(NCTG) “Cái đám đàn ông học ở đâu cái thói “nói xấu đàn bà là thú vui thần thánh” cóc biết gì hùa nhau viết về bà Nhu cứ như hàng xóm. Không ai nhớ một điều vô cùng đẹp từ cô tiểu thư xuân thì 15 tuổi trở thành phu nhân quí phái: Bà Nhu mặc hàng nội hóa nhiều hơn là hàng lụa nhập cảng từ Ý, Thái, Ấn Độ, Ba Tư”.Đệ Nhất Phu Nhân Trần Lệ Xuân (1924-2011) - Ảnh tư liệuTriều đại nào lỡ lọt vào tay các sử gia cũng sẽ thành chuyện kể nhiều kỳ dằng dặc. Lịch sử không phải lúc nào cũng cung đao bom đạn hay tướng tá mặt sắt đen sì gươm giáo leẻng keẻng làm nhân gian quên rằng trang sử đôi lúc rất êm rất tình. Thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa (1954-1963) tình êm nhất là tình ủ trong áo lụa.<!>
Một cuốn sách về Bà Nhu vừa xuất bản ở Sài Gòn với tựa đề dịch không sát nhưng rất ngang xương là “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng” (nguyên tác “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu”, tác giả Monique B Demery do Nhà xuất bản Public Affairs phát hành tháng 5-2013). Theo một bạn nhà báo người Sài Gòn xưa, Vũ Ngọc Nhạ nói ông Diệm là Bạch Long - ông Nhu là Thanh Long - nếu đúng vậy thì bà Nhu phải là Thanh Long Đại Công Nương ... Cho có mùi kiếm hiệp. Đã vậy, không phải Long thường mà là “Hỏa Long Đại Công Nương”.
Tôi vừa đặt mua qua amazon.com xem Demery viết gì. Nếu dịch, tôi sẽ dịch ý “Đì tìm Bà Nhu, Phu Nhân Bão Tố Việt Nam” hơn là sát xà bông là “Bà Rồng”. Biết dịch giả ở đâu tôi sẽ hẹn so gươm hay đấu súng sau một chầu cà phê Liégeois ai thua phải trả tiền.
Hay bao giờ rảnh sẽ viết “Từ Ỷ Lan Phu Nhân tới Trần Lệ Xuân Áo Lụa” để nhớ hai khuôn mặt cách nhau gần một ngàn năm, một người hái dâu tằm một người mặc áo lụa, cả hai đều để lại trang sử vô cùng độc đáo.
Bài viết ngắn này như lời chào gương mặt hoa trong áo lụa không chỉ xinh đẹp mà còn rất giỏi, một cái giỏi định mệnh như cụ Nguyễn Du tiên tri: “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đó là bà Ngô Đình Nhu tên tiểu thơ là Trần Lệ Xuân, 15 tuổi “thay áo xanh theo chồng sang sông quên mái tranh quên con đò xưa”.
Gia đình tôi vào Nam năm 1954. Mẹ tôi mới đầu may áo dài hàng phin nõn của Pháp. Khi có hàng “Vân nội hóa” thì mừng lắm nhớ khi “Em là con gái trong khung cửi” mà thời tao loạn ở ngoài Bắc đi tới đâu Mẹ cho hai chị học nghề tới đó, nhỡ lạc bầy có nghề mà sống khỏi đi ăn mày. Tôi chưa sinh ra nên không may mắn như hai chị, không biết làm hàng vàng chẳng biết nuôi tằm dệt tơ. Khi trong chợ Bến Thành tha thướt những miếng vải nội hóa đủ mầu, Mẹ và các chị mỗi tuần lượn vòng trong vòng ngoài ngắm lên ngắm xuống tôi đi theo mỏi cả chân phụng phịu đòi uống nước dừa. Vào học trường Trưng Vương mới hay gia đình bạn có xưởng dệt ở đường Chi Lăng Phú Nhuận. Hóa ra người Bắc di cư giấu trong tay nải may quàng cả tình yêu Hà Nội lẫn nghề dệt của tổ tiên. Xưởng mua tơ sống Tân Châu dệt thành hàng Vân nội hóa pha mầu hoa cúc hoa lan đẹp nõn đẹp nường gọi là Lụa Nội Hóa. Làng Tân Châu (tỉnh An Giang) sản xuất lụa Mỹ A đen tuyền và láng bóng như satin tuyết nhung Pháp nhưng bền hơn satin hợp cho phụ nữ miền Nam đi ghe đi xuồng. Trước 1975, một buổi sáng tơ vàng ở Tân Châu tôi mê mải lạc giữa vườn dâu ràn rụa nhớ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm “Ngàn dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.
Nguời mở đầu trang sử áo dài Lụa chính là bà Ngô Đình Nhu vào thời miền Nam hớn hở đón thế hệ học sinh sinh viên vừa lớn sau những năm dài chinh chiến. Lụa Hà Đông, cơn sốt mát rượi cháy bỏng thân hình xử nữ thanh tân nữ sinh Sài Gòn. Đúng ra phải gọi là Lụa Sài Gòn hay Lụa Tân Châu vì sau 1954 hai miền Nam-Bắc tuyệt đối không hề liên lạc ngoại trừ vài tấm card thăm hỏi gia đình một năm một lần do Ủy Hội Quốc Tế chuyển. Ông ngoại mất ở Hưng Yên năm sau mới nhận được tin, Mẹ tôi mắt đỏ cay xé vội đôi vành khăn trắng muộn màng vọng về Bắc. Sông Bến Hải chia đôi nhưng Lụa nối không gian hai miền Nam Bắc. Từ tơ tằm, Hà Đông dệt nhiều loại lượt, là, lĩnh, lụa, xuyến, lương, đoạn, vân, gấm, vóc, sa... Chị Cả Hà Đông không ngờ cô Út Sài Gòn nhớ mình dệt Lụa Hà Đông.
Trần Bích Lan tức thi sĩ Nguyên Sa học Triết ở Đại học Sorbonne bên Pháp về Sài Gòn năm 1955. Với ông mục tiêu của triết học là thông cảm là tìm ra ý nghĩa cuộc đời hơn là reo hò “giết giết nữa đi” nên thơ có nắng Sài Gòn mát anh mát ả có sông Seine bỡ ngỡ vui ả vui anh. Năm 1957 Nguyên Sa Trần Bích Lan làm bài thơ “Áo Lụa Hà Đông”:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.
Thơ Nguyên Sa như cô tiên Giáng Kiều ở ngõ Bích Câu Hà Nội từ trong tranh bước ra say mê nhân gian không trở vào tranh nữa. “Bích Câu kỳ ngộ”, tiểu thuyết chữ Hán trong tập “Truyền Kỳ Tân Phả” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Hà Nội hiện nay có còn phố Bích Câu không?
Nữ sinh Sài Gòn sợ thơ Nguyên Sa bay mất nên rủ nhau may áo Lụa Sài Gòn nhưng nhất định gọi là Lụa Hà Đông. Nam sinh níu áo nàng thơ giữa sân trường dúi vào tay câu thơ Nguyên Sa:
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh.
Từ 1963 tới nay, cái đám đàn ông học ở đâu cái thói “nói xấu đàn bà là thú vui thần thánh” cóc biết gì hùa nhau viết về bà Nhu cứ như hàng xóm. Không ai nhớ một điều vô cùng đẹp từ cô tiểu thư xuân thì 15 tuổi trở thành phu nhân quí phái: Bà Nhu mặc hàng nội hóa nhiều hơn là hàng lụa nhập cảng từ Ý, Thái, Ấn Độ, Ba Tư. Ngay bây giờ lụa Hermès, Mossul, Thượng Hải cũng không dệt loại Vân này. Bà Nhu có một tội lớn lắm, tội quá đẹp lại còn quá giỏi giữa một dòng sông lúc nhúc đàn ông ganh tị hơn Tấm Cám. Bà dám ăn dám nói dám vẽ ra chiếc áo khoét cổ “lăng loàn”. Bàn tay đẹp đủ mê từng ngón nhưng thời đó đố ai dám mê. Bà mang địa vị Đệ Nhất Phu Nhân vì ông anh tổng thống Ngô Đình Diệm không lập gia đình.
Trên ít nhất ba photo trên tờ “Life”, bà Nhu đều đeo chiếc broche gài trên áo đỏ đủ hiểu bà không nhiều nữ trang như địa vị bà có thể. Chọn lọc từng màu áo, từ áo lụa Vàng hoàng hậu với nữ trang nhận turquoise xanh Ba Tư...
... tới áo Trắng in hoa Cúc nên chị dẫn đi mua vải ở tiệm Hồng Hoa đường Phan Bội Châu bên hông chợ Sài Gòn tôi cũng chọn hoa cúc cho áo đồng phục trắng Trưng Vương.
Lần đầu tôi mặc áo dài không dám thở sợ rách. Bà nội dặn rách cũng phải giữ lấy lề, phải tập giữ gìn áo dài giặt bằng nước chanh không giặt xà bông, không phơi ngoài nắng lót khăn ướt mà ủi áo lụa mới bóng hoài.
Hàng Vân hoa to như áo Hồng Vỏ Đỗ này rất hiếm, hai chị tôi bắt chước nhịn ăn sáng có tiền may áo mặc rón rén chỉ sợ áo nhàu đi đứng khoan thai điều điệu cứ tưởng mình là Giáng Kiều trong tranh tố nữ.
Ngô Đình Lệ Thủy ăn mặc đơn giản chọn màu nhã nhặn rõ là con nhà sang từ trong trứng. Mặt dây chuyền hạt trai cũng theo bà Nhu xuất hiện ít nhất trong ba lần khác nhau. Thời đó chuỗi hạt trai mắc lắm nên chỉ đeo một hạt. Lời đồn đoán về gia tài đồ sộ của bà Nhu có thể không phản ảnh trên nữ trang có vẻ khiêm nhường.
Trăm quan mua lấy miệng cười. Hai miệng cười không thắm được lâu. Lệ Thủy mất trong một tai nạn xe hơi ở Pháp khi mới 22 tuổi. Tôi không tin đó là tai nạn. Một thế lực bắt bà Nhu phải im miệng suốt đời để giữ bí mật nào đó? Bao giờ rảnh tôi sẽ tuốt kiếm tìm cho ra manh mối có phải loài người ác tới theo đuổi một gia đình cô độc mẹ góa con côi quá nhiều cái chết thảm khốc. Tôi cũng tuốt kiếm hầm hầm nếu ai dám chê bai đàn bà con gái chúng tôi ăn nhiều nói lắm không chịu thương ít chịu khó hiếm nhịn nhục kém hy sinh, thỉnh thoảng còn xúi nhau: “Ái chà chà! Con vợ mày đoảng! Mày tát nó một cái vỡ mặt cho tao”...
Nói vậy cho ngon chứ kiếm đâu mà tuốt! Tuốt làm gì cho phí cho hoài! Nếu ngộ ra trong thơ Nguyên Sa rằng:
Cuộc đời dẫu có phù vân.
Ở trong mây nổi có phần thiên thu.
Cả thi sĩ lẫn bao người Áo Lụa đều đã qua đời. Phần thiên thu để lại, phải chăng là mùa thu tóc ngắn nhờ nhân gian giữ hộ mầu áo lụa Hà Đông? Có ai cùng tôivẫn yêu màu áo ấy vô cùng? Hay chỉ đi qua mà không bảo gì nhau?
(Viết cho linh hồn chị, thích Áo Lụa và thơ Nguyên Sa)
Trần Thị Vĩnh-Tường, từ California - Ngày 15-2-2016
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét