Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Việt Nam muốn mua cả F-16 và P-3 Orion của Mỹ: - NV


Một trong những chiếc chiến đấu cơ F-16 Mỹ cung cấp cho Iraq hồi năm ngoái. (Hình: Sabah Arar/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI (NV) Hà Nội có một danh sách các loại võ khí muốn mua của Mỹ trị giá hàng tỉ đô la mà những thứ hàng đầu là chiến đấu cơ F-16 và máy bay tuần tra biển săn ngầm P-3 Orion.
<!->
Theo một bản tin của tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế Defense News dựa vào các tin tức họ thu lượm từ kỹ nghệ quốc phòng Mỹ, Việt Nam muốn cải thiện và tăng cường khả năng không quân cũng như khả năng bảo vệ an ninh biển bằng chương trình mua sắm cả máy bay F-16 từ chương trình bán bớt các trang bị quốc phòng thặng dư của Ngũ Giác Ðài EDA (Excess Defense Articles). Ðồng thời cũng muốn mua các máy bay tuần tra biển săn ngầm bán phản lực P-3 Orion đã qua sử dụng, được tân trang và trang bị với ngư lôi.


 
Bên cạnh đó, Việt Nam còn muốn mua cả máy bay không người lái cho các nhu cầu tuần tra biển, thu thập tin tức, tình báo.

Mấy năm trước đây, từng có tin Việt Nam muốn mua 6 máy bay săn ngầm P-3 Orion nhưng vì kẹt lệnh cấm vận võ khí, nếu Mỹ bằng lòng bán cũng chỉ bán máy bay mà không bán võ khí đi kèm. Bây giờ, lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam đã được gỡ bỏ hoàn toàn, nước này có thể mua cả võ khí kèm theo nếu được quốc hội Mỹ chấp thuận.
Nguồn tin nói rằng phía Việt Nam muốn mua các máy bay P-3 Orion với những trang bị giống như Mỹ đã bán cho Ðài Loan. Còn những máy bay chiến đấu F-16 thặng dư Mỹ đang tồn kho, Việt Nam muốn những trang bị giống như Mỹ bán cho Indonesia. Cả F-16 cũng như P-3 Orion có nhiều phiên bản khác nhau cho các nhiệm vụ khác nhau.
Tổ chức thông tin quốc phòng Defense News thấy tài liệu “Kế hoạch hợp tác an ninh với Việt Nam” của Bộ Tư Lệnh Mỹ Thái Bình Dương cung cấp cho báo giới viết rằng Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội “có một chương trình hợp tác an ninh mạnh mẽ căn cứ trên mục tiêu chính sách và lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ khi cổ võ hội nhập và tiếp cận (trang bị quốc phòng) chú trọng vào các lãnh vực chính yếu trong cấu trúc an ninh của Việt Nam.”
Những nhu cầu căn bản mà Việt Nam muốn sở hữu gồm trang bị cảnh giác hàng không và trên biển, cung cấp trang bị an ninh đường biển đối với cả các đe dọa truyền thống cũng như phi truyền thống, có khả năng đối phó lại mọi loại nguy hiểm, phục vụ hoạt động bảo vệ hòa bình trong tổ chức LHQ, và cả đối phó với tác động của các hệ quả của cuộc chiến Việt Nam trước đây trong xã hội dân sự.
“Tổ chức Hợp Tác An Ninh SCO (Security Cooperation Organization) được điều hành và có khả năng cung cấp tại chỗ sự yểm trợ và phối hợp cho các chương trình (Việt Nam) mở rộng mua sắm các trang bị quốc phòng của Mỹ và giúp Việt Nam phát triển và duy trì các lực lượng võ trang chuyên nghiệp,” bản tường trình của Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương viết.
Theo bản tường trình này, chủ đích của Việt Nam là tăng cường sự hiện diện trên Biển Ðông với các khả năng cải tiến chiến đấu tàu ngầm, phối hợp hải quân không quân, chiến đấu chống tàu mặt nước, tàu ngầm, cảnh báo đường biển, cảnh báo sớm, chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy điện toán, tình báo, theo dõi và trinh sát.
Nhiều năm trước, nguồn cung cấp võ khí cho Việt Nam chính yếu đến từ Nga và một số nước trong khối Ðông Âu. Nhưng những năm gần đây, người ta thấy Việt Nam mở rộng nguồn mua sắm sang một số nước thuộc Liên Âu và cả Do Thái.
Hiện Việt Nam đang đàm phán để mua một dàn radar siêu tần số của Mỹ trị giá 30 triệu đô la, theo bản tường trình nói trên. Ðây là một trong những nỗ lực mà Việt Nam muốn cải tiến khả năng cảnh báo sớm.
Theo một bản tin trên tạp chí An Ninh Quốc Phòng Quốc Tế IHS Janes, giới lãnh đạo Việt Nam có một danh sách dài những món hàng quân sự muốn mua trị giá tới $13 tỉ đô la. Chúng bao gồm từ xe tăng, thiết vận xa, trực thăng tấn công, trực thăng chiến thuật, radar tầm xa, máy bay tuần tra biển. Ước vọng thì như thế nhưng đào đâu ra tiền để mua lại là câu hỏi lớn.
Tuy nhiên, theo một viên chức trong Hội Ðồng Thương Mại Mỹ-ASEAN, việc Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam không có nghĩa nước này sẽ vội vã ôm lấy các hãng chế tạo võ khí của Mỹ. Một chuyên viên khác tại tổ chức nghiên cứu chiến lược CSIS ở Hoa Thịnh Ðốn cũng cho rằng việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí cho Việt Nam mới chỉ là cử chỉ có tính cách biểu tượng của sự bình thường hóa bang giao giữa hai kẻ cựu thù.
Nhiều nhà phân tích khác cũng cho rằng phải vài năm nữa người ta mới thấy võ khí Mỹ xuất hiện tại Việt Nam. Hôm Thứ Tư, 25 Tháng Năm 2016, Tân Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc nói với báo chí ngoại quốc rằng Việt Nam không chủ trương tăng cường võ trang ở Biển Ðông mà chỉ theo đuổi mục đích bảo vệ chủ quyền mà trước hết, bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và ngay cả pháp lý. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét