Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Dã Quỳ ơi! - Tiểu Thu


          
Thư đang xếp chồng hồ sơ vô tủ thì điện thoại reo. Thư allo, tiếng Thu Minh bên kia đầu dây:
          - Chị Thư ơi, em biết chị bận lắm nên nói vắn tắt thôi. Bác Phúc mất hôm qua. Con gái bác báo tin cho em sáng nay. Cô ấy nói sẽ quàn ở Cimetière de L'Est trên đường Sherbrooke gần nhà chị đó. Viếng thứ bảy và Chúa nhật nha. Từ 2 giờ đến 9 giờ tối. Thôi em cúp đây. Nếu chị đi vòng hoa thì cho tên vợ chồng em vô. Đừng quên đó nha.
<!>          Thư chưa kịp nói cám ơn thì điện thoại đã cúp. Nàng đặt điện thoại xuống, trong lòng không khỏi ngậm ngùi. Thư thương bác Phúc như một người ruột thịt. Nhớ lại những ngày mới chân ướt chân ráo đến thành phố Montréal, Thư ngơ ngác như một con nai tơ từ trên rừng lạc xuống đồng bằng. Sau sáu tháng học tiếng Pháp do chính phủ đài thọ, nàng cầm tờ giấy giới thiệu của Sở di trú đi xin việc trong hãng may trên đại lộ Ste Catherine. Công việc của Thư là ủi và gấp những chiếc áo sơ mi mới may. Công việc này phải đứng từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nửa giờ ăn trưa. Buổi chiều lê cặp chân rã rời về đến nhà, Thư chỉ muốn lăn ra ngủ vì quá mệt. Vậy mà nàng cũng cắn răng làm được năm tuần thì hãng đóng cửa. Thì ra họ làm theo mùa. Hết mùa thì đóng cửa. Luật ở đây phải làm đủ tám tuần mới được ăn tiền thất nghiệp, nên Thư lại cầm giấy giới thiệu vào làm hãng ly giấy. Thân hình bé nhỏ của nàng đứng trước cái thùng cạt tông to đùng đựng đầy ly từ máy sản xuất đổ ra, nàng phải kiễng chân, khom lưng để lấy và xếp ly thành từng chồng. Suốt ngày liên tục không ngừng tay. Vì những chiếc ly do máy sản xuất phun ra liên hồi, nếu ngừng tay sẽ xếp không kịp! Đến ngày thứ ba thì Thư có cảm giác cái lưng nàng sắp gãy ra đến nơi. Cả người rã rời, đau đớn như bị tra tấn! Thư buồn lắm. Nếu không đi làm thì mẹ con nàng sẽ sống ra sao? Bà Luân, mẹ Thư chỉ ở nhà lo cơm nước, chứ từng tuổi này đi học sinh ngữ làm sao vô? Chiều ngày thứ ba, trên chuyến xe buýt chật như nêm, vì nơi này là khu kỹ nghệ, sáu giờ chiều tan sở công nhân  túa ra đông như kiến, nàng đã may mắn gặp bác Phúc.  Bác hỏi thăm Thư và khi nghe cô than đi làm mệt quá, bác thương hại rủ đến sở bác đang làm xin việc. Đây là một hãng chuyên làm nữ trang giả nhưng thuộc hàng cao cấp. Làm việc rất nhẹ nhàng và họ đang cần người. Thư mừng quá cám ơn rối rít.
          Sáng sớm hôm sau nàng có mặt nơi văn phòng và được nhận vào tức khắc. Ông chủ dẫn Thư ra phía sau văn phòng. Gian phòng rộng mênh mông. Ngồi hai bên những chiếc bàn dài, đám công nhân chăm chú làm việc. Ông chủ gọi một người thanh niên da đen cao lớn tới bảo chia việc cho Thư. Anh ta dẫn cô đến chỗ chiếc ghế còn trống, bảo ngồi xuống và đi lấy một cuộn dây kim loại to tướng, một cây thước dây và một chiếc kéo nhỏ dùng cắt kim loại đưa cho Thư. Anh ta chỉ cho cô cắt từng khúc, chiều dài cố định.  Anh chàng đi rồi Thư đưa mắt nhìn chung quanh. Cô thấy nhân công độ một nửa da đen, số còn lại da vàng và trắng. Nhưng số da trắng tương đối ít hơn vàng. Ngay trước mặt cô là một cô gái Việt Nam chưa đến hai mươi tuổi, rất xinh. Thấy Thư nhìn, cô bé nhoẽn miệng cười, tự giới thiệu:
          - Em tên Thu Minh.
          Thư cũng cười:
          - Tôi tên Minh Thư. Suýt tý nữa là mình trùng tên, tuy ngược chiều!
          Cô bé cũng cười, lộ hai núm đồng tiền trên má. Thấy tên da đen cao lớn đưa mắt nhìn một cách nghiêm khắc, Thu Minh vội vàng cúi xuống đo đo, cắt cắt, sau khi đã ra hiệu cho Thư đừng nói chuyện nữa. Đến giờ giải lao mười lăm phút, Thu Minh nói cho Thư biết anh chàng da đen tên Guy và là cai ở chỗ này. Hắn chỉ dưới quyền ông chủ  mà thôi. Thư hỏi bác Phúc. Thu Minh dẫn Thư qua khu đóng hộp. Bác tương đối có tuổi nên được sắp vào công đoạn bỏ món nữ trang đã hoàn thành vào hộp, đóng nắp lại và đẩy qua người bên cạnh. Người này xếp vô thùng cạt tông. Sau đó có người bưng xuống kho hàng chờ đem phân phối cho các tiệm bán lẻ. Thư cám ơn bác Phúc đã giúp nàng tìm được công việc quá nhàn hạ. Thu Minh cười:
          - Để rồi chị xem. Sau bữa ăn trưa, công việc chị em mình nhàn đến nỗi buồn ngủ muốn díu cả mắt luôn! Lúc đó người nào cũng muốn "lạy ông đi qua, lạy bà đi lại". Thấy Thư tròn mắt không hiểu, cô bé phá lên cười "thì ngủ gục đó chị". Bác Phúc cười hiền lành:
          - Có gì mà cám ơn. Trước kia có người giúp bác, giờ bác giúp lại cháu thôi. Đừng bận tâm nhé. Cứ làm ở đây, ông chủ người Do Thái nhưng cũng dễ chịu. Miễn là mình làm việc siêng năng là không lo thất nghiệp cháu ạ. Thư cám ơn bác rồi trở về chỗ ngồi vì đã hết giờ giải lao. Hai cô đi ngang chỗ một phụ nữ da đen khá đẹp, thân hình sexy trong chiếc áo đầm hở hang. Hai gò bồng đảo căng tròn như muốn nhảy ra khỏi chiếc áo cổ khoét quá sâu. Mái tóc cô nàng nhuộm vàng khè. Cặp mắt không một chút thiện cảm nhìn Thu Minh, con bé bĩu môi thì thào:
          - Chị Thư biết không, con nhỏ này là bồ của thằng cai. Nó phách kinh khủng nên ai cũng ghét. Nó ganh với em vì thằng cai hay la cà lại chỗ của em. Đẹp như chị cũng nên coi chừng đó nha. Tên này không hiền đâu. Thấy gái đẹp là mắt sáng lên như đèn pha.
          Thư nghe chỉ cười chứ không có ý kiến. Nàng nghĩ mình cứ chăm chỉ làm việc là ổn. Hơn nữa, mấy lúc này Quân tỏ ra săn sóc Thư một cách đặc biệt. Nghĩ đến Quân, tự nhiên Thư thấy trái tim đập mạnh hơn và hai má chợt ửng hồng. Không biết từ lúc nào nàng hay nghĩ về chàng. Ngồi đo cắt những cọng dây chuyền bằng kim loại, sau đó sẽ  được đem nhuộm vàng, mà đầu óc Thư lùi dần về những ngày đã qua. Mới đó mà đã hơn một năm, kể từ ngày mẹ con nàng rời khỏi Việt Nam...        
   ... Những tin tức thất thủ từ khắp các vùng chiến thuật đưa về, cộng thêm sự xôn xao của dân chúng Sài Gòn khiến bà Luân và Thư không khỏi hoang mang. Phía Cộng sản đã xé hiệp định Ba Lê và mở các mũi dùi tấn công vào Sài Gòn khiến tình trạng càng thêm rối rắm. Mọi người ào ào chạy đổi đô la xanh và mua vàng. Đến đêm 28-04, những tiếng pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất ầm ì vọng về thành phố khiến mọi người sợ hãi đến cực độ. Nhưng biết chạy đi đâu? Mấy ngày nay cả hai mẹ con mất ăn mất ngủ. Nhất là bà Luân, đã một lần bỏ miền Bắc lánh nạn vào Nam. Tưởng yên thân, nào ngờ chúng lại đuổi theo đến nơi. Bà sợ đến rộc cả người!
          Trưa 29, Chiếc xe jeep của ông Thiếu Tá Hữu bên cạnh nhà thắng két ngay trước cửa. Ông chạy vội vào nhà, lát sau bà vợ và hai đứa con mỗi người một túi xách nhỏ chạy ra, leo lên xe. Thấy mẹ con Thư đứng nhìn với ánh mắt đầy lo âu, bà vợ ông Thiếu tá chạy sang hỏi nhỏ:
          - Chị Luân và cháu Thư có đi với chúng tôi không? Nhà tôi nói có chiếc tàu Đại Hàn đậu ngoài Tân cảng sắp nhổ neo đó. Nếu đi thì vào lấy ít đồ rồi theo chúng tôi.
          Bà Luân mừng rỡ. Dù không biết là sẽ đi đâu, nhưng vợ chồng ông Thiếu tá Hữu là người Bắc, cũng từng di cư như bà. Họ đã đi thì chắc là đã biết sẽ đi đâu. Đi đâu cũng được, miễn là không phải sống với cộng sản. Nhà bà không có đàn ông, đi chung với ông bà Thiếu tá Hữu là yên tâm. Từ ngày Tiến, con trai bà, mất tích khi máy bay chàng lái bị Việt cộng bắn rơi, bà càng căm thù bọn họ đến tận xương tủy. Bà chẳng đã mất bao nhiêu là của cải năm 72 Mùa Hè Đỏ Lửa, chạy thục mạng từ Kontum về Sài gòn là gì? Đã 3 năm mẹ con bà mua nhà ở cạnh ông bà Thiếu tá Hữu, hai nhà qua lại rất thân tình. Có món gì ngon bà Luân cũng mang biếu ông bà Thiếu tá Hữu nên họ rất quý. Bà vội giục Thư vào phòng lấy hai cái sac marin mà không hiểu do linh tính hay sao, mấy ngày trước bà đã sắp sẵn vào đó ít quần áo, vật dụng tùy thân và giấy tờ quan trọng. Bà thầm nghĩ biết đâu lại chẳng chạy trốn Cộng sản thêm một lần nữa?
          Sáu người ngồi trên xe chật ních nhưng hề gì. Chạy giặc chứ có phải đi du ngoạn đâu! Trên đường ra Tân cảng hàng đoàn người xông vào những cơ quan Mỹ bỏ trống để hôi của. Họ vác đủ thứ chạy ngờ ngờ hai bên đường... Tiếng súng nổ dòn khắp nơi khiến những người ngồi trên xe mặt mày tái xanh tái xám. May quá xe chạy vào Tân cảng bình yên vô sự. Người đông đen đứng lố nhố trên bến tàu. Một chiếc thang sắt nối liền bến tàu với con tàu. Một hàng người, già trẻ bé lớn tay xách nách mang đang dò từng bước tiến lên boong tàu. Hai người Mỹ đứng hai bên chân thang ra lệnh cho tất cả quân nhân muốn lên tàu phải bỏ súng và quần áo nhà binh lại. May mà bà Hữu có đem theo quần áo thường dân cho chồng thay nên mọi người được lên tàu không gì trở ngại. Vì được báo tin trễ nên khi sáu người lên tàu thì dưới hầm tàu đã chật kín người. Thì ra người ta đã lên tàu từ ba hôm trước. Những thủy thủ của tàu Đại Hàn có vợ hoặc tình nhân là người Việt. Họ báo tin cho những người này và những người này đưa cả tông chi họ hàng xuống tàu để ra khơi. Họ đem từng thùng đủ thứ như mỳ gói, cá hộp, thịt hộp, bánh trái... chất đầy để ăn dần. Khi gia đình ông bà Hữu và mẹ con Thư leo xuống hầm tàu thì chỉ còn một chỗ nhỏ xíu ngay phía dưới nắp hầm. Sáu người đành chen chúc nhau ngồi. Con tàu nhắm hướng ra Vũng Tàu. Lúc ngang khúc Rừng Sát mọi người nín thở, chỉ sợ Việt Cộng nã vài quả B40 thì nguy to. Gần một ngàn người dưới hầm tàu, bị chìm chỉ có nước theo ngài Hà bá! Dưới hầm tàu nóng như lò lửa. Trẻ con phải cởi áo mới chịu nỗi. Mọi người dùng bất cứ thứ gì có thể quạt, hầu xua đuổi được chút đỉnh cái nóng như thiêu đốt. Nhìn khắp hầm tàu, Thư có cảm tưởng như hàng ngàn cánh bướm đang chuyển động.
          Khi tàu ra ngoài khơi, không biết bao nhiêu là thuyền con từ các làng đánh cá ven biển chạy ra bu quanh hàng hàng lớp lớp. Thuyền trưởng đành cho lệnh vớt hết. Không hiểu sao đã chạy loạn mà những người này mang theo cả TV, xe gắn máy... Thủy thủ được lệnh quăng hết xuống biển để lấy chỗ cho người ngồi. Thế là tầng trên có thêm hơn hai ngàn người nữa. Vấn đề vệ sinh thật tồi tệ nên hầu như người nào cũng bị bệnh đau mắt. Hằng ngày thủy thủ phát cho mỗi người một túi gạo sấy và một túi cá khô để ăn. Thức ăn này dành cho quân đội mang theo đi hành quân. Chỉ cần đổ nước vô là gạo nở ra. Thư và hai đứa con ông bà Thiếu tá Hữu nuốt không vô vì cơm thì cứng, cá khô tanh quá. Qua đến ngày thứ ba thì tàu cặp bến Subic bay, Phi Luật Tân.  Sau khi được ăn uống, một số sĩ quan cấp tá và gia đình được lên máy bay sang đảo Guam. Những người còn lại sẽ theo tàu tiếp tục cuộc hành trình bằng đường biển. Mẹ con Thư được đi máy bay là nhờ ông Thiếu tá nhận là họ hàng.
          Guam là một hòn đảo nhỏ diện tích hơn năm trăm cây số vuông, nằm trong biển Thái Bình Dương và là một trong năm lãnh địa của Mỹ. Lính Mỹ chặt cây cối và dựng hàng ngàn căn lều vải trên hòn đảo trống trải này. Khí hậu khá khắc nghiệt. Ban ngày nóng như thiêu đốt, gió thổi bay bụi đỏ mù mịt, nhưng đêm xuống lại lạnh ra trò. Hai gia đình được chia hai căn lều cạnh nhau. Lúc mới đặt chân lên Subic bay, sau những ngày nhịn đói nhịn khát dưới tàu, ai cũng ăn uống thả dàn. Thư và hai đứa con ông Thiếu tá Hữu uống sữa tươi và ăn cam mỹ thoải mái. Lúc vừa đến đảo Guam, ba người bị Tào Tháo rượt chạy tơi bời. May mà bà Thiếu tá Hữu có đem theo chai thuốc Parégorique mới cầm lại được!
           Họ chẳng phải làm gì cả. Ngày hai buổi Thư và mấy đứa nhỏ đi sắp hàng xin cơm. Hàng nào cũng rồng rắn dài cả nửa cây số. Đứng hàng giờ dưới cái nắng chang chang, người nào cũng đen nhẻm. Lúc nào cũng nhận được một vá cơm nhão nhẹt, một ít trứng quậy ra từ bột. Không có xì dầu cũng không có muối, vì hở ra chai nào là bị thiên hạn mượn về lều làm của riêng chai nấy. Cuối cùng nhà bếp bèn để cho cái đám dân vô ý thức này ăn nhạt phèo cho khỏi lên tăng xông! Những người có tiền thì đến căng tin mua thức ăn ngon lành làm sẵn. Mẹ con Thư chỉ có vài chục Mỹ kim trong túi, ăn hết lỡ cần đến thì sao? Thôi thì chịu khó đi xin cơm vậy. Một hôm Thư đang sắp hàng với hai đứa con ông bà Thiếu tá Hữu, đột nhiên Thư để ý thấy hàng bên cạnh có người đàn ông đang nhìn nàng chăm chú. Thư nhìn lại. Nàng mơ hồ thấy quen quen. Đột nhiên người đàn ông rời hàng, bước sang và hỏi:
          - Xin lỗi phải Minh Thư bạn của Ái Châu không?
          Tức khắc Thư nhớ ra và reo lên:
          - Anh Quân!
          Quân gật đầu. Chàng cười, lộ hàm răng trắng bóng trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió:
          - Đúng rồi. Thư tới đây hồi nào?
          - Dạ, em mới tới được hai hôm thôi. Em đi với mẹ em.
          - Anh cũng đi với mẹ anh. Cô em gái ở Cần Thơ bị kẹt lại.
          Hai người vừa nói chuyện vừa xê dịch theo đoàn người lấy cơm. Trước khi chia tay, Quân xin số lều để đến thăm mẹ Thư. Anh nói chỗ lạ gặp người quen mừng quá. Hơn nữa mẹ anh rất buồn vì nhớ con gái còn kẹt lại Việt Nam. Ngày nào bà cụ cũng khóc. Anh nghĩ nếu các bà gặp nhau trò chuyện có lẽ sẽ bớt buồn hơn. Thư về kể cho mẹ nghe về Quân. Sở dĩ nàng quen anh ta vì nhiều lần theo Ái Châu, là cô bạn cùng lớp thân nhất của Thư, đến nhà bà dì của nhỏ trong Hòa Hưng và đôi lần gặp Quân ở đó. Quân là bác sĩ quân y, có vợ tên Thúy Liễu và một đứa con gái lên bốn tuổi. Quân quanh năm suốt tháng theo sư đoàn đi khắp các vùng chiến thuật, ít khi về nhà. Dù là lính "cao cấp" như Quân, không có phòng mạch thì  lương lậu cũng chẳng bao nhiêu. Vì thế vợ chàng phải đi làm thêm và đã quen với ông Giám Đốc người Mỹ đầy uy quyền và giàu có. Cuối cùng, những món quà quý giá, đắt tiền đã khiến Thúy Liễu ngả vào vòng tay ông Giám Đốc. Sau khi li dị, cô ta lấy ông này và khi chiến trường VN sôi sục cực điểm thì Thúy Liễu đã đem con gái theo chồng về Mỹ. Tuy nhiên cô ta vẫn liên lạc với Quân để cho tin tức về con bé.
           Buổi chiều Quân đưa mẹ lại lều của Thư. Bà Đắc trạc tuổi bà Luân, người tầm thước, da trắng, ăn nói nhỏ nhẹ. Hai bà mới gặp nhau mà đã có cảm tình. Nói chuyện một lúc thì khám phá ra trước khi di cư năm 54, họ cùng ở phố Hàng Bột, gần Quốc Tử Giám. Hai người như sống lại thuở thanh xuân. Cùng nhắc bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm của thời con gái.  Rồi sau hai ngày chuyện vãn không biết mệt, mẹ Quân bàn với con dọn đến ở chung lều với mẹ con Thư. Họ chỉ cần kê thêm hai chiếc ghế bố là xong. Thấy mẹ vui vẻ, Quân tán đồng ngay. Bà Luân nói với Thư rằng trong lều có đàn ông cũng đỡ sợ, vì bà nghe bà Thiếu tá kể có nơi bị trộm đột nhập vào lều ăn cắp đồ. Tuy không có thứ gì đáng giá, nhưng cũng một phen hoảng vía!. Thế là ba gia đình ở gần nhau rất vui vẻ. Hai bà mẹ càng ngày càng thấy gần gũi và thương nhau như hai chị em. Dù gì thuở xưa ở cùng phố, lại góa bụa giống nhau. Đến ngày thứ bảy, sau khi đi thăm dò, Quân về lều báo tin có phái đoàn Canada đến mở văn phòng nhận người định cư. Ông Thiếu tá Hữu có em du học Canada từ trước rồi ở lại luôn. Ông đã liên lạc được với cậu em, nên quyết định đi Canada. Riêng Quân thì có mối thù không đội trời chung với người Mỹ, nên cũng quyết định xin tỵ nạn ở Canada. Trước đa số, mẹ con Thư đành... phục tùng! Một tuần sau thì ba gia đình khăn gói quả mướp lên xe bus ra phi trường và sau đó lên máy bay  đi Québec.         
          Cả đoàn người lếch thếch xuống phi trường Dorval khuya lơ khuya lắc. Không ngờ được chính phủ tiếp đãi quá nồng hậu. Họ mướn khách sạn Queen giữa trung tâm thành phố Montréal để người tị nạn trú ngụ những ngày đầu tiên . Công chức của Bộ Di Trú đã có mặt ở khách sạn để làm giấy tờ nhập cảnh. Họ nhờ cả những sinh viên du học người Việt để thông dịch. Ăn uống thì ê hề thức ăn... tây. Chỉ tội nghiệp những người có tuổi, xa Việt Nam  hơi lâu nên thèm cơm và nước mắm. Ai nấy đều mong mướn nhà riêng để tự nấu ăn. Quần áo cũng được tiệm bách hóa Miracle Mart đem tới tận khách sạn phân phát. Khổ nỗi, không đủ size nên đành lấy đại. Thư nhớ mình đã lấy cái quần jean rộng thùng thình, trên cả hai số!
Một tuần sau mười tám gia đình được yên vị trong cùng một chúng cư đường Alma. Nơi đây người quản lý da trắng dễ dãi. Nhiều gia đình đông tới bảy tám người vẫn mướn được căn phòng năm rưỡi. Nhà ông bà Thiếu tá Hữu bốn người thuê căn bốn rưỡi. Hai ông bà ngủ một  phòng. Con gái phòng nhỏ và cậu con trai ngủ phòng khách. Gia đình Quân và Thư đều mướn ba rưỡi. Hai căn ở sát nhau. Trẻ con đông, ồn ào suốt ngày ngoài hành lang và có lẽ mùi thức ăn Việt Nam đã đuổi hết những gia đình da trắng đi chỗ khác. Mỗi sáng xe bus tới chở học trò đi học, chỉ với trẻ con ở chúng cư này là đầy một xe!
          Khi Thư đi làm ở hãng Keays thì Quân xin được chân y công trong một nhà thương tâm thần, cách nhà tiếng rưỡi xe bus và métro. Quân chọn ca đêm, từ bốn giờ chiều đến mười hai giờ đêm. Buổi chiều cho bệnh nhân ăn uống, tắm rửa xong đi ngủ là chàng cùng mấy người bạn ngồi học bài. Muốn trở lại hành nghề, tất cả bác sĩ ngoại quốc bắt buộc phải qua một kỳ thi lấy bằng tương đương và một năm thực tập ở nhà thương. Tan sở lúc mười hai giờ đêm, đi bộ thật xa mới ra đến trạm xe bus, rồi chui xuống métro, sau đó phải đi bộ một quãng mới về đến nhà. Nên dù tan sở lúc mười hai giờ khuya, Quân về đến nhà là một giờ rưỡi. Loay hoay cũng phải hai giờ mới ngủ. Hôm sau dậy muộn, ăn uống xong lại sửa soạn đi làm. Cực ơi là cực. May mà kỳ thi đầu tiên Quân đậu ngay. Thư còn nhớ rõ. Chiều hôm đó nàng đi làm về, từ dưới métro chui lên đã thấy Quân đứng lù lù tại cầu thang. Thư chưa kịp ngạc nhiên thì Quân đã cười tươi rói:
          - Anh đậu rồi!
          Thư cũng mừng quá, reo lên:
          - Anh giỏi quá!
          Quân nhìn Thư âu yếm:
          - Em vui không?
          Thư đáp không suy nghĩ:
          - Vui lắm!
          Nói xong nàng chợt đỏ mặt. Quân thi đậu thì có mắc gì đến Thư mà vui? Nàng ngượng ngùng nhìn Quân. Chàng mỉm cười nắm tay Thư, nói tỉnh bơ:
          - Mình về đi. Cả nhà đang chờ tụi mình về ăn cơm.
          Quân càng nói, Thư càng ngớ ra. Chẳng hiểu tại sao anh chàng lại dùng tiếng "cả nhà"? Thì thường thường hai nhà vẫn qua lại ăn cơm chung. Nhưng tiếng "cả nhà" hôm nay có vẻ không bình thường. Tuy nghĩ vậy nhưng Thư vẫn để yên bàn tay mình trong tay Quân. Nàng lại cảm thấy thật ấm áp, thật ngọt ngào. Thỉnh thoảng bàn tay Quân siết nhẹ tay Thư. Chàng nhìn cô bằng ánh mắt thật âu yếm. Thư mỉm cười. Thì ra chàng cũng yêu mình thật rồi. Từ mấy tháng nay cô thấy mình hay nghĩ về Quân. Trong sở làm có Chương, một cựu Giám đốc chi nhánh Việt Nam Thương Tín Sài Gòn cũ, trẻ, đẹp trai, độc thân vui tính đang tán tỉnh Thư, nhưng nàng vẫn tránh né. Thư so sánh Chương với Quân và chợt nhận ra tình cảm nàng nghiêng hẳn về Quân. Chàng không hoạt bát, đẹp trai bằng Chương. Nhưng từ con người Quân toát ra sự vững chãi, đáng tin cậy. Chàng săn sóc Thư một cách kín đáo, tế nhị. Không bao giờ có một cử chỉ hoặc một lời suồng sã. Thỉnh thoảng Quân có một món quà nho nhỏ cho Thư mà không cần phải là một dịp gì đặc biệt. Chẳng hạn như mùa thu vừa qua, thứ bảy hai mẹ con Quân qua nhà Thư ăn vì chiều hôm đó bà Luân làm món bún thang. Chàng đưa cho Thư một gói nhỏ, bọc giấy hoa thật đẹp:
          - Hôm nay đi qua một tiệm bán quần áo đàn bà, thấy chiếc khăn quàng cổ đẹp quá, mua cho Thư.
          Nàng mở gói quà. Một chiếc khăn lụa màu hồng nhạt có in những chùm lilas tím. Thư vừa quấn khăn lên cổ vừa nói, giọng reo vui và cặp mắt long lanh:
          - Đẹp quá. Cám ơn anh.
          Quân nhìn nàng trìu mến. Ánh mắt như cười. Hai bà mẹ kín đáo đưa mắt nhìn nhau có vẻ hài lòng. Hôm đó Thư bắt chàng ăn thêm một tô bún thang. Quân dù đã no cũng vui vẻ ăn thêm. Vậy đó. Cả hai người, tuy không nói ra miệng nhưng đều dành cho nhau những tình cảm ngọt ngào, đằm thắm nhất.

          Tới đầu đường Alma, Thư nhẹ nhàng rút tay lại:
          - Coi chừng có người thấy, kỳ lắm anh.
           Quân cười:
          - Mắc cỡ hả cô bé?
          Thư nhìn chàng, trách móc:
          - Còn gọi "người ta" là cô bé? Coi chừng Thư gọi lại anh là "ông già"!
           Quân cười khẽ :
          - Anh già lắm sao ?
          - Em đùa thôi ! Thư lắc đầu.
          Bước vào nhà, nghe mùi chả giò thơm lừng, nàng hỏi mẹ:
          - Bữa nay đâu phải cuối tuần mà mẹ làm cơm đặc biệt vậy?
          Bà Luân đang trở những cuốn chả giò vàng óng trong chảo, vừa trả lời con gái:
          - À, nhân dịp cậu Quân thi đậu, bác Đắc và mẹ làm vài món ngon đãi cậu ấy.
          Chợt nhớ ra, Thư hỏi tiếp:
          - Ủa, sao hôm nay anh Quân không đi làm nhỉ?
          - Cậu ấy xin nghỉ một hôm để đi xem kết quả. Nhà sẵn mọi thứ nên mẹ làm món chả giò. Tí nữa bác Đắc đem gà quay và thịt nướng qua ăn chung.  Con tắm đi rồi ăn cơm. Mẹ còn luộc bún.
          Thư lấy quần áo đi tắm. Đứng dưới dòng nước ấm áp đổ xuống từ vòi sen, Thư cảm thấy thật dễ chịu và bỗng dưng muốn cất tiếng hát một bản nhạc trữ tình. Dư âm hạnh phúc khi được Quân nắm tay vẫn còn đầy. Không còn nghi ngờ gì nữa, nàng đã yêu Quân tha thiết...Trước khi rời bỏ Sài gòn, Thư cũng có một mối tình nho nhỏ vắt vai. Hùng và nàng gặp nhau trong một bữa cơm thân mật nhà người bạn. Hùng làm phó Giám đốc một hãng tư sản xuất nước ngọt. Chàng có đôi mắt màu hổ phách rất đẹp và rất lạ. Hai người mới bắt đầu cuộc tình không lâu thì bị chia lìa vì hiện tình đất nước. Tới giờ Thư vẫn không có chút tin tức gì của Hùng. Tuy nhiên, đôi khi nhớ đến chuyện xưa, trái tim vẫn còn chút bồi hồi. Thư mong chàng đã có tình yêu mới, vì dù sao giòng đời vẫn tiếp tục trôi và ta vẫn phải sống, dù có nhọc nhằn!
          Khi Thư sấy khô tóc, bước ra khỏi phòng thì bà Đắc và Quân đã đem thức ăn sang và hai người đang giúp bà Luân dọn bàn. Thư vội vàng chạy đến giành lấy mấy cái bát trên tay Quân:
          - Bác và anh Quân ngồi đi, để em làm. Hôm nay được ăn bún chả thích quá. Bác làm món này ngon nhất. Bà Đắc cười tươi:
          - Bác biết cháu thích món này nên mới làm đấy. Hôm nào rảnh bác chỉ cho bí quyết. Mai mốt còn làm cho chồng con ăn nữa chứ. Phải không cậu Quân? Vừa hỏi bà vừa nhìn con trai với ánh mắy đầy thương yêu. Quân không trả lời mẹ, chỉ đưa mắt nhìn Thư và cười cười khiến nàng đỏ mặt, lúng túng. Bà Luân bưng đĩa bún vừa mới luộc đặt xuống bàn, rồi mời mọi người cầm đũa. Bà Đắc tấm tắc khen:
          - Chả giò chị làm ngon quá. Vật liệu lấy đâu ra mà làm ngon thế?
          - À, tôi có người bà con sang Pháp từ mấy năm trước. Cách đây hai tháng họ qua đây thăm chúng tôi, sẵn du lịch cho biết xứ Canada. Nghe tôi than bên này thiếu đồ Việt Nam nên anh chị ấy mang sang cho một thùng đủ loại đồ khô. Chợ Việt bên Paris có bán đủ mọi thứ chị ạ.
          Trong bữa ăn, hai bà mẹ vẫn nhắc đến đề tài muôn thuở: Việt Nam trước ngày mất nước. Những kỷ niệm vui buồn, những đau khổ, hạnh phúc...ở Hà Nội, ở Sài Gòn...đủ cả khiến người nghe cảm thấy ngậm ngùi! Nhưng nói gì thì nói, bà Luân không bao giờ nhắc đến Hùng và bà Đắc không bao giờ nhắc đến Thúy Liễu trước mặt mọi người. Thư biết Quân vẫn thường phôn qua Mỹ thăm con gái. Nhớ lắm, nhưng chàng chưa có thì giờ cũng như phương tiện sang thăm con bé. Thúy Liễu mặc cảm có lỗi với Quân nên không bao giờ cấm cản cha con họ liên lạc với nhau. Lúc đầu, chính nàng còn đề nghị giúp mẹ con Quân một số tiền lớn để sống thoải mái, nhưng chàng cương quyết từ chối. Lòng tự trọng không cho phép.
          Ăn xong, Thư đứng lên dọn chén bát qua bồn rửa chén. Quân cũng đứng lên định phụ một tay, nhưng Thư không cho. Nàng pha một bình trà mời mọi người uống và ăn tráng miệng những chiếc bánh choux à la crème mà Quân mua hồi chiều. Nhìn những chiếc bánh choux xinh xinh, Thư không khỏi chạnh lòng, nhớ tới lần gặp Hùng trên căn gác trọ đường Tô Hiến Thành Sài Gòn. Người con trai có đôi mắt màu hổ phách đã làm con tim băng trinh của nàng rung động bồi hồi. Thư chớp mắt, lắc đầu để xua đuổi những hình ảnh vừa thoáng hiện.
          Rửa chén xong Thư qua ngồi với mọi người. Quân rót cho nàng một tách trà. Sau khi ngần ngại một vài giây, chàng quyết định đứng lên. Quân nhìn Thư, rồi quay sang bà Luân, cất giọng trịnh trọng:
          - Thưa bác, hôm nay là ngày may mắn của cháu. Vì thế, cháu trân trọng thưa với bác rằng, từ lâu cháu đã yêu Minh Thư và nếu em không chê, cháu xin phép bác cho cháu được xin bàn tay của em ấy...
          Sự ngạc nhiên khiến Thư sửng sốt. Nàng nhìn Quân đăm đăm, cặp mắt mở to, nói không nên lời.                     
 Tiếng bà Luân kéo Thư về thực tại:
          - Chuyện này bác để em Thư quyết định hoàn toàn. Nếu nó bằng lòng thì bác không có gì phản đối cả. Kìa Thư, nói gì đi chứ.
          Thư lắp bắp:
          - Con... con... đồng ý!
          Ba người đang nhìn Thư chăm chú đồng loạt thở phào. Quân mừng rỡ bước qua cầm tay Thư đưa lên môi, mắt nhìn nàng đắm đuối. Hạnh phúc khiến chàng bất chấp sự có mặt của hai bà mẹ:
          - Cám ơn em. Anh hứa sẽ cố gắng mang hạnh phúc đến cho em. Hãy tin tưởng anh.
          Con bé Thư ngày xưa ngổ ngáo là thế, bây giờ cũng e thẹn, nói vừa đủ cho chàng nghe:
          - Em tin anh!.
          Vẫn cầm tay Thư, Quân nói với hai bà mẹ:
          - Con nghĩ là trước khi đi thực tập nhà thương, chúng con sẽ làm lễ đính hôn. Nếu con phải đi xa thì bác và Thư vẫn ở đây. Ra trường xong là chúng con cử hành hôn lễ ngay.
          Mọi người đều tán thành ý kiến của Quân và một buổi lễ đính hôn trong vòng thân mật được tổ chức một tháng sau đó, trước khi Quân đi Chicoutimi. Thư chỉ mời bác Phúc và  Thu Minh, hai người thân nhất ở sở làm và gia đình ông bà Thiếu tá Hữu. Quân được Y sĩ đoàn và Bộ Y tế phân phối đi thực tập ở nhà thương Chicoutimi. Đây là một tỉnh nhỏ nằm về phía Bắc của tỉnh bang Québec, cách Montréal hơn 600 cây số.
          Tháng bảy bắt đầu thực tập. Quân xuống trước để thuê nhà rồi mới trở về rước mẹ. Hôm tiễn đưa, hai bà mẹ bịn rịn không muốn rời nhau. Bà Luân sợ bà Đắc xuống nơi xứ lạ, Quân đi làm, bà ở nhà một mình sẽ buồn chán rồi sinh bệnh. Mà bệnh thì không có ai ở gần để săn sóc. Nhưng bà Đắc trấn an bà sui:
          - Không sao đâu. Một năm qua nhanh lắm. Tôi sẽ gọi điện thoại thường xuyên cho chị. Khi nào Thư rảnh, hai mẹ con xuống thăm chúng tôi.
          Thư cũng lo cho sức khỏe của hai người. Nàng nghe nói dưới đó lạnh hơn Montréal nhiều lắm. Thư căn dặn đủ điều khiến Quân phì cười:
          - Em làm như anh bị đày lên xứ rừng thiêng nước độc không bằng. Đây là Canada đó em ạ. Chicoutimi tuy xa nhưng cũng đầy đủ tiện nghi như ở đây. Đừng lo quá, cô... vợ bé bỏng của anh.
          Vừa nói Quân vừa đưa tay vuốt chót mũi Thư. Nghe Quân gọi mình là vợ, Thư xấu hổ ngúng nguẩy:
          - Anh kỳ! Ai là vợ anh đâu!
          Quân đe dọa:
          - Được thôi. Có gì đừng trách nhé!
          Thư trợn mắt:
          - Có gì là gì? Anh có gì là chết với em...
         Quân cười dòn:
          - Coi em kìa. Dễ thương quá làm anh muốn... thơm một cái!
          Thư nhìn trước nhìn sau, thấy không có ai bèn ngước mặt lên:
          - Thưởng anh. Xuống dưới gắng học, không được lộn xộn nha.
          Quân cúi xuống đặt chiếc hôn thật nhẹ nhàng lên môi Thư. Nhưng hơi thở ấm áp, thơm tho của nàng khiến Quân rạo rực, chàng ôm siết thân hình mềm mại của người yêu và lần này một chiếc hôn thật nồng nàn, say đắm khiến cả hai cảm thấy choáng váng. Thư nhẹ đẩy Quân ra và nói trong hơi thở:
          - Xuống tới dưới nhớ phôn về liền cho em. Thôi mình ra kẻo mẹ sốt ruột.
          Trước khi buông, Quân còn tham lam hôn nhẹ lên môi Thư một cái:
          - Xin tuân lệnh bà xã yêu quý!
          Thư nguýt chàng một cái, nhưng trong lòng cảm thấy vừa ngường ngượng vừa vui vui với tiếng bà xã. Lúc hai người ra ngoài thì bà Đắc đã sẵn sàng. Quân thuê một chiếc xe chở hàng nhỏ để tự lái xuống Chicoutimi. Đồ đạc có gì ngoài chiếc giường đơn và tấm nệm cho bà mẹ. Chiếc đi văng, ban ngày dùng để ngồi, ban đêm kéo ra làm giường ngủ. Hai cái tủ đựng quần áo nho nhỏ, một ít vật dụng nhà bếp và hai valy quần áo. Quân đi rồi Thư bồn chồn lo lắng. Đường xa quá không biết chàng lái có an toàn không? Đến gần tối mới có phôn của Quân gọi về. Chàng kể dân chúng ở tỉnh lẻ rất hiền lành, dễ thương. Thấy chàng dọn nhà một mình, hai người hàng xóm đã tình nguyện phụ một tay. Họ cũng cho mượn điện thoại để chàng gọi về cho Thư. Ngày mai Chúa nhật Quân còn nghỉ. Sáng thứ hai mới bắt đầu đi nhà thương thực tập. Thư bảo rằng giữa tháng bảy hãng sẽ đóng cửa nghỉ hè hai tuần, mẹ con nàng sẽ xuống thăm bà Đắc và Quân ít hôm. Chàng nói:
          - Mới xa có một hôm mà đã thấy nhớ em!
          Thư cười khúc khích:
          - Em cũng vậy. Thôi ráng lo học hành cho giỏi. Hai tuần nữa em xuống thăm.
          Hai người thì thầm trao đổi những lời nhung nhung nhớ nhớ.... Cuối cùng Quân chợt nhớ ra:
          - Thôi chết. Gọi về Montréal là viễn liên đó. Anh cúp mghe cưng.
          Sau đó là tiếng hôn gió trong phôn. Thư ngồi đó, tay cầm chiếc phôn và nhớ Quân, nhớ da diết. Thứ hai vào sở làm, trước vẻ mặt bần thần của Thư, Thu Minh trêu:
          - Chị Thư đang nhớ chàng hả?
          Thư cười gượng, tâm sự:
          - Ừ. Anh ấy đi xa mới thấy là thương thật là thương em ạ. Trước đây chị tưởng trong đời mình không thể yêu ai được nữa sau khi mất liên lạc với anh Hùng.
          - Nhưng lần này chị yêu anh Quân có khác với anh Hùng không hở chị? Thu Minh tò mò.
          Thư ngẫm nghĩ một lúc mới trả lời, bởi  nàng chưa bao giờ tự đặt câu hỏi:
          - Khác em ạ. Lúc yêu anh Hùng chị còn ngây thơ, nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng. Tình yêu rất sôi nổi và đầy mộng mơ. Giờ yêu anh Quân, chị đã chín chắn lắm rồi. Tình yêu đằm thắm hơn. Anh ấy cũng từng đổ vỡ như chị, nên ngoài tình yêu, anh chị ý thức được bổn phận phải mang hạnh phúc đến cho nhau.
          Thu Minh nháy mắt:
          - Túm lại, chị Thư của em bây giờ là người lớn rồi! May phước cho anh Quân. Hihihi!
          - Con bé này! Thư mắng yêu. Bao giờ đến lượt cô thì coi chừng tui à!
          Hai chị em đang cười khúc khích, nhìn thấy khuôn mặt cau có như khỉ ăn gừng của anh chàng cai Guy thì vội vàng ngậm miệng. Thư và Thu Minh chăm chỉ làm đến giờ giải lao mới tiếp tục:
          - Em học đến đâu rồi?
          Thu Minh nghe hỏi chép miệng:
          - Cũng oải lắm chị ơi. Sau chín tiếng ở đây, em chạy đến trường học thêm ba tiếng nữa. Nhiều khi ngủ gục luôn đó. Không lẽ suốt đời làm hãng này với đồng lương tối thiểu nên em mới cố hết sức đó.
          Thư an ủi:
          - Ráng lên em. Thu Minh còn trẻ, phải học một nghề chắc chắn cho tương lai. Chị nghe nói học ngành kế toán lúc nào cũng có việc làm.
          Thu Minh phân bì:
          - Chỉ có chị là sướng. Một năm nữa anh Quân học xong. Hai người cưới nhau chị sẽ không cần đi làm nữa. Sướng ghê!
          Thư nhăn mặt:
          - Ai bảo với em là chị sẽ ở không? Có mà chết sớm! Hôm trước anh Quân nói khi ra trường anh ấy sẽ mở phòng mạch tư và chị sẽ đi làm với anh ấy.
          - À há! Một công đôi việc. Chị vừa làm có lương mà vừa canh chừng ông chủ! Thu Minh cười dòn.
          Thư cốc đầu Thu Minh:
          - Nhiều chuyện quá nghen nhỏ! Ai thèm canh làm gì. Yêu nhau phải tin tưởng chứ.
          Thu Minh chu mỏ:
          - Thôi chị ơi. Nói như chị có ngày... khóc hổng kịp à nha. Em thấy tụi đầm bên này... xả láng lắm đó. Nó mà thích là... cho liền, chứ không như người Á Đông mình. Chị thấy con Linda không? Nó mê anh Phú như điếu đổ. Em nghe mấy người trong phòng mài nói nó  dụ khị anh ấy đi bar uống rượu với nó hoài. Chị thấy nó ăn mặc sexy kiểu đó đàn ông nào từ chối mới là lạ !
          Thư phải công nhận con bé Thu Minh có lý. Con Linda chừng ngoài hai mươi tuổi. Tóc nhuộm vàng óng ả. Nó hay mặc đầm bó sát nên ngực và mông cứ ngồn ngộn. Trước đây nó bồ với một tên da trắng gốc Ý làm bên phía nữ trang bằng vàng thật. Sau này nó bỏ anh Ý để theo ve vãn Phú. Phú cao lớn, đẹp trai làm trong phòng mài. Thấy cô đầm hấp dẫn, Phú cũng đi chơi với nó một hai lần. Anh chàng Ý ghen, đón đường cà khịa và suýt đánh nhau với Phú. Bạn bè khuyên Phú không nên đi với con Linda nữa. Thằng Ý nhờ Mafia thanh toán thì phiền lắm. Trong hãng có gần hai mươi người Việt Nam. Bác Phúc lớn tuổi nhất, còn thì từ mười tám đến ba mươi. Phần lớn sau giờ làm việc họ chạy vội vàng đến trường để theo một chương trình chuyên nghiệp nào đó, như Thu Minh chẳng hạn. Những công nhân ở đây gồm nhiều sắc dân, nhưng hầu như ngoài dân Việt Nam, những người khác có vẻ chịu đựng số phận làm công muôn đời ở đây. Mà cũng phải thôi, như dân đến từ xứ Haiti là một trong những nước nghèo và lạc hậu nhất thế giới, được làm ăn sinh sống ở Canada đã là thiên đàng rồi. Họ đâu còn mơ ước gì hơn? Trong khi đó, phần lớn dân Việt Nam ở đây ít nhiều gì cũng là dân trí thức, làm sao cúi đầu cam chịu làm việc tay chân mãi được.

*
          Bà Luân và Thư chuẩn bị đi Chicoutimi thăm bà Đắc và Quân. Thư mua vé xe đò. Xe đò bên này rộng rãi, đầy đủ tiện nghi nên dù đường xa vẫn không mệt lắm. Dọc con đường từ thành phố Québec xuống Chicoutimi là rừng rậm bạt ngàn với những cây thông tuyệt đẹp mà từ xưa mẹ con Thư chỉ thấy trên hình ảnh. Thấy Quân ra bến xe đón mẹ con nàng với chiếc xe hơi mới tinh hiệu Honda Civic màu xanh dương đậm, Thư tròn mắt ra nhìn. Quân giải thích:
          - Anh mới mua. Xe này nhỏ nhưng bền và rẻ. Giá có ba ngàn đô la. Anh trả trước một ngàn, còn trả góp. Khi người bán hàng biết anh thực tập ở bệnh viện là họ rất vui vẻ cho anh... thiếu nợ! Không có xe làm sao anh đưa mẹ và em đi chơi. Phong cảnh nơi này đẹp lắm em ạ.
          Thư phản đối:
          - Không cần đi chơi. Anh phải dành thì giờ để học. Mẹ và em xuống thăm chứ có phải xuống để đi chơi đâu. Anh đừng mất thì giờ vì mẹ và em nhé.
          - Dĩ nhiên là anh học, nhưng cũng phải cho anh thư giản chút xíu chứ... cô giáo!
Thư và bà Luân phì cười. Dãy nhà nơi Quân thuê một phòng nằm trên đầu dốc. Vừa đến nơi đã thấy bà Đắc đứng đợi sẵn. Hai bà mẹ gặp nhau mừng quá là mừng. Quân xách đồ vào nhà. Bà Đắc đã làm cơm sẵn chờ mẹ con Thư. Mọi người ăn bữa cơm đoàn viên thật là ấm cúng và hạnh phúc. Mới xa hơn hai tuần mà như là lâu lắm. Chuyện nói hoài không hết. Buổi tối hai bà mẹ ngủ trong phòng. Thư ngủ trên chiếc giường sô pha ngoài phòng khách và Quân trải mền xuống thảm ngủ tạm. Tiếng Quân thì thầm vọng lên:
          - Nhớ em điên luôn. Cho anh mi một cái nhé.
          - Không được! Thư trả lời, giọng chắc nịch. Nàng tự biết, nếu để Quân hôn một cái, có trời mới biết còn bao nhiêu cái sẽ nối tiếp theo? Và... Giọng nài nỉ của Quân càng lúc càng bi thảm:
          - Một cái thôi mà. Anh hứa chỉ hôn một cái thôi rồi ngủ.
          Thư xiêu lòng:
          - Chỉ một cái thôi nhé. Không được ăn gian.
          Nàng nghiêng người cúi xuống. Bất thình lình cánh tay của Quân ôm ngang hông kéo Thư rơi ập lên người chàng và đôi môi nóng bỏng của Quân đã tham lam gắn chặt lên môi nàng. Người Thư mềm nhũn dưới cái hôn cuồng nhiệt. Không biết bao lâu. Tiếng bước chân của bà Luân hay bà Đắc không rõ từ trong phòng đi ra nhà vệ sinh khiến cả hai choàng tỉnh. Thư vội vàng leo lên giường, kéo chăn đắp kín. Có tiếng cười nho nhỏ của Quân:
          - Ngủ ngon nhé bà xã yêu quý.
          Thư không dám đáp lại. Hương vị ngọt ngào của nụ hôn vẫn còn đọng trên môi. Hơi thở còn chưa bình thường. Mãi một lúc lâu nàng mới chìm vào giấc ngủ... Dưới sàn nhà Quân đã ngáy đều đều.
          Sáng hôm sau, lúc Quân và Thư thức giấc, hai bà mẹ đã dậy từ bao giờ, đang ngồi uống trà nơi chiếc bàn ăn nhỏ trongbếp. Lúc đi ngang phòng khách, nhìn hai trẻ ngủ say sưa, hai bà mẹ không dấu được nụ cười âu yếm. Lòng bà nào cũng phơi phới, vì thấy cuối cùng con mình đã tìm được hạnh phúc.
          Ăn sáng xong Quân chở mẹ, bà Luân và Thư chạy vòng vòng thành phố. Thư thấy Chicoutimi nhang nhác như Đà Lạt bên Việt Nam. Cũng đồi, dốc lên xuống quanh co. Những căn nhà cổ bằng gỗ nhỏ nhắn, xinh xắn, rực rỡ dưới ánh nắng hè và nhiều loại hoa màu sắc tươi vui trồng trước cửa. Nơi đây không có nhiều gương mặt Á Đông nên bốn người đi tới đâu cũng níu theo ánh mắt của người địa phương. Nhưng thái độ của họ rất thân thiện, hiền hòa. Chưa chi mà Thư đã thấy quyến luyến cái phiên bản của Đà Lạt mù sương. Khi Quân cho xe vượt cầu qua bên kia sông. Con đường trải nhựa loang loáng dưới ánh mặt trời, uốn lượn lên xuống như một giải lụa sẫm màu giữa hai hàng hoa dại đủ sắc xanh đỏ tím vàng. Đến một khoảng đồng trống, cảnh tượng trước mắt khiến Thư như mê đi. Hàng triệu bông cúc trắng chen chúc nhau vươn lên, như muốn tìm chút không khí và ánh sáng mặt trời giữa đám đồng loại đang chen vai thích cánh. Thư nói Quân dừng xe lại bên vệ đường cho nàng xuống. Hai bà mẹ cũng lục đục xuống theo, nhưng chỉ đứng bên đường để ngắm, trong khi Thư không cưỡng được, chạy băng băng vào đám bạch cúc. Nàng cúi xuống sờ hoa này một cái, lại quay đi sờ hoa kia một cái. Như người say rượu mạnh, Thư chỉ muốn nằm lăn trên thảm hoa, ngắm bầu trời xanh biếc trên cao. Và không nghĩ gì hết, đầu óc trống rỗng, thênh thang... như một người hạnh phúc nhất trần gian! Bỗng dưng Thư nhớ đến rừng dã quỳ vàng, mà nàng thấy qua cửa sổ của chiếc máy bay Air Việt Nam, lúc sắp đáp xuống phi trường Kontum ngày nào. Dã quỳ nở vàng cả ngọn đồi (hình như là một ngọn đồi). Hàng vạn đóa dã quỳ vàng óng ả, lung linh dưới nắng thu và bầu trời cũng trong xanh một màu ngọc biếc như hôm nay. Nhưng nàng đã không có cái may mắn, cái hạnh phúc đắm mình trong rừng dã quỳ như hiện tại. Kỹ niệm và nỗi nhớ nhung pha một chút tiếc nuối khiến Thư chợt thấy bùi ngùi. Không hiểu sao giữa bao nhiêu loài hoa lộng lẫy, kiêu sa như hồng, như lan... nàng chỉ yêu hoa cúc?  Thư yêu hoa cúc, đặc biệt là dã quỳ vàng, một loài hoa hoang dã và yêu mùa thu nhất trong các mùa. Nàng yêu bầu trời xanh thẳm, bàng bạc gió heo may và cái không khí lành lạnh, trong suốt như pha lê của mùa thu vùng Cao Nguyên. Có lần Thư hỏi mẹ “Sao mẹ không đặt tên con là Cúc Thu hay Thu Cúc?.” Bà Luân mắng yêu “ Vớ vẩn chưa! Làm sao tôi biết cô sẽ thích hoa cúc và mùa thu mà đặt tên?” Thư cũng tức cười khi nhận ra sự vô lý của mình. Nàng hái một bó bạch cúc rồi trở ra xe. Hình ảnh Thư tung tăng giữa rừng cúc trắng, long lanh niềm vui như một đứa trẻ thơ khiến Quân thấy nàng càng đáng yêu. Lúc Thư đến bên chàng để khoe bó hoa, mặc kệ sự hiện diện của hai bà mẹ, Quân đã đặt lên môi Thư một nụ hôn thật âu yếm và thì thầm vào tai nàng:
          - Em đáng yêu lắm.Tiếc là không có máy ảnh để ghi lại hình ảnh đẹp tuyệt vời này.
          Thư ngước nhìn chàng, mỉm cười, cặp mắt ngời hạnh phúc. Có cần nói ra không nhỉ? Chắc là không!
          Hôm sắp về lại Montréal Thư mua vài món đồ kỷ niệm tặng bác Phúc và Thu Minh. Có những thứ nho nhỏ xinh xinh do người da đỏ và Esquimau làm bằng lông thú, bằng đá đen trông rất đẹp mắt. Đêm cuối cùng, cả Thư và Quân đều buồn. Nằm mãi không ngủ  được, thấy Thư cũng trở mình  liên tục, Quân ngồi lên và... gạ gẫm:
           - Cho anh nằm chung một tí nhé.
          Ngần ngừ một chút, Thư nói:
          - Nằm một tí thôi đấy. Cấm không được... gì!
          Quân phóng lên giường trước khi Thư dứt lời và nàng thấy mình nằm gọn trong vòng tay Quân chỉ trong tíc tắc. Và sau đó cặp môi tham lam của chàng đã khóa miệng nàng lại. Bàn tay Quân đặt trên lưng Thư từ từ luồn vào trong áo xoa nhè nhẹ trên tấm lưng trần mịn như nhung. Thư rùng mình, nàng đẩy Quân ra, giọng trách móc:
          - Anh!
          Quân như choàng tỉnh cơn mộng. Chàng ngồi lên, đưa tay vuốt má Thư và nói:
         - Anh xin lỗi. Ngủ ngon nhé!
          Chàng nằm xuống chỗ của mình, thở hắt ra, cố gắng lấy lại trạng thái bình thường. May mà Thư tỉnh táo!

*
           Thư vẫn đi làm hãng nữ trang và Quân vẫn chăm chỉ thực tập ở bệnh viện Chicoutimi. Noel chàng phải trực nhà thương nên trước đó Quân xin nghỉ một hôm đưa mẹ về Montréal chơi với mẹ con Thư. Gặp lại những người quen ở cùng chúng cư trước đây bà Đắc rất vui. Trước khi Quân trở xuống Chicoutimi, Thư chuẩn bị cho chàng đủ thứ để ăn trong những ngày mẹ vắng mặt. Nhìn vẻ lo lắng của cô vợ tương lai, Quân không dấu được sự cảm động:
          - Đừng lo cho anh quá. Anh có thể ăn trong căng tin ở nhà thương. Lâu lâu ăn cơm tây cũng ngon mà   
         - Nhưng anh quen ăn thức ăn mẹ nấu. Trước khi đi làm, anh chỉ cần cắm nồi cơm điện là xong.
          Quân cười:
          - Em quên ngày xưa anh đi hành quân trong rừng, trong núi cực khổ đến chừng nào. Bây giờ sướng lắm rồi. Đừng chìu quá anh đâm hư đấy nhé.
          Đàn bà Á Đông là vậy. Lúc nào cũng lo lắng tỉ mỉ cho chồng con. Họ tưởng tượng nếu sẩy họ ra là tất cả đều... hỏng bét, chả ra làm sao cả! Thư cũng không ngoại lệ!
          Bà Đắc ở chơi đúng một tuần. Thư mua vé xe đò, đưa bà lên xe rồi căn dặn đủ điều. Nhưng may quá họ gặp một người đàn ông Á Châu.  Một người Việt Nam du học bên này trước bảy lăm, có vợ đầm và đang dạy học ở Đại Học Chicoutimi. Thư gửi mẹ chồng cho ông Giáo sư Đoàn, tên người đàn ông. Nhờ ông trông nom bà cụ suốt cuộc hành trình. Tới bến xe sẽ có Quân ra đón. Ông Đoàn vui vẻ nhận lời. Ông bảo được quen thêm người Việt Nam là một niềm vui lớn lao. Bao nhiêu năm dạy học ở cái thành phố nhỏ xíu này ông cũng cảm thấy quạnh quẽ và buồn. Gia đình ông rất may mắn, chạy thoát khỏi Việt Nam khi Việt cộng tiến chiếm Sàigòn. Chính ông đã bảo lãnh họ qua đây. Vài tháng ông lại lên Montréal thăm bố mẹ và các em một lần, vì họ chọn định cư ở Montréal. Ông còn hai đứa em ở tuổi vào Đại Học. Montréal có nhiều trường danh tiếng thích hợp cho chúng hơn.
          Trên đường trở về nhà Thư lấy Métro. Ngồi trên toa tàu, từng trạm rồi từng trạm... Thư ngắm nhìn không chán mắt dòng người lên lên, xuống xuống. Đủ mọi màu da, mọi sắc tộc. Gương mặt người nào cũng bình thản, vui vẻ. Thư không lúc nào quên được sự hào phóng, lòng nhân đạo của người dân Canada. Họ đã dang tay đón những người tị nạn bất hạnh bỏ nước ra đi, trong đó có nàng. Thư cũng cám ơn Định mệnh đã rất biệt đãi hai mẹ con. Trong số mấy chục triệu người Việt còn kẹt lại trong nước, có bao nhiêu người vượt thoát? Giờ Định mệnh lại sắp đặt cho nàng làm vợ Quân. Còn gì đáng cho nàng mơ ước hơn nữa? Thư thấy mình là một người may mắn. Rất may mắn.
          Tàu ngừng lại trạm Rosemont, nhìn qua cửa kính Thư bắt gặp một cặp trẻ đang tự nhiên hôn nhau say đắm như chỗ không người. Thư mỉm cười, thông cảm cho hai kẻ yêu nhau. Chính nàng và Quân, tuy không bao giờ dám hôn nhau nơi công cộng, nhưng nhu cầu đó vẫn thôi thúc. Lúc nào họ cũng thèm được hôn nhau. Dù chỉ là những nụ hôn nhẹ nhàng, phớt qua. Chỉ nghĩ đến thôi, Thư đã thấy nhớ Quân quay quắt! Nàng đã cầu nguyện thật nhiều khi Quân thi tốt nghiệp. Thư lên Oratoire St Joseph cầu vì nghe nói nhà thờ này rất linh thiêng. May mắn lần nữa: Quân đậu luôn. Nghe tin, Thư mừng đến ngủ không được. Quân đưa mẹ về ở tạm nhà Thư, rồi đi tìm nhà thuê. Bà Luân bàn nên thuê một căn nhà hai tầng vì đàng nào Quân và Thư cũng sẽ làm đám cưới. Hai bà mẹ sẽ ở tầng trệt và cặp vợ chồng son sẽ ở trên lầu. Nói là làm. Như lần đính hôn, đám cưới Quân và Thư rất đơn giản. Họ chỉ mời đúng năm bàn. Gia đình ông Thiếu tá Hữu, Bác Phúc, Thu Minh làm phù dâu và những người ở cùng chúng cư Alma. Sáu tháng sau nàng thấy trong người khác lạ. Đi khám mới biết là cấn thai. Kể sao được sự sung sướng của hai bà mẹ và cái hạnh phúc được làm cha của Quân. Thư bị thai hành ăn uống không được nên sụt ký thấy rõ. Quân và hai bà mẹ bắt Thư thôi việc ở nhà dưỡng thai. Ngày Thư từ giã, Bác Phúc và Thu Minh đều buồn. Nhưng chỉ còn ít tháng nữa là Thu Minh  xong chương trình học kế toán hai năm. Cô bé cũng sẽ kiếm việc làm khác và rời hãng Keays như Thư. Bên cánh đàn ông trong phòng mài cũng có vài người tìm được việc làm khác hợp khả năng hơn. Người Việt Nam vốn chịu khó và cầu tiến.
         ... Ngày thằng cu Nam chào đời là ngày quan trọng nhất trong đời của bốn người. Đối với bà Đức, thằng cu là cháu đích tôn, sẽ nối dõi tông đường nhà bà. Với bà, nó là cục... kim cương. Với Quân, sau con bé Lisa, cu Nam là niềm ước mơ thầm kín của chàng. Ông bố nào mà không thèm có một mụn con trai? Khi thằng bé được ba tháng thì Quân tìm được địa điểm mở phòng mạch tư. Nhỏ thôi, nhưng vừa sức chàng. Quân không muốn hợp tác với người nào khác. Chín người mười ý rất phiền toái. Thư ra phòng mạch phụ chân thư ký. Thằng cu Nam có tới hai nanny. Cả bà nội lẫn bà ngoại đều chìu thằng bé quá sức, đến nỗi Quân phải phàn nàn là hai bà sẽ làm hư thằng bé. Thư cười:
          - Tục ngữ có câu “... cháu hư tại bà”. Đấy là một, đằng này nó có tới hai bà nên sẽ hư gấp... hai lần!
Càng lớn thằng bé càng nghịch như giặc. Quân rầy thì hai bà bênh “nếu không nghịch thì nó đâu phải con trai!”. Chàng đành chịu thua không kèn không trống. Hai năm sau bé Diễm chào đời. Con bé sinh thiếu tháng, nhưng lớn nhanh như thổi vì cứ ăn no là ngủ khì! Tới đây thì Thư tuyện bố “đình chiến”. Một trai một gái là đẹp lắm rồi. Tiểu gia đình của Thư sống bình lặng như thế. Không đua chen, so bì với ai. Khi Quân mua nhà, cả sáu người vẫn sống chung. Căn nhà đó vợ chồng Thư vẫn ở cho đến ngày nay, dù hai bà nội ngoại đã quy tiên. Khi mẹ qua đời, Thư nhớ lời trăn trối, thiêu và đem tro về Việt Nam để chôn cạnh mộ chồng. Đó là lần thứ nhì Thư gặp lại anh Tiến và chị My. Nhờ tiền vợ chồng nàng gửi về giúp, anh chị và hai đứa con bây giờ có nhà cửa khang trang ở thị xã Kontum. Căn nhà của gia đình nàng giờ thuộc về người khác. Mỗi lần đi ngang Thư lại muốn khóc. Mẹ nàng ngày đó cũng đã đứt ruột bỏ lại sau lưng để về Sài gòn sống với Thư.
          Nhớ lại vào khoảng năm 82, Thư nhận được bức thư của anh Tiến nàng nhờ người bà con đi đoàn tụ với con ở Montréal chuyển lại dùm, mẹ nàng mừng quá khóc bù lu bù loa. Lúc đó thư từ còn bị nhà nước Cộng sản kiểm duyệt nên Tiến không dám kể lể gì cả. Người ấy thuật lại tường tận chuyện Tiến rớt máy bay. Nhờ bấm nút nhảy kịp ra khỏi thân máy bay nên chàng không chết cháy, chỉ bị gãy một chân. Trong rừng rậm Tiến mất phương hướng và cuối cùng rơi vào tay Cộng quân. Chàng bị bắt làm tù binh. Cái chân gãy không được chữa trị đàng hoàng cuối cùng chân phải bị cưa đến đầu gối. May mà Tiến không theo ông theo bà! Chàng bị đưa ra Bắc và sau khi cưỡng chiếm miền Nam, Tiến bị đưa đi học tập cải tạo chung với những sĩ quan miền Nam. Mãi đến năm 82 chàng mới được tha. Tiến về Sài Gòn, đến nhà cũ thấy người chủ lạ. Tiến hỏi hàng xóm mới biết mẹ và em đã ra đi. Chàng mò sang nhà người chú họ xa ở khu Khánh Hội. Tiến tá túc nhà chú, hàng ngày xách thùng đồ ra ngồi ở ngả tư gần nhà, dưới bóng một cây me già, sửa xe đạp. Một hôm trời xui đất khiến thế nào mà một thiếu phụ ăn mặc xuề xòa, quần đen áo bà ba tím than, đầu đội nón lá dẫn chiếc xe đạp xẹp lốp nhờ chàng vá. Khi nàng bỏ nón ra, bốn mắt nhìn nhau bàng hoàng sửng sốt. Người thiếu phụ chính là My. Là My của chàng ngày nào. Là My đã khiến cho chàng đau khổ cùng cực một thời. Người vì chữ hiếu đã phụ Tiến để lên xe hoa với người đàn ông khác, dĩ nhiên là có địa vị cao hơn chàng. Tiến ngây người ra nhìn, không nói được một lời. Chính My lên tiếng trước:
          - Anh Tiến! Không ngờ còn gặp lại. Anh... anh khỏe chứ?
          Tiến đã lấy lại được bình tĩnh:
          - My! À... My ở gần đây sao?
          - Không, em ở bên đường Yên Đổ. Căn nhà ngày xưa của mẹ em mua đó. Hôm nay có việc sang đây. Không ngờ bị xẹp lốp xe. Anh thế nào? Có gia đình rồi chứ? Lâu lắm em không có tin tức của Thư.
           Sau cú sốc, dần dần hai người trở lại  bình thường. Tiến mời My ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, chạy đi mua hai ly đá chanh rồi trở lại mời cố nhân giải khát. Tiến vừa uống vừa kể lại quãng đời đầy chông gai đã qua và My, với giọng buồn buồn, cũng kể cho chàng nghe tất cả những đắng cay nàng đã chịu từ khi chia tay với Tiến... Đám cưới với Danh xong, My theo chồng về sống ở Cần Thơ. Họ có với nhau một đứa con gái. Khi Cộng quân vào, Danh cũng bị bắt học tập ở Suối Máu. Chỉ một năm sau, Danh đi chặt tre, đạp nhằm gai, không ngờ xui xẻo bị bệnh uốn ván và qua đời. May mắn căn nhà trong hẻm Yên Đổ để tên My, nên mẹ con nàng được sống ở đó cho đến ngày nay. My chạy thuốc tây với một người bạn, vì thế hôm nay mới lang thang qua đây. Tiến chẳng biết nói gì ngoài những câu an ủi bình thường. Trừ những người từ ngoài Bắc vào Nam nhận họ và khuân hàng về Bắc, tất cả người dân trong Nam đều chịu chung hoàn cảnh đớn đau như Tiến và My. Vậy còn lời gì để nói khi con tim vẫn còn đầy ắp hình ảnh nhau?  My nhìn gương mặt đen đúa, khắc khổ và chiếc chân không lành lặn của Tiến mà lòng xúc động đến nghẹn ngào. My biết nàng vẫn còn tha thiết yêu chàng. Những lúc khổ quá, những đêm mất ngủ... không phải bóng hình chàng phi công hào hoa tên Tiến vẫn xuất hiện để an ủi nàng hay sao? Phần Tiến, hình ảnh của My là lá bùa hộ mạng, là sức mạnh khôn cùng đã giúp chàng vượt qua những đớn đau của thể xác cũng như tinh thần để sống sót và trở về đây. Đối với chàng, My xinh đẹp nõn nà của ngày xưa, hay My héo úa của ngày nay cũng là My muôn thuở.
Một lần nữa định mệnh đã an bài cho họ gặp lại nhau. Tiến muốn nối lại nhịp cầu. Lúc đầu My ngần ngại, nghĩ rằng mình không còn xứng đáng, vì nàng đã phụ Tiến, đã quay mặt với mối tình đầu. Nhưng sự kiên nhẫn của chàng cuối cùng cũng có kết quả. Tiến và My đã kết hợp lại thành một gia đình nho nhỏ. Tiến về ở với mẹ con My trong hẻm đường Yên Đỗ. Nhưng sau bị làm khó dễ quá nhiều lần, Tiến bàn với My bán nhà rồi đem nhau về Kontum sinh sống. Dù gì ở tỉnh nhỏ cũng dễ chịu hơn. Vả lại Tiến có nhiều bạn bè trên đó. Tiền bán nhà cộng với tiền do Thư gửi về giúp, Tiến – My mua lại căn nhà trên đường Lê Thánh Tôn, người chủ có con bảo lãnh đi Mỹ. Hai người mở hàng ăn rất đông khách nên sống khá thoải mái. Năm 90 Thư đưa mẹ về thăm anh chị. Bà Luân gặp lại con, dâu và cháu (lúc này Tiến, My có thêm một trai) sung sướng như chưa từng. Bà cho đây là một phép lạ trời ban. Thư gặp lại vài cô bạn cùng trường ngày xưa vui thật là vui. Hai mẹ con chỉ ở Kontum một tuần rồi vào Sài Gòn, vì lúc đó bà Luân đã bị bệnh tiểu đường nặng. Bệnh này sinh ra cao máu, hại cả tim, thận... Nhà thương tỉnh lẻ không bảo đảm nên Thư không dám để mẹ ở lâu. Lần đó Thư ngỏ ý muốn làm đoàn tụ cho vợ chồng Tiến sang Canada, nhưng chàng đã từ chối. Viện lẽ tấm thân tật nguyền sống ở đâu thì cũng vậy thôi.  Hơn nữa, cuộc sống ở đây cũng có phần dễ chịu hơn xưa. Trở về Montréal, ba năm sau bà mất vào mùa xuân. Thư chờ cuối hè mới mang tro của mẹ về Kontum. Lúc này không khí mát mẻ dễ chịu. An vị tro cốt của mẹ bên cạnh bố xong Thư có nhiều thì giờ đi gặp bạn bè. Tuyết Anh tình nguyện đưa Thư đi khắp nơi, thăm lại cảnh cũ người xưa. Đau lòng nhất là hàng phượng vỹ dọc hai bên đường Phan Thanh Giản, ngang qua ngôi trường Trung học Têrêsa dấu yêu đã bị đốn trụi. Còn đâu những tà áo dài trắng dịu dàng, quấn quít bước chân của các nữ sinh  mỗi khi tan lớp?
          Nghe Thư ao ước nhìn lại những đóa Dã quỳ vàng, Tuyết Anh cười:
          - Thiếu gì hoa đẹp sao mi lại thích Dã quỳ?
          Suy nghĩ vài giây, Thư lắc đầu cười trừ:
          - Cũng không biết nữa. Chỉ thấy thích nhất loại hoa này thôi!
          Khi nghe Thư kể nhìn thấy đồi Dã quỳ vàng trên chuyến AirVN ngày xưa, Tuyết Anh nói:
          - Tớ biết ở đâu rồi. Nhưng phải đi hơi xa. Qua khỏi Phương Hòa lận. Sáng mai tụi mình đi sớm.
          Đêm đó Thư thao thức mong cho trời mau sáng. Mới sáu giờ nàng đã dậy ăn điểm tâm, mặc quần áo sẵn chờ bạn đến đưa đi. Nghe tiếng xe gắn máy ngừng trước cửa, không đợi bạn vào, Thư vội vàng đi ra. Tuyết Anh  cười:
          - Nôn dữ vậy mi?
          - Ừ, tao mong mỏi giờ phút này mấy chục năm rồi đấy. Đi thôi.
          Xe chạy qua cầu Dakbla, con sông đầy vẻ trữ tình, có giòng nước chảy ngược đã làm hao tốn bao nhiêu giấy mực của những tâm hồn thi văn sĩ. Lúc chạy ngang Phương Hòa, Thư nhớ những múi mít nghệ vàng óng, ngọt lừ trong khu vườn nhà chị Bích Sơn. Khỏi Phương Hòa một quãng xa quang cảnh bắt đầu vắng, không còn nhà cửa, vườn tược sum suê cây trái. Chỉ thấy những ngọn đồi nối tiếp nhau. Qua khỏi khúc quanh, một biển vàng rực rỡ hiện ra trước mắt. Càng đến gần, tim Thư như muốn ngừng đập. Chao ôi, cả một ngọn đồi được bao phủ bởi hàng ngàn vạn đóa dã quỳ, rung rinh nhè nhẹ trong nắng sớm. Những cánh hoa mỏng manh còn đọng sương mai, lấp lánh dưới ánh mặt trời như được nạm hàng triệu viên kim cương quý giá. Tuyết Anh dừng xe dưới gốc cây bên vệ đường, quay lại bảo Thư:
          - Xuống đi chứ. Đồi dã quỳ của mi đây rồi!
          Thư xuống xe mà mắt không rời ngọn đồi bên kia đường. Tự hỏi mình tỉnh hay mơ. Những đóa quỳ lung linh trong nắng mai như có sức hút kéo Thư về phía chúng. Nàng dang hay cánh tay như muốn ôm trọn tất cả vào lòng,  đôi chân như mọc cánh chạy ào về phía trước. Dã quỳ ơi! Dã quỳ ơi! Ta về đây! Ta đã về đây!
          Và những đóa Cúc quỳ dường như cũng thấu hiểu tâm tình của kẻ xa quê, đồng loạt nghiêng về phía Thư như chào đón. Cơn gió sớm, nhẹ như hơi thở của núi rừng đã đẩy Thư và những đóa Dã Quỳ gần lại với nhau. Như những cặp tình nhân lâu ngày mới gặp mặt... Ơi, Dã Quỳ vàng!
 Tiểu Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét