Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Kiếm sống bằng vẽ truyền thần bên Hồ Gươm, Hà Nội - Liêu Thái/Người Việt

Nhiều người tỏ ra mê mẩn khi xem nghệ sĩ già đang vẽ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)<!>
 HÀ NỘI (NV) – Nói đến vẽ truyền thần, người ta nghĩ ngay đến Hội An, Huế với không gian yên tĩnh, bờ sông Hoài hay bờ sông Hương không dậy sóng, và người ta cũng không quên nhắc đến hồ Gươm với liễu rũ mặt hồ, hàng cây cổ thụ cùng những ông họa sĩ già và các cô các cậu họa sĩ trẻ ngồi hí hoáy vẽ như thể nhập vào bức chân dung.
Một họa sĩ từng có thâm niên 40 năm cầm cọ và trong đó có hai mươi năm vẽ truyền thần, tên Phụng, cho biết: “Tôi mới ra ngồi đậy vẽ được năm năm. Đây là quãng thời gian thú vị nhất trong đời cầm cọ của tôi mặc dù thời gian này vất vả và thiếu thốn hơn so với trước.”
“Như vậy trước khi ra bờ hồ ngồi vẽ truyền thần ông làm gì và đời sống như thế nào?”
“Trước đây tôi mở phòng vẽ và vẽ chân dung, chủ yếu là chân dung sao chép từ ảnh chụp. Thời đó ảnh đen trắng, chụp bằng phim âm bản và một tấm chân dung lớn có giá tiền gần nửa chỉ vàng, chính vì vậy, người ta chọn vẽ lại tấm chân dung nhỏ, giá tiền thời đó một tấm chân dung vẽ rẻ hơn nhiều. Màu chủ yếu là than chì, muội đèn dầu, cứ như vậy mà vẽ thôi. Kiếm sống cũng khá. Thời đó sắm vàng dễ lắm, vì vàng nó rẻ, mình có đồng nào đưa bà nhà đi sắm vàng, nhờ vậy mà sau này mới mua được miếng đất làm nhà. Còn bây giờ vẽ truyền thần mỗi tấm chân dung một trăm ngàn đồng có chừng rồi, gặp người còn có vài chục, họ nói mình vẽ thì mình cũng vẽ. Mà nói riêng với anh thôi nhé, những tấm vài chục ấy lại rất đẹp, có cảm hứng để vẽ, tôi cũng không hiểu vì sao như vậy! Thu nhập thì ngày nào trúng kiếm cũng được vài trăm, có ngày ngồi không, chơi với bạn bè, ngắm cuộc đời. Phải nói là 5 năm trở lại đây hồ Gươm thay đổi kinh khủng!”
“Ông thấy Hà Nội thay đổi như thế nào? Hồ Gươm nữa?”
“Mọi thứ bây giờ có vẻ hào nhoáng, chớp nháy và hình thức hơn. Hà Nội xưa đã mất, ngày xưa người ta ca ngợi và tụ rất đông ở những quán chè xanh, phở, bún đậu hủ yên tĩnh, người ta yêu nét hiền hòa của nhau. Còn bây giờ có cả phở mắng, cháo chửi, bún chửi té tát và người ta xúm vào ăn rất đông.  Hồ Gươm thì bây giờ không còn sạch sẽ như trước đây mặc dù nó rất rực rỡ và sặc sỡ. Nhưng dù sao thì vẫn có nhiều cái hay, ví như chuyện biểu tình, tôi sống gần bảy chục năm rồi mới được thấy vài năm nay, cũng gần bờ hồ này và ngay cả trên bờ hồ này.”
Nhiều họa sĩ trẻ kiếm sống khá dễ dàng nhờ vẽ truyền thần bên hồ Gươm, Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Nhiều họa sĩ trẻ kiếm sống khá dễ dàng nhờ vẽ truyền thần bên hồ Gươm, Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Nhiều họa sĩ trẻ kiếm sống khá dễ dàng nhờ vẽ truyền thần bên hồ Gươm, Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Ngồi gần ông Phụng là hai nữ họa sĩ trẻ vừa tốt nghiệp đại học mỹ thuật, chọn vẽ truyền thần như một cách dấn thân và hai anh họa sĩ cũng từng tốt nghiệp trường lớp hẳn hoi, ngồi vẽ truyền thần để lấy cảm hứng sáng tác tranh và cũng là kiếm chút tiền sống qua ngày.
Cả bốn người này có cùng cách sống rất hiện đại, hay nói cách khác là họ quá ngầu, họ chỉ vẽ khi nào ông Phụng đang bận, còn lại nếu cả năm người không có khách mà có khách đến yêu cầu họ vẽ thì họ chỉ qua chỗ ông Phụng với lý do “bác ấy vẽ đẹp hơn.”
Khi chúng tôi hỏi có phải vì thấy ông Phụng cao niên nên họ kính nhường, họ gật đầu và một người trong nhóm tên Hiền cho biết thêm: “Vì tụi em độc thân, chưa lập gia đình, ngày hôm nay không kiếm được tiền thì ăn tiền dự trữ và ngày mai kiếm tiền, còn bác Phụng thì phải gánh cả một gia đình, bác gái thì yếu ớt, bệnh tật, và các em vẫn chưa ra trường. Vả lại những ngày đông người, bác Phụng chạy vắt chân lên cổ cũng không kịp tụi em. Vì tốc độ vẽ của bác ấy thuộc thế hệ trước, chậm lắm. Bác vẽ cả giờ đồng hồ mới xong một bức chân dung. Một ngày mà dùng hết tốc lực thì bác cũng chỉ vẽ nổi 10 bức là cùng.”
“Vậy tốc độ vẽ của các bạn là bao nhiêu bức trong một ngày?’
“Tụi em chỉ vẽ trong vòng từ 15 đến 20 phút cho mỗi bức chân dung. Chính nhờ vậy mà những ngày lễ, Tết thì khách quá đông, bác Phụng vẽ toát mồ hôi cũng chỉ 10 bức, tụi em kiếm mỗi đứa có khi lên đến 30 bức trong dịp này. Ngày Tết, lễ thì tăng 20% giá, nên mỗi ngày kiếm vài ba triệu là chuyện bình thường. Nói chung tuổi trẻ được cái tốc độ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Mà tụi em tự tin lắm. Vì tụi em là những họa sĩ qua trường lớp nên có ưu điểm riêng.”
“Các bạn thấy nghề vẽ truyền thần sống nổi không?”

“Nghề này thực tâm mà nói thì khó sống. Mặc dù nhiều người yêu thích đã trở lại nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố thời đại, tính cách mạng của tuổi trẻ. Nhưng trong một xã hội trì trệ sẽ rất khó cho một cái nghề gắn với tâm hồn, nghệ thuật, bắt được khoảnh khắc và chuyển hóa thành đường nét, chân dung trên mặt giấy. Thực sự là xã hội hiện tại vừa trì trệ vừa bát nháo, khó, rất khó để cho bất kỳ một bộ môn nghệ thuật nào phát triển đến đỉnh cao.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét