Gia đình tôi với gia đình “hắn” là chỗ thân tình. Cách đây khoảng chục năm, nhân dịp tôi đến khám mắt tại bệnh viện hắn làm việc. Hắn say sưa khoe với tôi về nguồn thu nhập hậu hĩnh kiếm thêm từ việc khám và giải phẫu mắt ngoài giờ của mình. <!>
Bất ngờ, tôi đặt ra một câu hỏi, chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện hắn say sưa: “ Có bao giờ ông dành thời gian ngắm trăng với vợ, con không? Đến lượt tôi bất ngờ vì câu trả lời của hắn: “ Trăng là gì?”.
Về nghề nghiệp hắn là bậc cao thủ trong làng chuyên khoa mắt của Sài Gòn. Bệnh nhân của hắn thuộc loại “thứ dữ”. Hắn có nhiều mối quan hệ xã hội “có số, có má”. Do vậy đồng nghiệp và ban giám đốc bệnh viện, nơi hắn làm việc, nể hắn một phép. Tên tuổi của hắn đã giúp bệnh viện ăn nên làm ra, chuyên khoa mắt lúc nào cũng chật cứng người chờ đợi. Ai muốn được hắn trực tiếp khám và mổ, phải lấy hẹn trước, rất lâu. Số tiền chi ra cho những lần khám hoặc mổ đó, so với mặt bằng, giá ở các bệnh viện khác, cao hơn rất nhiều. Thế nhưng lịch khám của hắn lúc nào cũng dày đặc. Người ta nói với nhau, “ Được bác sĩ (hắn) đụng tay vào thì dù mắt đang không thấy đường cũng sáng lại.”.
Hồi còn đi học phổ thông, tôi với hắn ở chung một quận, quận nhì. Tôi với hắn bằng tuổi nhau, nhưng hắn sanh sau tôi tám tháng, vì vậy sau này khi hắn lập gia đình và có con, hắn dạy tụi nhỏ gọi tôi bằng bác, bác gái. Nhưng trong giao tiếp hắn gọi tôi bằng “bà”, tôi gọi hắn bằng “ông” và chúng tôi xưng “tui” với nhau.
Tôi quen hắn và vợ hắn lúc chúng tôi cùng sinh hoạt trong ban liên lạc học sinh cùng lớp, hắn làm trưởng ban, tôi làm phó ban, vợ hắn (lúc bấy giờ nó chưa quen) là một trong những thành viên. Sáng thứ bảy nào ban liên lạc của chúng tôi cũng gặp nhau tại một nhà hàng cà phê trên đường Điện Biên Phủ, quận ba. Chủ nhà hàng này cũng là thành viên trong ban liên lạc, nhờ vậy chúng tôi ăn uống ít khi phải trả tiền, nếu trả cũng chỉ là tượng trưng.
Cô gái (mà sau này là vợ hắn) đẹp một cách mong manh, vì vậy chúng tôi đặt tên là “cô gái mong manh”. Cô là con gái duy nhất của một gia đình công chức thường thường bậc trung, nhà ở quận nhất. Cô gái hay đi họp ban liên lạc bằng cách ngồi trên chiếc xích lô đạp cho người ta chở, thân mình lúc nào cũng diện bộ áo dài lụa màu nhạt, lung linh như mây khói (cho tăng thêm phần mong manh?). Gái Sài Gòn chúng tôi có thói quen đi lại trên chiếc xích lô (năm năm sau ngày giải phóng vẫn giữ thói quen này). Khi ngồi trên xe chúng tôi chú ý giữ cho người thẳng bằng cách lưng không tựa vào thành ghế, tóc buông xõa và tay không giữ tà áo, cố ý để gió luồn vào thổi tung bay. Hình ảnh ấy góp phần làm phố xá mỹ miều. Tại sao gái Sài Gòn không đi bộ hoặc đạp xe đi học như quý cô nương khác trên cả nước? Có lẽ do diện tích Sài Gòn rộng, đi bộ không tới, đi xe đạp ngại mỏi chân. Nhưng còn một lý do tế nhị khác mà chỉ có gái Sài Gòn mới hiểu, ngồi xe xích lô cho người ta chở mới là tiểu thư chính hiệu!
Hắn là con của ông bà chủ hãng xuất nhập khẩu. Nhà hắn có ba anh em trai, cả ba học cùng trường với chúng tôi, chỉ có lớp là khác. Khi đi học, ba anh em hắn có tài xế đưa đón, học xong là về nhà, không la cà phố xá. Những lần hắn tổ chức sinh nhật mời ban liên lạc tới nhà, tôi thấy gia đình hắn, nhất là bà má, nề nếp qui củ lắm. Trong lớp, chúng tôi bầu hắn làm lớp trưởng vì hắn uy tín, học giỏi và tác phong nghiêm túc. Trong sinh hoạt tập thể hắn luôn là ngọn cờ dẫn dắt chúng tôi. Về ngoại hình thì khỏi chê, chúng tôi hay gọi hắn là “Alain Delon” (tài tử lừng danh của Pháp thời1950-1980) nhưng nếu muốn hắn nổi sung thì thêm chữ “beng” (A len đờ lông beng) đằng sau nữa. Nhiều tiểu thư nhà giàu đạt danh hiệu hoa khôi trường này trường khác mết hắn lắm, nhưng hắn chẳng thèm để ý đến cô nào.
Tới giờ tôi cũng không sao nhớ ra, bằng cách nào cô gái mong manh “lọt” được vào ban liên lạc của lớp, nơi quy tụ những người “xuất chúng”. Về sắc diện, hình thức, học lực, tài vặt, thành phần xã hội, so với những tiểu thư trong trường, cô thuộc loại trung bình. Về công việc tập thể, ban liên lạc giao cô phụ trách, cô thực hiện lúc được, lúc không. Nói chung, ngoài cái khoản mong manh làm người ta động lòng, còn thì cô chẳng tạo được một dấu ấn gì cho ban liên lạc ghi nhớ sự hiện diện của cô.
Thế mà đùng một cái chúng tôi thấy cô gái không đi họp bằng xe xích lô nữa mà ngồi trên chiếc xe Vespa Sprint màu xanh da trời, loại 150 phân khối do hắn chở. Thời đó, chỉ có công tử nhà giàu mới sắm nổi chiếc xe hách xì xằng như vậy. Chẳng bao lâu sau ban liên lạc nhận được thiệp hồng. Ngày hai người cưới nhau tôi thấy hạnh phúc đầy tràn trong mắt tân lang và giai nhân. Khách tới dự tiệc cưới chúc vợ chồng hắn trăm năm hạnh phúc; tôi nghĩ, phải chúc ngàn năm hạnh phúc mới xứng. Thế mà, chỉ hơn hai mươi năm sau đó, vợ chồng hắn rẽ thúy chia uyên.
Lần gặp khoảng chục năm trước, mặc cho bệnh nhân chờ, hắn luôn miệng kể lể với tôi, đã có với cô gái mong manh hai mặt con, một trai một gái, cả hai theo nghề của cha, học chuyên khoa mắt bên Mỹ. Hắn nói, “ Tụi nhỏ đứa nào cũng đẹp, học giỏi, thông minh, tụi Tây mết lắm, giống tui ngày xưa vậy.”; nói xong hắn cười sang sảng. Tôi hỏi: “ Cuộc sống của ông bây giờ thế nào?”. Chỉ chờ có vậy, hắn huyên thuyên: “ Sáng trước khi tới bệnh viện ( nhà nước), tui mổ hai ca, nếu mổ một con mắt thì hai mươi triệu, nếu mổ hai con mắt thì bốn mươi triệu, sau đó mới đi làm; trưa, tui tranh thủ làm một hoặc hai ca nữa; chiều, khám bệnh ngoài giờ ở dưỡng đường do tui làm chủ, đến tối mịt mới về nhà.”.
Còn bà xã thì sao? Tôi hỏi tiếp, hắn trả lời: “ Tui xây cho bà ba cái dưỡng đường, mổ xong, tui chuyển cho bả chăm sóc. Chưa kể tiền thuốc, khám sau mổ, chỉ tiền phòng không thôi bà cũng thu được năm triệu một người/ngày. Bả bây giờ trẻ, đẹp hơn xưa. Đó là nhờ tui cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Mỗi ngày bà chỉ có việc ngồi trên chiếc xe đời mới nhất (xe cũ tui thay liền) cho tài xế lái đi từ dưỡng đường này qua dưỡng đường khác, xem sổ sách, thu tiền, là hết việc. Chung quanh bả lúc nào cũng có hàng chục người hầu hạ, sung sướng như bà hoàng.”.
Đúng đoạn hào hứng này tôi hỏi hắn “chuyện ngắm trăng”. Và tôi nhận được câu hỏi lại của hắn “ Trăng là gì?”, kèm theo một nụ cười ngạo nghễ.
……
Hôm rồi cửa sổ tâm hồn của tôi lại trở chứng, nhìn xa bị mờ, nhìn gần mờ hơn nhìn xa. Thấy vậy, bạn bè người khuyên đi mổ, người can ngăn. Tôi chợt nhớ đến hắn, liền đến gặp, tôi cần ở hắn một lời khuyên.
Lần gặp lại này, nếu hắn không chủ động chào tôi trước, tôi sẽ không nhận ra. Trước mắt tôi là ông bác sĩ già khọm, tóc bạc trắng, mặt buồn rười rượi, nước da tối sạm. Đâu mất rồi một ông bạn có gương mặt phơi phới, hình thức lịch lãm và nụ cười ngạo nghễ? Thấy vậy tôi quên mất mục đích đến là để khám mắt, vội hỏi,“ Làm ăn thất bát hả?”. Hắn im lặng rất lâu rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì đến câu tôi hỏi:“ Cô gái mong manh đã bỏ tôi đi lấy chồng khác rồi! Bỏ vội vã đến nỗi không thèm chia gia tài bà ạ.”. Tôi giật mình: “ Bỏ luôn ba cái dưỡng đường to đùng sao?”. Hắn nghẹn ngào: “ Ừ, bỏ luôn, thế mới điên!”.
Tôi nhẹ nhàng ngồi bên cạnh, cầm tay hắn, im lặng. Hắn bắt đầu chia sẻ: “ Bà có nhớ cái thằng cù lần trong lớp mình không? Cái thằng hâm hâm đi học bằng chiếc Mô bi lết (Mobylette) cà tàng, con của ông già sửa xe đầu đường gần trường tụi mình học đó.”. Hắn nói tiếp, mắt hắn như có nước:“ Thằng đó coi vậy mà học giỏi, tụi mình không nhằm gì với nó đâu, bây giờ nó làm giáo sư của một số trường Đại học. Nghe nói, tình duyên nó trục trặc sao đó (không chừng hồi nhỏ nó thương thầm vợ tui à nghen) nó ở vậy luôn cho đến giờ. Hôm rồi làm thủ tục ly dị với tui xong, bả kết hôn với nó liền. Thằng đó nghèo rớt mồng tơi, lương thầy giáo nuôi bả gì nổi. Hiện nay bả phải nhận may quần áo thêm cho khách, hai người mới đủ sống. Vậy mà gặp lại tui, mặt bả tươi rói, chưa bao giờ ở với tui mà mặt bả tươi rói như vậy.”. Rồi hắn nói, như nói với chính mình: “ Đàn bà nhiều người kỳ cục lắm, chồng cung phụng cho đủ thứ, nuông chìu hết mực mà vẫn đành lòng bỏ đi lấy người không bằng một góc của chồng mình. Thật không thể hiểu nổi!”.
Chờ hắn vơi bớt nỗi ấm ức tôi hỏi thăm hai đứa nhỏ. Tôi nghe từ hắn một giọng thiểu não hơn:“ Tưởng hai đứa nối nghiệp cha, ngờ đâu, từ lâu tụi nó đã chuyển qua học nghề khác, đứa học thiết kế thời trang, đứa học phóng viên báo chí. Đã thế tui gọi về để giao tài sản mà chẳng đứa nào chịu về. Tụi nó nói “ Ba mê tài sản hơn má và chúng con thì ba cứ giữ lấy.”. Tôi động lòng thương cảm, hỏi: “ Bây giờ ông sống như thế nào?”. Hắn nói, “ Tui ở luôn trong bệnh viện, về nhà ở một mình, buồn lắm.”. Không thể không hỏi thêm: “ Thế căn nhà lớn ở quận nhất và ba cái dưỡng đường ai ở, ai trông coi?”. Hắn nói, giọng nhẹ như gió thoảng: “ Lâu lắm rồi tui chẳng ghé về nhà, còn ba cái dưỡng đường đang treo bảng bán hoặc cho thuê.”. Thói quen nghề nghiệp, tôi đánh giá: “ Ba cái dưỡng đường đó, bán cũng bộn tiền ông ạ.”. Hắn ngẩng lên nhìn tôi, mắt hắn sâu thăm thẳm: “ Của đó vô thường lắm, không có thật đâu bà.”.
Giá mà, mười năm trước hắn nhận ra sự vô thường đó thì đoạn kết của đời hắn đâu đến nỗi buồn như bây giờ?
Tự nhiên tôi nhớ gương mặt phơi phới với nụ cười ngạo nghễ khi hắn hỏi ngược lại tôi “ Trăng là gì?”.
Trăng là gì ư? Trăng là ly nước mát của vợ trao tận tay mà hắn quên uống. Trăng là cái bình hoa vợ chăm chút cắm mong chồng để mắt tới, thế mà hắn đành lòng không màng. Trăng là tiếng cười reo của hai đứa con đón hắn sau những giờ làm việc nhưng vì mệt, hắn đã cằn nhằn, quạu quọ. Trăng là những bữa cơm nóng mà khi hắn về thì đã nguội lạnh, rồi cả nhà nhịn ăn theo hắn.
Trăng còn là cái nắm tay âu yếm mà từ rất lâu hắn quên trao cho vợ. Trăng còn là những đêm vì sợ con lạnh, hắn rón rén bước qua phòng kéo mền đắp cho con mà sau này vì mệt mỏi, ngủ vùi, hắn quên. Trăng còn là tất cả những mây và gió, những hương và hoa trong cuộc sống mà do tâm không an, thân không lạc cho nên hắn không thể cảm nhận được.
Trăng là gì nữa? Là người vợ đã bỏ chồng giàu đi lấy chồng nghèo; là những đứa con thà kiếm tiền từ sức lao động và trí tuệ của mình chớ không nhận tài sản của người cha để lại. Trăng còn là kết cục của đời hắn, bỏ mặc căn nhà lớn ở quận nhất và đóng cửa ba cái dưỡng đường to đùng vào ở trong bệnh viện, vì ở một mình buồn lắm.
Những người chồng bận rộn ơi, nhớ dành thời gian ngắm trăng với vợ và con, đừng để trăng lặn mất, rồi tiếc như hắn, bạn của tôi.
Kenneth Ng
Tôi yêu bác nông phu,
đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét