Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc đầu tháng 11. - TS Nguyễn Nam Sơn

1.  Ai Trở Về Xứ Việt: Phan Văn Hưng - Khánh Ly - Gs TranNangPhung - HungThe -  NNS
<!>
2.  Anh Biết Em Đi ChẳngTrở Về: Anh Bằng - Vũ Khanh   - Gs TranNangPhung - HungThe  - NNS
3.  Chỉ Chừng Đó Thôi: Phạm Duy - Duy Quang - Gs TranNangPhung - HungThe  - NNS

 
4.  Nỗi Buồn Hoa Phượng: Thanh Sơn - Thanh Tuyền - GsTranNangPhung - HungThe  - NNS
5. Chiếc Lá Thu Phai: Trịnh Công Sơn - Quang Dũng - Thu Mai - GsTranNangPhung - HungThe   -NNS
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ......................
Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Ngô Nhật Đăng: Chúng tôi có bị sỉ nhục không?
Hôm rồi café Sài Gòn. Bạn bảo: Công nhận các anh ngoài đó chống cộng thật nhiệt huyết, nhưng dù sao vẫn cứ gợn gợn trong lòng. Các anh vẫn có nguồn gốc cộng sản nòi, hoặc sống chung nhiều năm với cộng sản.
Chạnh lòng nhớ tới những người quen biết, như Cù Huy Hà Vũ hay anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (người bị xử án hôm qua)… Những tráng sỹ đang đứng giữa hai làn đạn, sự cố gắng của các anh phải gấp đôi bình thường cũng như phải chịu một áp lực gấp đôi. Mà thôi, cắt nghĩa chuyện này phải tốn rất nhiều giấy mực, chỉ thấy thì ra cái nọc độc tư tưởng (cs) ấy ghê gớm thật. Hỏi bạn vì sao lại có cảm giác ấy, bạn nói rất nghiêm trang: – Các anh không hiểu được cái cảm giác bị nhục mạ như chúng tôi phải chịu từ sau 75.
Ra vậy, người ta có thể chịu đựng được đau đớn, nghèo đói, bệnh tật v.v… Nhưng cảm giác bị hạ nhục, phải cúi đầu nuốt cái nhục để thấy mình hèn nhát, nó thật khó chịu đựng. Khó mà quên trong suốt cuộc đời. Nhớ một lần xuống miệt vườn chơi, anh Năm tay cầm ly rượu, nước mắt giàn rụa: – Em Đăng. Anh Năm có bằng tú tài từ trước 75. “Giải phóng” về, tay trung úy công an đập bàn trước mặt anh: “Thứ mày thì tú tài gì, không bằng lớp 2 của tụi tao”. Anh nhớ mãi.
Nhưng chúng tôi có bị hạ nhục không?
Tôi ra đời khi bà nội đã mất nhiều năm trong CCRĐ (cải cách ruộng đất) nên tôi không biết bà nghĩ gì khi tự sát vì bị đấu tố. Có lẽ vì bà quá thất vọng khi hôm qua những người mà bà phải cưu mang, cho ruộng đất, thậm chí mang về nhà nuôi nấng khi họ bị mồ côi…thì hôm nay họ bỗng đổi khác, xắn váy, quai cồng, mặt đỏ tía tai, miệng xùi bọt, xỉa xói vào mặt bà xưng mày tao, gọi bà là tên hút máu nông dân (Nhà tôi có khu ruộng từ hàng trăm năm trước, hoa lợi chỉ cần đủ dùng cho việc cúng tế hàng năm ở nhà thờ cụ tổ của chi họ, người đã khai phá vùng đất này. Quy định, phải luân phiên có một người con trai về coi sóc, nên ông nội tôi đang ở Pháp phải trở về).
Nhưng tôi hiểu cảm giác của bác tôi khi ông kể: Nghe tin bà, bác vội chạy về (Lúc đó ông đang dạy tiếng Pháp, văn học và triết học cho mấy tay lãnh đạo Việt Minh, kiến thức lộ cộ muốn khoác cho mình cái vẻ học thức. Bác tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm thời Pháp, từng là học sinh giỏi nhất xứ Trung, Bắc kỳ), đến đầu làng du kích chặn lại: “Anh là cán bộ không được phép gặp con mụ địa chủ”. Ông nói thêm: “Chúng nó gọi mình bằng anh và gọi mẹ mình là con mụ”.
Tôi hiểu cảm giác của ông anh họ, khi đó lên 10. Đội (cán bộ cải cách) hỏi: – Mày là cậu ấm (bố anh ấy làm quan) có ăn được trái mít non?
– Dạ được.
– Bây giờ phải tập ăn thêm cục cứt bò này. Lũ chúng mày từ nay phải ăn cứt.
Và đêm đó anh trốn đi khỏi làng.
Nhưng tôi không hiểu, tại sao bố tôi không bao giờ nhắc chuyện này, cho đến năm tôi 20 tuổi ông mới nói: “Con phải nhớ, bà nội con bị chết trong CCRĐ”. Và, mãi sau khi ông chết, chú tôi mới kể: “…Bố mày về, câu đầu tiên: ‘Mẹ đâu?’, chú khóc chỉ lên bàn thờ. Ông ấy đổ vật xuống, nằm lỳ trong nhà 7 ngày không ra khỏi cửa, ngày thứ 8 lôi trong ba lô ra cái áo bông và cái áo len mua về cho mẹ, chặt nhỏ, châm lửa đốt rồi đi thẳng, mấy chục năm không thấy quay trở về”.
Chúng tôi có bị hạ nhục không?
“Anh là cộng sản nòi” – Câu đó đúng là sỉ nhục thật, nhưng tôi không thanh minh. Một ông tướng QuanĐoiNhanDan, nguồn gốc bần cố nông, có câu nói nổi tiếng: – Tiểu tư sản 10 năm lên 1 cấp là nhanh. Bần cố nông 1 năm lên một cấp là chậm. Bố tôi, học xong Lục quân năm 1950 (pháo binh), khi phong quân hàm là trung úy, sau 30 năm quân ngũ đúng là lên được 3 cấp. Vẫn nhanh.
Chúng tôi có bị sỉ nhục không?
Chắc những thế hệ này vẫn còn nhớ, bị ghi lý lịch “con cái ngụy quân, ngụy quyền”, bị gọi là bọn “xỏ nhầm giầy”, đừng mơ học đại học ngoài 2 trường bị coi rẻ là Nông nghiệp và Sư phạm. Một người chị tôi quen, con gái phố Hàng, xinh đẹp, dịu dàng. Chị học Sư phạm, ra trường phải đi miền núi, tay cán bộ phòng giáo dục (bần nông quê Nghệ An) hứa lo cho chị ở lại Hà Nội với điều kiện… lấy hắn. Chị ở nhà đan len, phụ cha, một nhạc sỹ tiền chiến dạy nhạc lý cho chúng tôi mỗi mùa hè khi chúng tôi đến học guitare ở nhà ông.
Chúng tôi có bị sỉ nhục không?
Khi vào lính để “bảo vệ Tổ quốc”, chúng tôi vẫn nằm trong diện “25 đối tượng cần sưu tra”. Số phận chắc chắn sẽ là nằm trên chốt tuyến đầu nơi hòn tên mũi đạn.
… còn nhiều lắm.
Vì thế bạn ơi, khi miền Nam “được giải phóng”, chúng tôi ngoài kia đã biết các bạn sẽ phải chịu đựng những gì. Thông cảm và thương thầm vì biết sẽ khó hơn chúng tôi, các bạn đã được sống qua một thời có nền dân chủ. Rồi chúng tôi cũng có chút ghen tị, các bạn còn được thế giới biết đến và lên tiếng, các bạn còn có con đường thoát đó là vượt biển với giá đắt, còn được những bàn tay giơ ra giúp đỡ.
Còn chúng tôi, lúc đó chúng tôi biết kêu ai? Và ai nghe thấy? Những người vượt bức màn tre đến được với chúng tôi hóa ra lại là những kẻ như cô minh tinh Mỹ có biệt danh “Jane Hà Nội”. Và chúng tôi biết vượt đi đâu? Một người bạn tôi, mới hơn 2 tuổi, ngồi bên xác mẹ bên bờ sông giới tuyến. Bà ôm con định trốn vào Nam, bị bắn chỉ vì trong người mang nhiều vàng bạc. Sau thời hạn di cư năm 54, vẫn còn nhiều người tìm cách trốn vào Nam nhưng số phận của họ đều như vậy. Đến bây giờ, tóc đã hoa râm, bạn tôi vẫn đau đáu nỗi niềm không biết mẹ của cô hiện nằm ở nơi nào....
Vì thế chúng tôi chống cộng, không oán thù cá nhân mà căm thù cái nọc độc tư tưởng ấy. Chúng tôi chống một cách tuyệt vọng, đôi lúc cô đơn nhưng không khi nào hết kiên nhẫn. Chúng tôi chống nó chỉ biết bằng cách trục cái nọc độc đó ra khỏi tâm hồn mình, ra khỏi những người thân yêu của mình và hy vọng biết đâu trục nó ra khỏi tâm hồn người khác. Từ bé tôi đã thề: “Không vào đội, vào đoàn, vào đảng, không đi làm cho nhà nước”. Bây giờ, gần hết cuộc đời, kiểm điểm lại tôi tự hào là mình đã làm được và càng tự hào khi con mình cũng đang làm được.
Hôm qua trước phiên tòa anh Vinh Ba Sàm cũng nói: “Tôi tự hào…”
Chắc bạn đã hiểu vì sao, người bạn Sài Gòn.

(ii) Ts Nguyễn Đình Cống: Một số ngụy biện về quan hệ với Trung Quốc
Vừa qua Câu lạc bộ đọc sách báo của chúng tôi mời được một diễn giả nói chuyện về tình hình thời sự. Ông MĐ là Tổng biên tập một tờ báo lớn, đại biểu HĐND thành phố, ứng cử và được bầu tại Phường chúng tôi. Việc ông dành thời gian gần 2 giờ để nói chuyện, đối với CLB là một vinh dự ít có. Ông nói về một số vấn đề thời sự trong nước và thế giới, trong đó điều làm tôi quan tâm nhất là quan hệ của VN với TQ. Theo ông MĐ, tuy rằng có một vài sự kiện ở biển Đông, nhưng quan hệ VN và TQ đang rất tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm TQ của Thủ tướng Phúc. Ông cho rằng đường lối hòa bình mềm dẻo và tôn trọng Luật pháp quốc tế của Đảng ta là sáng suốt, phù hợp với tình hình quốc tế và truyền thống dân tộc. Ông viện dẫn các sự kiện lịch sử các đời vua của VN vẫn thần phục và triều cống Hoàng đế Tàu, mà sự kiện đáng chú ý là Quang Trung, sau khi đánh tan 20 vạn quân Thanh phải sang Bắc kinh xin thần phục vua Khang Hy (!) nhà Thanh, cho đó là tấm gương cần noi theo.
Đã lâu tôi không được nghe các buổi nói chuyện của các cán bộ tuyên giáo. Trước đây, mỗi lần được nghe như thế tôi chỉ tiếp thu một chiều, làm tôi phấn khởi, được biết thêm nhiều chuyện, được sáng mắt sáng lòng. Nay thì khác, tôi nghe để biết quan điểm của diễn giả và xem “sự ngụy biện” đến đâu.
Kết thúc trong tiếng vỗ tay hoan hô, ông MĐ tỏ ra thỏa mãn, nán lại gặp gỡ và trao đổi thêm với một vài người. Tôi cũng ở lại một chốc, được ông chào và hỏi: “Bác thấy tôi trình bày thế nào”. Tôi trả lời: “Anh nói hay, cung cấp được một số thông tin có giá trị, đa số bà con tham dự xem ra là thỏa mãn, riêng tôi thấy có vài chỗ anh chỉ mới đề cập đến một phần của sự thật bên ngoài, bỏ mất phần khác quan trọng hơn, riêng các lập luận, có hình thức chặt chẽ nhưng để ý ra thì thấy khoảng một phần ba là sai vì phạm vào lỗi ngụy biện, đặc biệt phần nói về quan hệ Việt Trung, về vua Quang Trung”. Đó là một nhận xét có tính phản biện mà diễn giả không mong đợi. Tôi chờ một câu trả lời đại khái như: “Xin cám ơn bác, xin bác chỉ cho biết những chỗ mà bác cho là phần quan trọng hơn, là sai vì ngụy biện”. Nhưng không! Ông ta phản ứng bằng cách chống chế. Tôi biết không thể tiếp tục trao đổi nên xin rút lui để ông đàm đạo với những người khác đang chờ đợi những ý kiến quý báu của ông.
Về quan hệ với TQ, xin vạch ra một số ngụy biện mà Tuyên huấn của Đảng vẫn dùng để lừa nhân dân, mà tiếc thay, một số người vẫn vui vẻ nghe theo (như tôi trước đây).
1- Nước ta bị thế kẹt là ở sát TQ, bị nó khống chế nhiều bề.
Giáp với TQ không phải chỉ có VN mà còn 13 nước khác như Mông Cổ, Bhutan, Nêpan, Takjikistan, Kazakstan, Nga, Myanmar, Ấn độ v.v… Trừ Nga và Ấn độ, các nước khác đều bé, thế mà họ có chịu khuất phục TQ như VN đâu. Đặc biệt như Bhutan, có biên giới khá dài với TQ mà không có quan hệ ngoại giao. Sự chịu khuất phục do nguyên nhân địa lý chỉ là một phần rất rất nhỏ. Nguyên nhân chính là do đường lối lãnh đạo. Nếu đổ cho nguyên nhân địa lý thì giải thích thế nào về các nước như Bhutan, Nêpan, Tajikistan… đều bé, TQ tuy có phá phách ít nhiều nhưng cơ bản không làm họ khuất phục. Ta giáp với TQ từ khi lập quốc đến giờ mà các đời vua phong kiến trước đây có chịu lép vế một bề như dưới thời CS hay không.
2- Nước ta và TQ cùng ý thức hệ cộng sản, cùng chung lý tưởng XHCN
Đây là lập luận ngụy biện xảo trá. Việc cùng ý thức hệ có phải là tiền định, là Trời bắt phải thế đâu. Đó là do con người lựa chọn. Từng đảng viên cộng sản khi vào Đảng thì có thề trung thành với Đảng nhưng dân tộc này có bao giờ thề lệ thuộc vào TQ đâu. Ừ, mà cùng ý thức hệ tốt đẹp thì cũng tạm được, nhưng ý thức hệ đó đã lạc hậu, đã thối rửa mất rồi thì đeo bám làm gì. Trước đây chúng ta theo Liên xô vì ý thức hệ, thế mà Liên xô sụp đổ rồi, trong lúc TQ cố dựa vào ý thức hệ để thôn tính VN thì vịn vào nó mà làm gì ngoài sự lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Mà hỏi xem, ngoài một số rất ít còn dựa vào ý thức hệ để trục lợi thì đại đa số dân VN có còn tin gì vào nó nữa đâu. Hơn nữa ĐCS TQ chỉ giữ lại cái tên và tổ chức, chứ ý thức hệ CS cũng đã bị vứt bỏ từ lâu, chúng nó chỉ dùng để lừa bịp những người khờ dại trong và ngoài nước. Cũng vì ý thức hệ mà lãnh đạo ĐCS VN đã ký kết mật ước Thành Đô. Nhiều dư luận yêu cầu công khai minh bạch cho toàn dân biết nội dung, thế mà đến nay lãnh đạo ĐCS vẫn giấu kín.
3-Truyền thống tổ tiên vẫn thần phục Tàu
Đây là lối ngụy biện dùng một phần sự thật để che giấu bản chất. Tổ tiên chúng ta bên ngoài tỏ ra thần phục Tàu chứ chưa bao giờ chịu khuất phục (trừ bọn Ích Tắc, Chiêu Thống…). Như Nguyễn Trải đã viết: “Như Đại Việt ta, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải mấy triều Đinh, Lê, Lý, Trần dựng nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương…”. Xét trong lịch sử, trừ thời nhà Hồ bị nhà Minh cướp nước (Gần đây vì họ Hồ chính sách nặng phiền, khiến trong nước lòng người oán giận. Quân Minh cuồng bạo thừa dịp hại dân. Đảng nịnh mưu gian rắp tâm bán nước….Tát cạn nước Đông hải khôn rửa sạch tanh hôi. Chẻ hết trúc Nam sơn không đủ ghi tội ác…), thì chưa thấy có triều đại nào chịu khuất phục TQ về mọi mặt một cách nhục nhã như bây giờ. Ngay như Quang Trung, ông cho người đóng thế mình sang bái phục Càn Long (không phải Khang Hy) chỉ là cái mẹo sau khi đã đánh tan 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị. Đánh thắng rồi mới cầu hòa chứ không phải cúi đầu xin chỉ thị về mọi việc lúc chưa xẩy ra.
Việc nhất nhất thần phục Tàu Cộng đã được cài sẵn vào gène, vào máu của CSVN từ khi mới thành lập năm 1930 trên đất Tàu. Chẳng thế mà Trần Huy Liệu (người thay mặt Hồ Chí Minh vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại), vào khoảng năm 1949 có nói một câu nhận xét không tốt về Tàu (coi chừng kẻ thù truyền kiếp của dân tộc) thì bị thất sủng ngay. Năm 1954, Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Genève đã khóc vì bị Chu Ân Lai ép buộc chia cắt đất nước đến vĩ tuyến 17. Năm 1958, được tin TQ muốn độc chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận ngay (ngoài ông Đồng ra hình như không có ai ủng hộ TQ nữa). Năm 1974 Hà Nội giữ hoàn toàn im lăng để cho Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa do VNCH quản lý. Năm 1988 Lê Đức Anh (bộ trưởng quốc phòng) ra lệnh cho các chiến sĩ đảo Gạc Ma không được chống cự lính Trung cộng, để toàn bộ 64 chiến sĩ bị sát hại, xác bị quăng xuống biển. Năm 1991 Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười sang Thành Đô (TQ không cho đến Bắc Kinh) cầu xin sự che chở và ký mật ước, cố xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng hắn không cho gặp. Năm 2000 Lê Khả Phiêu ký cho Tàu một số đất ở Thác Bản Giốc và Hữu Nghị quan. Những chuyện như vậy liệu có bao giờ xẩy ra trong lịch sử của tổ tiên. Thế mà ĐCS cứ đưa tổ tiên ra làm bình phong để che đậy.
4-Luận điệu gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp Quốc tế
Cứ mỗi lần TQ có hành động ngang ngược ở biển Đông thì phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN lại tuyên bố: “Phản đối, đòi tôn trọng chủ quyền, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, thương lượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba…”. Nghe quá hóa nhàm. Có những việc lớn, quan trọng mà sao chỉ có đại diện Bộ Ngoại giao, hoặc quá lắm là một cá nhân cấp cao nào đó phát biểu một cách dè dặt, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước lặng im. Và dân quá bức xúc biểu tình phản đối thì bị đàn áp. Ừ thì tôn trọng hòa bình, ta không chủ động gây chiến, nhưng ai cấm những phát biểu mạnh mẽ phản đối của Chính phủ, sao lại cấm dân biểu tình, sao không dám kiện ra Tòa án quốc tế như Philippines. Luận điệu “mềm dẻo, hòa bình, tránh xung đột” chẳng qua để che giấu một tâm trạng hèn yếu, không dám tin vào dân, chỉ muốn thần phục để vinh thân phì gia.
5- Luận điểm: Về kinh tế ta phụ thuộc vào Tàu quá nhiều, nếu ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền mà bị Tàu nổi giận cắt đứt mọi giao dịch thương mại thì ta lâm vào khủng hoảng lớn.
Tôi gọi đây là luận điểm chứ không phải luận điệu vì xét ra có phần đúng. Nhưng có phải vì giao lưu hàng hóa mà để cho Tàu vào chiếm cứ các vị trí xung yếu của đất nước, để người Tàu tràn ngập các vùng quan trọng, để họ phá nát môi trường. Những nước như Mỹ, Đức, Nhật, Úc … họ có làm như thế đối với các nước khác đâu. Việc để kinh tế, thương mại, xây dựng của VN quá lệ thuộc vào Tàu, để cho Tàu thực hiện các dự án lớn làm hủy hoại môi trường là tội của những người lãnh đạo tham và ngu. Bây giờ đã lỡ ra rồi thì không phải cứ cố trượt dài trên con đường sai lầm mà phải tìm cách khắc phục. Tuy vậy việc ngừng giao lưu kinh tế với Tàu khi chúng ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền cũng chỉ mới là suy đoán. Việc giao lưu là có lợi cho cả hai bên. Việc giao lưu với Tàu nếu bị giảm sút, trước mắt kinh tế Việt sẽ gặp khó khăn, đời sống của đân bị ảnh hưởng. Nhưng thử hỏi dân xem họ có vui lòng chấp nhận khó khăn trong thời gian ngắn để loại bỏ mọi xấu xa do Tàu mang đến.
Tôi nghĩ rằng được giải thích, đa số dân sẽ vui lòng. Hơn nữa dân ta có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”. Trước đây vì nhầm lẫn mà ta ưu tiên thị trường TQ, nhưng nếu vì bảo vệ chủ quyền mà nó bị co lại thì các nhà doanh nghiệp Việt có đủ trí khôn để mở ra các nước khác, chứ làm sao chịu bó tay.
6-Nhận định
Tôi cho rằng những ngụy biện trên đây chỉ nhằm để duy trì chế độ độc tài đảng trị theo đường lối CS, đem nước ta phụ thuộc vào Tàu cộng. Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này trước hết phải thoát ra khỏi ý thức hệ CS, phải cải cách thể chế theo con đường dân chủ chân chính. Một ngày mà ĐCS VN còn kiên trì đường lối hiện hành thì dân Việt còn chịu cảnh lầm than và đất nước dần dần bị thôn tính.
Để kết thúc xin kể câu chuyện: Ngày xưa bên Tàu, nước Triệu (Thời U Mục Vương), nhờ có Lý Mục và Tư Mã Thượng là những người tài giỏi, yêu nước mà ngăn chặn được sự xâm lược của nước Tần. Thế nhưng vua Triệu tin dùng tên quan đứng đầu triều đình là Quách Khai, một kẻ tham lam. Gián điệp nước Tần đem biếu Quách khai một số lớn vàng bạc với yêu cầu vu cáo Lý Mục và Tư Mã thượng là bọn phản bội, chống lại nhà vua, để họ bị loại bỏ. Quách Khai nhận vàng bạc, thực hiện âm mưu, xui dục vua giết chết Lý Mục, đuổi được Tư Mã Thưọng. Kết quả quân Tần xâm chiếm nước Triệu một cách dễ dàng. Sau vụ này vua Tần nói: Ta chỉ bỏ ra ít vàng bạc mua được Quách Khai, dùng Khai để chiếm được Triệu, quá rẻ. Quách Khai hý hửng cho rằng đã lập công với Tần nhưng bị Tần đuổi đi, không dùng kẻ phản phúc. Quách Khai về quê, chở theo mấy xe vàng bạc. Giữa đường bị những người nghĩa khí giết hết cả nhà, lấy hết của cải.
Bình luận: Việc này đáng cho nhiều người Việt suy ngẫm. Nhưng những kẻ rắp tâm bán nước nghĩ rằng họ khôn hơn Quách Khai vì đã tuồn nhiều của cải và cho con cháu ra nước ngoài. Không đâu, chúng mày khôn, sẽ có người khôn hơn và trên hết, chúng mày đã gây ra nghiệp chướng, thế nào cũng chịu nghiệp báo. Hãy luôn nhớ rằng của cải do sức lao động và tài năng làm ra mới bền chặt, còn của phi nghĩa do gian lận, tham nhũng, tước đoạt thì chỉ làm giàu tạm thời, không đời chúng mày thì đời con, đời cháu cũng tiêu thành mây khói và chưa biết còn những thảm họa nào nữa.

*** Người Buôn Gió: Bi Kịch thoát Trung
Trong những năm qua, nhiều chuyên gia và trí thức Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về cảnh Việt Nam quá lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế và chính trị.
Đại hội đảng 12 của Đảng CSVN đã thay đổi một lớp lãnh đạo mới thống nhất hơn dưới quyền của TBT Nguyễn Phú Trọng. Lớp lãnh đạo này hiện giờ đang phải đối mặt với khó khăn rất trầm trọng là việc thiếu hụt ngân sách chi trả và việc trả nợ, đáo nợ, lãi những khoản vay quốc tế. Việt Nam dự định phát hành trái phiếu chính phủ 10 tỷ usd ra thị trường quốc tế bất thành. Mọi thăm dò, thương thảo đều không cho thấy việc phát hành thuận lợi, do không có người mua. Để chữa thẹn cho việc mất uy tín không còn ai muốn mua trái phiếu Việt Nam, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bào chữa rằng do tỷ giá lãi suất , hối đoái của đồng USD thay đổi, bất lợi cho việc phát hành trái phiếu.
Tất cả tưởng chừng như bế tắc. Nhưng không, ĐCSVN bao giờ cũng có lối thoát cho mình. Không phải từ tháng 9 này, mà trước đạị hội 12, trong lúc căng thẳng đấu đá dành ghế. Những dự đoán về kinh tế khó khăn này đã được bàn thảo kỹ càng để tìm lối thoát. Và những ứng cử viên đưa ra lối thoát tháo gỡ mà vẫn duy trì được sự ổn định chính trị, tức chế độ cộng sản cai trị được an toàn đã thắng thế.
Ngày 2 tháng 9, cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang bất ngờ quay lại chính trường để ủng hộ đường lối của phe thắng thế bằng cách ám chỉ những người của phe bên kia là đi '' chệnh hướng''. Chệch hướng ở đây là những người có tư tưởng muốn tìm một lối thoát khác cho đất nước bằng cách cởi mở và xích lại gần hơn với phương Tây, chệch hướng ở đây ai cũng biết đó là chệch hướng con đường CNXH mà Nguyễn Phú Trọng đang cố lèo lái đất nước đi theo. Sang đã hết lời ca ngợi Trọng trong bài diễn văn mừng ngày quốc khánh trên tinh thần như vậy. Sự xuất hiện của Sang vừa kịp thời mở màn cho việc chuẩn bị những bước đi sau đó sang Trung của Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời cũng đánh lạc hướng dư luận việc Ngô Xuân Lịch sang Trung để cam kết quân đội Việt Nam không đối kháng lại Trung bất kỳ tình huống nào.
Mấy ngày sau khi Sang mở màn dọn đường, ĐCSVN cho Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Phúc được đón tiếp rực rỡ, bởi món quà mà Việt Nam dâng cho Trung Quốc bấy lâu nay đã chính thức được thực hiện. Món quà đó là gì? Là Trung Quốc là đối tác ưu tiên hàng đầu, mà thậm chí là duy nhất để mua rẻ mạt những cổ phần nhà nước Việt Nam trong những tập đoàn, công ty.
Để trang trải những nợ nần, thiếu thốn mà vẫn an toàn cho chế độ, đảng CSVN bán đi các phần vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty dưới cái danh từ là ''thoái vốn''. Ông Đặng Quyết Tiến phó cục trưởng ở bộ tài chính Việt Nam cho biết về chính sách này. Việc thoái vốn nhà nước khỏi những doanh nghiệp được đánh giá sẽ giúp ngân sách cải thiện nguồn thu, bù đắp bội chi, giảm tỷ lệ vay nợ nước ngoài.
Số tiền mà Nguyễn Xuân Phúc bước đầu thu được do việc bán vốn nhà nước Việt Nam cho Trung Quốc trong chuyến thăm giữa tháng 9 năm 2016 vừa qua, áng chừng 10 tỷ usd. Đây là số tiền trước mắt sẽ giúp được Việt Nam qua được giai đoạn khó khăn đến năm sau. 
Không chỉ là tập đoàn có vốn do nhà nước quản lý, ĐCSVN còn ép các ngân hàng gây khó dễ cho tập đoàn tư nhân như Hoàng Anh Gia Lai, đẩy tập đoàn này vào con đường duy nhất là bán tài sản của mình là những cánh rừng cao su phì nhiêu đang mang lại lợi nhuận ở bên Lào. Người mua chính là những ông chủ Trung Quốc. Trước đây vào năm 2014, ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã cảnh báo các doanh nghiệp trong nước về mối nguy hại khi đối tác là Trung Quốc. Ông Đức nói rằng ông không bán cao su cho Trung Quốc, rừng cao su của ông không phải để phục vụ Trung Quốc, ông còn chỉ trích những doanh nghiệp khác chọn Trung Quốc làm đối tác.
Nhưng đó là năm 2014, không phải năm 2016 cầm quyền của phe Nguyễn Phú Trọng. Ông Đức bị ép vào đường cùng phải bán cánh rừng cao su bên Lào cho người Trung Quốc. Ông Đức định trông chờ chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tái cơ cấu nợ để khỏi bản cánh rừng này. Nhưng ý chỉ của người Trung Quốc mới là vấn đề quyết định. 
Ngay sau khi thương thảo vụ mua bán phần vốn của nhà nước Việt Nam thành công, Trung Quốc nhận được cam kết hoà bình trong mọi tình huống với quân đội Việt Nam, nhận được sự cam kết chư hầu của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng chưa đủ yên tâm cho phần vốn của mình được an toàn, Trung Quốc chỉ đạo Trọng tham gia đảng uỷ công an để tăng cường giám sát công an Việt Nam phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của Trung Quốc tại Việt Nam.  Sau khi Trọng vào đảng uỷ công an cùng Phúc, cả hai người này đã ép Trần Đại Quang đứng ra tiếp đón bộ trưởng công an Quách Thanh để cam kết xử lý kiểm soát xử lý thoả đáng những vấn đề phát sinh sau những hợp đồng mà Nguyễn Xuân Phúc đã ký vừa qua. Trong thương vụ mua bán phần vốn nhà nước Việt Nam này, Trung Quốc đã kiểm soát được phần lớn nền kinh tế của Việt Nam. Có được cam kết công an, quân đội Việt Nam phải có trách nhiệm bảo vệ phần vốn của Trung Quốc. Nếu có nguy hại gì ảnh hưởng đến phần vốn này, Trung Quốc được phép can thiệp để bảo vệ tài sản của mình. Như vậy không những kinh tế, chính trị mà cả an ninh quốc phòng của Việt Nam đều ở trong cái vòng kim cô của Trung Quốc. Từng thế vẫn chưa đủ, lợi dụng hoàn cảnh của ĐCSVN chỉ còn cách tìm đến mình cầu cứu, người Trung Quốc còn muốn hời thêm khi đặt điều kiện Việt Nam phải đưa chương trình tiếng Trung vào giảng dạy trong nhà trường cho học sinh tiểu học.
Sau chuyến đi của Nguyễn Xuân Phúc, con đường thoát Trung của Việt Nam đã trở thành bi kịch.

(iii) Ks Bùi Quang Vơm: Có thuyết định mệnh không?
Trước hết phải khẳng định trước rằng chúng ta không phải là những người tin vào sự tồn tại của thượng đế và thần thánh. Chúng ta không hề tin vào bất cứ một thứ gì định trước. Đối với chúng ta, tương lai là sản phẩm của hiện tại, nghĩa là xảy ra sau hiện tại. Trong khi ngay diễn biến của hiện tại không một ai có thể biết được một cách tường tận, không một năng lực nào có thể khống chế, thì những gì có thể xảy ra trong tương lai là bất khả xác định.
Với sự phát triển của khoa học, toán học kết hợp tin học đã cho ra đời những phần mềm siêu mạnh, với những dữ liệu hiện tại của từng ngành, từng lĩnh vực, từng bộ phận thành phần của xã hội, trong đó mỗi thành phần, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề tuân thủ quy luật phát triển của riêng mình, máy tính có thể đưa ra hình ảnh của một xã hội tương lai. Nhưng ngay cả khi năng lực tính toán của máy tính có thể đạt tới nhiều tỷ phép tính trong một giây, tức là khả năng giải hàng tỷ xác suất khác nhau, thì những gì máy tính đưa ra cũng chỉ là hình ảnh ảo, chỉ có giá trị dùng vào việc hỗ trợ tư duy, gợi mở tư duy. Bởi vì máy tính là sản phẩm nhân tạo dựa trên quy tắc lôgíc, trong khi diễn biến của vạn vật lại là các tương tác hoàn toàn ngẫu nhiên.
Có một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là “hiệu ứng cánh bướm”. Hiệu ứng này nói, một con bướm vỗ cánh ở Bắc Kinh có thể gây ra bão ở New York. Đó là do tính ngẫu nhiên của các va chạm tương hỗ. Đã là ngẫu nhiên thì không thể đoán trước, chỉ đơn giản là vậy. Không thể đoán trước, thì không có định mệnh, nghĩa là không có số mệnh được định hình trước. Nếu trong không gian, không có hình ảnh của thế giới tại một thời khắc nhất định nào đó, thì không thể có người nhìn thấy nó, dù người đó là ai, có những năng lực đặc biệt nào. Không thể nhìn thấy cái không có.
Nhưng trong cuộc sống thực của nhân loại, có những sự thật chứng minh khả năng nhìn thấy tương lai của những cá thể đặc biệt. Nostradamus nhìn thấy một cái gì đó giống như chiếc xe tăng, 200 năm trước khi nó xuất hiện bằng sắt và bằng thép trên mặt đất vào đầu chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bà Vanga nhìn thấy toà tháp đôi của Mỹ sụp xuống dưới cánh hai con chim sắt từ năm 1989, trước khi nó bị đổ sụp do hai chiếc máy bay của bọn khủng bố, vào ngày 11/09/2001.
Với những gì sẽ xảy ra cho năm 2016, thì cả hai nhà tiên tri cùng nhìn thấy một thứ giống nhau: Nosradamus tiên tri, vị tổng thống Mỹ tới năm 2016 là vị "Tổng thống cuối cùng".
Nhà tiên tri người Bulgaria, bà Vanga, dự đoán Tổng thống thứ 44 của Mỹ sẽ là một người gốc Phi. Và bà cảnh báo đây cũng là “Tổng thống Mỹ cuối cùng”.
Nếu cả hai người, sống ở hai thời đại cách nhau hơn 400 năm cùng nhìn thấy một thứ ở tít sâu trong không thời gian, thì cái thứ mà họ nhìn thấy phải có xác suất tồn tại thật(!?).
Và điều đó đang ứng nghiệm.
Donal TRUMP, vị ứng viên "điên khùng" của đảng Cộng hoà, tưởng như không thể gượng dậy trước thế áp đảo lấn lướt của bà Hillary Clinton, đột nhiên bật dậy.
Bà Clinton đột nhiên ngã bệnh. Những người ủng hộ bà suy sụp. Phiếu ủng hộ Trump tăng vọt. Đảng Dân chủ lúng túng trước lựa chọn thay hay không thay ứng viên.
Kết quả thăm dò mới nhất, cách đây vài ngày là Hillary 46% và Trump 44%. Vì là thăm dò nên có thể nói là bằng nhau. Cũng có nghĩa là bà Hillary đang thua. Vì xuống thì cần phải có chạy ngang rồi mới lên lại.
Và giả sử nếu đúng vấn đề sức khoẻ của bà Hillary là có thật, vì cho đến thời điểm này, đảng Dân chủ vẫn chưa có công bố chính thức, chấm dứt vấn đề sức khoẻ của bà Hillary, và nếu quả thật, bà không thể khôi phục đủ sức khỏe để theo đuổi tranh cử, Trump sẽ không còn đối thủ.
Tại sao tất cả lại cùng một lúc đột nhiên xảy ra. Sự ứng nghiệm của những điều bí ẩn có quy luật xuất hiện vào những thời điểm cuối cùng và trái chiều với trật tự lôgíc.
Nếu là định mệnh là có thật, tức những gì bà Vanga và Nostradamus nói là những gì họ đã nhìn thấy, thì Trump sẽ trúng Tổng thống, nước Mỹ sẽ rối loạn, cơ chế Tổng thống sẽ bị xét lại, hai viện của Mỹ sẽ giải tán, Hiến pháp Mỹ thay đổi, bãi bỏ chế độ Tổng thống. Trump không được hiến pháp mới thưà nhận tư cách Tổng thống. Điều mà Vanga và Nostradamus tiên tri, vị Tổng thống gốc Phi sẽ là vị Tổng thống cuối cùng của Hợp chủng quốc Mỹ, sẽ ứng nghiệm.Nước Mỹ vĩnh viễn không có Tổng thống thứ 45.
Nhưng trước khi bị phế truất tư cách Tổng thống, có thể Trump đã đủ thời gian để tạo ra khủng hoảng & hỗn loạn cho Thế giới.
Chúng ta sẽ không thể miêu tả nổi sự hỗn loạn toàn cầu có thể xảy ra từ sự hỗn loạn chính trị tại Mỹ, nếu mọi chuyện xảy ra theo kịch bản trên. Nhưng chỉ hình dung sự cộng hưởng của hai nhà chính trị, Trump của Mỹ và Duterte của Philippines, cả hai nhà chính trị có ảnh hưởng hàng đầu đối với số phận của biển Đôngcùng có đặc điểm ngẫu hứng trong việc đưa ra quyết định, cùng có cách hành xử không thể đoán trước, và nhất là bất chấp truyền thống luật pháp, biển Đông sẽ hoặc lọt vào tay Trung Quốc mà không hề có lửa của súng đạn, hoặc sẽ có một cuộc chiến khốc liệt nhưng nhanh chóng kết thúc, với kết quả cũng như trên, là toàn bộ biển Đông lọt vào tay Trung Quốc. Việt Nam không biết làm gì, không thể làm gì và cũng không thể làm được gì.
Sau khi không còn biển Đông thì Việt Nam không còn gì để mất nữa. Và chiến tranh tự khắc hết. Bởi vì không còn gì để mất cũng có nghĩa không còn gì còn chưa bị mất.
Bà Vanga còn nhìn thấy châu Âu hoang vắng, không có người ở. Bà bị hỏng cả hai mắt, từ lúc 11 tuổi, như vậy, cái bà thấy là tâm linh.
Có thể đúng, ít nhất là về mặt tinh thần châu Âu, tức là tinh thần Cựu Lục địa, hiện không còn, hay hiểu cho đúng ý bà Vanga là trống rỗng. Khủng bố và làn sóng di cư chỉ là hiện tượng chủ quyền, thực chất, tập quán châu Âu, hay nói quá một chút là văn hoá châu Âu đã biến mất rồi. Người châu Âu gốc đang sống nép vào một góc, ngay trên đất tổ tiên. Im lặng nhìn những gì đang xảy ra, diễn ra hàng ngày không hề giống những gì có trước đấy, không hề là của họ. Vài căn hộ còn lại âm thầm dọn nốt ra khỏi những dãy chung cư, bây giờ chỉ toàn người xa lạ. Những gia đình có chút ít gốc gác lặng lẽ nhập quốc tịch ở một quốc gia xa xôi nào đó. Châu Âu đang rỗng người châu Âu.
Bà Vanga cũng thấy, rằng người Nga quay lại, người Nga sẽ thống nhất lại châu Âu, đem người châu Âu về lại lục địa vào những năm sau 2025. Còn phải chờ xem điều tiên tri này ứng nghiệm kiểu gì.
Sau Trump, đồng đôla Mỹ bị thay bằng một đồng tiền thanh toán quốc tế khác, Mỹ không còn là người cầm cờ. Mỹ bỏ biển Đông cho Trung Quốc, Mỹ bỏ NATO, Mỹ buông châu Âu. Đất châu Âu thành lãnh địa của các dân tộc bắc Phi. Bà Vanga nói chúa gửi châu Âu cho người Nga. Sứ mệnh cứu châu Âu là người Nga.
Với một lý thuyết, nếu đúng ở phần đầu, thì phần sau tất đúng. Nếu Trump thắng cử, thì nền chính trị Mỹ rối loạn. Hệ thống giá trị Mỹ thay đổi. Tổng thống gốc Phi OBAMA là Tổng thống cuối cùng. Thiên hạ sẽ chia ba. Trung Quốc là siêu cường châu Á, Nga là chủ châu Âu, phần còn lại là của Mỹ. Sẽ có ba đồng tiền của ba khu, trên nền một đồng tiền chung có giá trị thanh toán quốc tế. Đấy là những gì mà bà Vanga đã mô tả.
Hãy chờ xem. Nếu Trump đắc cử, nếu nước Mỹ huỷ bỏ chế độ Tổng thống. Điều mà bà Vanga nhìn thấy là hình của Thế giới đã được sắp đặt trước, không phải là suy diễn hay tưởng tượng. Người ta sẽ phải xem lại thuyết định mệnh.

*** Giới phân tích: Bà Clinton giành phần thắng trong cuộc tranh luận
(VOA): Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump quay trở lại vận động tranh cử hôm thứ Ba, một ngày sau cuộc tranh luận quyết liệt giữa họ mà đa số những nhà phân tích độc lập có chung nhận định rằng bà giành phần thắng và có thể giúp bà vượt lên trong những cuộc khảo sát ý kiến toàn quốc, sáu tuần trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8 tháng 11.
Những cuộc khảo sát chính trị trước cuộc tranh luận cho thấy hai ứng cử viên tranh đua sít sao. Bà Clinton, ứng cử viên Đảng Dân chủ, dẫn trước với cách biệt mong manh 2 điểm. Nhưng nhà khoa học chính trị Alan Abramowitz của Đại học Emory ở thành phố Atlanta và nhà phân tích khảo sát ý kiến Nate Silver đều nói bà Clinton có thể giành thêm hai điểm nữa sau khi bà đẩy ông Trump vào thế thủ suốt phần lớn cuộc tranh luận, công kích ông về chuyện ông từ chối công bố hồ sơ khai thuế thu nhập ở Mỹ, về chuyện ông không thanh toán tiền cho một số nhà thầu mà ông thuê để xây dựng sân golf và sòng bạc, và về chuyện ông lâu nay chê bai nhiều người phụ nữ.
Ông Abramowitz gọi phần tranh luận của bà Clinton là "bình tĩnh, điềm nhiên" và nói rằng bà đã" có thể nói về nhiều vấn đề." Ông mô tả ông Trump là "khá khoa trương và hời hợt. Tôi nghĩ ông ấy gặp rất nhiều rắc rối về vấn đề chủng tộc và giới tính."
John Sides, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, nói với VOA: "Cảm giác ban đầu của tôi là hầu hết những nhà báo và những nhà bình luận đều cho rằng bà Clinton vượt trội so với ông Trump. Vì có bằng chứng cho thấy bất kỳ sự đồng thuận nào của giới truyền thông đều có thể định hình cách nhìn nhận của cử tri đối với cuộc tranh luận, điều này gợi ý rằng bà Clinton có nhiều phần chắc sẽ hưởng lợi hơn ông Trump."
Trong những giờ sau cuộc tranh luận, ông Trump khoe một số cuộc khảo sát tức thì không có tính khoa học, được thực hiện với những người xem cuộc tranh luận, cho thấy ông là người giành phần thắng, ngoại trừ một cuộc khảo sát do CNN thực hiện cho thấy bà Clinton giành phần thắng. Nhưng sáng ngày thứ Ba ông Trump đổ lỗi cho người điều khiển cuộc tranh luận, người dẫn chương trình tin tức của đài NBC Lester Holt. Ông Trump nói rằng ông Holt đã đặt những câu hỏi khó hơn cho ông so với bà Clinton, và đổ lỗi cho micro "tồi tệ" trên sân khấu tranh luận mà theo lời ông được chỉnh âm lượng thấp hơn so với micro của bà Clinton.
Bà Clinton, khi đến bang bầu cử hệ trọng North Carolina để dự một buổi vận động chính trị, chế giễu lời than phiền về micro của ông Trump. "Người nào than phiền về micro là người đó đã không thể hiện tốt trong đêm đó," bà nói.
Nhưng ông Trump khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News rằng ông thể hiện tốt hơn bà Clinton và cho bà điểm C trừ, trong khi từ chối không tự chấm điểm cho mình về cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận được hàng chục mạng lưới truyền hình phát sóng trực tiếp với 81 triệu người xem, và thêm hàng triệu người xem trực tuyến.
Những cố vấn của ông Trump gợi ý rằng ông có thể bỏ qua cuộc tranh luận tiếp theo với bà Clinton diễn ra vào ngày 9 tháng 10 tại thành phố St. Louis của bang Missouri thuộc vùng trung tây, nhưng ông Trump cho biết ông định sẽ tham dự cả hai cuộc tranh luận còn lại. Ông Trump cho biết ông có thể "tấn công mạnh hơn" vào lần tới hai người chạm trán. "Tôi thực sự đã nương tay bởi vì tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của bất cứ ai," ông Trump nói. Ông nói lẽ ra ông đã "nêu lên nhiều vụ ngoại tình của Bill Clinton" nhưng đã không làm như vậy vì con gái của hai vợ chồng Clinton, Chelsea, có mặt trong hàng ghế cử tọa tại Đại học Hofstra, bên ngoài Thành phố New York.
Khi được hỏi về khả năng ông Trump có thể nhắc tới những vụ ngoại tình của chồng, bà Hillary Clinton nói với phóng viên: "Ông ta muốn vận động tranh cử kiểu gì là tùy ông ta."

*** NV: Ai thắng cuộc tranh luận thứ nhất?
Ðó là điều cử tri quan tâm đến cuộc bầu cử 2016 muốn biết, và tất cả các cơ quan truyền thông muốn tìm hiểu để tường trình cho độc giả, thính giả, và khán giả của mình.
Ðiều lý thú hơn là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được dư luận thế giới rất chú ý, cho nên ngay cả báo chí và các hãng tin nước ngoài cũng theo dõi sát chuyện này.
Một thắc mắc khác nữa là cuộc tranh luận sẽ có tác động thế nào đối với tình hình tranh cử trong những ngày tới, nhất là ngày bầu cử vào Thứ Ba, 8 Tháng Mười Một. Vấn đề này thuộc lãnh vực dự đoán, chỉ nhằm phân tích nhận định chứ chưa thể đi đến bất cứ kết luận gì.
Hai ban tranh cử đều nói rằng “gà” của mình thắng trong trận “đá” tối Thứ Hai ở Hofstra University, New York. CNN là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa ra thăm dò ý kiến một giờ sau khi cuộc tranh luận chấm dứt, nói rằng bà Clinton thắng (62%) ông Trump (27%). Những thăm dò khác cho những kết luận trái ngược nhau, như Public Policy Polling: Clinton 52% – Trump 40%. Time: Trump 55% – Clinton 45%. Thật ra, hầu hết những thăm dò này chưa hẳn theo đúng định nghĩa và phương pháp khoa học, mà chỉ hỏi ý kiến trên mạng, bất cứ ai cũng có thể trả lời bằng một cái nhấn (click) và kết luận chưa được coi là có giá trị. Những ý kiến ấy có thể do cảm tính hay định kiến, không phải bằng nhận định có lý luận.
Los Angeles Times không thăm dò ý kiến như thế, nhưng cho rằng “ông Trump chùn bước trước những lời chỉ trích” và kết luận rằng bà Clinton là người toàn thắng trong cuộc tranh luận. Các tờ báo khác bao gồm Washington Post, New York Times, Politico cũng có cùng những nhận định tương tự,
Những cơ quan truyền thông thiên hẳn về phía Cộng Hòa đưa ra kết luận khác: Trump 75.85% – Clinton 19.52%. Fox/San Diego: Trump 61% – Clinton 39%… CNBC đưa ra một nhận định chung chung: “Cuộc tranh luận chẳng làm thay đổi cái gì. Trump vẫn có thể thắng,” hàm ý ông Trump thua cuộc tranh luận đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến trên mạng của CNBC lại đưa kết quả: Trump thắng 84% – Clinton 15%.
Các cơ quan truyền thông khi tường trình về cuộc tranh luận thường nhận định căn cứ vào lời phát biểu, đối đáp tranh cãi qua lại giữa hai đối thủ. Khuôn khổ bài viết này không coi việc phân tích những chi tiết ấy giúp ích gì cho việc nhận định về thắng bại trong cuộc tranh luận. Một vài câu nói sơ hở chưa đủ để đánh giá toàn bộ và trong cuộc tranh luận vừa qua, hai người không phạm sai lầm nào trầm trọng thuộc kiểu ấy. Cũng không đáng kể một số cử chỉ hay thái độ vụng về, chẳng hạn như bà Clinton nói kém mạch lạc lúc khởi đầu, ông Trump để lộ sự căng thẳng trên nét mặt hay việc nhiều lần liên tục nhấc ly nước uống – 11 lần!
Các phóng viên chú ý ông nhiều lần khịt mũi và sau buổi tranh luận ông phàn nàn là ban tổ chức giao cho một chiếc microphone trục trặc. Chẳng qua chuyện ấy chỉ là thường tình như mọi người vẫn lập luận rằng ông Trump có một phong thái khác hẳn mọi người trong tranh cử và tranh luận. Nhưng phải chú ý là ông Trump đã mất hẳn phong độ so với những lần tranh luận thời bầu cử sơ bộ. Ông không còn làm chủ được diễn tiến cuộc tranh luận và áp đảo như từng áp dụng đối với các đối thủ Cộng Hòa. Trước sự bình tĩnh do kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bà Clinton, nhiều lúc ông bị đẩy vào thế thụ động chống đỡ hoặc nóng nảy ứng phó không cần thiết.
Theo ý kiến của những nhà bình luận uyên thâm, trong cuộc tranh luận, ứng cử viên không được công chúng đánh giá bằng sự so sánh họ với đối thủ, mà chỉ bằng sự đánh giá về chính họ. Do đó, tìm chuyện hay lời lẽ châm biếm để đánh gục đối thủ chưa chắc đã phải là hay, mà cần phải tập trung vào những gì có thể nâng cao giá trị mình. Ông Trump chưa làm được điều này và không chuẩn bị đủ để có thể chủ động hướng nội dung tranh luận về theo hướng của mình.
Ngay cả ông Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York thời điểm xảy ra vụ khủng bố 9/11, người mạnh mẽ ủng hộ và là một đại diện vận động cho ông Donald Trump, cũng thất vọng vì cuộc tranh luận ở Hofstra University. Ông tuyên bố với các phóng viên sau đó: “Nếu tôi là ông Trump, tôi sẽ không tham dự hai cuộc tranh luận sau này nữa.”
Trước ngày tranh luận, ông Reince Preibus, chủ tịch đảng Cộng Hòa, lên đài Fox News nói: “Hillary Clinton đã hoạt động chính trị từ 30 năm. Tôi cho là mọi người sẽ chờ đợi bà hiểu mọi việc từ chi tiết nhỏ.” Như vậy có vẻ như ông Preibus muốn mô tả là bà Clinton có lợi thế nắm vững mọi vấn đề hơn và nếu không bằng lời hùng biện để đánh gục đối thủ trong 90 phút thì cử tri sẽ coi đó là thất bại và ông Trump thắng. Nhưng dường như bên phía bà Clinton hiểu đó là một cái bẫy chính trị, nên theo tiết lộ từ trong ban tranh cử, các cố vấn đã nhắc nhở bà đừng tỏ vẻ gì khinh thường đối thủ và phải luôn luôn đi trong khuôn khổ các vấn đề đã định, nắm vững chủ động, không cần đối đáp trả đũa tất cả mọi lời lẽ. Bà đã thi hành đúng chiến thuật ấy và thể hiện sự bình tĩnh tự tin trong suốt cuộc tranh luận.
Các phóng viên truyền thông ghi nhận ông Trump có tổng cộng 58 lần xen vào một câu hay vài tiếng trong khi bà Clinton đang nói. Bà tỏ vẻ thản nhiên tiếp tục nói không bày tỏ sự bực tức và lúc khác yên lặng lắng nghe khi ông Trump nói không ngắt lời. Phương cách ấy rất quan trọng để thắng lợi trong nội dung tranh luận và về mặt tâm lý với quần chúng cử tri.
Trang mạng FiveThirtyEight (538), chuyên nghiên cứu về bầu cử, khẳng định bà Clinton thắng cuộc tranh luận thứ nhất. Cái thua nặng nhất của ông Trump là đã tỏ ra yếu hơn bà Clinton về tư cách lãnh đạo và phẩm chất của một Tổng thống. Theo 538, chênh lệch 62/27 như CNN cho biết là lớn nhất kể từ năm 1984, khi CNN và Gallup bắt đầu việc thăm dò ngay sau tranh luận. Tuy nhiên, điều này chưa có nghĩa là tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Clinton sẽ lên hay xa hơn nữa bà Clinton sẽ thắng bầu cử. FiveThirtyEight nói rằng có lẽ bà Clinton sẽ lên điểm trong thăm dò dư luận, nhưng phải chờ mấy ngày nữa mới có thể biết khi tình hình đủ lắng đọng để có thăm dò đúng đắn.
Cũng đừng nên quên rằng thắng lần tranh luận thứ nhất chưa phải đã là quyết định. Năm 2012, ông Barack Obama thể hiện sự yếu đuối trong lần tranh luận đầu tiên với ông Mitt Romney và kết quả ông Romney thắng tranh luận 67-25. Tới lần tranh luận thứ nhì, ông Obama nỗ lực hơn và hồi phục được với kết quả thắng 46-39 rồi tiếp tục thắng ở lần tranh luận thứ ba 48-40 rồi tái đắc cử. Năm 2008, ông Obama thắng ông John McCain cả ba lần tranh luận rồi đắc cử. Nhưng năm 2004, ông John Kerry thắng ông George W. Bush trong cả ba lần tranh luận và thất cử.
Có những sự kiện lý thú bên lề khác về cuộc tranh luận Clinton-Trump. Tờ USA Today nói rằng phe đích thực thắng cuộc tranh luận là Truyền thông và “The Cyber” (Internet – Mạng xã hội). Phát ngôn viên Nick Pacilio của Tweeter nói rằng, “Ðây là sự kiện được tweet nhiều chưa từng có, ước lượng khoảng 10 triệu tweet trong 90 phút tranh luận và sau đó.”. Sự kiện này cũng được theo dõi trên khắp thế giới. Tờ Los Angeles Times loan tin truyền hình Israel tiếp vận thẳng và phát lúc 4 giờ sáng, giờ địa phương, có phiên dịch sang tiếng Hebrew, và dân chúng nhiều người vặn đồng hồ báo thức để đón coi. Ở Trung Quốc, Tân Hoa Xã loan tin: “Cử tri Mỹ chờ coi màn kịch đấu khẩu giữa hai ứng cử viên tổng thống.” Trung Quốc không truyền hình trực tiếp nhưng hàng trăm ngàn cư dân mạng theo dõi qua Internet. Báo chí Mexico sáng Thứ Ba loan tin bà Hillary Clinton thắng cuộc tranh luận nhưng chưa hoàn toàn vừa ý vì họ kỳ vọng bà hạ “knockout” ông Donald Trump. Ở các nước Âu Châu từ Anh đến Pháp, Ðức,… người dân đều có thể theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình trực tiếp, và sau đó báo chí cho biết dân chúng cảm thấy phấn khởi vì bà Clinton thắng. (Hà Tường Cát)

*** Ts Jonathan London: Trump vs Clinton, vòng một
Thấy nhiều người ở VN, Mỹ không thấy ông nói dối liên tục. Về tài năng đó tôi không hạ thấp Trump hay bất cứ phát xít khác. Trong 90 phút ông nói dối ít nhất 34 lần… Việc ông nói người Mỹ đã bị lửa bịp nhiều năm (là ĐÚNG) không có nghĩa là những gì ông nói là có thật. Người dân Mỹ biết họ đã bị gạt … và họ đang bực mình … nhiều người trong số họ đã được cho ‘ăn’ và đã phát triển một quan điểm phân biệt chủng tộc, xem chính họ là nạn nhân dưới bàn tay của âm mưu tham nhũng, những nhóm tiểu số, phụ nữ, gay vv. … cho họ những lời của Trump dù nhiều khi là hoàn toàn thiếu cân cứ có một sức hấp dẫn mạnh mẽ. Như Hitler đã cho thấy, sự kết hợp giữa việc lặp lại liên tục những lời nói dối lớn trộn với phỏng cách mị dân là một sự pha trộn mạnh mẽ. Xin trích:
Phong cách tranh luận của Hillary Clinton và Donald Trump không khác nhiều so với những gì chúng ta có thể đoán trước. Trump có một phong cách cực công kích và tôi không bất ngờ khi chất lượng của cuộc tranh luận rất thấp.
Từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon, khi những tranh luận được phát thanh trực tiếp, các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống Mỹ thường để lại ấn tượng về những phát ngôn đáng nhớ nhất, hoặc ai có những sai lầm, hay những câu nói không thuyết phục đáng nhớ nhất. Trong cuộc tranh luận này không có tình tiết như vậy.
Donald Trump rõ ràng đã không thay đổi phong cách và cũng không làm gì để thay đổi ấn tượng của những người ủng hộ hay không ủng hộ ông ấy. Là một người có nhiều kinh nghiệm, bà Clinton có tinh thần của một chính khách, trong khi ông Trump có tính khí của một người “ném đá” từ bên ngoài. Rất tiếc chúng ta đã không có một cuộc tranh luận sâu hơn. Một trận đấu giận dữ, nội dung nghèo nàn là không xứng đáng với những kỳ vọng của người dân Mỹ.
Về nội dung tranh luận, bà Clinton thuyết phục hơn nhiều, nhưng trong chiến dịch chính trị này chưa chắc là vấn đề chủ yếu. Sau nhiều năm thấy mức sống không mấy tiến bộ mấy, người dân Mỹ đã khá thất vọng với nền dân chủ của đất nước, chủ yếu do ảnh hưởng của tiền và nhóm lợi ích. Trong khi đó, đúng hay sai, dân Mỹ thấy những Hiệp định thương mại lớn cộng với công nghệ đang ảnh hưởng xấu đối với thị trường lao động, nhất là đối với người có thu nhập thấp.
Rất mỉa mai, cử tri phải lựa chọn giữa một người đã làm trong chính phủ lâu năm và có những quan hệ gần gũi với ngành tài chính, (và) bên (khác) là tỉ phú chưa chắc đã đóng thuế và đã có nhiều công ty phá sản. Trong một bối cảnh như thế, hai người phải thuyết phục dân Mỹ là họ sẽ bảo vệ và đẩy mạnh quyền lợi của người dân.
Nhìn kỹ, bà Clinton có những chính sách cụ thể hơn và có lợi cho dân thường hơn; nhưng Trump sẽ thuyết phục những người Mỹ – nhất là người da trắng, thu nhập thấp, trình độ giáo dục thấp vì họ là những người không chỉ là hài lòng với chính phủ mà còn không thích văn hoá cởi mở của Đảng Dân chủ.
Với tư cách là một người Mỹ, thay vì nói sẽ ủng hộ ứng viên nào, tôi xin chia sẻ như này: Tôi sẽ ủng hộ ứng viên mà tôi thấy sẽ có những ảnh hưởng tốt hơn, xây dựng hơn, và có lợi hơn cho toàn dân Mỹ và nhân dân toàn Thế giới. Liệu người ấy có thắng không, chúng ta phải chờ xem.
Tôi cũng tính đến những chính sách đối với Thái Bình Dương. Nếu người đó không thắng (Clinton), tôi sẽ rất lo về tương lai của Mỹ và toàn Thế giới, vì tôi thấy trong thời điểm này, Thế giới của chúng ta tuyệt đối không cần (Trump) một kẻ nói dối bệnh lý, có tính phát xít, phân biệt chủng tộc, mị dân, không bao giờ quan tâm đến những người bình thường và luôn luôn đặt mình và lợi của mình trước hết.
II. Thơ 

(i) Thơ Trần Mộng Tú: Đoản Khúc Thu
bàn tay của cây phong
đã bắt đầu chạm
trên thân thể mùa thu
      gió đang thuyết giảng về mùa thu
      những con ve bịt tai
      chỉ có hàng cây nghiêng ngả 
những viên sỏi già nua
lắng nghe tiếng khóc trẻ thơ
của con suối tái sinh
      hai bàn chân thức dậy
      thì thầm trong chăn
      mùa thu tới
sáng nay mưa 
mặt trời rũ những sợi tóc lấp lánh
rơi trên vai núi
      người đàn bà trước gương
      nhặt được vết chân chim
      mùa thu trên đuôi mắt. (tmt - tháng 9/6/2016)

(ii) Thơ Bùi Chí Vịnh: Sinh Nghi Hành
Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành
Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hóa lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành
Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói: đói quên nghi kỵ
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!

Bài thơ về xác người bó chiếu chở trên xe máy
Đất nước nghèo mạt hạng 
Anh bó xác em vào manh chiếu cột sau xe 
Bọn quý tộc đỏ tiền muôn bạc vạn 
Mở mắt mà coi chân người chết xanh lè
      Mở mắt mà coi dân chúng chửi thề 
      Có đánh bắt xa bờ, cá cũng không ăn được 
      Vua quan hàng ngày tẩm bổ nhân sâm 
      Trong khi con nít ốm đau không có thuốc
Đất nước biến thành chư hầu Trung Quốc 
Lũ Mạc Đăng Dung quỳ mọp trước thiên triều 
Đám Lê Chiêu Thống xem dân như thù địch 
Gò Đống Đa đồng nhân dân tệ phủ xanh rêu
      Đất nước nghèo bởi một bầy sâu 
      Gặm tất cả tài nguyên đem dâng giặc 
      Thân xác Việt Nam mà hồn vía tận nước Tàu 
      Có biến cố là quay đầu phương Bắc
Đất nước quá nghèo nên anh bó xác 
Chở em đi lủng lẳng khóc cuộc đời 
Bọn quý tộc đỏ quá giàu nên không dư nước mắt 
Chúng dại gì cho nước bốc thành hơi…
.............................. .............................. .............................. ................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét