Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Hai Cần Cắt Cỏ - Truyện Ngô Văn Thu

 Hai Cần có tên họ đầy đủ là: Ngô Cần. Theo sau mấy đứa em có tên là: Ngô Kiệm, Ngô Liêm, và Ngô Chính. Tên của bốn anh em Hai Cần mang hoài bão của gia đình; mong họ sống đúng phuơng châm: Cần, Kiệm, Liêm, Chính để làm đẹp gia tộc và giử gìn khuôn phép nề nếp của tổ tiên.
<!>

Khi đến Mỹ theo diện HO, tên của Hai Cần bỗng bị gọi đảo ngược lại là: Cần Ngô, và theo cách viết của người Mỹ không dấu nên biến thành Can Ngo, rồi cũng từ đó là cách phát âm lơ lớ giọng Mỹ sẽ là; “Caa n Ngo o”, không xa lắm với cụm từ “Cán Ngố”- một cụm từ mà sau 75 người dân Miền Nam thường gọi mấy tên cán bộ Việt cộng như vậy. Bởi vì, với cái “đài” (Radio) mang trên vai mở hết âm lượng đi nghênh ngang ngoài đường phố để tự đắc rằng ta đây là kẻ “chiến thắng”(kiêu binh) và cũng khoe mẻ rằng ta đây giàu có hơn “bọn địch” Miền-Nam. Rất tiếc, sự thể nếu không “bị ngố” phải hiểu ngược lại mới đúng.

Thật tình Hai Cần bị oan nghiệt với cái tên gọi ngược đó, và chỉ bị trên đất Mỹ mà thôi chứ trước 75, ở Việt-nam, Hai Cần đường đường là một biên tập viên cảnh sát, xuất thân từ Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia ra trường, và được bổ nhiệm về làm chủ sự Cảnh Sát tư pháp của một quận miền xa trên vùng 2 Cao nguyên- Pleiku.
Thế rồi, chiến cuộc bùng nổ mạnh. Buôn Mê Thuột mất. Pleiku di tản,mọi người đều tìm đường chạy loạn. Hai Cần cũng không ngoại lệ, phải chạy theo đoàn người tìm về miền xuôi trên tỉnh lộ 7. Không ngờ họ lại chạy vào ”tử lộ”, chả khác nào “đại lộ kinh hoàng” ở Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972.

VC pháo kích vào đường 7 tàn sát tất cả. Hai Cần bị trọng thương nơi vai và một mảnh đạn pháo ghim vào ngực. Hai Cần đau đớn ôm chặt vết thương ở ngực lần mò tìm đến khe suối để lẩn trốn và tự cứu bằng cách xé mảnh áo rách nén chặt vào vết thương để chận máu cho khỏi thoát ra. Sau mấy ngày nghe ngóng động tĩnh bên ngoài, khi biết chắc cảnh vật chỉ còn là sự chết chóc hoang tàn, và hy vọng rằng VC không còn lục soát nữa nên Hai Cần men theo con suối tìm ra buôn làng để mong vượt thoát, vì vết thương đã mưng mủ nhiểm trùng nhức nhối, cần được chửa trị.

Một buổi sáng, tai Hai Cần bỗng nghe tiếng chó tru từ xa vọng lại, như báo hiệu có làng mạc quanh đây. Suốt một ngày, Hai Cần lần mò theo hướng đó và quả nhiên Hai Cần gặp một buôn Thượng. Kinh nghiệm phải cảnh giác; có thể là một buôn Thượng Cộng, nên Hai Cần không dám vào đành phải nằm ngoài rừng chờ… Hai Cần không biết phải chờ đợi gì? Một toán cứu nạn tìm đến cứu mình chăng? Điều đó chỉ là ảo tưởng trong lúc nầy, vì mọi người đều biến khỏi nơi đây từ lâu, giờ quanh Hai Cần chỉ còn tiếng gió hú của rừng núi thâm u, cùng với bao nỗi nguy nan vây quanh mà thôi, nghĩ đến đây Hai Cần cảm thấy tê dại cả người nên mê thiếp đi lúc nào không hay…

Khi chập chờn tỉnh dậy, Hai Cần chợt thấy bên mình có ông già nước da ngăm đen, là người vùng sơn cước ngồi bên cạnh, tay đang cầm một tô nhựa đã ngã màu thẩm nâu. Thấy Hai Cần tĩnh, Ông già bèn lên tiếng trước: “Ông Quốc gia, ông bị thương nặng lắm, ông nằm ngoài rừng, tôi sợ cọp về tha đi hoặc bị cách mạng bắt nên đưa ông vào đây với tôi. Tôi có miếng cháo cho ông ăn để khoẻ. Tôi có miếng thuốc để bó vết thương cho ông. Tôi “che”cho ông để ông không bị bắt. Ông ăn miếng cháo nầy đi, còn đây là miếng thuốc tôi bó cho ông”. Miệng nói tay ông làm như lo cho người nhà của mình vậy.
Thế là Hai Cần trở thành “khách không mời”của ông già người thiểu số Kurt Dak tốt bụng, độ lượng, có lòng nhân cứu người trong cơn hoạn nạn, khó mà tìm thấy nơi đâu trong tình huống ngặt nghèo hiểm nguy nầy, chỉ cần một chút sơ hở, tai vách mạch rừng là cả hai sẽ chuốc lấy thảm họa.

Rồi một đêm, đất bằng bỗng sóng giậy.Tự dưng chiêng trống, phèng la, cồng, tù và, đồng loạt gióng lên vang dội khắp núi rừng. Hai Cần run bật ngưòi, vì nghĩ rằng ai đó đã phác giác nơi ẩn nấp của mình nên họ báo động cho Việt Cộng tìm đến vây bắt. Trong nhà, ông già Kurt Dak người ơn cũng chạy biến theo tiếng gọi của âm vang đó. Trong tâm trạng hoang man gcùng cực. Hai Cần chỉ còn chờ đợi đưa tay vào còng để bị dẩn đi mà thôi.
Nhưng chờ mãi gần sáng vẫn không thấy động tĩnh gì thì ông già xuất hiện, miệng lẩm bẩm chưởi thề. “Mẹ kiếp,chuyện không có gì mà gây náo loạn. Con trâu sanh khó, sanh ngược. Trưởng làng sợ trâu mẹ chết nên gióng trống báo dộng để mọi người đến cứu”. Hai Cần nghe xong hú vía. Thoát được một cơn hiểm nghèo!

May thay! Hai tuần trôi qua trong sự đùm bọc, nuôi dưỡng của ông già Kurt Dak đều suông sẻ. Sau đó ông lại còn hoá trang cho Hai Cần giống như người sắc dân của mình và, hai cha con lại khiêng Hai Cần trên võng mây (như cách đưa người bệnh đi cấp cứu mới thoát sự dòm ngó của VC) về một bến đò, rồi ông già lại “hộ tống” tiếp Hai Cần đến tận sông Đà Rằng thuộc tỉnh Phú Yên để trả Hai Cần về với gia đình theo ước nguyện, y như một cuộc phóng sinh,t hả chim về với trời xanh vậy.
Cảnh biệt ly thật cảm động giữa Hai Cần với ông già Kurt Dak, không có ngôn từ nào tả xiết trước nghĩa tình đầy lòng từ-bi, bác-ái của một người Thượng đối với một người Kinh, dù khác màu da, không cùng dòng tộc, không cùng huyết thống, mà lại đùm bọc tận tình cho Hai Cần trong cơn hoạn nạn như vậy. Phải chăng ông già người Thượng Kurt Dak là hoá thân của Trời-Phật hiện ra để cứu độ cho Hai Cần. Chân bước đi mà lòng Hai Cần như nhỏ lệ.

Sau đó, với hai ngày đi đường khó khăn sau loạn lạc chiến tranh. Hai Cần xiêu vẹo về đến nhà ở Quảng-Trị lúc trời chập choạng tối. Bước vào nhà, mọi người trong nhà hốt hoảng rú lên kinh hoàng vì tưởng rằng bóng ma của Hai Cần hiện về. Quả tình thân xác của Hai Cần tiều tụy tả tơi do thương tích gây ra, nên chẳng khác nào ma vậy. Hai Cần phải buộc miệng gọi: Má ơi! Em ơi! Con là Hai Cần bằng xương,bằng thịt còn sống về đây, đừng sợ! đừng sợ!

Nói xong, để lấy lòng tin. Hai Cần đi thẳng đến bàn thờ Phật thắp nhang cúng vái như lúc Hai Cần còn sinh hoạt ở nhà hằng đêm, để tạ ơn Phật tổ đã phù hộ cho Hai Cần được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Nhờ cử chỉ quen thuộc ấy, gia đình mới tin đây là Hai Cần thật chứ không phải là “ma”.
Không kể xiết nỗi vui mừng của gia đình. Cả nhà; Mẹ, vợ con, ôm Hai Cần khóc như chưa bao giờ được khóc vì biết rằng người thân của mình đã trở về từ cỏi chết… chứ không phải ma như họ tưởng. Bàn thờ, thờ Hai Cần từ đó được lấy xuống, vì trong đau xót tuyệt vọng gia đình đã lập nên.

Chưa hết cơn vui hội ngộ. Một tuần sau, Hai Cần có lệnh tập trung “cải tạo”dù vết thương của Hai Cần chưa lành hẳn. Hai Cần lại băng mình vào cõi chết khác của những năm tháng tù đày nghiệt ngã ở trại tù Bình-Điền, vì Hai Cần là cảnh sát, nên bị Việt cộng kết tội vô số “nợ máu”.
Sau hơn bảy năm tù “cải tạo”trở về, hồn xác Hai Cần như lìa nhau, cuộc sống vô vị trong cõi tạm bợ của thế gian XHCN Việt Nam. May thay, trong tận cùng của tuyệt vọng, chương trình HO ra đời, gia đình Hai Cần được ra đi theo diện HO. 3, định cư tại Hoa-Kỳ. Thoát một cảnh đời tăm tối từ tháng 3/1975 (Pleiku rút) đến tháng 3/1993 (đến Mỹ) 18 năm giông bão cuộc đời!

Tại Mỹ, Hai Cần có người bạn cùng đơn vị ngày trước đứng ra bảo trợ đưa về tiểu Bang Texas sống “cho vui với nhau”. Vui ở đây là cùng hành nghề cắt cỏ với ông bạn. Mới qua chập chững vào nghề, được “tắm nắng hè”của Texas trên trăm độ hằng ngày quả là “ấm mình”. Tuy nhiên chiều về được “chủ”phát 50 đô tiền công (lương nâng đỡ tình chiến hữu với nhau, lương Mễ chỉ 40 đô) thì cũng khấp khởi mừng. Đồng tiền đầu tiên làm ra trên đất Mỹ do sức lao động của mình bỏ ra thật giá trị, chẳng bù lao động trong tù, làm nhiều, bị vắt kiệt sức mà đói dài dài.
Thế rồi ngày tháng thoi đưa, Hai Cần theo “nghề cắt cỏ” luôn, và có danh xưng “Hai Cần Cắt Cỏ” từ đó. Nói theo kiểu Mỹ sẽ là “Can n Ngo o Lawn service” chứ không phẳi “Can n Ngo o ga am co o no on (Cần Ngô gặm cỏ non) như lời chế riễu của bạn bè.

Có lần Hai Cần cũng mơ ước được đến trường theo học nghề luật cho có vị thế hơn, vì trong quá khứ khi vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Hai Cần cũng học được phần nào luật tổng quát các ngành rồi, nhưng mộng ước không thành vì gánh nặng gia đình, vợ hai con, cần phải có tiền để đáp ứng cuộc sống trước mắt – “Bắt con chim trong tay, hơn bắt con chim ngoài trời”, thế nên Hai Cần đành để cơ hội ra đi...

Bốn năm sau, Hai Cần mua được một job cỏ của người khác bán lại, vì họ cần di chuyển khỏi tiểu Bang. Hai Cần làm chủ từ đó, và phát triển thêm lên. Gặp lúc cơn sốt nhà dâng cao, các khu đất trống được phủ kín bằng nhà mới, Hai Cần lại có thêm sân cỏ để dụng võ. Nước lên, thuyền lên. Khách hàng tăng dần trên cả trăm, Hai Cần phải mướn thêm nhân công Mễ, từ hai lên bốn người rồi lên tám người chia làm hai toán, một tuần làm việc sáu ngày, bận rộn mà lợi tức cũng tăng theo đáng kể.
Theo luật bất thành văn của nước Mỹ, ai ra nghề sau bốn năm mà không lên được thì xem như chìm xuồng. May thay! Hai Cần không bị chìm xuồng mà còn sống vững vàng với “gánh cỏ” của mình để nuôi con ăn học, đứa học luật thay Hai Cần, đứa học Y-tá thay mẹ. Cuộc sống ấm êm nhờ việc làm ổn định kéo dài suốt 15 năm.

Cho đến một ngày, tấm bảng hiệu hành nghề luật sư của con Hai Cần “C&C Law Firm” (Cần Con Law Firm) được dựng lên trên khu phố chính Bellaire thuộc thành phố Houston TX, chen vai sát cánh cùng với người dân bản xứ, Hai Cần mới thở phào nhẹ nhõm. Thế là cây xanh (con Hai Cần) mọc lên tươi tốt nhờ bón phân (ý chí của cha mẹ) và được tưới thắm mồ hôi của Hai Cần đổ xuống, qua nghề cắt cỏ kiếm tiền cho con ăn học thành tài mà không qua một vay mượn tiền bạc tài trợ của ai cả. Đó chính là phần thưởng tốt đẹp và hãnh diện nhất cho Hai Cần lẫn cho con mình.

Tuy nhiên trong thuận lợi đó, đôi khi Hai Cần cũng gặp lắm điều trắc trở thử thách mà điển hình có lần; Hai Cần đang làm thì bỗng thấy xe cảnh sát quây đèn tiến lại, một xe của sở vệ sinh và cầu đường, cùng một người Mỹ trắng đi theo.
Khi đến nơi, cảnh sát chào theo thủ tục, rồi hỏi ID và giấy phép hành nghề của Hai Cần. Xong cảnh sát bảo; có người nầy (chỉ người Mỹ trắng) báo cáo ông thổi cỏ xuống cống, và thổi rác qua nhà ông ta. Tại sao ông làm vậy?

Để tránh bị đánh phủ đầu trước. Hai Cần tự xác định mình với cảnh sát và cũng để câu giờ tìm cách đối phó; Hai Cần chậm rãi nói: “Thưa cảnh sát, tôi là người Việt nam tỵ nạn CS qua đây theo diện nhân đạo hợp pháp của chính phủ Mỹ, tôi không phải là dân lậu (Ilegal). Tôi có Quốc tịch Mỹ nên được luật pháp Mỹ bảo vệ và che chở bình đẳng như bao công dân khác, trừ khi tôi phạm pháp thì có luật pháp trừng trị. Và tiếp:

- Xin xác nhận lại ai là người tố giác tôi điều nầy? Hai Cần hỏi.

Chỉ người Mỹ trắng, cảnh sát nói; ông nầy.

- Ông tin người nầy là người tốt. Hai Cần hỏi lại.

- Cảnh sát không trả lời Hai Cần mà bảo người của sở vệ sinh cạy nắp cống lên xem.

Mọi người trố mắt nhìn xuống. May cho Hai Cần. Không có cỏ mới, chỉ có rác mục lâu ngày mà thôi. (Nếu có cỏ mới sẽ bị tội làm bít cống rãnh gây ngập lụt cho điạ phương.)

- Đây là lời tố cáo không đúng sự thật. Hai Cần nhìn mọi nguời và nói.

- Xin cảnh sát làm chứng cho tôi. Hai Cần bồi thêm.

- Còn bảo tôi thổi rác qua nhà của người nầy thì xin hãy nhìn:

- Hai Cần vốc một nắm rác từ nhà người Mỹ trắng đưa cho cảnh sát xem và bảo:

- Nhờ hai ông xem dùm, có cọng rác nào mang số nhà 9226 từ nhà nầy, bay qua nhà 9222 của ông đi tố giác tôi không. Hơn nữa, giữa đường trống, gió thổi 15 mp/h làm sao ngăn chận được mà bảo tôi thổi rác theo ý muốn qua nhà ông ta. Hai Cần phân trần.
Người cảnh sát nhìn nắm rác từ tay Hai Cần có vẻ suy nghĩ, rồi nhìn người Mỹ trắng để tỏ dấu không đồng tình với lời tố giác của ông ta, mà trước đây khi chưa cạy nắp cống lên, người cảnh sát vẻ mặt cũng hằm hằm vì yên chí Hai Cần sẽ làm điều sai trái đó, nhưng nay ông ta đổi thái độ, nheo mắt nhìn Hai Cần như đồng cảm trước sự việc không đúng và cách giải bày có lý của Hai Cần.

Luật pháp Mỹ cho phép mọi người được quyền thưa kiện. Nhưng phải có bằng chứng cụ thể kèm theo mới có sức thuyết phục buộc tội người khác. Đằng nầy, nắm rác trong tay Hai Cần không có số nhà để chứng minh là rác từ nhà 926 qua nhà 922 thì làm sao bảo rằng Hai Cần thổi từ bên A qua bên B là nhà của ông đi tố giác được. Họ đành im lặng chịu đuối lý.
Sau cùng Hai Cần xin người cảnh sát cho mình một biên bản về việc nầy để làm bằng chứng người tố giác mang tội vu khống, cản trở việc làm của người khác hầu kiện ông ta ra tòa.

Cảnh sát nói lại với người Mỹ trắng. Ông ta hiện rõ nét mặt bối rối sợ hãi vì nghe chuyện ra tòa.

- Thôi đừng làm lớn chuyện. Tôi có giải pháp nói ông ta xin lỗi vì sự đáng tiếc nầy. Người cảnh sát nói.

- Như cảnh sát đã thấy, người nầy cố tình hại người vô tội, tôi và thợ Mễ phải nghỉ việc, thiệt hại tài chánh cho tôi. Hai Cần nói.

Do sự sắp xếp, giải hoà của cảnh sát, cuối cùng người Mỹ trắng phải nhượng bộ xin lỗi.
Hai Cần tự biết nghề nghiệp của mình thường rong ruổi đó đây trong xã hội Mỹ, nên không muốn dẫn đến việc va chạm lớn với luật pháp, chấp nhận cho ông Mỹ xin lỗi và nói:

- Mong ông giữ lấy danh dự của mình. Ông được free. Hai Cần nói câu ngắn gọn như vậy.

Thế là vụ “tố giác”xem như qua cầu. Mọi người giải tán.
Không gian lại vang tiếng máy cắt cỏ của Hai Cần gầm rú mừng “chiến thắng” vì lời biện hộ theo phản xạ tự nhiên nhưng có “chất luật ranh mãnh” của mình. Là m sao cỏ mang số nhà được (mạnh dùng sức, yếu dùng thế) Nếu không làm vậy sẽ bị xử hiếp, vì là Mỹ với nhau ai bảo đảm họ công bằng.

Sau nầy Hai Cần được biết, sở dĩ người Mỹ trắng phải mượn tay cảnh sát để đuổi xéo Hai Cần đi khỏi vùng của ông ở, vì ông muốn dành việc nầy cho cơ sở từ thiện của ông thầu trọn. (làm từ thiện mà tâm chưa thiện cố tình hại người khác). Việc cảnh sát hỏi giấy tờ của Hai Cần quả là nguy hiểm, nếu Hai Cần là kẻ sống “chui”thì xem như bị bắt ngay. May thay Hai Cần là người hợp pháp nên người đi tố giác bi “hố to”.
Do ý tưởng lệch lạc không biết tự bao giờ, nên nghề cắt cỏ thường bị xếp vào thứ bậc thấp nhất trong xã hội Mỹ, bị người đời gọi với cái tên dè bỉu rẻ rúng: “Thằng Mễ cắt cỏ” hoặc “thằng Việt cắt cỏ”.

Mấy ai hiểu; khi người Việt mới hội nhập vào Mỹ năm 75, rất nhiều giới phải tạm thời bước qua nghề nầy để kiếm tiền xoay xỡ tức thời rồi từ đó; mắt trước mắt sau mới tìm đường ổn định lâu dài. (nay chỉ còn một nhà thơ lấy bút hiệu “thằng cắt cỏ” để đăng thơ của mình trên Đặc San Hội cố Đô Huế 06 /2015 Houston TX, với niềm tự hào ngày tháng đó của mình đã sống).
Phải nói rằng: muốn có được một thảm cỏ xanh, có được một bồn hoa xinh đẹp trước sân nhà, hoặc để cứu được một gia đình tránh bị khu phố (home assosiation) phạt nặng vì vườn tược bẩn thỉu không chăm sóc tốt. Lúc đó phải có bàn tay của những “thằng cắt cỏ” như Hai Cần làm gấp, gia chủ mới tránh được một giấy phạt gắn trước cửa. Vậy mà “thằng cắt cỏ” vẫn bị xem nhẹ trong xã hội Mỹ, mặc dù nghề cắt cỏ cũng có mặt trong số 32 ngàn ngành nghề khác nhau trong nước Mỹ.

Quả tình, khi bỏ nước ra đi, nghề cắt cỏ không có trong hành trang lên đường của Hai Cần. Nhưng vì qua Mỹ quá trể 1993, (trâu chậm uống nước đục), “gặp thời thế thế thời phải thế”, không còn sự lựa chọn nào hơn trước tương lai của con cái, nên đành sống vậy.

Người xấu chứ có nghề nào xấu đâu.

Mấy ai hiểu rằng: nghề cắt cỏ không gây căng thẳng (Stress) cho mình vì thương vụ, không lo nghĩ tiền thuê mặt bằng hằng tháng, không tốn tiền điện nước, không có ca hai, ca ba. Trời tối là gác máy ngủ khò. Không sợ ế khách, hàng bị thiu mốc hư hao xào đi nấu lại, không tốn tiền quảng cáo quanh năm, không lệ thuộc vào không gian hay thời gian, nếu gặp lúc đang làm mà trời mưa bất ngờ thì xem như tổ đãi, được nghỉ, thích thú tựa như thuở còn đi học mà thầy giáo bị bịnh, học trò được cho về, còn gì hạnh phúc bằng.
Việc làm, thì muốn làm hay nghỉ, muốn đi hay về tùy mình quyết định, không có chủ lớn (big boss), chủ nhỏ (supper visor) nào kèm thúc bên hông dòm ngó trợn mắt, trề môi, đe doạ cho nghỉ việc v.v....

Thú hơn nữa,”thằng cắt cỏ” còn được sống gần với thiên nhiên, nên những trưa hè, giờ cơm thường diển ra picnic dưới gốc cây xồi (oaks) râm bóng mát,được nghe tiếng chim hót líu lo trên cành, được thấy sóc vờn đuổi nhau ở một góc vườn rất ngoạn mục, tai còn được nghe tiếng ve sầu kêu nỉ non vang vọng một góc trời để thoảng chốc, đưa hồn mình sống dậy với thuở học trò tràn đầy mộng mơ của ngày tháng cũ. Thử hỏi, những ai sống “cao cấp” trong phòng lạnh mà có được những giây phút thư thái êm ã như “thằng cắt cỏ”Hai Cần?

Chưa hết, nhờ sống gần với thiên nhiên nên thể lực (sức khoẻ) của”thằng cắt cỏ” cũng vượt trội hơn, để xông pha vào cõi nắng cháy cuồng bạo của TX mà không hề hấn gì. Chưa có “thằng cắt cỏ”nào chết trong lúc đang“tại chức” như ông Steve Jobs tổng giám đốc (CEO) công ty điện thoại Ipaid và Iphone. Theo luật bù trừ, được điều nầy thì mất điều khác. Ông Steve Jobs có tiền bạc tỷ (ba bò, chín trâu-chuyện thằng Bờm) muốn đổi cái quạt mo của thằng Bờm- tức sức khoẻ của Hai Cần cũng không được, đành phải ra đi sớm. Trong khi “thằng cắt cỏ” nghèo như Hai Cần thì vẫn “khoẻ vì nước” như thường. Ông bà mình bảo; sức khoẻ là vàng thì “thằng cắt cỏ” mang vàng đi đó đây mà không sợ bị cướp, vì toàn thân hắn đều giát bằng vàng ròng 24 k,-tức là sức khoẻ.
Nhờ vậy, “thằng cắt cỏ” lăn lóc cùng khắp trong mọi địa bàn của Houston, rồi “lăn” sâu vào các khu dinh thự quyền qúy vùng “thượng uyển” Memorial Houston TX. Khu vực VIP lớn ở (vào đây làm phải thông qua điều chuẩn an ninh tốt mới được. Hai Cần nhờ có “mác”tù chính trị nên được pass dễ dàng).

Khu biệt thự nầy có đồi, có suối, nước chảy róc rách thơ mộng nên giá “mềm” cũng năm mười triệu đô một căn. Chính nơi đây Hai Cần có vinh hạnh được cắt cỏ cho biệt thự của Phi Hành Gia Appolo 11 Neil Armstrong, người từng bay lên không gian và đặt dấu chân đầu tiên lên mặt trăng ngày 20 tháng 7, 1969.
Gặp ông, những tưởng rằng ông sẽ kênh kiệu vì hào quang sáng chói của mình trong quá khư. Nhưng không, ông tỏ dấu hiền đức, chào hỏi lịch thiệp, có lần ông còn hỏi về đời sống người lao động và của gia đình Hai Cần nữa, dù ông biết Hai Cần chỉ là “thằng cắt cỏ” nhỏ nhoi trong xã hội, nhưng không vì thế mà ông có ý cách biệt xem thường. Tâm hồn ông rộng mở với mọi người. Ông là người duy nhất của hành tinh được bay lên, đáp xuống mặt trăng để chinh phục không gian từ đó đến nay chưa có ai thay thế.

Một lần khác, Hai Cần gặp ông trong tư thế của người trầm tư (tay cầm viết, tay cầm giấy-ông thường lang thang ở khu hồ bơi, vừa tắm nắng vừa hưởng làn hơi nước mát dịu từ hồ toả lên. Không muốn khuấy động sự yên tĩnh của ông, Hai Cần tắt máy thổi, lặng lẽ tránh ra xa, trả lại không gian im ắng cần thiết cho ông, thì bất ngờ được ông gọi lại và từ tay ông đưa cho Hai Cần cây viết và nói: “Give this to your boy” (Cái nầy cho thằng nhóc của anh)
Nhận một món quà ngoài sức tưởng tượng và cảm động trước nghĩa cử nhân ái cao cả đó, Hai Cần cúi đầu cảm tạ ông và ôm kỷ vật về nha “khoe” với vợ con và người thân. Chính nhờ cây viết khích lệ đó, như một động lực thúc đẩy thằng con Hai Cần thành đạt sau nầy.

Trong đời Hai Cần, không có món quà nào làm anh xúc đỗng bằng vinh dự nầy.

Phi Hành Gia Appolo 11 Neil Armstrong nay đã không còn nữa, ông mất ngày 25/8/2012 ở độ tuổi 82. Xin tỏ lòng thương kính ông nơi đây của một “thằng cắt cỏ” thường viếng và làm đẹp khu vườn nhà ông hàng tuần năm nào.
Do nghề nghiệp đưa đẩy “Hai Cần Cắt Cỏ” được vinh dự gặp Phi Hành Gia Neil Armstrong trong khu “Thượng Uyển” đó. Cũng chính nơi nầy, một người bạn của Hai Cần còn có lần được “triệu vời vào dinh” cựu Tông Tông để làm nghề “tẩm quất” cho “vua con G.W.B”. Chuyện này kể ra chắc cũng hấp dẫn, nhưng tiếc thay nó bị liệt kê vào loại “mật” không được phổ biến tổng quát (ABCDEF), sống để bụng, chết mang theo vì là chuyện húy kỵ của “vua”

Do đó mỗi lần gặp nhau, mầy chuyện nầy, tau chuyện kia, kể lại những kỷ niệm hiếm qúy một thời cho nhau nghe. Tiếng cười vang cả góc quán cà phê “Ngọ” (nơi bọn già hàng tuần, thứ bảy, chủ nhật, thường tụ tập hàn huyên chuyện trò) mà tưởng chừng hai mươi năm trước, khi mới qua Mỹ, không ngờ có được giây phút ấm lòng nầy. Âu đó cũng là những mẩu vui vui cuối đời của những mảnh hồn tị nạn vụn vỡ trên đất Mỹ.
Nay Hai Cần đã về chiều. Hai Cần muốn “buông xả” những hệ lụy sinh tử đã qua, để nghỉ ngơi và cũng từ đó muốn tìm lại mình, tìm lại tên gọi chính trực của mình là: Ngô Cần (tên mẹ cho đầu đời) chứ không phải Can Ngo rồi Caa n Ngo o (Cán Ngố) nghịch nhĩ lôi thôi, miền xa thật xa, nghe gọi thế chắc mẹ buồn !

Vì vậy, thay vì Hai Cần sang Job cỏ (kể cả khách hàng) của mình để thu về một số tiền đáng kể. Nhưng Hai Cần không làm vậy, mà gọi mấy thợ Mễ (hai trưởng toán) lại giao cho họ tiếp tục điều hành như khi còn Hai Cần trong cuộc. Họ thật sự xứng đáng được thọ hưởng quyền lợi nầy, vì nhờ có họ làm việc cật lực với Hai Cần trong quá khứ nên Hai Cần mới có cơ nghiệp, có cơm ăn áo mặc, có tiền lo cho con ăn học thành đạt như ngày nay. Trả ơn lại họ là trả ơn đời, là việc làm phải đạo. Cho họ một hạnh phúc, một “gia tài” mà tự dưng họ không ngờ có được trong đời quả là niềm sung sướng vô biên với họ.
Làm được diều nầy, Hai Cần thấy thanh thản lòng mình, và nghĩ tới công ơn thâm sâu của ông già người Thiểu số Kurt Dak đã cứu sống Hai Cần trên đường 7 chạy loạn năm xưa. Nếu không có ông ngày đó, đâu còn Hai Cần ngày nay.

Do đó, đã có lần Hai Cần về tìm lại ông nơi núi rừng năm xưa, nhưng tiếc thay, người thiểu số họ có đời sống du canh, du cư nên đã mấy chục năm qua mọi vật, núi đồi đã đổi thay, không thể nào tìm lại. Hai Cần đành ngậm ngùi nhớ ông qua thác đổ từ đỉnh núi cao Chu- Pleye để hình dung bóng ông trong đó. Chắc rằng ông sẽ về với tổ tiên của mình nơi thác ngàn réo gọi đời đời ở đó. Xin gởi lời thương tiếc ông theo núi rừng, nẽo về của ông.
Hai Cần đã thực sự buông xả để tìm đến Giảng đường nơi mà một vị “đại thí chủ” thiết lập nên ở đường E. Ave +Murphy để thí Pháp cho bá tánh tìm về an trú. Vị thí chủ đó thường cung thỉnh những vị cao tăng nổi tiếng khắp nơi về giảng Pháp và tu Thiền. Mọi chi phí đưa đón, ăn uống chung cho đại chúng cũng như thỉnh mời tăng đoàn đều được họ đài thọ. Không có sự đóng góp nào được yêu cầu, quả là việc làm cao cả hiếm thấy đáng trân trọng trên đất Mỹ. Phải chăng họ đã ngộ được hạnh “bố thí”của nhà Phật.

Cơ duyên đến, cửa Thiền đã rộng mở, hãy bước vào thọ hưởng công đức mà vị thí chủ đã dành cho mọi người có tâm cầu đạo. Ngẫm chuyện đời cũng lắm điều hạnh ngộ bất chợt. Hai Cần buông Job của mình cho ngưòi ơn vô điều kiện, thì ngược lại nhận được phước báu khác từ Giảng Đường để an phận mình, thanh thản tuổi già, không chút bận tâm suy nghĩ cơm áo sự sống hằng ngày nữa. Quả là vòng quay đền bù do nhân duyên đưa đẩy đến. (Theo triết lý: ”Nếu hai tay mình đều nắm chặt lại hết thì, không còn tay để nắm bắt điều khác”).
Hai Cần tâm niệm, cốt sống xứng đáng với châm ngôn: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Ước vọng từ đầu của ông bà tổ tiên, và sau cùng chỉ mong khi “lá lìa cành”, thân nằm xuống, không gây khổ lụy cho mình và cho gia đình, được “ra đi” nhẹ nhàng như câu thơ: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa. Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng”(TĐK).

Ngô Văn Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét