Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Formosa 'khắc phục' hàng chục lỗi vi phạm môi trường

Người biểu tình kêu gọp tập đoàn Formosa điều tra và tự nguyện công bố kết luận của riêng mình về vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam, tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 17 tháng 6, 2016.
Người biểu tình kêu gọp tập đoàn Formosa điều tra và tự nguyện công bố kết luận của riêng mình về vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam, tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 17 tháng 6, 2016. Báo chí Việt Nam đưa tin hãng Formosa nói đã “khắc phục” 51 lỗi vi phạm các quy định về môi trường.<!>
Tin tức dẫn lời ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cho hay hôm 29/12 một đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với công ty gang thép của Formosa đặt ở tỉnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo công ty đã báo cáo với đoàn rằng họ đã khắc phục được 51 lỗi vi phạm, hoàn thành khoảng 96% tiến độ thực hiện cam kết với nhà chức trách.
Hồi tháng 4, đã xảy ra thảm họa ô nhiễm ven biển 4 tỉnh miền Trung làm cá chết hàng loạt. Hai tháng sau, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa. Ban lãnh đạo công ty đã xin lỗi người dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Sau thảm họa, nhà chức trách đã tiến hành điều tra, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định Formosa có 53 lỗi vi phạm.
Trong số 51 lỗi Formosa nói họ đã khắc phục có việc xử lý, khắc phục các vi phạm về khí thải, nước thải, xây trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, xây lắp bồn lọc nước, hồ nuôi cá tạm thời, bố trí tổng cộng 16 khu vực lưu trữ chất thải nguy hại. Formosa nói họ cũng phân loại triệt để và thu gom chất thải nguy hại phát sinh đưa vào kho lưu giữ, chất thải thông thường được chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.
Hai lỗi còn lại vẫn đang được Formosa gấp rút khắc phục là lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho toàn nhà máy và chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với VOA về việc xử lý các sai phạm của Formosa:
“Cái mức độ bồi thường của họ theo tôi là thấp rất nhiều so với mức độ tai họa của thảm họa đó xảy ra đối với Việt Nam. Cho đến nay mới quy tội được Formosa, chứ còn về phía Việt Nam chưa quy tội được cho bất cứ cơ quan nào hoặc cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc buông lỏng giám sát, không thực hiện trách nhiệm của mình và để cho vấn nạn môi trường đó xảy ra. Tôi nghĩ rằng đấy là điều rất cần phải quan tâm. Bởi vì những sự cố môi trường trong tương lai có thể xảy ra tiếp, và nó đòi hỏi phải làm rất rõ trách nhiệm giải trình của từng đơn vị, từng cá nhân trong công việc."
Tin cho hay, trong khuôn khổ cuộc làm việc hôm 29/12, đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đo đạc và lấy mẫu phân tích các nguồn chất thải xung quanh khu vực hoạt động của Formosa. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước biển bề mặt, tầng giữa và tầng đáy từ đầu tháng 8 đến nay cho thấy, chất lượng nước biển đều nằm trong ngưỡng an toàn.
Lâu nay, nhiều người cho rằng các mẫu ở vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa cần được xét nghiệm ở các phòng thí nghiệm quốc tế để đảm bảo tính đáng tin cậy và sự khách quan.
Sau thảm họa Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số lãnh đạo cấp bộ Việt Nam nói sẽ không chấp nhận các dự án gây tác hại cho môi trường, đồng thời sẽ tăng cường giám sát môi trường.
Tuy nhiên, các nhà quan sát chỉ ra rằng trên thực tế nhà chức trách Việt Nam dường như không làm như vậy, thể hiện qua việc Bộ Công thương vẫn đưa dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận và quy hoạch mới của ngành thép. Dự án này cách đây vài tháng đã gặp nhiều chỉ trích trên báo chí Việt Nam cũng như trên mạng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét