Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Thái độ khác biệt của bà Hillary Clinton đối với nước Nga - RFI

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin (T) và ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tại Hội nghị Thượng đỉnh Apec ở Vladivostok, ngày 8 /09/2012.REUTERS/Mikhail MetzelTheo nhận định của Le Monde, « Hillary Clinton có thái độ khác đối với nước Nga ». Le Monde cho rằng điểm khác biệt lớn nhất của bà Clinton so với ông Obama trong hai chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 và 2012 chính là ở thái độ đối với nước Nga. Nếu các ứng viên đảng Cộng Hòa, những người đã bị ông Obama đánh bại trong các cuộc đua vào Nhà Trắng, đã chế giễu ông là « ngây ngô » trước Matxcơva thì trái lại, bà Hillary Clinton đã dành cho tổng thống Nga Vladimir Putin những lời phê phán gay gắt nhất.<!>Bà cựu ngoại trưởng Mỹ không cần chờ phản ứng chính thức của chính quyền nước này mà đã tự mình lên tiếng cáo buộc Nga có ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ bằng cách tấn công tin tặc nhắm vào đảng Dân Chủ và sau đó là nhắm vào hòm thư của giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống của bà là ông John Podesta. Chính những vụ tin tặc này cũng đã khiến nhà tài phiệt Donald Trump tiến lại gần hơn với tổng thống Nga Putin.Trong một buổi tranh luận tại đảng Dân Chủ, cựu ngoại trưởng Clinton đã giải thích là quan hệ giữa hai quốc gia Mỹ - Nga đã thay đổi kể từ khi Vladimir Putin quay lại nắm quyền điều hành nước Nga. Và cũng chính từ đó, bà Hillary Clinton đã tập trung chỉ trích tổng thống Nga, người mà trước đó bà đánh giá là chỉ biết có « sức mạnh và quyết tâm ».
Trên hồ sơ Syria, trong suốt những năm cầm quyền, tổng thống Obama luôn không tin tưởng vào biện pháp can thiệp quân sự vào nước này, còn bà Clinton lại nghĩ rằng can thiệp quân sự là một trong những công cụ thể hiện sức mạnh của Mỹ. Bà cựu ngoại trưởng Mỹ xác định mục tiêu rõ ràng là « không chỉ bảo vệ người dân Syria, ngăn chặn dòng người di cư khổng lồ, mà thẳng thắn mà nói là còn đạt được ảnh hưởng với cả chính phủ Syria và người Nga, và rất có thể, là để có được một cuộc thương thuyết nghiêm túc và cần thiết để chấm dứt khủng hoảng và đạt được bước tiến về mặt chính trị ». Người kế nhiệm bà trên cương vị ngoại trưởng Mỹ là ông John Kerry, sau nhiều tháng thương thuyết không thành với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, đương nhiên cũng có cùng quan điểm với bà Clinton.
Quan điểm cứng rắn của ứng viên tổng thống Hillary Clinton đối với Nga trái ngược với thái độ ve vãn Matxcơva của ông Donald Trump, người bảo vệ chính sách mở cửa với nước Nga. Ông Donald Trump hồi tháng Bảy thậm chí còn khiến công chúng hiểu là nếu đắc cử, ông có thể sẽ bác bỏ việc Washington từ chối công nhận bán đảo Crimée giờ là của Nga. Đối với nhà tỉ phú, người dân ở Crimée thích bán đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Nga hơn là thuộc về Ukraina.
Khi đó, ông Trump có quan hệ gần gũi với cố vấn của cựu tổng thống Ukraina thân Nga Viktor Ianoukovich. Vì thế, Le Monde nhận xét, việc nước Nga có thiện cảm với nhà tỉ phú Donald Trump hơn là với bà Hillary Clinton cũng chẳng khiến ai ngạc nhiên.
Nga nâng cấp « Quả bom » quỹ bí mật
Trong bài viết có tiêu đề « Quả bom » quỹ bí mật của Nga, Le Monde cho biết Matxcơva đang chuẩn bị trình lên Hạ Viện Douma kế hoạch ngân sách cho năm 2017 có trị giá tới 1600 tỉ rúp (235 tỉ đô la), trong đó quỹ bí mật lên tới 800 tỉ rúp. Nhật báo Nga Novaïa Gazeta gọi đó là « một quả bom » và nhận định « quỹ bí mật trong ngân sách liên bang đã đạt mức cao chưa từng có từ thời hậu Xô Viết». Những chi phí thực sự cho quốc phòng của Nga đã vượt 4200 tỉ rúp (5,3% sản phẩm quốc nội của nước này).
Theo tờ báo kinh tế RBK của Nga thì đây là mức quỹ bí mật « cao kỷ lục trong suốt lịch sử nước Nga thời hiện đại ». RBK ước tính tổng số tiền của quỹ bí mật Nga lên tới 3700 tỉ rúp (20% ngân sách). Mặc dù quỹ này có dành cả cho các lĩnh vực văn hóa và kinh tế nhưng 70% quỹ bí mật vẫn là dành cho các chi phí quân sự.
Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng do dầu thô rớt giá và do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế sau khủng hoảng Nga-Ukraina năm 2014, hơn bao giờ hết, giờ là lúc Nga phải tiết kiệm. Thế nhưng, nếu chính phủ Nga đã thắt ngân sách đối với các chương trình xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân và giao thông đi lại thì lại thêm một lần nữa, ngân sách quốc phòng của Nga không hề bị cắt giảm.
Sợ người tị nạn, người Đức bỏ nước sang Hungary
“Nhiều người Đức rời đất nước để sang Hungary định cư” là tiêu đề bài báo trong chuyên mục điều tra của báo Le Figaro. Mong muốn một cuộc sống bớt đắt đỏ hơn ở Đức, ít dân nhập cư hơn, và an ninh được đảm bảo tốt hơn, ngày càng có nhiều người dân Đức chuyển sang định cư ở đất nước Hungary của tổng thống cực kỳ bảo thủ là ông Viktor Orban, đặc biệt từ một năm nay, sau khi Berlin quyết định mở cửa biên giới để tiếp nhận người tị nạn.
Ông Ottmar Heide, một nhân viên văn phòng bất động sản ở Hungary cho biết “8/10 khách hàng người Đức của văn phòng chúng tôi rời bỏ đất nước vì muốn “chạy trốn” khỏi lượng người tị nạn ùn ùn kéo sang Đức. Họ phàn nàn về chính sách tiếp nhận di dân của thủ tướng Merkel. Họ không muốn sống trong sợ hãi, khi vây xung quanh họ là những tín đồ hồi giáo cực đoan”.
Ông Günter Balaton, chủ hãng bất động sản Balaton Immobilien thì hài lòng cho biết hầu như toàn bộ khách hàng của ông đến từ Đức. Ông chưa bao giờ thấy có nhiều thư hỏi thông tin từ người dân sống ở Đức như vậy, mỗi ngày từ 15-20 thư, gấp 5 lần so với năm ngoái. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, văn phòng bất động sản Balatan Immobilien đã bán được gấp đôi số nhà đã bán trong suốt cả năm 2015.
Tất cả khách hàng của ông chủ văn phòng bất động sản Balaton Immobilien đều nói với ông về nỗi sợ người tị nạn: đó là lý do chính khiến họ muốn đi khỏi Đức. Họ cảm thấy đã bị bà Merkel phản bội. Ở Đức, chỗ nào cũng thấy có nhà thờ Hồi Giáo và món kebab. Họ sợ các vụ tấn công khủng bố, các vụ cưỡng bức mà thủ phạm không ai khác là người tị nạn. Họ nghĩ đã phải trả cái giá quá đắt vì chính sách tiếp nhận di dân của thủ tướng Đức.
Họ không muốn phần thuế họ đóng góp được dùng để phục vụ những người tị nạn mà theo họ là sẽ không bao giờ hòa nhập được vào xã hội Đức. Họ nghĩ tới tương lai của con cái và cuộc sống của họ khi tới tuổi về hưu. Đối với họ, Hungari là một đất nước công giáo, an ninh được đảm bảo, người dân Hungari rất cởi mở, nồng nhiệt, thiên nhiên thì gần gũi, giá cả sinh hoạt, ăn uống lại rẻ.
Theo nhà chính trị Zoltan Kielly, chuyên gia nghiên cứu về châu Âu, từ sau cuộc khủng hoảng di dân, hình ảnh nước Hungary đã được cải thiện, không chỉ trên các phương tiện truyền thông, mà ngay trong suy nghĩ của người dân châu Âu. Đối với những người bảo thủ, coi trọng Nhà Thờ và gia đình, thì Hungary là một lựa chọn đúng đắn: họ có cảm giác như đang sống ở nước Đức cách đây 30 năm. Và chừng nào mà tổng thống Viktor Orban còn cầm quyền thì người dân sẽ được đảm bảo là không có nhiều người tị nạn ở Hungary.
Mafia: Bạn hàng mới của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo
Trong bài viết có tiêu đề « Khi mafia ủng hộ Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo », nhật báo kinh tế Les Echos tiết lộ mafia Ý chính là trung gian để Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo bán các cổ vật.
Nhà báo Domenico Quirico, đã từng bị Daech bắt làm con tin tại Syria, đã khẳng định trong tờ nhật báo La Stampa là các cổ vật được trung chuyển qua Ý với sự giúp đỡ của các tổ chức mafia.
Từ lâu nay chúng ta đều biết nạn phá hủy và cướp đoạt cổ vật tại hơn 400 khu khảo cổ tại các vùng nằm dưới quyền kiểm soát của Daech tại Syria, Iraq và Lybia không chỉ là vì các động cơ về lý tưởng. Trên thực tế, buôn lậu cổ vật mang lại nguồn thu lớn cho Daech, khoảng 30 triệu đô la.
Các cổ vật được trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ, Jordanie hoặc Liban, trước khi tới tay các nhà sưu tầm ở châu Mỹ, châu Á, Nga hoặc tới châu Âu qua Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, những nước mà các điều luật về buôn lậu cổ vật khá lỏng lẻo. Trên đường trung chuyển, các cổ vật thường qua tay các tổ chức mafia ‘Ndrangheta và Camorra và được tập kết ngầm ở Vietri Sul Mare, trong kho của các cơ sở chế biến thịt.
Các cổ vật được trao đổi với mafia Nga để lấy vũ khí. Chúng thường được vận chuyển trong các container trên các tàu chở hàng của các tổ chức tội phạm Trung Quốc. Sau đó, giao dịch thường được ký kết trong các khách sạn bên bờ biển. Hoa hồng cho trung gian là 2-5% giá trị mặt hàng.
Trang nhất các báo Pháp
« Châu Âu không thể ký hiệp định tự do mậu dịch với Canada » là tít trang nhất của nhật báo Le Monde số ra ngày hôm nay. Hai bên đã đàm phán suốt 7 năm về hiệp định này. Nhưng sự phản đối của chính phủ vùng Wallonie - vương quốc Bỉ đã ngăn cản châu Âu tiến tới ký kết thỏa thuận. Le Monde nhận định là thất bại này thể hiện mong muốn bảo hộ và nó là điều đáng xấu hổ đối với Liên Hiệp Châu Âu.
Vẫn về hiệp định tự do mậu dịch Ceta, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết tối hôm nay là hạn cuối để Bỉ quyết định có ủng hộ Ceta hay không. Nhưng Les Echos cũng dự báo thất bại tại thượng đỉnh với Ottawa tối thứ Năm tuần trước có thể sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho Liên Hiệp Châu Âu.
Về thời sự trong nước, nhật báo công giáo La croix quan tâm tới « điều mà các cảnh sát mong muốn » và cho biết cảnh sát và chính quyền các địa phương bắt đầu thương thuyết từ ngày hôm nay.
Trong khi đó, nhật báo Le Figaro lại hướng sư quan tâm tới trại tị nạn ở Calais và chạy tít trang nhất : « Calais : sau sơ tán là các câu hỏi ». Dỡ bỏ trại tị nạn ở Calais kéo theo việc chuyển vài ngàn di dân tới các nơi ở mới rải rác trên toàn nước Pháp và gây ra thái độ ngập ngừng ở nhiều địa phương.
Cũng liên quan tới chủ đề này, nhật báo Libération cảnh báo về những cái bẫy mà nước Pháp phải lưu ý khi cho dỡ bỏ trại tị nạn ở Calais trong vòng ba ngày trước ống kính caméra của các phóng viên quốc tế tới từ khắp nơi trên thế giới.

Không có nhận xét nào: