Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 30/11 - Lê Minh Nguyên


Đài Loan muốn biến Ba Bình thành "trung tâm cứu hộ nhân đạo" --- Trường Sa: Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập gần Ba Bình<!>
Với cuộc thao dượt quân sự lớn nhất từ trước đến nay của lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc tại đảo Ba Bình, bắt đầu từ ngày 28/11/2016, Đài Loan củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, đặc biệt với việc biến Ba Bình thành một « trung tâm cứu hộ nhân đạo » trong khu vực.

Cho tới nay, chính quyền Đài Bắc vẫn sử dụng các tài liệu lịch sử của Trung Quốc để tự tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và đặc biệt trên đảo Ba Bình mà họ đang chiếm giữ hoàn toàn.
Ba Bình, mà Đài Loan gọi là Thái Bình, là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa và là đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa. Nằm cách đảo Đài Loan khoảng 1.600 km và có diện tích gần 0,5 km2, đây vẫn là đảo tranh chấp giữa Đài Loan với Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Đảo Ba Bình cũng như các đảo khác của quần đảo Trường Sa đã được chính quyền thuộc địa Pháp sáp nhập vào địa phận tỉnh Bà Rịa từ đầu thập niên 1930. Nhưng trong thời gian Đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật hoàng đã chiếm đảo này làm căn cứ tàu ngầm. Nhưng Nhật Bản sau đó đã ký Hiệp ước San Francisco chấp nhận từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) vào năm 1951.
Vào cuối năm 1946, sau Đệ nhị thế chiến, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã cho tàu chiến Thái Bình đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Sau đó, do bị thua trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950. Quân đội Đài Loan thực sự tái chiếm đảo Ba Bình vào lúc nào thì vẫn chưa rõ ràng, bởi có rất nhiều thông tin khác nhau về thời điểm Đài Loan điều tàu đến đảo Ba Bình vào năm 1956 và có nguồn tài liệu cho rằng từ năm 1971 thì Đài Loan mới thực sự đồn trú lâu dài trên đảo. Ngày nay, trên đảo Ba Bình có nhiều công sự phòng thủ kiên cố và một đường băng cho phép máy bay vận tải C-130 Hercules lên xuống.
Đài Bắc đã đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động xác quyết chủ quyền của họ kể từ sau phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra vào tháng 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Phán quyết này cho rằng Ba Bình chỉ là một đá, chứ không được xem là một đảo, tức là không thể có vùng đặc quyền kinh tế bao quanh.

Cuộc diễn tập của Đài Loan lần này mang tên « Nam Viện số 1 » huy động đến 8 chiến hạm và 3 phi cơ, không chỉ lớn nhất về quy mô mà còn có tính chất đặc biệt ở chổ nó nhằm nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của tuần duyên Đài Loan đó là tìm kiếm cứu hộ trên biển.
Trong cuộc họp báo hôm nay, 30/11/2016, lãnh đạo lực lượng tuần duyên Đài Loan Lý Trung Uy khẳng định rằng cuộc thao diễn đã chứng tỏ khả năng của các cơ quan phối hợp một cách hiệu quả khi đối phó với những tình huống khẩn cấp. Ngoài tuần duyên và hải quân, cuộc diễn tập « Nam Viện số 1 » còn quy tụ cả bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, Giao thông và Trung tâm chỉ huy cứu hộ quốc gia. Chính quyền Đài Bắc cũng đã mời một đoàn phóng viên Đài Loan và ngoại quốc đến quan sát cuộc thao dượt. Ông Lý Trung Uy cho biết thêm là tuần duyên Đài Loan sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc diễn tập tương tự trong khu vực.

Như lời phát ngôn viên ở Đài Bắc hôm qua, tổng thống Thái Anh Văn tháng 7 đã thông báo kế hoạch phát triển Ba Bình thành một « trung tâm cứu hộ nhân đạo » trong khu vực. Hiện giờ trên đảo Ba Bình hiện có một bệnh viện nhỏ và nơi trú ẩn cho các thủy thủ, ngư dân từ bất cứ quốc gia nào đến lánh nạn, chẳng hạn như khi gặp bão trên biển.

Đài Bắc muốn nhắc nhở những nước tranh chấp khác rằng họ có chủ quyền trên đảo Ba Bình, nhưng cũng muốn chứng tỏ rằng là họ chủ trương giải quyết tranh chấp qua hợp tác hòa bình hơn là dùng phương tiện quân sự. Chủ trương này đối lại với những hành động của Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông, gây căng thẳng không chỉ với các nước trong khu vực mà cả với Hoa Kỳ.
Cựu tổng thống Mã Anh Cửu vào năm 2015 đã từng đề ra « sáng kiến hòa bình » Biển Đông, đề nghị là toàn bộ các bên nên tạm gác tranh chấp để cùng phát triển các nguồn lợi của vùng biển này.

Khác với Trung Quốc, Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức nào với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines….. Tuy nhiên, những hoạt động của Đài Bắc ở Ba Bình vẫn bị các nước kia phản đối, nhất là Việt Nam. Hôm qua, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, Hà Nội đã phản đối cuộc diễn tập « trái phép » ở Ba Bình.
Thế nhưng, ngoài Việt Nam, buộc phải phản đối và nhấn mạnh tính chất « trái phép » của cuộc diễn tập tại một đảo mà Hà Nội vẫn khẳng định chủ quyền, các nước khác không phản ứng mạnh. Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa lên tiếng phản đối, có lẻ vì Bắc Kinh vẫn chủ trương rằng Đài Loan trước sau gì cũng sẽ thống nhất với Trung Hoa lục địa, hiện giờ thì cứ để họ quản lý dùm đảo Ba Bình. Hoa Kỳ, đồng minh « không chính thức » của Đài Loan cũng ngầm đồng tình với cuộc thao dượt ở Ba Bình.

Theo chính quyền Đài Bắc, ngoài cuộc diễn tập của tuần dương và hải quân, tổng thống Thái Anh Văn còn đã đề ra bốn hành động khác để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Đài Loan trên đảo Ba Bình : gia tăng tuần tra để bảo vệ quyền và bảo đảm an toàn cho ngư dân Đài Loan đánh bắt cá trong khu vực, đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời các học giả quốc tế đến nghiên cứu khoa học trên đảo Ba Bình, khuyến khích thêm các tài năng trong nước học hỏi về luật biển để nâng cao khả năng của Đài Loan đáp ứng những vấn đề pháp lý quốc tế liên quan để chủ quyền Biển Đông.

Tóm lại, vì là bên tranh chấp yếu thế nhất, Đài Loan dùng một kiểu « quyền lực mềm » để củng cố đòi hỏi chủ quyền, nhưng lại cố tránh gây thêm căng thẳng, hiềm khích với các bên tranh chấp khác. - RFI***
Đúng một hôm sau khi Đài Loan tổ chức cuộc diễn tập cứu hộ tại khu vực đảo Itu Aba (Ba Bình theo tên gọi Việt Nam, Thái Bình theo cách gọi Đài Loan), thực thể do Đài Loan chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa, vào hôm qua, 29/11/2016, Việt Nam đã lên tiếng phản đối, xác định trở lại chủ quyền của Việt Nam trên thực thể này.

Trả lời báo chí liên quan đến cuộc diễn tập cứu hộ trên biển, mang tên gọi là Nam Viện 1 mà chính quyền Đài Loan tiến hành tại khu vực Ba Bình, vùng Trường Sa, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng « kiên quyết phản đối », cho rằng hành động của Đài Loan đã : « xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông ».
Như thông lệ, ông Lê Hải Bình nhắc lại quan điểm của Hà Nội theo đó , « Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền » trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và yêu cầu Đài Bắc "không để tái diễn các hành động tương tự."

Theo giới quan sát, trong lúc Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng và cứng rắn trước động thái của Đài Loan, Trung Quốc ngược lại hầu như không phản đối, mà chỉ nhắc lại rằng vùng Trường Sa mà Bắc Kinh gọi là Nam Sa, là « lãnh thổ không thể tách rời khỏi Trung Quốc ».

Điểm cần ghi nhận là cuộc diễn tập ở khu vực đảo Ba Bình có nội dung hoàn toàn nhân đạo, nhưng huy động một lực lượng hùng hậu gồm 3 máy bay không quân và 8 tầu hải quân và tuần duyên, đặc biệt là chiếc Cao Hùng (Kaohsiung) của Cảnh Sát Biển, trọng tải 3.000 tấn, và chiếc Bàn Thạch (Panshi) của Hải Quân, có cơ sở y tế tương đương với một bệnh viện dã chiến.
Mục tiêu của Đài Loan được cho là nhằm tái khẳng định các yêu sách chủ quyền của Đài Bắc đối với Biển Đông, những đòi hỏi cũng rộng khắp tương tự như Trung Quốc.

Mặt khác, theo như nhận định của chuyên gia Ian Storey tại viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, chính quyền Đài Bắc rất bực tức trước việc Đài Loan bị xem thường trong vấn đề Biển Đông cho nên đã muốn cho thấy rằng họ cũng là một tác nhân không thể bị gạt qua một bên trong hồ sơ này. - RFI

2.
Chính sách Mỹ- Cuba sau thời đại Fidel Castro ---  Tro cốt Fidel Castro được đưa về Santiago

Hai năm sau khi Tổng thống Barack Obama mở lại quan hệ ngoại giao với Cuba, lại có thêm một biến cố có thể thay đổi đáng kể mối quan hệ song phương, đó là cái chết của cựu Chủ tịch Fidel Castro, xảy ra vào lúc chỉ còn vài tuần nữa là ông Donald Trump lên nhậm chức tổng thống Mỹ với Quốc hội mới do Ðảng Cộng hòa kiểm soát.  Từ trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, thông tín viên Katherine Gypson của VOA tường trình về khả năng chính sách với Cuba có thể thay đổi.
Tại Miami, nơi lập cư của cộng đồng người  Cuba đông đảo nhất  nhất nước Mỹ, cái chết của ông Fidel Castro gây xúc cảm mạnh trước bối cảnh mối quan hệ đầy uẩn khúc giữa Hoa Kỳ và Cuba.

Những xúc cảm đó sẽ phai nhạt dần…

các nhà lập pháp ở Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, đã bắt đầu nêu lên nghi vấn liệu cái chết của ông Castro có mang lại một thay đổi nào hay không.
Dân biểu Chris Smith, đại diện Đảng Cộng hoà ở bang New Jersey nói:
"Người dân Cuba cần biết rằng cuộc thử nghiệm dựa trên một ý tưởng thiếu cân nhắc và ngây thơ đến tột cùng đã thất bại. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với những người có ý thức tôn trọng nhân quyền.
Dân biểu Chis Smith, vốn rất quan tâm về tình trạng nhân quyền ở Cuba, nói yếu tố lớn nhất đưa đến thay đổi có lẽ không phải là cái chết của ông Castro, mà là do Mỹ có một tổng thống mới. Ông nói:

"Tôi nghĩ ông Donald Trump có thể là bước ngoặt cho quan hệ Mỹ-Cuba.  Trong quá khứ, chúng ta đã theo đuổi một chính sách đối với Cuba thiếu hiệu quả, ấu trĩ, để đòi nước này tôn trọng nhân quyền."
Một quốc hội do Ðảng Cộng hòa kiểm soát không phải làm gì nhiều để hậu thuẫn những cam kết mà tân tổng thống Mỹ đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử.

Ông William Leogrande là chuyên gia về các vấn đề Châu Mỹ La tinh ở Đại học American:

"Nếu chính phủ của ông Trump muốn đảo ngược những gì Tổng thống Obama đã làm thì ông có thể dùng sắc lệnh hành pháp để làm điều đó, bởi vì ông Obama là người đầu tiên đã sử dụng cái quyền đó để thay đổi chính sách."
Nhưng không phải tất cả các đại biểu Ðảng Cộng hòa đều tiên đoán sẽ có thay đổi đáng kể trong thời gian tới.
Ông Rick Crawford là dân biểu Ðảng Cộng hòa tại bang Arkansas. Như nhiều đồng nghiệp, ông Crawford coi trao đổi thương mại là giải pháp tốt hơn để giúp nhân dân Cuba. Ông nói: 

"Tôi không nhất thiết tin rằng sẽ có một phản ứng tự động thiếu suy xét đòi bãi bỏ tất cả những gì mà Tổng thống Obama đã làm cho tới nay."
Như nhiều dân biểu trong đảng của ông, ông Crawford theo quan điểm cho rằng thương mại là một giải pháp hữu ích hơn để giúp nhân dân Cuba. Ông nói:

"Theo tôi, đã tới lúc phải gạt sang một bên lăng kính Chiến tranh Lạnh và bắt đầu suy nghĩ về những cách tích cực và hiệu quả mà chúng ta có thể làm để vận động Cuba giữa lúc nước này đang ở bên bờ của một thay đổi lớn về chính trị xã hội và văn hoá."
Cho dù các chính sách của Mỹ đối với Cuba có thể đổi theo hướng nào đi nữa, thì rõ ràng cái chết của ông Castro cũng đánh dấu một điểm khởi đầu của một thời đại mới.

Giáo sư William Leogrande nhận định:

" Theo tôi, cái chết của ông Fidel Castro dù không trực tiếp tới tác động tới chính sách của Hoa Kỳ, nhưng là một yếu tố làm thay đổi quang cảnh và bầu không khí trong mối quan hệ hai nước." - VOA

***
Sau hai ngày được quàn tại phòng khách của bộ Các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba, tro cốt của Fidel Castro rời La Habana ngày 30/11/2016 để đến nơi an nghỉ cuối cùng ở Santiago, quê hương Cách mạng Cuba, vào Chủ nhật 04/12.
Đoàn xe sẽ đưa tro cốt Fidel suốt chặng đường dài 950 km trong vòng bốn ngày, ngược với lộ trình của « Đoàn xe Tự do » mà nhà « Tư lệnh » trẻ đi từ Santiago đến La Habana vào năm 1959.

Lễ an táng theo nghi thức quốc gia cũng chấm dứt 9 ngày quốc tang được ban hành từ ngày 26/11. Fidel Castro sẽ được chôn cất tại nghĩa trang Santa Ifigenia và yên nghỉ bên cạnh José Marti, người anh hùng của nền độc lập Cuba.

Tối 29/11, hàng nghìn người dân La Habana đã đến viếng cựu chủ tịch Cuba lần cuối. Trong khi nguyên thủ các nước phương Tây, kể cả « những người bạn » Nga và Trung Quốc, không tham dự lễ tang, nhiều nhà lãnh đạo thiên tả Mỹ Latinh và châu Phi đã có mặt và ca ngợi di sản bất hủ của vị « Tư lệnh » Cuba.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu : « Ông không ra đi, ông mãi ở lại đây, bất bại trong chúng ta ». Tổng thống Ecuador Rafael Correa nhấn mạnh : « Ngày hôm nay dân tộc Mỹ Latinh chưa bao giờ đoàn kết đến như vậy (…) Chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cho ý tưởng này, chúng ta tuyên thệ vì điều này ! ». Còn tổng thống Evo Morales nhắc lại : « Họ đã tìm cách giết ông (Fidel Castro)bằng hàng nghìn cách khác nhau, nhưng hơn 10 đời tổng thống Mỹ vẫn không làm được (…) Fidel và Cuba đã làm thay đổi thế giới » ở thế kỷ XX.

Sau hơn bốn giờ với những bài diễn văn dài, chủ tịch Raul Castro lên nắm quyền thay người anh trai từ năm 2006 đã điểm lại những bài diễn văn đáng nhớ của Fidel Castro từng được đọc tại quảng trường Cách Mạng nổi tiếng. Cuối cùng, Raul Castro kết luận : « Fidel thân mến (…) tại đây, nơi chúng ta kỷ niệm chiến thắng, chúng tôi nhắc đến anh bên cạnh dân tộc đầy nhiệt huyết, quả cảm và anh hùng : Luôn hướng đến ngày chiến thắng !(« Hasta la victoria, siempre! »). - RFI

3.
Lo ngại Nam Hàn hậu Park Geun Hye sẽ 'thân TQ' --- Hàn Quốc: Các đảng đối lập thúc đẩy việc truất phế tổng thống
Nhật Bản lo ngại một tân chính phủ Hàn Quốc thân Bắc Kinh "sẽ xoay chuyển an ninh" ở Đông Bắc Á, theo trang Nikkei Asian Review.

Bài hôm 30/11/2016 trên trang báo Nhật Bản "Park's potential exit shakes East Asian security ties" đặt câu hỏi về các quan hệ an ninh với Seoul nếu Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun Hye phải từ chức.

Trang này trích lời một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói:
"Nếu tân chính quyền Hàn Quốc thân Trung Quốc thì có lo ngại thông tin tình báo Tokyo chia sẻ với Seoul sẽ bị tiết lộ cho Bắc Kinh." 
Nikkei Asian Review cũng nói những người gần với Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã bị choáng khi nghe tin bà Park ngỏ lời sẵn sàng rút lui khi các cuộc biểu tình dâng cao tại Hàn Quốc, đòi bà từ nhiệm.

Nhìn từ góc độ của Nhật Bản, quan hệ với Hoa Kỳ sau khi người Mỹ bầu ra ông Donald Trump đã đủ là yếu tố bất an, và nay, vấn đề "hợp tác với Hàn Quốc lại còn trở nên nghiêm trọng hơn", theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật.
Tokyo hiện cung cấp 1 tỷ yên (8,9 triệu USD) cho Nam Hàn để đặt vào một quỹ hỗ trợ những phụ nữ Triều Tiên từng bị buộc phục vụ tình dục cho quân đội Nhật Hoàng trong Thế Chiến 2.

Phản đối hệ thống phòng thủ THAAD
Bà Park đã chấp nhận cho Hoa Kỳ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để phòng ngừa Bình Nhưỡng, gây ra sự phản đối từ Bắc Kinh.
Với khả năng bà phải từ chức, phái ủng hộ Trung Quốc và phản đối Mỹ, Nhật tại Hàn Quốc có khả năng lên tiếng mạnh hơn.
Hồi tháng 8/2016, có sáu nghị sỹ Quốc hội của Nam Hàn thuộc đảng đối lập Minjoo đã thăm Bắc Kinh, bất chấp phản đối từ Phủ Tổng thống.

Seoul quyết định cho Hoa Kỳ đem vào hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD đặt ở quận Seongju.
Bắc Kinh đã ngay lập tức cho rằng việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc "phá hoại thế cân bằng chiến lược trong vùng".
Thậm chí Bắc Kinh còn cam kết "sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ quyền lợi của mình".

Cùng thời gian bà Park gặp khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lại nhóm họp để bỏ phiếu tăng thêm các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn vì chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng. - BBC

***
Ba đảng đối lập chính ở Hàn Quốc vào hôm nay, 30/11/2016, cho biết sẽ kiên quyết thực hiện kế hoạch truất phế tổng thống. Họ đã bác bỏ đề nghị hôm qua của nữ tổng thống Park Geun Hye sẵn sàng rời khỏi quyền hành trước thời hạn nếu Quốc Hội chuẩn bị một tiến trình chuyển giao quyền hành một cách êm thắm, xem đấy là một thủ đoạn chính trị để không bị mất mặt.
Khai mạc cuộc họp phe đối lập, lãnh đạo đảng Dân Chủ, Choo Mi-ae cho là : " Dân chúng Hàn Quốc không muốn bước vào năm mới với bà Park Geun Hye trên chiếc ghế tổng thống… Chỉ có một con đường dựa theo Hiến pháp để chấm dứt một nhiệm kỳ tổng thống : truất phế. "
Trong cuộc họp báo sau khi họp, 3 đảng đối lập tuyên bố là bà Park Geun Hye phải ra đi ngay, không được đặt bất kỳ điều kiện nào, và họ không thay đổi quyết định phế truất tổng thống.

Trong phát biều ngắn gọn trên đài truyền hình vào hôm qua, tổng thống Park Geun Hye tuyên bố để Quốc hội quyết định về việc rút ngắn nhiệm kỳ của bà, ấn định các điều kiện chuyển giao quyền lực để hạn chế tối đa thời gian không có người cầm quyền, và bà sẽ ra đi.

Theo giới quan sát, với tuyên bố trên, bà Park Geun Hye để Quốc hội giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã lên mức cao độ, và bà có thể rút lui một cách êm thắm hơn là bị truất phế, đồng thời cũng tránh bị truy tố về sau.
Theo hãng tin Yonhap, phe đối lập đã dự kiến bỏ phiếu truất phế vào thứ Sáu, 02/12 hoặc chậm nhất là vào ngày 9/12. Nhưng hôm nay họ quyết định dời lại ngày bỏ phiếu ít nhất là một tuần, vì muốn vấn đề được đưa ra thảo luận ở Quốc Hội trước khi bỏ phiếu.
Để phế truất tổng thống thì cần phải hội đủ 2/3 phiếu thuận trên số 300 dân biểu. Phe đối lập và các dân biểu độc lập muốn truất phế tổng thống chỉ chiếm 172 ghế. Trước đây có khoảng 30 dân biểu trong đảng cầm quyền Saenuri tán đồng giải pháp này. Nhưng sau phát biểu hôm qua của Park Geun Hye, nhiều người đã thay đổi ý kiến và phân vân không biết nên truất phế hay chọn một giải pháp khác để bà ra đi.

Trong trường hợp truất phế, quyền hạn của bà bị định chỉ ngay cho đến khi Tòa Bảo Hiến ra phán quyết. Tòa có 180 ngày để thảo luận.
Mặt khác, hôm nay, tổng thống Park Geun Hye đã đề cử một công tố viên đặc biệt để điều tra về vụ tai tiếng " quân sư Choi " - tống tiền, can thiệp vào việc Nhà nước …-, dẫn đến hậu quả ngày nay.

Theo văn phòng tổng thống, công tố viên được đề cử là Park Young – Soo. Cuộc điều tra tập trung trên việc lạm dụng quyền thế, tìm hiểu xem bà Park Geun Hye có gây sức ép lên các tập đoàn Hàn Quốc để họ rót tiền vào 2 hiệp hội mà bà Choi thành lập hay không. - RFI

Tin Hoa Kỳ
4.
Ông Trump thúc công ty Apple rút khỏi Việt Nam --- Ông Trump sẽ rời công việc kinh doanh khi làm Tổng thống

Tổng thống đắc cử của Mỹ không muốn tập đoàn Apple tiếp tục sản xuất sản phẩm ở Việt Nam, mà thay vào đó, chuyển về Hoa Kỳ, đã gây nhiều phản ứng trái chiều ở trong nước. 
Ông Donald Trump mới đây đã nói với ông Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành của Apple, rằng ông muốn tập đoàn sản xuất iPhone lập nhà máy ngay tại Hoa Kỳ. 

Tổng thống tân cử tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với tờ the New York Times hôm 23/11 rằng ông sẽ đưa ra các chính sách về thuế có lợi để Apple “xây một hoặc nhiều nhà máy lớn ở Mỹ” thay vì sản xuất sản phẩm ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam. 
Tiến sĩ Ngô Trí Long, cựu viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng quan điểm của ông Trump “có tính chất chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ”, và điều đó sẽ khiến thế giới và Việt Nam “chịu thiệt thòi”. 

Về tuyên bố muốn rút việc sản xuất linh kiện sản phẩm của Apple khỏi Việt Nam, chuyên gia kinh tế độc lập này nói thêm: 
“Ít nhất bản thân ông ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng vì khi đưa về, tiền lương, tiền công ở bên đấy rất là cao, mà khi tiền lương, tiền công cao thì chi phí giá thành đội lên rất là lớn. Mỹ liệu có khả năng chịu đựng được hay không. Nếu lao động, nhân công rẻ thì chắc chắn nó sẽ tốt hơn, chi phí thấp hơn mà chi phí thấp hơn thì Mỹ được hưởng lợi”. 
Nhiều tờ báo ở trong nước cũng đồng loạt đưa ra nhiều bình luận về tuyên bố của ông Trump. Tờ Người Đưa Tin viết rằng “ông Trump tung chiêu dụ Apple bỏ Trung Quốc, Việt Nam để về Mỹ”. 

Tờ này viết tiếp: “Bất kỳ chính sách ưu đãi như thế nào đi chăng nữa thì để sản xuất một sản phẩm tại một quốc gia có chi phí nhân công cao như Mỹ, giá iPhone sản xuất tại Mỹ có thể tăng gấp đôi so với giá hiện tại, điều mà Apple chắc chắn không muốn”.
Báo chí trong nước trích dữ liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết rằng công ty Apple đã lập chi nhánh tại Việt Nam cuối năm ngoái với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. 

Trước những phát ngôn ít ỏi liên quan tới Việt Nam, ông Long cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng các kinh tế gia ở trong nước vẫn đang theo dõi mọi động thái của ông Trump để đoán định xem chính sách đối với Việt Nam của ông Trump trong tương lai ra sao. 

Tiến sỹ kinh tế này nói thêm: 

“So với ông Obama thì ông này tính cách hoàn toàn khác. Người ta cũng có suy nghĩ rằng với tính cách thất thường thì đường lối của ông ấy như thế nào cũng chưa rõ. Người ta cũng đang chờ đợi. Chính kiến Việt Nam thực sự mà đánh giá cụ thể ông như thế nào thì cũng chưa có ai có quan điểm, nhưng tất nhiên là cũng sẽ khó khăn hơn thời ông Obama”. 
Dù theo đánh giá của các nhà quan sát, hiện vẫn chưa rõ chính sách của ông Trump đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, phát biểu tại một cơ quan nghiên cứu về chính sách công ở thủ đô Washington DC mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh bày tỏ lạc quan rằng mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục phát triển. 

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở thủ đô Washington nói thêm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với tân chính quyền Mỹ để củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một cách thực tiễn, lâu dài và bền vững. 

Việt Nam sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, APEC, vào năm sau và theo ông Vinh, Hà Nội hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ tới thăm Việt Nam và tham dự sự kiện này. - VOA
Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hoàn toàn rời khỏi cơ ngơi kinh doanh toàn cầu của bản thân để tránh xung khắc lợi ích với việc điều hành đất nước khi chính thức bắt đầu nhậm chức vào ngày 20/1 tới đây.

Vị Tổng thống tương lai giàu nhất của nước Mỹ, trong loan báo trên Twitter ngày 30/11, cho biết ông sẽ ngưng kiểm soát hệ thống kinh doanh khách sạn, sân golf, khu nghỉ mát, cao ốc văn phòng, khu dân cư, và các dòng sản phẩm tiêu dùng mang nhãn hiệu Trump trị giá có thể lên đến hàng tỷ đôla trải rộng trên nước Mỹ và tại 18 quốc gia khác.
Luật pháp Mỹ không yêu cầu ông Trump phải làm như vậy, nhưng ông nói ông cảm thấy quan trọng là không nên để cho cương vị Tổng thống có bất kỳ xung khắc lợi ích nào với công việc kinh doanh đa dạng của mình.

Ông Trump khẳng định ‘làm Tổng thống là nhiệm vụ quan trọng hơn nhiều.’ - VOA

5.
Trump nhắm cựu lãnh đạo Goldman làm bộ trưởng ngân khố Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump được trông đợi chọn Steven Mnuchin, cựu giám đốc điều hành Goldman Sachs làm bộ trưởng ngân khố, báo Mỹ cho hay.
Ông Mnuchin, người phụ trách tài chính chiến dịch của ông Trump và chưa có kinh nghiệm trong chính phủ, có thể được bổ nhiệm hôm 30/11.

Hôm 29/11, ông Trump chọn Tom Price làm bộ trưởng y tế và Elaine Chao làm bộ trưởng giao thông.
Ông vẫn đang cân nhắc người cho các vị trí ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng.
Ông Mnuchin có hơn 17 năm làm cho ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, trước khi lập hãng phim đứng sau các bộ phim bom tấn như X-Men và American Sniper.

Người ta còn phải chờ xem liệu động thái chọn một chuyên gia lão luyện của Wall Street lèo lái hệ thống tài chính của quốc gia có được những người ủng hộ chào đón hay không.

Nhà đầu tư, tỷ phú Wilbur Ross, người được mệnh danh "vua phá sản", được dự đoán sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng thương mại.
Bà Elaine Chao, vợ của Lãnh đạo Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, sinh ra tại Đài Loan.
Bà là phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên được cất nhắc vào nội các Mỹ.

Bà đến Mỹ cùng gia đình khi còn là bé gái 8 tuổi và định cư tại New York, nơi mà cha bà trở thành ông trùm trong ngành tàu biển.
Tom Price là nhân vật vốn chỉ trích mạnh mẽ chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama.
Vị dân biểu Georgia và là bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình 62 tuổi, hiện là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Hạ viện.
Ông sẽ đóng vai trò then chốt trong các kế hoạch của đảng Cộng hòa trong việc thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare.

Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump nói ông sẽ quyết thay đổi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền mà ông Obama đưa ra.
Tuy nhiên, sau đó, ông nói ông muốn giữ lại một số điều khoản nhất định.
Ông Trump nói ông Price là một "người không biết mệt mỏi trong việc giải quyết vấn đề" và là "chuyên gia trong lĩnh vực chính sách y tế".

Ông Price nói ông đang mong chờ cơ hội được phục vụ trong vị trí bộ trưởng y tế.

Nhưng việc bổ nhiệm ông này khiến đảng Dân chủ phản ứng dữ dội.
Thị trưởng New York Bill de Blasio viết trên Twitter: "Việc ông Donald Trump chọn bộ trưởng y tế cho thấy ông muốn tước đi bảo hiểm đối với người già và người nghèo." - BBC

Tin Việt Nam
6.
Thủ tướng Việt Nam cấm quan chức chính phủ biếu quà Tết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các quan chức trong chính phủ không quà cáp, “chúc Tết thủ tướng” và các cấp lãnh đạo chính phủ cũng như không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi.”
Thủ tướng Phúc được truyền thông trong nước trích lời phát biểu tại một phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 11 tại Hà Nội, đề nghị “tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao phong bì.” Thủ tướng cũng “yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết.”

Biếu xén phong bì trong dịp Tết đã là một “vấn nạn” ở Việt Nam trong nhiều năm qua vì kỳ nghĩ lễ cuối năm được coi là dịp tốt cho người ta tặng quà và thậm chí cả tiền cho cấp trên với mong muốn được giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc và kinh doanh.

Theo tiến sỹ Đặng Ngọc Dinh, giám đốc trung tâm Nghiên Cứu Hỗ Trợ Cộng Đồng (CECODES) được Tiền Phong trích dẫn “Tết chính là thời cơ và cơ hội để người ta đưa và tặng quà hối lộ.” Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Giáo Dục Thanh Thiếu Niên của Quốc Hội Nguyễn Viết Chức nói với VNExpress, “ranh rới quà Tết và hối lộ mỏng như sợi tóc” và dẫn chứng rằng “hiện nay đến nhà sếp, người ta lì xì hàng trăm nghìn đồng, thậm chí vài trăm đô la.”

Nhưng hôm 29/11, thủ tướng đã đưa ra lệnh cấm này và yêu cầu các lãnh đạo chính phủ và các bộ, ngành không nhận quà biếu xén trong dịp Tết vào cuối tháng 1/2017.
Tuy nhiên chỉ đạo này của thủ tướng Phúc không phải là mới. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh Tế Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên nói với VOA Việt Ngữ rằng “đây là cái Tết đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ quốc hội khóa 14.”

"Chúng ta nghe thấy thế thì có vẻ như mới nhưng nó cũng là một hoạt động bình thường của chính phủ trong nhiều năm gần đây. Nhưng đến thời điểm này có cái mới là thủ tướng chính phủ yêu cầu bản thân các bộ phải gương mẫu thực hiện để các địa phương không chúc Tết."
Theo ông Kiên, chúc Tết ở đây không chỉ là những lời nói mà thường là những món quà biếu xén có giá trị cao. Tại phiên họp của chính phủ, thủ tướng Phúc đã cấm biếu xén quà Tết dưới bất kỳ hình thức nào. Và ông Kiên nói chỉ đạo này “nhằm kêu gọi đi vào thực chất và tiết kiệm.”

"Tham nhũng không phải là thông qua quà Tết mà thông điệp của chính phủ muốn nhấn mạnh là một chính phủ có tiết kiệm và tập trung vào những việc trọng tâm chứ không quan tâm nhiều đến những hình thức lễ nghĩa bình thường nữa và chúng ta phải đi vào hoạt động. Nếu gắn tuyên bố của thủ tướng với tuyên bố của chính phủ về việc ngay từ tháng 1/2017 chúng ta phải tổ chức triển khai đầu tư công, giải ngân ngay từ những ngày đầu trước Tết (tháng 1/2017) thì chúng ta thấy nó là cả 1 logic bình thường."

Theo Dân Trí đưa tin, thủ tướng Phúc yêu cầu các địa phương “cũng cần thực hiện nghiêm việc này” và “Chính phủ cần làm gương” khi từng “thành viên của Chính phủ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.”
Việt Nam vẫn là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới, theo xếp hạng của Trace Matrix – một tổ chức quốc tế vận động chống hối lộ có trụ sở tại Mỹ. Trên bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về vấn nạn hối lộ trên toàn thế giới năm 2014. Trace International cũng xếp Việt Nam trong thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình 41.8.

Tiến sỹ Dinh của CECODES nói trong bài phỏng vấn với Tiền Phong rằng “khi tham nhũng, tiêu cực vẫn còn phổ biến thì việc lợi dụng quà tặng để đưa hối lộ vẫn sẽ xảy ra, khó mà ngăn chặn được.” - VOA

7.
Việt, Nhật, Anh hội thảo về pháp quyền ở Biển Đông

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật và truyền thông Việt Nam cho hay hôm 29/11 ba nước Việt Nam, Nhật và Anh đã tổ chức hội thảo về pháp quyền và hợp tác quốc tế liên quan đến Biển Đông.
Hội thảo phân tích tác động của phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi tháng 7 về vụ án Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chia sẻ cách thức các nước châu Á áp dụng luật quốc tế trước đây, và tìm hiểu những hình thức hợp tác để tôn trọng và thúc đẩy pháp quyền.

Tham gia hội thảo có nhiều quan chức ngoại giao, học giả, chuyên gia của 3 nước. Cuộc thảo luận của họ cho thấy sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của pháp quyền đối với việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở các vùng biển châu Á, kể cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Sau khi bế mạc hội thảo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Yasuhisa Kawamura cho báo chí biết thủ tướng nước ông “đã nhận được đề nghị cung cấp tàu tuần duyên mới cho Việt Nam” và Nhật “đang chuẩn bị cung cấp những tàu mới này”. Trước đó, Nhật đã cung cấp 6 tàu tuần tra đã sử dụng cho Việt Nam.
Thạc sỹ Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nói với VOA rằng việc Nhật gia tăng can dự với Việt Nam và ở Đông Nam Á là điều dễ hiểu:
“Nhật Bản cũng gặp một nỗi lo là tham vọng của Trung Quốc trên biển, cụ thể là trên biển Hoa Đông. Biển Đông và Biển Hoa Đông có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, bởi vì cùng bắt đầu từ một tay chơi là Trung Quốc. Chính vì vậy, việc Nhật thúc đẩy các quan hệ, đặc biệt là tăng cường sức mạnh, đối thoại, và giúp đỡ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ở Biển Đông thì đó là điều nằm trong chiến lược của Nhật Bản. Nhật Bản cũng muốn trở thành đồng minh tự nhiên. Tức là các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, Malaysia chẳng hạn, thì các quốc gia này đều gặp một mối lo ngại, đó là Trung Quốc”.

Chuyên gia này nhận định rằng chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn giới hạn hoạt động của Mỹ ở nước ngoài có thể đưa đến hệ quả là Nhật càng thúc đẩy vai trò của họ ở châu Á nói chung, và Biển Đông nói riêng:

“Trong bối cảnh đó, cái ảnh hưởng của phía Nhật Bản chắc chắn là theo tôi nghĩ họ cũng tìm mọi cách, họ sẽ phải thúc đẩy cái vấn đề hơn. Và vấn đề của Nhật thì họ không chỉ muốn là tăng hợp tác về dân sự, mà họ muốn các quốc gia khu vực ở Biển Đông phải có tiềm lực mạnh hơn, cùng với Nhật Bản thì sẽ có thể là nó cũng ngăn trở phần nào cái ảnh hưởng từ phía Trung Quốc, đặc biệt cái tham vọng của Trung Quốc trên biển”.

Về các động thái đối ngoại của Việt Nam với Nhật, Thạc sỹ Việt tin rằng quan hệ tương lai giữa hai nước sẽ mạnh hơn nhưng mạnh đến mức nào sẽ tùy thuộc vào sự thận trọng của Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam còn muốn đánh giá thêm về tình hình quốc tế nhất là vào lúc đang có những thay đổi ở các nước có tầm ảnh hưởng lớn như Mỹ hoặc Anh.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật nói nước này và Anh chia sẻ những giá trị chung kể cả vấn đề pháp quyền và hai nước cũng có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh quốc tế. - VOA

8.
Cựu quan chức QH: Nghị định về từ chức phụ thuộc vào đảng

Tại phiên họp mới đây của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Bộ Nội vụ cần thảo ra nghị định về từ chức. Ông Trần Quốc Thuận, một cựu quan chức Quốc hội hoan nghênh phát biểu của ông Phúc song cũng cho rằng việc hiện thực hóa điều đó sẽ khó khăn do thể chế chính trị Việt Nam.
Các báo Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Phúc phát biểu hôm 28/11 tại một phiên họp chính phủ nói rằng: “Có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”.

Một ngày sau, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trả lời trong một cuộc họp báo là: "Vấn đề xây dựng nghị định này không có gì khó khăn nhiều, Bộ Nội vụ sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khi xây dựng nghị định phải có cơ sở luật pháp, văn bản nào không đúng luật phải theo quy chế mới".
Trong những năm gần đây, cử tri và các đại biểu quốc hội Việt Nam đã nhiều lần gây sức ép về việc “cán bộ lãnh đạo” phải từ chức khi họ “không hoàn thành tốt trọng trách”, đồng thời cũng đòi hỏi phải có quy định pháp lý về vấn đề này.

Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 vừa kết thúc tháng giữa tháng 11, khi trả lời chất vấn, Thủ tưởng Phúc khẳng định “văn hóa từ chức là cần thiết” và khi đó ông cũng đã nói “Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để báo cáo Chính phủ nhằm có văn bản phù hợp tạo điều kiện từ chức trong điều kiện cụ thể”.

Cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận hoan nghênh việc ông Phúc tiếp thu ý kiến cũng như có các hành động về vấn đề quan trọng này. Ông Thuận nói với VOA:
“Cái ý kiến chấp nhận văn hóa từ chức và xây dựng một cơ chế để mà có thể  từ chức thì tôi cho rằng điều đó là tốt, đó là dấu hiệu tích cực. Mình nên ủng hộ. Ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đưa ra những câu nói thì tôi thấy dư luận ủng hộ, chẳng hạn như ‘chính phủ liêm chính’, ‘chính phủ hành động’. Tôi cho rằng cũng nên động viên ổng”.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng lưu ý rằng do thể chế chính trị Việt Nam nơi Đảng Cộng sản kiểm soát mọi việc và đưa ra quyết định cao nhất, nên công chúng cần phải chờ xem những ý tưởng, dự định của thủ tướng sẽ được đảng thông qua đến mức độ nào. Vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đảng cần phải ra quy chế về từ chức trước:
“Mặc dầu trên hình thức chủ nghĩa thì là của Quốc hội nhưng mà thực tế quyền lực là ở đảng cho nên là đảng phải có một cái quy chế như vậy. Bởi vì ông thủ tướng ông hô hào như thế nhưng mà ông làm gì có quyền cách chức một ông bộ trưởng, làm gì có quyền cách chức một ông chủ tịch tỉnh. Kể cả quận huyện, ông làm gì có quyền cách chức được. Hệ thống chính trị Việt Nam là quyền lực nằm ở chỗ đảng. Đảng phải xây cơ chế, thể chế để có thể tạo điều kiện cho người ta từ chức. Hoặc là đảng có thể ủy quyền, hay là giao quyền cho Quốc hội rồi cho Chính phủ một số lĩnh vực gì đấy”.

Cách đây 4 năm, trong một phiên họp Quốc hội, người tiền nhiệm của ông Phúc là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị một đại biểu Quốc hội hỏi ông “có hướng tới văn hóa từ chức” thay vì chỉ xin lỗi về những vấn đề trong điều hành chính phủ hay không. Ông Dũng đã trả lời ông “không bao giờ xin đảng làm chức vụ này, chức vụ kia và cũng chưa bao giờ thoái thác, từ chối nhiệm vụ mà đảng giao phó”. - VOA

9.
Ông Võ Kim Cự bị 'kiểm tra sai phạm' vụ Formosa

Cựu lãnh đạo Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự hiện đang bị Đảng Cộng sản Việt Nam "kiểm tra sai phạm" liên quan đến vụ Formosa.
Các báo Việt Nam hôm 30/11 đồng loạt trích lời ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho hay "Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra mức độ vi phạm của ông Võ Kim Cự".

Công tác này đồng thời diễn ra với việc "Ban cán sự Đảng và UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kiểm tra, đặc biệt là quá trình lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa", theo trang VnExpress hôm thứ Tư 30/11.
Những tháng qua, báo chí Việt Nam liên tiếp đang tải các tin khác nhau về ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nơi xảy ra thảm họa môi trường Formosa do công ty Đài Loan có nhiều vốn Trung Quốc xả thải chất độc thẳng xuống biển.

Chẳng hạn hôm 29/07/2016, báo Việt Nam trích lời quan chức Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói "ông Võ Kim Cự đã nhận thấy việc sai của tỉnh."
"Khi còn là người đứng đầu địa phương là tỉnh Hà Tĩnh thì ông Võ Kim Cự có để xảy ra việc cho doanh nghiệp Formosa thuê đất 70 năm. Việc này Thanh tra Chính phủ khi thanh tra xác định không đúng thẩm quyền địa phương và ông Cự nhận thấy việc sai của tỉnh", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Nhưng vài hôm trước đó, bản thân ông Võ Kim Cự lại nói rằng khi cấp phép cho Formosa, "ông không có gì sai," theo VnExpress (24/07).
Còn theo các văn bản của chính phủ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đăng trên trang Thư viện Pháp luật thì nhiều lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam đã tham gia chỉ đạo việc chuẩn bị đón nhận đầu tư và triển khai công trình của tập đoàn Hưng Nghiệp, Đài Loan vào Vũng Áng ngay từ giai đoạn đầu.

Trong các văn bản này, vai trò của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Đảng ủy tỉnh không phải là nổi bật.
Trang thuvienphapluat.vn còn lưu lại quyết định hồi năm 2007 (145/2007/QĐ-TTg) phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành, gồm cả công trình tại Hà Tĩnh.

Sang năm 2009, có văn bản số: 169/TB-VPCP (25/05) thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sau buổi làm việc ngày 11/05 với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. 
Một phần nội dung này viết: 
"Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế Vũng Áng (hệ thống giao thông, điện, nước, tỉnh đẩy mạnh thu hút thông qua xã hội hóa đầu tư, Trung ương hỗ trợ một phần; 
"Về vốn thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa: Tỉnh chỉ đạo giải ngân số vốn đã được tạm ứng theo công văn số 2654/VPCP-KTTH ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ. Trường hợp cần phải ứng thêm vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ."
Sang năm 2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản số: 177/TB-VPCP (24/04) thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi tiếp Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Văn bản này chỉ ghi nhận sự hiện diện của ông Võ Kim Cự là người "cùng dự".
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến như "Đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Công ty trong việc triển khai các hạng mục của Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh (Dự án) theo các nội dung Công ty đã cam kết."
Và đối với các kiến nghị của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Hải đã có chỉ thị thực hiện các việc sau:

"UBND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sớm có phương án xử lý nguồn vốn đầu tư cho dự án cấp nước Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh.

"Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu về các cơ chế chính sách bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2013.
"Ngân hàng Nhà nước xem xét nhu cầu sử dụng Ngoại tệ của Công ty, đề xuất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu giải quyết yêu cầu sử dụng lao động người nước ngoài có tính đặc thù của Dự án theo quy định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện."

Cũng năm 2013, một Phó Thủ tướng khác, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có mặt và ra ý kiến chỉ đạo "tại Hội nghị sơ kết công tác đào tạo nhân lực cho Khu vực Kinh tế Vũng Áng" (Thông báo 258/TB-VPCP). 
Các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cũng vào cuộc tích cực sau khi xảy ra thảm họa môi trường năm 2016 mà tập đoàn Formosa nhận trách nhiệm.

Cũng văn bản chính thức cho hay ngày 29/08/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (nhiệm kỳ Quốc hội mới) đã chủ trì cuộc họp tại Hà Nội về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển".
Đó là về phía chính quyền, còn về phía Đảng Cộng sản, người lãnh đạo cao nhất của tổ chức này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm và "kiểm tra tiến độ dự án Formosa" hôm 22/04/2016. 
Ông Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến thăm một số công trình, nhà máy thuộc dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, theo trang VietnamNet.

Báo này cũng đăng ảnh ông Trọng thăm Formosa và nói đây là dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 10,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, người tiếp ông ở Hà Tĩnh đã là ông Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; 

Vào thời điểm tháng 4/2016, ông Võ Kim Cự không còn nắm chức vụ cao nhất tại Hà Tĩnh và cũng không còn là Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (từ 2008). - BBC

10.
Tòa phúc thẩm y án 20 tháng tù cho bà Cấn Thị Thêu

Phiên phúc thẩm tại Tòa án TP. Hà Nội hôm 30/11 tuyên y án sơ thẩm 20 tháng tù cho nhà hoạt động dân oan Cấn Thị Thêu, luật sư và gia đình xác nhận. 
Bà Thêu bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, tuyên phạt 20 tháng tù giam vì tội Gây rối trật tự công cộng hồi tháng Chín. 
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho bà Thêu trong phiên sơ thẩm, nói: "Đây là bản án bất chấp pháp lý, đạo lý và bất công."

Anh Trịnh Bá Phương, con trai của bà Thêu, cáo buộc với BBC rằng anh và em trai Trịnh Bá Tư "đều bị câu lưu 4, 5 giờ" trong thời điểm diễn ra phiên tòa.
"Việc gia đình xin thăm gặp mẹ tôi tại trại giam sau phiên tòa cũng không được chấp nhận", anh Phương nói. 
Cô Trịnh Thị Thảo, con gái bà Thêu, người được dự phiên tòa cùng bố mình, nói với BBC: "Trong lời sau cùng tại tòa, mẹ tôi nói rằng với việc kết án người vô tội, tòa án đang bảo vệ những người cướp đất có tổ chức." 

"Mẹ tôi cũng nói rằng với bản án này thì thêm một lần nữa chứng tỏ ở Việt Nam, công lý là diễn viên hài". 
Tháng 6/2016, bà Thêu - người từng bị giam giữ năm 2014 vì đấu tranh giữ đất trong vụ 'dân oan Dương Nội', bị bắt lần hai tại nhà riêng ở Hòa Bình theo điều 245 Bộ Luật Hình sự.

Hôm 15/11, bà Thêu là một trong ba nhà hoạt động được Mạng Lưới Blogger Việt Nam trao giải thưởng nhân quyền.
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức do người Việt hải ngoại thành lập năm 1997 để cổ súy hoạt động nhân quyền trong nước, đặt trụ sở tại California, Hoa Kỳ.
Bà Thêu lần đầu tiên bị bắt trong lúc đang ghi hình lại vụ xô xát giữa người dân và lực lượng bảo vệ thu hồi đất năm 2014. Bà bị kết án 15 tháng tù giam theo điều 257 - chống người thi hành công vụ.

Gia đình bà Cấn Thị Thêu có đất nằm trong diện thu hồi cho dự án ở Dương Nội. Dự án giải phóng mặt bằng khu vực này bắt đầu từ năm 2008, tuy nhiên người dân ở đây không chấp nhận giao đất do cho rằng giá đất của chính quyền đưa ra quá 'rẻ mạt'. - BBC

11.
Ông Bùi Tiến Dũng 'chưa đủ điều kiện' được đặc xá

Cựu Tổng Giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng, người bị bệnh ung thư, không nằm trong danh sách đặc xá năm nay vì "không đủ điều kiện".
Trước đó tin cho hay ông Dũng có tên trong danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá năm 2016.

Tuy nhiên tại buổi họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước sáng thứ Tư 30/11, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn nói với các nhà báo rằng tuy có đơn, "xét các tiêu chuẩn thì [ông] Bùi Tiến Dũng không đủ điều kiện được đặc xá 2016".
Bị khởi tố, bắt giam từ năm 2006, ông Bùi Tiến Dũng bị tuyên phạt tổng cộng 23 năm tù giam về ba tội danh: Đánh bạc, Đưa hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Tháng 10/2016, truyền thông Việt Nam cho hay, ông Dũng "được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù 12 tháng" trong lúc đang ở trại giam Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên.
Hiện ông này bị ung thư phổi và đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội,
Theo quyết định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, có 4.180 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2016.
34 người là cán bộ công chức nhà nước, trong đó có 7 người từng phục vụ trong quân đội, 11 người từng làm công an.

Có 1 trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia trong danh sách đặc xá. - BBC

12.
Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam rồi bỏ chạy

Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Việt Nam cho biết một tàu đánh cá của ngư dân Thanh Hóa bị một tàu cá của Trung Quốc đâm rồi bỏ chạy tại vùng biển đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vụ việc xảy ra vào vào lúc 5 giờ sáng hôm qua 29 tháng 11 tại vùng biển cách tây nam đảo Bạch Long Vĩ của Việt nam 20 hải lý. Có 3 ngư dân của tỉnh Thanh Hóa bị rơi xuống biển, hai người được cứu thoát và một người vẫn còn mất tích.

Chiếc tàu cá của phía Trung Quốc mang số hiệu 61119, còn tàu của ngư dân Thanh Hóa có số hiệu TH90244 do ông Nguyễn Văn Luật, 50 tuổi ở Sầm Sơn, Thanh Hóa làm chủ kiêm thuyền trưởng.
Sáng nay phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Long Vĩ, ông Đào Trọng Tuệ cho biết theo lời kể của ngư dân được cứu thì chiếc tàu cá của Trung Quốc bất chấp yêu cầu dừng lại của tàu cá Việt Nam vẫn tiến đến đâm rồi bỏ chạy.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam điều tàu Cảnh sát biển CSB 8003 đến nơi xảy ra vụ tấn công để tìm kiếm ngư dân còn mất tích. - RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét