Lần thứ nhất
Lần đầu tiên nhìn thấy cô bé, cảm nhận của tôi là cô bé cao hơn con gái tôi một cái đầu, thân người hơi gầy, da trắng, nét mặt nở nụ cười thân thiện khiến tôi vô cùng ấn tượng.
Bữa sáng ngày đầu tiên, tôi chuẩn bị bánh bao Dương Châu và hoành thánh. Bọn trẻ ăn rất ngon miệng, cô bé cũng dùng đũa ăn, nói: “Nhập gia tùy tục, cháu muốn học văn hóa bản địa”. Khi bữa ăn sắp kết thúc, cô bé nói với tôi: “Đây là bữa ăn sáng ngon nhất từ trước tới nay của cháu, cháu vô cùng cám ơn cô”.
Cô bé thật biết cách khen ngợi người khác, đó là lần đầu tiên khiến tôi kinh ngạc. Tôi nấu cơm cho con gái mười mấy năm, vậy mà trước nay chưa bao giờ được nghe con gái nói lời khen ngợi động viên mẹ.
Cảm giác được người khác khen ngợi thật tuyệt vời, trong thoáng chốc khoảng cách giữa tôi và cô bé bỗng ngắn lại, khiến có cảm giác thật gần gũi.
Lần thứ hai
Buổi tối, tôi làm món sườn xào chua ngọt, trứng sốt cà chua, và món thứ ba là canh. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện vô cùng vui vẻ. Khi ăn xong, hai đứa trẻ ngồi trò chuyện, còn tôi thì chuẩn bị thu dọn bàn ăn. Cô bé vội vàng đứng dậy nói “Can I help you?” với vẻ mặt rất chân thành. Đây là lần thứ hai cháu khiến tôi kinh ngạc, tôi liền nói: “Không cần đâu, các con cứ nói chuyện đi”.
Con gái thấy tôi bận bịu mười mấy năm có lẽ cũng thành thói quen rồi. Nhưng cô bé người Mỹ lại biết vì người khác mà suy nghĩ, nhất thời phản ứng ra bản năng của mình, dáng vẻ trông thật tự nhiên.
Lần thứ ba
Ngày thứ hai, mọi người gần gũi và thân thiết hơn. Tôi nhìn thấy hộ chiếu của cô bé đã cũ, bèn hiếu kỳ hỏi cô bé: “Cháu đã đi qua những nước nào rồi?” Câu trả lời của cô bé khiến cho tôi lần thứ ba phải kinh ngạc: “Đây là cuốn hộ chiếu thứ ba của cháu, cháu đi qua khoảng hơn 30 quốc gia rồi”. Nhìn thấy nét mặt ngạc nhiên của tôi, cô bé giải thích: “Trường của cháu thường tổ chức cho học sinh du học vào những ngày nghỉ. Đây là lần đầu tiên cháu tới Trung Quốc, chủ yếu đi Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh và Tây An.”
Bốn thành phố này được phụ huynh và nhà trường chọn lựa cẩn thận, về cơ bản là đại diện cho quá khứ và hiện tại của Trung Quốc. Tôi thầm ngưỡng mộ cô bé và hỏi: “Đi nhiều như thế, vậy thời gian đâu mà học tập?” Con cái chúng tôi phải tranh thủ kỳ nghỉ hè để vùi đầu vào các lớp học phụ đạo, nào là toán, nào là ngoại ngữ, nào là… Cô bé nhìn con gái tôi, tỏ vẻ ghen tỵ: “Bình thường bài vở của chúng cháu rất nhiều, mỗi ngày về sẽ phải học tầm 5 giờ đồng hồ.” 5 giờ đồng hồ? Nó khiến cho người giúp việc nhà tôi sợ hãi tới mức tròn mắt.
Tôi hiểu rõ hoàn cảnh bên Mỹ, bố đi làm, mẹ ở nhà chăm sóc gia đình chứ không đi làm. Nhưng cô bé nói rằng mẹ ở nhà rất vất vả, phải phụ trách cuộc sống hàng ngày trong gia đình, cắt cỏ, lau rửa bể bơi, thường ngày lại phải bảo dưỡng và vệ sinh ô tô; anh trai thì phụ trách rửa bát và phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, còn cô bé thì có nhiệm vụ chăm sóc 2 con chó và 3 con mèo ở nhà, cho chúng ăn và tắm rửa, mỗi thành viên trong gia đình đều có nhiệm vụ rõ ràng.
Còn gia đình chúng tôi: Bố và mẹ đều đi làm, hơn nữa mẹ còn phải phụ trách cuộc sống thường ngày cho gia đình. Còn hai đứa con thì chỉ có học và học, ngoài ra không lo việc gì khác.
Đối với trách nhiệm và nghĩa vụ trong gia đình thì văn hóa của hai nước khác nhau quá nhiều.
Lần thứ tư
Lần thứ tư kinh ngạc là khi tôi nghe hai đứa trẻ nói chuyện với nhau. Con gái tôi hỏi cô bé: “Bạn gặp chuyện sợ hãi nhất là khi nào?” Cô bé kể, đó là vào một lần nghỉ hè, năm đó có mấy gia đình tổ chức đưa cô bé và các bạn học (lúc đó mới hơn 10 tuổi) vào rừng nguyên sinh, không có nước, không có lương thực, không có giường và cũng chẳng có lều, hẹn cô bé và các bạn một tuần sau sẽ vào đón. Đó là khoảng thời gian cô bé đó sợ hãi nhất, cũng là bị kích động nhất.
Cô bé nói: “Vì để không bị chết đói, mọi người phải bắt cả chuột để ăn, mục đích của các bậc cha mẹ là rèn luyện bản năng sinh tồn cho con cái mình.”+
Lần thứ năm
Lần kinh ngạc thứ năm là vào bữa cơm tối cuối cùng. Cô bé chuẩn bị rời khỏi Bắc Kinh, vì thế chúng tôi đưa cô bé tới khu vực cầu Sư Tử sầm uất để thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Chúng tôi chọn quán “Gà tần vây cá” nổi tiếng ở đó, quán này từng được giải vàng cuộc thi nấu ăn ngon. Khi biết món ăn có vây cá, cô bé đã kiên quyết từ chối: “Cháu không thể nào chấp nhận món ăn này được, động vật cần được bảo vệ!” Lúc đó tôi vô cùng xấu hổ, bất giác thấy rất kính phục và ngưỡng mộ cô bé bằng tuổi con gái mình.
Lần thứ sáu
Sau bữa tối, mấy đứa trẻ hẹn nhau đi chơi trò chơi điện tử ở khu vui chơi gần đó. Ngoài cô bé và con gái tôi, chúng tôi còn mời hai người bạn của con gái tôi nữa. Sau khi chơi xong, con gái tôi miệng không ngừng nói với tôi: “Mẹ, cô bạn ấy thật lợi hại, sau khi vào khu vui chơi, 2 người bạn của con thì lập tức đi tìm trò chơi, thích trò gì thì chơi trò đó, còn bạn ấy thì không chơi ngay mà kéo con đi quan sát một vòng xem có điều gì cần lưu ý không. Sau khi quan sát cẩn thận và hướng dẫn cho chúng con xong, bạn ấy mới tự đi tìm trò chơi mình thích.”
Lại thêm một lần nữa kinh ngạc, thật sự là khiến tôi quá kinh ngạc, một cô bé mới từng này tuổi đầu đã nhìn xa trông rộng, bất kể lúc nào, làm sự việc gì cũng suy nghĩ cẩn thận, thật quá đáng nể.
Kết luận:
Chúng ta đã dạy con cái như thế nào? Quá chăm sóc, quá bao bọc, can dự quá nhiều tới cuộc sống của con, bảo vệ quá mức cho con cái và rồi dẫn tới con cái chúng ta yếu đuối, thiếu phát huy năng lực bản thân. Một kiểu giáo dục rập khuôn, làm cho con cái chúng ta mất đi sinh lực, hạn chế sự phát triển. Tự nhiên là thiên tính của con trẻ, và tự do là bản năng của con trẻ. Bóp nghẹt thiên tính và bản năng của con cái mình chính là bóp nghẹt sự vận động và động lực, sự trưởng thành của chúng. Với nền giáo dục của chúng ta hiện nay, liệu có thể bồi dưỡng ra nhân tài không? Trước những thử thách của cuộc sống, thế hệ trẻ có thể tự tin lạc quan mà bước từng bước vững chãi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét