Hạn hán ở Đắk Lắk (ảnh trái) và lũ quét ở Lâm Đồng mới đây Ảnh: CAO NGUYÊN - ĐÌNH THI Nóc nhà Đông Dương giờ đây thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ lụt; mang danh là đại ngàn nhưng rừng bị tàn phá đến cạn kiệt…, đúng như một vị đại biểu Quốc hội vừa lên tiếng lo ngại về một ngày “sẽ không còn Tây Nguyên”<!>
Phát biểu tại một phiên thảo luận về chương trình làm luật của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV mới đây, ông Nguyễn Duy Hữu, đại biểu tỉnh Đắk Lắk, thẳng thắn: “Nếu chúng ta không làm nhanh thì sẽ không còn Tây Nguyên nữa”. Thực tế cho thấy nỗi lo ngại ấy là hoàn toàn có cơ sở.
Nắng, mưa “trở chứng”
Vài năm gần đây, cứ đến mùa khô là người dân Tây Nguyên lại khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, gây thiệt hại rất lớn đến đời sống của người dân.
Tại Đắk Lắk, từ tháng 2 đến tháng 7, cuộc sống của gần 60.000 hộ dân ở TP Buôn Ma Thuột bị đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt. Do hạn hán kéo dài, mực nước ngầm ở các trạm bơm, hồ chứa giảm mạnh, nhiều trạm phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ba trạm bơm chủ lực cấp nước cho toàn TP Buôn Ma Thuột đã cạn kiệt, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Người dân buộc phải sử dụng nước bẩn từ các ao hồ, sông suối. Tình trạng thiếu nước cũng xảy ra nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp khiến hàng chục ngàn hecta cây trồng bị khô cháy.
Tại Lâm Đồng, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, mùa khô 2015-2016 vừa qua, mực nước ở toàn bộ 217 hồ chứa, 86 đập dâng trên địa bàn đều thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng nửa mét. Nước ở một số hồ thủy lợi lớn như Đạ Tẻh, Đắk G’long Thượng, Ka La, Tuyền Lâm… còn dưới mực nước dâng bình thường 2-3 m.
Hầu hết hộ dân tại các huyện ở Lâm Đồng như Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên… phải khoan giếng nhưng chưa tới 20% tìm được nguồn nước do mực nước ngầm đang rất thấp. Tại các khu vực có người đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Trọng, Lâm Hà và một phần của xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tình trạng thiếu nước còn trầm trọng hơn.
Trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua tỉnh Lâm Đồng, do các nhà máy thủy điện tích nước và điều tiết không hợp lý, không xả nên mực nước ở hạ lưu đã xuống dưới mức thấp nhất khiến 3 trạm bơm lớn là Phước Cát 1, Phù Mỹ và Đức Phổ phải tạm dừng hoạt động trong các tháng mùa khô vừa qua.
Hiện nay đang là mùa mưa nhưng khác hẳn mọi năm, người dân Lâm Đồng lại đổ xô đi khoan giếng để tìm nước tưới. Ông Lê Văn Sỹ - ngụ xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, vừa đầu tư gần 20 triệu đồng để khoan giếng - lý giải: “Mùa khô vừa rồi, hơn 1,5 ha cà phê vườn nhà tôi bị khô héo. Năm nay, gia đình tôi quyết định đầu tư khoan giếng. Biết là khoan giếng lúc này như “đánh cược” nhưng cũng phải liều”.
Theo cơ quan chức năng, ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, sử dụng lãng phí nguồn nước ngầm thì nguyên nhân quan trọng khiến tình hình hạn hán ở Tây Nguyên trở nên khốc liệt là do rừng bị tàn phá nhanh chóng. Rừng không còn sẽ không điều tiết được nước, khó phòng chống lũ lụt, xói mòn…
Trong khi đó, 2 năm trở lại đây, các TP ở Tây Nguyên như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột thường xuyên xảy ra ngập lụt, lũ quét cục bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, phá vỡ cân bằng sinh thái vốn có. Mới đây, giữa tháng 6-2016, tại Đà Lạt xảy ra trận mưa lớn kèm lốc xoáy trên diện rộng gây ngập sâu gần 1 m ở nhiều khu dân cư (KDC), vùng trồng rau màu, làm một số nhà cửa bị sập và hư hỏng nặng.
Voi - người xung đột
Rừng bị tàn phá, hạn hán khốc liệt khiến voi - loài vốn sống xa con người - nay thường xuyên về KDC, nương rẫy để tìm kiếm thức ăn, nước uống, tăng nguy cơ xung đột với con người.
Từ tháng 2-2016, nhiều đàn voi rừng đã kéo về khu vực nương rẫy của người dân ở 3 huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Súp ở tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm thức ăn, nước uống. Voi rừng giờ không còn ngại gặp người, thường xuyên di chuyển qua KDC vào ban ngày và tàn phá tất cả cây trồng trên đường đi.
Ông Nguyễn Văn Danh (ngụ thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cho biết: “Vừa qua, 1 đàn voi rừng khoảng 10 con đã kéo về nương rẫy của người dân thôn 2 để tìm kiếm thức ăn, nước uống. Dù người dân đã dùng rất nhiều biện pháp xua đuổi nhưng chúng vẫn không quay lại rừng. Chỉ vài ngày, chúng đã phá nát rất nhiều cây trồng của người dân. Tôi sống ở đây hàng chục năm nhưng lần đầu tiên mới chứng kiến đàn voi về gần nhà dân và hung tợn như vậy”.
Ông Phạm Văn Láng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, cho biết trước thực trạng voi rừng thường xuyên về KDC, làm tăng nguy cơ xung đột với người, trung tâm đã thành lập 6 tổ để theo dõi chúng. Trung tâm cũng tổ chức tập huấn cho người dân ở gần 10 xã thường xuyên có voi rừng xuất hiện để trang bị cho họ kiến thức phòng tránh mà không gây tổn hại cho chúng.
Theo PGS-TS Bảo Huy, Trường ĐH Tây Nguyên, việc voi rừng thường xuyên về KDC tìm thức ăn, nước uống, phá hại cây trồng là tất yếu. Ông giải thích: “Hàng chục ngàn hecta rừng phía Tây và Bắc tỉnh Đắk Lắk, vốn là môi trường sống của voi rừng, đã bị tàn phá nghiêm trọng. Mùa nắng, trong rừng khan hiếm thức ăn, nguồn nước uống cạn kiệt buộc voi phải về KDC. Lúc bắt đầu triển khai đề án bảo tồn voi, chúng tôi đã đề xuất nên dừng cấp phép, thu hồi các dự án trồng cao su ở khu vực này để phục vụ công tác bảo tồn voi nhưng không được đồng thuận”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét