Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Hệ Quả Chuyến Thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama - Thiện Ý

(Hình epa: Người đân đổ ra đường chào đón Tổng Thống Barack Obama ở Sài Gòn, ngày 24 tháng Năm năm 2016.)
(VOA 31/5) Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama được đánh giá là đã diễn và kết thúc tốt đẹp cho cả đôi bên Mỹ-Việt. Vậy chuyến đi này có hệ quả như thế nào đối với Biển Đông và quan hệ ba bên Mỹ-Việt-Trung?

<!->
Nói chung, Biển Đông đã và đang tạo ra các mối quan hệ ngày càng phức tạp và đầy mâu thuẫn giữa ba nước Việt Nam, Mỹ, và Trung Quốc. Tình hình này bắt nguồn từ việc Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu, bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, từng bước xâm chiếm trắng trợn hầu hết biển đảo tại Biển Đông, đưa đến tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong vùng, trong đó có Việt Nam. Trước tình thế này, dù không có tranh chấp gì về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, nhưng Hòa Kỳ có quyền lợi quốc gia (hàng hải và an ninh, quốc phòng..), nên đã có lời nói và hành động can thiệp, nhằm ngăn cản và đòi buộc Trung Quốc từ bỏ tham vọng, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chiến lược xoay trục về Á Châu và nỗ lực tạo thế liên minh kinh tế (TPP) và an ninh, quốc phòng song phương cũng như đa phương với các quốc gia trong vùng của Hoa Kỳ có lẽ không ngoài mục đích bao vây, gián chỉ tham vọng đất đai, biển đảo của Trung Quốc, dù trước mắt Hoa Kỳ đang có những quyền lợi kinh tế song phương đáng kể và là con nợ tài chánh có trọng lượng của Trung Quốc.

Việt Nam là một trong những nạn nhân của nước láng giềng bá quyền Trung Quốc, có vị thế chiến lược quan trọng mà Hoa Kỳ muốn tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia vào các liên minh kinh tế và an ninh quốc phòng, nên đã vượt qua chủ trương chống cộng cố hữu, chấp nhận khác biệt chế độ chính trị để hình thành quan hệ đối tác toàn diện với nhà cầm quyền CSVN. Đồng thời, Việt Nam cũng có nhu cầu muốn được tham gia vào các liên minh này để có khả năng tự vệ và được bảo vệ, nhưng lại sợ Trung Quốc trừng phạt vì những vướng mắc chẳng chịt của quá khứ và lệ thuộc nặng nề Trung Quốc trong hiện tại về chính trị, quân sự, kinh tế và tài chánh.

Nếu dựa trên nhận định tổng quát trên, thì chuyến đi Việt Nam vừa qua của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama sẽ có hệ quả như thế nào?

Trong quan hệ Mỹ-Việt, dường như cả hai đã đạt được mục đích mong muốn qua chuyến đi này.

Mục đích chung của hai nước là duyệt lại và tăng cường thực hiện “quan hệ đối tác toàn diện” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, được cụ thể hóa bằng việc công bố, ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ tái cam kết tiếp tục để cho Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và đi vào thực hiện trong tương lai, nếu Việt Nam thực hiện đúng những điều kiện đòi hỏi của TPP (công đoàn độc lập, cải cách luật pháp, hình thành các tổ chức xã hội dân sự…) để được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua.

Những thành tựu trên đây còn ngầm gửi đến Bắc Kinh thông điệp rằng việc Việt Nam ngày càng xích lại gần hơn với Hoa Kỳ về kinh tế (Hiệp định TPP) và an ninh, quốc phòng (bán vũ khí và các hoạt động quân sự chung tại Biển Đông…) là hệ quả tất nhiên của những hành động trắng trợn xâm chiếm Biển Đông, ỷ mạnh hiếp yếu bao lâu nay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, để giám bớt cường độ phản ứng của Trung Quốc bất lợi cho Việt Nam, Hoa Kỳ tạo thế “độc lập tự chủ” cho Hà Nội, để Trung Quốc vẫn tin rằng, dù Hà Nội có đến gần Hoa Thịnh Ðốn đến đâu, vẫn không quay lưng lại với Bắc Kinh và luôn trung thành với mối quan hệ khăng khít, lâu đời giữa hai nước. Vì thế, một mặt Tổng Thống Obama tuyên bố các hành động tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong khuôn khổ “quan hệ đối tác toàn diện” song phương chứ không nhắm vào Trung Quốc hay với bất cứ lý do nào khác.

Mặt khác, Tổng Thống Obama tuyên bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đã không kèm điều kiện tiên quyết buộc nhà cầm quyền CSVN phải thực hiện một số động tác tôn trọng nhân quyền cụ thể trước chuyến đi.

Việc trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý chỉ vài tháng trước thời hạn thi hành bản án tù cuối cùng nên đã không có ý nghĩa gì đối với sự trông đợi của công luận; cũng như Tổng Thống Obama biết rõ công an CSVN đã ngăn cản những người bất đồng chính kiến mà Ông muốn gặp khi có mặt tại Việt Nam... nhưng Hoa Kỳ vẫn không có phản ứng gì. Phải chăng Hoa Kỳ có ý giúp nhà cầm quyền CSVN thực hiện kịch bản “độc lập tự chủ”, để Bắc Kinh tin là Hà Nội luôn giữ vững lập trường, dù cần Mỹ, nhưng không khuất phục trước những điều kiện tiên quyết đòi Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền. Đồng thời, như để chứng tỏ với Bắc Kinh, rằng Hà Nội lúc nào cũng coi trọng quan hệ Việt-Trung cao nặng hơn quan hệ Việt-Mỹ, nhà cầm quyền CSVN đã thể hiện qua nghi thức đón tiếp Tổng Thống Obama cố tình hạ thấp hơn nghi thức đón tiếp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có người cho rằng sự khác biệt này như là một điều sỉ nhục đối với Tổng Thống Hoa Kỳ. Thế nhưng chúng tôi cho rằng Hoa Kỳ vốn theo chủ nghĩa thực dụng, nên chỉ nghĩ đến lợi ích thực tế, không quan tâm đến sự khác biệt nhỏ nhặt trong hình thức đón tiếp.

Không biết kịch bản “độc lập tự chủ” và kế sách “Nín thở qua sông, qua cầu rút ván”của Hà Nội có qua mặt được Bắc Kinh hay không mà ngay sau khi Tổng Thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã hoan nghênh việc bãi bỏ này. Bà nói: “Lệnh cấm vận vũ khí bản thân nó là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và không nên tồn tại. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng các lệnh cấm vận vũ khí tương tự sẽ được dỡ bỏ, và giải pháp đối với vấn đề này sẽ đóng góp vào sự phát triển, ổn định và hòa bình khu vực. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi vui mừng chứng kiến Việt Nam và Hoa Kỳ có thể phát triển mối quan hệ hợp tác bình thường”.

Nhiều người ngạc nhiên trước phản ứng trên đây của Trung Quốc, nhưng chỉ một ngày sau, Bắc Kinh đã gay gắt lên án mối quan hệ này. Trung Hoa Nhật báo trong một bài xã luận đăng hôm 24/5/2016 đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ và Việt Nam không nên châm ngòi cho một “mồi lửa trong khu vực”; rằng động thái của ông Obama có nghĩa là để “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”; và rằng “Điều này, nếu đúng là sự thật, thì là điềm xấu cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Phản ứng không nhất quán trên đây có thể giải thích trên hai mối quan hệ:

- Một là quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc chúc mừng để tỏ ra coi thường việc Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cũng như mọi nỗ lực sát lại gần Hòa Kỳ của Hà Nội. Đồng thời qua đó Bắc Kinh muốn cho Hà Nội hiểu rằng gần Mỹ đến đâu cũng không thể thoát khỏi vòng Kim Cô quá khứ cũng như hiện tại của Trung Quốc đã tròng vào cổ đảng và nhà cầm quyền Việt Nam.

- Hai là quan hệ với Hoa Kỳ, thì Trung Quốc lại đã gay gắt tố cáo lên án mối quan hệ này, rằng Hoa Kỳ và Việt Nam không nên châm ngòi cho một “mồi lửa trong khu vực” như là để cảnh cáo và đổ lỗi cho Hoa Kỳ nếu có hậu quả tai hại gì trong khu vực, tỷ như nổ ra xung đột quân sự tại Biển Đông.

Nhưng nói gì thì nói, dường như Hà Nội đã đáp trả Bắc Kinh mạnh mẽ hơn từ vàì ngày trước và sau chuyến đi Việt Nam của Tổng Thống Obama. Sau chuyến đi này, các cơ quan truyền thông chính thống của nhà cầm quyền CSVN đã lên tiếng tố cáo và lên án mạnh mẽ ý đồ và hành động xâm lấn biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam một cách định kỳ. Ví dụ như bài bình luận của đài truyền hình trung ương ở Hà Nội VTV1 nghe được hôm Chủ Nhật 22/5/2016, sau khi người xướng ngôn đọc nội dung, còn có thêm lời bình và dẫn giải của Viện Phó Viện Nghiên Cứu Biển Đông thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam, về các hành động lân chiếm biển đảo cùa Việt Nam có tính định kỳ trước đây thường được Trung Quốc khởi động vài ba tháng trước các Hội Nghị Shangri-La hàng năm của các Bộ Trưởng Quốc Phòng một số quốc gia trong vùng.

Khi đến dự hội Nghị bên lề hội nghị thượng đỉnh G.7 tại Nhật Bản, ngày 26/5/2016, trả lời phỏng vấn của các hãng tin quốc tế về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Chủ Tịch nước Trần Đại Quang cho biết các xung đột trong vùng biển tranh chấp không chỉ là mối quan ngại của riêng các quốc gia có liên quan mà còn của các quốc gia khác trên thế giới. Ông Quang nói: “Các hành động gây mất ổn định, thay đổi hiện trạng, viphạm luật pháp quốc tế… đã làm suy yếu lòng tin và gia tăng căng thẳng. Nhiều quốc gia khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế cảm thấy không an toàn, nhiều lần lên tiếng thể hiện sự quan ngại sâu sắc”.

Trên đây là những hệ quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama đối với quan hệ ba bên Mỹ-Việt, Mỹ-Trung và Việt-Trung.

Thế còn hệ quả với nhân dân Việt Nam thì sao?

Rõ ràng là có sự khác biệt nhiều điều giữa “ý đảng” và “lòng dân”.Người ta thấy hàng ngàn người dân Việt Nam từ Hà Nội đến Sài Gòn đã tự nguyện ùa ra đường nồng nhiệt đón tiếp Tổng Thống Obama trên các lộ trình ông đi qua; cũng như những tràng pháo tay bầy tỏ sự tán đồng mạnh mẽ nhiều lần vang lên trong suốt cuộc nói chuyện hơn nửa tiếng đồng hồ của ông với hàng ngàn người dân đa phần là thanh niên, sinh viên học sinh tụ tập tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội để trực tiếp nghe nhà lãnh đạo Mỹ nói về giá trị thực tiễn của tự do, dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự… và rằng những điều này chỉ có được do chính người dân và chính quyền cùng nhau thực hiện, chứ Hoa Kỳ không thể và không có quyền làm thay, mà chỉ có thể hổ trợ, giúp đỡ khi được yêu cầu.

Qua những hình ảnh, lời nói bầy tỏ nỗi vui mừng, kính trọng, yêu mến của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam dành cho Tổng Thống Obama ở những nơi Ông đi qua hay tiếp xúc được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thống trong và sau thời gian chuyên thăm… người ta tự hỏi vì sao?

Có lẽ một phần là do tâm lý mong chờ Hoa Kỳ như một “cứu tinh” trước hành động của Trung Quốc ngày càng trắng trợn lấn chiếm biển đảo của Việt Nam mà nhà cầm quyền thì chỉ biết “hèn với giặc, ác với dân”. Phần khác có lẽ vì người dân nhận thức được thực tế họ có được đời sống tốt đẹp hôm nay, được trả lại một số quyền dân chủ, dân sinh so với hơn 20 năm trước đây, chủ yếu nhờ Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận (1995-2015), tạo cơ hội cho đảng và nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện chính sách “Mở cửa” cho các nhà tư bản Hoa Kỳ và các nước khác vào đầu tư. Chính nhờ đó Việt Nam đã phát triển đáng kể nền kinh tế thị trường tự do theo hướng tư bản chủ nghĩa, chứ không phải do “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như nhà cầm quyền CSVN vẫn ngụy biện và thực tế đã phủ định sự ngụy biện này. Thực tế các yếu tính của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã hình thành gần hoàn bị sau 20 năm (1995-2015) và chính nhà đương quyên Việt Nam cũng mong được Hòa Kỳ công nhân Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama.

Ngoài những nguyên nhân của qua khứ trên, Tổng Thống Obam được ngươi nhân dân Việt Nam nồng nhiệt đón chào và ngưỡng mộ, yêu mến thật sự, là do chính cung cách thân dân của nhà lãnh đạo hành pháp cao nhất của một cường quốc dân chủ bậc nhất thế giới, thể hiện qua lời ăn tiếng nói khi giao tiếp với quần chúng Việt Nam bên đường, trong hội trường với giới trẻ ở Hà Nội hay với đại diện một số tổ chức xã hội dân sự, giới kinh doanh ở Saigon; hay khi Ông Obama vào một nhà hàng bình dân ở Hà Nội để ăn bún chả, hay uống cà-phê trong một quán bên đường ở Sài Gòn….

Tựu chung, tất cả những lời nói, hành động của nhân dân Việt Nam bày tỏ sự kính trọng, yêu mến chân thành và nồng nhiệt khi đón chào Tổng Thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, có ý nghĩa như một thông điệp gián tiếp gửi đến nhà cầm quyền độc tài toàn trị tại Việt Nam, đã đến lúc nên làm và “phải làm theo lòng dân”. Nghĩa là đã đến thời điểm thuận lợi để cùng nhân dân xây dựng dân chủ, bằng cách chủ động chuyển đổi hòa bình qua chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng.

Đây cũng là một lời nhắc nhở với đảng và nhà cầm quyền CSVN, rằng mặc dầu trong chuyến đi này, Tổng Thống Hoa Kỳ đã tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận bán vũ khi sát thương cho Việt Nam, mà không đòi hỏi phải thực hiện trước một số việc làm cụ thể về tôn trọng nhân quyền, nhưng việc thực thi quyết định bãi bỏ cấm vận trên nguyên tắc này, cũng như việc thực thi Hiệp dịnh TPP vẫn phải được xét định căn cứ trên thành tích thực thi nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN. Nghĩa là tất cả chỉ là những đồng ý trên nguyên tắc, thực tế tôn trọng nhân quyền vẫn là “điều kiện ắt có” bắt buộc đảng và nhà cầm quyền CSVN phải thực hiện “điều kiện đủ” để được Hoa Kỳ thực thi. Tất cả hãy còn ở phía trước. Đảng và nhà cầm quyền CSVN cần thức thời, hiểu rõ sự cảm thông của Hoa Kỳ và sự chịu đựng của nhân dân là có mức độ, đừng coi thường sức mạnh “tức nước, vỡ bờ” của nhân dân để “già néo, đứt dây” khiến “Đảng ta” có thể “mất cả chì lẫn chài”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét