Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Thức Tỉnh - Truyện Nhã Giang Thu Tâm


Tôi được sinh ra đời từ lâu lắm, tận năm nào đó trong thế giới đầy biến động đau thương  của đất nước. Mẹ tôi vốn là người lo xa cho con cái nên ngay lúc từng đứa con vừa thôi nôi, bà đã sắm lễ vật rước ông thầy Năm ở tận xóm trên về, người mà bà cho là rất tài giỏi môn Tử Vi để ghi chép, vẽ ngang vẽ dọc gì đó, bảo là lá số của mỗi đứa. Và không biết có phải mạng của tôi nằm ở trong cung “Thân cư thê” như ông Thầy lang băm đã “phán” không. Từ lúc tự biết mình thành một thằng con trai trời không cho …đẹp, cho tới lúc có gia đình và rồi đến bây giờ đã đến tuổi “Thất Thập Cổ Lai Hy”, tôi vẫn cứ khốn khổ vì chịu ở dưới “cơ” hết tất tần tật, từ bạn bè cho đến bà vợ nhỏ tuổi xinh xắn đanh đá lắm mồm. Chả nhẽ cuộc đời của anh em tôi đã được khoanh tròn trong mảnh giấy nhỏ bé đó không thoát ra được hay sao?
<!>
   Tôi vốn là đứa trẻ èo uột từ thuở nhỏ, lớn lên không phát triển như bình thường mà cứ queo quắp nhỏ teo như cái kẹo. Mẹ tôi bảo vì khi mang thai tôi trong lúc loạn lạc đói kém, có ngày phải ăn cám thay cơm nên đã tưởng không giữ được cái thai. Khi lọt lòng mẹ tôi chỉ bé bằng cái chai bia “con cọp” thôi, lại bị bệnh suyễn kinh niên hành hạ nên mặt mày nhăn nheo như chú khỉ con, mẹ đã phải vất vả lắm mới nuôi tôi khôn lớn được. Vì cha đã qua đời từ khi tôi được hai ba tuổi gì đó, nhà có ba mẹ con hủ hỉ nên chúng tôi luôn quấn quýt bên mẹ. Mẹ tôi hay ví von và thường gọi tôi bằng cái tên thân mật : “con heo con của mẹ”. Tôi sung sướng hạnh phúc trong vòng tay thương yêu của mẹ, và chỉ có mẹ mới là người duy nhất không chê tôi xấu xí. Nhà có hai anh em, ngược lại với tôi thì ông anh lại to lớn dềnh dàng và đẹp trai cũng như .. quậy nhất xóm. Biết thân biết phận nên tôi cố gắng tỏ ra hiền lành để khỏi bị người ngoài …ghét. Nhưng trong trường học thì chẳng làm sao né tránh được sự va chạm với đám bạn nghịch ngợm. Chúng thường chê vì sự ốm yếu của tôi mà không cho chơi chung, nên tôi cứ lủi thủi một mình một góc sân ngồi thèm thuồng nhìn ra. Bù lại trời cho tôi trí thông minh và rất khéo tay trong các môn khi cần đến sự tỉ mỉ hay mỹ thuật. Tụi bạn luôn bắt ép tôi phải làm bài tập giúp hay cướp giật bài làm của tôi để sao chép lại, có lần xém nữa cả tôi cũng bị đuổi ra khỏi phòng vì giám thị bắt gặp chúng nó đang xúm nhau chép bài thi của tôi. Tôi không dám chống cự, nhưng âm thầm tìm cách trả đũa làm cho chúng lắm phen điêu đứng mà không trách được tôi. Người ta bảo ông trời luôn có sự công bằng đối với con người, những kẻ nhỏ con thường có đầu óc linh hoạt và thâm sâu hơn người cao lớn. Tôi cũng nghĩ vậy nên thường tủm tỉm cười thầm khi bọn bạn trúng kế chơi khăm của tôi mà phải ngậm tăm.

Mười hai năm sách đèn qua đi mau chóng, chúng tôi đã trở thành những chàng thanh niên đầy nhiệt huyết. Thi xong Tú tài hai, một số bạn tôi nhập ngũ theo tình hình chiến tranh leo thang lúc bấy giờ. Anh tôi đã tử trận vài năm trước đây để lại sự đau buồn cho gia đình không ít, nên bao nhiêu tình thương mẹ đổ dồn cho tôi cả. Tôi nghiễm nhiên trở thành con trai độc nhất và được miễn dịch hoàn toàn. Mà chắc chẳng Trung Tâm Nhập Ngũ nào thèm tuyển tôi đâu! Tuy thế vì nhà nghèo không đủ tiền học tiếp lên Đại Học, tôi xin làm chân thơ ký quèn với đồng lương tàm tạm để ở gần mẹ. Mẹ tôi có cửa hàng buôn bán hàng xén vì thế cuộc sống hai mẹ con cũng không đến nỗi nào. Mẹ đã nghĩ đến chuyện vợ con cho tôi nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua, vì bà không biết tôi mang mặc cảm khi đã nhiều lần thất vọng trong cuộc theo đuổi các cô gái. Họ chỉ tế nhị mỉm cười nhìn tôi rồi quay đi khi thấy tôi cứ lằng nhằng làm vướng mãi gót chân son…Mà phải chăng tôi dám với cao quá tầm tay, những người con gái này cũng chỉ tầm thường chứ nào được là giai nhân như người ta đâu! Thất vọng thành thất chí đã nẩy sinh ra những vần thơ tình lâm ly bi đát loại con cóc, tôi cũng tự tập ngâm nga hát hò cho quên sầu đời. Sau đó tôi đã có nhiều dịp tham gia và trổ tài trong các buổi sinh hoạt nhóm ở sở và xóm làng. Tôi cũng tự tạo cho mình cái vỏ bọc để che đi khuyết điểm thân xác, dù không cận thị tôi cũng cố sắm cho được cặp kính trắng (không độ) đeo lên, quần áo luôn nai nịt chỉnh tề và trên túi áo ngực lấp ló cây bút với cuốn sổ nhỏ. Đi đến đâu cứ đợi dịp là lôi bút với sổ ra ghi ghi chép chép nhì nhằng, thêm vào gương mặt vốn dĩ đã khó gây cảm tình, tôi còn làm bộ nghiêm trang với đôi mắt lim rim mơ màng xa xôi như đang tìm vần thơ. Kệ ai nói ra nói vào, chẳng gì mình cũng đang là … thi sĩ mà! (tự phong mình lên cho oai chứ làm gì có ai gọi tôi như thế bao giờ!). Bấy nhiêu thôi đủ cho tôi vui với cuộc sống sáng lủi thủi dắt xe đạp ra cửa, chiều tối cong lưng đạp về một mình cô đơn chiếc bóng. Mỗi chiều đón tôi ở cửa, chỉ có đôi mắt mẹ nhìn tôi với sự thương cảm khiến tôi áy náy trong lòng.

            Trời xui đất khiến thế nào mà phong cách “trí ngủ” của tôi, thêm vào những vần thơ tình cóc nhái vớ vẩn đã cảm động được một người con gái. Để một hôm bỗng như từ trên trời rơi xuống, tôi phải loạng quạng muốn té xỉu khi nghe “nàng” chợt thốt lời tỏ tình! Nàng thỏ thẻ rằng thì là mà… đã biết và quý mến tính tình hiền lành (?) của tôi từ lâu, đã được nghe thơ và giọng ca, ngâm của tôi…! Ôi! Cha mẹ ơi! Không phải tôi tin dị đoan, nhưng điềm gì báo trước đây? Tên cúng cơm của tôi là Lê văn Đẹt, cha tôi cứ biền biệt đi chiến đấu nên mẹ toàn quyền quyết định, bà dựa theo hình dạng tôi mà bảo đặt tên xấu xí cho dễ nuôi! Quả đáng tội, tôi cứ nay đau mai ốm xoành xoạch cơ mà! Cuộc đời của tôi từ lúc sinh ra vốn dĩ đã bèo bọt rồi, bây giờ gặp nàng tên.. Dực, ông trời bộ tính thử thách tôi hay sao? Tôi nhìn nàng như một vật thể lạ từ hành tinh xa xôi nào đó, có gì khác thường ở đây chăng? Tôi cố căng đôi mắt nhỏ ti hí để nhìn thật kỹ, trước mặt tôi là một nàng con gái (không biết có đúng không), tầm cao tương xứng với tôi, nét mặt cũng gọi là “thường thường bậc trung” (Kiều). Nàng có đôi mắt xếch, đôi lưỡng quyền nhô cao cùng chiếc miệng rộng có hai mép cong cong, cũng trông có duyên đáo để nhất là khi nàng cười, tôi đâu dám mong gì hơn. Nhưng nhìn thân hình Dực, không biết tại sao lại cho tôi cảm giác ngờ ngợ…. Nàng mặc bộ áo chermi hoa cùng chiếc quần tây đen có nai nịt đàng hoàng trông rất chỉnh tề, nhưng … thẳng đuồn đuột, mới thọat nhìn chắc chẳng ai dám nghĩ nàng là “phi meo” ! Mái tóc trước cuốn búp điệu đàng kiểu tóc của người từ thế kỷ trước, đuôi cột thành túm sau gáy. Trông thì gọn gàng, nhưng khổ nỗi con người xấu xí của tôi lại luôn thích nét thẩm mỹ ba vòng rõ rệt của đàn bà cơ. Mà chắc chắn mẫu người mộng của tôi khác hẳn Dực rồi. Thêm vào đó hai cái tên chúng tôi ghép lại nghe quá lạ kỳ: Đẹt, Dực! Có vẻ hèn mọn nghèo nàn làm sao, ôi chao ơi chả lẽ…thôi thì để đó, cứ quen trước đã rồi tính sau.

            Chỉ trong một thời gian ngắn thôi tôi đã nhận ra cá tánh rất đặc biệt nơi nàng. Dực nhỏ thua tôi 3 tuổi, cầm tinh con cọp (đáng gờm đây!). Lanh lợi, xông xáo, đanh đá, thẳng thắn đến bốp chát không sợ ai mất lòng và lúc nào cũng tỏ ra hơn thua bất cứ chuyện gì. Nàng đã có một mối tình nhưng theo lời kể thì chẳng biết sao “người ấy” đột nhiên biến mất khi vừa hẹn hò lần thứ hai? Tôi hơi sờ sợ rồi, nhưng đây là người con gái đầu tiên tôi được sóng đôi và có dịp nói chuyện nhiều, tôi tự nhủ chắc mình lo xa quá thôi. Tôi muốn đánh bạo thử vuốt râu hùm xem sao, có khi vào tay mình con hổ dữ tợn này lại bị thuần phục cũng nên. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn tiến tới với nhau, mẹ không ngăn cản mà chỉ nhận xét rồi ngần ngại bảo:

“Con nên suy nghĩ cẩn thận, cô gái này có tướng đàn ông và thích cầm quyền. Nếu con chịu nhịn nhục nó thì mới yên nhà yên cửa được.”

            Tôi lại phân vân đắn đo, xưa nay tôi rất kỵ loại đàn bà lắm mồm bắt nạt chồng như bà hàng xóm của mẹ, tôi đã thề không bao giờ thèm rước của nợ này về nhà đâu! Nhưng có lẽ ông tơ bà nguyệt sắp đặt, hay như cái bản Tử Vi từ bé đã định sẵn làm tôi gật đầu cái rụp khi nàng đề nghị muốn theo về dinh với tôi. Chắc tôi sợ nếu chậm chạp bị nàng đổi ý thì tôi lại có nước cu ky đi nốt quãng đường trần, rồi tối tối lại tiếp tục ôm đàn gẩy điệu tình tang “Đời tôi cô đơn” nữa thì chán chết! Thế là chúng tôi thành vợ chồng từ đó, cái đám cưới nho nhỏ nhưng ấm cúng đầy tiếng cười … nhạo. Khắp các bàn đều lớn tiếng gọi cô dâu chú rể :
            “Anh chị … Đực Dẹt, í quên quên Đẹt Dực ơi, lại bàn này cho chúng em chụp chung tấm hình kỷ niệm đi…”

Cuộc sống lứa đôi tuy thăng trầm mà đầy hạnh phúc (tự tôi nghĩ thế). Tôi cũng đã gồng mình vài lần thử nhỏ nhẹ góp ý lặt vặt này kia nhưng Dực vùng vằng trợn đôi như hai lằn chỉ  cho to hết cỡ như dọa nạt tôi, sau đó khóc lóc ỉ ôi, làm mình làm mẩy bỏ ăn bỏ ngủ, có lần xách gói về nhà mẹ đẻ ở cả tuần không về. Tôi đành xuống nước năn nỉ, biết mình đã bị con cọp cái này khống chế ngay từ phút đầu lâm trận, hết đường nhúc nhích. Thôi thì như lời mẹ dạy:
            “Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất thôi con ạ!”

    Rồi vợ chồng cũng dìu dắt nhau qua được xứ người và nuôi con khôn lớn. Tuy tiếng Mẽo
chỉ được học và nói lõm bõm, tôi cũng nai lưng ra làm hết việc này việc kia, sự khéo léo của tôi được dịp sử dụng, trong ngoài đều một tay tôi cáng đáng. Phần này không đúng với bản Tử Vi rồi phải không quý vị, người ta bảo “Thân Cư Thê” có nghĩa là chồng nhờ vợ. Bạn bè có đứa xấu mồm bảo mạng tôi là con Heo nên bổn phận phải dâng mình cho Cọp? Tôi lại nghĩ khác, vì thương vợ con nên tôi chịu hy sinh thôi. Nhưng có điều buồn cười, tuy không biết tí gì về việc chuyên môn của chồng đang làm nhưng Dực rất thích có ý kiến lung tung, bàn luận linh tinh để tỏ ra sự hiểu biết của mình. Từ từ nàng xen vào tất cả mọi chuyện riêng của chồng con, thậm chí những cú phone của bạn bè tôi gọi đến cũng bị Dực kiểm soát gắt gao bằng cách phải mở to qua speaker cho nàng nghe cùng. Tôi đang nói chuyện mà thấy câu nào không đồng ý, hay muốn thêm ý riêng của mình vào là nàng chen ngang cướp lời không cần quan tâm đến sự khó chịu của người nghe. Dực còn dò xét trong cell phone của tôi đã có ai gọi tới khi không có mặt nàng, rồi tra hỏi cặn kẽ xem nội dung ra sao! Có đôi khi nàng cố ý nói to giữa đám đông cho mọi người phải biết:
 “Quyền quyết định mọi chuyện là ở nơi tôi chứ không phải ổng đâu!”

       Càng ngày Dực càng tỏ ra cái quyền đó dù trước mặt bạn bè hay khách khứa. Tôi chỉ cảm thấy khó xử với mọi người thôi chứ không nỡ phản kháng vì đã bao năm chiều chuộng nhịn vợ quá đã trở thành thói quen, tôi biết mọi người đều ái ngại trong lòng nhưng không ai nói ra thôi! Từ khi nghỉ hưu, tôi vẫn thường mày mò email thăm bạn bè, nhất là những bạn học hay  đồng sự ngày xưa mới tìm được qua mạng lưới Internet. Sau khi chuyện nhà xong xuôi cũng đã gần nửa đêm nên việc nàng càu nhàu trách cứ tôi thức đến hai ba giờ sáng là chuyện không lạ lùng gì. Dực cằn nhằn tôi đủ mọi thứ trên đời muốn rách cả màng nhĩ, dù tánh tôi xưa nay không hề thích lem nhem và luôn cố giữ gìn ý tứ trước người khác phái khác, nhất là với những  phụ nữ độc thân. Mỗi lần cơn hờn giận vô cớ của Dực nổi lên, tôi hay nín thinh. Biết rằng càng giải thích càng khơi thêm điều không hay mà thôi. Tôi cũng hiểu rõ về lòng ganh tị nhỏ nhen của đàn bà đối với nhau. Hơn nữa nếu phải đem so sánh thì vợ của tôi làm sao được bằng người ta, cả về mặt sắc lẫn tài. Điều này ai cũng phải công nhận, riêng một mình Dực là không chịu thua ai và hay sinh chuyện thôi. Còn đối với tôi được người vợ như nàng là quá mãn nguyện rồi.  Sao đi nữa tôi cũng chấp nhận được, miễn là gia đình êm ấm và con cái yên vui.

Người ta bảo vợ chồng sống với nhau lâu năm sẽ ảnh hưởng từ cá tính đến hình hài? Họ trầm trồ khen chúng tôi đẹp đôi và hạnh phúc khi lúc nào cũng bên nhau, rất tương xứng và  có nét mặt từa tựa nhau, không những ăn ý trong từng câu nói từng việc làm mà còn đến thái độ hay giọng điệu đều y hệt nhau. Đúng là :”Phu xướng, Phụ tùy” như lời người xưa đã nói, chắc là trên thế gian này hiếm có đôi vợ chồng nào được như thế…?! Cũng chẳng hẳn như vậy đâu, tại tôi không muốn nói ra điều trái ngược giữa hai đứa chúng tôi thôi. Vợ tôi vốn lanh chanh và dữ tợn mồm miệng, chứ tay chân thì láu táu mà vụng về không ai bằng. Đã vậy còn cứ thích lộ cái dở của mình ra, tưởng lời khen xã giao của người ta là thật!

Nhà có sắm dàn Karaoke để con trai tôi cùng bạn bè nghêu ngao khi rảnh rỗi. Dực vừa giữ cháu vừa tập tành, nhưng khi nàng cất giọng lên cộng thêm tiếng lè nhè phụ họa của thằng cháu nhỏ là cha con tôi chỉ có nước bịt kín tai lại. Ấy vậy mà Dực lại mê hát như điên nên đến nhà ai cũng đòi biểu diễn, theo dõi ánh mắt của họ là tôi đã muốn độn thổ rồi.

Tôi đâm ra ghét cái dàn Karaoke và hối hận lắm lắm. Nhưng chưa hết đâu, một hôm xớn xác vừa bước chân vào nhà tôi nghe được câu nàng gọi cho bạn:
“Alo, Hằng hả, Diễm đây”. Diễm đâu phải vợ tôi, ai có giọng nói giống vậy? Tôi tá hỏa, lùi ra nhìn kỹ số nhà chỉ sợ đi lạc vào nhà người khác thì đổ nợ! Đúng là nhà mình mà, chết mất thôi!

Trời ạ, sau một buổi tiệc cưới về, nàng còn bắt chước người ta đòi đi hát nhạc “sống” nữa mới khổ thân tôi chứ! Hóa ra mục đích của việc đổi tên Diễm là có lý do. Nàng sửa soạn trở thành ca sĩ đây! Tôi cũng chiều, bèn tìm chỗ cho nàng đi học luyện âm mong sao khá hơn được tí nào chăng, về đến nhà là Dực say sưa tập luyện có khi bỏ đói cha con tôi luôn. Hàng xóm lại khốn khổ vì suốt ngày nghe những âm thanh như ma kêu quỷ hờn, tôi cố gắng o bế thân thiện với họ vì chỉ sợ một ngày nào đó Cảnh sát đến gõ cửa nhà … Cả ông thầy dạy nhạc cũng phải chạy luôn vì suốt cả năm trời học hành rồi mà kệ thầy muốn đàn ra sao, Dực cứ ngây thơ tự biên tự diễn, gào tướng lên cái giọng như bị ai bóp cổ để lên xuống vào ra giữa những nốt nhạc và giai điệu. Trong khi người khác thì tiến nhanh tiến vững chắc vùn vụt qua mặt nàng xa lắc xa lơ, Dực mắng như tát nước vào mặt thầy khi ông ấy cứ bắt tập đi tập lại mãi có một bài, thầy đành bảo tôi về nhà tự dạy cho vợ đi! Nếu “dạy” nàng được thì đâu đến nỗi… Lắm khi tôi phải tìm chuyện khôi hài có ẩn ý, may ra cô vợ yêu quý của tôi  xì tốp bớt máu đam mê:

               “ Mấy bà hàng xóm thật độc mồm độc miệng, anh đã nói rõ với họ là em hát chỉ để giết thời gian mà họ không tin, cứ nói linh tinh…”
Nàng đang uống nước, tí nữa thì chết sặc: “Họ nói gì thế?”
Tôi đằng hắng dò xét phản ứng của Dực, để cho nàng sốt ruột  rồi mới thu hết can đảm nói thật nhanh:
            “Họ bảo hát hò như em là … giết nhiều thứ chứ đâu phải giết thời gian!”
            Sợ nàng sẽ hỏi tiếp ý nghĩa và nổi tam bành nếu hiểu rõ câu nói trên, tôi vội khỏa lấp:
            “Mấy bà này không biết thưởng thức âm nhạc chút nào, thôi kệ họ đi em”

Dực khoái chí cười sung sướng, đâu lại hoàn đấy!  Tôi đành chào thua, thôi thì … con dại
cái mang. Thằng con trai đã dọn ra ở riêng, chỉ có mình tôi chịu trận vì trót dại yêu em!  Tôi âm thầm một mình lải nhải: “Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp lỡ làng”. Tôi đau khổ gào to lên (chỉ mình tôi nghe thôi) :”Giết người đi, giết người đi…”(Nhạc PD)

Quả đáng tội, có lẽ Dực sinh ra dưới ngôi sao.. chỉ huy. Từ thời con gái chỉ vì quá khôn lanh
nên có thói quen là người nắm hết quyền hành trong nhóm và không muốn nghe bất cứ sự phản đối nào. Bây giờ nàng đem áp dụng với chồng con hay bạn bè, khi cần tranh luận việc gì thì luôn luôn Dực cãi đến khi mọi người phải tuân theo mới chịu, nếu không thì nàng ra mặt giận hờn. Vợ tôi có thêm cá tánh đặc biệt rất dễ thương, nàng mà thích ai thì hết sức nhiệt thành nâng đỡ khen tặng, ra sức lôi kéo tất cả mọi người cùng theo người đó, và ngược lại đã ghét ai thì cả tông ti  họ hàng người ta cũng khó sống yên được với Dực dù họ chưa hề đụng chạm gì. Chỉ vì nàng thấy cái bản mặt người này “dễ ghét” thôi, mà số người nàng ưa chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ nhiều nhặn gì, lại còn thay đổi người luôn cho mới lạ. Càng lớn tuổi thì những bản tánh đặc biệt này của Dực càng tăng chứ không hề giảm đi chút nào. Tiếc thay lần hồi tôi cũng đã có phần nào bị nhiễm, cũng hay nói hùa theo dù sau đó lại tự xấu hổ vì cảm thấy mình không xứng đáng là một đấng trượng phu tí nào. Nhưng đối với tôi, “Nhất vợ nhì trời” đã thành câu châm ngôn nên thôi cứ để mọi chuyện thuận theo ý Dực cho yên cửa yên nhà. Có vậy tôi mới nhìn thấy được nụ cười trên đôi môi quai chảo của người vợ yêu qúy bé bỏng, hơn nữa nhờ thế tôi sẽ được yên thân không bị rầy rà đến nhức đầu!  Ngược lại Dực tỏ ra thương yêu và sẵn sàng binh vực chồng con hết mực đến mù quáng nên tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Có phải hạnh phúc đều tùy theo sự chọn lựa của mỗi người ?
 Vài hôm trước đây thôi, chuyện xảy ra bất ngờ làm thay đổi hết nhân sinh quan cũ của tôi.

“ Sao dạo này tui thấy ông ăn mặc chỉnh tề quá dzậy?

Tôi ngừng tay quay lại ngạc nhiên:
“Ra ngoài thì mình cũng phải chỉnh chu chứ em, anh vẫn thường mặc như thế mà?”

Nàng thay câu hỏi khác cho câu trả lời:              
“ Nhưng tui đã bắt gặp ông cười nói với bà Cam rồi đó nhen, tui không thích bả”

Tôi cố giải thích:
“ Vì phép lịch sự khi chào hỏi thôi mà, đâu có liên quan tới thích hay không thích người ta?

Nàng vẫn ngoan cố chống chế một cách vô lý:                                   
“ Bả làm phách, thấy tui mà không chào, tui không ưa”

Tôi vẫn từ tốn:  “ Dzậy em có chào người ta trước không?”

Nàng đột ngột hét bên tai làm tôi giật mình:
“ Tui ghét mấy người phụ nữ độc thân, mắc gì lúc nào cũng ăn diện cho đẹp để chi vậy, đi quyến rũ đàn ông hả?, tui không thèm chào”.

Tôi vẫn ôn tồn và lắc đầu ngao ngán:
“Dzậy thì đừng trách người ta không chào mình, mình nhỏ hơn đáng ra phải là người chào trước chớ. Sao lại đi trách ngược ngạo dzậy? Hơn nữa người ta có quyền diện đẹp vì đó là bản năng của đàn bà. Em cũng thích diện đó, hổng lẽ ai ăn mặc đẹp là đi quyến rũ người khác sao,  em vơ đũa cả nắm như thế không tốt đâu. Mà người ta xinh đẹp như vậy thiếu chi người để ý tới, ai thèm ngó ngàng những người như anh mà em ghen tuông chi cho mất công?”
     
“Này ghen này, tui mà thèm ghen hả?”


Bất ngờ đang cầm cuốn sách, nàng vừa hét lớn vừa dơ cao đập xuống tới tấp trên chiếc đầu đã gần như láng bóng trơn tuột của tôi làm tôi đỡ không kịp, choáng váng. Tôi định thần nhìn kỹ người vợ đầu ấp tay gối đã bao nhiêu năm, không phải ngạc nhiên mà là ghê sợ. Khuôn mặt cô ta bây giờ như một con quỷ dữ hiện hình. Đây không phải lần đầu tiên cô ấy tỏ thái độ hung hăng như thế, mỗi khi bị phật ý thì Dực lại lồng lộn lên bất kể đang cầm cái gì trên tay, bất kể đang ở trước mặt bạn bè hay con cái. Khi thì chai nước đang uống dở, lúc thì cái áo, khăn tắm hay tờ báo. Lần nào cũng nhè trên đầu tôi mà đánh xuống, tuy không đau đớn nhưng tôi bị tổn thương trong lòng không ít. Vì tâm niệm tránh sự ồn ào trong gia đình và không muốn cho con cái buồn nên tôi vẫn nín nhịn bỏ qua. Lần này thực sự là quá quắt lắm, Dực đã đi đến mức độ như câu người xưa nói: “Được đàng chân lân đàng đầu”.

 Không nói gì thêm, tôi dằn lòng ôm đầu “máu” đứng lên lẳng lặng vào trong lấy gối ra phòng khách ngủ, quyết phải tìm ra cách gì mới được! Đến nửa đêm vẫn trằn trọc mãi vì khó thở quá làm tôi hắt hơi và ho liên tục. Dạo sau này càng lớn tuổi thì cơn hen suyễn lại trở lại hành hạ tôi liên miên, tôi đã phải kiêng cử đủ thứ thức ăn từ thịt thà, cá mú cho tới cả trứng gà cũng không dám đụng đến. Dực thấy vậy nên tự làm bạn đồng hành cử kiêng chung để tôi khỏi buồn. Thế là hai vợ chồng ăn tuyền rau và các loại hoa quả, đậu hạt, vừa chữa bệnh vừa giảm được sự thừa cân. Đã lâu rồi bệnh tôi đỡ được nhiều lắm, bữa cơm chiều tôi cũng chỉ dùng một thực đơn giản dị như thế thôi mà không hiểu sao.. Cơn ho liên tục khiến hai lá phổi tôi như bị bóp chặt, thân thể bỗng lạnh toát. Tôi run rẩy trở ra bếp pha một ly nước ấm với ít gừng tươi và mật ong uống rồi nằm co ro cho đến giờ phải trở dậy đưa cháu đến trường. Chiếc TV mở sáng đêm chỉ để có tiếng ồn, có lẽ chiếc TV “coi chừng” tôi thì đúng hơn tôi coi “nó”.
                     *** 
                                                  
Tôi bật ngồi dậy, thể xác thanh thản và nhẹ tênh không lực cản, thoắt cái tôi thấy mình đã lơ lửng ở trên cao làm chới với một lúc mới giữ vững được thăng bằng. Từ khoảng không gian trống trải mát rười rượi, nhìn xuống và tôi bỗng thảng thốt…hình như thân thể mình đang nằm bất động trên mặt đất trong tư thế co quắp, ngay dưới chân chiếc xe hơi mở toang cửa đậu trong parking lot khu Nursing home vắng vẻ, ngoài đường xe cộ vẫn đang lưu thông qua lại. Trên tay tôi còn nắm chặt chiếc phone như vừa có cuộc gọi nào cho ai. Tôi bàng hoàng chưa nhớ được chuyện gì đã xảy ra cho bản thân mình,  mới hồi nãy đây tôi vẫn còn lái xe đưa cháu đi học, rồi đến thăm người bạn già nằm trong khu này kia mà? Đang cố định thần để nhớ lại mọi chuyện thì tiếng hét to nghe quen quen đã khiến tôi giật mình. Ai như Dực, vợ yêu quý của tôi cùng thằng con trai tên Phi vừa lái xe đến, Dực vội vàng chạy tới bên xác tôi miệng la chói lói. Sống với vợ mấy chục năm, cứ bị giật mình thon thót vì nghe tiếng nàng hét hoài mà tôi không bị bệnh tim kể cũng là chuyện lạ.

-        “Anh ơi, anh bị làm sao vậy, có ai cứu chồng tôi không?”
-        “ Mau mau gọi 911 đi con ”

Nhìn thấy vợ con luống cuống lo sợ, tôi lại gần cất lời an ủi nhưng chẳng ai trả lời tôi, thậm chí họ không thèm nhìn tôi lần nào mà cứ chăm chăm bên cái xác không hồn kia. Một vài người đến gần đứng ngó. Mấy chiếc xe cấp cứu đến rồi họ mang tôi đi, tiếng còi xe cứu thương hụ liên hồi…tôi lơ lửng trên không theo sát họ. Xe dừng, những người mặc áo blue trắng túa ra đón chiếc băngca chở xác tôi vào phòng cấp cứu, rồi đặt lên một cái bàn vừa đủ chỗ nằm, chung quanh có nhiều dụng cụ y khoa, những bác sĩ cùng y tá trong áo blue trắng với khuôn mặt lo lắng đang bận rộn chạy tới lui, họ cố sức cứu chữa các cho bệnh nhân một cách vất vả.  Lúc đó tất cả thân nhân phải đứng chờ bên ngoài. Từ trên trần nhà tôi thấy rõ mọi việc. Chao ơi, họ giăng kín người tôi những giây nhợ ống nọ ống kia, trên mũi thì chụp một mặt nạ tiếp hơi. Họ cứ tiếp tục hí hoáy trên thân thể tôi mãi chưa xong. Góc kia đang có người bị tai nạn xe thân thể tắm đầy màu đỏ, tôi thấy chóng mặt và kinh hãi nên hét to lên nhưng có ai để ý tới tôi đâu. Tôi muốn rời xa nơi này, thật ra tiếng rên rỉ và bầu không khí ngột ngạt ghê rợn trong phòng khiến tôi muốn tránh đi, tôi vốn yếu tinh thần mà.  Xuyên qua cánh cửa và tôi vụt đi đến gần vợ con. Họ đang nghiêng ngả ngồi dựa vai nhau, chắc vì mệt mỏi lo lắng quá độ… Thôi để họ yên vì tôi biết có làm gì họ cũng không biết đến sự hiện diện của tôi đâu. Tôi lang thang khắp trong những hành lang yên tịnh sạch sẽ mát rượi, tôi tò mò ghé vào một phòng có hai người nằm cách nhau tấm màn che. Một người đàn bà hình như là người Mễ còn trẻ tuổi to lớn dềnh dàng đang nằm rên la, cô ta bị cưa cụt cả hai chân và một tay đến giữa khuỷu vì bệnh tiểu đường. Tôi buồn rầu thương cảm, không biết cuộc sống mai sau ra sao với thân thể như thế này.  Người nằm phía trong là một ông cụ tóc đã bạc trắng cũng bị tiểu đường và hai mắt đã mờ đục, chỉ bị mất một chân lên tận bẹn đang ngồi cạnh giường. Tôi nhanh chóng rời khỏi căn phòng có hình ảnh đau lòng này.  Tôi thử tìm lên trên lầu xem sao…

 Cuộc thám hiểm bị gián đoạn, tôi ngơ ngác thấy mình đang nằm trên chiếc giường của căn phòng nhỏ nồng nặc mùi thuốc men, chiếc bình oxyzen trên đầu giường thông với mũi miệng tôi qua một đường giây và mặt nạ dưỡng khí. Bên cạnh là vô số máy móc lỉnh kỉnh. Dực đang đứng bên cạnh bù lu bù loa làm cho những bệnh nhân trong phòng chú ý nhìn. Tôi cố gắng đưa tay lên ra hiệu cho nàng im lặng bớt nhưng không nói ra lời. Biết tôi đã tỉnh, Dực càng khóc và lớn tiếng gọi Bác sĩ inh ỏi khiến đầu tôi bưng bưng muốn tiếp tục trốn vào cơn mê. Ánh điện sáng choang soi rõ khuôn mặt vị Bác sĩ cao lớn đẹp người đang tươi cười nhìn tôi. Ông ta hỏi bằng tiếng Anh làm tôi chỉ hiểu lõm bõm, may nhờ có đứa con trai thông dịch lại. Ông ta nói chuyện với con tôi và hỏi là tôi có thường bị chứng (depression) không? Thằng Phi con trai tôi nhìn Dực và tôi ngầm hỏi, tôi tránh ánh mắt nhìn của nàng không trả lời. Thì ra phổi tôi đã yếu sẵn, còn bị viêm đường dẫn khí quản do trầm cảm và buồn phiền điều gì lâu năm dẫn thành bệnh mà không biết. Bệnh này tuy vậy nhưng không nên xem thường. Vị Bác sĩ nói chuyện và dặn dò con tôi điều gì đó trước khi rời chân.
Chắc có lẽ nụ cười đáp tạ giống như mếu của tôi lúc này khiến cho vị Bác sĩ áy náy. Ông lại nhè nhẹ vỗ vai tôi rồi quay lưng bỏ đi.

“Everything will be alright. Please take care”
            “Thanks, sir”

Tôi khoát tay bảo vợ con đi về cho tôi nghỉ ngơi. Dực nhìn tôi nhòe nhoẹt nước mắt, nhưng vẫn lên tiếng trách móc:
“ Nếu hồi hôm anh không ra nằm ngoài ghế sofa thì đâu có bị như dzầy.!”

Tôi không thể và cũng không muốn trả lời nên nhắm mắt lại. Thằng Phi thấy vậy ngoắc mẹ nó ra ngoài thì thào nho nhỏ rồi cả hai mẹ con ra về. Tôi một mình nằm lan man suy nghĩ để nhớ lại mọi chuyện. Thì ra lúc thăm người bạn già trong nursing home xong tôi định lên xe lái về thì bỗng cơn ho lại đến dồn dập khiến tôi thở không được, té nhào xuống đất may mà vừa kịp gọi cho thằng con trai trước khi ngất đi. Tôi suy nghĩ không biết nên buồn hay nên vui vì vừa được cứu thoát.  
         Biết buổi tối Dực lại vào thăm, tôi nhắm mắt nằm im giả ngủ. Nhưng nàng đã ra sức cố bắt tôi phải mở mắt ra nhìn, mũi miệng tôi vẫn còn bị bịt kín nên khỏi phải trả lời trước những câu nói lèm bèm của nàng. Không biết từ lúc nào tôi đâm ra không thích có vợ bên cạnh. Dực nhè nhẹ lau mặt mũi tay chân cho tôi, tôi bất động không tỏ ra phản ứng gì. Suốt bao nhiêu năm nay tôi mới nhận được sự nhẹ nhàng này của vợ, trong lòng cảm thấy sung sướng và có chút cảm động nhưng nét mặt cứ tỉnh bơ. Nàng thao thao bất tuyệt kể lể con cà con kê, cả dùng sách lược nước mắt lưng tròng cho tôi thương xót tình nàng nữa chứ, nhưng Dực vẫn nhất định không chịu nói câu gì tỏ ra hối hận. Được một lúc lâu, chợt nhận ra đang đụng vào tảng băng lờ của tôi nên Dực im lặng đưa mắt ngó chăm chăm tôi dò xét. Tôi áp dụng bài tình vờ càng điêu luyện hơn, mặt cứ trơ ra không cảm xúc và hai mắt ngó thẳng lên trần nhà như mải tìm kiếm điều gì quan trọng lắm. Chắc nàng tưởng tôi đang tìm vần thơ như hồi hai đứa chưa lấy nhau chăng, nguồn cảm hứng ấy trong tôi đã cụt mất từ lâu lắm rồi, từ dạo nàng mới về … canh cặp xét ví của tôi cơ. Mà thật vậy, làm sao tôi có cảm hứng xuất thành thơ được trước một dung nhan chẳng có chút thơ mộng nào. Đã thế lại còn… Tôi tự trách bản thân mình quá nhu nhược để nàng cướp mất quyền làm chủ (nhà),  như thằng Trung Cộng cướp đất cướp biển của VN cũng là do mấy tên lãnh đạo ngu dốt hèn mạt đó. Dân chống đối Trung Cộng thì CA đánh đập tàn nhẫn rồi bắt giam có khi mất xác trong đồn, dân biển bị đuổi giết và cướp sạch nguồn lợi mà chẳng biết làm sao. Giặc đã vào nhà ăn dầm ở dề và sinh con đẻ cháu rồi, muốn đuổi đâu phải dễ dàng. Thế nào cũng còn để lại gốc rễ xấu, và tôi cũng thế thôi! Chao ôi là tức cho thân trai, dù gì mẹ tôi cũng mất bao công lao nuôi nấng tẩm bổ và thương yêu lo lắng. Bây giờ bà không còn nữa, chứ nếu nhìn thấy thảm cảnh của tôi chắc mẹ đau khổ còn hơn tôi lúc này. Nghĩ tới mẹ làm tôi bỗng thương cảm tuôn ra những giọt nước mắt nóng hổi. Tôi là đứa con bất hiếu quá, chưa một ngày phụng dưỡng để đền đáp công ơn. Ngày bà còn sống tôi cũng không để ý tới cảm xúc của mẹ, mà Dực lại càng tệ hơn nữa. Nàng luôn phản đối về cách bà chăm sóc con cháu và đố kỵ với mẹ chồng, dèm pha chê trách đủ thứ. Tôi mê mải với hạnh phúc riêng mình và quá chiều vợ nên cứ im lặng dù biết rõ hành động của nàng là sai. Chắc là mẹ buồn lắm mà không nói ra thôi! Hèn gì khi tôi bảo lãnh mà mẹ không đi theo, bà nói muốn ở lại với mồ mả ông bà… Ngày mẹ mất tôi không về kịp, chỉ gởi tiền về làm đám vì vợ bảo nàng đang đi làm không xin nghỉ phép được mà lại không muốn cho tôi về một mình. Đứa con độc nhất mà mẹ cưng chiều đã trở nên vô tình như thế đó, và bây giờ đến cuối đời tôi mới nhận ra, chỉ có mẹ mới là người thương yêu và hy sinh tất cả để lo cho tôi chu đáo nhất.  Tôi đã làm gì vậy, Mẹ ơi, hãy tha tội bất hiếu cho con!

            Nước mắt tôi tuôn ra không ngừng,  tôi nấc lên từng cơn như chưa bao giờ được khóc.. Dực ngạc nhiên giây lát, chợt nàng vòng tay ôm lấy tôi rồi cũng tấm tức khóc theo, nhưng chắc chắn hai ý nghĩa không đồng điệu. Dực không bao giờ hiểu nổi một tâm hồn nhạy cảm như tôi, cuộc sống của nàng luôn đánh giá bằng sự cân đo đong đếm qua từng con số thực tế. Tôi cũng mù quáng lao theo ý thích của vợ mấy mươi năm ròng rồi. Tôi thấy mình nhục nhã quá chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai nữa. Tôi nấc lên, tự nhiên tim tôi lại đau nhói khủng khiếp, hai lá phổi như bị bàn tay vô hình bóp đến ngộp thở. Tôi ôm ngực nhăn nhó ho và ho liên tục đến bật cả mặt nạ dưỡng khí trên mũi mồm ra, có tiếng của Dực hét lớn bên tai gọi Bác sĩ … Cơn đau đột

ngột ngưng, bỗng nhiên tôi thấy mình một lần nữa đang lơ lửng trên cao nhìn xuống ở dưới xem mọi người chộn rộn lăng xăng, họ lại hối hả đẩy tôi đi qua căn phòng khác. Tôi chán nhìn thấy cảnh buồn bã ở đây rồi, ngay cả khuôn mặt vợ. Lần này tôi vượt qua cánh cửa và lướt nhẹ lên cao, một đám mây bay ngang qua che lấp mọi vật dưới đất, tự nhiên hấp lực của việc được một mình đi khám phá thế giới bao la kỳ bí trước mặt khiến tôi rời xa hướng Bệnh Viện. Thật quái lạ, tôi không cần vận dụng đến sức lực chút nào, và bàn chân vẫn chưa nhúc nhích mà mới chỉ nghĩ mình muốn đi tới càng xa càng tốt, thế là tôi lướt đi như bay giữa đám mây bềnh bồng mềm mại.  Khoảng chân không như vô tận trước mắt cho tôi cảm giác vừa thoải mái vừa pha lẫn tò mò. Sự sung sướng như rạo rực cả tim gan, tôi không biết dùng từ gì để diễn tả. Cuộc đời tôi đã trải qua bảy chục niên kỷ, cũng là lần đầu tôi cảm nhận được sự thích thú bay lượn theo cách hình dung của người đời xưa nay: “cưỡi mây đạp gió” như hằng mong mỏi. Đúng thế, tôi đang một mình ở giữa đám mây trôi nổi trên lưng chừng trời. Chung quanh yên tịnh chỉ nghe tiếng gió thổi nhè nhẹ làm chao động làn mây bao chung quanh, đem theo hơi lành lạnh dễ chịu. Tôi cứ lướt đi, đi mãi giữa bầu trời mênh mông bát ngát như vô tận không biết bao lâu, đã vượt qua bao nhiêu đồi núi xanh tươi, những bãi sa mạc trắng xóa khô cằn, những bờ biển bạt ngàn sóng vỗ, và ngay cả nhiều đô thị sầm uất đầy xe cộ tấp nập cùng hàng trăm ngàn ngôi nhà cao tầng chót vót… Thật là yên tịnh, dễ chịu quá, thỉnh thoảng chỉ có vài cánh chim đồng hành với tôi được một đoạn rồi tách ra hướng khác. Những đám mây mang nhiều hình thù tạo cho trí tưởng tượng của tôi thêm phong phú, ước gì có được điều kỳ diệu như trong sách vở thời thơ ấu, trong phim ảnh hay trong truyện kiếm hiệp đã từng xem. Ước gì trên này có chỗ trú chân thì tôi sẽ tình nguyện không trở về trái đất nữa. Tôi yêu bầu không khí thanh tịnh và trong lành này quá! Gió và hơi lạnh cứ phả vào mặt mũi cay xè làm nước mắt tôi nhỏ xuống long lanh, tôi nhắm mắt lại thả lỏng cho thể xác và tâm trí bềnh bồng.

 “ Anh Đẹt ơi, anh đừng bỏ em nghen, tỉnh dậy đi . Sao anh ngủ lâu dzậy?” 
         Một bên vai tôi có người lay mạnh, tôi cố gắng mở mắt ra nhìn. Vợ con và cả thằng cháu nhỏ đang ở chung quanh tôi. Khi nghe nói tôi đã mê mệt trong giấc ngủ cả ngày dài, đột nhiên tôi mơ ước được tiếp tục như thế chứ đừng thức dậy nữa. Tôi vẫn phải thở bằng dưỡng khí, nhìn con trai và đứa cháu nội bé bỏng mà đau quặn cả ruột gan. Thằng bé nhào tới đòi ôm tôi nhưng cha nó giữ chặt lại. Tôi cười méo mó trong chiếc mặt nạ che hết nửa mặt, đưa tay nắm lấy bàn tay bé xíu dễ thương của cháu bóp nhẹ. Nó líu lo:
         “Ông nội mau về chơi với con rồi chở con đi học nha, đừng nằm đây nữa. Không có ông còn buồn lắm”
         Vị Bác Sĩ đã trở lại, ông cười nhìn tôi:
            “Take it easy, you will be well very quickly. However, you have to stay a few more days. We need to make sure.  Okay?”

         Sau thêm 3 ngày nữa tôi được xuất viện, lần này tôi mới hiểu sức lực của tôi đã đến hồi cạn kiệt mất rồi. Nếu không có biện pháp gì thì chắc tôi phải cầu xin ông Diêm Vương mau mau đến rước tôi đi cho yên thân! Về tới nhà, đợi cơm nước xong xuôi tôi mới gọi vợ con lại để nói chuyện. Thấy vẻ khác thường của tôi Dực cũng hơi e ngại, lần đầu tiên tôi nhận ra dáng điệu  khép nép một cách đến buồn cười của nàng. Có lẽ tác dụng những giọt nước mắt của tôi đã thấm, hay con tôi đã theo lời dặn của Bác sĩ mà giải thích gì đó cho mẹ nó.…Tôi cố thu hết can đảm nghiêm nét mặt rồi đằng hắng lấy giọng trước khi vào đề:

         “Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, cuộc sống nay còn mai mất không ai biết trước được nên tôi có mấy điều dặn dò hai mẹ con. Tôi đã sống tròn bổn phận với gia đình, không còn gì để nuối tiếc. Bây giờ nếu bất ngờ một ngày nào đó tôi nhắm mắt xuôi tay thì đừng có đau khổ làm gì. Cứ rải tro cốt tôi ra biển, rồi mẹ con tùy mà sống.”
        Hướng về con trai, tôi nhấn mạnh:
        “ Vợ chồng con cố gắng giữ sự tương kính với nhau,  đừng sử dụng thái độ lấn lướt quá
đáng thì mới hạnh phúc được, và hãy trọn đạo hiếu thảo với cha mẹ vợ của con. Hãy nhớ lời ba: “Sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, câu này không sai đâu con. Con cái của con sẽ nhìn những hành động của các con làm mà trả lại sau này. Đừng để tánh sân si ganh tị làm mờ hết lương tri, cái “tôi” của mình chỉ như hạt cát đối với vũ trụ. “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” con ạ. Nên sống sao cho chan hòa, tập tánh nhường nhịn, bất cứ đối với gia đình, anh em hoặc xã hội,  sống có tình có nghĩa với nhau thì không cần phải hối hận lúc đã rời xa.”

            Thằng Phi nhìn tôi hiểu ý lời nhắn này chủ yếu là dành cho mẹ nó, nhưng sợ mà không dám nói, chỉ cúi đầu “Dạ” với đôi mắt buồn buồn. Vợ tôi không la khóc ồn ào như thường lệ, mà lại bên cầm tay tôi rồi nghẹn ngào thốt ra câu nói nhẹ nhàng làm cha con tôi ngạc nhiên, tuy nhiên cũng không bỏ được hàm ý trách móc:

    “Ông nói gì như lời trăn trối dzậy, không có ông làm sao tui sống được,  tui đã hối hận lắm
rồi. Ông đừng buồn tui nữa mà hãy mau khỏe lại đi nha.”
Nàng vừa nói xong liền òa lên khóc rưng rức, tiếng khóc của lòng biết lỗi ư, chưa bao giờ có chuyện này trước đây! Cha con tôi nhìn nhau ngầm chia sẻ, căn nhà đang u ám bỗng như có ánh bình mình rọi vào cho bừng lên sinh khí mới.

         Tôi nhắm mắt cố giữ im lặng nhưng trong lòng cười thầm, hóa ra Dực cũng biết giá trị của ông chồng già này sao? Hình như từ trong điều rủi lại gặp điều may cũng nên, và sau chuyến thập tử nhất sinh này tôi đã học hỏi được một điều quan trọng. Tôi biết mình không thể đòi hỏi ở sự hoàn hảo của mọi người, vì chính bản thân cũng còn nhiều điều thiếu sót. Hơn nữa hành động nào của một người cũng đều liên đới hay phát xuất từ một người khác. Biết đâu do sự nhu nhược quá của tôi mà hình thành một cô vợ như Dực? Chợt nhớ ngày xưa tôi đã được đọc một cuốn sách do Nguyễn Hiến Lê dịch lại, tác giả hình như là người Đức gốc Do Thái tên Luise Rinse đã viết lại đời mình trong tác phẩm “ Chấp Nhận Cuộc Đời ”. Bà từng có một cuộc sống vô cùng chìm nổi tưởng chừng bị xử tử trong tay Đức quốc Xã, một đời chồng chết, một đời ly dị, chín lần dọn khỏi những căn nhà do chính sự gian lao của mình mới tạo dưng được. Cuối cùng phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực nơi xứ Ý… Một người đàn bà đã phải chịu nhiều cuộc khủng hoảng về tinh thần như thế mà vẫn can đảm vượt qua, vẫn tìm ra được một nhân sinh quan không bi lụy mà cũng không lạc quan dễ dãi để sống tiếp một cuộc đời có ý nghĩa. Huống chi thân tôi có đáng gì để so sánh?

         Giá mà từ lâu tôi được đọc cuốn sách nào chỉ cho cách ứng phó với người có cá tánh đặc biệt như vợ tôi, hay tôi có đủ can đảm hơn thì đâu đến nỗi! Cũng mong rằng mọi người đều được hạnh phúc trọn vẹn ngay từ thuở ban đầu chứ không phải như tôi để muộn màng và xém mất cả mạng mới thức tỉnh, phí mất bao nhiêu năm tháng. Suy đi nghĩ lại, tôi đúng là người đàn ông thất bại đáng trách!

Nhã Giang Thu Tâm

(Tất cả hình ảnh đều lấy từ Internet để minh họa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét