Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Thăm Lâu Đài Himeji - Tường thuật: Phan Hạnh. Hình ảnh: The Viewfinders

Hình #2: Hàng cây anh đào quanh lâu đài đang độ mãn khai
Trả phòng và rời khách sạn ở Kobe sáng ngày 5 tháng Tư, chúng tôi đi thành phố Himeji khoảng cách 62 km, chỉ hơn một giờ lái xe. Kobe và Himeji là hai thành phố lớn nhất và nhì của tỉnh Hyogo. Mục đích chính của chuyến đi là để xem một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất Nhật Bản là Hakurojo, Lâu Đài Hạc Trắng. 
<!>
Trông cậy vào hướng dẫn của máy định vị GPS mà lái xe đi, chúng tôi để ý càng gần đến nơi, dòng xe cộ càng ứ đọng. Đến gần bãi đậu xe, tôi mới biết xe vào phải chờ xe ra mới có chỗ trống mà đậu. Hàng đoàn xe buýt chở du khách đi tua đổ vào thả xuống dòng người lũ lượt. Nhằm ngày thời tiết mát mẻ dìu dịu, gió lặng nắng trong, hoa anh đào đang đúng độ mãn khai, du khách đi đông là phải. Tài liệu cho biết có những ngày số lượng du khách đến viếng thăm lâu đài này lên tới hơn mười ngàn người mỗi ngày.
 
Từ xa xa đã nhìn thấy hình dáng lâu đài màu trắng sừng sững với những cây anh đào cành đơm hoa, chúng tôi cũng háo hức sẵn sàng máy ảnh. Biết thân chậm chạp và sợ đi lạc, tôi dù mê mẩn khi trông thấy cảnh đẹp nhưng cũng thường xuyên dõi mắt xem ba người bạn đồng hành của tôi đang ở đâu. Tâm lý người già yếu hay sợ sệt bất an mà. Năm ngoái nhóm chúng tôi đi Pháp, tôi đã bị lạc một lần dưới chân tháp Eiffel vào một đêm đầu tháng Năm gió lạnh nhằm lúc tôi ỷ y mặc đồ không đủ ấm, tôi vẫn còn bị ám ảnh.
 
Cảnh trí của Lâu Đài Hạc Trắng đẹp thật. Từ bãi đậu xe băng qua đường xong, chúng tôi đã bắt đầu tìm góc cạnh đẹp để bấm máy; hàng ngàn du khách cũng vậy.

 
Hình 1: Lâu Đài Hạc Trắng với tường đá kiên cố bao bọc
 
Là một trong những lâu đài cổ xưa nhất ở Nhật Bản, lâu đài Himeji được người Nhật yêu mến gọi nó là Lâu Đài Hạc Trắng vì lối kiến trúc của nó gợi liên tưởng tới hình ảnh nên thơ của một con hạc trắng đang cất cánh bay lên. Nhìn từ bên ngoài, nó có vẻ như chỉ có năm tầng, nhưng thật ra nó có tổng cộng là bảy tầng khi kể luôn tầng hầm ở dưới cùng và lầu quan sát có bàn thờ Thần Đạo ở trên cùng. Nó cũng được xem là một phép lạ là vì nó chưa hề bị tấn công, dội bom, hỏa hoạn, thiên tai gì cả. Hay nói cho đúng hơn, nó luôn luôn thoát nạn một cách kỳ diệu. Trong suốt hơn 400 năm, lâu đài vẫn còn nguyên vẹn, không bị làm mục tiêu của các cuộc dội bom khốc liệt của Hoa Kỳ trong thế chiến II, và cũng thoát khỏi thảm họa thiên nhiên là trận động đất Hanshin dữ dội xảy ra năm 1995. 
Vào cuối thế kỷ 19, chính quyền muốn đập phá một phần của lâu đài để biến nó thành doanh trại quân đội; may mà kế hoạch này bị hủy bỏ. Sau đó, lâu đài được bán đấu giá tương đương với khoảng ba ngàn Mỹ kim, nhưng việc phá bỏ quá tốn kém nên thôi và một lần nữa lâu đài vẫn tồn tại. Nó luôn luôn may mắn được bảo tồn chu đáo. Nhờ vậy nó trở thành nơi lý tưởng để du khách vào bên trong xem và trải nghiệm lối sống của các hiệp sĩ đạo samurai ngày xưa.
 
Bên ngoài, lâu đài màu trắng mang lối kiến trúc tinh xảo với những mái ngói vảnh cong như cánh chim bay trông tuyệt đẹp tạo được sự trầm trồ thán phục, không thua gì kỹ thuật kiến trúc tân tiến ngày nay. Có nhiều loại ngói khác nhau được sử dụng trong việc tô điểm cho lâu đài này đánh dấu nó đã trải qua nhiều đời chủ nhân. Các miếng ngói nhỏ hình tam giác ở rìa của phần mái là một trong những nét độc đáo trong việc thiết kế lâu đài. Chúng giúp nước mưa chảy hết xuống một con rãnh phía dưới và dẫn vào một bộ lọc nước phục vụ nước uống và nước sinh hoạt cho những người sống trong lâu đài.

 
  Hình #3: Thuyền chèo chở du khách trên hào rộng
 
Công trình phục hồi và bảo tồn quy mô toàn diện kéo dài mấy mươi năm; bao nhiêu lớp bụi bẩn vết tích của thời gian hằng bao thế kỷ được gột bỏ, lâu đài mới mở cửa trở lại cho công chúng năm 2015 bằng dung mạo mới tươi sáng mới mẻ tráng lệ hơn bao giờ. Chính quyền Nhật xem nó như là một kho báu quốc gia tương đương với Tháp Luân Đôn (Tower of London) của Anh quốc. Vì vậy họ sẵn sàng dành riêng một khoản tiền lớn cho công tác phục hồi lâu dài. Nghệ nhân từ khắp đất nước được tuyển dụng để tu bổ bằng vật liệu như nguyên mẫu: đá hoa cương, gỗ quý, gạch ngói và thạch cao. Áp dụng kỹ thuật tân tiến hiện đại, ngói gốm mới thay thế ngói cũ được chế tạo bằng hợp chất rắn chắc bền bỉ hơn, chất keo xi măng tốt hơn được làm từ rong biển luộc và vỏ bột.
 
Với những lầu gác lợp ngói, tháp canh, cổng, những bức tường đá, những kênh hào và nền đất, lâu đài Himeji là một khuôn mẫu điển hình của nền hình kiến trúc lâu đài Nhật Bản, gắn liền với thời kỳ Mạc Phủ đầy những âm mưu thần sầu, những trận chiến đẫm máu, những vụ thích khách ly kỳ của các ninja (tàng ẩn giả) trong lịch sử. Vị trí địa hình của lâu đài là yếu tố có ảnh hưởng nhất trong việc xác định tầm quan trọng chiến lược. Tọa lạc trên đồi Himeyama cao 45.6m (150ft) trên mực nước biển, lâu đài dùng địa lý xung quanh như một bức tường thành phòng thủ chống lại những cuộc tấn công của đối phương. Bao quanh lâu đài từng có ba vòng hào sâu ngập nước làm thành ba dòng phòng thủ vô cùng hữu hiệu trong việc ngăn chặn và trì hoãn mọi cuộc tấn công hoặc bao vây của địch quân. Vòng hào ngoài cùng (là nơi có nhà ga trung ương hiện tại của thành phố Himeji) cách lâu đài hơn một ngàn thước và vòng hào giữa đã được lấp bỏ.

 
 Hình #4: Hoa anh đào soi bóng nước
 
Bên cạnh lợi thế của môi trường xung quanh tự nhiên, lối thiết kế đặc biệt của lâu đài cũng áp dụng kỹ thuật xây cất khéo léo biến nó thành gần như là bất khả xâm phạm. Các bức tường đá dốc mười lăm mét làm cho ngay cả các hiệp khách ninja của đối phương cũng khó có thể xâm nhập. Bốn cửa vào lâu đài nhỏ hẹp; lối dốc quanh co xoắn ốc như mê cung của lâu đài được thiết kế một cách tài tình để làm rối trí đối phương. Thậm chí ngay cả tháp chính, với bộ mái ngói có đầu hồi tuyệt đẹp, cũng được thiết kế để đánh lạc hướng kẻ lạ xâm nhập. Những lối đi vòng vèo trong lâu đài nhằm mục đích đánh lạc hướng kẻ thù xâm nhập. Mọi cửa vào đều hẹp và được củng cố bằng gỗ rắn chắc và đá. Tường bốn bên đều có lỗ hổng (sama) tức lỗ châu mai để súng và mũi tên có thể được bắn ra. Pháo tháp ở bốn góc lâu đài có lối đi thông nhau để quân phòng thủ dễ dàng tăng viện khi cần. Lâu đài có khu cư trú riêng dành cho vị lãnh chúa và gia đình, có nhà bếp và kho chứa vật tư.
 
Một điểm đáng thán phục khác về kỹ thuật xây cất lâu đài là kiến trúc sư thuở đó đã biết kết hợp đá hoa cương và gỗ để các trụ cột có thể tự chấn chỉnh theo độ nghiêng khi có động đất.

 
 Hình #5: CA đứng trên cầu bắc qua hào rộng để vào cổng
 
Lâu đài có chiều dài 950 đến 1.600m (3.117 đến 5.249ft) theo trục đông tây, và 900 đến 1.700m (2.953 đến 5.577ft) trục nam bắc, chu vi 4.200m (2.53mi), diện tích 233 ha (2.330.000m2 hoặc 576 mẫu Anh), 50 lần lớn hơn Tokyo Dome hoặc 60 lần lớn hơn Sân vận động Koshien. Lâu đài là một quần thể, một mạng lưới gồm 83 kiến trúc riêng như nhà kho, cổng, hành lang, và tháp canh. Nơi đây đã từng có hàng chục ngàn người sinh sống gồm những chiến binh hiệp sĩ của đại danh và lãnh chúa. Ngày nay 74 trong số 83 kiến trúc này được chỉ định là tài sản văn hóa quan trọng: 11 hành lang, 16 tháp, 15 cổng, và 32 bức tường bằng đất. Bức tường cao nhất trong khu lâu đài có chiều cao 26m (85ft). Koko-en, khu vườn của lâu đài được tạo ra vào năm 1992 để kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Himeji.
 
Một số nhà nghiên cứu cho rằng lâu đài chính được xây vào giữa thế kỷ XVI, khi Shigetaka Kuroda và con trai – Mototaka Kuroda nắm quyền trong vùng. Khi Kanbei Shigetaka Kuroda kiểm soát vùng này, Hideyoshi Hashiba đã tới lâu đài này để xây cho riêng mình một lâu đài ba tầng. Về sau Hideyoshi Hashiba và sau nữa là Iesada Kinoshita đã thành công trong việc kiểm soát lâu đài.

 
 Hình #6: CA trước cổng vào lâu đài
 
Lịch sử xây dựng lâu đài được ghi lại tỉ mỉ. Tài liệu cho biết năm 1333, hiệp sĩ Norimura Akamatsu vùng Harima xây dựng một thành trì có pháo đài phòng thủ tại đây. Tới năm 1346, con trai ông là lãnh chúa Akamatsu Sadanori tháo dỡ và xây dựng lại, xây thêm các công trình kiến trúc khác vào thời kỳ hoàng kim của nền kiến trúc lâu đài và thành quách Nhật Bản (bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ XVI). Và lâu đài này đã trở thành một công trình được bảo tồn tuyệt hảo nhất, xứng đáng đại diện cho tất cả các lâu đài trên khắp Nhật Bản. Năm 1581, lâu đài được Toyotomi Hideyoshi tu sửa lại đáng kể, thêm một kiến trúc ba tầng. Năm 1600, Sứ quân Tokugawa Ieyasu tặng lâu đài cho người con nuôi là Terumasa Ikeda để thưởng công Ikeda đã giúp đỡ của ông trong trận chiến Sekigahara.
 
Năm 1601, Terumasa Ikeda bắt đầu cho đào 3 con kênh quanh lâu đài và hoàn tất toàn bộ hệ thống lâu đài với 5 tầng như ngày nay vào năm 1609. Công việc này kéo dài trong chín năm trời với 25 triệu ngày công. Con kênh ngoài cùng ngày nay nằm ngay phía bắc của ga tàu điện Himeji. Sau thời Ikeda, Tadamasa Honda xây thêm một số công trình ở cánh phía Tây. Đến năm 1618 xem như việc xây dựng toàn bộ lâu đài được hoàn tất. Gia tộc Honda suy vong nên quyền sở hữu lâu đài lọt vào tay các lãnh chúa khác như gia tộc Matsudaira, gia tộc Sakakibara. Cuối cùng lâu đài thuộc về Tadazumi Sakai khi ông nắm quyền lãnh chúa năm 1749. Hậu duệ của ông có tham gia vào cuộc Cải cách Meiji (Minh Trị) năm 1868, khi thời đại Sứ quân Mạc phủ đã chấm dứt. Đặc biệt, trong lâu đài còn có một ngôi trường do lãnh chúa Sakai xây dành để giáo dục các con mình. Khi Tadaumi Sakai chuyển tới Himeji, ngôi trường cũng được chuyển theo từ Maebashi tới Himeji. Ban đầu, trường được xây tại phía Bắc cổng Shosha, về sau chuyển về dựng phía trước cổng Otemon năm 1816.

 
 Hình #7: Du khách đang xem diễn trong khoảng sân rộng vườn Nishinomaru của lâu đài. Đây là một quảng trường, một không gian rất tuyệt để chiêm ngưỡng tòa lâu đài Himeji tráng lệ. Hàng cây anh đào với cành đầy hoa sắc hồng trắng quyến rũ ngập tràn không khí lễ hội.
 
Năm 1931, nhiều phần của lâu đài được công nhận là quốc bảo hoặc di sản văn hóa quan trọng của quốc gia gồm ngôi tháp chính, các tháp khác nhỏ hơn và các hành lang liên kết cùng 27 “yagura” (kho tên đạn, lương thực), 15 cổng và 100 mét tường. Một phần của con kênh giữa và toàn bộ con kênh trong cũng được giữ lại y nguyên như trong thời kỳ trung cổ. Năm 1993, Lâu đài Himeji được UNESCO công nhận là Di sản Quốc gia, là một trong bốn lâu đài tại Nhật Bản được nhận vinh dự này.  Lâu đài Himeji cùng với lâu đài Matsumoto và lâu đài Kumamoto hợp thành “tam đại quốc bảo thành”,ba tòa thành quý của quốc gia. Trong ba thành, Himeji là nổi tiếng nhất.


Hình #8: Lễ hội diễn ra cả ban đêm, nhưng chúng tôi không ở lại tham dự.
Có một số truyền thuyết địa phương liên quan đến lâu đài. Truyện ma (kaidan) nổi tiếng “Banshu Sarayashiki” kể về một vụ tự tử tại giếng nước của lâu đài. Một cô gia nhân tên Okiku có trách nhiệm giữ bộ dĩa quý bằng vàng của ông hiệp sĩ samurai tên Tessan Aoyama đã có vợ. Okiku bị ông chủ lãnh chúa ve vãn tán tỉnh nhưng cô không ưng chịu. Aoyama bảo nếu Okiku không thuận tình thì ông sẽ giấu bớt một dĩa vàng rồi vu cáo Okiku tội ăn cắp và cô sẽ bị trừng phạt. Để tránh nỗi nhục có thể xảy ra, Okiku gieo mình xuống giếng tự tử. Dân địa phương tin rằng hồn ma (yuurimi) của cô vẫn còn vất vưởng vì có những đêm họ nghe tiếng đếm đi đếm lại số dĩa còn đủ. Ngày nay người Nhật gọi giếng này là Giếng Okiku.


Hình #9: Một nhóm phụ nữ Nhật mặc quốc phục tham dự lễ hội thưởng ngoạn hoa anh đào nơi sân rộng của lâu đài Himeji.
Truyền thuyết thứ hai tựa là “Nagaishi” kể rằng trong lúc Toyotomi Hideyoshi xây dựng lâu đài thì thiếu đá hoa cương. Một cụ già góa chồng bèn dâng hiến chiếc cối xay của bà mặc dù bà rất cần nó để làm kế sinh nhai. Nhiều người khác cảm kích trước tấm gương hy sinh cao cả của bà nên cũng tình nguyện góp đá cho đủ để xây lâu đài. Đó là khối đá đặc biệt được bọc lưới sắt để đánh dấu và bảo vệ trên bức tường đá của lâu đài ngày nay.
Một truyền thuyết khác nữa kể chuyện Genbei Sakurai, người thợ mộc trưởng tài giỏi của chủ nhân Ikeda Terumasa trong việc xây dựng lâu đài. Theo truyền thuyết, Sakurai đã không hoàn toàn hài lòng về công việc của mình; ông cảm thấy khung sườn ngôi tháp ông vừa dựng hơi nghiêng một chút về phía Đông Nam. Trong một cơn bực tức vì giận mình đã tính toán không chính xác, ông leo lên đỉnh tháp rồi nhảy xuống tự tử với một cái đục vẫn còn ngậm trong miệng.


 Hình #10: NAG Anh Vũ thích thú khi nhìn thấy một nhóm du khách Nhật mặc y phục kimono truyền mà có người lại đeo túi trên vai và ai cũng xách ví hàng hiệu.
Phan Hạnh.
 
PH-HCA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét