp phải, Ông Trump nói là sẽ làm được nhưng bằng cách nào thì chưa ai biết.
“Nhưng buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Vì hôm nay không phải là sự chuyển giao quyền lực từ người này sang người kia, một đảng này sang đảng khác, mà là sự chuyển giao quyền lực từ Washington sang cho nhân dân Mỹ”.
Đây là câu nói mị dân nhất trong toàn bộ bài diễn văn, nội dung y chang như của chế độ CSVN: Người dân làm chủ đất nước, quyền lực thuộc về nhân dân, nhà nước chỉ quản lý… bla bla bla…
“Từ quá lâu, một nhóm nhỏ tại thủ đô đã thu nhận phần thưởng của chính phủ, còn nhân dân gánh chi phí. Washington phát triển nhưng nhân dân không được chia sẻ của cải. Các chính khách giàu to nhưng việc làm ra đi, nhà máy đóng cửa”.
Nghe những câu này từ miệng Trump nói ra, nếu không biết Donald Trump là một tỉ phú địa ốc, người ta sẽ nghĩ ngay rằng Trump là một nhà cách mạng vô sản của thế kỷ 20, đang kêu gọi các giai cấp bần cùng trong xã hội đứng lên lật đổ chế độ tư bản phôi thai, tham lam, gian ác hiện hành đang cai trị nước Mỹ, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Đồng thời hãy nhìn lại các thành viên trong nội các do Trump bổ nhiệm, đa số là tỉ phú. Báo Washington Post đặt câu hỏi: “Liệu một tổng thống có máy bay riêng và nội các là các triệu phú, tỉ phú, liệu ông ta có thể hiểu và hướng tới những mối quan tâm của những người Mỹ bình thường?”
Nhóm nhỏ nào tại thủ đô Washington đã nhận phần thưởng của chính phủ, trong nhóm nhỏ này có Trump và gia đình, bạn bè và đối tác kinh doanh của ông ta không? Làm sao, bằng cách nào có thể chia sẻ đồng đều của cải trong xã hội cho mọi người?
Đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare (Affordable Care Act) tuy chưa hoàn chỉnh, còn cần nhiều thay đổi nhưng đã là một bước tiến dài trong việc xóa bỏ phần nào bất công trong xã hội Mỹ. Donald Trump muốn hủy bỏ đạo luật này tức là muốn tái lập sự bất công, mở đường cho các hãng bào chế dược phẩm, các công ty bảo hiểm sức khỏe, các bệnh viện… tha hồ chặt, chém người dân khi họ bị bệnh. Ai không có tiền thì đành chịu chết hay phải cầm cố bất động sản hoặc mang nợ suốt đời.
Ngoài ra, tôi không biết Trump ám chỉ ai, nói đến chính khách nào giàu to, nhưng có một chính khách nổi tiếng trong sạch, liêm chính trong nhiệm kỳ của ông Obama, là phó tổng thống Joe Biden. Trong 8 năm làm phó cho tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden, dù là chính khách lâu năm, luôn đi tới tòa Bạch Ốc làm việc bằng xe điện. Mỗi ngày ông di chuyển trên đoạn đường cả đi lẫn về 259 dặm, không phải đi mỗi ngày, trung bình 217 ngày/ năm. Cả cuộc đời làm chính khách của ông, ông đã đi tổng cộng là 8.200 chuyến khứ hồi (roundtrip), đi lại trên đoạn đường dài hơn 2 triệu dặm. Ngày 20.01.2016, sau khi tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, ông Joe Biden cũng về nhà bằng xe điện Amtrak.
Để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, tăng lượng hàng hóa bán ra, việc đưa hãng, xưởng sản xuất ra nước ngoài (Offshore, Outsourcing) là một tiến trình phát triển theo quy luật kinh tế thị trường, không thể cưỡng lại trong khuynh hướng toàn cầu hóa (Globalization).
Những người như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steven Jobs… không phải là chính trị gia, họ là kỹ nghệ gia, những người sản xuất, buôn bán hàng hóa, thành phẩm…, tạm gọi chung là thương gia. Công việc của chính trị gia hoàn toàn khác hẳn với thương gia. Donald Trump thành công trong thương trường địa ốc bằng thủ đoạn, mánh khóe, thời cơ…, đem những điều này áp dụng vào lãnh đạo đất nước, điều hành quốc gia, chắc chắn sẽ thất bại.
Tổng giám đốc (General Director) hay chủ tịch một một tập đoàn (C.E.O – Chief Executive Officer) khác một tổng thống, thống đốc tiểu bang. TGĐ hay chủ tịch tập đoàn chỉ có một mục đích duy nhất là mang về lợi nhuận cho công ty, tập đoàn, thỏa mãn sự chờ đợi của các nhà đầu tư, cổ đông (Investor, Shares Holder). Một chính trị gia thì khác hẳn, cùng lúc có nhiều mục đích song song với nhau, có những mục đích ưu tiên hơn các mục đích khác, mục đích nào sẽ được ưu tiên thực hiện tùy theo nhu cầu của những cử tri. Hơn thế nữa, chính trị gia không hoàn toàn được trọn quyền như TGĐ hay CEO trong khi quyết định chính sách. Donald Trump hoàn toàn lẫn lộn mục đích, nhiệm vụ của CEO một tập đoàn và tổng thống của một đất nước.
Nếu thật sự Trump muốn nhân dân không gánh chịu chi phí, ngân sách quốc gia thì chỉ có một cách duy nhất là giảm thuế lợi tức cho người dân, đồng thời tăng thuế doanh nghiệp, sản xuất, đánh thuế thu nhập thật nặng những người có tài sản từ khoảng chục triệu trở lên như Trump và gia đình…, nhưng điều này lại làm tăng giá thành sản phẩm và chuyện đưa hãng, xưởng, di chuyển tài sản ra nước ngoài là chuyện không thể tránh.
“Điều thực sự quan trọng không phải là đảng nào kiểm soát chính phủ, nhưng liệu chính phủ có do nhân dân kiểm soát không”.
Sao mà giống lời Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng quá vậy trời? Phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai?
“Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ như ngày nhân dân trở thành người cai trị đất nước này một lần nữa”.
Dân cai trị bằng cách nào đây hả ông Donald Trump? Họp báo, phóng viên đưa câu hỏi, ông không trả lời, còn chửi mắng, nhục mạ phóng viên thì dân nào dám lên tiếng?
“Những người dân bị lãng quên sẽ không còn bị như thế. Mọi người đang lắng nghe các bạn. Hàng chục triệu người đã trở thành phong trào lịch sử mà thế giới chưa từng thấy”.
Phong trào lịch sử nào, không thấy ông Trump nói tới tên, hay là “No name movement”?
“Ở trung tâm phong trào này là niềm tin quan trọng: rằng một quốc gia tồn tại là để phục vụ công dân”.
Câu này dường như ngược với câu của tổng thống John F. Kennedy: Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho đất nước.
“Người dân Mỹ muốn trường tốt cho con, khu nhà an toàn cho gia đình, và việc làm tốt cho họ. Đây là những đòi hỏi công bằng, chính đáng của công chúng”.
Donald Trump khuyến khích người dân vùng lên, đòi hỏi quyền lợi công bằng, chính đáng cho mình, nhưng đồng thời muốn dẹp bỏ Obamacare. Hơn 40 triệu người dân không có bảo hiểm y tế, nhờ Barack Obama lên mới được hưởng ân huệ cho người nghèo, bây giờ ông lại tính chuyện xóa sổ. Bốn mươi triệu người này có lẽ không phải là công dân Mỹ hay chỉ là dân nhập cư lậu?
“Nhưng với quá nhiều công dân, là một thực tại khác: Mẹ con trói chặt trong nghèo đói ở thành thị, các nhà máy gỉ sét như bia mộ trên đất nước, hệ thống giáo dục thừa tiền nhưng không đem lại kiến thức cho sinh viên trẻ đẹp của chúng ta, tội ác, băng đảng, ma túy cướp đi quá nhiều mạng sống, cướp đi bao tiềm năng đất nước. Sự tàn sát nước Mỹ này dừng lại tại đây, ngay bây giờ”.
Viết đến đây thì có một người bạn từ Seattle gọi điện thoại cho biết ở trung tâm thành phố Seattle, tiểu bang Washington (không phải Washington D.C) đang có một cuộc biểu tình phản đối Donald Trump lên đến cả hàng trăm ngàn người hơn, xe của anh bị kẹt cứng hơn 2 tiếng đồng hồ không nhúc nhích gì được.
Không biết ai đang tàn sát nước Mỹ nhưng có một điều chắc chắn là chỉ sau một ngày nhậm chức, ông Trump đang bị biểu tình phản đối dữ dội, khắp nơi trên nước Mỹ.
Trở lại bài diễn văn. Muốn giải quyết được những vấn đề nêu ra thì phải tạo công việc cho người dân, rút hết các hãng xưởng đã đưa ra ngoại quốc về lại Mỹ, nhưng như đã nói ở trên, đây là một bài toán rất khó giải quyết, gần như vô phương. Mỹ hiện nay vẫn là nước có nền giáo dục tốt đẹp, đồng thời cũng là quốc gia đạt được nhiều giải Nobel nhất. Còn chuyện băng đảng, tội ác là do truyền thống của nước Mỹ cho phép trang bị vũ khí tự do. Mà nước nào không có băng đảng, tội ác? Chỉ là nhiều hay ít thôi.
“Chúng ta là một quốc gia – nỗi đau của họ cũng là của chúng ta. Giấc mơ của họ là của chúng ta, thành công của họ cũng là của chúng ta. Chúng ta chia sẻ một con tim, một mái nhà, một định mệnh vinh quang. Lời thề nhậm chức của tôi hôm nay là lời thề trung thành với mọi người Mỹ. Suốt nhiều thập niên, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp nước ngoài, làm hại cho Mỹ. Các đội quân được bao cấp của các nước, làm quân đội ta suy yếu”.
Rút hết quân đội Mỹ ở ngoại quốc về để đóng quân trong nước sẽ giảm được chi phí quốc phòng khá nhiều, nhưng ngược lại, vấn đề bảo vệ an ninh cho nước Mỹ khi có chiến tranh xảy ra, sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, cho dù Mỹ có hàng trăm vệ tinh có thể theo dõi mọi biến động, di chuyển quân sự của các nước trên toàn thế giới.
“Từ hôm nay, viễn kiến mới cai trị đất ta. Từ lúc này, chỉ có Hoa Kỳ trên hết. Mọi quyết định về thương mại, thuế, di dân, ngoại giao, sẽ có để làm lợi cho người lao động và gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm của ta, ăn cắp công ty của ta, hủy hoại việc làm của ta. Bảo vệ sẽ dẫn tới thịnh vượng và sức mạnh. Tôi sẽ chiến đấu cho các bạn bằng mọi hơi thở, sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng. Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chiến thắng, như chưa từng. Chúng ta sẽ đem về việc làm. Đem về biên giới. Đem về của cải. Và đem về những giấc mơ. Chúng ta sẽ xây những con đường mới, xa lộ, cầu, sân bay, đường hầm, đường tàu hỏa trên đất nước tuyệt vời của ta”.
Muốn thực hiện được các điều trên, thì việc đầu tiên là phải cách chức tất cả các CEO,  tổng giám đốc các đại công ty, tổ hợp nằm trong Dow Jones, Nasdaq, S&P 500… thay bằng các CEO, TGĐ do Trump bổ nhiệm, lãnh lương hàng năm khoảng chừng $50.000-70.000 Mỹ kim, thay vì 5-7 triệu USD cùng các quyền lợi khác, cùng lúc tăng lương tối thiểu lên 30$/giờ cho người lao động không có hợp đồng chính thức tại Mc Donald, Wendy, Burger King, Starbucks… Nhưng làm cách nào, lấy lý do gì để cách chức các CEO, TGĐ nói trên, thì phải chờ Trump… mãn nhiệm kỳ, còn chuyện tăng lương thì phải đề nghị nâng gía của Hamburger, gà chiên, cà phê lên chừng 10 lần thì chủ nhân mới có lời mà tiếp tục kinh doanh.
“Chúng ta sẽ theo hai nguyên tắc cơ bản – mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ”.
Chúng ta sẽ mua hàng Mỹ sản xuất ở China trong Trump’s Tower? Dưới thời Trump, tương lai những người sống ở Mỹ, nếu không có quốc tịch Mỹ là thất nghiệp, vì thường trú nhân (permanent resident) chỉ có thẻ xanh, chưa được kể là công dân Mỹ, coi như vô phương, không cách gì được nhận làm việc.
“Chúng ta sẽ củng cố các liên minh cũ, thành lập liên minh mới, đoàn kết thế giới văn minh chống lại nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan, mà chúng ta sẽ xóa bỏ hoàn toàn khỏi trái đất này”.
Củng cố liên minh cũ, thành lập liên minh mới bằng cách nào khi làm bạn với một lãnh đạo độc tài như Putin? Dùng chiến thuật, chiến lược nào để xóa bỏ hoàn toàn nạn khủng bố của Hồi giáo cực đoan ISIS khi một số các ông hoàng Saudi Arabia vẫn tiếp tục tài trợ, đóng góp tiền bạc cho họ?
“Chúng ta sẽ không còn chấp nhận các chính khách chỉ nói mà không làm, lúc nào cũng than vãn mà chả làm gì. Đã hết thời gian để nói trơn. Nay là giờ khắc hành động”.
Đoạn này thì phải hoan hô Donald Trump vì mị dân quá giỏi. Người Mỹ vẫn chưa quên nhiều chuyện Trump nói mà không làm. Trump đã từng đặt nghi vấn về nơi sinh của Obama, nói Obama là tổng thống thiếu minh bạch nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng chính Trump đã không minh bạch trong chuyện kiếm tiền của mình, không dám tiết lộ hồ sơ thuế cá nhân để dân Mỹ biết Trump kiếm tiền bằng cách nào. Về chuyện khai sinh của Obama, Trump cũng đã từng hứa sẽ bỏ ra $5 triệu Mỹ kim vào bất kỳ quỹ từ thiện nào do Obama chỉ định, nếu làm sáng tỏ được chuyện Obama sinh ra ở đâu. Tháng 9 năm ngoái, Trump công nhận Obama sinh ra ở Mỹ, nhưng vẫn chưa bỏ đồng nào như đã hứa. Chắc lần này ông Trump sẽ không chỉ nói suông, mà ông sẽ hành động, vì lần này trên cương vị tổng thống, ông sẽ khó có thể qua mặt dân Mỹ được nữa. Còn một số điều ở phần kết nữa nhưng theo tôi không quan trọng, nên xin ngừng ở đây. Tổng kết lại theo nhận định của tôi, Donald Trump là một hảo thủ bóng bàn (pingpong) nhưng giờ đang trở thành đội trưởng (captain) của một đội đá bóng (soccer) với hàng tiền vệ thật ngon lành, dữ dằn như James Mattis (quốc phòng), Steven Mnuchin (tài chánh), Tom Price (y tế), Rex Tillerson (ngoại giao), John Kelly (nội an)…, ông và đội bóng của mình có làm cho khán giả (cử tri) hài lòng, mãn nguyện hay không, và đấu trường (nước Mỹ) sẽ đi về đâu, thì có trời mới biết.
*** FB Nguyễn Thị Oanh
Vẫn biết dân Mỹ có lý của họ khi chọn Trump và phải thừa nhận Trump đã thành công bước đầu nhờ chiến thuật tranh cử rất “quái” không giống ai! Trump cũng đã nhen nhóm lên chút hy vọng đối với nhiều người VN tội nghiệp (trong đó có mình) khi tỏ những động thái quyết liệt đầu tiên với Trung Quốc…
Nhưng thật tình, xem tường thuật lễ nhậm chức của bác Vịt tối nay, mình không thấy phục tí nào! Bài diễn văn nhậm chức dù được vỗ tay rầm rộ nhưng sặc mùi mị dân với rất nhiều hứa hẹn. Bác í nhấn mạnh nhiều lần đến “America” và “America first”, nhưng mình vẫn cảm giác như dân Mỹ đang được cho ăn bánh vẽ… Chán nhất là khi bác ấy chê bai bài bác không thương tiếc người tiền nhiệm. Cứ suy diễn theo bác ta nói thì từ trước đến nay, thành tựu của các đời tổng thống cũ hình như chỉ là zero!Và bây giờ, đến đời thứ 45 này, dân Mỹ mới có thể hy vọng được thay đổi mọi thứ cho tốt hơn (!?). Nhìn khuôn mặt dài thuỗn bất động như tượng của Obama lúc đó thấy mà thương! Chắc cũng vì vậy mà cựu Đệ nhất phu nhân Michelle vốn rất lịch thiệp và luôn tươi tắn trước công chúng, nay lại mang một gương mặt kém vui, đầy vẻ bất mãn trong suốt buổi lễ… Có lẽ mình thuộc “tuýp” người cổ điển nên vẫn thích những chính trị gia có phong cách lịch lãm, chỉn chu, thể hiện đẳng cấp văn hóa và sự chuyên nghiệp một cách tự nhiên. Vì thế, sự thô lỗ, huênh hoang, ngạo mạn của một kẻ “tay ngang” như Trump luôn làm cho mình dị ứng, bởi đó không phải “gu” của mình. Nhưng phải thừa nhận rằng trên thực tế vẫn có rất nhiều người đang ủng hộ Trump và tin rằng Trump sẽ mang lại những thay đổi bất ngờ không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới!
Hãy chờ xem ngài Vịt có thể thực hiện được bao nhiêu cái “sẽ” vừa nêu trong lễ nhậm chức hôm nay! Mọi thứ dẫu sao vẫn còn đang ở thì tương lai.
*** VOA: Cuộc Tuần hành của Phụ nữ thu hút đám đông khổng lồ tới Washington
Hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường tham dự cuộc tuần hành biểu tình ở Washington hôm thứ Bảy, ngày đầu tiên Tổng thống Donald Trump tại nhiệm, và những đám đông lớn tập trung tại các thành phố khác của Mỹ để làm nổi bật quy mô của sự chống đối của quần chúng đối với chính quyền mới và những chính sách mới.
Những người nổi tiếng, nghệ sĩ và những nhà hoạt động chính trị kêu gọi lên tiếng chống đối những chính sách của ông Trump về vấn đề nhập cư, môi trường và quyền của phụ nữ. Ca sĩ Madonna được khán giả hoan hô nhiệt liệt ở Washington khi bà bất ngờ xuất hiện gần cuối cuộc tập hợp kéo dài hàng tiếng đồng hồ gần Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Bà dẫn đầu đám đông người tham dự hô vang khẩu hiệu “chúng ta chọn tình yêu” và hát hai bài hát.
Những người nổi tiếng khác xuất hiện trên sân khấu cổ vũ những người biểu tình bao gồm ca nhạc sĩ Alicia Keyes, diễn viên Scarlett Johansson và nghệ sĩ R&B Maxwell. Gloria Steinem, nhà lãnh đạo phong trào phụ nữ ở Mỹ trong nhiều thập niên, cũng là một trong số hơn 25 diễn giả phát biểu tại thủ đô.
Những người tổ chức Cuộc Tuần hành của Phụ nữ trước đó đã lên kế hoạch cho một cuộc tập hợp gần Điện Capitol, theo sau bởi một cuộc tuần hành tới Tòa Bạch Ốc cách đó hơn hai kilômét, đi ngang qua nhiều địa điểm lịch sử của Washington. Nhưng đám đông lớn hơn dự kiến khiến ban tổ chức phải định lại tuyến đường tuần hành. Phần lớn tuyến đường tuần hành dọc Đại lộ Độc lập chật cứng người đứng từ mép này tới mép kia đường, vài giờ trước khi cuộc tuần hành bắt đầu.
Cảnh sát trưởng tạm quyền tại Washington, Peter Newsham, cho biết, “Đám đông kéo dài đến mức không còn chỗ để tuần hành.” Khi cuộc tập hợp kết thúc sau năm tiếng đồng hồ, những người biểu tình túa ra khắp khu vực trung tâm thành phố.
Martha Ehrmann Conte, một người theo Đảng Cộng hòa, là một trong số những người tham gia tuần hành vì bà nói ông Trump không đại diện cho những giá trị của bà hoặc những giá trị của Đảng Cộng hòa mà bà gia nhập cách đây 35 năm. “Những người theo Đảng Cộng hòa chỉ khác về cách thức làm thế nào để đạt được nhiều trong số cùng những mục tiêu,” bà nói với VOA, “Trump không đại diện cho những người theo Đảng Cộng hòa. Ông ta đại diện cho lợi ích của chính mình và của một thiểu số nhìn về quá khứ lo sợ mất những thứ mà họ được hưởng.”.  Maggie Klein, đến từ Oakton bang Virginia, nhìn thấy một lời kêu gọi tuần hành đăng trên Facebook và bà biết bà phải đi. “Những gì ông ta (Trump) làm và nói không phải là cách mà tôi nuôi dạy con tôi,” bà nói.
Cuộc Tuần hành của Phụ nữ ở Washington cũng được nhân rộng ở hàng chục thành phố khác của Mỹ. Một đám đông hơn 150.000 tụ tập ở Chicago, đông gấp bảy lần con số được dự kiến, và việc này khiến ban tổ chức phải hủy bỏ cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch để biến thành một cuộc tập hợp. Một đám đông khác tụ tập ở Los Angeles, và tại thành phố New York, hàng chục ngàn người tụ tập chật cứng khu mua sắm cao cấp trên Đại lộ 5, hướng về tòa nhà Trump Tower, tư gia và căn cứ hoạt động của Tổng thống trước khi ông dọn vào Tòa Bạch Ôc hôm thứ Sáu. Thành phố St. Paul bang Minnesota và Boston là hai thành phố khác nơi mà tin tức cho hay đám đông vượt quá 50.000 người. Nhiều người phụ nữ tuần hành tại Washington và những thành phố khác đội mũ len “pussycat” màu hồng có hai góc nhọn như tai mèo, để thể hiện tình đoàn kết với những tình cảm chống ông Trump và cũng như là một sự nhắc nhở bóng gió về bình luận tục tĩu mà ông Trump đưa ra từ nhiều năm trước trước khi ông bước vào chính trường. Họ mang những biểu ngữ phản đối điều mà họ lên án là những chính sách chống phụ nữ của chính quyền mới.
*** Hồng Hạnh: Người ủng hộ bật khóc khi được Trump tặng 10.000 USD
Một người ủng hộ Trump đến từ vùng nông thôn Illinois tới Washington dự lễ nhậm chức của Donald Trump đã bật khóc khi ông tặng anh 10.000 USD. "Việc đấy quả thực đã xảy ra", Shane Bouvet, 24 tuổi, nhân viên hãng chuyển phát nhanh FedEx đến từ Stonington, một thị trấn nhỏ có dân số chưa đầy 1.000 tại hạt Christian, bang Illinois, Mỹ, cho biết sau khi được gặp ông Trump ở hậu trường sau khi buổi hòa nhạc trước lễ nhậm chức tại đài tưởng niệm Lincoln kết thúc hôm 19/1.
Theo Fox News, ông bố đơn thân Bouvet là tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử của Trump tại bang Illinois năm ngoái. Ông Trump đã đọc tin về Bouvet và nói với phụ tá hẹn gặp anh. Một người bạn đã mua bộ quần áo mới tặng Bouvet, còn một người bán giày đã tặng anh giày mới, để Bouvet lên đường tới Washington. Khi hai người ngồi trò chuyện, Bouvet lấy điện thoại gọi điện cho bố và ông Trump đã cầm máy nói chuyện với bố của Bouvet. "Ông có một cậu con trai rất ngoan", Trump nói với Don Bouvet. Nói xong, ông đưa máy lại cho Bouvet. Trong lúc Bouvet mải nói chuyện với bố, ông Trump để tấm séc 10.000 USD trước mặt anh. "Hãy tặng cậu ấy 10.000 USD nào", ông nói với phụ tá. Bouvet tắt điện thoại, mặt ngơ ngác, khiến ông Trump và phụ tá bật cười.
Trả lời phỏng vấn Washington Post hôm qua, Bouvet xúc động bật khóc khi nhớ lại ông Trump bảo rằng anh "sẽ không bao giờ phải lo lắng nữa". Bouvet cảm thấy mình như đang mơ. Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm đó cũng đăng ảnh chụp cùng Bouvet lên Twitter. "Rất vui khi được gặp một trong những người ủng hộ sớm nhất và nhiệt tình nhất của tôi!" Trump viết. "Tôi có niềm tin sâu sắc rằng hàng triệu người Mỹ đã đặt niềm tin vào tôi và vào những quyết định của chúng tôi. Xin gửi lời tới những người không ủng hộ tôi, tôi mong muốn được trở thành tổng thống của các bạn để chúng ta cùng nhau biến nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ 45 sau lễ tuyên thệ nhậm chức hôm qua tại Washington. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông nhấn mạnh sẽ đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu và khẳng định người dân sẽ trở lại làm những người cai quản đất nước.
*** Tuyết Mai: Cựu phó tổng thống Mỹ lên tàu về quê sau khi Trump nhậm chức
Cựu Phó tổng thống Joe Biden đã bắt chuyến tàu từ Washington tới Delaware cùng vợ sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.
Đây là lần đầu tiên sau 8 năm ông Biden đi tàu bằng tấm vé mang tên mình trên đó. Trước đây, ông thường giấu danh tính khi đi tàu vì lý do an ninh.
Trả lời phỏng vấn của CNN trên chuyến đi đặc biệt này, ông Biden cho biết sẽ thường xuyên gặp lại cựu Tổng thống Obama sau khi cả 2 đã rời nhiệm sở. Khi tiễn ông Obama, ông Biden đã nói sẽ gặp lại nhau sau vài tuần nữa. "Chúng tôi sẽ còn gặp nhau nhiều. Chúng tôi còn nhiều việc dự định làm cùng nhau. Tôi biết điều này nghe có vẻ ủy mị nhưng chúng tôi là những người bạn thân", cựu phó tổng thống nói với CNN.
Trước đây, khi còn là phó tổng thống, ông Biden thường xuyên bắt các chuyến tàu đêm để trở về nhà. Theo tính toán, ông đã có tổng cộng 8.200 chuyến đi khứ hồi, đi qua hơn 3,2 triệu km đường trên các chuyến tàu của Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Quốc gia Amtrak.
Trong khoảng 217 ngày trong năm, ông Biden đều lên các chuyến tàu khứ hồi từ nhà đến nơi làm việc rồi quay trở lại với quãng đường hơn 400 km mỗi ngày.
Các chuyến tàu đêm để trở về nhà sau một ngày làm việc là thời gian để ông nhìn ra ngoài cửa sổ và suy tư. Đó là lúc đường phố đã lên đèn, ông Biden nhìn ngắm mọi người trên đường và tự hỏi họ đang chuẩn bị gì cho bữa tối, họ đang nghĩ gì, họ thực sự lo lắng về điều gì.
Cả Joe Biden và vợ ông đều đồng ý rằng chuyến tàu đặc biệt này giống như một kết thúc ý nghĩa sau 8 năm làm việc ở nhiệm sở của cựu phó tổng thống. "Đó là một vòng tròn. Trở về Delaware, những người mà tôi mang nợ. Và tôi thực sự mang ơn họ", ông nói.

II. Văn Nghệ
(i) Nhà Văn Đào Hiếu: Kẻ địch trong nhà bếp
(Trích)... Đó chính là ông Táo.
Dân Việt Nam ta, hễ cứ đến ngày 23 Tết là cúng ông Táo, đốt vàng mã, lưu luyến tiễn ngài về trời mà không hề xét lý lịch xem ông ta là ai, có đáng để cho ta tin cậy và tôn kính đến như thế không?
Xưa nay ai ai cũng kính trọng Táo quân vì nghĩ rằng ông ta đứng về phía lẽ phải, hàng năm đều có dâng sớ lên Ngọc Hoàng Thượng Đế để tố cáo tham nhũng và những tệ nạn khác dưới trần gian, nhưng sự thật là Táo quân chỉ báo cáo những vụ bê bối lặt vặt ở trong…bếp như anh chồng ăn vụng với cô sen, bà chủ tò te với anh tài xế, còn những vụ tham nhũng lớn tầm cỡ quốc gia, trị giá hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng thì ông ta đếch dám động tới. Kết quả là tham nhũng và tệ nạn ngày càng nhiều, lộng hành trên khắp Việt Nam, vô phương cứu chữa.
Còn nữa, Táo quân là một kẻ tham quyền cố vị vào loại nhất thế giới. Quý vị chỉ cần điểm mặt một số kẻ tham quyền cố vị nổi tiếng của nhân loại thì sẽ rõ ngay: Này nhé, Fidel Castro làm vua xứ Cu Ba nghèo đói suốt 49 năm trời không chịu nhường cho ai, cuối cùng già quá, tay chân run rẩy, hết xíu oách đành phải nhường ngôi cho… em trai mình. Kim Nhật Thành làm vua xứ Triều Tiên 46 năm và tự phong là “chủ tịch vĩnh cửu”, cuối cùng trao ngai vàng cho con trai minh là Kim Jong-il,  anh này còn chơi ngoạn mục hơn: đưa một thằng con nít miệng còn hôi sữa tên là Kim Jong-un lên làm đại tướng, ngồi chờ sẵn khi nào bố ra hiệu thì đặt mông vô ngai vàng liền, đố người nào tranh cướp được! Người thứ ba là Mao Xếnh Xáng, ngồi trên ngai vàng 33 năm, cuối đời dùng mọi thủ đoạn trong Cách Mạng Văn Hóa để loại bỏ đồng chí mình, âm mưu đưa… bà xã Giang Thanh lên ngai, tiếc thay đã thất bại. Tóm lại, xưa nay “bám ghế” lâu nhất cũng bốn năm chục năm, chưa có ai bám ghế kỷ lục như Táo quân nhà ta. Từ khi có dân tộc Việt Nam, cứ tạm cho là đời Hùng Vương tới giờ, ông ta cứ giữ rịt lấy cái ghế Táo quân ấy suốt hơn bốn ngàn năm nay “một tấc không đi, một ly không rời”. Và chắc chắn ngày nào còn dân Việt, có lẽ ông ta vẫn còn giữ chặt cái ghế đó.
Và vì suốt nhiều ngàn năm nay ông ta không chịu về hưu cho nên cứ được hưởng lương trăm phần trăm dài dài, chưa kể các khoảng “lộc” khác như nhà, đất, đi du lịch nước ngoài… Và có thể nói Táo quân là anh cán bộ duy nhất trên đời này không bao giờ nghỉ hưu.
Nhưng ông ta làm công tác gì mà quan trọng đến nỗi không ai có thể thay thế được? Chẳng qua ông ta chỉ là một tên chỉ điểm, tối ngày lẩn quẩn trong xó bếp rình rập nhà dân xem có ai phát ngôn  bừa bãi, bôi xấu chế độ, xúc phạm lãnh tụ, xúc phạm lãnh đạo, xem có trang web nào phản động, có blog cá nhân nào chống Đảng, chống tham nhũng, độc tài, tay sai ngoại bang … để lập báo cáo mật chờ đến cuối năm cưỡi cá chép về trời, chạy thẳng vô đồn công an tâng công lấy điểm.
Như vậy, xét về tư cách thì Táo quân chỉ được không điểm, xét về đạo đức, người dễ tính cũng cho nửa điểm là cùng. Còn xét về trình độ văn hóa thì một thằng cha tối ngày chỉ biết “đội” đít nồi, chưa hề thấy hắn đi học bao giờ, thì chỉ có thể làm một tên chỉ điểm hạng bét mà thôi.

(ii) Thơ Xuân 
1. Hoàng Xuân Sơn: “ t i ế c  k h ó m  m a i  g ầ y ”
nụ gì rồi nụ cũng bi
nụ chi cũng nụ xuân thì trớ trêu
trên vai xương ngụ cánh chiều
thì luân lạc hỡi về theo trùng phùng
tết này tuyết nụ đơm bông
cho mai thạch nở cuối lòng sơ giao
cho yêu thương một vẫy chào
nâng cây thuý diệm về cao ánh hồng
2. Trần Dzạ Lữ: Dỗ Người Tình Cuối Năm
Ngủ đi em, quên ưu phiền
Và quên thế giới đang xiềng xích nhau...
Ưu tư chi để phai màu
Chiếc gương hiện tại chưa sầu chung thân...
Ngủ đi em với điệu vần
Thơ ca anh dỗ dành bằng trái tim
Cuối năm dáo dác đi tìm
Con mắt của mẹ ru em thay lời..
3. Hồ Chí Bửu: Giao thừa
Giao thừa, ta đón xuân ngoài phố
Phố ngủ chưa mà phố đã lên đèn
Đi chân đất- đầu đội trời. Sương đổ
Ướt vai mềm hay nước mắt nhớ em ?
     Nghe thắm lạnh, một chút còn năm cũ
     Nghe bâng khuâng một chút của xuân về
     Áo vắt vai- rớt công hầu khanh tướng
     Chân quàng xiêng tuột hết những đam mê ?
Chẳng lẽ ta, Điền Bá Quang gác kiếm,
Cứ lên chùa để mê một ni cô
Chẳng lẽ ta cứ xưa hoài như diễm
Chẳng lẽ ta vẫn còn máu giang hồ ?
     Nợ trót vay thì thôi đành phải trả
     Chút sông hồ sót lại cũng thành thơ
     Cứ chơi tới và không sao cả,
     Bởi cuộc đời vẫn đẹp như giấc mơ…
4. Phan Ni Tấn: Em Rạch giá
Nước trôi mất ngọn cây dừa
Cuốn theo Rạch Giá chỉ chừa mình em
Anh từ núi xuống không quen
Nổi trôi em vớt thây lên tới giờ
Mấy kỳ gặp em ngồi mơ
Mặt sao giống hệt bài thơ anh làm 
     Nước trôi trớt quớt bông tràm
     Cuốn câu vọng cổ miền Nam mất rồi
     Nghe anh khóc đứng khóc ngồi
     Em từ miệt thứ cố trồi lên coi
    Tay cầm bó đuốc săm soi
    Mặt sao giống hệt như người trăm năm.
Nước trôi con cá mù tăm
Cuốn theo bọt nước xa xăm chốn nào
Bỏ anh vạch vách chun rào
Đêm hôm bụi cáu gai cào tội chưa
Gió đưa trăng đậu nhánh dừa
Đưa người miệt thứ tới vừa ngón chân
     Bây giờ nhớ lại xa xăm
     Còn nghe bịn rịn trong tâm thất tràn
     Cái hồi áo Tết mới vàng
     Mặc vào anh cứ ước càng cho hay
     Ước gì như chiếc lá bay
     Bay anh rớt xuống bàn tay em nằm.
5. Trần Huiền Ân: Chiều cuối năm
Ta như con trâu què kéo cày nhai rạ
Chiều cuối năm nằm bóng mát nhìn trời
Trời lỡ cỡ...mây thì bay lã chã
Trong nắng vàng có gió lạnh...hơi hơi...
     Cũng hơi hơi... một chút buồn thế sự
     Những hơn thua, những tráo trở lọc lừa
     Tai đã đầy chuyện ừ ừ hữ hữ
     Manh áo buồm giành giật giữa cơn mưa..
Cũng hơi hơi... một chút vui bè bạn
‘Tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ ?’
Chung trà nhỏ buổi nhàn đàm tản mạn
Thoáng nụ ai cười mộng mị hư vô...
     Cuộc đời ta chỉ...hơi hơi là vậy
     Những hân hoan ? Những bi thảm ? Ồ không...
     Như con trâu què đường cày đưa đẩy
     Cuối năm còn... hơi hơi lạnh tàn đông...
.............................. .............................. .............................. ....................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét