Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

BẾN MƠ - Truyện ngắn Lê Thị Hoài Niệm

Tin giờ chót được cô Tâm chuyển từ phòng giám học xuống: “Thầy Toàn bị bệnh bất ngờ, nên các em được nghỉ hai giờ chiều nay. Vậy các em có thể ra về nhưng cố gắng giữ trật tự và im lặng để khỏi làm phiền đến các lớp bên cạnh!” Những đôi mắt mở lớn reo vui, những vành môi mím chặt vào nhau để khỏi bật ra tiếng hét mừng rỡ, những cái miệng há hốc chực reo to, những thân người nhỏm dậy muốn nhảy tung ra khỏi lớp. 
<!>
Nhưng tất cả đều cố gắng giữ nguyên trạng thái, chờ cho bóng cô giáo Tâm khuất hẳn sau cánh cửa gỗ mới vỡ òa. Thôi thì tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi bạn, tiếng đế guốc, đế giày của gần năm mươi cô gái thật khó mà “khỏi làm phiền đến lớp bên cạnh!” như lời cô giáo Tâm căn dặn.

          Tuy ngồi ở dãy bàn cuối lớp, nhưng Trang lại nhanh chân thoát ra ngoài thật lẹ: “Thầy cứ bịnh hoài đi, Trang chẳng than phiền chút nào đâu,Trang ghét nhất môn Vật lý của thầy đó, vừa khô khan lại vừa hóc búa. Đã chọn ban A, những tưởng sẽ thoát nợ, không ngờ phải đeo mang một tuần 4 giờ dài đằng đẵng phát chán. Mà đâu riêng gì Trang, mấy đứa bạn trong lớp cũng thường than thở: cố nuốt hoài sao vẫn mắc nghẹn. Hình như chỉ có Nguyên đui và nhóm Bình móm là thích học mà thôi, chắc tại tính tình tụi nó khô khan nên hợp không chừng!” Chân bước lẹ mà đầu óc lại nghĩ lan man, bỗng Trang nghe tiếng gọi giật ngược:

           -Trang! Đi với tụi này không?

            -Đi đâu? Trang hỏi trong lúc quay đầu lại chờ các bạn đến gần.

            -Đi coi “Đỉnh Gió Hú” ở Nha Trang xi-nê! Tụi nó nói phim đó hay lắm. Hoài lên tiếng đề nghị.                                        

            Châu dãy nãy phản đối:

           -Ý hổng được đâu, đến hơn 7 giờ chiều mới tan, về nhà má tao la chết!

            -Hay tụi mình đi ăn Kem Màu Hồng ở Trần Qúy Cáp được hông? Yến lỏn lẻn nhỏ nhẹ hỏi.

            -Nhỏ “ốc tiêu” này! Sao lúc nào mi cũng nghĩ đến kem và cà-rem hết vậy?

            Thấy Yến bị nhỏ Hoài chọc quê, Trang cười hì hì rồi thong thả buông từng tiếng:

           -Tụi mày hổng thích xi-nê, hổng hảo ngọt thì theo ta ra biển, vừa ngồi ngắm phong cảnh hữu tình, lại được ăn cốc ngâm cam thảo, chấm với muối ớt. Chịu hông?

            Nghe đề nghị của Trang có vẻ hấp dẫn, lại tưởng tượng đến những trái cốc vàng hườm, xẻ thành múi, xỏ ngang qua một que tre, được ngâm vào trong thẩu nước cam thảo trong vắt, lấy ra bôi vào tí muối ớt, bỏ vào miệng cắn một miếng, chất chua từ cốc, chất mặn từ muối, cay từ ớt hòa vào nhau, mấy cô đã thấy tuyến nước bọt tiết ra hơi nhiều, nên vội vàng hưởng ứng ngay.                                                      

Bốn chiếc xe đạp mini đưa bốn cô nữ sinh áo trắng rời khỏi cổng trường thong dong rẽ về hướng đường Hàn Thuyên và thẳng lối ra biển. Những vệt nắng xế trưa đổ dài xuống lòng đường lung linh nhảy múa như reo vui, như giục giã những bàn chân xoay đều trên những chiếc pê-đan xe đạp. 

 Tiếng nói cười vang vang trong gió làm giật mình lũ chim sẻ đang trốn nắng trên những cành cây của hàng cổ thụ rợp bóng, chúng vội vàng xoải cánh chuyền sang cành khác, khiến nhiều cành lá rung rinh và những chiếc lá vàng rụng xuống, là đà bay theo cơn gió nhẹ, rồi nhập bọn cùng đồng loại đang nằm từng đống ủ rủ bên đường. 

Phút chốc bãi biển Duy Tân đã trải dài trước mặt. Những cây dừa sai trái, ngả nghiêng xỏa mình trong nắng, những tàu lá vươn dài thành những chiếc dù thiên nhiên che nắng cho du khách vào những lúc xế trưa. Tìm thấy một gốc dừa chưa có người ngồi, bốn cô học trò vội vã tháo guốc, dắt xe chạy ù trên cát về hướng đó. Sau một hồi vất vả khóa xe, tìm chỗ để cặp-táp, lo lắng cho đôi chân, các cô soải mình nằm ngay trên cát, hưởng trọn những cơn gió nhẹ từ ngoài khơi thổi vào, mơn trớn trên làn da, lau khô những giọt mồ hôi vừa đọng trên trên viền mi, chân tóc.

Trang mơ màng nhìn ra biển. Đúng là “sóng yên bể lặng”. Nước biển xanh ngắt một màu, trải dài đến vô tận, xa xa là những chấm nhỏ li ti di động, Trang biết đó là những chiếc thuyền đánh cá mà mỗi chiều về bên Cầu Bóng hoặc dưới Cồn vẫn tấp nập cặp bến. Và những con cá, con mực tươi xanh, đủ loại, đủ cỡ kia sẽ được đem lên chợ Đầm, chợ Xóm Mới, chợ Phường Củi, để người dân Nha Trang tha hồ làm... gỏi cá (tuy có khi không chuyên nghiệp bằng tiệm gỏi cá cầu Hà Ra hoặc Thanh Hải). Trang lại đưa mắt nhìn về hướng Cầu Đá, trên ngọn đồi cao có dinh thự của vị vua cuối cùng nhà Nguyễn: "Dinh Bảo Đại".

 Đã mấy lần Trang theo chân người anh lên thăm nơi đó. Đường đi 1ên đồi quanh co, lòng vòng đến mỏi cả chân mới gặp được “Nhà Rồng”. Không biết con rồng thiệt ra sao, chứ ở đây, rõ ràng người ta đã tận dụng nghệ thuật điêu khắc thật tinh xảo để tạo ra những con rồng uốn lượn trên những lối đi vào dinh. Tuy gọi là dinh nhưng chỉ là khu nhà nghỉ mát nho nhỏ. Trang thích nhất lối đi phía sau, con đường xuống biển, ôi nó đẹp làm sao! Từng bậc, từng bậc đá từ trên đồi cao xếp dài xuống  bãi cát nhỏ, len lỏi luồn lách qua những tàn cây xanh ôm dọc lối đi, những ghềnh đá nhấp nhô bởi những con sóng bạc đầu lăn tăn vỗ nhẹ. Đúng là chỗ nghỉ mát của nhà vua. Đẹp và thơ mộng vô ngần. 

            Mặc cho Trang mơ mộng, bộ máy nói bắt đầu làm việc:

            -Bồ có nghĩ là thầy Toàn bị bệnh thật không? Hoài trở lại câu chuyện với Châu.

            -Tới thăm thầy mới biết, hồi sáng thầy còn dạy ở lớp A2 mà, Châu tiếp 1ời.

            -Hay là hồi trưa thầy ăn nhiều quá nên bị... trúng thực?

            -Thầy có bị trúng thực, trúng độc, trúng gió gì thì tụi mình sẽ đến thăm sau. Bữa nay được nghỉ 2 giờ là trúng... số rồi! 

            -Nghỉ học hoài, cuối năm đi thi không trúng cử thì có nước trúng đòn!

             Quay lại thấy Yến cứ giở từng trang tập vở, Hoài tò mò:     

            -Nhỏ “ốc tiêu”! Mày đang tìm cái gì vậy?

            -Tìm tiền đi mua cốc, Yến nhớ bỏ tiền trong vở mà hổng biết cuốn nào, nãy giờ tìm mãi không thấy.

            -Chớ hổng phải ăn hàng hết rồi sao? Còn làm bộ... kiếm! Châu xía miệng vào.

            -Hổng có tiền thì lục cặp nhỏ Trang mà lấy. Hoài đề nghị.

            Nói xong, cô nàng nhanh nhẩu lôi cặp-táp của Trang về phía mình và mở vội ngăn kéo, có hơn 10 đồng nằm chễm chệ nơi đó, ba cô che miệng khúc khích cười, nhưng hình như Trang không hề hay biết gì cả.

           Đạp mạnh vào chân Trang, Châu nói như hét vào tai bạn:

            -Trang, mày đang làm gì vậy? 

            Thót mình một cái, quay lại bạn Trang đáp cộc lốc:

            -Làm thơ!

           Hoài và Yến vừa dợm bước đi, vội dừng lại, sà vào chỗ cũ, hỏi tới tấp:

           -Bộ mày cũng biết làm thơ hả? Nói thật hay chơi vậy? Yến tò mò hỏi bạn.

           -Bồ làm được thơ gì, đọc cho tụi tao nghe thử đi! Hoài đề nghị.

           Trang lên giọng:

           -Tên nào chịu khó lấy giấy bút ra ghi chép để còn... lưu lại cho hậu thế. Kẻo không thơ của tao nó tan loãng vào không khí thì phí quá!

           Châu lẹ làng mở cặp táp, rút cây bút chì và tập giấy nháp rồi giục bạn:

           -Rồi, đọc lẹ lên đi nàng thơ!

           Trang ngồi ngay dậy, hai tay bó lấy đầu gối, tằng hắng lên giọng, trước khi cất tiếng:

                        “Chiều nay được nghỉ hai giờ

                  Tại thầy... đau bụng bất ngờ đó thôi!

                          Bốn nàng con gái lẻ loi

                  Kéo nhau ra biển mà ngồi ngó quanh

                         Nước trời cùng một màu xanh

                  Trừ mây màu trắng, áo anh  màu vàng!”

           Thấy Trang dừng hơi lâu, Hoài nhắc bạn:

            -Đọc tiếp đi!

            -Hết rồi, lấy gì đọc nữa!

            Trang đáp tỉnh bơ, khiến ba cô gái cùng phá ra cười ha hả, những tiếng cười thật giòn. Yến cố nói trong tiếng cười:

            -Thơ mày chắc được xếp vào loại... ễnh ương!

            -Thơ ta có niêm luật đàng hoàng, gieo vần thì ăn đứt thể thơ lục bát đó à nha!

            -Ừ! Thì coi như cú pháp gì gì đó có đi, nhưng ý thơ  ta nghe không ổn tí nào. Sao có cái vụ bốn nàng con gái lẻ loi ở trỏng? Rồi đang tả trời-mây-nước, lại chen cái vụ áo anh màu vàng vô chi vậy?

           -Tụi mày thông minh mà chậm hiểu thấy mồ đi! Bộ bốn đứa mình không lẻ loi đây sao? Còn cái vụ kia hả? bí quá thì phải đi tìm chữ điền vào khoảng trống cho đúng vận chứ, mà coi kìa, bộ hai tên đó không phải áo vàng sao?

           Trang đưa tay chỉ về hướng hai chàng sinh viên sĩ quan Không Quân đang ngồi bên bàn nước trong quán.

           -Sao bữa nay mới chiều thứ Sáu mà hai tên đó xuất trại được tụi mày nhỉ? Yến tò mò hỏi.

           -Ai mà biết được, có thắc mắc thì lại đàng đó mà hỏi, luôn tiện xin chữ ký đi!

           -Ở thành phố mình có tới mấy quân trường lận, ta mà đi xin chữ ký, chắc phải cất nhà kho để chứa, ai mà thèm.

           Châu buột miệng:

            -Ồ nghĩ cũng vui, hổng biết ai là người đầu tiên sáng lập ra mấy cái quân trường Hải quân, Không quân, Đồng Đế, chắc hồi đó mấy ổng... mê Nha Trang dữ lắm há? báo hại ngày hôm nay hễ mỗi lần ta ra cửa là thấy lính.

            -Cả nhỏ Yến lẫn nhỏ Châu đều vô duyên hết, người ta vào lính là để đi chống giặc, chứ đâu có phải để cho chúng mày làm thơ, rồi bàn tán nọ kia. Nhỏ Yến có đi mua trái cốc với ta không nào?

            Yến bị Hoài sửa lưng nên chỉ biết cười trừ, rồi kéo tay bạn chạy băng trên cát. Trang lại trở về vị thế ngã người lúc ban đầu và chăm chú theo dõi cô bé con đang rượt đuổi bắt mấy con còng làm hang dưới cát, trong khi Châu lôi từ trong cặp-táp ra quyển tạp chí “Tiểu Thuyết Thứ Năm” và chúi đầu vào đọc.

             Bỗng Châu bật cười hích hích, đập tay vào vai Trang.

            -Trang! Trang! Đọc mục này coi, tức cười quá chịu không nổi.

            -Mục gì vậy? Trang lơ đểnh hỏi.

            -Tìm bạn bốn phương!

            -Hả?

            Trang bật ngồi dậy như cái 1ò xo, ngó chăm chăm vào Châu hỏi dồn: 

           -Nhà ngươi "nghiên cứu" mục đó từ hồi nào vậy?

           -Mới 30 giây thôi, nhịn cười không được nên mới gọi bồ đó!

           -Đâu đâu? Đưa đây đọc coi!

           Hai cô chụm đầu vào nhau mà đọc, rồi lại rúc rích cười, đến nỗi Hoài và Yến trở lại mà vẫn không hay.

            -Ê! Tụi mày coi cái gì mà vui dữ vậy? Yến tò mò.

            -Muốn nghe không? Châu hỏi.

            -Đọc lẹ lên đi còn bày đặt hỏi lại. Hòai thúc bạn trong khi Châu tằng hắng lên giọng:

            -Mở màng nhĩ mà nghe đây: “Thanh niên được miễn dịch vĩnh viễn, có thừa mọi điều kiện, hiện là đối tượng của nhiều cô gái ở đây (Trai thiếu gái thừa mà) nhưng lại thích kết bạn với các cô ở miền Thùy Dương Cát Trắng còn trong lứa tuổi học trò. Cô nào cảm thấy mình thật hoàn toàn về tất cả mọi phương diện, hãy biên thư về: Trần Đại - Số 999999… Công Lý, Sài Gòn. Nếu hợp sẽ tiến xa hơnthư bắt buộc phải kèm ảnh, không hội đủ điều kiện xin miễn và cũng không trả lời thư đến muộn.”

            -Ha ha ha! Tên này phải là con cháu hay họ hàng gì của... Tổng thống đây. Chỉ có con Vua cháu Chúa hồi xưa hoặc “COCC” cỡ bự bây giờ mới có cái giọng phách lối  như vậy? Yến trề môi.                      

            -Theo Trang thì tên này nếu không lé, lác thì cũng mù hay chột một mắt, nên hắn nhìn đời có một con mắt mà thôi.

            -Còn bày đặt lấy tên Trần Đại, giống Đại Ca Thay trong tiểu thuyết D.A chắc? Hổng chừng hắn cao cỡ anh hề T. L. là ít. Hoài chêm vô.                                                   
            -Nhưng chắc một điều là hắn phải thuộc loại...bất bình thường rồi đó, nên mới được cấp giấy miễn dịch vĩnh viễn chứ! Trang vẫn còn khúc khích cười.

            -Sao nhà ngươi biết? Yên tò mò hỏi bạn.

            -Chứ hổng phải sao? Trong lúc chính phủ ra lệnh tổng động viên, nếu là con một thì có giấy hoãn dịch vì gia cảnh, nếu bận học thì cũng giấy hoãn dịch vì học vấn. Chỉ trừ đui, què, sứt, mẻ hay thiếu hoặc dư một bộ phận nào đó trong người mới được miễn dịch vĩnh viễn mà thôi!

            -Ừ! Chắc là vậy.Yến gật đầu ra chiều am hiểu vấn đề. Chợt Trang hỏi giật ngược:

            -Tụi mày có chịu góp cho tao mỗi đứa hai đồng không?

           -Chi vậy? Ba cái miệng há to phát âm cùng một lúc.

            -Mua tem, bì thư viết…làm quen với hắn.

           -Bộ nhà ngươi muốn kết bạn với hắn thiệt sao? Ừ! Mà nhỏ Trang coi bộ đủ điều kiện à nha, Trang định gửi hình cho hắn thiệt hả? nhớ đi lại Liên Nga mà chụp hình nghe. Yến nói một hơi.

            -Ngu sao mà gửi hình tao cho hắn!                 

            -Vậy hổng lẽ gửi hình tụi này?

            -Cũng không luôn. Trang sẽ cắt hình anh Bảy Chà Và trong ống kem Hynos mà gửi cho hắn.

         Hích hích hích! Ha ha ha! Các cô tha hồ cười trong khi Trang tỉnh bơ ra lệnh:

            -Tên nào lấy giấy ra ghi “bản thảo nội dung lá thư”! Châu nhanh nhẩu cầm lấy tập nháp.

            -Rồi! Đọc đi!

            Trang đổi thế ngồi, lên giọng:

            -Nha Trang một chiều Thu ảm đạm!

            -Dừng lại! Dừng lại! Châu la lớn.

            -Trời nóng thấy mồ, sao lại đề là  ảm đạm. Xạo vừa thôi!

            -Bạn khờ quá, mình viết vậy mới... tình, ai mà viết chiều Thu nóng nực bao giờ? Này, có nhớ bữa trước tụi mình đi ngang qua Quán Số 1 không? Có cái ông văn sĩ gì đó, ổng nói với mình rằng thì là mặc dù ổng hay ra đó ăn bò bảy món, uống la-de như điên, nhưng khi hứng chí muốn viết thư cho... bạn thư, ổng vào đề: “Anh ngồi trên gác trọ, bên tách cà phê đen”. Có vậy bạn mới cảm động chứ! Thôi tiếp tục: 

              Kính gửi ông Trần Đại... Number One.

         Chưa biết có hội đủ điều kiện để lọt vào mắt... chiếc của ông hay không? Dù tôi là con gái của miền Thùy Dương Cát Trắng đây, nhưng tôi vẫn có nhã ý gửi tặng ông tấm ảnh và mấy vần thơ cổ sau đây để làm kỷ niệm:

                       Ba đồng một mớ đàn ông

             Ta bỏ vào lồng ta xách ta chơi.

                     Ai ngờ dây đứt lồng rơi

           Chúng bò lổn ngổn mỗi nơi mỗi... thằng!

                                                                 Xin hết.

            Các cô lại được dịp cười lăn, cười ngặt nghẽo, cười bò trên cát. Yến “ốc tiêu” vừa ôm bụng vừa nêu thắc mắc:

           -Rồi Trang định lấy tên đứa nào để nhận thư?

           -Hắn đọc thư, hắn nổi khùng, hắn chửi cho một trận nên thân, chứ ở đó mà chờ nhận thư!

           -Hắn có chửi thì tự mình hắn nghe, làm sao tới tai mình được. Châu hít hít hai cánh mũi.

            -Biết đâu hắn lại cảm động. “Dĩ độc trị độc” mà, cứ lấy tên bốn đứa đi! Hoài đề nghị.

         Trang lẩm bẩm: Trang-Châu-Hoài-Yến, Châu-Hoài-Yến-Trang, Châu-Yến-Hoài-Trang..., Ôi chu choa, sao mà rặc mùi cải lương Hồ Quảng quá, hổng được đâu! Trang la lên.

            -Hay là lấy tên và địa chỉ nhà Trang luôn đi cho rồi. Cả bọn góp lời.

            -Tên tao? Nguyễn Thị Đoan Trang! Trang trợn mắt, lắc đầu nói tiếp :                                   
-Hổng được đâu! Lời thư với cái tên chửi nhau, coi sao được.

            -Thì nhỏ bày đặt ra, phải rán chịu nghe chửi một phen xem sao. Nhớ khi nào có thư hồi âm phải đưa cho tụi này đọc với nghe, giờ Châu phải đi về, cười mệt quá rồi, tới giờ cơm ăn không vô, bị bà cụ la là cái chắc.        

 Người phát thư đã đi khá xa, nhưng Trang vẫn đứng yên ngoài ngõ, tay cầm phong thư mà miệng cứ lẩm nhẩm: "Nguyễn Đức Thiệt K.B.C...". Rồi Trang thầm nghĩ: cái tên lạ hoắc. Ai đây? Bà con, bạn bè, người quen? Trang đâu có quen ai là lính, mặc dầu thành phố này đầy dẫy, vô số lính. Hay là bà con của Ba Má? Nếu vậy sao lại gửi tên Trang? Có khi nào bị lộn địa chỉ? Nhưng rõ ràng tên họ và số nhà nàng mà! Bao câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu Trang. Nàng bước chậm vô nhà, bỗng một ýnghĩ chợt lóe lên, lời thư bên trong làm Trang chưng hửng:

               Cao nguyên một tối Đông rét mướt.

                Kinh gửi cô Đoan Trang.

             Thân tình lắm mới được người bạn cho xem lá thư của cô trong kỳ nghỉ phép vừa rồi. Lời thư quá đặc biệt và chữ viết thật dễ thương nên đã khiến tôi “cầm lòng không đậu”, phải mượn tạm lá thư (dĩ nhiên là người bạn không biết). Rất mong được nhìn thấy lại nét chữ và lời văn dí dỏm, dù lúc đó tôi có bị... bò lổn ngổn.

                                       Ký tên: Nguyễn Đức Thiệt

              Trang bật cười: àthì ra thế! Những tưởng lá thư chọc quê anh chàng phách lối nào đó đã bị quăng vào sọt rác, còn nếu hắn có thì giờ, hắn đã viết... chửi cho một trận. Nhưng không ngờ. Phải đem thư này cho tụi bạn đọc ngay chiều nay. Trang lại nghĩ đến đám bạn, thế nào tụi nó cũng sẽ “mổ xẻ” lá thư ra thành từng mảnh vụn cho mà xem. Anh chàng Thiệt nào đây, chắc sẽ bị nhảy mũi liên hồi rồi sinh bịnh cũng không chừng.

              Cả bọn nôn nao đợi giờ ra chơi, nên vừa dứt hồi chuông báo hiệu là mấy cô nhanh chân phóng ra khỏi lớp. Chọn được một góc sân vắng, khuất sau dãy hành lang phòng học, bốn cô nữ sinh áo trắng, chụm đầu vào nhau để đọc thư của người lính lạ.

            -Yến coi bộ anh chàng tên Thiệt này chắc hổng có... thiệt đâu !

            -Không lẽ cái khu bưu chính này cũng giả luôn sao? Châu nêu thắc mắc.

            -Hoài nghĩ là thiệt đó, nhưng có điều chắc anh lính này cũng hổng giống ai hết, vì là bạn của anh chàng Trần To nào đó mà, bởi vậy hắn mới buồn tình mà năn nỉ xin kết bạn mí nhỏ Trang.

            -Yến nhứt định là mấy tên nào đó muốn viết thư phá nhỏ Trang rồi cười chơi. Cũng giống như bọn mình đã làm vậy, ai biểu nhỏ Trang kêu tụi hắn bò lổn ngổn chi cho chúng tức!

            -Nhỏ “ốc tiêu” này sao đa nghi quá! Người ta có tên họ đàng hoàng, lại viết từ KBC rõ ràng mà sao lại giả được.

            -Bộ hễ tên Thiệt là… thiệt sao? Còn khuya à! Yến thấy tên chữ thường phản lại tính người à nha. Hễ tên Thiệt thì thường hổng... thiệt, coi như cô Hiền đó, tên Hiền mà dữ như bà chằng lửa, tên Đại mà ốm nhom, ốm nhách, còn tên Tuyết nữa, tuyết mà có trắng chút nào đâu, với lại nhìn con Trang kìa, tên Đoan Trang gì mà phá như giặc ấy!

            -Nè, nè! Mi nói hết chưa? Nói quá làm sao lớn cho nổi hả? Ừ, mà Châu cũng không hiểu tại sao ba má nhỏ Trang lại đặt cho nó cái tên ngược đời như vậy nhỉ?

            -Tên nào không biết thì nghe ta nói đây: Ba Trang nói lại là hồi mẹ Trang mới sinh Trang ra, hễ đặt đâu là Trang nằm yên đó, không hề phá phách ai hết, ngoan ngoãn tề chỉnh ghê lắm, chỉ lâu lâu khóc... luôn luôn thôi. Ông cụ thấy đúng là đứa con gái ngoan nên mới đặt tên Đoan Trang đó chứ!

            -Xạo vừa thôi nha! Lúc mới sinh ra, nhà ngươi có tí xíu, làm sao phá phách được, khéo vẽ chuyện. Xí! Yến trề môi thật dài sau tiếng xí.

            Hoài nhìn bạn cười, tiếp lời :

           -Bởi vậy ông thầy Hân mới cố tìm chữ để sửa lại tên cho hắn đó.

           -Nè, Thầy Hân tức con Trang cành hông mà không cách chi phạt nó được. Phá vậy mới đáng mặt... anh hùng, Yến phục nhỏ Trang sát đất.

           -Hì, hì, quên kể chuyện chủ nhật qua...

           Trang bỏ lửng câu nói, khiến mấy cô lại tò mò thêm.

           -Chuyện gì vậy kể mau lên, cả bọn nhao nhao.

           -Thầy Hân! Trang đáp cộc lốc.

           -Nữa, phá nữa! Chắc lại một màn hấp dẫn lắm, kể mau đi!

            -Sáng qua, Trang đi ăn phở Chụt với chị Mai. Trong lúc ngồi chờ người ta mang phở tới thì thấy thầy Hân với cô Hiền đi vào, Trang không có chào họ vội, chờ cho đến lúc họ đưa gắp phở vào miệng, Trang đi nhanh lại và lớn tiếng: Chào Thầy Cô ạ! Trang thấy hai người cùng ngẩng mặt lên một lúc, lẹ như rô-bô. Lúc đó cô Hiền cố nuốt cho trôi mấy cọng bánh phở, còn thầy Hân thì mắt mở lớn, miệng há ra, tí nữa thì bánh phở, thịt gà, kéo nhau xuống đường hết.

             Hích-hích-hích, ha-ha-ha, hi-hi-hi, mạnh ai nấy cười. Chờ cho các bạn bớt cười, Trang trở lại vấn đề:

            -Trang định hồi âm lá thư này, mấy bồ nghĩ có nên không?

            -Bộ nhà ngươi định làm “em gái hậu phương của anh trai tiền tuyến” hả?

            Hoài cười trong khi Yến tiếp:

            -Lỡ anh chàng thuộc loại lính trơn thì sao?

            -Lính trơn thì lính trơn chứ sao! Đã bằng lòng viết thư cho người ta thì sao còn phân biệt trơn với nhám. Lính nào không là... lính? Châu hơi bực mình vì thắc mắc của  Yến.

            -Cái mục “Em chỉ yêu có anh binh nhì” thì không có Yến trong đó rồi nhé! Lỡ có đụng chạm thì xin lỗi trước, Chẳng lẽ học hành cho cố vào, lại đi quen mí mấy người chữ nghĩa không bằng mình, làm sao nói chuyện được, lại nữa Cha Mẹ mình cũng đâu có bằng lòng như vậy, Yến cũng có nghe nhiều người trách cứ sao những nữ sĩ khi viết văn, làm thơ, nhân vật chính thường là sĩ quan mà không là lính binh nhì hay binh nhất, vì mấy bà viết văn đều là người có chút chữ nghĩa mà, nồi nào phải úp vung đó chứ, nếu có nói khác đi, là…xạo! À mà Trang này, nhà ngươi thay đổi “quan điểm, lập trường” từ hồi nào vậy? bộ không coi quý vị liền ông là ba đồng một mớ nữa sao?

            -Khác xa à, chàng Đại được miễn dịch vĩnh viễn thì đúng là “ba đồng một mớ”, chứ còn mấy người lính thì khác à nha. Họ đáng giá ba chục ngàn đồng trở lên đó!

            -Tiền gì mà nhiều quá vậy? Yến trợn mắt hỏi bạn.

            -Tiền... tử tuất! Trang đáp tỉnh.

           Tiếng chuông gọi vào lớp đã cắt đứt câu chuyện vui của họ, nhưng những tiếng cười vẫn còn vương theo những bước chân chim.

                                                                                                                                                Trang đang ngồi vắt vẻo trên cành cây ổi sau nhà, đưa mắt dõi tìm trong kẽ những lá ổi xanh um kia, xem có còn sót trái ổi nào không. Những trái ổi no tròn, trắng mọng mà mỗi khi đưa vào miệng cắn một cái, nó sẽ vừa dòn, vừa ngọt ngọt, chua chua, nếu có thêm tí muối ớt chấm vào thì tuyệt. Trang hái đã gần đầy cái rổ nhỏ nhưng vẫn còn ham, vì nàng nghĩ đến các cô bạn, lát nữa họ sẽ lại đây, các cô thích nhất vẫn là những trái ổi trong vườn nhà nàng. Nhưng đã lâu lắm rồi họ không còn có dịp ngồi đong đưa trên cành ổi nữa, kể từ ngày Châu và Hoài rời thành phố về học ở Sài Gòn, bỏ lại Yến và Trang, ngày hai bận đạp xe leo lên dốc Cầu Đá mệt phờ người mới tới được “Hải Học Viện Nha Trang”...

            -Chị Trang xuống đi, có người tìm chị kìa! Tân từ dưới đất gọi với lên.

            -Ai vậy? Trang lơ đểnh hỏi vọng xuống.

            -Một ông lính Biệt Động Quân tênThiệt!

            -Hả?

            Suýt chút nữa Trang đã tuột chân rơi tỏm xuống đất. Trang quýnh quáng cố đưa chân tìm chỗ leo xuống, nhưng quái lạ thật, những cành ổi chắc nịch đã từng đỡ bàn chân Trang lên xuống bao nhiêu lần, hôm nay bỗng biến đâu mất hết. Cố gắng mãi đến gần vài phút sau, Trang mới an toàn đứng được dưới gốc ổi mà trống ngực thì đập liên hồi. Nàng quay lại tìm thằng em nhưng nó không còn ở đó nữa.

            Sửa lại bộ quần áo cho ngay ngắn, vừa luồn tay gỡ những sợi tóc rối, Trang đi vội vào nhà với một chuỗi ý nghĩ lộn xộn chạy loanh quanh trong đầu: tại sao đến thăm Trang mà không báo trước? Đã mấy tháng nay sao không liên lạc với Trang, dù Trang đã viết đến mấy lá thư liền? Giờ gặp mặt đột ngột như thế này, biết nói chuyện gì đây? Tuy thành phố này là thành phố của lính, nhưng có bao giờ Trang nói chuyện trực tiếp với người lính nào đâu. Hồi ấy Trang viết thư cho anh, chẳng qua vì muốn làm le với lũ bạn thôi mà. Một chút làm dáng của mấy đứa con gái sống an nhàn nơi thành phố. Nhưng Trang đâu có “thôi viết thư cho anh được”, vì với anh: “Trang đã là nguồn vui, là niềm an ủi, những lá thư của Trang là liều thuốc an thần cho anh sau mỗi bận hành quân gian khổ...” như lời anh vẫn viết trong thư cho Trang đó, mặc cho mấy nhỏ bạn vẫn cứ…nồ Trang: mấy ông lính Biệt Động Quân dữ dằn lắm đó!

            Có lần Châu còn kể chuyện tai nghe mắt thấy nữa kìa : “Trang biết hông, Châu đang ngồi với nhỏ bạn và anh của hắn trong quán ‘Mây’. Phía bên kia bàn, Châu thấy một ông lính Biệt Động Quân ngồi lầm lì uống bia, trong khi bàn đối diện là một đám thanh niên, họ cười nói, la hét om sòm. Bỗng ông lính rút cây súng ngắn, dộng trên bàn cái rầm. Ai cũng thất kinh hồn vía hết, hổng biết chuyện gì sẽ xảy ra, rồi ông ấy đứng dậy, chầm chậm đi lại bàn của mấy tên thanh niên kia, ra lệnh cho họ phải... bò ra khỏi quán!” Châu kết luận: ông lính hung hăng quá! 

            Nhưng theo Trang thì chắc không phải bản tính của ông ta đâu. Có lẽ ông ấy vừa được phép trở về thành phố sau một trận đánh kinh hồn. Lính chết. Bạn bè ông ta chết. Buồn bực, bứt rứt mà gặp cảnh chướng tai gai mắt thì làm sao ông ta dằn nổi? Trang thông cảm cho người lính đó. Chả là có nhiều lần anh đã viết thư cho Trang, kể về những nỗi cực nhọc, những hy sinh gian khổ mà người lính tác chiến phải chịu đựng đó sao? Dĩ nhiên làm sao Trang có thể hình dung được hết những khổ cực, gian lao mà các anh phải sống ngày qua ngày. Trang chỉ biết một điều là đơn vị đồn trú ở miền rừng núi, ở những chốn đèo heo hút gió, không thể nào vui sướng được hết. Còn chuyện đụng giặc mới là quan trọng, dù các anh có thắng trận, chắc cũng phải có người gục ngã? Các anh đã được đền bù như thế nào cho xứng đáng với những giọt mồ hôi, máu và những phần thân thể đã mất mát?

-Nè nè đẹp rồi, có lẹ lên không? Chờ lâu quá rồi, người ta... vọt mất bây giờ!

            Chộp được thằng em trong lúc còn đang đứng chải tóc trước gương, Trang không bỏ lỡ cơ hội:

-Tân, anh Thiệt trông thế nào? Còn trẻ hay già?

            -Cao ráo, sạch sẽ, oai phong lẫm liệt ra phết, nói chuyện hấp dẫn nữa!

            -Bộ nãy giờ em nói chuyện với ảnh hả?

            -Ừ, Ảnh “phỏng vấn tốc hành” tui về chị đó!

            -Chết! Mày đã nói bậy bạ gì rồi?

            -Ra ngoài đó mà hỏi. Có điều tui nói với ảnh là chị không thích làm quen với lính... Rừng đâu!

          Tiếng nói của Tân vọng lại từ những bước chân sáo nhảy vội ra cửa sau, bỏ lại Trang với từng hồi trống ngực đập thình thịch. Trang cảm thấy hơi run theo mỗi bước chân ra phòng khách

            -Xin lỗi...!

            -Trang phải không? Anh là Thiệt đây!

           -Dạ chào anh! Tại anh đến mà không báo trước nên Trang...

           -Trang không muốn tiếp anh phải không?

           -Dạ đâu phải vậy, tại...

           -Hay là Trang sợ phải nói chuyện với lính?

           -Cả thành phố Nha Trang này là của lính mà! Làm sao Trang phải sợ.

           -Đọc thư Trang, anh đã hình dung ra một cô bé thật lém lỉnh, lí lắc nhưng cũng dễ thương không ai bằng.

           -Nhưng khi anh gặp Trang rồi thì... hỡi ơi phải không?

           -Phải nói là anh rất hân hạnh được Trang nhận làm anh. Có được cô em gái như Trang, chắc kiếp trước anh khéo tu dữ lắm. À, anh đến đây mà không báo cho Trang biết vì anh muốn dành cho Trang sự ngạc nhiên thích thú. Nếu Trang cho phép, từ nay anh sẽ có dịp đến thăm Trang luôn.

           Trang tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên:

           -Bộ anh được nghỉ phép hoài sao?

            -Làm gì có. Mỗi năm một người lính chỉ được 15 ngày phép mà thôi, trừ những lần nghỉ phép đặc biệt, như kỳ rồi anh đã có hơn 3 tháng khỏi phải cầm súng đó.

            -Bộ anh được “ưu tiên” dữ vậy hả? Chắc anh đã lập nhiều chiến công to lớn phải không? Ồ, mà sao anh không viết thư cho Trang? Trang viết mấy thư liền, nhưng không thấy anh trả lời, nên Trang...

            -Anh xin lỗi! Vì người ta treo cái tay của anh lên rồi, làm sao anh viết thư được. Đùa với Trang chứ anh vừa xuất viện và được thuyên chuyển về “Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân” ở Dục Mỹ. Anh sẽ về thăm Trang đều đều, Trang có thích không?

          “Trang có thích không?"Trang muốn trả lời anh “Trang thích lắm chứ!” Càng nhìn Thiệt nói chuyện tự nhiên bao nhiêu, Trang lại càng cảm thấy lúng túng. Phải chi anh xí trai một tí, phải chi anh già hơn chút nữa, phải chi anh nói chuyện cù lần, phải chi và phải chi... ,Trang lại liên tưởng đến lời nhỏ Yến: “Ông anh mày nếu không mặt rỗ hoa mè, thì thuộc loại vừa mập, vừa lùn, nếu kha khá một tí thì đã có người command sẵn rồi, đâu có lẻ loi cô độc mà đi viết thư tâm tình, tâm sự mí nhà ngươi. Cứ tin lời Yến đi! Hắn đâu dám gửi hình cho mi, có đúng không? Hắn cũng không dám xin hình của mi nữa, nếu không sợ “anh trai Trương Chi tương tư em gái Mỵ Nương thì là gì?” 

            Trang lại nhớ tới những lời trong thư của nhỏ Hoài gửi về cách đây không lâu, khi hắn biết anh Thiệt là người Gò Công: “Mấy nhỏ bạn trong này nói, ở xứ Gò Công ít có giếng nước Trang ơi! Người ta dùng toàn là nước mưa với nước sông không hà, mà nước sông phải mua à nha. Cái xứ ít nước như vậy, hổng biết cái vụ tắm rửa ra sao Trang nhỉ? Hí hí,  hôm nào nhà ngươi viết thư hỏi ông anh quý xem sao?" Không thể nhịn được nữa, Trang bật lên tiếng cười, ngó chăm bẳm vào mặt Thiệt.

            -Mấy tụi bạn của Trang mà biết anh Thiệt như vầy, chắc tui nó... xỉu hết.

            -Sao vậy? Đến lượt Thiệt ngạc nhiên.

            -Mấy tụi nó cứ vẽ hình anh hoài hà, nhưng không có tấm hình nào giống anh hết. Tụi nó còn hát “Trang có người anh, vừa mập vừa lùn, vì chinh chiến ngược xuôi, ít về để chuyện trò...” nữa kìa.

             Đến lượt Thiệt không nhịn nổi tiếng cười:

            -Anh không ngờ mấy cô cũng phá dữ quá! Đúng là... nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

            -Chắc tụi em không tệ đến nỗi đứng hàng thứ ba đâu. À, anh có thể ngồi nán lại một chút được không? Trang muốn giới thiệu anh cho tụi bạn biết.

            Thiệt làm bộ rụt đầu, le lưỡi:

            - Eo ơi! Nghe Trang tả sơ về họ, anh đã sợ rồi, giờ mà gặp các cô ấy nữa, chắc là anh...            

            -Bộ anh sợ bạn của Trang thiệt sao? Họ đâu có dữ như cọp, hung hăng tàn ác như Việt Cộng mà anh Thiệt còn hổng ngán. Nhưng thôi, nếu anh không muốn gặp, thì Trang hổng dám ép đâu. Nhìn Trang và nghe giọng hờn dỗi, Thiệt bỗng bật cười khan, rồi nói nhỏ:

            -Chu choa, chưa chi mà anh đã bị bắt bí rồi. Cái điệu này thì anh trai sẽ còn phải chìu cô em dài dài rồi đó. Nhưng có lẽ đó là niềm vui lớn của anh đó Trang.
                                                                                                                 Mặc dầu tiếng nhạc từ chiếc máy AKAI trong phòng khách phát ra vang rân, đến nỗi người qua đường phải đứng lại chỉ trỏ vào nhà Trang, lôi cuốn bọn con nít trong xóm kéo nhau tụ đến thật đông, cười đùa huyên náo, chỉ trỏ người này người nọ, trầm trồ cái nọ cái kia. Nhưng sự ồn ào đó không chút ảnh hưởng nào đến các cô gái đang có mặt trong phòng cô dâu. Hình như mẫu chuyện họ trao đổi nhau còn ồn ào hơn cả tiếng nhạc.

            -Thương không hiểu tại sao Đoan Trang lại chọn đi xe Jeep nhà binh mà từ chối chiếc xe Huê Kỳ của ông Thiên. Ông ấy đeo nhỏ Trang như đỉa đeo, đứa nào mà không biết.

            -Thật đó, kỳ này nhỏ Trang làm “đám cưới nhà binh” có khối chàng “xuống tóc” đó!

            -Để Mai kể chuyện này mấy bồ nghe: chiều qua, Mai đến nhà Thu Hương lấy quyển sách, gặp lúc ông Cẩn cứ đi ra đi vào thở dài thườn thượt, rồi nổi hứng còn xuống câu vọng cổ nữa đó. Ba bốn cô đồng lượt nhao nhao:

            -Ông Cẩn hát vọng cổ làm sao, Mai có nhớ không?

            -Ổng hát rằng: “Ngày mai đám cưới Đoan Trang, mà sao tui lại nát tan cõi ơ.. ơ… ơ... lòng!”

           Mai cố giả giọng đàn ông, bắt chước xuống câu vọng cổ gi ống như trong tuồng “người vợ không bao giờ cưới” làm mấy cô gái cười ngặt nghẽo. Đã vậy, Mai còn chêm thêm:

           -Mai mốt nhỏ Trang theo anh Thiệt đi Dục Mỹ, chắc ông Cẩn đi vào Biên Hoà đó!

           -Thanh nghĩ ông Cẩn phải đi vào Sài Gòn học lại chứ, đi Biên Hoà làm gì?

           -Vào nhà… thương điên để chữa bệnh thất tình chứ làm gì.

         Lại một trận cười ngả nghiêng, cười đủ kiểu, cười thật thoải mái như chưa bao giờ được cười.

           -Giờ tui cũng bắt chước nhỏ Trang chịu mang... bốt-đồ-sô đây. Hổng biết có chàng phụ rể nào còn “phòng không gối chiếc” để tui xin chữ ký cho rồi!

           -Còn chàng sinh viên đại học ba năm, Thuận bỏ cho ai?

           -Chán quá rồi! Người ta học thì năm thứ mấy, còn chàng của tui thì ngược lại, có tiền chạy được cái giấy hoãn dịch, không lo học hành cứ đi biểu tình, đả đảo suốt ngày, tối lại đi... nhảy đầm, mới chết chứ!

            -Có khó gì đâu! Cứ theo nhỏ Trang hát thuộc bài “Thương anh tam tứ núi em cũng trèo, thất bát sông em cũng lội, cửu thập đèo em cũng qua” là xong ngay.

            -Ê, nhỏ Oanh nói sai rồi, Từ Nha Trang đi Dục Mỹ làm gì có cửu thập đèo, Yến nhớ có đèo Rù Rì, Rọ Tượng gì đó thôi mà!

            -Rõ là “Yến ốc tiêu”! Cái gì cũng thắc mắc hết, hèn chi lớn không nổi. Không lẽ lại hát : nhị, tam đèo em cũng qua, sao? Ồ, mà sao hồi xưa ông ba mình lại đặt tên đèo là Rù Rì, kỳ quá há?

            -Chắc tại hồi đó ông bà đi bộ, lại leo lên dốc... mệt quá, nói không ra tiếng, chỉ còn lại tiếng... rù rì, rù rì...

            -Nàng Cẩm đừng có xạo! May mà chỉ có đèo Rù Rì, Rọ Tượng, nếu còn nữa chắc ông bà mình đã đặt tên đèo Rầu Rĩ hay Rung Rinh cũng không chừng.

            -Châu thấy mấy bạn đều vô duyên ráo, chỉ nhỏ Trang có duyên nên mới vượt đèo đi tìm anh Thiệt, đúng là thuyền gặp bến.

            -Bến gì đây?

            -Dĩ nhiên là hắn phải chọn bến trong, chứ ngu sao đi tìm bến đục! Châu lên giọng hiểu biết.

            -Ừ, mà Tâm nghĩ mãi cũng không ra, tại sao ông bà mình ngày xưa bảo rằng “Con gái mười hai bến nước” rồi tự nhiên kết luận ngang xương “Trong nhờ đục chịu”. Còn mười bến nữa phiêu diêu ở chốn nào?

            -Theo Hoài nghĩ, có lẽ ngày xưa ông bà mình nói lề: “con gái, người có hai bến nước, trong nhờ đục chịu”, người ta nói đi nói lại, nói tới nói lui đâm trật lấc thành mười hai bến nước hồi nào không hay.

            -Theo Hồng thì tại hồi xưa ông bà mình đi nghiên cứu toàn... cuốc bộ. Lúc đi thì gặp mùa nắng, nước trong, đi hai ba tháng sau tới được bến khác, gặp phải mùa mưa, nước đục. Cứ đi hoài, gặp hoài vậy, thì kết luận vậy.

           -Nhỏ Hồng xạo vừa thôi! Thủy Tiên nghĩ, mười bến còn lại mà ông bà mình chưa kịp kể đó là: Bến cạn, bến sâu, bến rộng, bến hẹp, bến cao, bến thấp, bến a... a... bến...

            -Bến Mơ! Trang buột miệng lên tiếng kể từ lúc Hoài bắt ngồi yên để nàng chải lại mái tóc cho Trang.

            -Trang không biết cái gì là đục hay trong, Trang tiếp: Có một điều Trang biết chắc đó là từ lúc Trang gặp được anh Thiệt, từ chỗ kính trọng đưa đến yêu thương, Trang cứ hằng mơ ước có một ngày nào đó, Trang được lên xe hoa về làm vợ anh. Được làm vợ một người lính như anh là một điều hãnh diện cho Trang. Và niềm mơ ước đó hôm nay đã thành sự thật. Vậy Trang không gặp được bến Mơ là gì đây?

            -Ái chà chà! Anh Thiệt mà nghe được những lời thổ lộ tâm tình của nhỏ Trang vừa rồi chắc lỗ mũi anh nở to hơn quả cà chua!

            -Các cô lại nói xấu gì anh đó? Thiệt đã đứng ở cửa từ lúc nào mà mãi vui các cô không để ý. Anh tiếp lời:

            -Trang! xong chưa em? Anh đưa em và các bạn xuống dự tiệc, mọi người đang chờ bên dưới.

             Nhìn Thiệt dìu Trang đi trong niềm hạnh phúc, các cô  đưa mắt nhìn nhau và chắc hẳn trong tận cùng mơ ước của họ, đều thầm nghĩ: Làm sao tìm gặp được Bến Mơ???

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét