Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Lần đầu tiên, bệnh nhân ung thư phổi Mỹ được điều trị với vắc-xin nổi tiếng của Cuba tại NY


alt
Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố bệnh nhân ung thư phổi của Mỹ sẽ nhận được thử nghiệm CIMAvax Vì nhiều rào cản từ lệnh cấm vận, trước đây bệnh nhân của Hoa Kỳ đã không được tiếp cận với CIMAvax.<!>
Tiếp tục mối quan hệ đang ngày một ấm lên giữa Mỹ và Cuba, Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức cho phép CIMAvax, một loại vắc-xin ung thư phổi nổi tiếng của Cuba, được phép thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ. Thông tin được Thống đốc New York Andrew Cuomo tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày hôm qua 27/10/16.
CIMAvax là một hình thức của liệu pháp miễn dịch được phát triển từ 25 năm trước bởi Trung tâm Miễn dịch phân tử Hanava. Vắc-xin này đã được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân ung thư phổi tại Cuba từ năm 2011. Tuy nhiên trong quá khứ, những bệnh nhân Hoa Kỳ đã không thể được tiếp cận với CIMAvax vì nhiều rào cản từ lệnh cấm vận giữa hai nước.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu ung thư Roswell Park, New York và Trung tâm Miễn dịch phân tử Cuba ngay trong tháng tới. Sẽ có khoảng 60-90 bệnh nhân ung thư phổi không tiểu bào được lựa chọn. Họ phải là những người đang ở trong giai đoạn muộn từ IIIB tới IV, khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, xương đòn cho tới gan hoặc các cơ quan khác.
Những bệnh nhân này cũng phải đảm bảo được thêm 2 điều kiện là đã trải qua hóa trị tích cực nhất và có tiên lượng ít nhất 6 tháng.

Theo lý thuyết, sau khi vắc-xin CIMAvax được tiêm vào cơ thể người bệnh, nó sẽ kích thích hệ thống miễn dịch chặn một loại protein mà khối u cần sử dụng để tăng trưởng.
Không giống như các phương pháp hóa trị, CIMAvax không trực tiếp tiêu diệt các tế bào ung thư. Thay vào đó, nó bỏ đói chúng, khiến cho các protein không thể gắn với thụ thể của tế bào. Không có sự ghép nối này, các tế bào ung thư không thể phát triển và nhân lên. Cuối cùng, nó sẽ chết.

Tính tới thời điểm này, CIMAvax đã được thử nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới bao gồm Bosnia, Herzegovina, Colombia, Paraquay, Peru và Cuba. Tại tất cả những quốc gia này, vắc-xin đều được phê chuẩn.
Có khoảng 4.000-5.000 bệnh nhân đã được tiếp cận với CIMAvax trong các cuộc thử nghiệm. Họ cho thấy một kết quả khả quan khi khối u được kiểm soát, tiên lượng kéo dài và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện.
CIMAvax vì thế được đánh giá là bước đột phá trong điều trị ung thư.

alt
CIMAvax là một trong những tiến bộ y học bậc nhất của Cuba

Từ năm 2015, Viện Nghiên cứu Ung thư Roswell Park tại New York đã đưa CIMAvax vào tầm ngắm. Họ nhận ra rằng loại vắc-xin ung thư mà người bệnh Cuba đang nhận được miễn phí rất có hiệu quả. Hơn nữa, nó đang được sản xuất bởi một trong những công ty sinh học nhà nước của Cuba với chi phí rất rẻ, chỉ 1 USD mỗi liều.

Trong xu hướng mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba được hâm nóng dần lên, Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo đã tới thăm Havana. Chuyến đi kết thúc với một thỏa thuận đáng chú ý: Viện Ung thư Roswell Park và Trung tâm Miễn dịch phân tử Cuba đồng ý hợp tác xúc tiến một cuộc thử nghiệm lâm sàng CIMAvax tại Mỹ.

Hơn 1 năm sau, thỏa thuận ấy đã chính chức được thực hiện. "Đây là lần đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại, hai tổ chức của Cuba và Mỹ được cho phép hợp tác với nhau", Candace Johnson, chủ tịch Viện Roswell Park phát biểu kỷ niệm dấu mốc đột phá.
Đại sứ Cuba Jose Ramon Cabanas Rodriguez cũng viết một bức điện chúc mừng tới thống đốc Cuomo. Trong đó ông nói sự hợp tác thử nghiệm CIMAvax "không chỉ đóng góp vào việc cải thiện sức khỏe của người dân hai nước mà còn có ý nghĩa với các nước khác trong khu vực và trên thế giới".

alt
Candace Johnson, chủ tịch Viện Roswell Park phát biểu kỷ niệm dấu mốc đột phá.

Trong quá khứ, Tổng thống Obama đã sử dụng quyền của mình để nới lỏng một số hạn chế đối với thiết bị và nghiên cứu y tế với Cuba. Dấu mốc mới trong sự hợp tác tiếp tục mở ra một cánh cửa để thu hút những tiến bộ khoa học của đất nước này tới Mỹ.
Mặc dù bị cấm vận trong hơn 5 thập kỷ, Cuba vẫn được đánh giá là đất nước có ngành công nghệ sinh học phát triển bậc nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Cuba hiện đang sở hữu khoảng 1.200 bằng phát minh/sáng chế trong lĩnh vực này.

Tham khảo Dailymail, Roswellpark
Đọc thêm:
Cuba đã phát triển thành công và sở hữu một loại vắc-xin chống ung thư phổi. Mang cái tên Cimavax, nó có thể biến ung thư phổi giai đoạn cuối thành một bệnh mãn tính có thể kiểm soát.
Những nhà khoa học Châu Âu, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ rất quan tâm đến công nghệ này của Cuba. Ngay lúc này, tổng thống Obama đang có mặt tại Havana trong chuyến thăm lịch sử tới đất nước mà Mỹ đã cấm vận suốt 55 năm. Vậy chúng ta hãy cùng đánh giá lại một lần nữa tương lai của vắc-xin Cimavax, nếu mối quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ nhanh chóng được hâm nóng trong thời gian tới.
Từ cuối năm ngoái, chính quyền Tổng thống Obama đã tỏ rõ thiện chí muốn bình thường hóa quan hệ với Cuba. Năm 2015, thống đốc bang New York, Andrew Cuomo đã tới thăm Havana. Chuyến đi kết thúc với một thỏa thuận đáng chú ý: Viện Ung thư Roswell Park, Hoa Kỳ đồng ý với Trung tâm Miễn dịch phân tử Cuba, cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ung thư phổi do Cuba phát triển ở Mỹ. Nó cũng sẽ được xem xét cấp phép bởi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ.

"Cơ hội loại vắc-xin này được đánh giá là một viễn cảnh tươi đẹp", Candace Johnson, Giám đốc điều hành của Viện Roswell Park nói. Bà rất mong chờ kết quả này, bởi nghiên cứu của Cuba cho đến nay thể hiện đây là một loại thuốc độc tính thấp và tương đối rẻ để sản xuất đại trà.
Theo thỏa thuận, Trung tâm Miễn dịch phân tử Cuba sẽ cung cấp cho Viện Roswell Park tất cả tài liệu về loại vắc-xin: nó được sản xuất như thế nào, độc tính, kết quả thử nghiệm tại Cuba… Sau đó, Johnson sẽ thúc đẩy đi đến một giấy phép thử nghiệm vắc-xin Cimavax ở Mỹ trong vòng 8 tháng. Được cấp phép, thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành ngay sau vài tháng.

Công trình nghiên cứu của Cuba có vẻ rất ấn tượng, nhưng làm thế nào đất nước bị cấm vận trong suốt 55 năm này có thể làm được điều đó?
Trên thực tế, ngoài xì gà, rượu rum và bóng chày đã khiến nhiều người quên mất rằng Cuba là một trong những quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển và sáng tạo nhất thế giới. Một điều đáng khích lệ, nơi mà mọi người chỉ nhận lượng trung bình 20 USD mỗi tháng, Cuba dành một khoản ngân sách rất nhỏ so với Hoa Kỳ trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của người dân Cuba là tương đương người Mỹ.
"Họ đã làm được nhiều điều hơn trong khoản kinh phí eo hẹp", Johnson nói. "Vì vậy, chắc hẳn người Cuba phải rất sáng tạo trong cách họ tiếp cận mọi thứ. Hơn 40 năm qua, họ đã xây dựng được một cộng đồng khoa học trong lĩnh vực miễn dịch rất chất lượng".

Suốt nhiều thập kỷ đặt dưới sự trừng phạt kinh tế nhưng chính sách ưu tiên công nghệ sinh học và nghiên cứu y học, đặc biệt là lĩnh vực phòng ngừa và miễn dịch, được cả hai nhà lãnh đạo Fidel và Raul Castro duy trì thực hiện.
Một sự kiện lớn lao xảy ra năm 1981, khi một dịch sốt xuất huyết trên diện rộng xảy ra ở Cuba, ảnh hưởng đến gần 350.000 người. Chính phủ của họ đã thành lập hẳn một mặt trận sinh học, liên kết nghiên cứu của nhiều cơ quan khác nhau hướng tới những mục tiêu cụ thể.

Thành công đầu tiên của họ là sản xuất thành công một protein mang tên interferon, đóng vai trò quan trọng vào hệ thống miễn dịch của con người. Kể từ đó, ngành miễn dịch học của Cuba gây được một tiếng vang lớn. Các nhà khoa học của họ liên tục thực hiện được nhiều đột phá, bao gồm từ những vắc-xin nội địa cho bệnh viêm màng não, viêm gan B cho đến kháng thể sử dụng trong ghép thận và giờ là vắc-xin ung thư phổi.

Cũng phải nhắc lại, Cuba là một đất nước nổi tiếng bởi xì gà. Hút thuốc quá nhiều khiến ung thư phổi trở thành nguyên nhân xếp thứ 4 gây tử vong ở Cuba. Tình trạng đáng báo động này xảy ra ngay từ 25 năm trước. Khi đó, Trung tâm Miễn dịch phân tử của họ bắt đầu nghiên cứu vắc xin Cimavax.
Cho tới năm 2011, Bộ Y tế Cuba đồng ý cho phép sử dụng Cimavax trên người. Những bệnh nhân được điều trị miễn phí, trong khi mỗi liều Cimavax chỉ tiêu tốn của chính phủ 1 USD. Đó là kết quả sau một thử nghiệm giai đoạn 2 năm 2008. Các bệnh nhân ung thư phổi được điều trị với vắc-xin đã sống trung bình lâu hơn 4-6 tháng bệnh nhân bình thường. Khi đó, cả Nhật Bản và Châu Âu bắt đầu chú ý đến tiềm năng của công nghệ Cimavax.
Về bản chất, Cimavax không phải là một loại thuốc chống ung thư trước khi nó diễn ra, như mọi người thường định nghĩa về vắc-xin. Trên thực tế, vắc-xin là một chất kích thích hệ miễn dịch. Bởi vậy, Cimavax cũng không giống với các loại thuốc điều trị bình thường, chúng không tấn công trực tiếp các khối u.
Thay vào đó, Cimavax thúc đẩy cơ thể người bệnh sản xuất kháng thể chống lại một hooc-môn tăng trưởng biểu bì. Loại hooc-môn này thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào, nhưng mặt khác khiến khối u lớn lên và mất kiểm soát. Kiểm soát được loại hooc-môn này, Cimavax có thể ức chế sự phát triển của ung thư phổi, hạn chế sự di căn của nó và biến ung thư chỉ còn là một bệnh mãn tính để điều trị.
Loại vắc-xin này và cách nó làm việc thu hút được sự chú ý rất lớn của các nhà nghiên cứu Mỹ và Châu Âu. Yếu tố tăng trưởng biểu bì đóng vai trò quan trọng, không chỉ với ung thư phổi mà còn ung thư vú, tiền liệt tuyến, ruột kết, tuyến tụy. Kelvin Lee, một nhà nghiên cứu đến từ Viện Roswell Park cho biết "Tất cả những bệnh ung thư này là mục tiêu tiềm năng của loại vắc-xin này". Có vẻ vì vấn đề tài chính eo hẹp, Cuba đã không thể thử nghiệm nó trên các bệnh ung thư khác, ngoài ung thư phổi đến từ những điếu xì gà mỗi ngày.
Nói về những tiềm năng trong tương lai, chưa bao giờ Cimavax đứng trước một cơ hội lớn như vậy nếu được thử nghiệm và phát triển tiếp tại Mỹ. Có lẽ điều đó sẽ chắc chắn diễn ra đúng dự kiến khi mối quan hệ giữa hai quốc gia đang ấm dần lên.

Trong quá khứ, Tổng thống Obama đã sử dụng quyền của mình để nới lỏng một số hạn chế đối với thiết bị và nghiên cứu y tế với Cuba. Ngay lúc này, ông cũng đang có mặt tại thủ đô Havana trong một chuyến thăm lịch sử, hứa hẹn một quyết định dỡ bỏ cấm vận.
Nếu thực sự điều đó diễn ra, chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, các nghiên cứu khoa học của hai quốc gia ngay lập tức sẽ được kết nối. Johnson cho biết nước Mỹ có thể dạy Cuba nhiều hơn về cách kinh doanh khoa học. Trong khi đó, sự sáng tạo mà Cuba tích lũy suốt những thập kỷ bị cấm vận có thể được truyền lại cho đồng nghiệp của họ ở nước Mỹ.

Tham khảo Wired 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét