Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 26 June 16 - TS Nguyễn Nam Sơn

1. Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt - Trầm Tử Thiêng - Gia Huy - Gs TranNangPhung - NNS 
<!>
2. Mơ Quê - Nguyễn Tài Tuệ - Tố Uyên - Gs TranNangPhung - NNS
3. Người Ở Lại Charlie - Trần Thiện Thanh - Duy Quang - Thanh Lan - Gs TranNangPhung - NNS

Tình thân
NNS
................................................................................................................
Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Người Buôn Gió: Bài ca nào cho người ngã xuống ?
Có rất nhiều rất khác biệt trong nền âm nhạc của hai miền Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam trong cuộc nội chiến 20 năm,  nhất là khi diễn tả về cảm xúc trong chiến tranh.
 Trong sự kiện bi thảm đối với 10 người lính của quân đội Việt Nam CNXH vừa tử nạn vào những ngày trung tuần tháng 6 vừa qua, trên mạng xuất hiện vài bài thơ tiếc thương người lính đã tử nạn, tác giả của những bài thơ đều là những người không chuyên. Chợt nhận ra rằng, Bắc Việt thời nội chiến 1954 -1975 cho đến nay. Không hề có nhạc phẩm nào tiếc thương những người lính của họ đã chết trận. Trong khi đó nền âm nhạc Nam Việt Nam đều có những bài hát để đời, những lời tha thiết, tiễn đưa trong các nhạc phẩm thật và xúc động. Chính vì tình cảm thật như vậy nên những bài hát đó sống mãi đến tận bây giờ.
 Có lẽ đứng đầu trong các nhạc sĩ có những bài ca u buồn, bi tráng và cảm thông với gia đình người lính, số phận người lính VNCH nhất sẽ lànhạc sĩ Trần Thiện Thanh với chùm nhạc phẩm đặc sắc, đi sâu vào lòng người nghe, thấm từng thớ thịt để ngấm tận trái tim. Đó là những nhạc phẩm như Anh Không Chết Đâu Anh, Người Ở Lại Charlie, Bắc Đẩu....
 Trong Nhạc Phẩm Anh Không Chết Đâu Anh, ca từ da diết như cái níu gọi người lính, trong những giây phút bi tráng cuối cùng của số phận.
- Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh .?
Câu hỏi như tiếng khóc nghẹn ngào, xót xa ...khiến cái chết của người lính dù mũ đỏ Nguyễn Văn Đương không thể nào phôi phai trong lòng người dân Nam Việt Nam. Khác biệt rất nhiều với Bắc Việt, âm nhạc VNCH không hề né tránh khi khơi những nỗi đau, những thân phận của người ở lại. Nếu như ở Bắc Việt sẽ bị kết án tù vì tội tuyên truyền uỷ mị , phá hoại tinh thần chiến đấu, thì nền âm nhạc Nam Việt lại được tự do để diễn tả những thân phận ấy.
- Anh chỉ về với mẹ mong con, trong tim cô sinh viên hay buồn, trên khăn tang cô phụ....
Thắng thắn và thật trong cảm xúc, lời bài Người Ở Lai Charlie về sự hy sinh của đại tá Nguyễn Đình Bảo cũng vây.
- Đợi anh về / Chỉ còn trên vầng trán đưa bé thơ / Tấm khăn sô / Người goá phụ cầu được sống trong mơ.
Trong các nhạc phẩm tiễn đưa người lính tử trận trên, hình ảnh những người mẹ, người vợ người yêu, người con của người lính đều được nhắc đến. Chỉ có vợ con và mẹ già của người lính là những người chịu đau thương nhất sau sự hy sinh của người lính,  vì thế nỗi đau của họ được khắc hoạ vào nhạc phẩm làm cho người nghe càng thấy giá trị của những lính đã hy sinh.
Phạm Duy với ca khúc Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc như một bản trường ca, như cả một câu chuyện dài về người phi công Phạm Phú Quốc. Băt đầu từ lúc sinh ra người mẹ đặt tên cho đến lúc người phi công Phạm Phú Quốc lìa đời trong chiến trận. Ca từ lặp lại nhiều đến tê tái lòng người.
- Chiều nao anh đi làm kiếp người hùng / Chiều nao, than ôi rụng cánh đại bàng
Chiều nao anh đi, anh về đất / Chiều nao anh đi về nước
Chiều nao huy hoàng / Bụi vàng bay khắp không gian
Cái đặc biệt của Phạm Duy là lồng cả câu chuyện cuộc đời người phi công Phạm Phú Quốc với cuộc nội chiến bi thương của dân tộc lúc đó, để đời sau khi nghe lại bản trường ca bi tráng này,  hình dung được những khoảng thời gian nghiệt ngã của đất nước trong cảnh nội chiến tương tàn.
 Miêu tả tận cùng nỗi đau của thân nhân người lính hy sinh, nhưng không vì thế mà các nhạc phẩm trở thành bi luỵ, yếu đuối làm ảnh hưởng đến sự hy sinh cao cả của người đã khuất. Trong các nhạc phẩm ấy đều có những đoạn vinh danh, có những lời tiễn đưa an ủi khiến người ở lại thấy ấm lòng. Khiến cho vong linh của người đã khuất được nhẹ nhàng đi về bên kia cuộc đời.
Hãy lắng nghe những lời an ủi và tiễn đưa người lính tử trận của Trần Thiên Thanh, để thấy duy nhất trong lịch sử Việt Nam là có những nhạc phẩm tiễn đưa người lính rất đặc biệt như thế.
- Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con.
- Vâng, chính anh là ngôi sao mới, một lần chợt sáng trưng.
- Vòm trời Ngọc Bích đã thênh thanh, lời mời gọi anh bước chân sang.
Và tiếp nữa là Phạm Duy với lời tiễn biệt như ghi công trạng người phi công Phạm Phú Quốc vào lịch sử.
Từ nay trong gió xa khơi / Từ nay trong đám mây trôi / Có hồn anh trong cõi lòng tôi.
Anh Quốc ơi !
Nghìn thu anh nhớ tới tôi / Thì xin cho Thái Dương soi / Nước Việt Nam ngời sáng... muôn đời.
 Luồng cảm xúc tiếc thương người lính hy sinh trong nền âm nhạc của VNCH lúc đó còn có cả Trịnh Công Sơn với nhạc phẩm Hát Cho Người Nằm Xuống.
- Anh nằm xuống, sau một lần, vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà. 
Bắc Việt có hàng triệu người lính tử trận từ đó đến nay, từ cuộc nội chiến Nam Bắc 1954  đến cuộc chiến Tây Nam với Khơ Me Đỏ, rồi cuộc chiến biên giới phía Bắc đến Gạc Ma. Nhưng chẳng có bài ca nào nhắc đến họ. Sự hy sinh của họ được coi như những cỗ máy, nó không có dấu ấn của cá nhân con người, bởi thế không có nhạc phẩm nào của Bắc Việt nhắc đến tâm tư của họ cũng như nỗi niềm thân nhân họ ở lại. Thậm chí đến cuộc tưởng niệm về những người chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma, ở biên giới phía Bắc do người dân tổ chức cũng không được phép diễn ra.
 Nửa thế kỷ trôi qua, tuy chế độ của những người lính VNCH đã không còn hiện diện trên mảnh đất Việt Nam bởi thất trận. Nhưng trên khắp đất nước Việt Nam ngày nay, người ta  vẫn còn nghe thấy những cái tên người lính của chế độ ấy đã  hy sinh quả cảm thế nào, qua những nhạc phẩm đi vào lòng người từ thế hệ này sang thế hệ khác của Trần Thiện Thanh, Phạm Duy....
 Bắc Việt thỉnh thoảng cũng có những bài hát về chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Kim Đồng theo kiểu tuyền truyền vô cảm,  những đó không phải là những người lính chết trận. Đấy là những người hoạt động cách mạng cho Đảng. Còn phần những người lính Bắc Việt hy sinh thì hình như chẳng có bài nào. Trớ trêu nhất là người anh hùng Lê Đình Chinh hy sinh đầu tiên trên biên giới phía Bắc do ngăn cản quân xâm lược Trung Quốc lại có vài lời ca do bọn trẻ con hồi ấy đặt ra theo nhạc bài Dậy Mà Đi
- Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi / Bọn Trung Quốc nó sang Việt Nam / Cầm dao nhíp giết Lê Đình Chinh.
Có lẽ lời ca nhưng đồng dao này là minh chứng  hoen ố trong nền âm nhạc của Bắc Việt khi thiếu vắng các ca khúc tiễn đưa những người lính của họ đã hy sinh.
(ii) Trịnh Bá Phương: Chế độ cộng sản này sắp sụp đổ rồi
Tường trình diễn biến khi tôi bị bắt vào đồn công an Chương Dương.
Sáng nay lúc 10h, tôi tuần hành ra đến bờ hồ, tầm khoảng 20 phút thì tôi bị bắt lên xe buýt, 5 phút sau, một nhóm an ninh lại khống chế đưa tôi lên một chiếc xe 7 chỗ, chở về đồn công an Chương Dương. Khi đến đây họ đưa tôi vào 1 chiếc phòng nhỏ, người đầu tiên vào làm việc với tôi là bà Minh, bí danh Minh Dao. Cuộc thoại giữa tôi và MD khá ngắn.  Để tiếp chuyện bà MD đã chào hỏi tôi, và chủ động tranh luận với tôi.
Câu đầu tiên bà MD nói: mệt quá em ạ, cứ như thế này khổ bọn chị.
– Tôi: Chế độ cộng sản này sắp sụp đổ rồi, chị cũng không còn việc mà làm nữa đâu.
MD: Em cứ nói thế, chứ giả sử chế độ này sụp đổ thì ai lên thay?
– Tôi: Các chị cứ trả quyền lực cho nhân dân đi, để bầu cử tự do đi, dân sẽ tự bầu lên những người tài đức ra lãnh đạo đất nước.
MD: Chị chưa thấy ai có khả năng lãnh đạo thay thế.
– Tôi: Chị nhầm rồi, trong dân không thiếu người có tâm đức, chính trong đảng của chị cũng có người có tâm, nhưng số ít người này lại bị trù dập, bị cô lập.
MD: Em cứ đánh dồng chữ nhân dân, chị cũng là dân đây, em nhìn xem có bao nhiêu người ngoài kia họ vẫn sống tốt và đang phát triển.
– Tôi: Chị đừng nói dân sống tốt, nợ công vượt ngưỡng an toàn, lòng dân ai oan, ruộng đất bị cướp đoạt, biển miền Trung chết, đồng bằng Sông Cửu Long thì bị hạn hán, ngập mặn, kỳ bầu cử vừa qua cả triệu người không đi bầu cử là minh chứng rõ ràng nhất, đảng cộng sản này mà không có công an làm thanh kiếm bảo vệ chế độ thì sụp rồi, có thể lúc này dân chịu lùi, nhưng lòng dân đang như quả bom, có thể nổ bất cứ lúc nào.
Nói đến đây viên chỉ huy nháy MD ra ngoài trao đổi, lát sau MD vào chào ra về. Trước khi ra về, viên chỉ huy nói với ông Đỗ Tuấn Anh (TA), phó đội trưởng và Lê Duy An (DA) đội trưởng đội CS điều tra công an quận Hoàn Kiếm là kiểm tra kỹ tư trang, xem có dao lam ko, đừng để nó xây sát gì kẻo mệt lắm.
Lúc này hai viên an ninh TA và DA bắt đầu làm việc với tôi. Ông Tuấn Anh lập biên bản, ông Duy An cố vấn. Tôi không trả lời bất kỳ câu hỏi nào, biên bản họ tự ghi không có chữ ký của tôi. Sau đó ông Duy An tranh luận với tôi là, em đi đòi đất lại đi những việc khác làm gì. Tôi hỏi lại: việc khác là việc gì?
DA: Như vụ Nguyễn Viết Dũng đó, nó lập Đảng Cộng hòa mà lại ủng hộ là sao?
– Tôi: Tôi đi tham dự phiên tòa là vì Dũng cũng là nạn nhân như chúng tôi, Dũng đang ngồi ở quán nước thì các công xông vào bắt. Mà tại sao các ông lại sợ hãi họ, các công đừng nghĩ chỉ có đảng phái mới đe dọa quyền lực của các ông, các công xem lòng dân kia kìa, ông tướng Tô Lâm của các ông đăng stt trên Facebook cả làng cả nước vào chửi đó. Các ông xem video của chị Trang Le đó, mỗi video có hàng nghìn lượt share, hàng triệu người xem là đủ biết lòng dân nhé. Việc các công bắt mẹ tôi chỉ khiến cho bộ mặt của các ông càng thêm nhơ nhuốc với quốc tế thôi.
DA: Làm gì có quốc tế nào, Obama sang VN thì em biết.
– Tôi: Các công nhầm rồi, Obama không phải là người duy nhất can thiệp nhân quyền VN nhé, đã có bang ở Hoa Kỳ ban luật cấm đảng cộng sản nhập tịch rồi đó, và nhiều cơ quan khác họ đang ban hành luật chế tài quan chức cộng sản vi phạm nhân quyền và tham nhũng.
Nói đến đây DA nghe điện, sau đó bảo Tuấn Anh dọn dẹp phòng để an ninh TP Hà Nội xuống. Khoảng 1h sau, một đội an ninh TP sộc vào phòng, đặt chân máy, lắp máy quay phim chuyên dụng, giống như quay phim, chụp chân dung tội phạm nguy hiểm, sử dụng vào mục đích đưa lên truyền hình để dẹp đường dư luận và đấu tố. Và đặt trước mặt tôi 1 chiếc micro. Cùng lúc DA đặt ra các câu hỏi, anh đi đâu sáng nay, chúng tôi phát hiện anh gây rối trật tự…
– Tôi: Tôi bất hợp tác với các ông, những kẻ bắt tôi về đây mới là hành vi phạm pháp, vi phạm nhân quyền.
DA: Mời anh ký vào biên bản xử phạt hành chính.
- Tôi: Các công đừng có mơ mà tôi ký vào cái biên bản phi pháp này nhé.
Lát sau nhóm an ninh TP cất máy quay, họ nói với nhau “như vậy là được rồi, chỉ cần nó thể hiên sự ngoan cố bất hợp tác”. Tiếp đó DA ra ngoài cùng với đội an ninh TP. và trở vào buông lời đe dọa. Tôi nói cho anh Phương biết nhé, anh đã chạm đến ngưỡng rồi đó, vào tù khổ lắm, không sướng đâu, tới đây tôi và anh nếu gặp nhau sẽ gặp với tư cách khác (ý nói là gặp với tư cách công an và phạm nhân).
– Tôi: Các ông có còng số 8, có nhà tù, còn tôi chỉ có cái mạng này, các ông muốn làm gì thì làm. Vì Quốc tế đang ủng hộ chúng tôi, nên chúng tôi đấu tranh theo phương pháp ôn hòa. Nhưng các công đừng nghĩ chúng tôi đấu tranh ôn hòa là sợ các ông, mẹ tôi tuyệt thực đến mức nôn ra máu, bố tôi hai lần ôm xăng đó, sự căm phẫn đó xá gì mà không dám ôm bom cảm tử, nhiều người phụ nữ phải khỏa thân để giữ đất, có người tự thiêu… họ cũng dám ôm bom chết chung với các ông đấy. Đất nhà tôi đó, tôi đố các ông, tôi thách các ông dám ở trên đất nhà tôi, muốn ở phải giết được 5 thành viên trong gia đình tôi.
DA: im lặng.
Khoảng 5h họ thả tôi ra. Khi vừa mở máy đã thấy bà con gọi điện cho tôi, tôi bảo họ về nghỉ sau một ngày vất vả, nhưng bà con nhất quyết phải nhìn thấy tôi thì mới chịu rời khỏi đồn công an HN.
Về đến đồn số 6 Quang Trung, rất đông bà con đang chờ tôi ở đó, lòng dân khí thế, và họ thể hiện sự lo lắng cho tôi. Tôi đã nói với bà con rằng, với sự đoàn kết và quyết tâm của bà con, chúng nó đã bắt mẹ tôi, và cho dù chúng có bắt thêm tôi thì chúng cũng không thể cướp được đất của bà con. Sau khi thông báo tình hình cho bà con. chúng tôi tiếp tục biểu tình tại chỗ, hô vang các khẩu hiệu:
Đả chế độ công an trị. / Đả đảo chế độ thối nát. / Đả đảo lũ hèn với giặc, ác với dân. (Xem thêm video biểu tình sau khi tôi về đến đồn công an Hà Nội số 6 Quang Trung)
(iii) Ts Nguyễn Hưng Quốc: Hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ
Lâu nay, nói đến chuyện hoà giải, chúng ta chỉ hay giới hạn trong quan hệ giữa người Việt với nhau, chủ yếu là giữa người Việt ở miền Nam và người Việt ở miền Bắc, sau đó, giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Trên thực tế, nội hàm khái niệm hoà giải rất rộng, không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở tầm quốc tế, ở đó, sự hoà giải giữa người Việt và người Mỹ là then chốt.
Trước hết, cần nhắc lại một số điểm: Một, mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với độc lập và chủ quyền của Việt Nam hiện nay đến từ những tham vọng bành trướng lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc. Hai, đối diện với sự đe doạ ấy, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất để tự vệ là tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó, quan trọng nhất là Mỹ. Ba, trong quan hệ với Mỹ, điều trở ngại lớn nhất chính là quá khứ, là cuộc chiến tranh kéo dài giữa hai nước trước đây. Bởi vậy, có thể nói, công việc cần làm đầu tiên của hai nước là nỗ lực hoà giải.
Sự hoà giải ấy cực kỳ quan trọng bởi vì di sản của cuộc chiến tranh Việt Nam rất nặng nề.
Về phía Mỹ, đó là cuộc chiến tranh ở nước ngoài dài thứ hai của họ (sau cuộc chiến tranh tại Afghanistan hiện nay); đó cũng là một cuộc chiến tranh chia rẽ nước Mỹ một cách sâu sắc nhất. Ngoài 58.000 lính Mỹ bị hy sinh, những chấn thương tâm lý ở những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam vẫn còn kéo dài rất lâu. Nhiều người vượt qua các chấn thương ấy để hoà giải với Việt Nam, nhưng cũng không ít người vẫn tiếp tục nhìn Việt Nam bằng cặp mắt đầy hận thù và nghi kỵ: chính những người đó là lực lượng chống đối mạnh mẽ nhất đối với mọi nỗ lực hoà giải của chính quyền Mỹ.
Về phía Việt Nam, cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, từ 1954 đến 1975, cũng là một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất với trên ba triệu người, kể cả thường dân ở hai miền Nam và Bắc, bị thiệt mạng. Số lượng bom và các loại chất nổ thả xuống Việt Nam trong hai mươi năm ấy còn nhiều hơn tổng số bom mìn được sử dụng trên khắp thế giới trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cho đến tận ngày nay, hơn 40 năm sau chiến tranh, những bom mìn ấy vẫn còn là một nguy cơ. Đó là chưa kể các loại hoá chất độc hại, trong đó, đáng kể nhất là chất độc màu da cam, đến nay vẫn ảnh hưởng đến nhiều người.
Di sản nặng nề đến vậy nhưng hầu như bất cứ người sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược nào cũng đều thấy rõ một điều: mọi người, từ cả hai phía, đều cần vượt qua quá khứ để cùng hợp tác với nhau nhằm đối phó với những thử thách nghiêm trọng trong hiện tại, trong đó, thử thách lớn nhất là những âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Với Mỹ, cũng giống như thời chiến tranh lạnh, Việt Nam lại nằm ở tuyến đầu trong chiến lược chống lại sự bành trướng ấy. Với Việt Nam, âm mưu bành trướng ấy trực tiếp đe doạ đến chủ quyền của Việt Nam trên biển và đảo, thậm chí, có thể cả trên đất liền.
Ý thức được điều đó, lâu nay Mỹ cố gắng bày tỏ nỗ lực hoà giải với Việt Nam. Cả ba tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton đến Georges W. Bush và Barack Obama, khi đến Việt Nam, đều nhấn mạnh đến nhu cầu hoà giải để một mặt, gác bỏ những hận thù trong quá khứ; mặt khác, hướng tới tương lai với những sự hợp tác để cả hai bên cùng có lợi. Nói cách khác, Mỹ là những người chìa tay ra trước. Khi chìa tay ra như vậy, họ chấp nhận cả sự nhượng bộ. Có hai sự nhượng bộ lớn: Một là công khai nhìn nhận tính hợp pháp và chính đáng trong vị thế lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam, và hai là nhiều lúc nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn của chính quyền Việt Nam. Biểu hiện chính của sự nhượng bộ thứ nhất không những chỉ qua các lời tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của nhau mà còn qua việc chính thức tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng vào giữa năm 2015. Biểu hiện của sự nhượng bộ thứ hai là Mỹ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam ngay cả khi vấn đề nhân quyền chưa được cải thiện dù, trên nguyên tắc, nó vốn được xem là một trong những yêu sách đầu tiên của Mỹ.
Còn phía Việt Nam thì sao? Nhớ, năm 2000, sau khi Tổng thống Bill Clinton phát biểu với nội dung kêu gọi mọi người cố quên quá khứ thù nghịch giữa hai nước để cùng nhau hướng về tương lai, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phản đối ngay: Theo ông, người Việt Nam không thể và cũng không nên quên cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc đầy chính nghĩa của mình. Bill Clinton ngơ ngác. Giới bình luận chính trị quốc tế, sau đó, cho bài đáp từ của Lê Khả Phiêu là một sự vụng về, phá hỏng không khí hoà giải mà Bill Clinton muốn mang lại. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, Huy Đức kể lại lời của Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng, lúc chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Bill Clinton năm ấy, đại khái: Bộ Chính trị ra chỉ thị là, khi gặp Bill Clinton, ông không được cười! Trong cuộc đón tiếp Tổng thống Barrack Obama vừa rồi, không biết Bộ Chính trị có ra chỉ thị gì không nhưng mặt mày của giới lãnh đạo Việt Nam trông rất thiếu thân thiện. Có vẻ như Việt Nam còn khá miễn cưỡng trong tiến trình hoà giải với Mỹ.
Sự khác biệt trong vấn đề hoà giải thể hiện rõ nhất qua thái độ của nhiều người Việt Nam đối với việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của đại học quốc tế Fulbright Việt Nam. Về phía Mỹ, người ta xem vai trò của Kerrey, một cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam, như một bằng chứng của hoà giải. Phía Việt Nam, ít nhất là đối với một số thành phần nào đó, ngược lại, người ta từ chối cử chỉ hoà giải ấy với lý do bàn tay của Kerrey đã từng dính máu trong cuộc chiến tại Việt Nam. Điều đáng nói là cái gọi là thành phần từ chối ấy dường như không phải nhỏ. Một cách công khai, chỉ có một mình bà Tôn Nữ Thị Ninh lên tiếng. Tuy nhiên, việc bài phỏng vấn ông Đinh La Thăng, trong đó, ông ủng hộ việc Bob Kerrey, bị gỡ ra khỏi các báo, cho thấy thế lực từ chối hoà giải tại Việt Nam rất lớn, ít nhất cũng lớn hơn ông Đinh La Thăng, một uỷ viên Bộ Chính trị và là Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh. Tại sao chính quyền Việt Nam có vẻ miễn cưỡng trong tiến trình hoà giải với Mỹ như vậy? Thực tình, tôi không hiểu. (Source: VOA)
(iv) Ks Bùi Quang Vơm: Mất Trường Sa lớn và thông điệp gửi Hà Nội
Báo Vnexpress.net đưa tin, “Mỹ hôm qua (22/06/2016), lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên ‘thực hiện thêm các hành động khiêu khích’, sau khi tòa trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện ở Biển Đông. Colin Willett, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ khu vực Đông Á, cho biết, Washington có “rất nhiều cách” để đối phó với bất kỳ động thái nào của Trung Quốc trong khu vực, theo Reuters. Bà nói thêm rằng trong bối cảnh tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến đường 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên Biển Đông, Mỹ đang tích cực làm việc với các đối tác và đồng minh khu vực nhằm đảm bảo thiết lập một mặt trận thống nhất”.
Chú ý rằng, lời cảnh báo này nhấn mạnh chữ “thêm”, có nghĩa là đã có khiêu khích. Và có thể thấy rằng vụ khiêu khích vừa rồi của Trung Quốc, vụ bắn hạ hai máy bay của Việt Nam, đã không che mắt được ai, nhưng công bố một quy kết lại không thể đơn giản là “biết” hoặc “chắc chắn”, nhất là chính Hà Nội, người bị nạn lại không muốn quy tội cho ai, và âm thầm nuốt hận, hay cắn răng chịu trận. Và Mỹ thì “chúng tôi tôn trọng quyền quyết định của các bạn” như lời Đại sứ Mỹ Ted Osius. (Những phân tích về âm mưu của Trung Quốc, xin xem bài “Chiến tranh biển Đông đã bắt đầu?”).
Bắn hạ hai chiếc máy bay hiện đại của không quân Việt Nam trong hai ngày 14/06 và 16/06, Trung Quốc đã thực hiện một âm mưu khiêu khích. Việt Nam biết và có bằng chứng, Việt Nam có thể công bố và quy kết trách nhiệm cho Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc bồi thường, và theo tập quán ngọai giao, Hà Nội sẽ buộc phải có động thái đáp trả hành vi khiêu khích này. Nhưng nếu công bố kết tội Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ lu loa lên rằng ‘"Hà Nội vu khống và khiêu khích. Hà Nội lợi dụng Mỹ để công khai chống lại Trung Quốc. Chế độ Hà Nội đã phản bội lại láng giềng, phản bội chủ nghĩa Mác. Hà Nội đã trở thành kẻ thù của nhân dân Trung Quốc, Hà nội phải bị trừng phạt".
Tiếp đến, sẽ xảy ra các sự cố tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc “bị bắn”, ngư dân Trung Quốc trên biển thuộc lãnh hải Việt Nam “bị đánh chìm”, tàu chiến tuần tra của Trung Quốc đột nhiên “bốc cháy” gần đảo Trường Sa lớn của Việt Nam, có “bằng chứng tên lửa của Việt Nam được phóng đi từ Trường Sa lớn”, v.v… Tất cả những cái cớ bịa đặt đó mục đích dẫn đến việc Trường Sa lớn của Việt Nam phải bị Trung Quốc trả đũa, và điều sẽ xảy ra là Trường Sa lớn, thủ phủ huyện đảo Việt Nam còn lại trên biển Đông, sẽ bị tiêu diệt và chiếm đọat chỉ trong một đêm, bằng hoả lực không gì cản được.
Bằng việc giả như phớt lờ gợi ý trợ giúp của Mỹ, kêu gọi sự giúp đỡ của chính Trung Quốc, Hà Nội đã hoá giải âm mưu gây chiến đó của Bắc Kinh. Bắc Kinh không thể từ chối một hành động hỗ trợ nhân đạo, và buộc phải làm ngơ, như chưa hề có chuyện cố tình gây chuyện. Đó là biến “mưu của địch làm mưu của ta”, là “tương kế tựu kế”. Âm mưu khiêu khích của Trung Quốc là tạo cớ gây chiến, lợi dụng hỗn lọan để chiếm đọat tất cả những thực thể còn lại trong quần đảo Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam, trước khi Toà Trọng Tài PCA đưa ra phán quyết, thực hiện chiến thuật “chuyện đã rồi”, nhằm tạo thế không thể đảo ngược và bằng cách này hoàn thành mục tiêu độc chiếm biển Đông.
Nhưng ngay sau khi chiếc SU-30MK2 bị nạn rơi ngày 14/06/2016, Mỹ bằng một cách nào đó, có lẽ đã biết được. Ngày 15/06/2016, Mỹ đã cấp tốc điều 4 tầu chiến điện tử cùng với 120 nhân sự kỹ thuật tới biển phía đông Philippines, có nhiệm vụ gây nhiễu radar đối phương, và liền ngay sau đó, ngày 18/06/2016, cùng một lúc, Mỹ đã điều hai tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan hoạt động cùng nhau tại biển Philippines trong tình trạng sẵn sàng tác chiến.
Trong bài phát biểu hôm qua tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte gợi ý rằng “Hiệp định Tương trợ Quốc phòng năm 1951 của các đồng minh không tự động buộc Washington phải giúp Philippines ngay tức thì, nếu nước này đối đầu với Trung Quốc do một xung đột về lãnh thổ. Duterte nói ông đã hỏi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg trong cuộc gặp gần đây. “Các vị có sát cánh bên chúng tôi hay không?”, ông Duterte hỏi và ông Goldberg đáp: “Chỉ khi các vị bị tấn công”.
Philippines cũng đã cảm thấy một điều gì khác thường đang đến từ phía Trung Quốc?! Cũng như Việt Nam, họ tất nhiên cũng có tình báo quân sự tại Trung Hoa đại lục. Như vậy, có thể thấy, ngay cả Philippines, dù được gọi là đồng minh lâu đời của Mỹ, nếu không có một Hiệp định an ninh chung thay cho Hiệp định Tương trợ Quốc phòng, thì khi Philippines có xung đột với Trung Quốc nhằm thu hồi lại Scarboroug, Mỹ vẫn không có quyền tự động can thiệp, trong khi nếu đã thành “chuyện đã rồi” thì không thể đảo ngược tình thế, nghĩa là không thể lấy lại, nếu không bằng một cuộc chiến tranh có tuyên bố với kết thúc bằng sự đầu hàng vô điều kiện của Trung Quốc.
Mỹ đã hoạt động hết sức tích cực. Với bốn tầu chiến điện tử và hai tàu sân bay có mặt tại biển Đông, trong tình trạng sẵn sàng, và với những công bố gần như nói thẳng bản chất những hành vi có chủ đích của Trung Quốc, Mỹ góp phần quyết định hoá giải một phần những thủ đọan không có gì ghê gớm nhưng hung bạo của Bắc Kinh. Sự có mặt của Mỹ có thể khống chế sự hung hăng của Trung Quốc, nhưng Mỹ không có quyền đương nhiên can thiệp những xung đột song phương. Vì vậy, những thủ đọan gây sự cố châm ngòi cho việc sử dụng vũ lực, đặc biệt, riêng với Việt Nam, liên quan tới Trường Sa lớn, có thể vẫn xảy ra. Và trên nguyên tắc, Mỹ chỉ có thể đưa ra thông điệp “luôn luôn có mặt bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách, nhưng chúng tôi tôn trọng quyền quyết định của các bạn”. Nếu chỉ có thế thì ngay cả khi chuyện xảy ra, đảo mất, biển mất, thậm chí, không thấy Mỹ hành động, thì nước cũng có thể mất. Hà Nội chỉ có thể ngồi nhìn và Mỹ không thể làm gì ngoài “cực lực phản đối”.
Nhưng phải hỏi, ở phía Việt Nam, khi đã biết Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông từ ngày 13/06 tới ngày 17/06, tại sao lại cho tập luyện bay trên biển Đông vào ngày ngày 14/06? Việt Nam răn đe Trung Quốc, hay Việt Nam thông đồng với Trung Quốc để tạo ra sự kiện? Ai đã ra lệnh xuất kích trong tình huống như vậy? Tại sao khi tín hiệu SOS kêu cứu phát ra từ vùng biển Nghệ An, chỉ cách bờ khoảng 20 km theo lời thuật của thiếu tá Nguyễn Huy Cường, lại điều máy bay tuần thám CASA 212 tới đảo Bạch Long Vĩ, sát phía đông đường phân giới vịnh bắc bộ với Trung Quốc để bị rơi? Và tại sao phải cần một ê kíp tới 9 người? Người ra lệnh này là ai? Nhằm mục đích gì? Có thể tin được rằng gián điệp của Trung Quốc nằm ngay trong bộ tư lệnh phòng không, không quân, ngay trong bộ chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, và trong bộ tổng tham mưu? Trước mắt, có thể cách chức, thậm chí bắt giam ngay, chờ điều tra người ra quyết định xuất kích bay tập trong khi Trung Quốc đang diễn tập bắn đạn thật tại biển Đông. Xử bắn công khai, nếu là gián điệp Trung Quốc. Nếu là một kế hoạch được chuẩn bị trước, thì hãy hình dung, những kẻ phản bội này táng tận lương tâm đến mức nào và thực tế chất lượng của quân đội Việt Nam hiện nay ra sao ......
Thông điệp khẩn cấp mà chúng ta muốn chuyển tới những kẻ đang nắm trong tay quyền lực của chế độ tại Hà Nội, rằng đảo đã mất, sắp mất hết, biển đang mất và đất nước sẽ mất chỉ do sự mê muội của ý thức hệ cộng sản, mê muội bạn thù. Hãy thức tỉnh, không còn thời gian nữa. Phía sau các vị không còn dân nữa đâu, đừng ảo tưởng, không còn ai hết, không một người. Không thể có mặt trận nhân dân, không thể có thế trận toàn dân nữa. Cái từng đem lại cho các vị “chế độ”, đã chuyển sang phía bên kia chiến tuyến, đối diện với chính các vị rồi. Họ đã từng nâng thuyền và bây giờ họ sẽ là những người lật thuyền.
Giặc Tàu đến, con cháu của những người bị các vị, bị cái lý tưởng viển vông của các vị lừa bị 30 năm làm bia đỡ đạn để các vị ngồi trên vinh quang, chia nhau quyền lực, vơ vét làm giàu, bây giờ họ sẽ không bị lừa dối nữa. Nếu giặc đến, các vị hãy mang những lâu đài, biệt thự giát vàng của các vị ra mà đỡ đạ̣n. Sau những việc cướp đọat làm giàu trên xương máu người dân, các vị vẫn tin rằng người dân sẽ bảo vệ các vị, để các vị tiếp tục có chức có quyền, tiếp tục bòn rút xương tuỷ người lao động nghèo đói nữa hay sao?
Đành rằng không ai có quyền quy kết tất cả, trong các vị vẫn có những con người chính trực. Chúng ta đang chờ những con người đó hành động. Hãy tỉnh táo và suy ngẫm. Cái gì làm nên sự đổ vỡ của lòng dân, cái gì, nguyên nhân nào làm ra sự suy sụp nền đạo đức của một dân tộc giàu nhân bản, giàu lòng vị tha và yêu công lý như dân tộc Việt Nam? Các vị trông chờ vào cứu cánh của ý thức hệ cộng sản, của chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhưng những tên đồ tể đại Hán ở Trung Nam Hải không còn là những đồ đệ của Mác nữa, chúng chiếm biển Việt Nam, đất Việt Nam không phải để bảo vệ “lý tưởng tương đồng” với các vị, mà là để chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ.
Hãy tỉnh lại, chủ nghĩa Mác chết rồi, bản chất xã hội loài người đã thay đổi, không còn man rợ như những gì in trên nhận thức đơn sơ và chết cứng của Mác. Nếu lịch sử là một quá trình tự hoàn thiện mình, thì hình ảnh gần nhất với mơ ước của Mác chính là các xã hội phát triển nhất trên hành tinh, không phải một Trung Quốc đang vật vã với những tư duy của những triều đại phong kiến trung cổ, tham lam và mông muội.
Không có cái “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà các vị suốt 35 năm tìm kiếm. Không biết các vị thật tâm lần mò hay các vị cố tình tự lừa dối mình và lừa dối mọi người. Nếu thật tâm các vị mò mẫm tìm kiếm cái quái thai không tồn tại ấy, thì hãy xem lại cái phần não bộ, quả thật là có vấn đề thiếu hụt. Thị trường là Tự do cá nhân cộng với sở hữu Tư nhân. Những gì Việt Nam có hôm nay, những cái đã cứu cái chế độ của các vị thóat chết, chính là những gì đến từ cái phần thị trường trong cái nền kinh tế nửa dơi nửa chuột mà các vị chủ trương. Nó còn phôi thai, nhưng sẽ chết dần bằng các chủ trương tập thể hóa và quốc hữu hoá sở hữu, để tiến tới nền kinh tế phi sỡ hữu xã hội chủ nghĩa. Đó là sản phẩm của một lối tư duy ấu trĩ về lý thuyết kinh tế và siêu hình của lôgíc thực tiễn .......
Đành rằng những thông điệp này xuất phát từ giả thuyết hai máy bay của Việt Nam bị nạn do Trung Quốc cố tình bắn hạ, nhằm âm mưu tạo sự kiện để gây chiến, nhưng bất kể sự kiện đã xảy ra như thế nào và nguyên do từ đâu, thì nguy cơ biển đảo Việt Nam mất vào tay Trung Quốc vẫn là nguy cơ có thật, chỉ là chuyện mất lúc nào và mất như thế nào. Việc căn bản là xác định ai là thù và ai là bạn. Một điều không người Việt Nam nào không biết, rằng kẻ thù trực tiếp và truyền kiếp của dân tộc Việt Nam là vua chúa các triều đại Trung Hoa và những kẻ cầm quyền hiện nay tại Bắc Kinh. Nguy cơ mất biển, mất đảo, dần tới mất nước là tư tưởng bá quyền thâm căn, không thể thay đổi của chủ nghĩa bành trướng đại Hán Trung Quốc. Đó là kẻ thù. Hợp tác với kẻ thù là tạo điều kiện cho kẻ thù thực hiện dã tâm từ trong nhà, lợi dụng hợp tác để thiết chặt các trói buộc lệ thuộc, để đoạt quyền kiểm soát trong tình huống xảy ra xung đột, để kiến trúc dần những điều kiện chiếm đọat cuối cùng.
Cần phải quy thành tội tất cả những hành vi hợp tác với kẻ thù thư tội gián điệp, tội phản quốc. Khi đã xác định Trung Quốc cộng sản là kẻ thù, thì tất cả những kẻ thực hành các hoạt động hợp tác với Trung Quốc cộng sản đều là tội phản quốc. Thực chất, tình trạng Việt Nam bị lệ thuộc Trung Quốc cả về tư tưởng lẫn kinh tế như hiện nay, nhất là tình trạng chiếm cứ các khu vực có địa thế hiểm yếu, tạo thành thế xen cài răng lược, là sản phẩm của hợp tác với Trung Quốc, sản phẩm của sự mê muội ý thức hệ và lòng tham hèn hạ trong hàng ngũ những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.
Không cần biết người ta định nghĩa diễn biến hoà bình là gì, nhưng những kẻ lẫn lộn giữa man rợ và văn minh nhân loại, giữa nô lệ và tự do nhân bản, giữa lòng bao dung và hận thù, phải bị coi đầu tiên là kẻ thù của mọi diễn biến. Đến với tiến bộ, đến với nền văn minh chung, hoà nhập vào hệ thống giá trị chung của nhân lọai phải là một diễn biến mong đợi. Nếu diễn biến đó xảy ra một cách hoà bình thì là một quá trình diễn biến hợp lòng người, hợp thời đại. Các vị chẳng nên lo sợ. Chỉ có những người bạn mới tìm cách đến với các vị một cách hoà bình, kiên nhẫn chờ đợi sự chuyển biến chậm trễ của các vị. Ngược lại, hãy nhìn những gì Trung Quốc làm, đó không phải là diễn biến hoà bình, đó là một diễn biến cũng đến từ từ nhưng man rợ, biến các vị và đồng bào của các vị ban đầu thành những tên nô lệ, rồi sau đó mất hẳn khỏi loài người.
Cần phải có ngay lập tức một Hiệp định an ninh tương hỗ cho phép Mỹ quyền đương nhiên và tức khắc can thiệp, mỗi khi Việt Nam có xung đột vũ trang đe dọa an ninh biển đảo và chủ quyền quốc gia. Không còn thời gian nữa. Nguy cơ tổn thất tài sản và hy sinh con người trên các đảo và đá có quân đội túc trực và dân cư sinh sống thuộc quần đảo Trường Sa, đặc biệt là Trường Sa lớn, thủ phủ của huyện đảo Trường Sa đang hiện rõ từng ngày, có khả năng xảy ra trước ngày phán quyết của Toà trọng tài PCA ngày 07/07/2016.
Không cho phép bất kỳ ai chần chừ. Trách nhiệm về chủ quyền quốc gia và sinh mạng những con người này trước hết và trên hết thuộc về những cá nhân trong Thường vụ Quân uỷ Trung ương, bao gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Lương Cường, Tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.
Không có gì có thể cứu vãn được tình thế hiểm nguy của đất nước trong lúc này, ngoài một Hiệp định với Mỹ, kể cả một Hiệp định không công bố. (Paris ngày 23/06/2016)
(iv) Luân Hoán: BÀI THƠ TỪ QUỐC NỘI
chuyện quá đau lòng tôi không dám viết
chính xác hơn không biết viết làm sao
tay không run lòng dồn dập nao nao
lệ không chảy mặt mày như ướt sũng
      ảnh tôm cá nghêu sò nằm phơi bụng
      mùi thịt da thối rửa ngập không gian
      vạn vật thiên nhiên gào thét rên than
      lời trăn trối: nhặng ruồi lăn ra chết
môi trường sống đang dần dần chấm hết
dây chuyền nhiễm trùng phát tán thong dong
nhiều loại chim tìm nước uống, lót lòng
mất tiếng hót âm thầm rơi đâu đó
      người chưa ngã nhưng trong dòng máu đỏ
      mầm bệnh đang trang bị những đạo binh
      giữa hoàng hôn, trong ánh nắng bình minh
      ai ngờ được người oằn mình thổ huyết
không dám hình dung những điều có thiệt
trong tương lai gần của đất nước ta
bè bạn ta ơi, hải ngoại quê nhà
giúp tôi nhé, góp câu thơ thức tỉnh
      những trí tuệ hại dân lành tuyệt đỉnh
      bỗng tìm ra còn sót chút lương tâm
      cơn bão tháng tư của thời bảy lăm
      bén ngọt lưỡi dao tinh vi hơn nữa
chẳng dám mong bạn hiền tiếp lửa
mời góp thơ như chung một tấm lòng
chẳng đến đâu nhưng chắc hơn không
thơ hay dở không bằng cùng ý thức
      tôi hy vọng vuông đất tình facebook
      riêng cõi tôi thơm hơi thở bạn hiền
      vâng, mỗi ngày xin được ưu tiên
      đón thơ bạn đón hình nhà ảnh nước
(tạm ít tuần lơ hẹn hò lả lướt
chuyện yêu thương nam nữ của muôn đời)
những ảnh hình hiện thực sẽ thay thơ
mỗi giai đoạn sống còn cùng lịch sử. (Lh - 8.07 AM - 08-5-2016) 
PHẠM GIỚI
trì ngũ giới, thọ tam qui
không kinh không mõ chuông gì động tay
tu tại gia chưa một ngày
nhưng tâm niệm Phật lâu nay theo đời
      Mô Phật con phạm giới rồi
      sân si nặng tội hận người ác gian
      vẫn nuôi nghiệp diệt tham tàn
      chưa buông bỏ được sát nhân trong lòng
giữa bạo tàn với lương dân
con trù ẻo bọn vô tâm vẫn là
phạm tội trong một sát na
tây phương ngàn dặm đã xa khó về
      đầu đội mây đã gần kề
      nhưng thôi đành vậy chịu mê lầm này
      không thể sử dụng chân tay
      con nhất định rủa sói bầy tiêu tàn
      hại người đúng là dã man
      nhưng không thấy chúng đang mang dáng người
Mô Phật con phạm giới rồi
diệt ác phù thiện làm người thường dân
tội này con phạm nhiều lần
hết mong thanh tịnh trong lòng ác ngôn. (Lh -5.42 AM-10-5-2016)
LỆ ĐỎ
thoạt mới nhìn tôi ngờ em khóc
lòng mắt xanh phủ ướt màn mờ
đúng là nước nhưng không là lệ
máu từ con ngươi từ má trộn vào
      đường mắt ngó dường như cam chịu ?
      tôi đoán nhầm đúng vậy không em ?
      những vết chém trên khuôn mặt đẹp
      không tắt đi tâm huyết vững bền
em tuổi trẻ Việt Nam lộng lẫy
là sinh viên là những công nhân
nét nhân bản tự do hiển lộng
chưa nhạt phai nguồn cội tiên rồng
      tôi xin lỗi lâu nay lầm nghĩ
      thế hệ các em hư hỏng đa phần
      bị ru ngủ cố tình nhồi sọ
      hương nhân quyền vẫn ngát trong tâm
tôi không phải người mê chính trị
nợ làm người trả mấy cho xong
em bị đánh toàn dân đau đứt ruột
kể cả tôi một kẻ đào vong
      cảm ơn em chịu đòn thay dân tộc
      vết thương em là một chiến công
      tôi chợt hiểu không cần nguyền rủa
      chính nghĩa sáng lên triệu triệu tấm lòng. (Lh - 00. 03AM-11-5.2016)
..........................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét