Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 3/12/16 - Lê Minh Nguyên


Luật chính sách quốc phòng Mỹ khiến TQ quan ngại --- Chủ tịch TQ theo dõi sát tình hình hậu bầu cử Mỹ --- TQ phản đối Trump điện đàm với Thái Anh Văn --- Cuộc gọi ông Trump bà Thái làm Bắc Kinh sửng sốt
<!>


Trung Quốc ngày 2/12 bày tỏ quan ngại về việc luật chính sách quốc phòng thường niên của Mỹ trong đó có gợi ý một kế hoạch tổ chức các cuộc trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan, đảo tự trị mà Bắc Kinh xem như một tỉnh tách riêng của Trung Quốc.

Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng trị giá 618.7 tỷ đôla có phần chắc sẽ được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện Mỹ tuần này và tại Thượng viện tuần tới.
Một phần của luật tỏ ý của Quốc hội rằng Bộ Quốc phòng nên tiến hành một chương trình trao đổi quân đội cao cấp giữa Mỹ với Đài Loan. 

Trung Quốc ‘quan ngại sâu sắc’ về luật này và thúc giục Mỹ tuân thủ chính sách ‘một nước Trung Hoa’ để không làm tổn hại các mối quan hệ Mỹ-Trung rộng lớn hơn, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, tuyên bố.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường lệ, ông Cảnh nói thêm rằng: “Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ và Đài Loan tiến hành bất kỳ hình thức liên lạc chính thống hay trao đổi quân sự nào.”

Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước công nhận chỉ có một nước Trung Hoa với chính phủ ở Bắc Kinh mà thôi, không nên xem Đài Loan là một nước tách biệt khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, Đài Bắc và Washington có quan hệ an ninh gần gũi, khiến Bắc Kinh khó chịu.
Trung Quốc hết sức nghi ngờ Tổng thống Đài Loan sẽ thúc đẩy cho Đài Loan chính thức được độc lập. Bà Thái Anh Văn vừa lên nhậm chức lãnh đạo Đài Loan trong năm nay.
Bà Thái nói bà muốn duy trì nguyên trạng với Trung Quốc và cam kết đảm bảo hòa bình. - VOA

***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 2/12 nói với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rằng Trung Quốc đang quan sát tình hình chính trị Hoa Kỳ “rất chặt chẽ” sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống.

Trong suốt cuộc vận động tranh cử, ông Trump chỉ trích Trung Quốc với những tuyên bố được giật tít hàng đầu báo chí rằng sẽ áp thuế quan 45% vào những hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Trong cuộc điện đàm vài ngày sau khi ông Trump đắc cử, ông Tập từng phát biểu rằng hợp tác là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/12 dẫn lời ông Tập nói với ông Kissinger rằng: “Bầu cử Tổng thống đã diễn ra tại Mỹ và chúng ta đang trong thời điểm quan trọng. Phía Trung Quốc chúng tôi đang theo dõi tình hình một cách chặt chẽ. Bây giờ là giai đoạn chuyển tiếp.”
Ông Tập Cận Bình nói thêm: “Nhìn chung, chúng tôi muốn thấy mối quan hệ Mỹ-Trung  tiến tới một cách ổn định và bền vững.”

Vẫn theo lời ông, Trung Quốc và Hoa Kỳ phải “giữ vững sự phát triển ổn định của các mối quan hệ thương mại song phương cùng có lợi.”
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc đã gặp Tổng thống Barack Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực được tổ chức tại Lima, Peru. Tại đây, ông Tập kêu gọi một “sự chuyển tiếp êm thắm” trong quan hệ giữa Bắc Kinh với nội các mới của Hoa Kỳ. - VOA

***
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nói chuyện điện thoại trực tiếp với tổng thống Đài Loan.

Cú điện đàm phá lệ đặt ra trong chính sách của Hoa Kỳ thiết lập vào năm 1979 khi quan hệ hai bên bị cắt chính thức.
Trước khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối chính thức, Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói Bắc Kinh phản đối bất kỳ sự tương tác hoặc liên hệ quân sự chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Nhóm tiếp nhận quyền lực của ông Trump cho biết ông và bà Thái Anh Văn ghi nhận “quan hệ chặt chẽ về an ninh, chính trị và kinh tế" giữa Hoa Kỳ và Đài Loan trong một cuộc điện thoại.

Động thái này có nguy cơ chọc giận Trung Quốc vì Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai.
Tin cho hay Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã bác bỏ cuộc nói chuyện này và gọi đây là "trò nhỏ mọn" của Đài Loan.

Ông Trump đã nhắn bằng Twitter rằng bà Thái Anh Văn đã gọi cho ông để chúc mừng ông thắng cử.
Nhóm làm việc của ông Trump nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử cũng đã chúc mừng bà Thái trở thành tổng thống Đài Loan trong cuộc bầu cử hồi tháng Một.
Việc một tổng thống Mỹ hay tổng thống đắc cử nói chuyện trực tiếp với một nhà lãnh đạo Đài Loan là rất bất thường.

Sau khi truyền thông nói về rủi ro chọc tức Trung Quốc, ông Trump đã tweet: "Khá hay là Hoa Kỳ bán hàng tỷ đô la thiết bị quân sự cho Đài Loan mà chẳng nhẽ tôi lại không nhận một cuộc gọi chúc mừng."
Nhà Trắng nói cuộc nói chuyện của ông Trump không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ.Người phát ngôn của ông Trump nói ông "nắm rõ" về những gì về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.
Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan năm 1979, thể hiện sự ủng hộ chính sách"Một Trung Quốc" của Bắc Kinh, nói rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Trung Quốc có hàng trăm tên lửa hướng về Đài Loan, và đã đe dọa sử dụng vũ lực nếu Đài Bắc tìm cách đứng độc lập.

'Thời điểm nhạy cảm'

Carrie Gracie, Biên tập viên Trung Quốc nói cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn là liên lạc đầu tiên được biết đến giữa một tổng thống Hoa Kỳ hay tổng thống đắc cử và một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ đã cắt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này vào năm 1979.

"Đài Loan không có hiệp ước phòng thủ chung chính thức với Hoa Kỳ, và các cam kết của Hoa Kỳ về bảo vệ hòn đảo này đang cố tình được duy trì ở khuôn khổ mơ hồ. Nhưng khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng, Đài Loan kiểu gì cũng phải dựa vào chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á để đối phó trước khả năng bị xâm lược.
"Đây đã là thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa đại lục và Đài Loan," Gracie viết.
Phóng viên của BBC cho biết một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ sau đó nói rằng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ không thay đổi, nhưng nhóm làm việc của ông Trump đã không thông báo cho Nhà Trắng trước khi có cuộc gọi.
''Trong chiến dịch tranh cử của mình, khi Donald Trump được hỏi tên người ông thường xuyên tham khảo nhất về chính sách ngoại, ông nói: "Tôi nói với bản thân mình, đó là số một, bởi vì tôi có một bộ não rất tốt và tôi đã nói rất nhiều điều ".

''Ông Trump đã nói rất nhiều thứ ... về "thắng" Trung Quốc về mậu dịch, về việc đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Hàn Quốc cần trả thêm tiền cho quốc phòng của họ, về việc bỏ thỏa thuận mậu dịch TPP vốn là trọng tâm trong chính sách ở châu Á của người tiền nhiệm của mình.

''Giống như nhiều chính phủ khác, Bắc Kinh đang phân vân xem những điều gì thì đáng để tâm nghiêm trọng. Nhưng đối với Trung Quốc thì ít có điều gì nghiêm trọng hơn hơn là tình trạng của Đài Loan.
Khi họ hiểu được ý nghĩa của cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái, dự kiến là đến lượt Bắc Kinh sẽ "nói rất nhiều điều," Gracie bình luận. - BBC

***
Quyết định của tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ quay lưng lại với giao thức bốn thập niên của Hoa Kỳ với Đài Loan và nói chuyện trực tiếp với một tổng thống của Đài Loan sẽ làm giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sửng sốt.
Kể từ cuộc bầu cử vào tháng trước, họ đã cố gắng hiểu xem ai đang cố vấn cho Donald Trump về châu Á và những chính sách về Trung Quốc của ông sẽ như thế nào. Động thái này sẽ biến mối quan ngại thành thực trạng báo động và tức giận. 
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh. Không để Đài Bắc gài bẫy nhằm trở thành một nhà nước độc lập là một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trong bốn thập niên, lãnh đạo Hoa Kỳ đã tôn trọng ranh giới đỏ của Bắc Kinh về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thừa nhận rằng chỉ có "Một Trung Quốc".

Cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn là liên lạc đầu tiên được biết đến giữa một tổng thống Hoa Kỳ hay tổng thống đắc cử và một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ đã cắt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này vào năm 1979.
Đài Loan không có hiệp ước phòng thủ chung chính thức với Hoa Kỳ, và các cam kết của Hoa Kỳ về bảo vệ hòn đảo này đang cố tình được duy trì ở khuôn khổ mơ hồ. Nhưng khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng, Đài Loan kiểu gì cũng phải dựa vào chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á để đối phó trước khả năng bị xâm lược. 
Đây đã là thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa đại lục và Đài Loan.

Dưới quyền lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng gây sức ép kinh tế và ngoại giao với Đài Loan để tiến tới thống nhất đất nước.

Nhưng bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh, đảng mà họ ủng hộ trong cuộc bầu cử bị thua trên diện rộng vào năm ngoái. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng giới trẻ ở Đài Loan ngày càng phản đối khả năng thống nhất với đại lục.

Cả trước và sau khi trúng cử tổng thống vào tháng Một, bà Thái Anh Văn hứa sẽ giữ nguyên trạng mối quan hệ xuyên eo biển, nhưng Bắc Kinh không tin tưởng bà và đã cắt đứt liên lạc chính thức với chính quyền của bà.
'Đủ để chọc giận Bắc Kinh'

Trong bối cảnh này, bất kỳ sự thay đổi nào trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ là đáng kể.
Trong một tuyên bố đưa ra sau khi các cuộc gọi, văn phòng tổng thống mới đắc cử cho biết hai nhà lãnh đạo ghi nhận sự tồn tại giữa Đài Loan và Hoa Kỳ đối với "các mối quan hệ an ninh chính trị, kinh tế gần gũi". Thông cáo cũng cho biết ông Trump "chúc mừng Chủ tịch Thái trở thành tổng thống của Đài Loan".

Nội dung này có thể là không gây tranh cãi xét bề ngoài, nhưng thực tế chính cuộc gọi của của một tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ chúc mừng tổng thống Đài Loan sẽ đủ để chọc giận Bắc Kinh.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ sau đó nói rằng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ không thay đổi, nhưng nhóm làm việc của ông Trump đã không thông báo cho Nhà Trắng trước khi có cuộc gọi. 
Trong chiến dịch tranh cử của mình, khi Donald Trump được hỏi tên người ông ​​thường xuyên tham khảo nhất về chính sách ngoại, ông nói: "Tôi nói với bản thân mình, đó là số một, bởi vì tôi có một bộ não rất tốt và tôi đã nói rất nhiều điều ".
Ông Trump đã nói rất nhiều thứ ... về "thắng" Trung Quốc về mậu dịch, về việc đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Hàn Quốc cần trả thêm tiền cho quốc phòng của riêng họ, về việc bỏ thỏa thuận mậu dịch TPP vốn là trọng tâm trong chính sách ở châu Á của người tiền nhiệm của mình.

Giống như nhiều chính phủ khác, Bắc Kinh đang phân vân xem những điều gì thì đáng để tâm nghiêm trọng. Nhưng đối với Trung Quốc thì ít có điều gì nghiêm trọng hơn hơn là tình trạng của Đài Loan.
Khi họ hiểu được ý nghĩa của cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái, dự kiến là đến lượt Bắc Kinh sẽ "nói rất nhiều điều". - BBC

2.
Trung Quốc khoe: Đã phá tan “âm mưu” khuấy động Biển Đông

Sự kiện tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay thân thiện với Trung Quốc tiếp tục được Bắc Kinh khai thác để phô trương quan điểm Biển Đông của mình. Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị vào hôm nay đã cho rằng thay đổi trong quan hệ Manila-Bắc Kinh là bằng chứng cho thấy là « âm mưu » khuấy động Biển Đông của một số quốc gia đã bị đánh bại hoàn toàn.
Trên trang web của mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã nêu rõ phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị tại một diễn đàn khoa học mới đây, nhấn mạnh rằng chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 10 vừa qua của tổng thống Duterte là một bước cải thiện quan trọng trong quan hệ Philippines-Trung Quốc.

Đối với ông Vương Nghị, quan hệ thân thiện trở lại giữa hai bên đã đánh dấu việc tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông đã được đưa trở lại « đúng hướng », nghĩa là tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại và tham vấn. Theo ngoại trưởng Trung Quốc, điều đó cũng có nghĩa là "âm mưu của các nước muốn sử dụng vấn đề Biển Đông để gây rối loạn trong khu vực đã bị phá vỡ hoàn toàn".

Ông Vương Nghị không nêu tên bất kỳ quốc gia nào, nhưng Bắc Kinh cho đến nay vẫn luôn luôn tố cáo Mỹ và các đồng minh khu vực như Nhật Bản và Úc là khuấy động tình hình Biển Đông.
Quan hệ Manila-Bắc Kinh hết sức căng thẳng dưới thời cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino do các hành động lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông. Manila đã kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, và tháng Bảy vừa qua, Tòa Trọng Tài đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung Quốc khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ.

Tuy nhiên, từ khi chính thức lên nắm quyền tổng thống Philippines, ông Rodrigo đã tìm cách đổi thù thành bạn, gác phần lớn các tranh chấp với Trung Quốc qua một bên để đổi lấy các lợi ích kinh tế. - RFI

3.
Castro tắt thở, Cuba thở phào

Fidel Castro ra đi đã được một tuần, nhưng báo chí Pháp vẫn chưa ngớt lời nói về ông. Mỗi tuần báo đều tìm cách khai thác một khía cạnh nào đó về cuộc đời và sự nghiệp chính trị. Nhìn chung các tuần báo đều phê phán tính cách "hai mặt" của con người được đánh giá là nhân vật lịch sử của thế kỷ XX.
Một xác ướp đã chết
"Những ngày cuối cùng của Viejo » là tựa đề bài viết trên L'Obs. Tuần báo trích một phần trong quyển sách đề tựa "Castro", tập tiểu sử mới của tác giả Serge Raffy sắp ra mắt độc giả Pháp vào ngày 14/12 tới đây. Theo tác giả, những năm gần đây, nhà độc tài Cuba đã bị mất trí nhớ. Phải chăng đó là cách tốt nhất để thoát bản cáo trạng mà các nạn nhân ngày nay đang đòi công lý?

Phần cuối bài viết, tuần san trích nhận định nhà văn Leonardo Padura cho rằng, sự ra đi của Fidel Castro không phải là một sự kiện lớn ở Cuba. « Ông chưa bao giờ là anh hùng, mà chỉ là người làm trò múa rối ». Bóng ma của ông không như là bóng ma của Che, người đã ra đi ở độ tuổi xuân xanh, độ tuổi thanh niên đẹp nhất đời người, mà là cái bóng ma của một kẻ già nua vẻ mặt quạu quọ và run rẩy, xung quanh vây đầy mấy vị bác sĩ vồn vã. « Một xác ướp buồn ?», tuần báo đặt câu hỏi. 
Đối với Courrier International, với cái chết của cựu lãnh đạo, « nước Cuba đã được giải phóng » như hàng tít lớn trên trang bìa. Cũng giống như L’Obs, Courrier International không chỉ xem Fidel như là « một xác ướp », mà còn là « một xác ướp đã chết » như hàng tựa của bài xã luận. Đó là người đã làm cho đất nước điêu tàn sau hơn nửa thế kỷ cai trị với bàn tay sắt. Từ chỗ là một « vựa đường » của thế giới, Cuba buộc phải nhập khẩu đường. Từ vị trí là một nền kinh tế thứ 4 của châu Mỹ Latinh, ngày nay với chỉ có 11,5 triệu dân nhưng đất nước phải vất vả trong việc tự cung tự cấp các nhu yếu phẩm.

Nhưng giờ điều đáng lo nhất là cùng với sự ra đi vĩnh viễn của Fidel Castro, chiến thắng của Donald Trump có thể sẽ làm thay đổi cục diện tại Cuba. Tổng thống Mỹ tương lai cho biết sẽ xem xét lại việc nối lại bang giao do Barack Obama đưa ra. Nếu như ông Trump từ bỏ dự án hủy bỏ lệnh cấm vận, cả Hoa Kỳ và Cuba đều thiệt. Hoa Kỳ sẽ mất hết các triển vọng kinh tế. Còn đảo quốc vẫn sẽ bị đông lạnh. Cho dù là lần này « xác ướp » đã thật sự chết rồi như lời hài hước của nhiều người dân Cuba dành cho Fidel Castro.

Fidel : Nhà cách mạng thích lối sống xa xỉ

Dẫu sao thì trong vòng 90 năm hiện hữu (1926-2016) Fidel Castro cũng đã tạo cho mình « một huyền thoại và một nền độc tài » như hàng tựa nhận định của L’Express. Tuần báo mở hẳn một hồ sơ dài 24 trang bao gồm cả hình ảnh để nói về cuộc đời và sự nghiệp chính trị. Bắt nguồn từ một thảm họa kinh tế và bất ổn tinh thần, nhà lãnh đạo đã lừa phỉnh cả thế giới để đạt được mục tiêu duy nhất rất quan trọng đối với ông : đi vào Lịch sử. Cái chết của ông hôm thứ Sáu 25/11/2016 đã lộ rõ mặt tối của « người khổng lồ thế kỷ XX ».
Ngoài việc thuật lại những năm tháng cai trị đất nước với bàn tay sắt, trấn áp mọi tiếng nói đối lập, tuần báo trích đăng một đoạn trong quyển sách đề tựa « La vie cachée de Fidel Castro » (Mặt trái của Fidel Castro) nói về lối sống xa hoa của nhà lãnh đạo.

Không như những gì Castro tuyên bố cả đời ông chẳng có chút tài sản nào ngoài « túp lều cá » khiêm tốn. Theo lời kể của Juan Reinaldo Sanchez, cận vệ riêng của ông trong vòng 17 năm đồng bút ký sách với nhà báo Axel Gylden, « lều cá » mà ông nhắc đến trên thực tế là nơi nghỉ mát sang trọng, huy động mọi phương tiện hậu cần đáng kể để bảo đảm an ninh và bảo trì. Trích đoạn của L’Express còn cho thấy rõ những sở thích giải trí của ông ngang tầm với sở thích của một nhà đại tư sản.
"Theo Fidel thì được, chống Fidel thì không"

Tuần san L’Express có bài phỏng vấn đặc biệt với bà Juanita Castro, em gái của cố lãnh đạo Cuba. Năm nay 83 tuổi, hiện đang sống lưu vong tại Miami, bà sẽ không về dự tang lễ người anh. Trong tâm khảm của bà, người anh lý tưởng, nhà cách mạng Cuba Fidel Castro đã chết từ lâu, ngay từ những ngày đầu thắng lợi của cuộc cách mạng.

Ngoài việc chỉ trích chính sách cai trị độc tài của người anh, bà cho độc giả thấy rõ những cá tính độc đoán của Fidel Castro : một con người khép kín, không chấp nhận mọi sự trái ngược. « Bất kể ai đi ngược lại ý kiến, kế hoạch, dự án của ông đều trở thành kẻ thù không đội trời chung… dù đó là một người thân trong gia đình (…) Năm 1961, ông đã đưa ra một công thức, trở nên nổi tiếng, cho thấy rõ tính ngang ngạnh : Theo cách mạng thì được, chống cách mạng thì không. Nhưng trên thực tế, điều này phải được hiểu là : Theo Fidel thì được, chống Fidel thì không ».
Khác với người em Raul - vui tính, hài hước, tình cảm, Fidel Castro là một người cô độc, chỉ nghĩ đến mình, ít cởi mở và nhất là ích kỷ. Bà Juanita Castro nhớ lại ngày Fidel Castro, lúc ấy còn là sinh viên được cha tặng một chiếc xe hơi mới. Thay vì chia sẻ niềm vui với các em, ông đã cấm họ đến gần xe. « Không một ai được chạm vào xe. Kể cả đó là người em Ramon, người đã dạy ông lái xe ».
Castro ra đi, Cuba nhẹ nhõm
Giờ ông thật sự đã ra đi, tương lai nào cho Cuba hậu Fidel Castro. Trao đổi với L’Express, sử gia Elizabeth Burgos, có một giai đoạn sống gần với những người thân cận của Lider Maximo, đã lạc quan suy nghĩ như sau :

"Barack Obama đã thông minh hiểu ra là giải pháp cho vấn đề có tính chất sinh học. Một khi Raul không còn nữa, con cháu của những người theo chủ nghĩa Castro, vốn dĩ cũng rất thực dụng sẽ phải bắt tay với các nhà tư sản Mỹ gốc Cuba, cũng là anh em dòng tộc của họ. Những người Cuba tị nạn sẽ mang về dòng tư bản, và những người ủng hộ Castro sẽ mang về các sổ danh bạ khách hàng – tại châu Mỹ Latinh, châu Phi hay châu Á, vì những người này đã được sắp đặt ở khắp nơi.

Định mệnh của Cuba sẽ là một cường quốc. Đảo quốc này sẽ trở thành cầu nối đối thoại giữa Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh. Ông Trump là người của tình huống lý tưởng. Cùng với những thế hệ lãnh đạo tương lai, ông Trump sẽ biết cách thương lượng các thương vụ. Tôi khá tin rằng một ngày nào đó sẽ có Trump Tower tại La Habana. Trái với những gì ứng viên tổng thống đảng cực tả Pháp Jean-Luc Melenchon đang nghĩ, người Cuba rất thích làm ăn với Trump".
Nói tóm lại, "Castro tắt thở, Cuba thở phào", như tựa đề một bài viết trên tuần san Le Point, cho rằng lời hứa hẹn "một nền dân chủ nhân văn" đã bị biến thành nửa thế kỷ độc tài. - RFI

4.
Lãnh đạo Hồng Kông đề nghị truất quyền 4 nghị sĩ phản đối Bắc Kinh

Sau vụ hai dân biểu đòi độc lập bị khai trừ, chính quyền Hồng Kông tiếp tục yêu cầu tư pháp truất quyền bốn nghị sĩ khác, với lý do không thực hiện đúng nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Nhiều nghị sĩ biểu tình phản đối chính quyền âm mưu « đảo chính », chống lại cử tri.
Theo báo chí Hồng Kông, chiều tối hôm qua 02/12/2016, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) và người phụ trách cơ quan Tư pháp đã đệ đơn lên Tòa án đặc khu yêu cầu phế truất bốn nghị sĩ. Bốn nghị sĩ nói trên gồm ông Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), biệt danh « Tóc Dài », thuộc Liên đoàn Dân Chủ Xã Hội, bà Lưu Tiểu Lệ (Lau Siu-lai) dân biểu khối địa phương, ông La Quán Thông (Nathan Law), đảng Demosisto, và ông Diêu Tùng Viêm (Edward Yiu Chung-yim) đại diện cho ngành kiến trúc.

Chính quyền Hồng Kông ra thông báo nhấn mạnh đề nghị nói trên hoàn toàn thuộc vấn đề pháp lý, không liên quan đến quan điểm chính trị.
Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã biểu tình trước cửa trụ sở chính quyền đặc khu để phản đối. Họ cáo buộc chính quyền đã tiến hành « một cú đảo chính » và « tuyên chiến với cử tri ». Nghị sĩ La Quán Thông – dân biểu trẻ nhất đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 9/2016 - khẳng định chủ trương của chính quyền là đẩy bật các nghị sĩ dân chủ ra khỏi Nghị Viện, để có toàn quyền hành động sau đó. Ông La Quán Thông nhấn mạnh đây là một thách thức lớn đối với tất cả những người ủng hộ dân chủ, và kêu gọi đoàn kết.

Lễ tuyên thệ nhậm chức dân biểu Hồng Kông ngày 12/10 đã bị nhiều nghị sĩ biến thành dịp để bày tỏ thái độ không thần phục Trung Quốc, khẳng định quan điểm Hồng Kông tự trị hoặc Hồng Kông độc lập, chống lại sự thao túng của Bắc Kinh.
Để phản đối, hai nghị sĩ Lương Quốc Hùng và La Quán Thông đã thay đổi giọng khi đọc chữ « Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa », để biến lời tuyên thệ thành một câu hỏi. Tuy nhiên, tuyên thệ của hai dân biểu nói trên đã được chấp nhận. Về phần mình, nghị sĩ Lưu Tiểu Lệ đã đọc lời tuyên thệ chậm hẳn lại, trong khoảng 10 phút, mục đích là làm biến đổi hoàn toàn nội dung. Nghị sĩ Lưu đã làm lại thủ tục tuyên thệ vào ngày 02/11. Riêng dân biểu Diêu Tùng Viêm phải hai lần làm lại tuyên thệ, vì khi đọc ông đã cố tình thêm vào những câu không có trong văn bản chính thức, như « vì nền dân chủ và sự phát triển bền vững của Hồng Kông".

Trước đây hơn hai tuần, tòa án đặc khu Hồng Kông đã khai trừ hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), vì đã không thực hiện đúng nghi thức tuyên thệ, trong đó có việc giương cờ "Hồng Kông độc lập" trong buổi lễ này. - RFI

5.
Người Hàn Quốc tiến gần tới dinh tổng thống, quyết đòi bà Park từ chức --- Phe đối lập Hàn Quốc xúc tiến tiến trình luận tội Tổng thống Park

Hàng trăm ngàn người Hàn Quốc đã tập trung tại thủ đô Seoul vào ngày thứ Bảy trong tuần thứ sáu liên tiếp biểu tình đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Họ tiến gần đến Nhà Xanh của tổng thống hơn bao giờ hết.
Cuộc tuần hành diễn ra sau khi ba đảng đối lập giới thiệu trước Quốc hội một dự luật để luận tội bà Park, người mà có thể trở thành nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên rời nhiệm sở sớm trong ô nhục.

Dự luật này, có chữ ký của 171 thành viên trong quốc hội đơn viện 300 ghế, nói rằng bà Park đã vi phạm hiến pháp và luật hình sự bằng việc lạm dụng quyền hành của mình trong vụ bê bối dùng ảnh hưởng để gây sức ép.
Người biểu tình tuần hành tới cách Nhà Xanh chỉ 100 mét. Họ kêu gọi bà Park từ chức ngay lập tức, bác bỏ lời xin lỗi công khai thứ ba của bà và yêu cầu quốc hội quyết định bà nên từ chức vào lúc nào và như thế nào.

Ban tổ chức biểu tình ước tính có khoảng 500.000 người tham gia hôm thứ Bảy, trong khi cảnh sát từ chối đưa ra ước tính của riêng họ nhưng cho biết có khoảng 20.000 nhân viên cảnh sát túc trực.

Trái ngược với những cuộc biểu tình phản đối trong quá khứ mà đôi khi xảy ra những vụ đụng độ với cảnh sát, những cuộc biểu tình cuối tuần diễn ra ôn hòa, giống như những hội chợ công cộng lớn.

Thanh niên lẫn người già cùng góp mặt trong những cuộc biểu tình ngày thứ Bảy. Nhiều người kiểm tra điện thoại để tìm kiếm bạn bè xung quanh, một số xếp hàng dài đợi nhà vệ sinh. Có nhiều quầy bán nến điện tử, gậy chụp ảnh selfie, đồ ăn nhẹ và tấm phủ giữ ấm. - VOA

***
Tại Hàn Quốc, các đảng đối lập đã chính thức khởi động thủ tục luận tội Tổng thống Park Guen Hye, sau vụ tai tiếng liên quan tới một người bạn thân của Tổng thống Park bị cáo buộc là lợi dụng mối quan hệ thân thiết với bà vào các mục đích tư lợi.
Dự thảo luận tội Tổng thống đã được trình lên hôm thứ Bảy 3/12 giữa lúc hàng trăm ngàn người dân từ khắp nước kéo về Seoul để tham gia cuộc biểu tình mới nhất trong các cuộc biểu tình diễn ra vào mỗi ngày thứ Bảy trong 6 tuần liên tiếp, để đòi luận tội Tổng thống Park.

Dự thảo luận tội có chữ ký của 171 nhà lập pháp trong tổng cộng 300 ghế tại cơ quan lập pháp Hàn quốc. Một cuộc biểu quyết sẽ được tổ chức tại quốc hội vào ngày thứ Sáu.

Tuy nhiên phe đối lập còn cần sự hậu thuẫn của 28 thành viên đảng đương quyền mới hội đủ đa số 2/3 cần thiết để thông qua dự luật này.

Bà Park đã đề nghị sẽ từ chức nhưng phe đối lập cho rằng đây chỉ là một kế hoãn binh để bà duy trì chức vụ.
Đảng đương quyền muốn Tổng thống Park tình nguyện từ bỏ chức vụ vào tháng Tư năm tới, mở đường cho các cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 6 năm 2017, 6 tháng sớm hơn ấn định. - VOA

6.
Chủ tịch Tập: Quân đội Trung Quốc phải nhỏ gọn nhưng có năng lực cao

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Bảy dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng lực lượng vũ trang của Trung Quốc phải nhỏ gọn nhưng phải có năng lực cao hơn, và nếu cải cách không được thực hiện một cách thỏa đáng thì quân đội nước này có nguy cơ tụt hậu, ảnh hưởng đến khả năng tiến hành chiến tranh.
Ông Tập hồi tháng 9 năm ngoái bất ngờ loan báo ông sẽ cắt giảm khoảng 300.000 binh sĩ, tức khoảng 13 phần trăm quân đội lớn nhất thế giới, hiện có 2,3 triệu binh sĩ.

Quyết định cắt giảm được đưa ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế gia tăng ở Trung Quốc trong khi tăng trưởng đang chậm lại và giới lãnh đạo đang chật vật với những cải cách kinh tế đau đớn. Vào tháng 10, hàng trăm cựu chiến binh đã biểu tình phản đối tại Bắc Kinh.

Cắt giảm binh sĩ là một phần trong những cải cách rộng hơn để hiện đại hóa quân đội, rời xa mô hình chỉ huy cũ kỹ thời Soviet và chú trọng nhiều hơn vào những loại vũ khí công nghệ cao như máy bay tàng hình.
Phát biểu tại một hội nghị kéo dài hai ngày về cải cách quân sự, ông Tập cho biết quân đội không bao giờ được đi theo lối mòn nữa mà cần phải thay đổi theo thời gian.

"Nếu không, những lực lượng vũ trang một thời hùng mạnh sẽ trở nên lỗi thời, hoặc thậm chí lụn bại với một cú giáng duy nhất," ông Tập nói trong những phát biểu được cơ quan thông tấn chính thức Tân Hoa Xã dẫn lại.
"Lịch sử và thực tế cho chúng ta thấy rằng một quân đội, nếu tụt hậu về quy mô và sức mạnh, thì sẽ tụt hậu về binh pháp và những phát triển trong việc tiến hành chiến tranh, có lẽ đánh mất tính chiến lược và quyền khởi chiến," ông nói thêm.

Ông Tập nói quân đội Trung Quốc cần phải tập trung vào công nghệ hơn là sức mạnh số đông.

"Đây là thay đổi lớn không thể tránh khỏi," ông Tập nói tại hội nghị. "Chúng ta phải nắm bắt cơ hội và tạo nên những bước đột phá."
Quân đội Trung Quốc chưa tiến hành chiến tranh trong mấy thập kỷ qua và chính phủ khẳng định họ không có ý đồ thù địch mà đơn giản chỉ cần năng lực để bảo vệ đất nước - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng Trung Quốc đang khơi lên lo ngại khắp khu vực với lập trường ngày càng quyết đoán ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng với chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng bao gồm hàng không mẫu hạm và phi đạn chống vệ tinh. - VOA

7.
Tướng Mỹ lo ngại về sự hậu thuẫn từ nước ngoài cho Taliban ở Afghanistan

Tư lệnh lực lượng Mỹ và quốc tế tại Afghanistan, Đại tướng John Nicholson, cảnh giác về ảnh hưởng tai hại của các nhân tố nước ngoài đối với lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan, và bày tỏ quan ngại về tính ổn định chính trị của chính phủ Afghanistan trong tương lai, có thể cản trở các nỗ lực quốc tế để bình ổn đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này. 
Đại tướng Nicholson, người chỉ huy sứ mạng Resolute Support của NATO tại Afghanistan, nói:

“Chúng tôi quan ngại về sự can thiệp từ nước ngoài nhằm củng cố khả năng chiến đấu của phe nổi dậy và các nhóm khủng bố ở bên trong Afghanistan, đặc biệt trong tình huống các nhóm này được các chính quyền nước ngoài hỗ trợ và chứa chấp.”
Tướng Nicholson cho hay ông đã nói chuyện thẳng thắn với quân đội và giới lãnh đạo chính phủ Afghanistan về những thách thức họ sẽ phải đối mặt, và sẽ tập trung vào nỗ lực thực thi các giải pháp, kể cả thay đổi các lãnh đạo tham nhũng.
Tuy nhiên Tướng Nicholson bác bỏ những thông tin vô căn cứ về những sự thành công của phe Taliban chống lại Nhà Nước Hồi giáo. Ông nói thay vào đó, chính nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và quân đội Afghanistan đã mang lại nhiều thành quả trong việc chống lại những phần tử trung thành với nhóm khủng bố tại Afghanistan đến từ Trung đông.

Ông nói sự thiếu hiệu quả và nạn tham nhũng tràn lan trong hệ thống tiếp tế đã khiến một số binh sĩ Afghanistan trú đóng ở các tiền đồn thiếu lương thực, nước uống và đạn dược cần thiết để chiến đấu.
Các lực lượng Afghanistan vẫn đang nắm quyền kiểm soát trên 2/3 dân số, nhưng tỷ lệ này đã giảm đôi chút, từ 68% xuống còn 64%, tính từ tháng 9 vừa qua.
Trong khi đó phe Taliban đã mất khả năng huy động lực lượng để thực hiện các cuộc tấn công quy mô, và do đó họ đang xoay sang tiến hành các cuộc tấn công nhỏ hơn vào các chốt kiểm soát trong một cố gắng nhằm cô lập hoá các thành phố và gây sợ hãi.
Tướng Nicholson kêu gọi giới lãnh đạo Afghanistan hãy đảm bảo những đấu đá trong nội bộ không tác động tới các nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia. - VOA

8.
Giới chức Iran bất bình về việc Mỹ triển hạn chế tài

Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran lên án mạnh mẽ một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua hồi đầu tuần này để triển hạn chế tài nhắm vào nước này.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói với đài truyền hình nhà nước Iran IRIB rằng việc triển hạn chế tài cho thế giới thấy "chính phủ Mỹ không đáng tin cậy."

"Mỹ đang hành động ngược lại cam kết của mình," ông nói.
Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm biểu quyết triển hạn những chế tài nhắm vào Iran thêm 10 năm nữa. Việc này khiến nhiều quan chức hàng đầu của Iran cáo buộc Mỹ đi ngược lại thỏa thuận hạt nhân mà hai nước đã ký kết vào năm ngoái.
Các quan chức Iran bất bình vì họ tin rằng việc triển hạn những chế tài vi phạm thỏa thuận đạt được giữa Iran và sáu cường quốc thế giới khác, trong đó có Mỹ, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng lên án việc triển hạn chế tài.
"Thỏa thuận hạt nhân là kết quả nỗ lực của bảy nước, và một nước không nên được phép làm suy yếu nó," ông nói với thông tấn xã nhà nước IRNA.

Những nghị sĩ Quốc hội Mỹ nói rằng việc triển hạn Đạo luật Chế tài Iran chỉ tiếp tục những chế tài hiện hành, vì vậy nó không vi phạm thỏa thuận hạt nhân, và họ chưa nghe đối tác chủ chốt nào khác phản đối việc triển hạn.
"Tôi chưa nghe thấy phản đối gay gắt từ những đồng minh chủ chốt của chúng tôi trong JCPOA (Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung)," Thượng nghị sĩ bang Delaware Chris Coons nói.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker nói việc triển hạn chế tài sẽ cho chính quyền mới của ông Trump nhiều sức ảnh hưởng hơn khi đối phó với Iran trong tương lai.
"Triển hạn Đạo luật Chế tài Iran... bảo đảm Tổng thống đắc cử (Donald) Trump và chính quyền của ông có những công cụ cần thiết để chống đối những hành động thù địch của chế độ này," ông nói trong một thông cáo. - VOA

Tin Hoa Kỳ
9.
Trọng tâm nửa năm đầu nhậm chức của ông Trump

Chính quyền của Tổng thống tân cử Donald Trump dự tính khẩn trương xúc tiến các mục tiêu duyệt lại các luật lệ về thuế, chăm sóc sức khỏe, và di trú.
Ông Trump, người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới đây, đang chuẩn bị các kế hoạch 100 và 200 ngày đầu trong Tòa Bạch Ốc nhằm hoàn thành những cam kết đã đưa ra trong lúc tranh cử và kích thích tăng trưởng kinh tế, theo thông tin từ Phó Tổng thống tân cử Mike Pence tiết lộ với Wall Street Journal được Reuters trích dẫn ngày 2/12.

Ông Pence nói các ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump bao gồm đối phó với tình trạng di trú bất hợp pháp, hủy bỏ và thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare, đề cử nhân vật điền khuyết cho chỗ trống ở Tòa Thượng thẩm, và củng cố quân đội.
Vẫn theo nguồn tin này, tới mùa xuân năm sau, tân chính quyền Mỹ sẽ làm việc với giới lãnh đạo Quốc hội về cải cách thuế, trong đó bao gồm cắt giảm tỷ suất thuế doanh nghiệp từ mức cao nhất nhì trong thế giới các nước công nghiệp hóa xuống còn 15%.

Cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ đang do đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát.

Đáp câu hỏi rằng điều gì sẽ khiến cử tri kinh ngạc về chính quyền Trump, Phó Tổng thống tân cử Mike Pence nói ‘Tôi nghĩ điều duy nhất làm mọi người ngạc nhiên là thủ đô Washington DC sẽ hoàn tất giải quyết rất nhiều việc trong một thời gian ngắn.’ - VOA

10.
Ông Trump mời TT Philippines sang thăm Washington --- Ông Trump chúc ông Duterte thành công trong chiến dịch bài trừ ma tuý

Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, mời Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, sang thăm Tòa Bạch Ốc vào năm sau.
Một phụ tá của ông Duterte ngày 2/12 cho biết lời mời được đưa ra trong một cuộc điện đàm ‘sôi nổi, rất ăn ý’ trong bối cảnh mối quan hệ Washington-Manila đang rạn nứt.

Cuộc trao đổi ngắn giữa ông Trump với nhà lãnh đạo ‘bạo ngôn’ của Philippines diễn ra giữa thời điểm không chắc chắn về một trong những mối quan hệ đồng minh Châu Á quan trọng nhất của Mỹ xuất phát từ thái độ thù nghịch của ông Duterte đối với Washington cùng những lời đe dọa làm trầm trọng mối quan hệ quốc phòng hàng chục năm qua.
Ông Christopher Go, cố vấn đặc biệt của ông Duterte,  cho biết cuộc điện đàm kéo dài hơn 7 phút. Đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump chưa có bình luận tức thời.

Trong 5 tháng đầu nhậm chức, ông Duterte đã đảo ngược chính sách ngoại giao của Philippines: rời xa Mỹ, xích lại gần với Trung Quốc, và theo đuổi một liên minh mới với Nga.
Ông Duterte, người được ví như là ‘Trump của Đông phương’, từng tỏ ra lạc quan về việc ông Trump vào Tòa Bạch Ốc, viện dẫn lý do ông không muốn tranh cãi với Mỹ nữa nhưng vẫn không ngừng những luận điệu gọi Mỹ là ‘hiếp đáp’ và ‘đạo đức giả.’

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters thời còn tranh cử, ông Trump nhận xét các bình luận của ông Duterte chứng tỏ ‘thiếu tôn trọng’ nước Mỹ.
Tuần trước, một nguồn tin từng cố vấn cho toán chuyển tiếp của ông Trump về chính sách an ninh cho Reuters biết ông Trump sẽ khai mở ‘một chương mới’ với Philippines. - VOA

***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã chúc ông thành công trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma tuý, 1 chiến dịch đã giết chết 4000 người tính từ tháng Bảy năm nay.

Theo ông Duterte, nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ nói với ông rằng ông đã tiến hành chiến dịch trấn áp tội phạm ma tuý “trong tư cách một quốc gia có chủ quyền, và theo một cách đúng đắn.”
Ông Duterte đắc cử trước đây trong năm phần lớn nhờ lời hứa của ông sẽ mạnh mẽ trấn áp những thành phần buôn ma tuý, sử dụng ma tuý và các phần tử tội phạm.

Trong một thông báo, ông Duterte cho biết ông đã gọi cho ông Trump vào chiều tối thứ Sáu để chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Duterte nói ông cảm thấy là có thể có ‘quan hệ tốt’ với ông Trump.
Từ khi lên nắm quyền, ông Duterte thường xuyên công kích Washington, đẩy mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời vào tình trạng bất định. Các quan hệ ngoại giao giữa Washington và Manila đã xấu đi sau khi Hoa Kỳ mạnh mẽ chỉ trích chiến dịch bài trừ ma tuý đẫm máu của ông Duterte.

Tháng 10 vừa rồi, ông Duterte cảnh cáo rằng Philippines sẽ không để mặc cho Washington đối xử với họ “như một con chó bị xích ở cổ.” Ông tuyên bố Mỹ có thể “quên đi” hoà ước quốc phòng song phương ký kết nhiều thập niên về trước, nếu ông nắm quyền đủ lâu.
Cơn thịnh nộ của ông Duterte chủ yếu trút xuống đầu Tổng thống Barack Obama, người mà ông Duterte từng thoá mạ là “con của một con điếm.” - VOA

Tin Việt Nam
11.
Tàu hải quân Philippines tới vịnh Cam Ranh

Một tàu hải quân cùng khoảng 300 nhân viên Philippines đã lên đường bắt đầu chuyến thăm Việt Nam 5 ngày.
Theo Inquirer, tàu BRP Ramon Alcaraz (FF-16) cùng máy bay trực thăng Agusta Westland 109 dưới sự chỉ huy của Phó đô đốc Ronald Joseph Mercado sẽ thăm vịnh Cam Ranh từ ngày 2-12 tháng 12.

Một số hoạt động trong chuyến thăm bao gồm diễn tập đối phó những cuộc chạm chán bất ngờ trên biển, tìm kiếm cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Người phụ trách về quan hệ công chúng của hải quân Philippines, Đại tá Lued Lincuna, cho biết: “Những cuộc tập trận này sẽ cho chúng tôi một cơ hội không chỉ luyện tập những điều cần thiết trong bất kỳ tình huống nào, mà còn là cơ hội để thiết lập một mối quan hệ chuyên nghiệp với các đồng minh của chúng tôi, khiến chúng tôi có một lực lượng có khả năng hơn khi làm việc cùng nhau trên biển.”

Hải quân hai nước cũng sẽ tổ chức một hoạt động khác ở đảo Pugad hoặc Song Tử Tây ở Biển Đông trước khi kết thúc năm.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Văn Tài tại Đại học Havard cho biết sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam đã có từ lâu rồi và Philippines cũng sẽ bảo vệ quyền lợi của họ giống như Việt Nam bảo vệ quyền lợi ở vùng biển của mình.
Ông nói: “Việc thăm viếng của tàu biển Phi Luật Tân là rất tốt để cho Việt Nam có thể tiếp tục duy trì và hành động chung với nước có cùng quyền lợi, duy trì quyền lợi tại vùng biển của Việt Nam và Phi Luật Tân. Điều đó là nên.”

Chuyến thăm của tàu hải quân Phillippines tới Việt Nam lần này diễn ra sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và người đồng cấp Philippines, ông Honorio Azcueta, gặp nhau tại Manila hồi tháng tư trong nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước Đông Nam Á đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến Biển Đông, Đại sứ Anh ở Hoa Kỳ, Kim Darroch, cho biết các máy bay chiến đấu của Anh trên đường đến Nhật Bản sẽ bay qua vùng biển này.

Anh cũng sẽ đưa tàu sân bay đến biển Thái Bình Dương khi đã sẵn sàng sử dụng vào năm 2020, ông nói thêm, và nêu quan ngại về tự do hàng hải ở vùng biển giàu khoáng sản.
Đại sứ Darroch cho biết thêm, mặc dù hầu hết khả năng quốc phòng của Anh đều nhắm trực tiếp đến Trung Đông nhưng quốc gia này cũng sẽ “thử đóng vai trò” ở Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Tạ Văn Tài cho rằng việc Anh tham gia vai trò ở Thái Bình Dương nhằm chống lại âm mưu đơn phương lập những vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc.
Vẫn theo chuyên gia nghiên cứu Biển Đông này, các cường quốc vẫn sẽ duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông và Việt Nam không nên lo lắng về việc Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ bỏ những chủ trương có từ thời ông Obama. - VOA

12.
Thí sinh chuyển giới là tâm điểm trên truyền hình Việt Nam

Việc ca khúc “Ông bà anh” của một thí sinh đổi giới có tên Lê Thiện Hiếu gây sốt ở Việt Nam đã chứng minh thêm một điều rằng các nghệ sỹ chuyển giới đang được rất yêu thích trên các chương trình truyền hình.

Trong một video của VTV3, Lê Thiện Hiếu tự giới thiệu mình là một thí sinh 21 tuổi đến từ Thái Nguyên và lần đầu tiên được đến thành phố Hồ Chí Minh sau khi lọt vào vòng thi chung kết của Sing My Song 2016 – một chương trình truyền hình thực tế nhằm tìm kiếm những nghệ sĩ đa năng có thể sáng tác và hát hay.
Bài hát “Ông bà anh” với giai điệu đậm reagge khá lạ và giọng hát mượt mà của Hiếu đã lập tức chinh phục khán giả và cả ban giám khảo gồm nhạc sỹ Lê Minh Sơn và Đức Trí. Nhiều người cho rằng bài hát này được yêu thích còn bởi vì ca từ rất gần gũi với giới trẻ những người đang sống trong thời đại công nghệ và internet. Theo Dân Trí, vì lẽ đó mà Hiếu “được nhiều người xem là ‘hiện tượng’ vượt lên sự khác biệt, chạm tay tới đam mê.” Video này đã có trên 12 triệu lượt xem trên Youtube.

Theo phần giới thiệu của VTV3 cho phần thi của Hiếu, thí sinh này có tên là Lê Phương Thảo trước khi chuyển giới. Và Hiếu không phải là trường hợp đầu tiên gây “bão” trên một show truyền hình thực tế.
Trước đây trên các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc và sân khấu khác đã có nhiều những thí sinh chuyển giới gây “sốt” như Hương Giang Idol (Nguyễn Ngọc Hiếu); Cherry Minh Ngọc của chương trình Thách Thức Danh Hài, Quốc Trí của chương trình Thách Thức Bước Nhảy.

Ca sỹ Mai Khôi, cũng là một người hoạt động cho quyền của người đồng tính, nói với VOA Việt Ngữ rằng những nghệ sỹ đồng giới và đồng tính thường nhận được nhiều sự thu hút của mọi người không chỉ bởi tài năng của họ. Cô cho rằng việc truyền thông đưa tin nhiều hơn về cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã góp phần vào làm cho hình ảnh của họ trở nên gần gũi hơn với công chúng.

"Việc định kiến giới ở Việt Nam đang dần được xóa bỏ và đó là 1 điều tốt. Trước đây người ta không chấp nhận những người như vậy trong xã hội nhưng bây giờ người ta lại thấy hứng thú một phần cũng vì họ thấy vui thấy lạ mắt và một phần cũng vì truyền thông về định kiến giới cũng có hiệu quả."
Lê Minh Ngọc, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Xã Hội (iSEE) cũng cho rằng vai trò của truyền thông trong việc thay đổi nhận thức của xã hội về người đồng tính và chuyển giới là rất lớn. Chị Ngọc dẫn chứng rằng khi dự án đầu tiên iSEE thực hiện vào năm 2008 với cộng đồng LGBT là phản hồi báo chí bởi lúc đó hình ảnh của người đồng tính và chuyển giới rất xấu trên truyền thông. Và điều đó đã thay đổi.

"Báo Thanh Niên cũng là 1 trong những tờ báo đi đầu trong việc đề cập đến quyền của người LGBT và tạo ra những sự thay đổi trong xã hội. Và thực sự là nó tạo ra những dư luận xã hội mà nó mang lại những việc rất tích cực, những thay đổi rất tích cực trong cộng đồng. Và cũng một cái nữa là những bài báo giật tít câu view như kiểu “người đồng tính giết người”(hay đại loại như thế) thì đã giảm hẳn vì các nhà báo cũng nhìn nhau khi xu hướng report chính xác và tích cực trên báo chí mà nó là xu hướng chủ đạo thì họ cũng tự thay đổi thì đấy cũng là cái rất là thú vị."
Chị Ngọc cho rằng mặc dù đồng tính vẫn được coi là một điều xấu hổ ở nhiều nơi ở Việt Nam và hôn nhân đồng tính không được công nhận về mặt pháp lý nhưng nhận thức của xã hội và nhất là gia đình của những người này đã thay đổi rất nghiều trong những năm gần đây. Chị Ngọc cho biết theo các khảo sát của iSEE gần đây, số lượng người ủng hộ cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã tăng lên và số lượng người công khai đồng tính đã nhiều hơn vì không những họ được xã hội nhìn nhận thân thiện hơn mà họ còn nhận được sự ủng hộ của gia đình nhiều hơn so với trước đây.

Vào tháng 11 năm ngoái, quốc hội Việt Nam đã thông qua quyền chuyển đổi giới tính và đây được xem như là một bước tiến lớn trong việc thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng LGBT. Khi điều luật này chính thức có hiệu lực vào năm 2017, những người chuyển giới ở Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ và được hưởng các quyền thân nhân giống như mọi công dân bình thường theo giới tính mà họ đã chọn.
Giám đốc iSEE Lê Minh Ngọc nói mặc dù điều luật này còn chưa có hiệu lực nhưng việc Quốc Hội công nhận và cho phép chuyển đổi giới tính đã là một sự khích lệ cho những người muốn trở thành một giới khác và trở nên tự tin hơn trong các hoạt động xã hội.

Theo ICS, một tổ chức người đồng giới ở Việt Nam, có khoảng 270.000 người chuyển giới trong 90 triệu dân Việt Nam. - VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét