Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

BIỂN CHẾT - CÁ CHẾT VÀ QUÊ HƯƠNG TÔI - Nguyễn Thị Thanh Bình (DLB)




Vạn cá chết chất đầy trong biển nhớ
Biển cạn rồi, sóng lỗi nhịp bình yên
Đời cát bỏng, ngư dân sao bám biển
Bao tàu lạ còn tập bắn ngoài khơi -
<!>






TIỀN PHÚNG ĐIẾU

Trần Quốc Việt

Năm trăm triệu đô là tiền làm con đường đến địa ngục.

Hàng triệu người mất sinh kế gần như vĩnh viễn. Hàng trăm ngàn gia đình ly tán vì cha mẹ phải tha phương cầu thực. Tương lai của đa phần con cái họ là xấp vé số trên tay em bé, là những giọt lệ tuôn chảy không ngừng trong lòng thiếu nữ đương xuân trong vòng tay của bao khách làng chơi, là tủi nhục dâng trào thầm lặng theo từng giọt mồ hôi rơi trên lưng còng của người thanh niên trai tráng làm công trên xứ người.


Những bệnh viện ung thư rồi sẽ sớm bắt đầu mọc lên trên khắp nước để chữa trị vô vọng cho rất nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Hình ảnh địa ngục ở âm ty được tái hiện phần nào ở những nơi này qua hình ảnh dị dạng, khuyết tật, kinh hoàng của những người nghèo đã phải ăn cá, nước mắm, và muối bị nhiễm độc để qua cơn đói thèm. Họ nằm đấy chen chúc nhau trong các phòng và dọc theo hành lang của những địa ngục trần thế này

Mùa hè trên biển mất vĩnh viễn. Sóng biển vỗ vào bờ hoang vắng thiếu tiếng cười đùa của trẻ thơ và cha mẹ. Biển hiền lành bình an đầy gợi tưởng và mơ mộng giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Biển và người đã mất đi mùa hè cuối cùng.

Tâm hồn con người ngày càng vô cảm và chai sạn khi phải quay lưng lại với biển. Biển chết, sông hồ chết, rừng chết tất cả đưa đến cái chết tất yếu của tâm hồn, đạo lý và cả lương tâm con người. Cửa vào tầng đầu địa ngục bắt đầu từ đây khi xã hội chìm đắm trong mông muội đang trở về.

Đảng Ác từ lâu đã phác thảo và xây dựng nên con đường dẫn đến địa ngục này. Formosa hôm nay chỉ cấp vốn cho họ làm tiếp đoạn đường cuối cùng đến cổng địa ngục.

Sẽ còn rất nhiều Formosa môi trường và chính trị khác để giúp Đảng làm tiếp những tầng địa ngục bên trong để chờ đón những người Việt cuối cùng.

Cuộc xếp hàng đi vào số phận đã bắt đầu.

01.07.2016
Trần Quốc Việt


Trả lại biển sạch 

chứ không nhận tiền.

Dựa vào đâu mà Formosa bồi thường 500 triệu USD? Nhà cầm quyền đồng ý nhận tiền để làm gì??? 



Dựa vào đâu mà Formosa bồi thường 500 triệu USD? Nhà cầm quyền đồng ý nhận tiền để làm gì???

Điều dân tôi quan tâm là:

1- Đưa những kẻ chức sắc vô trách nhiệm ra hầu toà

2- Cô lập, cách ly nguồn độc hại- Đóng cửa Formosa.

3- Formosa phải tự mời các công ty chuyên về môi trường của quốc tế để lên kế hoạch "giải độc" trả lại sự an toàn cho vùng biển bị ảnh hưởng 

4- Đánh giá và theo dõi sức khoẻ của nhũng người dân sống trong khu vực bị ô nhiễm. 

5- Kế hoạch cung cấp hải sản an toàn cho dân trong khi chờ đợi làm sạch biển.

6- Bồi thường thiệt hại về sức khoẻ và kế hoạch nghề nghiệp cho ngư dân. 

7- Để các bước xử lý hậu thảm hoạ hiệu quả phải có sự giám sát độc lập của bên thứ 3. 

Nếu không làm được thì chính phủ không có lý do gì tồn tại vì sự tồn vong và sức khoẻ giống nòi.


Lê Công Định -

Ai có quyền xác định thiệt hại 

và ấn định mức giá bồi thường?


Trong thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ - cơ quan hành pháp - đã uỷ quyền cho hai bộ phận trực thuộc mình là Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an tiến hành điều tra nguyên nhân và xác minh thủ phạm. 
Ls Lê Công Định
Khi xảy ra một hành vi có dấu hiệu phạm pháp, việc điều tra xác minh thuộc về một cơ quan chuyên trách thuộc ngành hành pháp.

Trong thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ - cơ quan hành pháp - đã uỷ quyền cho hai bộ phận trực thuộc mình là Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an tiến hành điều tra nguyên nhân và xác minh thủ phạm.

Do tính chất nghiêm trọng của thảm hoạ này, chắc chắn thủ tục điều tra không chỉ dừng ở cấp độ xem xét xử phạt vi phạm hành chính đơn thuần, mà xa hơn phải khởi tố vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự.
Tất nhiên, theo Bộ Luật Hình Sự hiện hành, pháp nhân thương mại như Formosa không phải chịu trách nhiệm hình sự để bị khởi tố bị can, nhưng hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị khởi tố vụ án để Toà án xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.

Không hiểu vì sao nhà cầm quyền lại bỏ qua thủ tục tố tụng hình sự lẽ ra phải được khởi động một cách đương nhiên này? Đây là nghi vấn thứ nhất.

Kế tiếp, nếu tuân thủ đúng thủ tục tố tụng hình sự luật định tại Việt Nam, sau khi có kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát xem cần thiết hay không truy tố hành vi phạm pháp ra trước Toà án.

Dựa vào kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện Kiểm sát và yêu cầu của các nạn nhân về bồi thường thiệt hại, chỉ Toà án - cơ quan tư pháp - mới có quyền xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.

Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong 84 ngày kể từ khi xảy ra thảm hoạ cho thấy Chính phủ đã bỏ qua tất cả trình tự luật định cần thiết để tự mình điều tra và kết luận điều tra, qua đó tự mình xác định thiệt hại mà hoàn toàn không tạo điều kiện cho các nạn nhân thảm hoạ chính thức yêu cầu đòi bồi thường, rồi cũng tự mình làm việc riêng với thủ phạm và dễ dàng chấp nhận mức giá bồi thường 500 triệu USD mà thủ phạm đề xuất.

Điều gì đã khiến Chính phủ ngang nhiên vi phạm luật pháp và tự trao cho mình quyền của cơ quan tư pháp là Toà án trong việc xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường 500 triệu USD vừa vội vã, vừa đơn giản, đồng thời bất chấp mọi cơ sở pháp lý và khoa học như vậy? Mặt khác, Chính phủ đã được nhân dân uỷ quyền đại diện thương lượng về việc bồi thường thiệt hại với Formosa hay chưa? Đây là nghi vấn thứ hai.

Bởi lẽ nhà cầm quyền vi phạm luật pháp nghiêm trọng như nêu trên, các nạn nhân của thảm hoạ môi trường vẫn bảo lưu quyền luật định yêu cầu Toà án xét xử vụ án gây ô nhiễm môi trường này để tuyên những bản án công minh ấn định mức giá bồi thường thực tế và thoả đáng, ngõ hầu thực thi công lý.

Chúng tôi vẫn cố tin Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp, nên bất kể nhà cầm quyền tuân thủ pháp luật hay không và bất kể Chính phủ đang nài xin người dân độ lượng đối với hành vi phạm pháp của Formosa, các nạn nhân hãy hành xử quyền khởi kiện đòi bồi thường của mình ra trước cơ quan tư pháp.

Lê Công Định

(FB Lê Công Định)


Lời xin lỗi và sự biện hộ 

của lãnh đạo Formosa khi khoa học lên tiếng

Sau gần 3 tháng nỗ lực vào cuộc điều tra, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan 


Chủ tịch Chen Yuan-cheng của Formosa Hà Tĩnh xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam trong buổi họp báo công bố nguyên nhân gây cá chết hôm 30/6/2016.
Chủ tịch Chen Yuan-cheng của Formosa Hà Tĩnh xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam trong buổi họp báo công bố nguyên nhân gây cá chết hôm 30/6/2016.

Sau gần 3 tháng nỗ lực vào cuộc điều tra, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan, nghi án thảm họa môi trường Vũng Áng đã được kết luận chính thức: Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) chính là thủ phạm, đúng như phán đoán của ngư dân miền Trung và đội ngũ báo chí trong và ngoài nước.
Hẳn người ta chưa thể quên lời biện hộ của ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại Formosa khi trả lời báo chí, một câu lời chẳng khác gì lời “tự thú” : “Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này”. Câu nói của ông làm dư luận cả nước hết sức phẫn nộ. Lãnh đạo Formosa đứng ra xin lỗi và giải thích đó là ý kiến cá nhân của ông Chu Xuân Phàm, sau đó đã sa thải ông ta.
Phạm vi vùng biển cá chết ngày càng lan rộng đến 200 km, từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến Lăng Cô (Huế). Mặc dù ngư dân Hà Tĩnh đã cung cấp thông tin đường ống xả thải ngầm chưa qua xử lý của Formosa ra biển, lãnh đạo công ty này vẫn một mực phủ nhận, đòi phải có “bằng chứng khoa học” về nguyên nhân cá chết.
Khi đoàn điều tra đưa ra bằng chứng, ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa chống chế quanh co rằng do “chập điện” nên có một số ngày không thể vận hành khu xử lý nước thải. Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà chia sẻ với báo Lao Động như sau : “Hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua. Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua. Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì chúng tôi đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành.”
Lãnh đạo Formosa đòi “bằng chứng khoa học”. Và đến nay khoa học đã lên tiếng! Hết đường chối cãi, chiều ngày 30/6/2016, lãnh đạo Formosa đã xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Họ “tha thiết mong muốn người dân Việt Nam rộng lượng tha thứ” vì đã “gây ra sự cố môi trường trong thời gian qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, việc làm của người dân và môi trường biển 4 tỉnh miền trung Việt Nam”.
Trong lời xin lỗi, ông Trần Nguyên Thành, có dùng cụm từ “sự chân thành từ trái tim” (“Chúng tôi mong rằng bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong việc giải quyết sự cố này, chúng tôi sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”). Sự thành thật của ông chắc không ai nghi ngờ, nhưng có điều trong thư ông gửi toàn thể cán bộ, nhân viên công ty Formosa vào sáng ngày 30/6/2016 có sự “tiền hậu bất nhất” (Nội dung lá thư này đã được nhiều báo chính thống đăng tải liền sau đó). Cuối bức thư này có đoạn: “Tôi mong toàn thể cán bộ nhân viên sẽ đoàn kết nhất trí, hiệp lực cùng công ty vượt qua khó khăn này và tiếp tục cùng công ty hoàn thành sứ mệnh xây dựng nhà máy, đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu làm tốt công tác sản xuất và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam, đóng góp to lớn cho ngành công nghiệp hiện đại, tiên tiến nhất tại Việt Nam”.
Thế nhưng trước đó một đoạn, ông Trần Nguyên Thành lại viết:“Trong bất kì tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam”.
Không ai cố ý tìm cớ bắt bẻ, suy diễn lời ông Thành làm gì, nhưng rõ ràng hai đoạn văn trên hoàn toàn mâu thuẫn. Khi thì ông nói “đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, khi thì lại nói “đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu”, thật khó hiểu.
Và đây là một đoạn khác trong bức thư : “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ”. Một từ “thử”, một từ “phụ”, đặc biệt là từ “tôn trọng” sao mà hững hờ! Lẽ ra phải nói là:“Mặc dù đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng đó là sự thật”, nói như vậy mới là thành tâm, hối cãi. Đằng này ông nói có vẻ như ám chỉ kết quả điều tra áp đặt từ một phía. Chẳng lẽ kết quả điều tra của các cơ quan liên ngành Việt Nam chưa thuyết phục ông? Vậy ông đừng nên ký vào biên bản kiểm tra, đừng xin lỗi nhân dân Việt Nam, mà nên mời các nhà khoa học nước ngoài điều tra độc lập.
Đành rằng bức thư của ông Thành chỉ ban hành trong nội bộ công ty Formosa, nhưng phải cần sự thành thật, rõ ràng khi nhận trách nhiệm. Nhân viên công ty Formosa cũng có nhiều người Việt Nam là con em của Hà Tĩnh và nhiều vùng trên cả nước, họ chọn tôm cá trước khi chọn thép.
Người đứng đầu Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, chấp nhận bồi thường 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng). Số tiền đó không thểbù đắp được hết những tổn thất về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường của miền Trung. Hệ lụy “thảm họa môi trường” do Formosa gây ra sẽ rất lâu dài, không dễ chấm dứt trong 5, 7 năm. Hàng trăm tấn cá chết không thể sống lại, trong số đó biết đâu có loài đã tuyệt chủng ? Gần 300 tấn chất độc thải ra biển vẫn còn đó, tan loãng, phát tán ra biển đông, làm sao “phục hồi” như ông Thành nói được ? Không chỉ môi trường sinh thái mà môi trường du lịch, môi trường kinh doanh... cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là chưa kể những chấn động tâm lý, thương tổn niềm tin của nhân dân trước sự cố môi sinh, môi trường chưa từng thấy.
Trong buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết vừa qua, phóng viên hãng tin AP (Hoa Kỳ) đã đặt câu hỏi : “Với vụ việc này có khởi tố vụ án để điều tra hình sự không?”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời: “Việt Nam có câu “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Chính phủ Việt Nam luôn có thái độ rõ ràng về xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời có chính sách khoan hồng, độ lượng để các nhà đầu tư nước ngoài vi phạm mà nhận lỗi thì được xem xét”.
Có thể như thế, nhưng lẽ ra ông Dũng không nên vội vàng khẳng định, hãy để Quốc hội phán quyết hoặc nhân dân quyết định hình thức xử phạt đối với những người đứng đầu Formosa qua hình thức trưng cầu ý dân. Hoặc ít ra, chính phủ cần thăm dò ý kiến nhân dân có nên đình chỉ vĩnh viễn nhà máy thép Vũng Áng hay không, vì người ta hoàn toàn có lỗi. Đối ngoại là chuyện khác. Và không thể nói vì môi trường đầu tư hay cái gì khác, không thể đánh đổi môi trường đất nước vì bất cứ lý do gì. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra là quá nghiêm trọng, không thể chấp nhận và không có cơ sở để tin rằng Formosa sẽ khắc phục môi trường và không để xảy ra sự cố tương tự trong tương lai.
Sau xử phạt Formosa, các cơ quan pháp luật cần phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân rước nhà đầu tư vốn có “tiền án, tiền sự” về môi trường đến Hà Tĩnh, thẩm định dự án, kiểm tra môi trường, giám sát việc xả thải của nhà máy thép này.
Cái cần nhất của ngư dân miền Trung là nguồn lợi thủy sản, môi trường biển và thương hiệu thủy hải sản. Formosa bồi thường 500 triệu USD hay bao nhiêu thì phải ra tòa, pháp luật sẽ phân xử. Pháp luật sẽ phán xét tội danh và hình phạt đối với tập thể lãnh đạo Formosa. Đừng biện hộ lếu láo do quá trình “thử nghiệm” nhà máy, “nhà thầu phụ” hay sự cố “chập điện” gì cả. Đây là vụ án có tính chất hình sự, hãy xử lý theo pháp luật.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Lê Xuân Chiến

Giáo viên Trường Trung học Phổ thông ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét