Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới - World Bank công bố tại Hà Nội hồi trung tuần tháng Sáu thì hiện có ít nhất gần 6 triệu người dân Việt Nam (VN) không có hộ khẩu và hệ thống hộ khẩu không còn phù hợp với xã hội hiện đại vì gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội cho nhiều người dân. Câu hỏi đặt ra liệu rằng đã đến lúc VN bỏ chính sách quản lý hộ khẩu hay không?<!>
Ảnh hưởng của hộ khẩu
“Từ hồi giải phóng tới giờ không có nhà ở, toàn là ở trọ nên không được cấp hộ khẩu, không được cấp giấy chứng minh nhân dân (CMND). Hoàn toàn không có gì hết ráo.”
Lời chia sẻ vỏn vẹn vừa rồi của cụ già 83 tuổi Phan Văn Thất, ở Long An, khiến cho những ai nghe được không chỉ hình dung cảnh đời vô cùng khốn khó của một người ở tuổi gần đất xa trời mà còn liên tưởng đến số phận của hàng triệu người dân không có hộ khẩu ở VN vì nó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên đời sống thường nhật của họ.
Từ hồi giải phóng tới giờ không có nhà ở, toàn là ở trọ nên không được cấp hộ khẩu, không được cấp giấy chứng minh nhân dân (CMND). Hoàn toàn không có gì hết ráo.
- Cụ Phan Văn Thất, Long An
Hộ khẩu được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc áp dụng sau Hiệp định Geneva hồi thập niên 1950 và trên toàn cõi VN sau khi chiến tranh kết thúc vào cuối tháng 4 năm 1975. Chính sách quản lý hộ khẩu ở VN của nhà nước được coi là một biện pháp đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư. Tuy nhiên, về phía người dân, hộ khẩu có thể xem như ‘lá bùa hộ mạng” vì không có hộ khẩu thì không làm được gì hết; chẳng hạn từ việc làm giấy khai sinh, đến trường đi học, công ăn việc làm, mua bảo hiểm y tế và còn rất nhiều các dịch vụ khác đều liên quan đến hộ khẩu. Anh Thiên Ân, một người dân ở Đồng Nai, kể với Đài RFA về thủ tục đăng ký nhập khẩu tại địa phương nơi mình sinh sống:
“Vấn đề hộ khẩu trở ngại rất nhiều. Các thủ tục lên xã đăng ký hộ khẩu thì họ hẹn ngày này qua ngày kia, rồi họ yêu cầu phải có xác minh của địa phương mình ở lúc chưa nhập khẩu. Phải do xã và ấp ký xác nhận thì mình mới được đăng ký nhập khẩu. Chuyện này làm rất lâu và đi tới đi lui rất mệt.”
Khi đã được xác minh, hoàn tất các thủ tục đăng ký nhập khẩu và có tên trong hộ khẩu thì mọi sinh hoạt hàng ngày đều dính chặt vào sổ hộ khẩu này, một loại giấy phép cơ bản trong mọi thủ tục hành chính. Anh Thiên Ân kể tiếp:
“Vô lý là mình đi làm việc hay đi đâu, đi đăng ký giấy tờ hay đi làm một tờ giấy khác, mình cũng phải xuất trình hộ khẩu. Phải có hộ khẩu và bản sao công chứng, làm rất rườm rà.”
Đồng quan điểm với anh Thiên Ân, rất nhiều người dân khi nói đến hộ khẩu thì họ cho là “hậu khổ” hay thậm chí có người gọi là “thẻ tù khu vực” vì theo nhu cầu phát triển xã hội mà cách quản lý công dân theo chính sách hộ khẩu đã quá lạc hậu gây phiền toái một cách phi lý trong đời sống của dân chúng, chưa nói đến đây là công cụ của nạn nhũng nhiễu, tham quan.
Hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cho người Việt?
Hồi trung tuần tháng 6, tại Hà Nội, trong buổi hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở VN do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy hệ thống hộ hộ khẩu không còn phù hợp với xã hội tiện tại của quốc gia này. Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN khẳng định hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cho người dân VN.
Đồng thời, chuyên gia kinh tế của World Bank, TS. Gabriel Demonbynes cho rằng cần có cải cách hơn nữa để đảm bảo sự bình đẳng cơ hội cho tất cả người dân, trước hết là khả năng tiếp cận các dịch vụ. Nhận xét về báo cáo vừa nêu, TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết nhận định của các nhân viên thuộc Ngân hàng Thế giới là khách quan và phù hợp với tình hình thực tiễn tại VN:
“Đặc biệt trong kỷ nguyên này, chúng tôi đặt vấn đề hội nhập và mở cửa thì rõ ràng phải có những tiêu chí tương thích với thế giới mới. Đấy là đòi hỏi có tính chất khách quan và đồng thợi sự phát triển nội tại cũng đòi hỏi thay đổi mô thức quản lý. Chúng ta có thể thấy mô hình quản lý bằng hộ khẩu kiểu cũ trở nên một manh áo chật, lỗi thời. Và báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới đây về nghiên cứu về hộ khẩu do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chúng tôi thực hiện thì đấy là nhận định tôi cho rằng chính xác và khách quan. Thông qua việc thay đổi hệ thống quản lý này, chúng tôi hy vọng được tiếp cận tốt hơn với khuôn khổ của một xã hội mới, trong đó chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ và thực hiện công bằng xã hội và tổ chức tốt hơn an sinh xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân.”
Đài RFA thử nghiệm một cuộc khảo sát nhỏ qua câu hỏi “VN đã đến lúc bỏ hộ khẩu hay chưa?” với thính giả của đài từ Bắc chí Nam thì đều nhận được câu trả lời rằng họ ủng hộ việc làm này để mọi việc liên quan đến giấy tờ hành chính được nhanh gọn và tiện lợi.
Vô lý là mình đi làm việc hay đi đâu, đi đăng ký giấy tờ hay đi làm một tờ giấy khác, mình cũng phải xuất trình hộ khẩu.
- Anh Thiên Ân, Đồng Nai
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, một người rất quan tâm đến tình hình nhân quyền ở trong nước, nói với RFA rằng chính sách quản lý công dân bằng hộ khẩu hạn chế quyền đi lại tự do cũng như vi phạm quyền an cư, quyền không bị phân biệt đối xử và quyền được hưởng an sinh xã hội của người dân. Anh Nguyễn Tiến Trung nêu lên quan điểm chính sách quản lý hộ khẩu thực sự không cần thiết và cần được bãi bỏ:
“Riêng với cá nhân tôi, tôi thấy chế độ hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng rất lớn về cơ hội đối với người dân. Những người không có hộ khẩu ở thành phố chẳng hạn thì họ làm việc ở thành phố nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cho con cái đi học, rồi làm giấy tờ hành chính… Hơn nữa, hầu hết các quốc gia trên thế giới không ai quản lý bằng hộ khẩu cả, nó gây phiền phức rất nhiều cho người dân cho nên tôi nghĩ là không cần thiết, tôi thấy phải bãi bỏ.”
Qua các cuộc tiếp xúc với người dân trong nước, nhiều người bày tỏ mong muốn chính phủ bỏ chính sách quản lý hộ khẩu bằng một chính sách khác tiến bộ hơn. Và đài ACTD ghi nhận trong khi dự thảo Luật Cư trú vẫn bàn cãi ở nghị trường Quốc hội thì xã hội VN vẫn còn rất nhiều người dân không được hưởng bất kỳ quyền lợi cơ bản nào vì họ là những công dân không có tên trong hộ khẩu theo quy định hiện hành của Nhà nước VN.
bài viết hay và có ich
Trả lờiXóa