2. Lý Cây Đa (Dân ca Miền Bắc): Ngọc Hạ
3. Lý Tình Tang (Dân ca Miền Trung): Hạ Vy
4. Lý Ngựa Ô (Dân ca Miền Nam): Sơn Tuyền
.............................. .............................. .............................. ................
I. Chuyện Thời sự & Xã hội hàng Tuần:
Giao Chi, San Jose:
Kính thưa quý bằng hữu và độc giá.
(Không tranh luận, không chống đối, không hận thù, chỉ đơn thuần là thông tin...)
Trong mấy ngày qua chúng tôi cũng như các bạn vẫn tiếp tục theo dõi những tin tức tiếp theo cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đồng thời cũng đọc nhiều tranh luận giữa 2 quan điểm. Tuy nhiên riêng phiá người Việt Nam bênh vực và ca ngợi phe Cộng Hòa thường dùng những ngôn ngữ nặng nề và chụp mũ rất đáng tiếc. Trong khi đó đề tài chính hiện nay rất quan trọng không được quan tâm. Đó là trong chiến thắng của tân tổng thống Trump ông xử dụng xuất sắc chiêu bài kỳ thị và thuyết phục được những cử tri da trắng nhập cuộc. Những cuộc biểu tình hiện nay tại các đô thị đã nêu đích danh phản đối vị tổng thống kỳ thị. Nhưng đặc biệt bài báo của bỉnh bút David Remnick là tổng biên tập tạp chí The New Yorker (xem bài Giao Chỉ) có tựa đề là , “An American Tragedy,” The New Yorker, November 9, 2016. do ông Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ rất cần được đọc qua (là một ví dụ).. Thêm vào đó cách đây hơn 20 năm nhân dịp sưu tầm tài liệu cho nghĩa trang quân đội Biên Hòa chúng tôi có lên DC thăm nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ và thăm các di tích của cuộc nội chiến tại VA. Chúng tôi viết bài về cuộc chiến tranh Nam Bắc. Đọc đoạn tin tức này quý vị sẽ nhận ra rằng hơn trăm năm trước các tiền nhân da trắng của nước Mỹ đã nhìn thấy hiểm họa của chế đó nô lệ và tinh thần kỳ thị chủng tộc. Biết bao nhiêu thanh niên và dân chúng Hoa Kỳ đã chết vì đất nước này muốn giải quyết dứt khoát một lần ý nghĩa của nhân quyền. Từ ngày đó đến nay không một vị tổng thống nào có can đảm chủ trương kỳ thị dù là trực tiếp hay gián tiếp. Nếu còn có mầm ung thư tư tưởng này thường được dấu kín ở từng cá nhân. Qua thế kỷ 21 lần đầu bộc lộ từ một nhà lãnh đạo. Chúng ta, dù có giấy tờ hay không, cũng là di dân, đối tượng trực tiếp của tinh thần kỳ thị. Nên biết thật rõ mọi tin tức. Phải hiểu rõ tinh thần trong sáng, tử tế và nhân đạo của dân Mỹ và chính quyền Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón chúng ta gần nửa thế kỷ vừa qua. Đặc biệt 10 vị tổng thống từ ông Kennedy cho đến ông Obama hiện nay, dù Dân chủ hay Cộng Hòa không một ai trong bất cứ giai đoạn nào công khai dám miệt thị đàn bà hay một sắc dân, dù là dân ở lậu. Ngôn ngữ của cảnh sát Mỹ ngay ở tòa án gọi tên các nghi can trọng tôi đều phải thưa ông. Đặc biệt những người Mỹ trắng vô cùng lịch sự và quảng đại đã vui lòng đón tiếp di dân đói khát khổ sở từ bốn phương đến Mỹ theo đúng tinh thần của tượng nữ thần Tự do ở hải cảng Nữu Ước. Nhưng ngày nay vị tân tổng thống của chúng ta đã vô tình hay cố ý tạo ra mầm kỳ thị và xây xong bức tường tinh thần chia người da trắng với di dân đủ mọi sắc tộc. Sai lầm tại hại nầy dù ông không nói ra trực tiếp nhưng đã thể hiện rõ ràng. Đề cập những vấn đề này không phải chúng tôi kêu gọi sự chống đối. Thực sự, khả năng của chúng ta rất giới hạn. Nhưng điều quan trọng hơn hết là phải hiểu rõ đâu là sự thực. Xin đừng có ảo tưởng. Việc xây dựng và hàn gắn những chia rẽ sau kỳ bầu cử là phải chấm dứt ngay các tin tức sai lạc và chửi bới trong cộng đồng. Mở rộng vòng tay thông cảm giữa các sắc dân đặc biệt là cộng đồng người Mễ bên cạnh chúng ta. Đồng thời phải hiểu rằng người Mỹ quanh ta đều là những người hiểu biết và hầu hết không chủ trương kỳ thị. Hãy bỏ lại sau lưng tinh thần đảng phái và các ý kiến xuyên tạc mâu thuẫn.Đồng thời cũng phải cảnh giác để tìm cách ngăn chặn tinh thần kỳ thị đã được chôn cất hàng trăm năm trước nay đã nẩy mầm sau kỳ bầu cử xấu xa vừa qua. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay.
***
LTUC: Nhiều bài viết hay, qua cách nhìn khác nhau, thật đa dạng. Nhưng vì dung lượng LTUC có giới hạn, chỉ xin giới thiệu cùng Thân hữu một số bài sau đây:
(i): T. Vấn: Thư gởi con gái của một người Tỵ nạn Việt Nam
Cám ơn nước Mỹ Vĩ đại
Con gái của Bố!
Đã một tuần lễ trôi qua, kể từ đêm hai bố con mình hầu như thức trắng, mỗi người ở một nơi mà khoảng cách không gian tính ra dài gần một ngàn dặm đường. Qua trung gian đường dây điện thoại, bố cảm được nỗi tuyệt vọng của con khi nhìn những con số nhảy múa trên mặt màn hình máy tính. Ở căn nhà cũ của chúng ta, nơi con sinh ra và trưởng thành, rồi bay ra khỏi tổ ấm đi xây dựng đời mình, bố cũng ngồi lặng lẽ trước máy tính, cũng cùng một cảm xúc như con. Vì những con số đang nhẩy múa ấy, đã không như bố và con mong đợi.
Sự không mong đợi ấy, với bố, tuy là một ngạc nhiên thật khó chịu, nhưng không đến nỗi khiến bố bị mất thăng bằng tâm lý. Sống đến từng tuổi này, bố đã nhiều phen trải qua những bất ngờ bi thảm hơn thế, tệ hại hơn thế. Thí dụ như cái kết bất ngờ của cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc ấy con còn đang ở lơ lửng đâu đâu trong vũ trụ mênh mông này.
Với con, bố biết, đó là một biến cố sẽ ghi dấu trong tâm hồn non trẻ của con như là một trong những sự kiện khó quên của một đời người. Giọng nói sũng nước, ngắt quãng của con qua điện thoại, vào lúc 2 giờ sáng, với một câu đơn giản “Bố chưa đi ngủ hả bố?” đã đủ để bố hiểu hết những gì đang diễn ra trong đầu con lúc ấy.
Cuộc chạy đua vào chức vụ quyền lực nhất hành tinh đã kết thúc. Có một kẻ thắng. Và tất nhiên, bên cạnh đó có một người thua.
Bố biết, cùng với hàng triệu người, hàng chục triệu người, hàng trăm triệu người (Mỹ và không phải Mỹ trên thế giới) đêm hôm đó con đã khóc. Không phải vì kẻ thua. Bố biết điều đó. Nếu nước mắt đổ ra vì một kẻ thua trên đấu trường chính trị, thì chẳng có gì nhiều để nói. Và hẳn là bố sẽ không có động lực để ngồi viết lá thư này cho con. Cho cả những người trẻ đã ôm nhau khóc, hay lặng lẽ ôm mặt tức tưởi một mình như con, đêm hôm đó.
Bố hiểu, nước mắt của con, của những người trẻ cùng trang lứa, đã đổ ra vì kẻ thắng. Hay nói đúng hơn, vì những lá phiếu của gần 60 triệu cử tri Mỹ đã bỏ cho ông ta.
Con khóc cho một niềm tin vào sự tốt đẹp của con người, mà nước Mỹ là nơi sản sinh ra những biểu tượng tốt đẹp nhất, là thành trì kiên cố nhất để bảo vệ, để xiển dương, nay dường như đã không còn là nước Mỹ mà cả thế giới hướng về như một vị cứu tinh mỗi khi hoạn nạn.
Có thể con đang tự hỏi con: Tại sao thế?
Bố cũng đang tự hỏi mình: Một anh trọc phú gặp vận may, cuối đời muốn kiếm thêm một danh vị cho xứng với sự giàu có (?) của mình, thì có gì mà phải bi thảm hóa vấn đề như thế?
Rà soát lại tất cả những gì xẩy ra từ hơn một năm nay, bố trả lời con – và cả với chính bố rằng: Đấy chính là vấn đề. Vì chỉ muốn kiếm thêm một chút danh vọng cuối đời, ông ta đã bất chấp tất cả những chuẩn mực đạo đức tối thiểu của một con người bình thường: dối trá, bịa đặt, mị dân, khơi dậy những phần u tối nhất vồn tiềm ẩn trong mỗi con người để họ tưởng rằng ông ta chính là vị cứu tinh thời đại, chính là sứ thần đến từ trời, và bằng phép lạ trời trao, ông ta sẽ biến đất nước này thành vĩ đại như nó đã từng vĩ đại (trong trí tưởng tượng của ông ta và của phần u tối nhất trong mỗi con người).
I am the only one who can fix our problems! (Nghĩa là: Tôi là người duy nhất có thể sửa lại những vấn đề tệ hại của nước Mỹ).
Con có còn nhớ trong một buổi nói chuyện với cử tri, sau khi chỉ ra những vấn đề có thật và không có thật của nước Mỹ hiện tại, ông ta đã hùng hồn tự tuyên xưng như thế. I am the only one who can fix our problems!
Thời buổi nhiễu nhương thường hay xuất hiện những kẻ giả hình. Như ở Phi Luật Tân. Như ở nước Anh. Như ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và chúng đã thành công trong sứ mạng tiêu diệt những gì tốt đẹp nhất của nhân loại theo lệnh của quỷ dữ, theo lệnh của những ước vọng tội lỗi ngàn đời mà mỗi con người chúng ta, chẳng may, cưu mang từ lúc mở mắt chào đời. Những ước vọng tội lỗi ấy, vốn đã bị trói tay trói chân nhờ những chuẩn mực luân lý, nhờ niềm tin tôn giáo, nhờ những luật pháp được đặt ra để ngăn ngừa, để trừng trị nếu một người nào đó để cho phần thú tính trong mình ngóc đầu dậy làm tổn hại xã hội chung quanh.
Thế nên, cái ý nghĩa biểu tượng đáng sợ nhất của kẻ giành được phần thắng trong cuộc đua nhơ nhuốc, bẩn thỉu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Mỹ, chính là đã khơi mào cho niềm hy vọng phục sinh những gì u tối nhất trong phần thú của con người bấy lâu nay bị sự công chính, điều thánh thiện thể hiện qua luân lý, qua tôn giáo, qua luật pháp đè bẹp.
Con biết không! Những người tị nạn Việt Nam mình, mấy chục năm trước đặt chân lên đất Mỹ, nhiều người may mắn chỉ gặp những người Mỹ đầy lòng hảo tâm, đầy lòng trắc ẩn sẵn sàng mở rộng vòng tay chào đón những kẻ hoạn nạn phải lìa bỏ quê hương xứ sở của mình đến đây nương thân, lập nghiệp.
Nhưng vẫn có những người tị nạn Việt Nam khác, chẳng may gặp phải những ánh mắt rẻ rúng, khinh miệt, thậm chí có những cử chỉ xua đuổi, dọa nạt nơi một số người bản xứ hẹp hòi, ích kỷ. Sở dĩ họ không dám làm điều gì tệ hại hơn là vì xứ sở này có luật pháp. Mà nếu họ vi phạm luật pháp thì chắc chắn sẽ phải gánh chịu hậu quả không hay. Nhờ vậy, chúng ta được sống an ổn, được có cơ hội vươn lên nơi mảnh đất hợp chủng này.
Con thử tưởng tượng chúng ta là những kẻ chân ướt chân ráo nhập cư nước Mỹ khi kẻ vừa thắng cuộc tranh cử đang chuẩn bị cầm quyền, khi những luận điệu dối trá mị dân của ông ta còn tươi rói bên tai những kẻ ủng hộ cho ông ta, khi mà cảm thức “phục hồi lại một nước Mỹ vĩ đại” đang thừa thắng xông lên trong mọi ngõ ngách của đời sống thường nhật: công ăn việc làm, sinh hoạt văn hóa xã hội . . . thì liệu cơ hội cho những kẻ “khốn cùng” này có được bao nhiêu phần may mắn như chúng ta đã từng may mắn mấy chục năm trước?
Dường như trong những kẻ tị nạn Việt Nam năm xưa, có người chỉ nhìn thấy phần “Rambo” siêu nhân, sức mạnh nước Mỹ trong những lời “huyên hoang”, “nói cho sướng miệng” của tay trọc phú, với hy vọng nhìn thấy ông ta “bóp nát” bọn Trung quốc láo xược, trừng phạt thẳng tay nhà nước độc tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng, nếu bình tâm lại, người ta sẽ thấy chính sách đối ngoại của nước Mỹ được đặt ra không phải chỉ bởi vị tổng thống đương nhiệm, mà còn bởi quốc hội, bởi những tổ chức lợi ích dấu mặt đằng sau sân khấu chính trị, và luôn luôn với mục tiêu vì quyền lợi nước Mỹ trên hết. Hiếu chiến hay ôn hòa, mạnh tay hay hòa hoãn, trước hết phải xem nó có đem lại lợi ích cho nước Mỹ hay không trước đã. Thế nên, mong đợi điều tốt lành xẩy ra cho đất nước mình bằng cách ủng hộ một vị tồng thống Mỹ “Rambo”, siêu nhân là một ảo tưởng tội nghiệp.
Để rồi quên đi, hay không nhìn thấy, những hệ quả đáng sợ của một quan niệm (không phải chính sách, vì sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành chính sách) có tính kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo của kẻ đang chuẩn bị nắm quyền ở nước Mỹ. Gần 60 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông ta là những người đã, đang và sẽ sở hữu vũ khí (giết người) trong tay với chỗ dựa, niềm tin, lý do biện minh là Hiến Pháp nước Mỹ cho phép họ sở hữu chúng, rằng người giữ chức vụ cao nhất của chính quyền nước Mỹ muốn họ sở hữu chúng. Điều gì sẽ xẩy ra – khi một kẻ điên, kẻ cuồng tín, kẻ ganh ăn tức ở, kẻ nhìn người khác chủng tộc đến đây như là để giành mất công việc béo bở lương cao, chiếm mất chỗ ở được thiên nhiên ưu đãi khí hậu hiền hòa, lái những chiếc xe sang trọng sản xuất từ ở những nơi không phải nước Mỹ, là những kẻ làm cho nước Mỹ không còn vĩ đại như xưa nữa – lúc nào cũng có sẵn cây súng trên tay.
Trong số 60 triệu người ấy, chỉ cần một tỉ lệ rất nhỏ có tâm trạng bất ổn như thế cũng đã đủ để đe dọa sự an toàn của 300 triệu người còn lại, trong đó có con cái những kẻ tị nạn người Việt, những sản phẩm thượng hạng của sự cần cù, cầu tiến, quyết tâm vươn lên, quyết tâm chăm chỉ học hành và hiện đang may mắn có được những công ăn việc làm tốt đẹp, làm chủ những căn nhà đắt tiền, những chiếc xe tiện nghi, những cơ sở kinh doanh, dịch vụ phát đạt khắp nơi trên đất Mỹ.
Thành quả ấy không đến từ sự may mắn từ trời rơi xuống. Và chắc chắn, không đến từ kẻ huyênh hoang tự tuyên xưng “I am the only one who can fix it!”. Trong một xã hội cạnh tranh công bằng, kẻ nào chăm chỉ, kẻ nào thông minh, kẻ ấy sẽ thành công.
Trên thế giới này, không có chủng tộc nào thông minh hơn, tài giỏi hơn chủng tộc nào. Chỉ có những môi trường lành mạnh thích hợp cho những bộ óc lỗi lạc phát triển tài năng của mình. Xã hội Mỹ hiện nay đang chứng tỏ là một môi trường lành mạnh, là nơi mọi tài năng bất kể chủng tộc, màu da, tôn giáo, đức tin – đều có cơ hội chứng tỏ chính mình. Chính vì thế, nó thu hút những bộ óc lỗi lạc đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây mới chính là sự vĩ đại của nước Mỹ, mà không quốc gia nào trên thế giới có thể cạnh tranh được với nó. Nó vĩ đại vì nó đã giúp cho những con người vĩ đại trở nên vĩ đại, vì những con người này không thể có được những thành tựu vĩ đại nếu họ không sinh sống ở nước Mỹ. Một thanh niên Việt Nam mới 18 tuổi đã trở thành giáo sư phụ tá giảng dạy môn Toán Học ở một trường đại học lừng danh ở tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đạt được thành tựu đó nếu em sinh sống ở Việt Nam, ở trên quê hương cha sinh mẹ đẻ của mình. Và sự thành công ấy đến từ nước Mỹ, của nước Mỹ, chứ không phải Việt Nam. Vinh dự ấy là dành cho nước Mỹ, chứ không phải “vinh danh tổ quốc Việt Nam” như báo chí trong nước một dạo làm ầm ĩ về sự kiện này.
Theo bố, khẩu hiệu mị dân “Make America Great Again” chỉ làm cho nước Mỹ kém đi phần vĩ đại như nó hiện đang được thế giới tôn xưng là vĩ đại. Một căn nhà, một đất nước làm sao có thể trở thành vĩ đại nếu như nó không thể dung chứa được thế giới trong căn nhà, trong mảnh đất của mình?
Con hiện làm việc trong lãnh vực phần mềm máy tính, máy điện thoại thông minh. Bạn bè, thầy cô của con có nguồn gốc từ hầu như khắp nơi trên thế giới. Vì thế, thành phần tôn giáo những người này cũng rất đa dạng. Nhưng, như con đã kể với bố, họ đều có cùng một mẫu số chung: niềm đam mê với công việc họ đang làm, đam mê với những phát minh có thể làm lợi cho toàn thế giới, biến những mã số vô tri vô giác thành công cụ xiển dương tình yêu, sự bình đẳng, sự sống chung hòa bình của những dị biệt trong mọi lãnh vực đời sống. Thêm một cái chung nữa: với những người trẻ đa chủng tộc, đa tôn giáo này, nước Mỹ là điểm tập họp, là nơi dung chứa, là mảnh đất màu mỡ nuôi nấng niềm đam mê của họ, giúp họ ngày một điêu luyện hơn trong kỹ năng mài dũa công cụ kỹ thuật đem con người trên thế giới đến gần nhau hơn trên một mặt phẳng toàn cầu.
Con gái của bố!
Bố hiểu rằng, suốt một tuần lễ nay, con và những người bạn trẻ của con sống trong một nỗi sợ hãi mơ hồ về sự bất an, về sự nhục mạ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Tin tức về những sự kiện người ta hành hung, đe dọa, phỉ báng lẫn nhau với lý do chủng tộc, tôn giáo, đồng tính xẩy ra dồn dập song hành cùng với những cuộc biểu tình xuống đường của những người không đồng ý với kết quả bầu cử ở khắp các thành phố lớn ở nước Mỹ hẳn sẽ khiến con càng thêm cảm thấy bất an hơn nữa. Con phải nhớ rằng nước Mỹ là nơi ai cũng được quyền nói lên ý kiến của mình. Và dù thế nào, vẫn còn đó một nền pháp luật nghiêm chỉnh. Và cho dù những kẻ từ trước tới nay vẫn không hề dấu diếm sự kỳ thị của mình đối với người da màu, đối với người khác chủng tộc, đã ngang nhiên lái những chiếc xe tải chạy thẳng vào đám đông người biểu tình cũng không hề có nghĩa là pháp luật hiện nay của nước Mỹ sẽ nhắm mắt để mặc họ muốn làm gì thì làm. Họ sẽ bị trừng trị, bất kể vị tổng thống vừa đắc cử là người đã “gây hứng khởi” (inspired) cho những hành động phạm pháp của họ.
Nước Mỹ không phải chỉ của gần 60 triệu người đã bỏ phiếu cho ngài trọc phú. 60 triệu 300 ngàn người khác đã chính thức bỏ phiếu ngược lại, trong đó có hai bố con mình. Và đừng quên gần 200 triệu người khác đã không bỏ phiếu, hay chưa được quyền bỏ phiếu, hay chưa đến tuổi được bỏ phiếu. Đó là bố không tính đến dư luận của những người công chính sống ngoài ranh giới nước Mỹ. Con số này lớn hơn rất nhiều.
Love trumps hate. Con thừa biết rồi đấy. Tình yêu luôn luôn chiến thắng hận thù. Lẽ phải luôn thuộc về đám đông. Con là một người trong đám đông ấy. Và con, cùng với các bạn của con, sẽ là những người chiến thắng, dù nhất thời các con cảm thấy mình bị hụt hẫng vì những gì hiện đang xẩy ra.
Cùng với hàng trăm triệu người Mỹ, con hãy tiếp tục chứng minh với những người muốn “Make America Great Again” rằng, nước Mỹ hiện nay đang vĩ đại vì những điều nó đang làm, vì nó đã dung chứa được những người như con, con cháu những kẻ khốn cùng năm xưa, những người như bạn bè thầy cô giáo của con, những kẻ có nước da đen vàng nâu xám nhưng máu trong tim vẫn mang một màu đỏ như bao người khác, và vì thế, cùng mang một ước vọng lớn nhất là giữ cho nước Mỹ luôn là mảnh đất mà cả thế giới hướng về, mỗi khi hoạn nạn. Làm được điều đó, là con đã tìm lại được sự bình an, không chỉ trong tâm hồn nhạy cảm của con, mà còn cả trong cuộc sống xã hội của con trên mảnh đất mà, nếu bố không có cơ duyên đến đây, chưa chắc con được ra đời, nói gì đến những kết quả của bao nỗ lực bố con mình đã cùng nhau chia sẻ 24 năm nay mà hiện con đang thụ hưởng.
Cùng nhau, con với bố, mình cám ơn nước Mỹ, cám ơn cả anh trọc phú vừa đắc cử vì nhờ anh ta, bố con mình mới nhìn ra được nước Mỹ vĩ đại biết là chừng nào.
(T. Vấn, 13-9-2016 - Báo NV). (Thành Phố Wichita, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ (Ngày Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ).
(ii) Hồng Hạnh: Trump buồn khi biết tin người ủng hộ kích động bạo lực
Tổng thống đắc cử Donald Trump nói "rất buồn" khi biết tin nhiều người ủng hộ ông đang kích động bạo lực và kêu gọi hãy "dừng lại".
Các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump diễn ra nhiều nơi khắp nước Mỹ sau ngày bầu cử. Trong chương trình "60 phút" của đài truyền hình CBS phát sóng hôm qua, khi được hỏi có biết tin về người ủng hộ đang kích động bạo lực và nhằm vào người Mỹ gốc Phi, người Hồi giáo không, ông Trump trả lời không.
Ông nói rằng không hề nghe thấy tin có xảy ra các hành vi bạo lực nhân danh ông do người ủng hộ tiến hành hay nhằm vào người ủng hộ.
Trao đổi với người dẫn chương trình Lesley Stahl, ông Trump nói thêm cũng không biết tin người ủng hộ ông nhục mạ về chủng tộc hay đe đọa người Mỹ gốc Phi, gốc Latin và người đồng tính luyến ái.
"Tôi rất ngạc nhiên khi biết tin", ông nói với Stahl, "Tôi rất bực bội khi biết tin, tôi xin nhấn mạnh là tôi rất bực bội khi biết tin".
"Nhưng ông có từng nghe tin không?" Lesley Stahl hỏi tiếp.
"Tôi không nghe ai nói, mà nhìn thấy. Tôi nhìn thấy một hoặc hai vụ", ông Trump trả lời.
"Trên mạng xã hội?" Lesley Stahl tiếp tục hỏi.
"Tôi cho đó chỉ là con số rất nhỏ", ông Trump nói.
Khi được Stahl hỏi muốn nhắn nhủ gì với những người ủng hộ gây ra các hành vi trên, ông nói:
"Tôi sẽ nói rằng đừng làm thế, thật kinh khủng, 'vì tôi sẽ đoàn kết cả nước lại'", ông Trump nói.
"Họ đang quấy rối người Latin và Hồi giáo đấy", Lesley Stahl nói.
"Tôi rất buồn khi biết tin. Hãy dừng lại. Nếu việc này giúp ích thì tôi sẽ nói câu đó và nói trước camera: 'Hãy dừng lại'", ông Trump nói. Các cuộc biểu tình phản đối ông Trump đã bước sang ngày thứ 5 ở Mỹ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (thật nguy hiểm). Tại các thành phố lớn như Los Angeles, New York, Chicago, hàng nghìn người đổ xuống đường, hô vang các câu khẩu hiệu như "không phải tổng thống của chúng tôi" hay "từ bỏ Trump".
"Đừng lo sợ. Chúng tôi sẽ đưa đất nước trở lại", Trump cho biết. Trump còn gửi thông điệp đến những người ủng hộ ông trong nhiều vấn đề nóng. Ông tái khẳng định trục xuất hoặc bắt giam lên tới ba triệu người nhập cư không giấy tờ, có tiền án.
Trump tuyên bố giữ cam kết xây tường ở khu vực biên giới với Mexico, có thể bao gồm một số hàng rào. Về Tòa án Tối cao, đang trống một trong 9 ghế, Trump cho biết ứng viên do ông đề xuất sẽ ủng hộ hạn chế phá thai, bảo vệ quyền sở hữu vũ khí theo hiến pháp. Trump không đảo ngược quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Mỹ. "Đó là luật. Nó được Tòa án Tối cao chấp nhận. Ý tôi là đã xong", Trump trả lời khi được hỏi về hôn nhân đồng tính. "Tôi chấp nhận nó".
Ước tính có hàng triệu người Mỹ theo dõi "60 phút" để tìm dấu hiệu về cách điều hành chính phủ của tổng thống đắc cử và ông đưa khẩu hiệu tranh cử vào chính sách như thế nào.
(iii) Hiếu Trung: Donald Trump có phải là cừu đội lớp sói?
Đến thời điểm này, việc chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có hình thù như thế nào và hoạt động ra sao vẫn đang là một bí ẩn lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây chấn động, cả thế giới đang chăm chú theo dõi mọi động thái từ tỷ phú Donald Trump. Điều tất cả đều băn khoăn và ngóng chờ là chính phủ của ông Trump bao gồm những ai, hoạt động như thế nào, sẽ lập tức theo đuổi những chính sách lớn gì. Và dường như không ai có câu trả lời.
Một nguồn tin của CNN tiết lộ trước ngày bầu cử, ông Trump cùng gia đình và đội ngũ cố vấn không quá kỳ vọng vào một chiến thắng gây sốc, do đó không có sự chuẩn bị cụ thể cho một cuộc chuyển giao quyền lực, chưa tính đến việc bổ nhiệm nhân sự trong nội các mới. Hiện tại, bộ máy của ông Trump đang vội vã thực hiện các bước đi cần thiết.
Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bước vào Nhà Trắng mà không hề có bất cứ kinh nghiệm chính trị, ngoại giao hay quân sự nào cả. Do đó, việc dự đoán bộ mặt của chính quyền Trump là cực kỳ khó khăn. Ông Trump thắng cử nhờ cá tính và khẩu hiệu kêu gọi tạo ra sự “thay đổi” chứ không phải nhờ đề xuất những chính sách cụ thể, hợp lý.
Là sói hay là cừu?
Có mặt trước cửa tòa nhà Trump Tower để theo dõi cuộc biểu tình chống tổng thống đắc cử, luật sư tài chính Randy Bies, người bỏ phiếu cho ông Trump, cho biết ông đang nóng ruột chờ đợi chính quyền mới. “Tôi nghĩ ông Trump sẽ điều hành đất nước giống như một công ty bởi ông ấy là một doanh nhân thành đạt. Tổng thống không cần có quá nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, điều quan trọng là lựa chọn đội ngũ nhân sự của chính phủ như thế nào. Đó là điều ông Trump phải rất kỹ càng”, ông Bies nói.
Cựu phóng viên Robert Hughes nhận định rằng trên thực tế, tổng thống đắc cử xuất thân từ một gia đình có tư tưởng chính trị thiên tả đậm chất New York. Bản thân ông Trump trong quá khứ từng là thành viên đảng Dân chủ và từng bộc lộ nhiều quan điểm chính trị thiên tả như hạn chế quyền lực của Phố Wall hay muốn đầu tư quy mô lớn để nâng cấp hạ tầng nước Mỹ.
“Trump là cừu đội lốt sói. Ông ta có những tuyên bố hùng hổ, cực đoan để thu hút giới cử tri bảo thủ, cực hữu, nhưng về bản chất vẫn là một người New York, một người thiên tả, theo chủ nghĩa chính trị tự do (liberal). Do đó có thể Trump sẽ không thực hiện các cam kết cực đoan đã đưa ra khi tranh cử”, ông Hughes dự báo.
Không ít người đã ngạc nhiên khi trong đêm chiến thắng, ông Trump khẳng định sẽ trở thành “tổng thống của tất cả mọi người”, “sẽ công bằng với tất cả mọi người” và nhấn mạnh “Đã đến lúc tất cả chúng ta phải đoàn kết”. Đó là giọng điệu ôn hòa hơn nhiều, rất khác với những luận điệu cứng rắn, cực đoan ông dùng để thu hút các cử tri da trắng, bảo thủ trước đó.
Sự khác biệt giữa tổng thống và ứng cử viên
Trong cuộc tranh luận thứ 2 giữa ông Trump và bà Hillary Clinton, tỷ phú New York đe dọa sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để truy tố cựu ngoại trưởng Mỹ. Ở các cuộc vận động của ông Trump, những người ủng hộ ông liên tục hô vang: “Bỏ tù bà ta (bà Clinton)”. Nhưng mới đây ông nói không để ý lắm đến chuyện truy tố bà Clinton vì muốn giải quyết các vấn đề như bảo hiểm y tế, công ăn việc làm, thuế, kiểm soát biên giới...
Năm ngoái, ông Trump gây sốc khi đòi cấm cửa người Hồi giáo vào Mỹ và kêu gọi siết chặt các quy định nhập cư. Nhưng khi có mặt ở Đồi Capitol hôm 10/11, khi được hỏi liệu ông có yêu cầu Quốc hội thông qua luật cấm người Hồi giáo vào Mỹ hay không, ông Trump phớt lờ không trả lời.
AP dẫn Donald Trump trả lời khi được hỏi ông có chấp nhận dùng hàng rào thay cho bức tường hay không trong chương trình "60 Minutes" của CBS ngày 13/11. "Nhưng có nơi xây tường lại phù hợp hơn. Tôi rất thạo việc này. Nó là xây dựng. Vài nơi có rào".
Mấy ngày qua, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ để phản đối ông Trump. Các buổi tối từ sau ngày bầu cử 8/11, tòa tháp Trump Tower trở thành điểm nóng biểu tình. Ban đầu, ông Trump phản ứng bực bội trên Twitter: “Những kẻ biểu tình chuyên nghiệp bị truyền thông kích động và đang biểu tình. Rất không công bằng”. Dòng tin nhắn đó gợi nhớ lại một ứng cử viên Trump đầy cáu kỉnh và rất dễ nổi giận. Nhưng mới đây ông Trump gửi lại một tin nhắn hoàn toàn khác trên Twitter: “Rất trân trọng việc các nhóm biểu tình nhỏ có lòng yêu nước nồng nàn. Chúng ta sẽ đoàn kết cùng nhau”.
Những người ủng hộ ông Trump như luật sư Bies cho rằng tổng thống đắc cử cần có thời gian để thích nghi với Nhà Trắng. Theo các chuyên gia, cần phải chờ đến khi ông Trump bổ nhiệm vị trí chánh văn phòng thì mới có thể đoán được phần nào bộ mặt của chính quyền Donald Trump và đường hướng sắp tới của nước Mỹ.
(iv) Bs Đào Như: Tổng Thống Barack Obama Có Thể Chuyển Hóa Donald Trump?
Qua cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vừa rồi hôm 8-11-2016, với một chiến thắng đắc cử bất ngờ, gây sốc, Donald Trump thật sự đã làm nên lịch sử khiến nhiều người lo lắng cũng như một số người hy vọng. Chắc chắn cuộc trỗi dậy của Donald Trump sẽ đe dọa nặng nề và cũng có thể kích động một cuộc cách mạng rộng lớn làm lung lay nền tảng xã hội, kinh tế, chính trị văn hóa không những ở Mỹ và cả toàn cầu. Nếu không khéo được lãnh đạo và hướng dẫn tốt cuộc cách mạng này với tư tưởng bảo hộ mậu dịch, khu trú kinh tế và văn hóa của Donald Trump, có thể như một cơn địa chấn làm sụp đổ nền hòa bình và thịnh vượng kinh tế, khu vực và kỹ thuật công nghệ chế biến mà nhân loại hằng vun xới sau khi chấm dứt được cuộc Chiến Tranh Lạnh từ năm 1991.
Một chỉ dấu không mấy phấn khởi cho xã hội cởi mở của Mỹ và cả nhân loại, hôm chủ nhật 13-11-2016, Donald Trump đã chỉ định Stephan Bannon vào chức năng White House Administration Strategist, một vị trí chủ chốt trong hàng ngũ lãnh đạo trong chính phủ Trump. Ai cũng biết Stephen Bannon là người kỳ thị chủng tộc triệt để, miệt thị phụ nữ (misogynistic), và óc thủ cựu cực đoan bài ngoại (xenophobic), bảo hộ mậu dịch, khu trú kinh tế văn hóa. Khi gặp được Bannon, Donald Trump có cảm tưởng như gặp được chính mình. Chính Stephen Bannon là người đã xách động những cuộc tranh cử tổng thổng của Trump trong mùa tranh cử vừa qua và đã giúp Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Phải chăng việc tiến cử Bannon vào chức năng Administration Strategist là một cách tri ân của Donald Trump đối với Bannon. Nếu quả thật như vậy trong tương lai đường lối lãnh đạo của chính Phủ Trump sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và tai hại của Stephen Bonnon, phía sau Bannon là tổ chức Alt-Right, Ku Klux KLan. Thật bất ngờ một hiệu ứng quá sớm của sư kiện này, hôm sáng 15-11-2016 hãng thông tấn AP cho hay ở Quận Clay thuộc West Virginia, một nữ Giám Đốc của một tổ chức xã hội, bà Pammala Ramsay Taylor đẽ tung lên trên Facebook với những lời lẽ miệt thị nặng nề chống lại Dệ nhất Phu Nhân Michelle Obama khi so sánh đương nhiệm First Lady với bà Melania Trump: ”It will be refreshing to have a classy, beautiful, dignified First Lady in the white house. I’m tired of seeing an Ape in heels” https://www.yahoo.com/news/off icial-west-virginia-leave-raci st-obama-post-132100329.html. Ngay cả kẻ viết bài này không đủ can đảm chuyển ngữ đoạn văn ở trên ra tiếng Việt sợ xúc phạm Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama.
Trong cùng lúc đó, hôm thứ Ba 15-11-2016 Tổng Thống Barack Obama đang có buổi họp báo chung với Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras tại Thủ đô Athena để khẳng định với chính phủ và người dân Hylạp mối quan hệ phát triển kinh tế và chính trị văn hóa giữa hai nước Mỹ Hy lạp là một thỏa ước có lợi ích hỗ tương, vẫn được tiếp tục tăng cường bền chặt sẽ không hề bị sứt mẽ hay giảm sút vì sự trỗi dậy của Doanald Trump như là vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có tư tưởng bảo hộ mậu dịch, kỳ thị chủng tộc, khu trú văn hóa…
Thật vậy, theo dự tính vào đầu tuần lễ thứ 3 của tháng 11-2016 Tổng thống Barack Obama sẽ thực hiện chuyến công du hải ngoại lần cuối cùng để giải độc thế giới trước sự trổi dậy hãi hùng của nhà tài phiệt địa ốc, Donald Trump, vừa đắc cử Tổng Thống thứ 45 của Mỹ: https://www.yahoo.com/news/las t-foreign-tour-obama-must-way- explain-trump-135707909--polit ics.html.
Mục đích của chuyến công du hải ngoại lần cuối cùng, Tổng thống Barack Obama sẽ cố gắng giải độc các nhà lãnh đạo Á, Âu trước sự trỗi dậy hung hãn của tân Tổng thống Mỹ, Donald Trump. Để thuyết phục các nhà lãnh đạo Á, Âu, Tổng thống Obama sẽ nêu lên và cố gắng bảo vệ những gia trị nhân văn sẵn có của Mỹ như tinh thần một đất nước lãnh đạo kinh tế và chính trị thế giới với tinh thần đầy nhân bản, biết tôn trọng nhân quyền với đề xuất chủ nghĩa Toàn Cầu Hóa, các quốc gia lớn nhò đều có quyền tự do cạnh tranh lành mạnh và công bẳng. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được tự do phát triển bản sắc văn hóa riêng của mình. Sự thông thương hàng hóa sản xuất qua các đường biên giới được tự do và dễ dàng hơn trước. Những hiệp ước ước kinh tế và mậu dịch IMF và WB, nhất là trung tâm Mậu dịch thề giới-WTO- được dựng lên dưới sự thúc đẩy đóng góp lớn lao của chính phủ Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã từng bảo hộ giúp đỡ các nước nghèo đói tàn phá vì chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, đã trở nên những quốc gia hùng mạnh về kinh tế trong đó có Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nhật, Nam Triều Tiên,.. Kế hoạch viện trợ kinh tế Marshall của Mỹ đã một thời cứu giúp châu Âu thoát khỏi nghèo đói, sau Đại Chiến Thế giới II…Từ năm 1985 nước Mỹ không ngừng viện trợ kinh tế giúp đỡ các quốc gia Đông Âu, những ‘Cộng Hòa Mới’ vừa thoát khỏi xiềng xích của Liên Xô…Ngoài ra nước Mỹ cũng đang theo đuổi và phát triển những giá trị nhân văn khác như American Value-American Dream…Núớc Mỹ không ngừng mở tung cách cửa đón tiếp những người tỵ nạn kinh tế cũng như chính trị, Nước Mỹ biết tôn trọng quyền tự do cư trú của nhân loại cũng như của người dân Mỹ…
Mặc dầu sự trỗi dậy của Donald Trump đậm đặc màu sắc hung hãn, phẫn nộ với thế giới bên ngoài, nhưng tổng thống Obama đoan chắc rằng dù sao Donald Trump cũng là một phần của di sản nhân văn của Mỹ….
Tại Cộng hòa Liên Bang Đức, một đồng minh vô cùng gần gũi quan trọng của Mỹ tại châu Âu, Tổng thống Obama sẽ có cuộc hội kiến với thủ tướng Angela Merkel, ông sẽ giải tỏa được mối lo âu của chính phủ CHLBĐ bằng cách ông cam kết Mỹ sẽ tiếp tục quan hệ chặt chẽ với châu Âu, với Bruxell cũng như với Berlin, ông tái khẳng định nước Mỹ cần có châu Âu cũng như Châu Âu cần có Mỹ. Mối quan hệ hỗ tương lợi ích này sẽ không hề bị giảm sút nếu không muốn nói sẽ được ổn định hơn bao giờ hết trong những tháng, năm sắp tới dưới thời của tân Thổng thống Mỹ, Donald Trump.
Tổ chức NATO-Liên Minh Quân Sư Bắc Đại Tây Dương- cũng được ông giải độc vì họ lo lắng trước sự hâm dọa của Donald Trump rằng Mỹ sẽ rút ra khỏi khối này nếu Mỹ phải tiếp tục tài trợ cho tổ chức này. Obama đã minh bạch vấn đề này: Nếu Mỹ rút khỏi tổ chức NATO là Mỹ vô tình làm theo ý nguyện của Nga - vì Nga luôn luôn muốn triệt hạ hoặc chủ động tham gia, điều khiển tổ chức này để khống chế Tây Âu.
Tổng thống Obama còn phải giải tỏa nỗi băn khoăn của một số nước thuộc khối EU: liệu tổ chức chống lại thay đổi khí hậu toàn cầu vừa ký kết tại Paris hồi năm ngoái có còn tồn tại hay không trước sư hâm dọa của Donald Trump rằng Mỹ sẽ rút ra khỏi tổ chức này khi Trump lên làm Tổng thống Mỹ?
Chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du này, tổng thống Obama sẽ đến tham dự Hội Nghị Cấp cao khối hợp tác kinh tế Á châu Thái BÌnh Dương-APEC- lần thứ 24 được tổ chức trong hai ngày 18-19-tháng 11-2016 tại thủ đô Lima của Peru. Tại đây Tổng thống Obama sẽ có buổi hội kiến riêng với nhà lãnh đạo Trung quốc,Tập Cận Bình và Thủ tướng Úc, Malcoln Turnbull, bên lề hội nghị này. Ông sẽ đưa ra những lời cam kết với TQ trên mối quan hệ thương mại chính trị vì lợi ích chung của cả hai quốc gia, mối quan hệ này sẽ tiếp phát triển tốt đẹp ngay dưới thời đại của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Nói tóm lại trong chuyến công du châu Âu lần cuối này, Tổng thống Obama đưa ra những cam kết để giải độc các nhá lãnh đạo Á, Âu, bị gây sốc, lo lắng trước sư trỗi dậy hung hãn của Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, bằng cách ông đề cao và bảo vệ những giá trị nhân văn sẵn có của Mỹ và những giá trị khác mà Mỹ đang tiếp theo đuổi và phát triển như American Value- American Dream. Và Donald Trump, một công dân tiến bộ của Mỹ, một vị Tổng thống biết yêu nườc Mỹ, do đó trước sau gì ông cũng là một phần của di sản văn hóa nhân bản của Mỹ.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Tân tổng thống Donald Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ theo đúng những qui tắc được ông đề ra trong thời điểm tranh cử, một chủ nghĩa dân túy cực đoan, hay là ông sẽ lãnh đạo nước Mỹ theo chủ nghĩa thực dụng, hợp lý và phù hợp với những giá trị nhân văn sẵn có của Mỹ như Tổng thống Obama đang tin tưởng ở ông ?.
Đào Như (BS ĐàoTrọng Thể) - thetrongdao2000@yahoo.com
Arlington Heights-Illinois-USA. Nov-16-2016
(v) Gs Tương Lai: Sau cơn địa chấn là sự trầm tư
Sau sự choáng váng bởi cơn địa chấn Trump là sự trầm tư. Mà trầm tư để dám và biết tỉnh thức về thời cuộc. Đôi mắt phải mở to hơn để nhìn thấu vào chiều sâu của các hiện tượng đã và đang diễn ra. Cái đầu phải trầm lắng lại để lần lượt bóc tách những cảm tính quá bức xúc về những nghịch lý nhằm lần cho ra cái hạt nhân duy lý của sự kiện đã và đang phơi bày về cơn địa chấn, từ cơn địa chấn và những dư chấn của nó.
Ai đó đã gợi ra một ý tưởng đáng ngờ song cũng không phải là không đáng lưu tâm: không nên có những phản ứng xúc cảm đối với chính trị, vì xúc cảm là thứ quý giá, cho nên không nên đầu tư xúc cảm cho chính trị, cho những chính khách mà mình thích. Thắng lợi của Trump, trên hết, là thắng lợi của một nền dân chủ trưởng thành cho dù vẫn có ý kiến ngược lại rằng đó là một bi kịch của nền dân chủ Mỹ. Thắng lợi đó có phần đóng góp rất lớn của những người đã không bỏ phiếu cho Trump nhưng có người lại tìm thấy ở đó tính mong manh của những thể chế Mỹ và rằng lịch sử nước Mỹ cho thấy chính trị ôn hòa bao giờ cũng thua chính trị quá khích!
Vượt lên trên mọi tranh luận và sự đối nghịch của lý lẽ, có một sự thật là cơn địa chấn của cuộc bầu cử Tổng thồng Mỹ gây ra đang để lại những dư chấn (aftershock) ghê gớm khắp thế giới. Chẳng thế mà Trung tâm điện toán của Sở Di trú Canada đã bị tắc nghẽn ngay khi chỉ mới có tin sơ khởi về kết quả kiểm phiếu mà Trump đang dẫn trước Hilary, số lượng người Mỹ vào website tìm kiếm cách thức di dân qua Canada tăng lên đến độ chóng mặt, khiến cho máy chủ bị quá tải, ngưng chạy.
Cùng lúc, Sở Di trú của New Zealand cho biết số lượng người truy cập website của họ tăng lên 25 lần so với hàng ngày trước đây. Một số ngôi sao nghệ thuật của Mỹ như Cher, Barbara Streisand, Amy Schumer, Chelsea Handler, Bryan Cranston đã lên tiếng cho biết sẽ di dân đến Úc, Canada, New Zealand … Khi kết quả chính thức Trump đắc cử, nhiều cuộc xuống đường chống lại người sắp vào Nhà Trắng xảy ra nhiều nơi trên nước Mỹ từ các tiểu bang miền Đông qua miền Tây, New York, Chicago, Washington qua Seattle, Los Angeles với hàng ngàn người tham dự.
Ngay cả đảng viên Đảng Cộng hòa cũng kéo đến tòa Bạch Ốc biểu tình phản đối sự đắc cử của ông Trump. ACLU, tổ chức dân quyền lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ, tuyên bố sẵn sàng ‘nghênh chiến’ với vị tân Tổng thống tại toà về sáu chính sách vi hiến của ông này. Thế rồi, trước khi chính thức trở thành ông chủ để bước vào Nhà Trắng, Donald Trump sẽ phải hầu tòa tại San Diego, California ngày 28/11/2016 tới, khi khai mở phiên tòa xử hai vụ kiện tập thể chống lại Trump University. Một vụ kiện tập thể khác sẽ do tòa án New York xử, nhưng chưa ấn định ngày. Rồi thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nơi khác chao đảo…
Kể sao cho xuể những dư chấn?
Đúng là không nên vung vãi cảm xúc cho chính trị và các chính khách. Nhưng chuyện này không dễ. Khi viết về “Sự bẩn thỉu của chính trị” trong “Mênh mông thế sự 47” thì chẳng phải đó là cách biểu tỏ một thái độ bằng cảm xúc đó sao, tôi nghĩ vậy. Và hôm rồi, 9.3.2016 (tức là ngày 8.11 ở Washington) nhận lời mời của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đến GEM CENTER theo dõi trực tuyến cuộc tường thuật trực tiếp diễn tiến cuộc bầu cử ở Mỹ, khi trên màn hình lớn xuất hiện số phiếu đại cử tri Trump giành được vượt hẳn Hillary, ngụm cà phê đắng ngắt trong cổ họng tôi, phải khó nhọc lắm mới tì vào gậy đứng dậy được để đặt chiếc ly đang uống dở vào khay người phục vụ đi qua. Phải chăng đó chính là vị đắng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy kịch tính với kết quả quá bất ngờ đã xóa nhòa hình tượng hấp dẫn và quyến rũ mà nền chính trị dân chủ Hoa Kỳ đã từng đại diện? Charles Sellers, phụ trách chính trị của Tổng lãnh sự quán, chính xác là Political Section Chief, bước tới chìa tay chia sẻ với tôi. Anh hỏi và tôi trả lời: “Đương nhiên là tôi hy vọng Hillary, và vì thế tôi không đủ sức ngồi lại theo dõi tiếp được nữa, Trump thắng mất rồi”. Charles ái ngại nhìn tôi: “Mong chúng ta sớm gặp nhau, 19 tháng 11 được không?”, thấy tôi chưa trả lời, “Tôi sẽ gọi cho ông sau nhé” anh nói và nắm chặt tay tôi. Lặng lẽ tôi chia tay anh ra về. Vậy đấy, làm sao thoát khỏi chính trị, làm sao để không giành xúc cảm cho chính trị đây? Đương nhiên, có nhiều cách tiếp cận và đo đếm về những dư chấn của cơn địa chấn Trump, một sự kiện chính trị làm bàng hoàng nước Mỹ và cả thế giới từ những chỗ đứng khác nhau.
Thì đó, Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, người viết bài này đã có hân hạnh gặp và nghe ông thuyết trình tại Sài Gòn cách nay chừng năm năm, vừa viết trên New York Times: “Mỹ có phải đã là quốc gia hoặc một xã hội thất bại không”, “Tôi đã từng nghĩ phần lớn người Mỹ sẽ trân trọng các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền. Nhưng hóa ra chúng ta đã sai. Rất nhiều người, chủ yếu là người da trắng ở nông thôn, không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của chúng ta về nước Mỹ. Đối với họ, đó chính là máu và đất, là truyền thống gia trưởng và các bậc thang chủng tộc”… Vậy là Paul Krugman nghĩ rằng, cũng như ông, người Mỹ sẽ bỏ phiếu lựa chọn cho những giá trị mà ông theo đuổi nhưng rồi họ đã lựa chọn khác. Mà khi đa số cử tri đã lựa chọn, thì dù có khác với những giá trị mà những đầu óc cỡ người được giải Nobel như Paul dù ngỡ ngàng cũng phải chấp nhận. Cũng nên nhắc lại rằng, Paul là người xây dựng lý thuyết mới nhằm xác định những ảnh hưởng của tự do mậu dịch và toàn cầu hóa cũng như các lực lượng dẫn dắt nằm sau quá trình đô thị hóa đang diễn ra mãnh liệt trên khắp thế giới, người tích hợp được những lĩnh vực nghiên cứu vốn khác hẳn nhau về thương mại quốc tế và địa lý học kinh tế. Đây cũng là những vấn đề mà Donald Trump đang làm rối tung lên với những quyết sách kinh tế đã lớn tiếng tuyên bố trong phát biểu tranh cử!
Bởi vì khác với Paul, Trump “không chơi theo luật thông thường hiện hữu”, Trump nói, vì “Tôi không phải một chính trị gia đang thực hiện các cuộc điều tra dư luận để xem mình nên “tin” hay nói điều gì. Tôi đang nói về các vấn đề như thực tế đang xảy ra và chạm đến cốt lõi của thứ mà tôi nghĩ sẽ khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại”. Đây là những câu tôi nhặt ra từ cuốn sách “Nước Mỹ nhìn từ bên trong” của Trump. Và rôi, tôi cũng thật sự “sốc” khi tôi đọc những dòng sau đây của người đang chuẩn bị bước vào Nhà Trắng vào ngày 20.1.2017 tới đây: “Không ai trả tiền để tôi nói những điều này. Tôi đang tự trả phí tổn để đi con đường của mình và tôi không chịu ơn bất cứ nhóm đặc lợi hay giới vận động hành lang nào” và rằng “nước Mỹ không cần thêm những chính trị gia “chỉ nói suông” điều hành nó nữa. Nước Mỹ cần những doanh nhân thông minh hiểu cách quản lý. Chúng ta không cần thêm những màn hùng biện chính trị nữa, mà chúng ta cần thêm sự hợp lẽ. “Nếu nó không hỏng, thì đừng sửa nó”, song nếu nó đã hỏng, thì hãy ngừng nói để còn sửa chữa. Tôi biết cách sửa nó”.
Thế rồi tìm biết kỹ hơn một chút, người đang viết bài này hiểu ra được rằng gây sửng sốt cho những người đang theo đuổi những giá trị như chủ nhân của giải Nobel kinh tế năm 2006 còn có hiện tượng những chính khách cánh hữu theo đường lối dân túy từ Australia đến Pháp vui mừng với kết quả bầu cử Mỹ, cho rằng đó là một cú giáng mạnh vào thế lực uy quyền trên chính trường. Beatrix von Storch – Phó Chủ tịch Đảng AfD của Đức thì giải thích rõ: “Chiến thắng của Donald Trump là dấu hiệu cho thấy các công dân của thế giới phương Tây muốn một sự thay đổi rõ ràng về chính sách”. Còn Florian Philippot – một nhân vật cấp cao trong Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN), thuộc giới chính khách cực hữu Pháp, thì mừng rỡ thét lớn: “Thế giới của họ đang tan vỡ. Thế giới của chúng ta đang được xây dựng”. Thậm chí, Jean-Marie Le Pen – người sáng lập Đảng FN còn khẳng định: “Hôm nay là nước Mỹ, ngày mai là Pháp!”. Cần nhắc lại rằng Le Pen đã từng làm cho chính trường nước Pháp hoảng hồn khi vào đến vòng cuối cùng cuộc bầu cử năm 2002 của nước Pháp khiến cho hơn một triệu người đã xuống đường phản đối và rồi hơn 80% cử tri của tất cả các đảng phái Pháp phải dồn phiếu cho Jacques Chirac để ông này giành được ghế Tổng thống chỉ để ngăn Le Pen giành chiến thắng.
Vậy thì cái gì đang tan vỡ với hiện tượng Donald Trump?
Phải chăng đó là các học thuyết chính trị truyền thống trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ đã bộc lộ những bất cập, không giải quyết được các mâu thuẫn thời đại đặt ra trong thực tiễn. Các tờ báo lớn của Mỹ đều đồng loạt nhận sai lầm về cách đưa những dự báo về bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì sao thế nhỉ? Janine R. Wedel, giáo sư tại Đại học George Mason (Virginia, Mỹ), chỉ ra rằng: “Lòng tin là huyết mạch của một xã hội thịnh vượng, nhưng nhiều nước phương Tây lại đang cần phải truyền máu khẩn cấp. Ấy thế mà các hệ thống chính trị này sẽ chỉ ở trạng thái được hồi sức cấp cứu một cách lay lắt cho tới khi tầng lớp tinh hoa lâu đời cảm thấy bị đe dọa đủ để có thể bắt đầu quan tâm tới nhu cầu của bộ phận dân chúng đang bị bỏ rơi”.
Báo Washington Post nhận định chiến thắng của Trump rằng “sự đứt gãy giữa hàng loạt thăm dò với kết quả thực tế gây sốc, chỉ có thể giải thích bằng khao khát mãnh liệt muốn thổi tung cả một hệ thống. Không chỉ là hệ thống chính trị mà cả những tầng lớp tinh hoa và các tổ chức luôn tự nhận rằng họ biết hết mọi thứ”. Còn tờ Guardian thì nói toẹt ra rằng “thông điệp của Trump đánh trúng vào trái tim một cách cảm tính, không phải vào những bộ óc lý trí”.
Để rồi, nghiêm túc một cách hài hước, đạo diễn Michael Moore nói với NBC rằng: “Tôi thấy rất nhiều người giận dữ, họ xem ông Trump như khẩu súng để mang đến các thùng phiếu trong ngày 8/11 và bắn thẳng ông ta vào nền chính trị. Họ nghĩ có thể thổi tung cả hệ thống”.
Cơn địa chấn do doanh nhân tỷ phú có dáng dấp Trump gây ra có thể không thể “thổi tung cả hệ thống” ngay lúc này khi Trump chỉ tự tin mà nói rằng “tôi biết cách sửa nó”. Chỉ riêng điều này cũng đủ để làm đảo lộn cách tư duy truyền thồng từng ngự trị trong đầu óc của các chính khách lão luyện trên chính trường. Với “một dư lực của tinh thần Viễn Tây mà dân Mỹ da trắng vẫn còn vương vấn” như một lời bình dí dỏm về tính cách của vị tân Tổng thống Mỹ, phải chăng là Donald Trump đang tạo ra những cơn dư chấn mới ngay trong lòng nước Mỹ và lan tỏa đến Châu Âu và thế giới?
Có lẽ sát với cơn dư chấn ở Việt Nam hơn nên Phó Giám Đốc Điều hành khu vực ASEAN của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, ông Vũ Tú Thành có một nhận định rất đáng suy nghĩ: “Nếu như bình tĩnh hơn một chút để nhìn vào kết quả bầu cử và nguyên nhân dẫn đến điều đó, ta sẽ thấy, những bang tranh chấp ngã hẳn về ông Trump đều bầu cho ông Obama trước đó. Nếu theo logic đó thì những người này đều thuộc bộ phận đa số im lặng. Ý nguyện của họ đều muốn thay đổi. Và những ai đại diện cho sự thay đổi, chống lại cái nguyên trạng thì các cử tri đó đều bỏ phiếu. Năm 2008-1012, cử tri đã bầu cho một đại diện như vậy, đó là ông Obama. Năm nay, đó là ông Trump, bất kể người đó thuộc Đảng nào thì chúng ta có thể nhìn từ logic đó”. Ông Thành nhấn mạnh: “Người ta đang cần thay đổi, ông chứng minh được là ông phi truyền thống, ông thay đổi thì thắng. Trong chừng mực nào đó, 8 năm trước, ông Obama đã làm chính điều như vậy và ông ấy chiến thắng… Ông Trump cũng vậy, thậm chí đẩy lên một hình thái cao hơn, một cực đoan hơn”.
Còn giáo sư Terry F. Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công, Đại học Carnegie Mellon, thành viên của Hội đồng Quốc gia Mỹ thì chỉ rõ rằng: “Chúng ta cũng đã nhận định sai về sức hấp dẫn mang tính tiêu cực [negative genius] của Donald Trump. Ông ta đi ngược lại mọi lời khuyên, mọi hình mẫu chuẩn mực của một chính trị gia và chính điều đó mang lại sức hấp dẫn cho ông ta”. Người viết bài này cứ vơ vào mà cho rằng ông giáo sư người Mỹ này nói riêng cho thực trạng của Việt Nam ta hiện nay: “Các chính trị gia xây dựng lực lượng ủng hộ mình dựa trên nỗi sợ hãi của đám đông. Và khi nỗi sợ hãi được khuếch trương, người dân thường sẽ chọn ứng viên nào mà họ cảm thấy là người mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất có thể trấn an nỗi sợ của họ”. Vậy là, vượt ra ngoài gần như tất cả các dự đoán của giới chuyên gia và giới chính trị chính thống, Donald Trump, một doanh nhân thô tục, lỗ mãng, ăn nói bạt mạng không thèm màu mè kiểu chính khách lại dấn bước nào lãnh địa của chính trị nhưng lại được đa số cử tri Mỹ bầu làm tổng thống.
Những ai bầu cho Trump vậy?
Nhìn vào số lượng người da trắng đi bầu ở những tiểu bang quyết định thắng bại như Florida, Ohio, Pennsylvania… lên đến 70% mà phần lớn lại đã bầu cho Trump. Vậy là những người thuộc tầng lớp lao động đang vất vả trong cuộc mưu sinh đã bị các chính khách bỏ quên lâu nay! Thế là với lá phiếu trên tay, họ dùng nó làm công cụ mà nền dân chủ Mỹ tạo ra, cho dù còn khiếm khuyết vẫn đủ cho họ đưa ra đòi hỏi nóng bỏng về một sự thay đổi toàn diện trong thể chế chính trị của Mỹ sao cho có thể đáp ứng ngay những đòi hỏi từ cuộc sống của chính họ.
Đừng quên rằng đã từng có một áp lực nặng ký đặt lên lá phiếu của cử tri da đen để hướng họ vào bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, không ai khác, áp lực đó đến từ đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama. Trước khán giả phần đông là những người da đen trong bữa tiệc do tổ chức Các Nghị sĩ Da màu (Congressional Black Caucus – CBC) thực hiện, Obama nói rằng nếu họ không ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, đó sẽ là “một sự sỉ nhục lớn” đối với cá nhân ông. “Có thể tên của tôi không nằm trên lá phiếu bầu, song sự phát triển của Đảng Dân chủ thì phụ thuộc vào nó”. Vị Tổng thống hai nhiệm kỳ sắp mãn nhiệm còn đặc biệt nhấn mạnh: “Không chỉ có vậy, sự kiên nhẫn của người Mỹ, nền dân chủ Mỹ, công lý, trường học và những gì quan trọng nhất, tất cả đều phụ thuộc vào lá phiếu bầu”.
Chẳng những thế, đương kim Tổng thống Mỹ còn cảnh báo “Vận mệnh của của nền cộng hòa đặt trên vai quý vị”, ông khuyến cáo cử tri ở bang trọng điểm Bắc Carolina: “Vận mệnh của thế giới đang bấp bênh và quý vị, Bắc Carolina, phải chắc chắn rằng chúng ta đang thúc đẩy nó đi đúng hướng.” Và rồi kết quả như thế nào thì như tất cả những ai đã hướng mong mỏi của mình vào Hillary và cả nước Mỹ, cả thế giới đã biết! Cũng nên nhắc lại rằng những bang tranh chấp mà trước đây cử tri dồn phiếu cho Obama khi họ hân hoan tìm thấy khát vọng của họ trong khẩu hiệu tranh cử của vị luật sư da đen “Change, yes, we can” thì nay họ lại dồn phiếu cho doanh nhân Donald Trump, biểu tượng của sự thay đổi!
Vậy thì cái vị đắng của hình tượng nền dân chủ mà nước Mỹ từng đại diện bị xóa nhòa bởi cơn địa chấn Trump mà tôi miêu tả ở trên có còn giữ mãi trong cổ họng nữa không đây? Quả là, sau cơn địa chấn là sự trầm tư. Những xúc cảm chính trị qua đi, sự tỉnh thức của trí tuệ được gọi dậy, một hình tượng khác nổi lên: “Đó là một trong những thời tốt đẹp nhất, đó là một trong những thời tồi tệ nhất, đó là thời của sự khôn ngoan, đó là thời của sự xuẩn ngốc, đó là kỷ nguyên của lòng tin, đó là kỷ nguyên của sự ngờ vực, đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối…”.
Đây là câu mở đầu tác phẩm “Chuyện hai thành phố” (A Tale of Two Cities) của Charles Dickens, văn hào Anh. Đó là chuyện về hai thành phố London và Paris giữa thời Cách mạng Pháp năm 1789, khi cả thế giới, hay ít ra là Châu Âu, cũng đang bàng hoàng, mất phương hướng sau một sự kiện chính trị rung chuyển mang tính lịch sử: những người dân thường Pháp vùng lên lật đổ triều đình trong một cuộc cách mạng dân túy đẫm máu. “Trong thời điểm hiện nay, gần cuối năm thứ 16 của thế kỷ 21, đoạn văn này của Dickens trở nên âm vang hơn bao giờ hết”. Tôi trích câu này từ một bài viết của Nam Quỳnh đăng trên Tạp chí Luật Khoa. Tác giả kết luận bài viết: “…Đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối, đó là mùa xuân hy vọng, đó là mùa đông tuyệt vọng, chúng ta có mọi thứ phía trước mình, chúng ta chả có gì phía trước mình cả…”. Có thể có nhiều ẩn dụ gửi gắm trong bài viết về luật pháp kia, biết vậy, song tôi vẫn mượn hình tượng do văn hào Anh gợi lên để nói về “mùa xuân hy vọng” và “mùa đông tuyệt vọng” mà trầm tư về thế sự khi nối kết cơn địa chấn khởi phát từ nước Mỹ với những dư chấn của nó trên đất nước ta.
Liệu có phải chúng ta có mọi thứ phía trước mình hay là chúng ta chả có gì phía trước mình cả? Mùa xuân thì rồi sẽ đến, nhưng mùa đông tuyệt vọng thì đang hiện diện. Chưa bao giờ mà khát vọng thay đổi lại cháy bỏng trong thời điểm quá tồi tệ này. Thời điểm của sự lạc hậu về chính trị và bế tắc về lý luận thể hiện tập trung trong việc quy tội “phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” cho những ai dám “phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai…”.
Đó là sản phẩm tồi tệ đáng xấu hổ của một nền “dân chủ đến thế là cùng” mà ông Nguyễn Phú Trọng đã từng hào hứng huênh hoang phơi ra trước các nhà báo quốc tế. Thì sao mà không hào hứng khi ông ta đang ngồi ngất nghễu trên cái ghế quyền lực cao nhất của đất nước mà chẳng cần phải bầu bán gì cho rách việc lại đầy kịch tính như nền “dân chủ tư sản” đang vất vả thực hiện tại nước Mỹ những ngày qua.
Ngay cả ông có rêu rao rằng ông “hơi bất ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối” thì cũng cần nhớ rằng đảng của ông chỉ chiếm có gần 5% dân số, trong khi 90 triệu người Việt Nam không một ai cầm lá phiếu để bầu ông làm nguyên thủ quốc gia, thế mà ông vẫn nghiễm nhiên nắm trọn quyền lực trong tay để toàn quyền quyết định vận mệnh của đất nước. Đấy là chưa nói sự mất dân chủ trắng trợn ngay từ chuyện bầu cử trong Đảng với những chiêu trò được truyền dạy bởi quan thầy để phù phép trong cơ cấu nhân sự các cấp và các đoàn đại biểu đến dự đại hội từ cơ sở đến trung ương, đến đại hội toàn quốc.
Mà “tuyệt vọng” còn là vì những lạc hậu và bế tắc đó đang ngự trị và khuynh loát chính trường, áp đặt nặng nề trong não trạng của không ít những “chính khách” đang ngày ngày chém gió trước bàn dân thiên hạ. Những gương mặt nhẵn lì quen thuộc với những giọng điệu chát chúa, những ngôn từ vô hồn ngán ngẩm cứ đều đều rót vào tai, chọc vào mắt công chúng những hình ảnh, những sự kiện, những con người đang là sản phẩm tệ hại của nền “dân chủ đến thế là cùng” đó. Các “chính khách” đang ngày ngày chém gió đó cũng là những “chính trị gia” vừa rồi nhiệt liệt vỗ tay đón chào Trương Đức Giang, đại diện của “thiên triều” đến dự khán cuộc họp của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Cứ tưởng rằng sau nỗi nhục nhã của các ngài nghị sĩ, không thiếu một ai, từng chào đón Tập Cận Bình đến truyền chiếu chỉ tại Phòng Diên Hồng để rồi ngay sau đó hắn ta đã nhổ vào mặt những người cúi đầu đón chào hắn bằng lời tuyên bố thẳng thừng về chủ quyền các đảo của Việt Nam vừa cướp được ngay tại sân bay Singapore thì các chính khách còn chút lương tâm để biết xấu hổ mà tự dặn lòng đừng xúc phạm ông cha biến truyền thống Diên Hồng thành sự hèn hạ khuất phục kẻ thù một lần nữa. Nhưng không, nền dân chủ đến thế là cùng của Nguyễn Phú Trọng đã triệt tiêu mọi khả năng hoặc biểu hiện của sự tỉnh thức. Thật là trớ trêu, chuyện “dự khán” với nhiều thâm ý của chiêu võ Tàu hiểm độc này diễn ra chỉ một ngày sau cơn địa chấn Trump cũng tại Phòng Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội hào nhoáng kia!
Thế rồi, cũng chẳng hiểu tại sao đầu óc tôi bỗng choáng váng bởi câu nói thẳng thừng không chút kiêng dè úp mở của Donald Trump khi tự phê phán về thực trạng đất nước của ông “Chúng ta đã trở nên lố bịch trước chính bản thân lẫn lịch sử của mình. Khi đồng minh không tin tưởng bạn, còn kẻ thù không nể sợ bạn thì bạn không còn chút tín nhiệm nào đối với thế giới”. Đấy là Trump nói với đất nước của ông ấy, mắc mớ gì mà ta phải động lòng chứ? Động lòng vì khát khao một chính khách Việt Nam nói lên được nỗi nhục về sự lạc hậu của nước mình trước thế giới. Chẳng phải vì dám nói lên nỗi xấu hổ mà Trump gây nên cơn địa chấn trong nước Mỹ và trên toàn thế giới đó sao?
Một đất nước với một nền “dân chủ đã trưởng thành”, cho dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết, vẫn đủ sức tạo ra động lực làm bật dậy sự tỉnh thức, gây nên một cơn địa chấn từ những lá phiếu bầu tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của người dân, mà trước hết là của một đa số thầm lặng từng bị các chính khách bỏ quên vẫn cần sự phê phán quyết liệt cái hiện tồn trì trệ buộc phải thay đổi để tìm ra cái mới tốt đẹp hơn. Một mùa xuân hy vọng đang đến với cái đa số thầm lặng đó, mà như thế cũng là đến với đất nước của họ.
Vậy thì cần phải làm gì đây để xua tan đám mây mù đang phủ kín bầu trời của đất nước mình đang trong “mùa đông tuyệt vọng” với nền “dân chủ đến thế là cùng” của chế độ toàn trị phản dân chủ tội lỗi đè nặng lên thân phận của một đa số thầm lặng đang lầm than nhẫn nhục chịu đựng, đè nặng lên số phận trầm luân của đất nước trước nanh vuốt kẻ thù sát nách. Bao giờ, đến bao giờ thì cái đa số thầm lặng biết đứng lên để đòi quyền tự tay cầm lá phiếu bầu lên người biết cách đem lại quyền sống, quyền làm người, quyền dân chủ để tự do chọn lựa thể chế chính trị phù hợp với trình độ văn minh loài người đạt được mà nhiều cộng đồng người trên thế giới này đang thụ hưởng.
Liệu chúng ta có cần một cơn địa chấn không nhỉ? Và rồi cơn địa chấn ấy sẽ đến vào lúc nào, bật dậy ra sao đây? (Ngày 13.11.2016)
*** Cao Việt Anh: Donald Trump chiến thắng bằng tài năng nào?
“Đường vinh quang Xây Xác quân thù” là lời của bài hát Tiến Quân Ca mà đảng CSVN đã dùng nó để khơi dậy Lòng Căm Thù của người miền bắc đối với Đế Quốc Mỹ, QLVNCH, và dân miền nam. Để rồi khi miền bắc tràn vào miền nam vào ngày 30 tháng 4 thì nhà văn Dương Thu Hương phải thốt lên rằng: “Chế độ man rợ đã thắng chủ nghĩa nhân bản”. Hậu quả là máu căm thù sục sôi của người Miền Bắc đã toàn thắng Miền Nam một cách vẻ vang oanh liệt.
Tương tự như vậy, “Vu khống; Chụp Mũ và Kết tội” là một chiến thuật mà Donald Trump đã dùng nó để khơi dậy Lòng Căm Hờn sôi sục của cử tri da trắng có trình độ học vấn thấp, để rồi cuối cùng thành phần trí thức da trắng yêu quý “công bình bác ái” đã thất bại thảm hại nặng nề.
Khi đi vận động tranh cử, Donald Trump hoàn toàn không nói ra được tài năng đức độ của chính ông ta là gì cả. Tất cả những lời Donald Trump phát ra toàn hoàn toàn là những lời “Vu khống, Chụp Mũ, và Kết Tội” cho Obama, Hillary và đảng Dân Chủ là tồi tệ. Chẳng hạn như, Obama là người sáng lập ra ISIS, là tổng thống tệ hại nhất, Hillary là con ác quỷ, là kẻ gian lận, dối trá điêu ngoa nhất, tham nhũng nhất, tệ hại nhất, bất tín nhất và đáng phải bỏ tù; chính quyền Obama nợ nhiều nhất, tham nhũng thối nát nhất từ trước đến nay; tôi sẽ bỏ tù Hillary ngay sau tôi đắc cử; ObamaCare là tồi tệ nhất, Obama và Hillary là dung dưỡng cho bọn tội ác là dân Mễ và dân Hồi Giáo, chúng ta đang phải sống trong thời kỳ tệ hại nhất của lịch sử, hệ thống bầu cử của Mỹ là gian lận, FBI đã thông đồng và bao che cho tội ác của bà Hillary, truyền thông báo chí là bọn nói láo vân vân và vân. Tất cả những điều hoàn toàn được phát ra từ cửa miệng của Donald Trump mà không có bất cứ bằng cớ nào cả. Những lời Vu Khống trắng trợn này lọt vào lỗ tai và ghim vào đầu hàng mấy trăm triệu cử tri và phân nửa cử tri đã tin điều này là đúng, là thật (Fake News).
Là một người “chính trực, ngay thẳng” có lương tâm đạo đức trong sáng thực sự, thì người đó họ sẽ không bao giờ dám mở miệng ra nói những lời vu khống, chụp mũ, kết tội đối với bất cứ ai bao giờ. Nếu có chuyện đổ vạ cáo gian này, thì họ chỉ lỡ mồm lỡ miệng trong một vài lần quá nóng nảy mà thôi.
Còn những điều vu khống chụp mũ và kết tội đã được Donald Trump lặp đi lặp lại như cơm bữa. Ngày nào di vận động, Donald Trump cũng lặp lại cung điệu này, dẫn đến cử tri ngày càng sôi sục, dâng trào máu căm hơn vì nghĩ chính quyền Obama và Hillary là những con người tồi bại, nguy hiểm vì đang phá nát và hủy hoại sự phồn thịnh, sự vĩ đại của một quốc gia, nên cần phải loại bỏ. Để rồi, sự sôi sục căm hờn của cử tri biến thành hành động để trả thù Hillary, Obama, và đảng Dân Chủ bằng cách dồn phiếu cho Trump.
Cuối cùng, tài năng “Vu Khống, Chụp Mũ và Kết Tội” người khác nhưng hoàn toàn không có bằng chứng đã mang lại chiến thắng vẻ vang cho Donal Trump. Nói một cách khác, cử tri da trắng có tình yêu thương chan hòa đã phải nhường ngôi cho cử tri da trắng mang nỗi hận thù. Dưới Triều Đại của Donald Trump: Hận Thù đã chiến thắng Tình Yêu.
Lưu ý: Những lời kêu gọi của TT Trump chả khác gì là những lời kêu gọi của đảng CSVN kêu gọi nông dân vùng lên chống lại và đấu tố thành phần điạ chủ năm xưa.
(vi) Ls Trần Hồng Phong: Gia đình và tổng thống Mỹ
Tự bao giờ, tôi ngày càng cảm phục, thấy gần gũi thân yêu hơn với nước Mỹ. Dù hai đất nước cách xa nửa vòng trái đất, bên đó đang ngày thì bên này là đêm. Đó là một tình cảm tự nhiên, như đàn ông yêu đàn bà, con bướm yêu nụ hoa. Hoàn toàn không phải bị ai "nhồi sọ" hay "dụ dỗ" phải yêu, hay phải ghét! Ở Mỹ, người ta được quyền nói yêu hay ghét một chính trị gia, theo quan điểm hay cảm xúc của chính mình! Cái quyền tưởng chừng "nhỏ mọn" ấy lại không/chưa bao giờ thực sự có - ở những nước cộng sản như Triều Tiên hay Trung Quốc.
Tôi biết về nước Mỹ từ lâu lắm. Đầu tiên có lẽ là từ những bài học thầy cô giảng trên lớp, về những cuộc biểu tình của người dân Mỹ phản đối chiến tranh ở VN. Những tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Nhưng rồi về sau và chủ yếu, là qua sự tự tìm hiểu, qua những tác phẩm văn học, điện ảnh, những nhà văn, nghệ sỹ mà tôi được đọc, được xem - chứ không phải là các chính trị gia của đất nước này.
Là người say mê sách, tôi đã đọc Tình yêu cuộc sống, Nanh trắng của Jack London cùng nhiều tác phẩm của ông từ đầu những năm học cấp 2. Đó cũng là quãng thời gian tôi đọc những Cuốn theo chiều gió, Hàm cá mập, hay Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, .... Lên cấp 3 và cho đến tận bây giờ, tôi say mê và ngưỡng mộ các tiểu thuyết của Ernest Hemingway, với những câu thoại rất tinh tế và đặc biệt thay cho mô tả, như Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả ... Nhưng không hiểu sao, tôi rất thích một tác phẩm có vẻ ít tên tuổi và ít người biết: Sống trong bóng tối - nói về những ngày tháng khó khăn và lãng mạn của một cặp đôi trẻ nghèo khó, chập chững bước vào đời, cố gắng trụ lại ở một thành phố lớn trong giai đoạn nước Mỹ đang chuyển mình công nghiệp hóa.
Để hiểu về một đất nước, và con người, văn hoá, lịch sử ... xứ ấy - có lẽ không gì tốt hơn là đọc các tác phẩm văn học. Quý vị đã từng đọc những cuốn sách ấy chưa? Nếu chưa thì nên đọc. Thật đấy.
Nói về phim Mỹ và các diễn viên điện ảnh, thì tôi mê lắm. Kể từ những bộ phim mà người ta dùng từ "bom tấn" đầu tiên cách nay cả chục năm như: Mặt nạ Zorro, Kingkong, cho đến Avatar, hay gần đây như Star Wars 7, Công viên kỷ Jura 4 ... - cả nhà tôi đều ra rạp mua vé thưởng lãm (có lẽ tôi thuộc nhóm khán giả "già" nhất trong rạp!). Nhưng thực ra hiện nay mọi người đều dễ dàng xem phim Mỹ trên các kênh Cinemax hay Starmovie, HBO mỗi ngày.
Thật thú vị khi hầu như không có bộ phim Mỹ nào kết thúc mà không có một nụ hôn, một cuộc hẹn hò giữa những người yêu nhau. Một chiến thắng thuộc về lẽ phải, một kết thúc có hậu, nhân ái. Và luôn đề cao vai trò cá nhân! Đề cao tất cả mọi cá nhân, chứ không phải chỉ đề cao và chỉ đề cao một người, biến cá nhân thành thần thánh. lãnh tụ khác người thường. Phim Mỹ còn có nét dí dỏm dễ thương là luôn chế dễu, châm biếm, thậm chí "bôi bác" giới cảnh sát, luật sư - cười cợt nhóm này như là những kẻ hám thành tích, giành công, hay quỷ quyệt, thực dụng! Hê hê. Và chúng ta sẽ nhận thấy rằng, người Mỹ thật sự nhân ái, luôn yêu và tôn trọng thiên nhiên, luôn quan niệm cần bảo vệ người yếu thế: trẻ em, phụ nữ. Đặc biệt văn hoá Mỹ và cả nền chính trị xã hội luôn đề cao giá trị của GIA ĐÌNH. Tự bao giờ, gia đình, giá trị gia đình đi vào đời sống chính trị tại Mỹ như một tất yếu, không tách rời.
Trong thế giới chính trị, chúng ta luôn thấy không chỉ một mình vị tổng thống, mà cả gia đình ông trong những thời khắc quan trọng nhất, hay khó khăn nhất - của chính tổng thống và cũng là của cả nước Mỹ. Bên cạnh vị tổng thống bao giờ cũng phải là gia đình, chứ không phải là đảng phái của ông. (Trong công việc, thì là các thành viên nội các - do ông lựa chọn).
Gia đình luôn sát cánh trong các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên tổng thống. Dù người thân của tổng thống/ứng cử viên tổng thống đã lớn tuổi bạc tóc, hay chỉ là một cô bé, cậu bé chưa biết gì và cũng không có quyền gì về chính trị, về bầu cử. Có thể nói không quá, gia đình là biểu tượng của văn hoá và chính trị của nước Mỹ.
Hãy thử nhìn vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây. Đó là hình ảnh gia đình tổng thống Obama với hai cô con gái dễ thương, gia đình ông Donal Trump với nhiều thế hệ, hay gia đình bà Hillary Clinton với một người con gái duy nhất ...
Trong cuộc bầu cử vừa kết thúc cách nay hai ngày, nhiều người hẳn không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh trong giây phút bà Clinton tuyên bố thua cuộc, chúc ông Trump "trở thành một tổng thống tốt của chúng ta" (ngày 10/11/2016), ông Clinton (chồng bà, cũng từng là một tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ) và con gái duy nhất của hai người đứng ngay sát bên cạnh, luôn vỗ tay thể hiện sự sát cánh cùng bà.
Cả gia đình Clinton đều cười trong giây phút "thất bại" ấy, song người ta có thể thấy rõ ông Clinton miệng cười mà nước mắt đã rơi. (Có ống kính của một nhà báo đã ghi lại khoảnh khắc ấy cho thấy ông Clinton đã nói cho chính mình "that my girl" (đó là cô gái của tôi). Đó là những giọt nước mắt bản năng, tự nhiên, thể hiện tình cảm của ông dành cho người thân yêu nhất. Vì vậy mà nó trong sáng và cao thượng. Hoàn toàn không có dấu vết của sự cay cú, bất mãn vì thất bại, hay ủy mị yếu đuối.
Người ta hẳn cũng không thể không mỉm cười, khi nhớ đến hình ảnh đại gia đình của ông Trump, thú vị về hình ảnh cậu con trai út của ông (mới 10 tuổi), đang đứng bên cạnh những người lớn, đã cố gắng "không ngã gục", hết ngáp dài rồi lại dụi mắt - vì quá buồn ngủ vào lúc 3 giờ sáng, trong lúc ông Trump hào hùng tuyên bố thắng cuộc. Vui, mà đời thật.
Tôi yêu nước Mỹ có lẽ vì từ những điều đơn giản ấy. Là tổng thống, nhưng người ta chọn gia đình, công việc và phụng sự tổ quốc như một nghĩa vụ công dân. Chứ không phải và không có khái niệm "lý tưởng cách mạng", bắt ép người khác phải theo cái lý tưởng của mình.
Thử hỏi có khi nào chúng ta thấy hình ảnh lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông của Trung Quốc sánh vai cùng phu nhân của mình trong một sự kiện quan trọng? (Sự thật thì ông Mao có nhiều vợ, và bà vợ bé cuối cùng là Giang Thanh xíu nữa thì bị các "đồng chí" của mình tử hình chỉ chưa đầy một năm sau khi ông Mao qua đời - vì những màn đấu tố nội bộ trong đảng).
Thử hỏi có khi nào người ta thấy ông Putin, tổng thống Nga sánh vai cùng vợ con trong một sự kiện chính trị, dù ông này đã chễm chệ "ngai vàng" suốt gần 20 chục năm qua? (Sự thật là ông Putin đã bị vợ bỏ vì bà không chịu nổi thói nghiện quyền lực, đến quên cả gia đình, người thân của ông Putin).
Cuối cùng, chúng ta nên nhớ chính vì tôn trọng giá trị gia đình, mà nước Mỹ cho phép vợ chồng, anh em, cha mẹ bảo lãnh nhau được nhập cư, định cư vào nước Mỹ dưới hình thức "đoàn tụ gia đình". Hiện có hàng triệu người Việt Nam đã được chính quyền Mỹ cho phép định cư tại Mỹ, và trong suốt khoảng 20 năm qua, mỗi năm đã gửi khoảng 10 tỷ đô la về Việt Nam, giúp đỡ người thân. Liệu có mấy quốc gia nào làm được như vậy?
Tôi không bênh vực cho một nước Mỹ chưa bao giờ hoàn thiện, với những mặt trái của nó. Nhưng bất luận thế nào, thì nước Mỹ rõ ràng đã và đang là một siêu cường có tầm ảnh hưởng quan trọng đến toàn thế giới. Có quá nhiều điều để chúng ta, các chính phủ khác cần phải học hỏi - trong văn hóa, chính trị, và tất nhiên trong cả kinh tế, khoa học kỹ thuật ...nữa.
II. Văn Nghệ
(i) Trịnh Thanh Thủy: Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Từ Công Phụng
Sáng Tác Như Một Chia Sẻ Hạnh Phúc
Khi những giọt lệ nhỏ xuống cho niềm đau thăng hoa thành một thứ nguyên sinh chăm bón cho cây hạnh phúc con người trổ trái thì chúng ta có thể mang niềm đau ấy theo ta như một hành trang vỗ về cho cuộc đời. Rung một cánh nhạc buồn ;Rơi một ngấn lệ sầu ;Có ai hay người khóc trong tinh cầu lẻ loi…Gom môt chút nắng vàng ; Hát lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua(trên tháng ngày đã qua/ Từ Công Phụng ).
Từ Công Phụng đã rung những cánh nhạc, gom sương sớm, nắng mai để soi tìm hạnh phúc cho những tâm hồn rạn vỡ vì đớn đau chất ngất. Ông đã dùng cung bậc buồn của một chiếc que diêm thắp sáng hương tình đằm thắm trên những đêm sâu, những cõi buồn, ngô nghê tan hoang và tàn vỡ. Ông hát và sáng tác nhạc như một chia sẻ hạnh phúc, kể cả những hạnh phúc thấm đẫm niềm đau.
Từ Công Phụng là một nhạc sĩ Việt Nam (gốc Cham-Islam) nổi tiếng. Nói đến Từ Công Phụng, khán thính giả miền Nam Việt Nam trước 75 không quên hình ảnh và tiếng hát trầm ấm, rất đặc thù của ông trong những ca khúc do chính ông sáng tác. Giữa những dòng nhạc mới khai sinh dậy lên trong thập niên 1960, 1970 của Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương.., dòng nhạc Từ Công Phụng khi hạnh phúc khi chất ngất đau thương, lãng đãng trôi góp tiếng cùng tuôn chảy. Những "Bây giờ tháng mấy", "Mắt lệ cho người", "Giọt lệ cho ngàn sau", "Trên ngọn tình sầu", "Mùa xuân trên đỉnh bình yên” là những nhạc phẩm tiêu biểu của ông.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng tham gia hoạt động sáng tác từ năm 1960. Ông học Luật và Văn Khoa và từng là biên tập viên đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do(VOF). Trong thời gian học Đại học Văn Khoa, ông thường sinh hoạt ở Quán Văn trong khuôn viên Văn Khoa từ 1968, cùng thời với Khánh Ly và Trịnh Công Sơn và đã thu một Cuốn băng(Tơ Vàng 3)vào năm 1971. Ông rời Việt Nam từ tháng 10 năm 1980 và hiện đang định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ.
Trịnh Thanh Thủy: Trước năm 1975 anh cùng nhạc sĩ Lê Uyên Phương thành lập ban nhạc “Ngàn Thông, chơi trên đài phát thanh Đà Lạt, xin anh kể về hoạt động này, ngày ấy.
Từ Công Phụng: Những ngày tháng tôi sống ở Đà Lạt, vào năm 1965 tôi có chơi nhạc với anh Phương tức Lộc. Chúng tôi có thành lập một ban nhạc nhỏ tên “Ngàn Thông”, mỗi tuần 1 ngày lên đài phát thanh, thu và phát trực tiếp. Thời sinh viên ấy mà, chúng tôi chỉ chơi cho vui.
TTT: Anh hát nhạc của ai?
TCP: Đặc biệt trong quãng đời sinh hoạt văn nghệ của tôi, tôi chỉ hát toàn nhạc mình viết thôi, hiếm khi hát nhạc người khác. Anh Lộc (Lê Uyên Phương) cũng vậy.
TTT: Xin cho biết quá trình sáng tác một ca khúc của anh. Khi một ý tưởng hay cảm hứng tới anh bắt đầu một nhạc phẩm như thế nào? Giai điệu hay ca từ đi trước?Anh mất bao lâu cho một ca khúc?
TCP: Tôi sáng tác tùy lúc, tùy hứng khởi mà viết. Thường là giai điệu trước, sau đó mới khai triển và tìm ca từ sau. Hoặc có khi, ca từ thành hình trước trong đầu rồi nương theo đó mà viết giai điệu. Có hai cách như thế nên hứng đến bằng cách nào thì làm theo cách đó. Thời gian thì một ca khúc có khi mất 1, 2 ngày mới xong, khi chỉ vài tiếng đồng hồ, tùy theo cảm hứng. Bài lâu nhất mất vài tháng, vì phải chăm đi chăm lại.
TTT: Tôi nhận thấy trong thập niên đầu mới sáng tác, dòng nhạc tình của anh có âm hưởng hạnh phúc, êm đềm, ca từ lãng mạn, tươi đẹp, yên bình. Tuy nhiên càng về sau, nội dung các ca khúc của anh có khuynh hướng đổi chiều qua những triết lý nhân sinh, lẽ vô thường và thân phận con người. Xin anh cho biết lý do về sự xoay chiều này.
TCP: Thực ra điều đó có xảy ra cũng vì nó xoay vần theo chiều hướng của cuộc sống mà phát triển thôi. Nghĩa là khi tôi còn là một sinh viên, một thanh niên mới lớn, cái nhìn về tình yêu còn lãng mạn nên khi sáng tác, nhạc tình của tôi đầy hạnh phúc. Tuy nhiên khi đã sống nhiều hơn, từng trải thì sự suy nghĩ thay đổi, xoay chiều và thuận theo lẽ tự nhiên của dòng đời trôi chảy, nên nét nhạc có thay đổi.
TTT: Thập niên 70, chiến cuộc gia tăng, đời sống học sinh, sinh viên xáo trộn, triết lý hiện sinh du nhập vào Việt Nam. Một số giới trẻ bị Âu hoá, chạy theo phong trào Hippy, sống thác loạn và bất cần ngày mai. Là một sinh viên ngành Luật, anh và dòng nhạc anh có bị ảnh hưởng không?
TCP: Với tôi giai đoạn như thế không ảnh hưởng đến tôi và dòng nhạc. Tôi quan niệm một cách đơn giản và dễ dàng lắm. Sống không phải là thác loạn, sống phải nghiêm túc, có niềm tin, dựa vào một căn bản cho đời sống mình, không được buông thả. Chính tôi cũng không thích buông thả, cái gì cũng phải đâu vào đó. Đời sống buông thả với tôi là một bệnh hoạn, nó không làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Tôi cố giữ bản chất mình, nên đời sống của tôi bình lặng. Tôi quan niệm mang lại hạnh phúc cho đối tượng của mình, nên những gì tôi thổ lộ trong âm nhạc và ca từ của tôi, chẳng qua tôi muốn chia sẻ hạnh phúc đến với tất cả mọi người. Hơn nữa dù có gì xảy ra tôi không chán chường đến độ buông thả và giữ chừng mực cho hạnh phúc mình không bị chao đảo.
TTT: Chữ “Em”trong những ca khúc của anh có phải từ những nhân vật của những cuộc tình qua đời mình, một hình bóng, một người nữ nào hay chỉ là một tiếng gọi?
TCP: Nói chung từ “Em” trong đó có ý mông lung hoặc khi tôi nhớ lại một thời nào đó trong đời sống mình, chứ không nhất thiết là hình ảnh một người tình nào đó nhất định. Ví dụ như tôi viết “Ai chia giọt nắng se buồn, như ta rồi cũng xa nguồn, làm sao cho em biết tình ta vẫn lấp lánh trong khung trời bát ngát. Làm sao cho em biết tình ta như núi biếc, như sông dài biển rộng.” Do đó chữ “Em” chỉ là một tiếng gọi.
TTT: Trước 75, anh đã từng làm biên tập viên cho đài VOF với các nghệ sĩ nổi tiếng như Kim Tước, Hồ Đăng Tín, Lê Gia Thẩm và Hoàng Quốc Bảo. Xin anh cho nghe về sinh hoạt đời sống thường nhật đó.
TCP: Tôi có làm cho đài phát thanh VOF và cùng làm với chị Kim Tước, cũng về âm nhạc nhưng mỗi người phụ trách một chuyên mục khác nhau. Chị Kim Tước lo một chương trình nhạc Tây Phương. Chị biên tập những bài hát ngoại quốc, viết và dẫn giải về văn hoá và âm nhạc xứ đó cho tường tận. Còn tôi thì viết lời giới thiệu các bản nhạc Việt Nam.
TTT: Xin lỗi cho T ngắt lời anh, T là hậu bối nên chưa và nghe biết về đài phát thanh này, xin anh cho biết sơ qua về đài phát thanh và ý nghĩa của “VOF”. Hình như mục đích và những thông điệp nó chuyển tải có tính chính trị?.
TCP: Đài phát thanh Đài VOF tượng trưng cho Voice Of Freedom tức đài Tiếng Nói Tự Do trực thuộc Đài Mẹ Việt Nam do Hoa Kỳ tài trợ. Trụ sở của đài này đặt ở số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Các trạm phát sóng của nó đặt ở Thủ Đức, Cát Lở, Vũng Tàu và Thanh Lam, Huế. Để thực hiện chương trình chiến tranh tâm lý, đài Mẹ Việt Nam chủ trương hoàn toàn về chính trị và thông tin còn đài Tiếng Nói Tự Do phát sóng chuyên về văn nghệ và tin tức. Chúng tôi làm việc với giám đốc là ông Vũ Quang Ninh và rất nhiều văn nghệ sĩ khác như Linh Sơn, Lê Tuấn, Lữ Liên, Phạm Long, Kim Tước, Hoàng Quốc Bảo, Vũ Đức Duy, Vũ Huyến, Bạch Yến, Anh Ngọc… Mục tiêu việc làm của chúng tôi là phát thanh về miền Bắc những sản phẩm tinh thần của người tự do cho ngoài ấy nghe để họ hiểu ở trong Nam chúng tôi có tự do. Muốn nghe loại nhạc nào, thích thì nghe, hát cũng vậy, thích loại nhạc nào thì hát loại nhạc đó. Tình cảm hay tiền chiến đều được cả. Nó cũng chuyển tải một thông điệp hay tuyên truyền về sự tự do trong lối diễn đạt tình cảm của con người, về tiếng nói tự do của trái tim và khối óc để khuyến khích tinh thần người nghe rằng “Hãy tự do lên” . Chúng tôi cũng muốn chia sẻ những sinh hoạt, những gì xảy ra trong đời sống người dân trong Nam cho ngoài Bắc biết. Chúng tôi phát thanh về Bắc nhạc tiền chiến, nhạc trẻ, nhạc Pháp và Tây Phương. Bởi vì chúng tôi nghĩ ngoài ấy không được nghe nhạc tình cảm và tiền chiến. Chúng tôi phát cả những bài nhạc tiền chiến của các tác giả quen thuộc với miền Bắc mà những tác giả này ở lại miền Bắc nhưng họ bị cấm đoán không được nghe và sáng tác nhạc của họ.
TTT: Như vậy vai trò của âm nhạc khi ấy có tính cách chiêu hồi?
TCP: Đúng vậy, âm nhạc miền Nam tự nó có tính chiêu hồi. Tôi được biết qua những người hồi chánh đã kể lại người dân Bắc vẫn nghe lén và họ rất thích dù chính quyền miền Bắc dùng mọi cách để ngăn chặn. Trước đó có đài Gươm Thiêng Ái Quốc, nó khơi dậy lòng căm phẫn của nhân dân miền Bắc đối với chế độ Cộng Sản. Còn đài Mẹ Việt Nam khơi lại lòng yêu thương của người mẹ có những đứa con đi chiến đấu không về, “Sinh Bắc, tử Nam”.
TTT: Nói đến đời sống của một nghệ sĩ, giai đoạn khó khăn nhất của anh là khi nào? Làm sao anh có thể thoát ra? Âm nhạc có giúp gì cho anh không?
TCP: Nói về nỗi khó khăn, mỗi người có một định mệnh khác nhau. Đến một lúc nào đó mỗi người trong chúng ta phải trải qua những thăng trầm của cuộc sống. Nó có nguyên nhân từ bên ngoài và tác động đến bên trong của mình. Cái tôi gặp trắc trở nhất trong đời là lúc miền Nam thất thủ, giai đoạn từ 1975 tới 1980. Khi ấy đời sống của tôi trở nên bất ổn. Không có gì bám víu vào mà sinh sống nên việc mưu sinh rất vất vả. Phải làm bất cứ gì có thể để nuôi sống con cái và gia đình. Thời gian này ăn còn không đủ, tâm trí đâu mà sáng tác nhạc. Tuy nhiên vì âm nhạc là sở thích của tôi nên tôi rất quí âm nhạc. Qua bao nhiêu thập niên tôi vẫn giữ được mức sáng tác tuy không nhiều nhưng vẫn đeo đuổi nó, giống như một lần tôi có nói với các bạn trẻ rằng “Nếu các bạn thích nhạc thì hãy sống với nó, sống thực tình và đeo đuổi nó, thì các bạn sẽ thành công”. Khi có hứng, ý tưởng sáng tác đến, nhưng tôi chỉ giữ kín trong đầu, trong sâu thẳm tâm tư đời sống mình. Nếu có viết cũng không để lộ vì bị cấm. Sau này khi ra hải ngoại mới dám cho phổ biến. Khi đến Mỹ và định cư, tôi viết bài “Khi tôi đến nơi đây” là bài hát đầu tiên ở Hoa Kỳ. “Khi tôi đến nơi đây nắng rực rỡ ngoài khoang trời xa,/ và lòng tôi thấy rộng mở những thiên đường….tôi đã thấy trái tim hiền hòa/tôi đã thấy nụ cười bao dung/ tôi nghe biết những bài tình ca của đất nước thanh bình…” Khi tôi trình bày bài này, tôi thấy khán giả xúc động và khóc, tôi cũng xúc động như họ. Từ đó tôi bắt đầu viết lại những gì tôi nghĩ khi trước và sáng tác trở lại.
TTT: Xin cám ơn anh, và chúc anh an bình cùng những sáng tác ngày càng sung mãn hơn.
.............................. .............................. .............................. .................
Kính,
NNS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét