Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

NHẬN LỖI & XIN LỖI - Nguyễn Ninh Thuận

 -Allo Kiều!Tâm nghe tin  Kiều  sau  mười  ngày  đi  tắm biển ở Hawaii trở về nhà  bị  bệnh  há ? Giờ  nầy khỏe chưa?
      -Cám ơn chị Tâm đã có lời thăm hỏi em. Sau mấy ngày Kiều ham tắm biển, leo núi và nhất là buồn phiền vì chuyến đi chơi tưởng là vui trọn vẹn lại chuốc thêm bực dọc, ưu phiền nên xuống tinh thần và nằm bẹp giường luôn.<!>    
      -Bệnh của Kiều bây giờ như thế nào, có đi Bác sĩ chưa ?                 
      -Cám ơn chị, sau mấy ngày đau nằm bẹp, Kiều đi bác sĩ uống thuốc giảm đau, nay đã đỡ nhiều rồi ạ!
      -Thế mấy ngày nằm dưỡng bệnh, Kiều có vào diễn đàn của Ái Hữu Đồng Hương chúng mình đọc bài không?
      -Có chứ chị Tâm! Các chị bạn chúng mình viết hay lắm và thật chí lý! “Trung ngôn thì nghịch nhĩ”. Những điều nói thật thì dễ bị mất lòng! Nhưng nếu ai cũng như ai vì nể nang tình bạn mà làm lơ, che đậy dấu diếm, thì xã hội này khi nào được tiến lên và tốt đẹp đây!? “Người dám nói để sửa sai ta, là bậc Thầy của ta" rất đáng quý! 
      -Đúng vậy, chúng mình là người lớn phải làm gương tốt cho thế hệ trẻ chứ! “Nhân bất thập toàn”. Sống trên đời ai mà không có những giây phút lầm lỗi, sa ngã vì nhẹ dạ không làm chủ bản thân, rồi chỉ một phút bốc đồng làm điều quấy, nhắm mắt sa vào nạn cờ bạc, rượu chè hay trai gái để hạnh phúc gia đình đang êm ấm phải tan nát, bị danh lợi, phú quý, tiền bạc làm tối mắt ..."Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"
      -Thử hỏi một nhân viên biển thủ công quỹ, xong làm đơn xin nghỉ việc có thể ra đi nhẹ nhàng không? Một vị tu hành dưới lớp áo “Thầy Tu” nhập nhằng lấy tiền “từ thiện” bỏ túi riêng, còn tỏ thái độ ngang ngược, xong giũ áo ra đi không nhận lỗi lầm không hối cải, mọi người có tha thứ hay thương tiếc không?
      -Dĩ hòa vi quý! Người ngoài cuộc nói thì dễ dàng lắm, nhưng những nạn nhân, người hiền lành bị vu vạ, bị lừa dối gạt gẫm phải chuốc lấy phiền muộn thì sao đây? Có ai thông cảm không? Nếu họ lên tiếng thì có đáng trách không?
      -Đa số người Việt chúng mình giàu lòng nhân ái vị tha. Nhưng vị tha là với những người làm lỗi mà biết nhận lỗi mới đúng cách! Đáng trách và khinh bỉ thay cho những đương sự làm lỗi mà vẫn vênh váo ngụy biện, tìm cách né tránh, chối phăng rồi phủi áo ra đi cho xong chuyện! Như vậy có nên bỏ qua tha thứ hay không?
      -Qua đây, Tâm nhớ ngày nào đi dạy học trước 75… Để đối phó với đám học trò đủ mọi thành phần trong xã hội “thượng vàng hạ cám!” Chúng ta rất nhức đầu, mất ăn mất ngủ với đám “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” này! Với những người yêu nghề thì rất quan tâm rèn luyện học sinh của mình trở nên người hữu dụng cho gia đình, xã hội…Nhà giáo rất vui khi gặp những phụ huynh biết điều đã hợp sức với nhà trường để uốn nắn trẻ hư đốn vào khuôn phép, nề nếp học hành ngày càng tiến bộ… Gặp những đứa cứng đầu thì than ôi, với lương tâm nghề nghiệp, chúng ta không thể ruồng bỏ chúng, cố gắng đem tình thương chân thật uốn nắn khuyên bảo những em cứng đầu khó dạy bảo và sung sướng hãnh diện khi thấy các em hoàn thiện. Nhìn những cử chỉ sợ sệt, những ánh mắt biết hối lỗi, sửa đổi của chúng, mình đâu phải gỗ đá mà không tha thứ! Làm lỗi mà biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa đổi thì kết quả mọi chuyện sẽ rất êm đẹp, mọi người đều vui vẻ. ..
      -Đúng đó chị ạ! Kiều nhớ đám em trai của Kiều khi còn nhỏ ham chơi, hơn ham học, phá phách  bị  ba  giận dữ la lối cho roi vọt dạy bảo. Nhưng khi chúng run sợ, hối lỗi Ba Kiều dù tức giận, nhưng luôn giơ cao, đánh khẽ ! 
      -Trẻ em như tờ giấy trắng, uốn nắn dễ dàng. Còn người lớn mới khó đó nghen! Có người ngoan cố, làm lỗi mà cứ vênh váo tự cao, tự đại không nhận lỗi, thôi thì hết thuốc chữa! Người có khuyết điểm mà không tự sửa đổi thì không thể nào đứng chung trong hàng ngũ nào được cả! Khi biết, ra ai cũng muốn xa lánh “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng!”, làm sao mà dạy dỗ con cháu nên người? Không những thế mà có ảnh hưởng xấu cho sự nghiệp con cháu sau này… 
      -"Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng!", "Giang sơn dễ đổi, tính tình khó thay". Thói thường càng giận, càng lên tiếng biện luận, càng mất khôn! Tục ngữ ta có câu “Con nó lú có chú nó khôn!” Nhưng với thế kỷ 21 này! Thời đại của internet đổi ngược hết! Trẻ em không “lú”  mà khôn ngoan hơn “chú” nó nhiều! Chuyện trên trời dưới đất, chuyện y học xã hội, chuyện tàu bay, tàu lặn, món ăn, giá cả, nơi chốn mà ngay cả nhà cửa, lý lịch người nào muốn biết là chỉ trong vòng năm ba phút, chúng nói vanh vách. Có một số người thấy kẻ sang bắt quàng làm họ, bạn bè thân thiết và cho mọi người thấy ta đây quen biết tai to mặt lớn. Họ trên đội dưới đạp ! Họ lầm rồi, hình ảnh chụp ra có thể dùng Photoshop sửa đổi theo ý. Hóa đơn chi thu thêm bớt, giả mạo rất dễ dàng, làm ra rồi sao chép, gian dối, lấp liếm.... Những kẻ gian manh, lừa lọc, vừa đánh cướp vừa la làng...rồi cũng  “cháy nhà lòi ra mặt chuột!”. Xã hội còn có những người nhu nhược, nịnh bợ, xu thời, xanh vỏ đỏ lòng nữa, chán lắm chị ạ! 
      -Nếu chúng ta ở hải ngoại này mà cứ đắp chiếu nằm nhà, thờ ơ với các cuộc tranh đấu, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi gia đình mình ở Việt Nam bị trù dập, bị thiệt thòi tiền bạc vì nghỉ làm đi biểu tình… thì quê hương đất nước Việt Nam khi nào mới có dân chủ, nhân quyền đây? Trong một nhóm nhỏ thấy việc làm sai trái của vài cá nhân mà không lên tiếng, xây dựng thì khi nào họ mới thức tỉnh để tốt?! Đừng để con sâu làm rầu nồi canh! Thương bạn là không che đậy sai trái của bạn, cần góp ý để bạn khỏi lầm lỡ, nghĩ việc mình làm tốt và cứ thế mà làm có khi nguy hại sau này!
      -Đúng đó! Con cháu chúng ta từ nhỏ có tính ăn cắp vặt. Chúng ta không khuyên răn dạy bảo chúng từ khi ấu thơ, lớn lên chúng trở thành tật thì hỏng cả cuộc đời! Con các ông tai to mặt lớn, đại gia ở Việt Nam mới đây, sang các nước tư bản đã ăn cắp vật dụng ở các siêu thị bị bắt quả tang, không những xấu mặt gia đình mà ảnh hưởng xấu cho cả một dân tộc đất nước! Các tài tử nổi tiếng lắm tiền nhiều bạc mà vì bị bệnh tham lam, táy máy tay chân cũng vào ăn cắp áo quần ở các shopping! Đã là bệnh thì hết đường nói, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn…  Trên đời này không làm sao che đậy được việc làm sai trái của mình! Chỉ những người phạm tội mà biết hối lỗi, ăn năn sẽ được luật pháp giảm khinh, giảm án, mọi người tha thứ!
      -Kiều à, còn có những người nghĩ ta đây là “cái rốn của vũ trụ” không biết phải trái, hay lỡ được đút lót gì chăng (?)  nên phải la to bênh vực cho kẻ  làm bậy?! Họ thị oai bảo người tốt (làm phải), có ý kiến xây dựng là phá đám, quỷ sứ, đầu têu quậy phá… rồi cứ cái kiểu: “cả vú lấp miệng em". Nhưng người tốt không phải ngu, mà không muốn to tiếng hay nêu đích danh chỉ vì lòng trắc ẩn, lòng nhân, sợ ảnh hưởng đến bệnh tật họ đang có đó thôi! …Cây ngay không sợ gãy. Thà là làm cây Đa cổ thụ, nếu lỡ bị luồng điện sét đánh gãy đi, nhưng rồi theo năm tháng sẽ đâm chồi nảy lộc và sẽ là những bóng mát cho khách bộ hành nghỉ chân! Không là cây Sậy ngã nghiêng theo chiều gió thổi. Thật đáng xấu hổ!
      -Nêu lên cái sai không phải tạo sự chia rẻ, mà thật ra chúng ta đang can đảm và hết sức đoàn kết nắm tay nhau để xây dựng một cộng đồng nhân ái hoàn thiện!! Tại sao cứ che đậy, trốn tránh sự thật, nuôi dưỡng những con sâu?! Vài con sâu trong đám ruộng không thể làm hại được cả cánh đồng xanh tươi tốt… . 

      -Biết nói lời xin lỗi, chứng tỏ ta có lòng kính trọng và thiện cảm đối với người bị hàm oan. Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận. Xin lỗi ngăn chặn các hiểu lầm nhau. Lời xin lỗi như liều thuốc chữa lành mọi vết thương lòng.

     -Thật vậy, xin lỗi mở cánh cửa tha thứ, giúp con người cảm thông với nhau. Khi lỡ xúc phạm đến ai, ta cảm thấy hối hận và xấu hổ rồi bần thần, áy náy lương tâm. Khi ngõ lời xin lỗi, ta tìm được bình an tâm hồn, cảm nhận sự thanh thản và thân thiện với anh em. Biết lỗi và xin lỗi là dấu chỉ của một con người khiêm nhường, tự trọng…

      -Xin lỗi có một lối đi từ trái tim đến trái tim. Thành tâm, không giả tạo, mang đến nhiều lợi ích trong ứng xử. Một lời xin lỗi chân thành có sức mạnh vĩ đại, có khả năng biến đổi đời người, cho cả người xin và kẻ nhận.

      -Sai và sửa sai, lỗi và xin lỗi là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, lỗi mà không xin lỗi, sửa sai xin lỗi không kịp thời, thì không những không có tiến bộ mà còn ngày càng lún sâu trong vực thẳm suy vong!...      

      -Là con người, ai cũng có sai sót, lầm lỗi, không trừ một ai. Chỉ có điều là có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, thiếu sót, hoặc đã thấy mình sai lỗi, nhưng né tránh, không chịu thừa nhận; hoặc có thừa nhận, nhưng không chịu sửa chữa, không xin lỗi, hoặc có sửa chữa mà cũng không thành thật, không quyết tâm cho đến cùng! 

      -Chúng ta đã bàn luận sự đời lâu rồi, chắc cháy điện thoại mất! Có gì chúng ta sẽ bàn luận những chuyện “nhân tình thế thái” sau ! Chúc Kiều vui vẻ để dưỡng bệnh nhé!

      -Cám ơn chị Tâm, buổi đối thoại hôm nay đã cho chúng ta một bài học là làm điều gì lầm lỗi thì phải sửa sai và xin lỗi, làm việc xấu, cố lấp liếm, che đậy, tưởng không ai biết đến, nhưng dưới ánh sáng mặt trời, không sớm thì muộn sẽ bị lòi ra thôi! Nhất là bị ray rức với tòa án lương tâm của chính mình. Chúng ta thì cứ theo Mỹ: "Sorry- excuse me" là xong chuyện! Khi chúng mình sơ ý đạp phải chân làm người khác đau đớn, mà phớt tỉnh thì to chuyện, nhưng nếu chúng ta suýt xoa theo nỗi đau của họ, mà xin lỗi thì dù có đau rớt nước mắt, họ cũng cười theo ta thôi! Chúc chị an vui, hạnh phúc nhá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét