Trước năm 1975, nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng viết một bài tân nhạc “Ai lên xe buýt” do ban nhạc AVT gồm Lữ Liên, Vân Sơn và Tuấn Đăng trình diễn với lối hát, hò và nói vui về xe cộ Sài Gòn. Nghe vui nhất là câu: “Lắm cậu cù lần, lên xe, lắm cậu cù lần / Hai tay bám cả mà để lên trần mà đu…”.
<!>
Lời hát này làm tôi nhớ ngày xưa đi xe buýt, tôi cũng thật cù lần. Có bao giờ tôi ngồi xuống ghế mà thích đứng ôm thanh vịn ngay cửa để dễ xuống xe. Xe buýt ngày trước chạy ẩu lắm hay vượt trước xe lam dành khách. Có khi xe thắng gấp làm hành khách ngã nhào, người này va vào người kia. “Xe cộ chán lắm em ơi / Ai lên xe buýt í a cho tôi theo cùng…”.
Năm 1949 hệ thống xe điện do tư nhân khai thác không hiệu quả, hành khách ít ỏi thất thu tiền vé do hệ thống đi lại chỉ có 4 tuyến đường (Cột cờ Thủ Ngữ – Chợ Lớn, Sài Gòn – Phú Nhuận, Sài Gòn – Hóc Môn và Sài Gòn – Lái Thiêu). Hành khách đi xe điện phải đến trạm dừng mới được xuống. Do vậy mới có chuyện xe chưa đến trạm dừng đã có người vội nhảy ra cửa té dập đầu xuống đường. Trong khi đó nhu cầu đi lại của người dân trên các tuyến đường rất đa dạng, hành khách thích điểm dừng tự do, không phải cuốc bộ khi xe phải dừng đúng trạm. Xe xích lô đạp, xích lô máy đáp ứng được chuyện này và xuất hiện ngày càng nhiều. Xe điện vừa chạy chậm lại đối mặt với sự cạnh tranh các phương tiện khác nên vắng khách. Xe điện một thời của Sài Thành hoa lệ đành dẹp tiệm.
Cảnh hỗn loạn xe cộ và khách bộ hành ở bùng binh trước Chợ Sài Gòn – Nguồn: AnhxuaSG
Theo các tài liệu giao thông công chánh Sài Gòn, đến năm 1955, xe buýt mới được đưa vào khai thác làm phương tiện công cộng chuyên chở hành khách do Công quản xe buýt đô thành trực thuộc Bộ Công chánh và Giao thông điều hành. Khách lên xe trả tiền vé và muốn xuống điểm nào ngoài bến trạm chỉ cần la lên cho phụ lơ xe biết để báo tài xế dừng. Tính đến thời điểm năm 1961 có đến 224 xe buýt các loại (lớn 50 chỗ và loại nhỡ 15- 20 chỗ), qua năm 1962 Công quản xe buýt mua thêm 105 xe chạy bằng xăng. Tuy nhiên sau thời điểm này xe lam, xe taxi bắt đầu xuất hiện cạnh tranh cùng xe buýt. Với chi phí điều hành cao và tuyến đường không nhiều (12 tuyến) cuối cùng Công quản xe buýt bắt đầu thua lỗ.
Từ thời điểm 1966, sau khi Bộ Kinh tế cho phép thí điểm tư hữu hoá xe lam, xe taxi, lượng xe chuyên chở công cộng này cùng với các phương tiện xe xích lô đạp, xích lô máy phát triển càng mạnh lấn áp hệ thống xe buýt mặc dầu lượt hành khách đi xe buýt đạt đến con số gần 69 triệu vé/năm. Ðến năm 1968 toàn Sài Gòn có khoảng trên 3,000 xe lam, 6,000 xích lô đạp, 2,400 xích lô máy và 7,400 taxi. Số lượng xe công cộng do tư nhân hoạt động chiếm lĩnh đến 40% nhu cầu đi lại của hành khách trong nội đô và ngoại ô Sài Gòn. Công quản xe buýt hoạt động tiếp tục thua lỗ, cũng trong năm này theo lệnh ký của Thủ tướng Trần Văn Hương nhường lại cho công ty tư nhân khai thác. Nhưng cũng không cầm cự được bao lâu đến năm 1971 xe buýt Sài Gòn phải ngưng hoạt động.
Bến xe buýt trung tâm nằm bên hông công trường Diên Hồng (Quách Thị Trang) – Nguồn: AnhxuaVN
Tuy nói là xe buýt ngưng hoạt động. Nhưng tôi nghĩ chỉ là vài ba tuyến đường vận chuyển không hiệu quả về doanh thu. Những tuyến đường khác còn hoạt động do số lượt khách đi xe còn nhiều. Nhớ đầu năm 1973, tôi lén nhà cùng mấy người bạn lớn tuổi hơn trong xóm đi chợ Tết Sài Gòn chơi, sẵn chúng tôi leo lên hai cầu vượt đứng ngắm nhìn xe cộ đông vui trước khi nó bị tháo dỡ. Cầu được dựng vào đầu năm 70, làm bằng sắt bắc ngang từ bên hông chợ Sài Gòn đến tiểu đảo bùng binh Quách Thị Trang. Còn cây cầu thứ hai từ trạm xe buýt bắc ngang qua bùng binh.
Chuyến lén nhà đi chơi thật thuận tiện vì nhà tôi gần ngã ba Tô Hiến Thành – Lê Văn Duyệt, trước tiệm mì Tàu có trạm xe buýt đi một lèo đến bến xe chính của trung tâm thành phố nằm gần ngay cầu vượt đi bộ. Ðứng trên cầu sắt nhìn xuống vòng xoay bùng binh, xe cộ nườm nượp. Việc dựng hai cây cầu cho khách bộ hành băng ngang để đón xe buýt đi Chợ Lớn hay đến nhà ga xe lửa Sài Gòn rất tiện lợi cho hiện trạng giao thông dành cho người đi bộ ở vòng xoay. Thế nhưng dân Sài Gòn lại không thích đi bộ ngang qua cái cầu vượt xấu xí này và hình ảnh cây cầu sắt án ngang tầm nhìn khu trung tâm chợ Bến Thành nên chính quyền Sài Gòn cho tháo dỡ trả lại cảnh quan đô thị như ngày trước. Tôi nhớ thời gian ấy, đúng là khách bộ hành rất ít người qua lại trên cầu. Một công trình giải quyết an toàn giao thông lại chết yểu sớm như vậy. Người Sài Gòn gọi tên hai cây cầu vượt này là cầu Thị Kiều, cách nói láy tên của hai vị tổng thống và phó tổng thống lúc đó.
Xe buýt nhỡ của hãng Isobloc hồi năm 1954 trên một con phố Sài Gòn – Nguồn: AnhxuaVN
Trạm xe buýt lớn bên kia cầu vượt là trạm xe buýt trung tâm, nơi đây xe toả đi các tuyến khắp Sài Gòn – Chợ Lớn. Thời gian đầu thập niên 70 còn nhiều loại xe buýt đầu tròn, loại xe buýt nhỡ không còn sử dụng nữa. Tôi nhớ tuyến đường xe buýt Bà Quẹo – Sài Gòn ngang qua khu Hoà Hưng sử dụng xe buýt đầu vuông, xe hiện đại hơn nhưng không có máy lạnh nên đi xe buýt đông người không khí bên trong thật ngột ngạt. Hầu hết hành khách là dân lao động bình dân, học sinh, công nhân đi làm hoặc người buôn thúng bán bưng. Xe buýt văn minh hơn xe lam, không chở hàng hoá cồng kềnh nhưng lần đi xe buýt ra Sài Gòn chơi tôi vẫn thấy mấy bà buôn gánh bán bưng để thúng mủng xếp đầy ở phía sau.
Ði xe buýt ngoài người bán vé, còn có anh lơ xe đứng đu ngay cửa giống như đi xe đò. Hễ xe gần đến trạm là anh ta kêu lớn lên để hành khách biết chuẩn bị xuống xe mà đi dần ra cửa. Có lần tôi đi xuống Ông Tạ hốt thuốc cho má tôi, đứng bám tay trên thanh ngang trần xe buýt, mãi thả hồn nhìn cửa hàng bên phố bán buôn lồng đèn, cây thông, hang đá cho mùa Noel, đến khi nghe anh lơ la lên “Ngã Tư Bảy Hiền bà con ơi” thì tôi chỉ còn nước xuống xe lội bộ ngược về Ngã Ba Ông Tạ. Hai ngã cách nhau có một con số mà báo hại tôi phải đếm mấy ngàn bước chân.
Xe buýt Sài Gòn ngày nay – Ảnh: Độc Lập
Sau 1975, xe buýt Sài Gòn ngừng hoạt động hẳn do khan hiếm xăng dầu và thiếu phụ tùng sửa chữa. Xe lam phương tiện chính trong thành phố ngày trước cũng dừng hoạt động. Xe đạp “lên ngôi” trở lại, rồi vài ba năm sau mới xuất hiện trở lại xe lam, rồi xe buýt được phục hồi. Xe cũ không được bảo trì tốt, chạy phun đầy khói đen trên đường. Giá vé xe rẻ, hành khách đông, chen lên được chuyến xe cũng đổ mồ hôi hột. Trong xe người ngồi người đứng đông nghẹt tạo cơ hội cho bọn móc túi, rạch giỏ làm ăn. Ðâu phải người đi xe buýt sau này mới phải chịu cảnh lên xe còn chút nụ cười, xuống xe mặt mày méo xẹo vì cái bóp trong túi “bốc hơi” hồi nào. Ban AVT hát vui thế này “Chen nhau – hự – chen nhau ai ơi / Kẻ đứng thời kẻ đứng, người ngồi / Kẻ leo, người bám mà để đông vui như rừng / Ớ anh – hứ – ớ anh ai ơi mất cắp thời mất cắp là thường…”.
Nhớ hồi cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Tôi đi dạy học tận một trường ở vùng biển Cần Giờ, thời khoá biểu trống tiết vào mấy ngày cuối tuần mới về thăm nhà. Tàu vừa cập bến Bạch Ðằng là tôi nhảy phóc lên cầu cảng nhanh chân chạy ra bến xe buýt đầu đường Hàm Nghi. Trên xe dễ bị móc túi nên tôi bỏ thói quen đứng ôm cột, kiếm chỗ ngồi ngó ra cửa sổ nhìn cuộc sống đường phố cho đời thêm vui. Mặc dầu bên trong xe buýt nào cũng đều có ghi tấm bảng cảnh báo “Coi chừng móc túi giật đồ” nhưng tôi lại nghĩ móc túi thì có chứ ngồi trong xe buýt làm sao bị giật đồ. Xe vừa mới chuyển bánh, cái kết (nón) tôi đội trên đầu bay thoát như gặp cuồng phong, còn ở đầu cửa xe một bà mua bịch trà đá, chưa kịp lấy tay vào thì bị giật phăng chiếc lắc. Xe lăn bánh một đoạn còn nghe tiếng la “giật đồ”. May thay bọn giật đồ còn chút lương tâm chạy theo ném trả chiếc lắc lại còn với theo lời trách móc: “Ðã nghèo mà còn se sua đồ giả”.
Bây giờ xe buýt văn minh tiến bộ hơn nhiều, lượng xe tăng cường toàn xe đời mới có máy lạnh hẳn hoi. Dân Sài Gòn tuy ai cũng sử dụng xe gắn máy nhưng còn có rất nhiều người thích đi xe buýt, thậm chí có nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh giá rẻ hơn xe khách bình thường. Có lần bà xã tôi về Sài Gòn chơi, không biết đi xe gắn máy đành đón xe buýt ra chợ Bến Thành, ghế ngồi thoải mái mát mẻ, giá vé rẻ rề. Ði một vòng chợ ăn uống thoải mái mà chưa hết tiền bằng một cuốc taxi.
TN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét