Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 31/10/16 - Lê Minh Nguyên


Thủ tướng Malaysia thăm Trung Quốc với trọng tâm là hợp tác quốc phòng --- Thủ tướng Malaysia cũng "xoay trục" sang Trung Quốc?
Hôm nay, 31/10/2016, thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu chuyến công du kéo dài sáu ngày tại Trung Quốc, nhằm thắt chặt quan hệ lâu năm giữa hai nước. Đây là lần thứ ba ông Najib thăm chính thức Trung Quốc kể từ năm 2009.<!>
Theo chương trình dự kiến, thủ tướng Malaysia sẽ hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình vào thứ Năm tới. Ngày mai, ông Najib, hiện nắm luôn chức bộ trưởng Tài Chính Malaysia, sẽ hội đàm với thủ tướng Lý Khắc Cường. Hai vị thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết hơn 10 hiệp định và biên bản ghi nhớ giữa hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, tài chính và xây dựng.

Theo Tân Hoa Xã, chuyến viếng thăm lần này của thủ tướng Najib đặt trọng tâm nhiều hơn vào hợp tác quân sự và nhân dịp này hai nước sẽ đúc kết một hiệp định quốc phòng quan trọng đầu tiên.

Trên trang Facebook cá nhân hôm thứ Năm tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết là trong chuyến đi của thủ tướng Najib, nước này sẽ ký hợp đồng mua các tàu tuần duyên của Trung Quốc. Nhưng thông tin này sau đó đã bị xóa đi. Nếu đúng như thế thì đây sẽ là hợp đồng quan trọng đối với Bắc Kinh.

Tờ South China Morning Post hôm nay trích lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng hợp đồng nói trên sẽ là một thắng lợi lớn về ngoại giao và chiến lược, và sự kiện này sẽ khiến cho Hoa Kỳ quan ngại.

Từ năm 2009 đến nay, về quan hệ thương mại song phương, Trung Quốc vẫn là đối tác hàng đầu của Malaysia, còn Kuala Lumpur hiện là đối tác đứng hàng thứ 8 của Bắc Kinh; trong khối ASEAN, Malaysia là đối tác lớn nhất của Trung Quốc. - RFI

***
Chuyến viếng thăm Trung Quốc của thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu từ ngày 31/30/2016 sẽ lại càng làm thay đổi bối cảnh địa chính trị của vùng Đông Nam Á theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, chỉ một tuần sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khởi động chiến lược "xoay trục" tương tự.

Cũng giống như tổng thống Duterte, thủ tướng Najib đi Trung Quốc lần này dẫn theo một phái đoàn đoàn doanh nghiệp hùng hậu, vì ông đang rất cần thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia, đặc biẹt là trong các lĩnh vực công nghệ mới và cơ sở hạ tầng. Theo lời tiến sĩ Mustafa Izzuddin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, thủ tướng Najib muốn thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Malaysia trong năm 2017 để tạo thêm tính chính đáng cho vai trò lãnh đạo của ông, qua đó củng cố cơ may tái thắng cử cho liên minh cầm quyền của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.

Đổi lấy đầu tư vào Malaysia, Bắc Kinh có thể giành được một đồng minh chiến lược khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mở rộng mạng lưới ủng hộ Trung Quốc trong khối ASEAN. Vào tuần trước, tổng thống Duterte của Philippines, một trong những quốc gia chủ chốt trong tranh chấp này, đã chính thức tuyên bố "chia tay" với đồng minh Hoa Kỳ, đánh dấu một thay đổi quan trọng về địa chính trị Đông Nam Á.

Theo lời chuyên gia Mustafa Izzuddin, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Trung Quốc xem Malaysia là quốc gia có vai trò quan trọng trong khối ASEAN và là một bên tranh chấp Biển Đông mà Bắc Kinh có thể đối thoại dễ dàng hơn nhằm giải quyết tranh chấp này, nhất là cho tới nay lập trường của Kuala Lumpur không rõ ràng.

Malaysia hiện cũng đòi chủ quyền trên khoảng một chục đảo ở Biển Đông, nhưng khác với Việt Nam, Philippines hay Đài Loan, chính quyền thủ tướng Najib hầu như không có phản ứng gì trước những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này, thậm chí không hề tỏ thái độ khi các tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Malaysia ở Biển Đông. Thủ tướng Najib không muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong hồ sơ này có lẻ vì sợ làm phật lòng đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.

Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này của thủ tướng Malaysia cũng diễn ra vào lúc vụ tai tiếng tài chính quỹ phát triển 1MDB khiến uy tín quốc tế của ông Najib bị sứt mẻ nặng nề. Trong nước cũng như ngoài nước, ngày càng có nhiều người yêu cầu ông phải từ chức.

Do vụ tai tiếng quỹ 1MDB mà thủ tướng Malaysia trong thời gian qua ít đi thăm các nước phương Tây, với hậu quả là đầu tư trực tiếp từ những nước này sụt giảm, cho nên Kuala Lumpur càng cần đến đầu tư từ Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đang khai thác vụ tai tiếng quỹ 1MDB đã thắt chặt hơn nữa quan hệ với Malaysia, cụ thể là bỏ tiền ra để cứu quỹ này khỏi phá sản. Giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ, một đồng minh chủ chốt của Malaysia, đã gây áp lực rất nhiều lên thủ tướng Najib trong vụ tai tiếng quỹ 1MBD. Với chủ trương ngược lại là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, Bắc Kinh càng lôi kéo được Kuala Lumpur về phía họ, về mặt kinh tế lẫn chiến lược. - RFI

2.
Chủ trương theo Trung Quốc của Duterte thách thức ASEAN --- ASEAN đang ngả dần về Trung Quốc?

Chính sách ngoại giao mới được tuyên bố của tổng thống Philippines Duterte là xa rời đồng minh truyền thống Mỹ để liên kết với Trung Quốc và Nga, tiếp tục gây chấn động dư luận : Báo giới các nước láng giềng không ngừng phân tích lợi hại trong chủ trương xoay trục của ông Duterte. Nhà phân tích Tang Siew Mun, trên tờ Straits Times số ra ngày 28/10/2016 đã nhìn thấy là ASEAN đang bị thách thức ngay trong bản sắc của mình, đúng vào lúc Philippines sắp ngồi vào ghế chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Đông Nam Á vào năm tới 2017.

Tác giả bài phân tích nhắc lại rằng sau tuyên bố "chia tay với Mỹ" của ông tại diễn đàn doanh nhân ở Bắc Kinh ngày 20/10 đã gây một làn sóng chấn động, tổng thống Philippines đã cố giải thích lại, cho rằng Philippines chỉ muốn có một chính sách ngoại giao độc lập và không cần nhất thiết "theo đuôi" nền ngoại giao Mỹ.
Thế nhưng những giải thích đó không đủ để xóa tan nỗi lo ngại về nguy cơ gẫy đổ trong quan hệ Philippines-Mỹ cũng như tạo nên sự tin tưởng rằng Philippines vẫn còn có thể là một đồng minh chiến lược đáng tin cậy trong mắt người Mỹ.

Trong thực tế, ông Duterte có thể là đã nhận thấy rằng cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Mỹ không đơn giản, hơn nũa uy tín của Mỹ ở Philippines vẫn rất lớn. Một cuộc thăm dò dư luận trong tháng qua của tổ chức Social Weather Stations cho thấy tỷ lệ dân chúng tin tưởng vào Hoa Kỳ là 66%. Dĩ nhiên cũng không nên đánh giá thấp khả năng của ông Duterte ảnh hưởng đến phần còn lại của số dân có tâm lý bài Mỹ.
Ông Tang Siew Mun cũng nhìn nhận là ‘ công bằng mà nói, Philippines một đất có chủ quyền, có toàn quyền thay đổi liên minh chiến lược. Với việc Manila xích lại gần Bắc Kinh, chuyến viếng thăm 4 ngày của ông Duterte đã gặt hái được 15 tỷ đô la đầu tư và thêm 9 tỷ đô la tín dụng. Quả là món lợi to lớn, hơn rất xa số 5,7 tỷ đầu tư trực tiếp đổ vào Philippines vào năm ngoai'.

ASEAN bị tác đông

Theo chuyên gia Singapore, sự kiện ông Duterte đi theo Trung Quốc có thể mang lại thu hoạch tốt đẹp về mặt kinh tế, nhưng cái giá chính trị phải trả có thể rất đắt, không chỉ cho Philippines mà cho cả khối ASEAN.
Thông báo rõ ràng và rất công khai của Philippines là sẽ ngả theo Trung Quốc và có thể liên kết với cả Nga, đã đi ngược lại với nguyên tắc chủ đạo của ASEAN là "không đứng về phe nào" trong số các cường quốc lớn trên thế giới. "Không đứng về phe nào" không có nghĩa là trung lập hay nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề khu vực và thế giới, mà trái lại nguyên tắc độc lập trên mặt ngoại giao đó đã cho phép các thành viên ASEAN có một tiếng nói đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế.

Nguyên tắc cơ bản đó trong ASEAN cũng đã cho phép 10 thành viên của Hiệp Hội có được những quan hệ tốt, hai bên cùng có lợi với các cường quốc, mà không vướng vào các ganh đua giữa họ với nhau.
Chính vì đã đứng được bên trên các tranh chấp và ganh đua chính trị giữa các nước lớn mà ASEAN đã có thể giữ được sự tự trị của mình, không bị lôi cuốn vào những vùng ảnh hưởng ngột ngạt của Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản. Chiến lược sống còn này đã giúp ASEAN đứng vững từ khi mới thành lập năm 1967, nhưng giờ đây đang bị đe dọa.

Ý nghĩ về khả năng ASEAN bị chia thành hai phe "thân Trung Quốc" và "thân Mỹ" có thể là đã được nghe như rất kỳ lạ vào đầu thiên niên kỷ này, nhưng việc Trung Quốc phủ bóng trên nền kinh tế của Cam Bốt và Lào, và sự kiện ông Duterte vừa tỏ thái độ tâm đầu ý hợp với Bắc Kinh đã làm cho ý tưởng đáng buồn đó có thêm thực chất. Đối với rất nhiều người trong vùng, việc ông Duterte ve vãn Trung Quốc và Nga, đồng thời lại xua tay đuổi Mỹ, đã làm nhớ lại thời kỳ chiến tranh lạnh.

Một ASEAN bị rạn nứt sẽ gây nên một vết chia cắt kiểu chiến tranh lạnh không có lợi cho cả Bắc Kinh lẫn Washington, và gây ra những tổn hại không thể cứu vãn được cho Hiệp Hội Đông Nam Á. Chẳng phải là mục tiêu chiến lược rộng lớn của ASEAN sẽ dễ đạt được hơn khi làm việc cùng với các cường quốc thay vì giúp họ chuyển chiến tuyến vào bên trong khu vực hay sao ?
Theo Tang Siew Mun, các hành động của ông Duterte có hậu quả vượt ra bên ngoài đất nước của ông, nhất là khi Philippines giữ vai trò chủ tịch ASEAN năm tới đây. Một chủ tịch thiên vị đối tác này hơn các đối tác khác chỉ gây nên sự mất tin tưởng, tác hại đến vai trò trung tâm của ASEAN.

ASEAN chỉ có thể làm tốt vai trò tế nhị là cân bằng quan hệ với các cường quốc, khi giữ được tính chất không thiên vị của mình và duy trì được tính chất mở cửa và hòa đồng của khu vực. Việc Philippines đứng hẳn về phía Trung Quốc có tác dụng lật đổ vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhưng bên cạnh đó, theo nhà phân tích Singapore, thì sự kiện Philippines xích gần lại Trung Quốc cũng là một diễn biến tích cực đối với Manila và khu vực. Việc khởi động các cuộc thảo luận trực tiếp về tranh chấp ở Biển Đông có thể làm giảm căng thẳng, giảm mức độ leo thang tranh chấp. Tuy nhiên, dù nôn nóng muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, chủ tịch sắp tới của ASEAN không nên quên những cam kết của vùng, phải ghi nhớ rằng mối quan tâm hàng đầu của ASEAN là bảo tồn và nêu cao tính bất khả xâm phạm của luật pháp quốc tế trong tư cách là nguyên tắc chi phối các vấn đề quốc tế.

Và điều quan trọng hơn cả là ông Duterte phải ý thức rằng trong vòng hai tháng nữa, ông sẽ phải gánh vác hai nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ trước tiên và hàng đầu của ông dĩ nhiên là phải lo cho dân chúng Philippines. Tuy nhiên cùng lúc ông cũng phải nghĩ đến nhiệm vụ thứ hai là quan tâm đến nguyên vọng của 635 triệu người dân Đông Nam Á, sẽ trong chờ nơi sự lãnh đạo và cảm hứng của ông để đưa ASEAN đi tới, đi xa hơn lễ sinh nhật vàng 50 năm này.

Nhưng câu hỏi là liệu ông Duterte có thể dung hòa được quyền lợi của riêng Philippines với những yêu cầu và trách nhiệm của một thành viên Asean hay không?
Trong năm đánh dấu 50 năm thành lập này, kỳ vọng trong khu vực là Philippines có thể phất cao ngọn cờ ASEAN, phất rất cao, nhất là khi Manila còn là một trong 5 thành viên sáng lập hiệp hội. Vào lúc mà ASEAN có vẻ như không có phương hướng và thiếu sự lãnh đạo rõ ràng, nhất là trên các vấn đề an ninh, mọi con mắt sẽ nhìn sang Manila. Mọi người hết sức chờ đợi là Philippines, với tư cách là thành viên sáng lập, sẽ đề cao các nguyên tắc, chuẩn mực của ASEAN.

Có điều là còn phải chờ xem ASEAN có phải là một ưu tiên đối với chính quyền Duterte hay không? - RFI

Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm nay, 31/10, tới Trung Quốc, bắt đầu chuyến thăm kéo dài tới ngày 6/11, ít lâu sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rời Bắc Kinh.

Người đứng đầu chính phủ Malaysia, một nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), công du nước đông dân nhất thế giới cùng với hàng chục quan chức chính phủ và doanh nhân.

Trong một thông cáo ra ngày 26/10, ông Najib được Reuters dẫn lời nói rằng Malaysia cam kết củng cố quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và sẽ thúc đẩy mối bang giao lên “các tầm cao mới”.
Thủ tướng Malaysia nói: “Chúng tôi sẽ ký nhiều thỏa thuận mới cũng như các biên bản ghi nhớ sẽ nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới hơn nữa”.

Chuyến thăm của ông Najib diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Duterte tuyên bố tại Bắc Kinh rằng ông “ly khai” với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ và đã “chỉnh đốn lại” quan hệ với Trung Quốc.
Cả Philippines và Malaysia đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông Duterte thời gian qua đã mềm mỏng hơn với Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ cũng như thu hút đầu tư từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một nhà phân tích nói rằng chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể tìm cách giảm nhẹ cuộc tranh chấp với Malaysia bằng cách đưa ra các đề nghị về kinh tế.
Hãng tin của Anh cho rằng chuyến công du của ông Najib một lần nữa lại có thể gây trở ngại cho chính sách của Mỹ về Đông Nam Á.

Trong một bài phân tích hôm 31/10, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói rằng việc các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần hơn với Trung Quốc không những làm giảm căng thẳng tranh chấp ở biển Đông mà còn gia tăng sự cạnh tranh [về ảnh hưởng] giữa liên minh Mỹ - Nhật và Trung Quốc. 

Trong một động thái không rõ có liên quan với các chuyến công du của các quan chức ASEAN tới Trung Quốc hay không, người được cho nhiều khả năng lên kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm Hoa Kỳ tuần trước, sau khi hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Tin cho hay, chuyện Biển Đông và TPP nằm cao trong nghị trình cuộc gặp giữa ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. - VOA


3
.

Đảng Cộng sản Philippines kêu gọi Mỹ 'tránh xa' Scarborough --- TQ lên tiếng về ‘điểm nóng’ ở biển Đông

Đảng Cộng sản Philippines (CPP) hôm 29/10 đã lên tiếng hoan nghênh việc Manila và Bắc Kinh xử lý vụ bãi cạn Scarborough một cách hoà bình, đồng thời kêu gọi Mỹ ngưng can thiệp. 

Tuyên bố của CPP có đoạn: "Việc giải quyết bãi cạn Scarborough cho thấy điều có thể đạt được bằng cách khẳng định độc lập quốc gia, gây dựng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và phản đối sự can thiệp từ bên ngoài, nhất là sự kích động chiến tranh từ quân đội Mỹ". 

PhilStar dẫn lời Đảng Cộng sản Philippines dự báo "các thành công tiếp theo trong việc xử lý hoà bình các tranh chấp lãnh hải khác" mà "phù hợp với các nguyện vọng của người dân Philippines". 

Theo CPP, điều quan trọng nhất nhằm đi tới giải pháp cho các tranh chấp ở biển Đông đó là "phải phi quân sự hoá" vùng biển này để cho các quốc gia sử dụng tuyến hàng hải trọng yếu của thế giới. 

Đảng này cũng kêu gọi Mỹ "ngưng mọi cuộc tuần tra hải quân, kể cả các hoạt động gọi là tự do hàng hải" mà theo lời CPP "khiêu khích việc trả đũa". 

Hoa Kỳ chưa lên tiếng trước lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Philippines. 

Trong khi đó, tờ Philippines Daily Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Delfin Lorenzana, nói rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu hải giám của Trung Quốc vẫn bảo vệ bãi cạn này, nhưng các ngư dân Philippines vẫn hoạt động gần đó mà không gặp trở ngại gì. - VOA
Trung Quốc hôm nay, 31/10, tuyên bố rằng tình hình tại bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines ở biển Đông “không có gì thay đổi và sẽ không thay đổi”, sau khi Manila nói rằng các tàu của Bắc Kinh chiếm đóng nơi đó trong suốt bốn năm qua không còn xua đuổi các ngư dân Philippines. 

Các quan chức an ninh Philippines, theo Reuters, hôm 30/10, nói rằng Trung Quốc đã giảm bớt sự hiện diện tại bãi cạn này sau chuyến công du của Tổng thống Duterte tới quốc gia đông dân nhất thế giới nhằm tăng cường quan hệ song phương. 

Khi được hỏi liệu có phải các ngư dân không bị cản trở khi tiến vào bãi cạn này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh vẫn duy trì “việc quản lý bình thường” ở Scarborough. 

Bà nói: “Tình hình liên quan không có gì thay đổi và sẽ không thay đổi”. Nữ phát ngôn viên này còn cho rằng chuyến công du tới Trung Quốc của ông Duterte đã đánh dấu một sự cải thiện chung trong quan hệ hai nước. 

“Trung Quốc sẽ thực thi phù hợp với các vấn đề quan tâm của Tổng thống Duterte”, bà Hoa nói mà không cho biết chi tiết. 

Trung Quốc đã xua đuổi các ngư dân Philippines kể từ khi chiếm đóng Scarborough năm 2012.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Philippines (CPP) hôm 29/10 đã lên tiếng hoan nghênh việc Manila và Bắc Kinh xử lý vụ bãi cạn Scarborough một cách hoà bình, đồng thời kêu gọi Mỹ ngưng can thiệp. 

Tuyên bố của CPP có đoạn: "Việc giải quyết bãi cạn Scarborough cho thấy điều có thể đạt được bằng cách khẳng định độc lập quốc gia, gây dựng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và phản đối sự can thiệp từ bên ngoài, nhất là sự kích động chiến tranh từ quân đội Mỹ". 

PhilStar dẫn lời CPP nói rằng điều quan trọng nhất nhằm đi tới giải pháp cho các tranh chấp ở biển Đông đó là "phải phi quân sự hoá" vùng biển này để cho các quốc gia sử dụng tuyến hàng hải trọng yếu của thế giới. - VOA

4.
Hàn Quốc: Tổng thống có nguy cơ bị gạt khỏi quyền lực --- Người phụ nữ tâm điểm của vụ khủng hoảng chính trị Hàn Quốc xin tha thứ

Các công tố viên Hàn Quốc hôm nay 31/10/2016 bắt đầu thẩm vấn nữ “cố vấn” của tổng thống Park Geun-Hye với các cáo buộc gian lận và lạm dụng quyền thế. Văn phòng của tổng thống cũng đã bị lục soát. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình hôm thứ Bảy 29/10/2016 đòi tổng thống từ chức.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết thêm thông tin:
Sự trở về này đang làm dấy lên cuộc tranh cãi. Choi Soon-sil, nữ cố vấn tâm phúc của tổng thống đã trở về từ Đức, nơi bà lẩn trốn. Bị cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền thế, bà đã có khoảng thời gian 24 giờ trước khi bị thẩm vấn, đủ để cho bà hủy bỏ các bằng chứng, theo như tố cáo của giới truyền thông và các đảng đối lập sáng hôm nay.

Choi Soon-sil là con gái một giáo chủ một nhánh tôn giáo thân cận với bà tổng thống Park Geun-hye. Bà Choi không có một chức vụ chính thức nào. Bà bị tố cáo đã can thiệp vào công việc Nhà nước và đã nhận 60 triệu euro từ các doanh nghiệp.
Hôm thứ Bảy (29/10/2016) khoảng từ 20 000 và 30 0000 người đã biểu tình tại Séoul, đòi tổng thống Park Geun-hye từ chức. Nhiều tấm biển vẽ hình tổng thống như là một con rối trong tay Choi Soon-sil.

Văn phòng tổng thống cũng đã bị lục soát. Park Geun-Hye đã yêu cầu 10 cố vấn thân cận nhất từ chức. Nhưng điều đó cũng chưa đủ. Ngay cả chính đảng cầm quyền của bà đang yêu cầu thành lập một chính phủ song đảng, nghĩa là các vị trí bộ trưởng sẽ do hai chính đảng nắm giữ và như vậy, bà có thể bị gạt khỏi quyền lực, trên thực tế. - RFI

***
Người phụ nữ là tâm điểm của vụ bê bối chính trị Hàn Quốc ngày hôm nay đã xin được tha thứ khi trở lại Seoul để gặp các công tố viên đang điều tra những cáo buộc rằng bà đã dùng mối quan hệ bạn bè với tổng thống Park Geun-hye để gây ảnh hưởng tới các giao thiệp cấp quốc gia và hưởng lợi.
Bà Choi Soon-sil từ Đức trở về Seoul hôm chủ nhật. Cách đây hơn 1 tháng, bà Choi cùng với con gái đã trốn chạy sang Đức ngay sau khi có những ghi nhận về những hành vi không đúng đắn của bà.
Luật sư của bà, ông Lee Kyung-jae, nói bà Choi “vô cùng hối hận rằng bà đã gây ra sự thất vọng và chán nản trong công chúng.”

Theo ghi nhận của các phóng viên, bà Choi đã phải che mặt và tuột mất một chiếc giày khi len qua đám đông những người đòi bà từ chức và phải bị bắt giữ khi đi vào viện công tố ở Seoul. Bà nói : “Tôi đã phạm một tội mà tôi đáng phải chết. Hãy tha thứ cho tôi.”
Cuối tuần qua tổng thống Park đã sa thải nhiều quan chức cấp cao chủ chốt trong nội các của bà sau khi có những cuộc biểu tình lớn và những lời kêu gọi ngày càng tăng đòi bà phải từ chức hoặc bị luận tội.

Con rối của bà Choi

Mối quan hệ của tổng thống Park với bà Choi bắt đầu từ những năm 1970, trong thời gian bố bà Park, ông Park Chung-hee làm tổng thống Hàn Quốc 18 năm tiếp theo sau một vụ đảo chính.
Cha bà Choi, ông Choi Tae-min là một nhà lãnh đạo tôn giáo và trở thành cố vấn cho bà Park sau khi mẹ của bà bị sát hại trong một vụ ám sát nhắm vào bố của bà. Hai người phụ nữ này cũng đã trở thành những người bạn thân trong thời gian đó, khi họ đang trong độ tuổi 20.

Trong lời xin lỗi trước công chúng hồi tuần trước, tổng thống Park nói bà Choi đã giúp bà vượt qua “những khó khăn trong quá khứ.”
Bà Choi bị cáo buộc đã dùng không chỉ sự ảnh hưởng mà còn cả quyền năng giống như sự sùng bái đối với tổng thống Park mặc dù bà không hề có một chức vụ chính thức nào trong chính phủ. Bà còn bị cáo buộc đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân với tổng thống để ép buộc các tập đoàn lớn phải quyên tặng hơn 68 triệu đô la và bà đã biển thủ số tiền này.

Nhưng người đàn bà 60 tuổi, trước đó đa phủ nhận mọi hành vi sai trái, đã lên tiếng xin lỗi trước khi gặp các công tố viên.
Vụ bê bối này đã làm tan vỡ hình ảnh một nhà lãnh đạo không bị tham nhũng ảnh hưởng của bà Park, một danh tiếng được củng cố bởi thực tế rằng bà Park không lập gia đình, bị anh chị em xa lánh và cho tới lúc này không có quan hệ với các nhân vật tai tiếng.

Biên tập viên Koo Se-wong của trang mạng tin tức và bình luận Korea Expose, nói: “Với vụ bê bối này cái mà chúng ta đang thấy là tổng thống bị tố cáo về căn bản là một con rối của một người hoặc một gia đình, và rằng bà đã làm nhiều việc chỉ vì lợi ích của họ và không vì bản thân, ít nhất là theo những gì công chúng biết.”

Bắc Triều Tiên
Các tài liệu của chính phủ được tìm thấy trong một máy tính bảng đã bị bỏ đi cho thấy bà Choi nhận những thông tin mật về Nhật Bản và Bắc Triều Tiên, làm dấy lên những lo ngại rằng chính sách an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng.
Cũng có những cáo buộc cho rằng bà Choi có ảnh hưởng tới việc đưa ra các quyết định cứng rắn của bà Park để từ chối giao tiếp với Bắc Triều Tiên, đóng cửa khu công nghiệp liên doanh Kaseong sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân vào tháng 1, và đồng ý triển khai lá chắn phi đạn THAAD của Mỹ trước sự phản đối của Bắc Kinh.

Nhà phân tích Bong Young-shik của Viện Nghiên Cứu về Bắc Triều Tiên của đại học Yonsei nói mối quan hệ của tổng thống Park với bà Choi đã làm xói mòn nghiêm trọng khả năng của bà để ủng hộ thêm cho các chế tài mới đối với chính phủ của ông Kim Jong Un hoặc những cản trở tăng cao trong nước.

Vịt què

Những nỗ lực của tổng thống Park trong việc đưa chính bản thân bà ra khỏi vụ khủng hoảng này bằng hàng động xin lỗi và sa thải các quan chức có thể dính líu tới bà Choi đã không làm giảm bới sự giận giữ trong công chúng.
Tỷ lệ ủng hộ bà Park đã lao dốc ngay khi vụ bê bối này xảy ra.
Cùng lúc đó, lại không dễ để ép tổng thống Park phải từ chức trước khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào năm 2018.

Đảng cầm quyền Saenuri của bà Park có thể yêu cầu bà rời khỏi đảng để tách đảng ra khỏi vụ bê bối này. Tuy nhiên những người ủng hộ bà trong Quốc hội dường như sẽ tìm cách ngăn cản những người đối lập muốn dựng lên một phiên tòa luận tội mà có thể đưa ra thêm những công khai bất lợi cho bà.
Các đảng đối lập đã yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện nhưng chưa đề xuất khả năng luận tội bà.

Tuy nhiên, giáo sư khoa học chính trị Kim Jae-chun của đại học Sogang ở Seoul, nói khả năng cầm quyền của bà Park đã bị tổn hại nghiêm trọng, và có lẽ không thể đảo ngược được. Theo giáo sư Kim, điều tốt nhất mà tổng thống Park có thể hy vọng làm được trong tương lai đó chính là bảo vệ các chính sách hiện tại. - VOA

5.
Úc và Indonesia muốn phối hợp tuần tra tại Biển Đông

Theo báo Úc hôm nay, 31/10/2016, Canberra và Jakarta đang xem xét khả năng phối hợp tuần tra để bảo đảm an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.
Báo The Sydney Morning Herald dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết trong cuộc họp với đồng nhiệm Úc tại Bali hồi tuần trước, Indonesia bày tỏ hy vọng là "hoạt động tuần tra chung" với Úc tại Biển Đông sẽ "mang lại hòa bình" và đẩy lùi các hoạt động đánh bắt cá lậu. Trả lời kênh truyền thông Fairfax Medio, bộ trưởng Quốc Phòng Úc tuyên bố hai bên nhất trí xem xét các khả năng tăng cường hợp tác trên hai vùng "Biển Đông và biển Sulu", mục tiêu của Úc là "thực thi quyền tự do hàng hải thể theo luật pháp quốc tế và góp phần bảo vệ an ninh khu vực".

Ngoài vấn đề tự do hàng hải, một lo ngại lớn của Jakarta là việc Bắc Kinh hậu thuẫn cho tàu cá hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trong mùa hè vừa qua, Indonesia đã phải dùng Hải Quân để khống chế tàu cá Trung Quốc.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết bác bỏ phần lớn các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, trong vụ kiện Manila kiện Bắc Kinh. Sau phán quyết, Úc tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, trong lúc Bắc Kinh cực lực phản đối quyết định của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Theo một số chuyên gia về quan hệ quốc tế, các cuộc tuần tra phối hợp giữa Úc và Indonesia tại Biển Đông cản trở tham vọng của Trung Quốc. Bắc Kinh đang phát triển các cơ sở quân sự trên nhiều đảo, đá ở Biển Đông nhằm kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch này. Theo chuyên gia về quốc phòng Connie Rahakundini Bakrie, thuộc Đại học University of Indonesia, việc tuần tra chung có thể là một hành động khiêu khích đối với Trung Quốc, bởi điều đó có nghĩa là Jakarta đã đứng về một bên trong cuộc tranh chấp tại khu vực này.

Tuy nhiên, theo chuyên gia luật quốc tế Melda Kamil Ariadno, cũng thuộc Đại học University of Indonesia, Biển Đông là "tuyến đường hàng hải quốc tế", không quốc gia nào có thể đơn phương đòi hỏi chủ quyền và điều mà "Trung Quốc nên làm ngay lập tức là thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử (ở Biển Đông) COC, càng sớm càng tốt".

Trong chuyến công du Indonesia cuối tuần trước, ngoại trưởng Úc thông báo "sẽ vận động tất cả các nước trong vùng ủng hộ và tăng cường trật tự trên cơ sở tôn trọng luật pháp, đã được Hoa Kỳ hậu thuẫn từ 70 năm nay" và hối thúc khối ASEAN cùng Trung Quốc nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc COC. - RFI

6.
Thái tử Thái Lan ‘lên ngôi ngày 1/12’

Thái Lan đang chuẩn bị cho Thái tử Maha Vajiralongkorn lên kế vị cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào ngày 1/12 tới. 
Hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin quân sự cấp cao nắm thông tin về việc này cho biết như vậy trong một bài báo độc quyền hôm 31/10. 

Tin tức về khung thời gian trên được tiết lộ sau khi Thái tử Vajiralongkorn tới Đức cuối tuần qua để thực hiện công việc cá nhân, một nguồn tin quân sự nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng người kế vị ngai vàng hoàng gia Thái Lan sẽ về nước vào tháng 11. 
Một nguồn tin giấu tên khác cho biết thêm: “Chúng tôi đang tiến hành chuẩn bị. Mọi chuyện đang được chuẩn bị cho ngày 1/12. Nhưng khung thời gian này cũng còn phụ thuộc vào Thái tử”. 

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từng nói rằng việc lên ngôi chính thức của Thái tử Vajiralongkorn có thể được tiến hành trong vòng từ 7 tới 15 ngày sau khi Quốc vương băng hà, hoặc muộn hơn thế.
Quốc vương Bhumibol băng hà hôm 13/10, hưởng thọ 88 tuổi, sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông là người gắn kết đất nước trải qua nhiều thăng trầm chính trị trong suốt 7 thập kỷ trị vì kể từ năm 1946.

Hơn một thập kỷ qua, người dân Thái đã lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol cũng như về người sẽ lên kế vị ngai vàng trong bối cảnh bất ổn chính trị, trong đó có hai vụ đảo chính.
Hãng tin Reuters của Anh cũng cho rằng Thái tử Vajiralongkorn chưa được người dân kính trọng và quý mến như cha mình.

Trong hai năm trở lại đây, người kế vị này đã xuất hiện và đóng vai trò lớn hơn trong xã hội Thái do sức khỏe của Quốc vương Bhumibol suy yếu đi.
Thái tử Vajiralongkorn li dị người vợ thứ ba năm 2014. Các luật lệ cấm phạm thượng hà khắc của Thái Lan khiến công chúng ít có cơ hội thảo luận về người kế vị. - VOA

Tin Hoa Kỳ
7.
Đệ nhất phu nhân Mỹ ‘bảo trợ’ tàu ngầm tối tân nhất

Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama hôm 29/10 cho biết bà “hết sức tự hào” khi được tham dự buổi lễ bàn giao một chiếc tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ, được đặt tên theo tiểu bang nhà của bà là Illinois. 
Chiếc tàu ngầm USS Illinois, được coi là tối tân nhất của hải quân Mỹ, đã chính thức đi vào hoạt động tại căn cứ tàu ngầm ở Groton, Connecticut. 

Bà Obama, người bảo trợ tàu ngầm với khoảng 130 thủy thủ trên khoang này, ngỏ lời “cám ơn vì đặc ân được gắn với tàu ngầm Illinois cho tới hết đời”. 
Đệ nhất phu nhân xuất thân từ thành phố Chicago, theo AP, đã biến việc hỗ trợ các gia đình quân nhân là một ưu tiên. Bà được coi là một thành viên danh dự của thủy thủ đoàn USS Illinois. 

Ông Jess Porter, chỉ huy tàu ngầm trên, nói rằng việc tham gia của đệ nhất phu nhân Mỹ vào việc bàn giao là điều “hết sức lớn lao”. 
UPI dẫn thông cáo của Nhà Trắng nói rằng, với tư cách là người bảo trợ, bà Obama thiết lập “một mối liên hệ đặc biệt với Illinois, các thủy thủ và gia đình họ trong suốt thời kỳ hoạt động của tàu ngầm này”. 
Tin cho hay, hàng nghìn công nhân ở các tiểu bang Connecticut, Rhode Island và Virginia đã tham gia việc đóng chiến hạm trị giá 2,7 tỷ đôla trong suốt 5 năm qua. 
USS Illinois là chiếc thứ 13 của tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Hải quân Mỹ nói cần có các tàu ngầm tấn công này để thay thế những chiếc được đóng trong Chiến tranh Lạnh và đang dần bị ngưng sử dụng. - VOA

8.
Ðảng Dân chủ tố cáo công bố của FBI về vụ email mang động cơ chính trị

Trong lúc Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã có lệnh bắt đầu khám xét một khối lượng lớn email có thể liên quan đến vụ bà Hillary Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân cho công việc khi bà làm ngoại trưởng Mỹ, lãnh đạo bên Ðảng Dân chủ nói rằng thời điểm công bố cuộc điều tra mang động cơ chính trị.

Các nhà điều tra FBI cách đây mấy tuần đã tìm được những email trong một cuộc điều tra khác có thể có thông tin liên quan đến vụ email của bà Clinton, nhưng cho đến khi chỉ còn 11 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, họ mới loan báo phát hiện được những email đó.
Giám đốc FBI, ông James Comey thông báo cho các lãnh đạo ở Quốc hội về việc này hôm thứ Sáu. Trong thông báo gởi cho Quốc hội, ông Comey nói rằng các nhà điều tra chưa biết liệu những email mới phát hiện này có những thông tin quan trọng hay không, trong lúc nội dung của các email đó chưa được kiểm tra lại.

​Ông Comey bị cáo buộc có mưu đồ chính trị trong cuộc điều tra 
Thủ lãnh khối thiểu số Thượng viện, ông Harry Reid hôm Chủ nhật gợi ý rằng ông Comey lạm dụng chức vụ gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, và việc làm đó có thể phạm luật.

Trong một văn thư, ông Reid còn cáo buộc ông Comey làm ngơ yêu cầu công bố “thông tin gây chấn động” mà thượng nghị sĩ này nghi là FBI có trong tay về những mối quan hệ giữa ban vận động tranh cử của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump với Nga.
Thượng nghị sĩ Reid nói trong văn thư: “Ngược lại, ngay khi có được một tí bóng gió liên quan đến Ngoại trưởng Clinton là ông đã vội vàng công bố bằng một cách tiêu cực nhất có thể.”

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và gần 100 cựu giới chức và công tố viên của Bộ Tư pháp cũng bày tỏ lo ngại trong một công văn về công bố của ông Comey và thời điểm công bố quá gần với ngày bầu cử.

Ông Holder nói: “Chúng tôi nhớ chưa có cuộc bầu cử nào trước đây xảy ra chuyện một giới chức quan trọng của Bộ Tư pháp – bất kể là bên Ðảng Cộng hòa hay Ðảng Dân chủ -- ngay trước cuộc bầu cử lại công bố những thông tin có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử, nhưng giới chức đó lại thừa nhận rằng những thông tin sẽ được điều tra đó có thể không quan trọng hoặc không có gì mới.”
Văn thư này nói rằng nhân dân Mỹ cần được biết tất cả những thông tin đó để họ có thể có một cái nhìn “đầy đủ và toàn diện” về vấn đề.
Thống đốc bang Indiana Mike Pence, ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, bênh vực cho quyết định của ông Comey. Ông Pence gọi đó là “một gương điển hình của lãnh đạo thực sự.”

Ông Comey hôm thứ Sáu đã gởi một thông cáo cho các nhân viên FBI, giải thích quyết định của ông cập nhật thông tin cho các nhà lãnh đạo ở quốc hội. Mặc dù thừa nhận rằng “thường FBI không thông báo cho Quốc hội những cuộc điều tra đang được tiến hành,” nhưng ông nói là ông cảm thấy có bổn phận phải thông báo việc này cho Quốc hội bởi vì trong cuộc điều trần trước ở Quốc hội ông đã nói cuộc điều tra đã hoàn tất. Ông cũng nói rằng ông tin là “nếu ông không bổ sung những thông tin mới này, thì dân chúng Mỹ không nhận được thông tin đầy đủ.” 

Ông Trump so sánh vụ email này với vụ bê bối Watergate
Ông Trump rất phấn khởi trước công bố của FBI, và ông xem đó là những bằng chứng thêm nữa để khẳng định rằng bà Clinton là không đáng tin cậy.

Trong cuộc vận động ở bang New Mexico hôm Chủ nhật, ông Trump nói rằng cuộc điều tra về vụ emai của bà Clinton “là vụ bê bối lớn nhất kể từ vụ Watergate.”
Trong phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Colorado hôm thứ Bảy, ông Trump nói: “Một lá phiếu bỏ cho bà Clinton là một lá phiếu đưa chính phủ đến sự mục nát, hối lộ, phe đảng, đe dọa đến Hiến pháp của chúng ta.”
Bà Kellyanne Conway, giám đốc ban vận động tranh cử của ông Trump nói: “Bóng mây tham nhũng sẽ luôn bám theo bà Clinton. FBI đã đưa ra thông báo đáng chú ý này chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử có nghĩa là phải có một chuyện gì trong đó.”

Các email bị phát hiện trong cuộc điều tra về gởi nhắn tin dâm dục
Những email vừa được phát hiện xảy ra trong một cuộc điều tra cựu đại biểu quốc hội Anthony Weiner, người chồng ly thân của bà Huma Abedin, trợ lý hàng đầu của bà Clinton.
Ông Weiner bị tố cáo đã gởi email với những nội dung dâm dục cho một bé gái 15 tuổi. Một loạt email mà FBI tin là có liên quan đến cuộc điều tra về vụ email của bà Clinton được tìm thấy trong máy vi tính mà ông Weiner và bà Abedin xài chung.

Ông Weiner là một cựu đại biểu quốc hội. Ông đã từ chức vào năm 2011 sau khi ông thú nhận là đã trao đổi những hình ảnh và nhắn tin khiêu dâm với một số phụ nữ. Sau đó ông từng ra tranh cử thị trưởng New York, nhưng cuộc tranh cử của ông bị bao phủ bởi những bằng chứng về những nhắn tin dâm dục của ông.
Sau khi chính quyền liên bang bắt đầu điều tra về việc ông Weiner nhắn tin dâm dục cho một bé gái chưa tới tuổi trưởng thành, ông và bà Abedin đã ly thân.
Công bố của FBI gây hoang mang cho Ðảng Dân chủ

Ban vận động tranh cử của bà Clinton và phe dân chủ trước đó đã phấn khởi khi ông Comey hồi tháng 7 tuyên bố rằng cuộc điều tra của FBI về vụ bà Clinton đã quản lý các email một cách “tùy tiện” khi bà làm ngoại trưởng được đóng lại và không bị truy tố hình sự.

Nhưng khả năng cuộc điều tra có thể được mở lại khiến bên Ðảng Dân chủ bối rối.

Hàng triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống sớm tại nhiều tiểu bang trên cả nước. Công bố của FBI về những email này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kết quả cuộc bầu cử hiện chưa rõ, nhưng một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua diễn ra sát nút giữa bà Clinton với ông Trump ngay cả trước loan báo của FBI hôm thứ Sáu. - VOA

Tin Việt Nam
9.
Bộ trưởng Tuấn: báo chán do nhà báo kém tài, không phải do kiểm duyệt

Trong một cuộc phỏng vấn được nhiều báo Việt Nam đăng hôm 31/10, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, nói chính quyền “không ngăn cản tự do ngôn luận”, và các tác phẩm báo chí không thu hút bạn đọc là “do trình độ và tài nghệ của người làm báo”. Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo không đồng tình với phát biểu này của bộ trưởng.
Hồi cuối tháng 6, báo điện tử Infonet trực thuộc bộ của ông Tuấn đã đăng một bài viết về khó khăn trong nghề báo ở Việt Nam. 

Bài viết trích ý kiến của Tổng Biên tập Infonet, ông Võ Đăng Thiên, cho rằng: "Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo … là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng của cơ quan chỉ đạo, … lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc. Vì nếu làm sai chỉ đạo sẽ bị xử lý, nhưng nếu không thuyết phục được bạn đọc thì không có nguồn thu. Đây thường xuyên là thách thức hàng ngày đối với chúng tôi".
Đáp lại nhận xét kể trên của ông Thiên, trong bài phỏng vấn đăng hôm 31/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói “đó là sự ngụy biện”. Ông Trương Minh Tuấn khẳng định rằng: “Không thuyết phục được bạn đọc là do trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật. … đổ lỗi cho pháp luật quả là chuyện nực cười. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa chiều, càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo”.
Trước đó, hôm 19/10, ông Võ Đăng Thiên và một phó tổng biên tập của Infonet bị đình chỉ chức vụ 15 ngày do dẫn lời Chủ tịch Quốc hội để rút tít một bài viết là “Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình”. Bộ trưởng Tuấn cho rằng “Tiêu đề này nói không đúng bản chất nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, khiến cho dư luận hiểu sai về mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ”.

Cuộc phỏng vấn ông Tuấn diễn ra trong bối cảnh gần đây nhà chức trách Việt Nam đã “kỷ luật” một loạt lãnh đạo báo chí và cơ quan báo chí. Gần đây nhất là vụ đình bản báo Tầm Nhìn trong 3 tháng.

Từ Nha Trang, nhà báo có hàng chục năm kinh nghiệm Võ Văn Tạo phân tích với VOA về những điểm ông không đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ông Tạo nói:

“Ở Việt Nam có những đề tài rất quan trọng, người dân rất quan tâm thì báo chí lại không được đụng tới. Cái đó là hàng tuần đều có sự giao ban báo chí hết. Do Ban Tuyên giáo Trung ương người ta giao ban. Họ sẽ nói nội dung cụ thể trong tuần tới, trong thời gian tới phải tập trung đưa về cái gì. Tức là tiết chế hoạt động báo chí một cách rất là khắt khe. Báo chí không có tự do. Có những đề tài công chúng rất thích lại bị cấm đoán thì làm sao mà hay. Báo chí không như văn chương. Cái hay của báo chí là vấn đề thời sự, phản ánh tính thời sự, cái nóng bỏng, cái kịp thời mà phần lớn xã hội, công chúng người ta quan tâm. Đấy mới là cái hay của báo chí. Thế thì ở Việt Nam bị dẹp cái đó. Thế thì khó lòng có được cái hay”.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm trong vài năm gần đây, nhà chức trách đã thay đổi “chiến thuật” chỉ đạo báo chí nhằm tránh “để lại dấu vết” về kiểm duyệt báo chí. Hai cơ quan quản lý báo chí hàng đầu của Việt Nam là Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản và Bộ Thông tin và Truyền thông của chính phủ. Ông Tạo nói:
“Bộ Thông tin Truyền thông và Tuyên giáo là họ hay làm thế này: giao ban nói mồm, không kịp giao ban thì họ nhắn tin, họ gọi điện thoại. Hãn hữu lắm họ mới gửi văn bản. Họ sợ rằng trong đội ngũ báo chí vẫn có người có lương tâm, những người tử tế, họ sẽ truyền cái đó ra ngoài để đưa lên truyền thông lề dân. Nó lộ tẩy cái bộ mặt xấu xa của việc thò tay can thiệp vào báo chí một cách thô bạo”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói trong cuộc phỏng vấn mới đây rằng tuy có một số quan chức ở các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí đưa ra “những lời khuyên nên thông tin điều này, không nên thông tin điều kia”, song “đó chỉ là sự khuyến nghị, nhắc nhở”. Bộ trưởng Tuấn nói nếu báo chí “thấy sự khuyến nghị, nhắc nhở đó là cứng nhắc, không phù hợp với thực tế cuộc sống” thì lãnh đạo cơ quan báo chí “hoàn toàn có thể phản hồi, tranh biện để đi đến chân lý”.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội và Facebook cá nhân, nhiều nhà báo cho rằng phản hồi, tranh biện với nhà chức trách chỉ mang lại thêm rắc rối cho họ. - VOA

10.
‘Nhân vật thân tín’ của ông Kim Jong Un gặp TBT Trọng

Quan chức hàng đầu phụ trách về đối ngoại của Bắc Hàn, ông Ri Su Yong, mới gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và tuyên bố sẽ “đập tan các thế lực thù địch”. 
Phó chủ tịch của Đảng Công nhân Triều Tiên và cũng là thành viên Bộ Chính trị Bắc Hàn hiện có mặt ở Hà Nội để tham dự cuộc gặp mặt của đại diện Đảng Cộng sản các nước trên thế giới.

Theo KCNA hôm 31/10, trong cuộc gặp với ông Trọng cũng như các lãnh đạo của một số nước, ông Ri nói rằng “nhân dân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ tối cao Kim Jong Un đang nỗ lực hết sức để thực thi quyết định của Đại hội đảng lần thứ bảy của Đảng Công nhân Triều Tiên, trong khi đập tan các động thái xâm lược, cấm vận của các thế lực thù địch nhằm kiềm tỏa cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”. 
Hãng tin nhà nước của Bắc Hàn còn dẫn lời ông Trọng bày tỏ “quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là ủng hộ hòa bình, an ninh và sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, và tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai đảng, và hai nhà nước”. 

Theo Yonhap, ông Ri đặt chân tới Việt Nam giữa tuần trước trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chịu áp lực về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. 
Hãng tin của nhà nước Hàn Quốc nhận định rằng chuyến đi của quan chức Bắc Hàn tới Việt Nam là nhằm “nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương giữa lúc bị quốc tế gò ép”. 

Chưa rõ là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Ri có bàn về chương trình hạt nhân cũng như các cuộc thử nghiệm bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc của Bình Nhưỡng mới đây hay không.

Trước khi tới Việt Nam, theo Kyodo, quan chức hàng đầu của Bắc Hàn đặt chân tới Bắc Kinh hôm 24/10 trên đường tới Hà Nội và sau đó là Indonesia. 
Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn, nhưng thời gian qua phật lòng vì các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Báo chí Việt Nam không thấy đưa tin về cuộc gặp riêng giữa ông Ri và Tổng bí thư Trọng. 

Nhưng trong một bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản các nước, được báo Nhân Dân đăng tải, quan chức cấp cao của Bắc Hàn đứng ở hàng đầu với ông Trọng. - VOA

11.
Người dân Hà Tĩnh bắt đầu nhận đền bù từ vụ Formosa

Báo chí Việt Nam đưa tin nhà chức trách tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 30/10 đã chi trả 1,5 tỷ đồng (hơn 67.000 đôla) tiền tạm cấp bồi thường cho 15 chủ tàu thuyền và 15 lao động tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. 
Đây là một phần trong công tác đền bù cho thiệt hại sau vụ ô nhiễm biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra. Tin cho hay các nơi khác sẽ nhận tiền đền bù trong những ngày tới.

Báo chí cho biết huyện Lộc Hà có 5.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 744 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp bởi vụ ô nhiễm hồi tháng 4. 
Được phân bổ hơn 207 tỷ đồng (gần 9,3 triệu đôla), có tin Hội đồng bồi thường huyện Lộc Hà trước mắt sẽ chi trả hơn 20 tỷ đồng cho xã Thịnh Lộc và Thạch Mỹ.
Ở huyện Kỳ Anh cùng tỉnh, hai ngư dân tên là Điểu và Trần Dụng cho VOA biết việc lên danh sách nhận đền bù cũng đã được tiến hành song việc trả tiền chưa diễn ra. Họ nói cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường vì đánh bắt cá gần bờ về không có ai mua. Họ cho rằng mức đền bù theo một quyết định của Thủ tướng Việt Nam vẫn chưa hợp lý.

Cũng từ Kỳ Anh, Linh mục Trần Đình Lai ở giáo xứ Đông Yên, người dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối Formosa hồi đầu tháng này, cho VOA biết thêm về việc người dân địa phương sẽ đón nhận vấn đề bồi thường như thế nào:
“Chưa thể gọi là hợp lý được bởi vì nó mới là mức đền bù cho 6 tháng, rất là tối thiểu. Sau một số tham vấn cho họ, họ cũng kê khai để nhận đền bù. Nhưng họ cũng tuyên bố đây là một phần thiệt hại thôi, chúng tôi sẽ tiếp tục đòi những phần nào mà để trả cho các thứ. Mình sẽ căn cứ vào luật, khởi tố và kiện ra tòa”.

Linh mục cũng xác nhận lời của các ngư dân là cuộc sống chưa trở lại bình thường. Ông lo ngại rằng những chất độc lắng xuống lớp bùn dưới đáy có thể tồn tại hàng chục năm. Ông cho biết nhiều ngư dân hiện phải đi làm ăn xa:
“Đa số những người ở tuổi trung niên, thanh niên còn trẻ thì người ta đi đánh bắt ở những vùng xa, đi làm thuê cho những người ở Phan Thiết, ở Vũng Tàu… để lấy lương nuôi gia đình. Còn những người lớn tuổi không đi được thì họ ở nhà trông chờ vào những người đi làm, trông chờ vào nguồn cứu trợ của các tổ chức cứu trợ trong và ngoài nước”. 
Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai sau Thừa Thiên-Huế trả tiền đền bù cho dân sau gần 2 tháng kể từ khi chính phủ Việt Nam nhận tiền bồi thường từ Formosa Hà Tĩnh.

Ngoài 2 tỉnh kể trên, Quảng Bình và Quảng Trị cũng chịu nạn cá chết hàng loạt vì thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra. 
Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh thừa nhận đã trực tiếp gây ra thảm họa, đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam. - VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét