Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Chiến tranh Việt Nam qua các đời Tổng thống Mĩ - Đào Huy Kiên (dich)

Vietnamwar
I. Eisenhower và chính sách ngăn chặn trong thế giới thuộc địa cũ
<!>
Chính sách ngăn chặn được đặt ra để đáp lại mối đe dọa của Sô Viết tại châu Âu, nhưng chiến tranh Triều Tiên đã cho thấy ngăn chặn là một khái niệm linh hoạt. Những quốc gia mới đang hình thành từ Trung Đông, Châu Phi đến Châu Á, được khích lệ bởi phong trào chống thực dân mạnh mẽ có nguồn gốc từ trước Thế chiến 2. Từ năm 1947 đến 1962, các đế chế Anh, Pháp, Hà Lan và Bỉ đều đã tan rã. Cam kết tôn trọng nguyên tắc quốc gia tự quyết, Franklin D.Roosevelt ủng hộ những phong trào này mặc cho điều đó khiến các đồng minh Anh và Pháp giận dữ. Ông hi vọng những nền dân chủ sẽ hình thành trở thành những đối tác mới trong một hệ thống thị trường tự do mà Mỹ dẫn dắt. Nhưng khi Chiến tranh lạnh trở nên căng thẳng, sự tự tin đó bắt đầu tàn lụi. Cả chính quyền Truman và Eisenhower đều không nhận ra rằng những phong trào quốc gia hay xã hội chủ nghĩa bản địa của Thế giới thứ ba có những mục tiêu riêng và không nhất thiết là con tốt đen của Liên bang Sô Viết.
Chính quyền Eisenhower quan tâm đến sự ổn định nhiều hơn là dân chủ, có xu hướng ủng hộ những chính phủ chống Cộng dù cho những chính quyền ấy hà khắc đến đâu. Một số đồng minh khăng khít nhất của Mĩ: Philippines, Hàn Quốc, Iran, Cuba và Nicaragua được cai trị bởi chế độ độc tài hoặc chính quyền cánh hữu được ít người ủng hộ. Thêm vào đó ngoại trưởng John Foster Dulles thường phải sử dụng đến những chiến dịch ngầm chống lại những chính phủ mà theo ông là quá thân với Sô Viết. Ông sử dụng Cục tình báo trung ương(CIA) cho những nhiệm vụ này. Cơ quan này từ chỗ chỉ thu thập thông tin tình báo đã chuyển sang can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, thậm chí là lật đổ một số chính quyền, bao gồm Iran năm 1953 và Guatemala năm 1954. Eisenhower đã phải thú nhận rằng “Những ý tưởng truyền thống của chúng ta về tinh thần thượng võ quốc tế  giờ đây khó có thể áp dụng trong bãi lầy mà thế giới bây giờ(1955) đang sa vào”.
Lời thú nhận của Eisenhower có thể làm nước Mĩ rơi vào khó khăn thế nào đã được thể hiện trên một sân khấu xa xôi, ở một đất nước không có lợi ích chiến lược nào và hoàn toàn không được biết đến đối với phần lớn người Mĩ. Đó là Việt Nam, một phần thuộc địa Đông Dương của Pháp. Khi những kẻ chiếm đóng Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm 1945, Việt Minh, phong trào quốc gia lãnh đạo cuộc nổi dậy đã giành được chính quyền với sự khuyến khích của người Mĩ. Nhưng lãnh tụ của họ, Hồ Chí Minh, là một người Cộng sản, và khi Chiến tranh lạnh nổ ra thì cái mác Cộng sản của ông quá nặng so với cam kết của Mĩ về quyền tự quyết. Vào năm sau đó, khi Pháp quay trở lại để phục hồi quyền kiểm soát, Truman đã khước từ lời kêu gọi giúp đỡ của Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam và đứng về phe của Pháp.
Eisenhower đã tiếp nhận những gì Truman để lại. Nếu Pháp thất bại, Eisenhower cho rằng lí thuyết domino sẽ dẫn đến sự sụp đổ của tất cả các chính quyền phi Cộng sản trong khu vực. Nước Mĩ cuối cùng đã phải tài trợ hầu hết chiến phí, tuy nhiên tiền không đủ đánh bại những người Việt Minh ngoan cường. Sau cuộc vây hãm kéo dài 56 ngày đầu năm 1954, Pháp đã phải chịu thất bại tại pháo đài khổng lồ Điện Biên Phủ. Kết quả là Hiệp định Geneva 1954 tạm thời chia Việt Nam làm hai phần ở vĩ tuyến 17 cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử 2 năm sau để dẫn đến một nước Việt Nam thống nhất.
Chính quyền Mĩ bác bỏ hiệp định Geneva và ngay lập tức chuẩn bị để ngầm làm suy yếu nó. Với sự giúp đỡ của CIA, một chính quyền thân Mĩ lên nắm quyền ở Nam Việt Nam vào tháng 6 năm 1954. Ngô Đình Diệm, một người Công giáo chống Cộng từng sống ở Mĩ, đã trở lại Việt Nam với vai trò Quốc trưởng. Một năm sau, trong một cuộc bầu cử gian lận, Diệm lên làm tổng thống của một nước Nam Việt Nam độc lập. Đối mặt với nguy cơ thất bại rõ ràng trước Hồ Chí Minh, Diệm đã hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào năm 1956.
Eisenhower và Ngô Đình Diệm
Eisenhower và Ngô Đình Diệm
Khi những binh lính Pháp cuối cùng rời đi vào tháng 3 năm 1956, Mĩ đã nhảy vào thay thế, và Nam Việt Nam trở thành tiền tuyến trong cuộc chiến của Mĩ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á. Để chống lưng cho Diệm, chính quyền Eisenhower đã phải gửi cho ông trung bình 200 triệu đôla viện trợ một năm và 675 cố vấn quân sự người Mĩ. Rất ít người Mĩ, có thể là bao gồm cả Eisenhower, nghĩ được rằng điều này có thể dẫn tới đâu.
 II. Kennedy và vấn đề nan giải mang tên Việt Nam
 Khi Kennedy trở thành tổng thống, ông kế thừa di sản Việt Nam từ Eisenhower. Kennedy nhìn nhận Việt Nam giống như những thuật ngữ Chiến tranh lạnh khác. Nhưng thứ thực sự lôi cuốn ông là cơ hội để thử nghiệm học thuyết chống chiến tranh du kích cùng với chiến lược quân sự đáp trả linh hoạt. Quân đội đang huấn luyện những lực lượng đặc biệt, được gọi là Mũ nồi xanh, để tham gia vào những cuộc chiến phi chính quy theo nhóm nhỏ. Kennedy và những cố vấn của ông muốn thử nghiệm lực lượng Mũ nồi xanh trong những khu rừng rậm Việt Nam.
jfkviet1
Mặc dù được Mĩ viện trợ, chính quyền tham nhũng và hà khắc của Diệm được Eisenhower dựng nên vào năm 1954 đang dần đánh mất vị thế của mình. Đến năm 1961, những người chống đối Diệm, được Bắc Việt Nam chống lưng, đã thành lập nên một phong trào cách mạng được biết đến với cái tên Mặt trận giải phóng dân tộc(NLF). Những lực lượng du kích của NLF có tên Việt Cộng tìm được sự ủng hộ của nông dân, những người căm ghét chương trình “ấp chiến lược” của Diệm, buộc họ phải rời khỏi làng đến sống trong những khu rào kín bằng dây thép gai. Những người Phật giáo tố cáo Diệm, một người Công giáo, đàn áp tôn giáo. Từ tháng 5 năm 1963, các Phật tử tổ chức những cuộc biểu tình lớn, bao gồm vài vụ tự thiêu được các đài truyền hình Mĩ ghi hình lại. Mất kiên nhẫn với Diệm, Kennedy cho Sài Gòn biết rằng Mĩ sẽ ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự. Vào 1/11/1963, Diệm bị lật đổ và ám sát, một kết cục mà Kennedy đã không đoán trước được. Vào thời điểm đó, có khoảng 16.000 “cố vấn”(một thuật ngữ linh hoạt bao gồm phi công trực thăng và các Lực lượng đặc biệt) người Mĩ tại Việt Nam.
Trong một buổi phỏng vấn của đài CBS, Kennedy đã nhận định rằng tùy thuộc vào người Nam Việt Nam mà “cuộc chiến của họ” sẽ thắng hay bại. Những cố vấn thân cận với tổng thống về sau cho rằng nếu ông còn sống và tham gia cuộc tranh cử năm 1964, ông sẽ cắt giảm tổn thất của Mĩ và từ bỏ Việt Nam. Nhưng lập luận đó đã hạ thấp khoản đặt cược địa chính trị tại Việt Nam. Nước Mĩ giờ đây tham gia vào một cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Từ bỏ Việt Nam sẽ làm giảm sút uy tín của nước Mĩ. Và theo “học thuyết domino”, những chính quyền thân Mĩ khác trong khu vực sẽ lung lay sau thất bại tại Việt Nam. Kennedy tán thành những nguyên lí chiến tranh Lạnh này. Việc ông có thể vượt qua chúng hay không, giống như việc Lincoln sẽ thực hiện quá trình Tái thiết thế nào sau cuộc Nội chiến nếu ông còn sống, là một câu hỏi lịch sử không thể trả lời được.
III. Lyndon  Johnson sa lầy, 1963-1968
Giống như Kennedy kế thừa Việt Nam từ Eisenhower, Lyndon Johnson cũng thừa hưởng Việt Nam từ Kennedy. Tuy nhiên di sản mà Johnson nhận được phiền toái hơn, bởi đến lúc này chỉ một cuộc can thiệp qui mô lớn của Mĩ mới có thể ngăn chặn sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Johnson giống như Kennedy là tín đồ của chủ nghĩa ngăn chặn toàn cầu trong thời đại Chiến tranh Lạnh. Nhưng trong trường hợp của Kennedy, ông có thể cân nhắc và suy nghĩ lại. Điều này là không thể đối với Johnson. “Tôi sẽ không để mất Việt Nam”, ông thề trong buổi nhậm chức, “Tôi sẽ không trở thành vị Tổng thống phải nhìn Đông nam Á đi theo con đường mà Trung Quốc đã đi”.
Leo thang
Johnson không sẵn sàng thành thật với người dân Mĩ. Đầu tiên, ông nghi ngờ không chắc liệu họ có hào hứng đối với tiến trình mà ông dự định. Thứ hai, ông không muốn gây nguy hiểm cho chương trình đối nội lớn của mình. Ông cảm thấy mình “không còn sự lựa chọn nào ngoài cách giữ chính sách đối ngoại của mình trong cánh gà” bởi “cái ngày mà nó nổ ra thành một cuộc tranh luận lớn về cuộc chiến, đó sẽ là ngày khởi đầu cho sự kết thúc của Xã Hội Vĩ Đại(Great Society)”. Bởi vậy ông bước vào cuộc tranh cử 1964 với cam kết sẽ không leo thang chiến tranh- không chàng trai Mĩ nào phải chiến đấu cho cuộc chiến của Việt Nam- mặc dù đó chính xác là điều ông định làm.
Trong mùa hè 1964, Johnson nhận được những báo cáo về những tàu ngư lôi của Bắc Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Maddox. Trong cuộc tấn công đầu tiên, vào ngày 2 tháng 8, tổn thất chỉ giới hạn ở một lỗ đạn; cuộc tấn công thứ hai, vào ngày 4 tháng 8, sau đó được chứng minh là nhầm lẫn của radar. Điều đó không quan trọng. Trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, dù có thực hay tưởng tượng, lời kêu gọi vũ trang của tổng thống khó có thể cưỡng lại. Trong cả Quốc hội, chỉ có hai thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống đối với yêu cầu của Johnson được “dùng tất cả các biện pháp cần thiết để đẩy lùi mọi cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng của Hợp chủng quốc Hoa Kì và ngăn chặn những hành vi gây hấn xa hơn”. Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ đã ủy thác cho Johnson quyền được mở các chiến dịch ở Việt Nam nếu ông thấy thích hợp.
Với cuộc bầu cử năm 1964 đã ở lại sau lưng, Johnson bắt đầu một quá trình để người Mỹ đảm nhiệm cuộc chiến ở Việt Nam. Quá trình leo thang, bắt đầu từ đầu năm 1965, bao gồm 2 hình thái: triển khai bộ binh Mĩ và đẩy mạnh đánh bom miền Bắc Việt Nam.
Ngày 8/3/1965, những người lính thủy đánh bộ đầu tiên đã đặt chân lên bờ biển Đà Nẵng, bề ngoài là để bảo vệ căn cứ không quân khổng lồ của Mĩ ở đây. Họ sớm phải chạm trán với kẻ thù. Năm 1966, hơn 380.000 lính Mĩ đã đóng quân ở Việt Nam; năm 1967, 485.000 quân; và 1968 là 536.000. Nhu cầu tăng cao của tướng William Westmoreland, vị tổng tư lệnh của quân đội Mĩ ở Việt Nam, đã xác nhận mối lo sợ Kennedy bày tỏ khi còn sống rằng điều động quân đội giống như uống một li rượu: “Hiệu quả nhanh chóng qua đi và bạn phải uống một li khác”.
Trong lúc ấy, Mĩ tiến hành chiến dịch có tên Sấm Rền(Rolling Thunder), một chiến dịch leo thang đánh bom Bắc Việt Nam. Mục tiêu đặc biệt là Đường mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới tinh vi bao gồm đường mòn, cầu, và nơi trú ẩn trải dài từ Bắc Việt Nam qua Campuchia và Lào đến Nam Việt Nam. Đến năm 1968, một triệu tấn bom đã trút xuống Bắc Việt Nam- trung bình 800 tấn một ngày trong ba năm rưỡi. Gấp đôi lượng bom đó được thả xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam khi quân đội Mĩ cố gắng quét sạch các chiến binh Việt Cộng.
Điều bất ngờ đối với những chiến lược gia Mĩ là việc đánh bom chỉ gây ra tác hại nhỏ đối với khả năng tiến hành chiến tranh của Việt Cộng. Bắc Việt Nam nhanh chóng xây dựng lại cầu đường, di chuyển đạn dược xuống dưới lòng đất, và xây dựng một mạng lưới hầm trú ẩn. Thay vì đập tan nhuệ khí của những người Bắc Việt, Chiến dịch Sấm Rền chỉ càng củng cố thêm quyết tâm chiến đấu của họ.
Cuộc đổ bộ lớn của quân đội và không lực đã tàn phá nông thôn Việt Nam. Một sĩ quan chỉ huy đã báo cáo rằng “Đây là lúc cần thiết phải phá hủy một thị trấn để cứu lấy nó”. Bên cạnh việc đánh bom, một chiến dịch làm rụng lá được tiến hành để tước đi chỗ trú ẩn của du kích, hủy diệt mùa màng và cơ sở kinh tế của xã hội Việt Nam. (Trong những năm sau đó, những chất làm rụng lá như Chất Da Cam bị phát hiện gây độc hại rất lớn cho cơ thể con người, bao gồm cả lính Mĩ phục vụ ở Việt Nam). Ở Sài Gòn và các thành phố Nam Việt Nam khác, lính Mĩ và những đồng đôla đã làm méo mó nền kinh tế địa phương, nuôi dưỡng tham nhũng và mại dâm, kích hoạt lạm phát và các hoạt động chợ đen.
Lyndon Johnson bắt tay binh lính Mĩ tại Việt Nam năm 1966
Lyndon Johnson bắt tay binh lính Mĩ tại Việt Nam năm 1966
Các cố vấn của Johnson đã tranh cãi về việc tại sao vũ khí Mĩ lại thất bại trong việc xoay chiều cuộc chiến. Một số cho rằng hoạt động quân sự chỉ có thể đạt được ít thành công nếu không có một cuộc cải cách ở Sài Gòn. Những người khác phàn nàn rằng nước Mĩ chưa bao giờ dồn hết sức cho một “chiến thắng toàn diện”. Chiến lược quân sự gắn bó chặt chẽ với những toan tính chính trị. Vì những lí do đối nội, các nhà hoạch định chính sách thường tìm kiếm một giải pháp ở giữa việc tấn công tổng lực vào Bắc Việt Nam(và khả năng chiến tranh với Trung Quốc) và tìm đường thoát ra. Hi vọng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, chính quyền Johnson đã đặt cược sự vượt trội của Mĩ về con người và vũ khí sẽ giành chiến thắng cuối cùng.
Quan điểm công chúng về Việt Nam
 Johnson có lí do để tự tin về người dân Mĩ. Sự đồng thuận rộng rãi vững vàng được hình thành từ những năm trước đó là điều kiện thuận lợi để Washington tiến hành Chiến tranh Lạnh. Cả Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều chấp thuận cho Johnson leo thang chiến tranh ở Việt Nam, và điều tương tự đối với những cuộc khảo sát ý kiến công chúng trong năm 1965 và 1966. Nhưng sau đó quan điểm bắt đầu thay đổi.
Mỗi buổi tối người Mĩ lại thấy trên truyền hình cảnh tàn sát của cuộc chiến và những người Mỹ thương vong. Những phóng viên bắt đầu viết về một “sự khủng hoảng lòng tin”. Họ lên án chính quyền Johnson đang che giấu những tin tức xấu về cuộc chiến. Vào tháng 2 năm 1966, tin tức về phiên tòa được tiến hành bởi Ủy ban đối ngoại Thượng viện(đứng đầu là J.William Fulbright, một người thẳng thắn chỉ trích cuộc chiến) đã đặt ra những câu hỏi xa hơn về chính sách của chính phủ.
Những vấn đề kinh tế thậm chí đặt ra cho Johnson nhiều vấn đề hơn. Chiến tranh Việt Nam tiêu tốn 27 tỉ đô-la vào năm 1967, đẩy thâm hụt ngân sách từ 9,8 tỉ đô-la lên 23 tỉ đô-la. Chi tiêu quân sự đã thúc tỉ lệ lạm phát lên cao. Chỉ trong mùa hè năm 1967, Johnson đã yêu cầu đánh thêm 10% thuế thu nhập. Cho đến lúc đó, vòng xoáy lạm phát sẽ gây họa cho nền kinh tệ Mĩ trong suốt thập niên 1970 đang đến rất gần.
Trong hoàn cảnh đó phong trào phản chiến bắt đầu hình thành. Hạt nhân của nó, cùng với những nhóm ủng hộ hòa bình lâu năm, là một thế hệ mới những nhà hoạt động hòa bình như SANE, nhóm đã biểu tình chống thử vũ khí hạt nhân vào những năm 1950. Sau cuộc leo thang năm 1965, họ có thêm những nhóm sinh viên, tăng lữ, những người ủng hộ quyền công dân, thậm chí có cả Dr.Spock, những cuốn sách về chăm sóc trẻ của ông đã giúp nuôi lớn rất nhiều sinh viên.
Phong trào phản chiến nhanh chóng có khả năng tạo ra những cuộc biểu tình lớn ở Washington, đem đến 20-30 ngàn người một lúc. Mặc dù bao gồm nhiều thành phần đa dạng, tất cả những người theo phong trào đều chia sẻ một mối hoài nghi về chính sách của Mĩ ở Việt Nam. Họ chỉ trích rằng can thiệp là đi ngược lại với những lí tưởng Mĩ; rằng một Nam Việt Nam độc lập chống Cộng là không thể đạt được, và rằng không mục đích nào của Mĩ có thể bào chữa cho nỗi đau khổ đang giáng xuống người dân Việt Nam.
1968: Một năm của những cú sốc
Vào năm 1968, một cảm giác khủng hoảng tràn ngập khắp đất nước. Bạo loạn ở những thành phố, sự bất mãn ở kí túc xá, và phong trào phản văn hóa dường như đang trên bờ xé toang nước Mĩ. Thứ tạo nên khủng hoảng là thực tế rằng 1968 là năm bầu cử.
 Tổng thống Johnson năm 1965 đã đánh cược vào một chiến thắng chớp nhoáng ở Việt Nam, trước khi cái giá chính trị của việc leo thang đến hạn. Nhưng đã không có chiến thắng nhanh chóng nào. Các lực lượng của Bắc Việt Nam và Việt Cộng đồng loạt tấn công, chính quyền Nam Việt Nam mất đất, và thương vong của Mĩ tăng lên. Vào đầu năm 1968, tỉ lệ tử vong đã chạm đến mức vài trăm người một tuần. Johnson và các tướng lĩnh của ông vẫn khăng khăng cho rằng có “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Thực tế trên chiến trường đã cho thấy điều ngược lại.
Vào 30/1/1968, Việt Cộng mở một cuộc tấn công lớn ở Nam Việt Nam. Thời điểm trùng với Tết, kì nghỉ đón năm mới của người Việt, cuộc tấn công đánh vào 36 thủ phủ của các tỉnh và 5 trong số 6 thành phố lớn, bao gồm Sài Gòn, nơi Việt Cộng đã gần như tràn vào Sứ quán Mĩ vốn được cho là không thể đánh chiếm được. Về mặt quân sự, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thất bại, với con số thương vong nặng nề của Việt Cộng. Nhưng về mặt tinh thần, hậu quả là rất lớn. Truyền hình đã đem đến tận nhà người Mĩ những hình ảnh gây sốc: sứ quán Mĩ bị vây hãm với một nhân viên nắm khẩu súng lục đang quan sát một cách cẩn trọng từ một cửa sổ; chỉ huy cảnh sát Sài Gòn chĩa súng vào đầu của một nghi phạm Việt Cộng và, trực tiếp trên TV, hành quyết anh ta.
Binh lính Mĩ trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968
Binh lính Mĩ trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân giống như một sự giễu cợt đối với các tuyên bố của các nhà chức trách rằng nước Mĩ đang chiến thắng cuộc chiến. Chỉ ngay trước Tết, một cuộc thăm dò dư luận của viện Gallup cho thấy 56 phần trăm người Mĩ coi mình là “diều hâu”(ủng hộ cuộc chiến), trong khi chỉ 28 phần trăm nhận mình là “bồ câu”(phản đối chiến tranh). Ba tháng sau đó, bồ câu vượt qua diều hâu với tỉ lệ 42 so với 41 phần trăm. Không đi theo phong trào hòa bình, nhiều người Mĩ đơn giản kết luận rằng cuộc chiến này là không thể chiến thắng.
Một tỉ lệ đang gia tăng trong đảng Dân chủ cũng nghĩ như vậy. Thậm chí trước Tết, Thượng nghị sĩ Eugene J.McCarthy của Minnesota đã bước vào cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ với tư cách một ứng cử viên phản chiến. Tổng thống Johnson đã thắng tại cuộc bầu cử sớm ở New Hampshire, nhưng McCarthy bất ngờ nhận được tới 42.2 phần trăm số phiếu. Để khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với ngài tổng thống, màn trình diễn của McCarthy đã đẩy Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, một đối thủ đáng gờm hơn nhiều vào cuộc đua.
Đến cuối một bài phát biểu được truyền hình định kì vào ngày 31/3, Johnson đã làm cả nước sửng sốt khi tuyên bố ông sẽ không tái ứng cử. Ông cũng kêu gọi tạm ngưng một phần chiến dịch đánh bom và hứa sẽ dùng những tháng tại nhiệm còn lại để tìm kiếm hòa bình. Vào 10/5/1968, Hoa Kì và Bắc Việt Nam bắt đầu vòng đàm phán hòa bình sơ bộ tại Paris.
Nhưng sau đó, vào 5/6/1968, ngay khi ông ăn mừng chiến thắng tại cuộc bầu cử ở California trước Eugene McCarthy, Robert Kennedy đã bị một thanh niên Palestine bắn chết. Vụ ám sát Robert Kennedy là một tai họa đối với Đảng Dân Chủ vì chỉ có ông dường như mới có thể hàn gắn những rạn nứt trong đảng về vấn đề Việt Nam. Trong chiến dịch ngắn ngủi nhưng đầy kịch tính của mình, Kennedy đã đạt được sự ủng hộ không chỉ của những thành phần phản chiến mà còn của những thành viên truyền thống của liên minh Chính sách kinh tế mới(New Deal).
Khi Kennedy mất, những người Dân Chủ phản chiến cũng cạn nguồn nhiệt huyết. Chiến dịch của McCarthy đi xuống, trong khi thượng nghĩ sĩ George S.McGovern của Nam Dakota bước vào cuộc đua trong một nỗ lực nhằm giữ những lực lượng của Kennedy lại cùng nhau. Trong khi đó, Phó Tổng thống Hubert H.Humphrey bước vào tranh cử đại diện cho những thể chế truyền thống của Đảng Dân Chủ. Đảng Dân Chủ đang cho thấy chiều hướng sẽ lựa chọn không phải một ứng cử viên phản chiến mà là một nhân vật công chúng sát cánh với Johnson trong những chính sách chiến tranh.
Tại Đại hội Đảng Dân Chủ tháng 8, những lực lượng chính trị phát sinh từ cuộc chiến đã tàn phá đảng. Phần lớn kịch tính không xảy ra ở trong phòng hội nghị mà ở ngoài đường phố Chicago. Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường. Nhóm dễ nhận thấy nhất, được dẫn dắt bởi Jerry Rubin và Abbie Hoffman, một bộ đôi chuyên gây rối, tuyên bố đại diện cho Đảng Thanh Niên Quốc Tế. Để giễu cợt những người bên trong hội nghị, những kẻ “Yippies” này đã đề cử một chú lợn, Pigasus, lên làm tổng thống. Những hành động quá khích này nhằm mục đích thu hút sự chú ý của truyền thông, và nhờ đó đã lôi kéo được một con số lớn hơn rất nhiều những nhà hoạt động nghiêm túc hơn đến Chicago để biểu tình phản đối cuộc chiến.
Giận dữ trước việc người biểu tình làm gián đoạn đại hội, Thị trưởng Richard J.Daley đã phái cảnh sát giải tán người biểu tình. Cảnh sát và người biểu tình đã đụng độ với nhau gây nên một cuộc bạo loạn trên đường phố. Truyền hình chiếu buổi lễ cùng với cảnh bạo loạn, khiến cho người xem có ấn tượng về Đảng Dân Chủ như một đảng lộn xộn, hỗn loạn. Trong phòng hội nghị, Đảng Dân Chủ đã chọn Hubert H.Humphrey làm ứng cử viên Tổng thống, cùng với thượng nghị sĩ Edmund S.Muskie của Maine làm ứng viên Phó Tổng thống. Đoàn đại biểu thông qua một chính sách trung dung vừa tiếp tục chiến tranh tại Việt Nam đồng thời cấp bách tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến.
Trong khi đó ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, Richard Nixon, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 đã có cuộc trở lại ngoạn mục và áp dụng chiến lược mà các cố vấn của ông gọi là “chiến lược miền nam”, hướng đến thu hút phiếu bầu của các cử tri miền nam vẫn còn nhức nhối khi người da đen được tăng quyền công dân. Trên bình diện quốc gia, Nixon kêu gọi những người mà ông gọi là “đa số thầm lặng”. Nixon hứa sẽ đại diện cho “tiếng nói thầm lặng” của “đa số người Mĩ, những người Mĩ bị lãng quên, những người không kêu gào, không biểu tình”.
Mặc dù Đảng Dân chủ đã để lại hình ảnh xấu xí ở Chicago, cuộc bầu cử trên thực tế diễn ra ngang ngửa. Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, Humphrey đã củng cố lại vị thế bằng cách tách mình ra khỏi những chính sách chiến tranh của Johnson. Vào ngày 31/10 khi Tổng thống Johnson tuyên bố ngừng hoàn toàn đánh bom Bắc Việt Nam thì Nixon phản công bằng cách cho biết ông có kế hoạch riêng để kết thúc cuộc chiến (mà thực tế là không tồn tại kế hoạch nào như vậy). Trong ngày bầu cử, Nixon nhận được 43,4% số phiếu so với 42,7% số phiếu của Humphrey. Thống đốc George Wallace của bang Alabama, ứng cử viên của đảng thứ 3, thu được 13,5% số phiếu phổ thông.
Kết cục sát nút ấy che giấu một thực tế rằng 1968 thực sự là một cuộc bầu cử then chốt. Humphrey nhận được ít hơn gần 12 triệu phiếu so với Johnson năm 1964. Miền Nam đã từ bỏ Đảng Dân Chủ và không bao giờ quay lại. “Chiến lược miền nam” của Nixon đã phát huy tác dụng. Ở miền Bắc, ông và Wallace đã tạo nên một cuộc xâm nhập quan trọng vào những cử tri Dân chủ truyền thống. Và trong khi những chia rẽ trong nội bộ đảng về Việt Nam đã nhanh chóng được hàn gắn, thì những khác biệt cơ bản về ý thức hệ- thể hiện qua sự kình địch giữa Hubert Humphrey và George McGovern- vẫn tồn tại dai dẳng khiến cho đảng suy yếu. Những người Dân Chủ Chính sách Mới, đã đánh mất sự thống nhất trong mục tiêu vốn đã đem lại thành công cho họ trong vòng 30 năm.
IV. Cuộc chiến của Nixon
Chiến lược Hòa hoãn(Détente)
 Richard Nixon coi mình là một “người thực tế” trong những vấn đề đối ngoại. Điều đó có nghĩa lợi ích quốc gia được đặt trên tất cả. Tất cả những thứ khác- cam kết với đồng minh, củng cố dân chủ ở nước ngoài, đấu tranh cho nhân quyền- sẽ chỉ là thứ yếu. Chủ nghĩa thực tế của Nixon được sự ủng hộ của Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, mặc dù Kissinger chia sẻ tầm nhìn của Nixon theo cách học thuật hơn. Là một giáo sư Havard, Kissinger đã nghiên cứu rất kĩ nhà ngoại giao thế kỉ 19 Metternich, người đã tạo nên một hệ thống cân bằng quyền lực giúp ổn định châu Âu suốt cả một thế kỉ.
Tuy nhiên giải quyết các vấn đề đối ngoại theo cách của Metternich yêu cầu một mức độ bí mật mâu thuẫn với hệ thống hiến pháp Mĩ. Nixon và Kissinger đã bỏ qua Quốc hội, loại bỏ Bộ ngoại giao(bao gồm ngoại trưởng William Rogers), và thiết lập những kênh liên lạc kín đến các cơ quan chuyên môn mà họ cần. Đó là một trò chơi nguy hiểm nhưng họ đã chơi thành công trong một giai đoạn. Nixon và Kissinger đang chuẩn bị tận dụng cơ hội khi mà những điều kiện quốc tế đã chín muồi cho sự thay đổi.
Nixon và Kissinger
Richard Nixon và Henry Kissinger
Đầu tiên, tất cả những đối thủ chính trong cuộc chơi đều phải đối mặt với tình trạng bất ổn trong nước. Bạo loạn đường phố đã suýt làm sụp đổ chính quyền Pháp vào tháng 5 năm 1968. Những trường đại học Đức là những cái lò bất mãn. Về phía phe Cộng sản, Liên Xô đã phải dùng đến xe tăng để nghiền nát yêu cầu mở rộng tự do- “Mùa xuân Praha”- ở Tiệp Khắc. Nhưng xe tăng chỉ có thể đàn áp được con người, chúng không thể tiêu diệt được những tư tưởng bất mãn, thứ đã thấm cả vào Liên bang Sô Viết. Và ở Trung Quốc, cuộc Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, với những Hồng vệ binh trẻ quay lại chống chính quyền. Sự mong manh trong nội bộ khiến cho tất cả các cường quốc đều có xu hướng muốn xoa dịu những căng thẳng quốc tế.
Tuy nhiên quan trọng hơn là sự thay đổi trong cục diện ban đầu của Chiến tranh Lạnh. Kể từ khi thế bế tắc được hình thành từ khoảng năm 1950, không siêu cường nào cho thấy có khả năng giữ được phe mình ổn định. Trong trường hợp của Mĩ, đối tác khó nhất là Pháp, dưới sự lãnh đạo của một Charles de Gaulle độc đoán, đã chế nhạo Mĩ và rời khỏi NATO. Tuy nhiên điều đó chẳng là gì so với quan hệ giữa Sô Viết với Trung Quốc. Năm 1969, mối quan hệ này xấu đến mức hai nước đã tiến hành một cuộc chiến tranh biên giới.
Nixon đã nhìn thấy một cơ hội. Năm 1971, ông bí mật phái Kissinger đến Bắc Kinh để tìm kiếm một sự hòa giải. Mao cũng suy nghĩ theo hướng tương tự nên không khó để đi đến sự dàn xếp. Hoa Kì sẽ không ủng hộ những người theo phe Quốc gia ở Đài Loan, cho phép kết nạp Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc(với một ghế thường trực tại Hội Đồng Bảo An), và cuối cùng công nhận Trung Quốc(năm 1978). Vào tháng 2 năm 1972, Tổng thống Nixon đã tới Bắc Kinh để phê chuẩn hiệp ước. Đây là người đã tìm đường đến danh tiếng bằng cách mắng nhiếc những người Dân Chủ vì “đánh mất” Trung Quốc. Nixon có một lí lịch chống Cộng hoàn hảo. Đó là lí do tại sao ông có thể thoải mái đến Bắc Kinh. Ông cởi mở nói với Mao “Những người cánh hữu có thể làm những điều mà những người cánh tả chỉ nói mồm”. Chủ tịch Mao đáp lại “Tôi thích cánh hữu”.
Nixon sau đó hướng về Liên Xô. Ông đã đạt được một thỏa thuận bí mật với Leonid Brezhnev, người đứng đầu Sô Viết, về vấn đề Cuba vốn bị bỏ ngỏ từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân 1962. Để đổi lại việc Mĩ hứa không xâm phạm, Sô Viết đã giải tán một căn cứ tàu ngầm và rút lại tên lửa từ Castro. Ba tháng sau hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh, Nixon tới thăm Matxcơva để kí hiệp ước đầu tiên Hạn chế vũ khí chiến lược(SALT I) hạn chế sản xuất và triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. SALT I, tuy khá khiêm tốn về mặt kĩ thuật, chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch hạn chế vũ khí toàn diện.
Các hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh và Matxcơva đã mở màn cho cái được gọi là détente (trong tiếng Pháp nghĩa là “sự dịu bớt căng thẳng”). Mặc dù những hiệp định bản thân chúng còn rất hạn chế  và thời kì khó khăn vẫn còn ở phía trước, nhưng thực tế là Chiến tranh lạnh đã đi đến bước ngoặt. Nixon đã đánh cược một lợi thế chiến lược- sự rạn nứt nguy hiểm trong thế giới Cộng sản- vào một cán cân quyền lực tay ba mới.  Thế giới đã trở nên bớt nguy hiểm hơn. Và Nixon hi vọng đạt được một món lợi tức trên Việt Nam.
 Cuộc chiến của Nixon
Khái niệm thế giới lưỡng cực, vốn đã trở nên lỗi thời từ thời của Lyndon Johnson, lại càng bị chối bỏ khi Richard Nixon sử dụng sách lược hòa hoãn. Nhưng khi đối diện với cuộc chiến ởViệt Nam, Nixon thừa hưởng di sản mà Johnson để lại. Từ bỏ Việt Nam, theo Nixon, sẽ hủy hoại “uy tín” của nước Mĩ và khiến cho cường quốc này có vẻ giống như một “người khổng lồ chân đất sét”. Và cũng giống như Johnson, Nixon có những toan tính riêng cho bản thân mình. Ông không được phép trở thành vị tổng thống đầu tiên để thua một cuộc chiến. Nixon muốn hòa bình, nhưng phải là “hòa bình trong danh dự”.
Bắc Việt Nam không có ý định thỏa mãn mong muốn đó của Nixon. Kết cục duy nhất có thể chấp nhận được đối với họ là một Việt Nam thống nhất dưới quyền kiểm soát của họ. Thứ vẫn còn thỏa thuận được chỉ là những chi tiết- những điều kiện đầu hàng- và điều đó, cộng với sự khôn ngoan của những nhà đàm phán Bắc Việt, đã nối lại những cuộc đối thoại ở Paris bắt đầu từ thời Johnson. Tuy nhiên ở những điểm cốt yếu, không thể lay chuyển được Bắc Việt Nam. Bởi vậy Nixon đáp lại bằng hai mũi tấn công.
Để làm dịu chỉ trích trong nước, ông bắt đầu giao lại mặt trận chiến đấu cho những người lính Nam Việt Nam. Với chính sách mới có tên “Việt Nam hóa chiến tranh” này, số lượng lính Mĩ giảm xuống từ 543.000 năm 1968 xuống còn 334.000 năm 1971 và chỉ còn 24.000 vào đầu năm 1973. Tỉ lệ thương vong của người Mĩ- cũng như uy tín chính trị của họ- cũng giảm theo tương ứng. Nhưng cuộc giết chóc ở Việt Nam vẫn tiếp tục. Như lời mà đại sứ Mĩ tại Việt Nam, Ellsworth Bunker, đã nói một cách mỉa mai, đó chỉ là vấn đề thay đổi “màu da của những xác chết”.
Vào tháng tư năm 1972, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, Nixon đã ra lệnh cho B-52 không kích vào Bắc Việt Nam. Một tháng sau đó, ông đồng ý cho gài mìn vào những bến cảng của Bắc Việt Nam, điều mà Johnson đã không bao giờ dám làm. Nixon có thể rảnh tay như thế là bởi, theo tinh thần hòa hoãn, Trung Quốc không còn đe dọa can thiệp nữa. Tương tự Brezhnev cũng làm ngơ khi chào đón Nixon vào tháng năm năm1972, thời điểm cao trào của những cuộc không kích B-52(mà đã gây ra thương vong cho Sô Viết). Bắc Việt Nam có thể cảm thấy bị cô lập, nhưng viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô vẫn tiếp tục đổ vào, và du kích Việt Cộng vẫn tiếp tục chiến đấu.
Ở trong nước, cuộc chiến của Nixon đã trở thành gánh nặng lớn. Chẳng những không suy giảm mà phong trào phản chiến ngày càng rầm rộ. Tháng 11 năm 1969,  nửa triệu người đã biểu tình ở Washington. 30/4/1970, trong một phần của chiến dịch ném bom bí mật những tuyến đường vận chuyển khí giới của Việt Minh ở nước Campuchia trung lập, binh lính Mĩ đã tiến hành xâm nhập để tiêu diệt những cơ sở địch ở đó. Khi tin tức về việc đổ bộ vào Campuchia được loan ra, những trường đại học Mĩ như nổ tung vì căm giận, và lần đầu tiên, có sinh viên bị chết. 4/5/1970, tại trường đại học Kent State ở Ohio, lực lượng cảnh vệ quốc gia đã nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết bốn sinh viên và làm bị thương mười một người. Tại trường đại học Jackson State ở Mississippi, lực lượng cảnh vệ đã tấn công vào một kí túc xá, giết chết hai sinh viên da đen. Hơn 450 trường đại học đã đóng cửa để phản đối. Trên khắp đất nước, kì học mùa xuân đã bị hủy bỏ.
Chất độc Việt Nam thậm chí còn ngấm vào quân đội. Tháng 11 năm 1969, vụ thảm sát Mỹ Lai bị bại lộ, 350 dân làng Việt Nam bị thảm sát dưới tay quân đội Mĩ. Trung úy William Calley đã bị tòa án binh xử tù chung thân. Được trả về doanh trại theo lệnh của Nixon, Calley cuối cùng được phóng thích. Khi cuộc chiến tiếp tục lê bước, đạo đức cũng dần xuống dốc. Binh lính không chịu ra chiến trường, hàng nghìn trong số họ tìm đến ma túy. Trên chiến trận nóng bỏng, những sĩ quan hống hách đôi khi bị giết bởi những quả lựu đạn do chính những người lính của họ chủ tâm ném đến. Ở nhà, một nhóm gọi là “Cựu binh Việt Nam chống chiến tranh” đã ném những huân chương của mình tại một cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà Capitol.
Bất chấp tất cả, Nixon vẫn bền chí, phê phán kịch liệt những sinh viên biểu tình và gọi họ là “những cái đít”, và tổ chức một cuộc biểu tình phản đối lại họ. Mũ bảo hộ lao động đã trở thành một biểu tượng yêu nước sau khi những công nhân xây dựng New York đánh bại những người biểu tình trong một cuộc biểu tình hòa bình vào tháng 5/1970. Dần dần, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” khiến phong trào phản chiến đi xuống. Khi nhân lực trong quân đội cần được cắt giảm, chế độ quân dịch cũng bị cắt bớt, làm xẹp đi lòng nhiệt tình của nhiều sinh viên phản chiến. Những nhóm đấu tranh như SDS vỡ vụn và trở nên vô hại, trong khi Weathermen,một nhánh bạo lực của SDS, bị bắt bớ hoặc phải hoạt động ngầm. Cuối cùng, Nixon đã đẩy lui được những chỉ trích. Nhưng cái mà ông không đẩy lui được là Bắc Việt Nam.
Khi mà cuộc bầu cử năm 1972 đang cận kề, Nixon đã gửi Henry Kissinger đến những cuộc đối thoại hòa bình ở Paris. Ở đây Kissinger đã có một nhượng bộ quan trọng khi chấp nhận sự xuất hiện của binh lính Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam. Bắc Việt Nam sau đó đồng ý một khoảng thời gian chờ đợi để dàn xếp xem bằng cách nào chính quyền Sài Gòn sẽ giữ được quyền lực trong khi cuộc đàm phán tay ba thỏa thuận được một giải pháp cuối cùng. Với lời tuyên bố của Kissinger: “Hòa bình đã nắm trong tay”, Nixon đã có thêm số phiếu mà ông muốn, nhưng thỏa thuận đã bị phá bỏ bởi tướng Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Nam Việt Nam. Bởi vậy Nixon, trong cuộc đổ máu cuối cùng, đã ra lệnh hai tuần “ném bom giáng sinh”, sự kiện tàn khốc nhất trong cả cuộc chiến. 27/1/1973, hai bên kí thỏa thuận hòa bình Paris, tái khẳng định thỏa thuận ngừng bắn tháng mười năm trước.
Nixon hi vọng rằng với sự hỗ trợ ồ ạt của Mĩ, chính quyền Thiệu có thể sống sót. Nhưng Quốc hội đã nổi dậy. Nó đã từ chối cho phép ném bom Campuchia sau 15/8/1973, và từ từ cắt viện trợ cho Nam Việt Nam. Vào tháng ba năm 1975, các lực lượng Bắc Việt Nam đã phát động cuộc tấn công cuối cùng. Những người Mĩ xem tivi đã phải kinh hãi khi thấy cảnh những công chức và binh lính Nam Việt Nam tấn công nhân viên đại sứ quán Mỹ để được lên chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn. 29/4/1975, Việt Nam được thống nhất, và Sài Gòn, thủ đô Nam Việt Nam, được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của người cha sáng lập nên chính quyền Cộng sản.
Liệu kết thúc buồn này có là vấn đề? Đúng, dĩ nhiên, đối với những người bạn Việt Nam của Hoa Kì, những người đã mất đi việc làm và tài sản, phải mất nhiều năm trong những trại cải tạo, hoặc phải rời khỏi quê hương. Đúng, đối với nước láng giềng Campuchia, nơi bọn Khơ-me đỏ điên cuồng lên nắm quyền, tàn sát 1,7 triệu người và đưa đất nước gần như quay trở về thời kì đồ đá. Đối với nước Mĩ, đúng, bởi sự lãng phí sinh mạng  (58.000 người chết, 300.000 người bị thương), 150 tỉ đô-la, những vết thương bên trong lâu lành, và sự tự tin bị đánh mất đối với những nhà lãnh đạo nước Mĩ.
Thế còn xét về mặt địa chính trị? Không hẳn. Thất bại ở Nam Việt Nam không đồng nghĩa với chiến thắng cho phe Cộng sản như những chính quyền Mĩ kế tiếp đã lo sợ, bởi vì đã không còn tồn tại khái niệm “phe” Cộng sản. Chính quyền Hà Nội tự gọi mình là Cộng sản nhưng chưa bao giờ có ý định trở thành vệ tinh của ai đó, nhất là của Trung Quốc, kẻ thù xa xưa của Việt Nam (Vài năm sau đó, hai nước này đã có cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt). Ngày nay, sau hai mươi năm cấm vận, nước Mĩ đã bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với việc công nhận ngoại giao được thực hiện năm 1995. Sự kiện này không đáng nói tới nhưng là để bổ sung cho câu chuyện phiêu lưu quân sự tai họa nhất của nước Mĩ trong thế kỉ hai mươi.
(Người dịch: Đào Huy Kiên, dịch từ “America, A concise History”- James A.Henrretta-David Brody)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét