Image copyrightEPA
Vào năm 2002, Tim Barnes được sếp của ông đề nghị chuyển công tác sang Singapore. Khi đó Barnes, một người Úc tuổi đôi mươi đang sống ở Sydney và từng ghé thăm Singapore vài lần, đã ngay lập tức tóm lấy cơ hội.
<!>
Ban đầu ông chỉ định dành ra vài năm ngắn ngủi ở đây, nhưng cuối cùng đã ở lại đến 8 năm. Tại đây, ông đã gặp vợ mình, kết bạn với rất nhiều người và cảm thấy yêu mến một đất nước sạch đẹp. "Tôi đã đến nhiều nơi tại châu Á và Singapore là nơi rất thân thiện với lao động nước ngoài," ông nói. "Đây là một quốc gia rất phát triển và rất giống với phương Tây."
Một báo cáo của HSBC đã một lần nữa bình chọn Đảo quốc Sư tử là nơi tốt nhất để sống đối với lao động ngoại quốc, sau khi khảo sát 27 nghìn người và yêu cầu họ đánh giá 45 quốc gia ở các hạng mục như mức lương, trải nghiệm và môi trường cho gia đình.
Hơn 60% cho biết Singapore đã giúp họ thăng tiến trên con đường sự nghiệp và tăng thu nhập. Khảo sát cũng cho thấy thu nhập bình quân của lao động nước ngoài tại Singapore là 139 nghìn đôla, so với mức trung bình 97 nghìn đôla trên toàn cầu. Và 66% người được hỏi cho biết Singapore mang lại chất lượng sống tốt hơn so với quê hương họ.
Thế nhưng trước khi bạn chuyển đến đây, BBC Capital tổng hợp vài điều kỳ lạ, một số khá nghiêm trọng, mà các lao động nước ngoài cần nghĩ đến trước khi di chuyển.
Đắt đỏ
Những lao động nước ngoài muốn mua xe tại Singapore nên chuẩn bị tinh thần là sẽ phải trả rất nhiều tiền. Một chiếc Toyota Camry chỉ tốn 25.000 đô tại Mỹ nhưng có giá đến 145.888 đô la Singapore (khoảng 107.125 đô la Mỹ). Vì sao lại đắt đến vậy? Do những khoản thuế xe rất cao.
Trước hết là khoản khoản phí đăng ký dựa trên giá trị thực tế của xem trên thị trường (open market value).
Theo trang tài chính Dollars and Sense tại Singapore, bạn có thể phải trả thêm 60.578 đô la Singapore cho một chiếc Mercedes E200 với giá trị OMV khoảng 49.113 đô la Singapore. Đó là chưa tính đến thuế tiêu thụ đặc biệt, bằng khoảng 20% giá trị OMV, và 7% thuế hàng hoá và dịch vụ.
Khoản thuế nổi tiếng nhất vẫn là COE - giấy phép sử dụng. Chi phí COE của bạn dựa trên loại xe - xe càng lớn và có động cơ càng mạnh thì COE càng cao - và dựa trên nhu cầu thị trường tại thời điểm bạn muốn có COE - tức có nhiều hay ít người cũng muốn xin COE cùng lúc với bạn. Trong một số trường hợp, khoản chi phí này có thể còn cao hơn cả giá xe.
NUTONOMY
Đơn giản là bởi Singapore không muốn có quá nhiều xe chạy trên đường, Priscilla Ng Yi Xian, một người sinh ra và lớn lên tại Singapore, cho biết. Đây là một quốc gia nhà và "họ muốn mọi người sử dụng phương tiện công cộng," bà nói.
Bà không có xe nhưng có thể sẽ mua một chiếc khi có con. Hiện nay, bà chỉ sử dụng ứng dụng Uber. "Tôi chỉ cần gọi taxi," bà nói, "rất đơn giản."
Thường xuyên bị theo dõi
Các lao động nước ngoài cũng sẽ phải làm quen với việc bị camera theo dõi từng bước chân.
Flora Chao Lutz, một người sinh ra tại Washington DC và chuyển đến Singapore cùng gia đình vào tháng Năm để làm việc, phát hiện ra camera được lắp ở khắp nơi.
Kể từ năm 2012, đã có hơn 52 nghìn camera cảnh sát ở 8.600 khu phố, theo Straits Times, một tờ báo Singapore. Cảnh sát cho biết chúng được lắp để ngăn ngừa nạn trộm cắp, nạn cho vay nặng lãi hay đỗ xe trái phép.
Chao Lutz không cảm thấy khó chịu với các camera, và cho rằng chúng giúp đảm bảo an toàn - thế nhưng hai đứa con của bà thì không nghĩ vậy. "Bọn trẻ thường đưa tay lên ngăn camera quay mặt mình," bà nói. "Chúng không thích điều đó, nhưng tôi thích được an toàn hơn."
EPA
Chật chội
Singapore là nơi đắt đỏ nhất trên thế giới, thế nhưng bất cứ ai cũng có thể tìm những món ăn ngon với giá rẻ. Đảo quốc này đầy rẫy các khu phố ẩm thực, nơi mà những người dân địa phương lẫn nước ngoài tìm đến ăn trưa và ăn tối.
Không khó để hiểu vì sao người ta thích những nơi này: Có rất nhiều món ăn từ khắp nơi trên thế giới với giá rẻ, chỉ từ 3 cho tới 7 đô la Singapore (khoảng từ 2 đến 5 đô la Mỹ).
Tuy nhiên những người đến sau cần để ý các gói đựng khăn giấy đặt trên những ghế trống. Chúng được gọi là 'chope-ing', cách mà người Singapore giữ chỗ khi họ đi xếp hàng gọi thức ăn. "Nếu bạn di chuyển chúng, một ai đó sẽ đến và nói rằng đó là ghế của họ," Barnes nói.
Luôn muốn dẫn trước
Người Singapore rất sợ bị tụt hậu, Shally Venugopal, một doanh nhân đóng tại Washington DC nhưng sinh ra tại Singapore, nói.
Nỗi sợ này thậm chí còn có tên riêng, 'kiasu', tức là 'sợ bỏ lỡ'. Khi một nhà hàng nào đó mới khai trương, người ta sẽ sẵn sàng đợi hàng tiếng liền để thử.
REUTERS
Người Singapore luôn cố gắng để dẫn trước, Venugopal nói. Nhiều người muốn mua các bất động sản mới nhất, đi xem những buổi hoà nhạc lớn hay ăn tại nhà hàng mới mở cửa.
Nhiều người Singapore rất sợ bị tụt hậu so với những người khác và luôn tìm cách 'vượt lên trên bạn bè mình', Ng nói.
Điều đó đồng nghĩa với việc luôn cố gắng cho con cái vào trường tốt nhất, hoặc mua nhà ở những khu tốt nhất.
Đối với các lao động nước ngoài, điều này có nghĩa là họ phải tránh xa những nơi nổi tiếng. Ngay cả các khu phố ẩm thực nổi tiếng nhất cũng có thể trở thành địa ngục trần gian. Hồi tháng Bảy, người dân đã đứng thành những hàng dài trước hai tiệm đồ ăn sau khi những nơi này nhận giải sao vàng Michelin.
Không thân thiện với người đồng tính
Dù hầu hết lao động nước ngoài được hưởng quyền tự do như ở quê hương, nhưng những người đồng tính thì lại không.
Luật pháp không cấm đoán người đồng tính, nhưng lại quy định các hoạt động đồng tính là phạm pháp và có thể phải lãnh án tù 2 năm. Tuy nhiên điều này không được thực thi trên thực tế, Yangfa Leow, một nhân viên xã hội và là giám đốc tại Oogachaga, một dịch vụ tư vấn cho người đồng tính tại Singapore, cho biết.
AFP
Người đồng tính không được phép làm đám cưới và hôn nhân đồng tính của các lao động nước ngoài không được công nhận. Đây có thể là một trở ngại đối với những cặp lao động đồng tính muốn chuyển đến Singapore, Leow nói.
Nếu một trong hai người trong một cặp đồng tính không có công việc tại Singapore thì sẽ không được cấp thị thực phụ thuộc và không được sống tại đây. Cách duy nhất để cả hai người có thể sống tại Singapore là cả hai đều phải có công việc tại đây, Leow cho biết thêm.
Tuy nhiên những người đồng tính, dù là công dân Singapore hay là người nước ngoài, đều có thể sống theo cách mình muốn.
Có các quán bar, vũ trường cho người đồng tính và thậm chí có cả một sự kiện cho người đồng tính gọi là Pink Dot, nơi mà cộng đồng đồng tính mặc đồ màu hồng tụ tập ở một công viên để yêu cầu bình đẳng.
Tuy nhiên người nước ngoài không được phép tham gia biểu tình tại Singapore và sẽ không được phép tham gia Pink Dot.
Leow cho biết những người đồng tính hay chuyển giới thường ít lộ diện và 'thường chỉ giao tiếp với nhau một cách kín đáo để đảm bảo cho sự an toàn của mình'.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét