Giáo sư Ngô Đức Thịnh.
“Trẻ giờ học quá nhiều, trong khi học chữ Hán rất nặng nhọc nên nếu bắt học thì không cần thiết. Chưa kể, một dân tộc đang hội nhập mà lại học chữ cũ như thế thì không đánh đổi…”.
<!>
Xem thêm, bấm vào link bên dưới đây :
Lời tạm kết cho cuộc tranh luận dạy chữ Hán trong trường trong trường phổ thông
PGS nói về đề xuất dạy chữ Hán: “Sao bắt con em ta học tử ngữ?”
“Cần dạy chữ Hán để giữ sự trong sáng của tiếng Việt”
Không đánh đổi…
Ý kiến cho rằng, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phổ thông phải học chữ Hán, do vậy, cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy sớm cho học sinh đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho hay, đúng là chữ Hán và Hán Nôm có nhiều thứ hay, quan trọng, nhưng cá nhân ông không đồng tình với việc bắt học sinh phải học chữ này.
Theo GS Thịnh, chữ Hán và Hán Nôm là vấn đề rất lớn, quan trọng của lịch sử dân tộc. Bởi nó là sự tích lũy của nhiều thế kỷ văn minh dân tộc Việt nên nếu chúng ta không giữ gìn nó sẽ có thể mất đi, khiến lịch sử, văn hóa dân tộc bị thiếu hụt.
“Tất nhiên, học được chữ Hán, Hán Nôm là tốt vì nó gắn với lịch sử của chúng ta, nhưng mà đặt vấn đề dạy chữ Hán, Hán Nôm cho tất cả các cấp học phổ thông, chưa nói đến dạy như thế nào thì nó sẽ không thực tế.
Trẻ em bây giờ học quá nhiều rồi, trong khi để học chữ Hán, Hán Nôm rất nặng nhọc nên nếu bắt học thì theo tôi là không cần thiết.
Chưa kể, một dân tộc với dân số lớn, đang hội nhập như chúng ta mà học lại chữ cũ như thế thì không đánh đổi…”, GS Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng nêu rõ việc cho rằng học chữ Hán, Hán Nôm để giữ sự trong sáng của tiếng Việt là không chính xác.
“Để giữ trong sáng của tiếng Việt thì không phải. Rõ ràng, sự tiếp thu vốn từ của chữ Hán làm cho tiếng Việt có độ sâu và tất cả những gì chữ Hán có được là trên cơ sở định hình hóa văn hóa Trung Hoa, tạo nên sự lâu bền hơn.
Nhưng nếu chúng ta đi vào con đường học chữ Hán để bảo giữ trong sáng tiếng Việt như vậy thì sẽ càng làm cho văn hóa Việt Nam phụ thuộc và việc sử dụng ngôn từ của thế hệ hiện tại có thể sẽ rối rắm hơn “, ông nhìn nhận.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cũng đánh giá, đúng là ở một số khía cạnh thì người học chữ Hán, Hán Nôm có sự phát triển tốt hơn, sử dụng ngôn ngữ hiện đại của tiếng Việt chuẩn, chính xác, sâu sắc hơn.
“Nhưng để đổi lấy việc con em chúng ta phải mang vác một ngoại ngữ nặng nhọc, ghê gớm hơn thì không nên.
Chưa kể, cuộc sống bây giờ là lựa chọn, mình phải lựa chọn phương án nào tốt nhất cho mình.
Chúng ta đã lựa chọn, sử dụng chữ quốc ngữ (tiếng Việt – PV) nhiều thế kỷ nay và đưa nó vào hội nhập rất tốt thì không thể nào bắt những người sau phải đi học chữ Hán, Hán Nôm là những chữ cũ trước đây.
Trong lúc tiếng Anh là ngôn ngữ chung của hội nhập thì với hệ thống chữ Hán, Hán Nôm như vậy rất khó cho chúng ta hội nhập”, ông bày tỏ.
Trước câu hỏi, nếu chọn giữa học tiếng Anh và chữ Hán, Hán Nôm ông sẽ chọn lựa thế nào, ông Thịnh trả lời:
“Tất nhiên, nếu học, tôi sẽ chọn học tiếng Anh chữ không học chữ Hán. Bởi, tiếng Anh sẽ giúp cho việc hội nhập được tốt và đây là tương lai của dân tộc chúng ta…”.
Cần dứt bỏ văn hóa ngoại vi
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, thời gian trước đây cũng đã có những ý kiến đề xuất phải dạy, học tiếng Hán, Hán Nôm, tuy nhiên, việc làm rõ học như thế nào đã không làm rõ được.
“Như tôi đã nói, có học chữ Hán, Hán Nôm cũng tốt nhưng nếu dạy đại trà thì nó không thực tế chút nào cả và còn gây khó khăn.
Còn thực tế có một vấn đề quan trọng mà nên thấy rõ đó là hiện nay, chúng ta đang là ngoại vi của văn hóa Trung Hoa nên cần sớm dứt bỏ điều này để đi vào thế giới hiện đại. Nhật Bản đã làm điều này từ thời Minh Trị – Duy Tân, sau đó đến Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chúng ta lại chưa làm được điều này…”, vị này chia sẻ.
Về thông tin ở Nhật người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 chữ, Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự, Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định, ở Việt Nam không cần như vậy.
Bởi theo ông, đối với chữ Nhật và Hàn Quốc thì bên cạnh sự sáng tạo của họ vẫn có sự tiếp thu vốn từ rất cơ bản của chữ Hán.
“Như đối với lịch sử của tiếng Nhật thì ngoài sự sáng tạo thì có sự tiếp thu vốn từ rất cơ bản của chữ Hán cho nên họ quy định như vậy là có lý đối với bản thân sự phát triển nền văn hóa, chữ viết của họ”, ông phân tích.
Nếu được đề xuất ý kiến thì theo ông Thịnh, đối với việc dạy chữ Hán, Hán Nôm chỉ nên thực hiện ở một số bộ phận để có thể nắm rõ, tiếp thu thứ tiếng này mà thực chất là tiếp thu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử dân tộc ở một thời kỳ đã qua.
Từ việc nắm rõ, nghiên cứu chữ Hán, Hán Nôm sẽ dịch, chuyển văn minh đó thành văn minh chữ quốc ngữ để nhân dân tiếp thu, kế tục.
“Còn như tôi đã nói, nếu chọn học chữ Hán, Hán Nôm để đánh đổi với việc học tiếng Anh, tiếng Pháp… để hội nhập thì quả thực không thể đánh đổi được và chúng ta hãy nghĩ đến việc giải ngoại vi của văn hóa đó đi…”, GS Thịnh nêu thêm.
PGS.TS Đoàn Lê Giang lên tiếng
Trong bài viết với tựa đề “Lời tạm kết cho cuộc tranh luận dạy chữ Hán trong trường phổ thông” đăng trên tờ Nhịp cầu thế giới online, PGS.TSĐoàn Lê Giang đã có những phản hồi sau khi đề xuất dạy chữa Hán được đưa ra gây xôn xao dư luận.
Ông cho hay, đề xuất này đã được đưa ra từ cách đây 6 năm, trong hội thảo ở Viện Hán Nôm hôm 27/8 ông chỉ nhắc lại, sau đó 1 vài ý tưởng của ông đã được báo giới trong nước tường thuật đưa lên mạng.
Sợ nhiều độc giả chưa hiểu hết ý của mình, ông đã phải đưa nguyên văn bài tham luận của ông đã trình bày trong Hội thảo “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế” (2010).
Bài viết đó có tên “Khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường – một phương pháp quan trọng để giữ gìn tiếng Việt và văn hoá Việt Nam”.
Xin lược trích ý kiến của PGS.TS Đoàn Lê Giang đăng trên Nhịp cầu thế giới online:
“Trên mạng đa số người ta chỉ đọc cái tít giật gân và tường thuật sơ lược… rồi “nhảy dựng” lên. Có người còn nhắn tin, gửi email riêng cho tôi gọi mày tao, dọa nạt như tôi có tư thù gì với họ.
Có người gửi email đến hạch sách: ông còn dám giữ ý kiến nữa không? (đến khi tôi gửi mấy bài đính kèm, nói ông đọc đi rồi mới trao đổi, người ấy đọc xong bèn “meo” lại: tôi không đồng tình hết, nhưng ông nói có lý. Rồi thôi!).
Ồn ào đến mấy ngày, lưu truyền trên rất nhiều trang FB cá nhân, và cả blog, website danh tiếng.
Người ta chỉ nghe cái tít thôi, có người còn rút tít xuyên tạc để dễ chửi: “Học tiếng Hán để cứu sự sụp đổ của Tiếng Việt” rồi vu cho tôi chủ trương quay lại dùng chữ Hán chữ Nôm thay cho chữ quốc ngữ La Tinh (!).
Thế rồi cứ hè nhau, đọc nhau rồi chửi, lại nhân đó mà trút mọi bực dọc xã hội, chửi hết những người có bằng cấp, giáo sư… hệt như những người chưa hề đến trường bao giờ.
Tất nhiên có rất nhiều người hiểu biết, phân tích, trình bày một cách có lý lẽ, người thì nhiệt liệt đồng tình, người thì đồng tình có mức độ, người thì nêu ra những khó khăn hay điều kiện để chủ trương ấy thành khả thi, v.v…
Nói cho công bằng, đề nghị đưa chữ Hán giảng dạy trong nhà trường thì tôi không phải là người đầu tiên hay duy nhất.
Tôi thì đứng từ điểm nhìn các nước văn hóa chữ Hán: Nhật, Hàn, Đài Loan (không phải Trung Quốc) – những nước vừa phát triển hiện đại vừa giữ gìn ngôn ngữ và bản sắc dân tộc của họ mà để đề nghị học chữ Hán (Hán – Việt), nhằm làm sao giữ gìn, phát triển tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Tôi thuộc những người đánh giá rất cao vai trò của ngôn ngữ và văn hóa đối với sự trường tồn của dân tộc mà đề nghị như thế. Tôi tin rằng: Tiếng Việt còn thì văn hóa ta còn, văn hóa ta còn thì nước ta còn”..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét