Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Tường trình Đại Hội Thượng Đỉnh Chiến Tranh VN - *Triều Giang

Inline image 5

Với trên 60 diễn giả 13 đề tài chính, 5 đề tài chọn lọc, 2 cuộc triển lãm và 7 cuốn sách được giới thiệu, đó là nội dung của cái gọi là Hội Nghị Thượng Đỉnh Chiến Tranh Việt Nam trong 3 ngày 26-28 tháng 4 vừa qua tại thư viện Tổng Thống Lyndon Baines Johnson (LBJ) do thư viện này và Đại Học Texas tại Austin đồng tổ chức.<!->
Bên cạnh những buổi thuyết trình và hai cuộc triển lãm bức tường ghi tên trên 58,000 binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam, và hàng chục những bài hát và hình ảnh của những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, và kèm  theo là những buổi vinh danh cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại VN trong suốt 3 ngày, mỗi ngày 2 lần vào đầu và cuối giờ họp. Mỗi cựu chiến binh tham dự đều được gắn một huy hiệu do chính ái nữ út của cố TT. Johnson, bà Lucie Baines Johnson trao tặng.
“ Hãy dừng lại đây, cả bạn lẫn thù…”
“Hãy dừng lại đây, cả bạn lẫn thù, nơi đây dành cho tất cả mọi người, và những câu truyện của thời đại chúng ta mà không bỏ qua bất kỳ điều gì, dù là những lời phê phán ”. Câu nói của cố TT. Johnson trong ngày khánh thành thư viện này vào năm 1971 trong tiếng la hét của đòan biểu tình khoảng 2,100 sinh viên chống chiến tranh VN ngày ấy, đã được Giáo sư Mark Updegrove, trưởng ban tổ chức Hội nghị The Vietnam War Summit nhắc lại trong bài diễn văn mở đầu của Hội nghị mà ông gọi là: “để tìm hiểu một cách thẳng thắn và toàn bộ của cuộc chiến tranh mà hơn nửa thế kỷ qua luôn là một đề tài khi âm ỷ lúc nóng bỏng, để nhắm tới một tương lai mới,”.Tương lai này là sự hợp tác toàn diện với cựu thù nước Việt Nam Cộng Sản.
Lịch sử phiếm diện và nỗi điên đầu của các vị Tổng Thống
Các cuộc hội thảo phần lớn được diễn ra tại đại sảnh của thư viện LBJ với sức chưá gần 1,000 ngưòi. Ngày đầu có khoảng 600 người tham dự.với đề tài:  “Những Chỉ Huy Trưởng” (The Commenders in Chief) bàn về hai vị TT. Hoa Kỳ Johnson và Nixon là hai vị TT nắm quyền trong thời gian chiến tranh VN khốc liệt nhất. Diễn giả gồm Ông Tom Johnson, phụ tá thư ký báo chí của TT. Johnson từ năm 1965 tới năm 1973 là năm TT. Johnson qua đời và ông Alexander Butterfield người làm việc trong toà Bạch Ốc trong cả hai thời kỳ Tổng Thống Johnson và đặc biệt là  với TT. Nixon, Mở đầu Giáo sư Tiến sĩ  Henry W. Brands. Chủ tịch phân khoa Sử của Đại học UT đưa ra một số dữ kiện lịch sử từ những ngày đầu Hoa kỳ có mặt tại biên giới Việt Hoa trong thế chiến Thứ hai để đối đầu với quân Nhật bản, lúc đó đang chiếm đóng Á Châu. Giáo sư Brands giới thiệu::” Hồ Chí Minh (HCM), một người mà ông gọi là “quốc gia” đã hợp tác với Hoa Kỳ qua việc giúp hai phi công Mỹ rớt máy bay và lấy tin tức tình báo cho Hoa Kỳ tại biên giới Việt Trung. Nhưng chính quyền của TT. Truman lại hợp tác với Pháp mà không giúp HCM nên ông ta phải tìm sự giúp đỡ của người Nga và Trung Cộng để giải phóng đất nước VN khỏi sự thống trị của người Pháp. Khi TT. Kennedy lên nắm quyền, ông tiếp tục chính sách của TT. Truman là đối đầu vói CSVN. Và khi TT. Kennedy bị ám sát, TT. Johnson lên kế vị và thừa hưởng chiến tranh VN…”.
Sự thật về HCM là thành viên đảng CS quốc tế và lý do khiến TT. Truman và Hoa Kỳ không ủng hộ ông ta vì họ biết rõ tung tích Cộng Sản của HCM và những tội ác của ông ta trong việc giết hại các lãnh tụ của các đảng phái quốc gia và những người không theo ông ta không hề được nhắc tới.
Không thua bất kỳ mặt trận nào, nhưng Hoa Kỳ đã thua cuộc chiến.
Những tiết lộ của 2 người thân cận của  TT. Johnson cho biết dù chỉ làngười thừa kế cuộc  chiến, TT.Johnson tham chính với mục đích chính là để cải tổ xã hội. Các chương trình an sinh xã hội, phiếu thực phẩm cho người nghèo, quỹ tài trợ cho sinh viên nghèo, và nhất là xoá bỏ những kỳ thị dành cho ngườ Mỹ da đen, nhưng ông đã thắng cử vẻ vang năm 1964 chính là nhờ chính sách ủng hộ chiến tranh VN, để chặn làn song đỏ đang lan tràn sau thế chiến Thứ hai. Ông Tom Johnson phân tích: “Quân Đội Hoa Kỳ chưa thua bất kỳ mặt trận nào tại VN, nhưng chúng ta đã thua cuộc chiến”. Những cuộc biểu tình rầm rộ khắp nơi, ngay cạnh toà Bạch ốc với những tiếng la hét: “Hey, hey LBJ, how many kids did you kill today” thực sự đã thấm vào đầu TT. Johnson và nhất là gia đình của ông. Bà Lucie Baines Johnson, con gái út của TT. Johnson xác nhận lại điều này trong bài diễn văn khai mạc đầy xúc đông của bà.
Ông Tom Johnson còn cho biết, nỗi lo sợ lớn nhất của TT. Johnson là Hoa Kỳ sẽ thua. Ông muốn đánh lớn, đánh mạnh để thắng, nhưng ông, lại lo sợ Nga và Trung cộng sẽ nhảy vào và trỏ thành Thế chiến thứ Ba. Ông có đường giây điện thoại bí mật có thể nói chuyện thẳng với Hà Nội trong suốt thời gian ông cầm quyền. Một điều ngạc nhiên khác đã được tiết lộ là nỗi ám ảnh của TT. Johnson là Khe Sanh có thể trợ thành Điện Biên Phủ của Hoa Kỳ  Năm 1967 đã có đề nghị dùng bom Nguyên tử để kết thúc cuộc chiến, nhưng đã không thành. Năm 1969, ông quyết định không tái tranh cử cũng vì sự bế tắc của chiến tranh VN.
TT. Nixon thắng cử nhờ chương trình tranh cử chấm dứt chiến tranh VN, nên khi nắm quyền vào năm 1969, ông phải thực thi lời hứa của ông là chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá, và người thay mặt ông làm công việc này là ngoại trưởng Henry Kissinger. Vụ Watergate thực sự đã khiến vị TT. thứ 37 của Hoa Kỳ điên đầu bị buộc phải từ chức và  tất cả những gì ông hứa với TT. Thiệu trước Hòa đàm Paris đã không thể thực hiện được. Kết quả là sự sụp đổ miền Nam VN.
Cuộc chiến tranh dưới mắt của các diễn giả
Đề tài thứ hai nói về Mặt Trận Ia Drang  (Sông Drang) năm 1965 đánh dấu sự tham chiến trực tiếp và toàn diện của người Mỹ vào Việt Nam, Người điều hợp là cựu phóng viên chiến trường của hang thông tấn UPI, Joe Galloway, đồng tác giả cuốn tiểu thuyết “We Were Soldiers”, với Trung tướng Hal Moore. Tiểu thuyết này đã được làm thành phim nói về mặt trận Ia Drang mà phía VNCH vẫn gọi cuộc hành quân Thần Phong. Tài tử nổi tiếng Mel Gibson thủ vai tướng Hal Moore, Berry Pepper đóng vai Joe Galloway, và diễn viên Đơn Dương đóng vai Trung tá Việt Cộng Nguyễn Hữu An. Thuyết trình viên Vince Cantu là bạn đồng học với Galloway, hai người trẻ vừa ra khỏi trung học thì bị đưa sang chiến trường VN. Galloway vói tư cách phóng viên, Cantu là lính bộ binh. Họ gặp nhau tại chiến trường Drang đầy máu,,lửa, bùn, đạn, bom Napal, và xác chết. Họ đã tự hỏi không hiểu tại sao họ lại phải có mặt ở đây? Theo các diễn giả thì 90% lính Hoa Kỳ chiến đấu tại VN là những người bị bắt quân dịch. Dù kết quả trận Sông Drang là trên 1,400 Cộng quân bị giết, khoảng 130 binh sĩ Hoa Kỳ tử thương, dưới mắt họ thì cuộc chiến tranh VN ngay từ ngày đầu là quá tàn khốc và “vô nghĩa” vào theo họ “không thể nào chiến thắng được.  
Các tham luận viên khác như cựu Trung tá Bruce P. Crandall, người từng được tặng huy chương danh dự vì công trạng trong trận đánh Ia Drang, Bác sĩ Tone Johnson Jr. đến từ Corpus Christi, Texas có mặt trong trận Sông Drang mà 31 năm sau, khi ông trở về từ VN đi học trở thành bác sĩ mới được nhận Huy chương đồng. Walter Joseph Marn, với huy chương Danh dự cao quý nhất vì những công trạng của ông trong cuộc chiến tranh VN cũng phát biểu nguời Mỹ thua cuộc chiến tranh VN vì những quyết định sai lầm về chiến thuật, chiến lược, và nhất là dùng lính động viên nên họ không có đủ ý chí để chiến đấu.
Khi các tham luận viên đặt mốc chiến tranh VN từ năm 1965, thì họ đã cố tình bỏ đi một giai đoạn quan trọng của lịch sử, đó là cuộc chiến chống cộng của người VN nếu không muốn nói từ năm 1945, sau đệ nhị thế chiến thì ít nhất cuộc chiến bắt đầu từ năm 1959, khi CS Bắc Việt đổ quân vào miền Nam qua đường mòn HCM. Miên Nam VN đã chiến đấu với sự giúp đỡ về súng đạn,huấn luyện của Hoa Kỳ và khi quyết định đổ quân vào miền Nam mà không được sự đồng ý của TT. Ngô Đình Diệm, họ đã lật đổ ông và đưa quân tói VN. Trong suốt 3 ngày hội nghị, họ không hoặc rất ít nhắc nhở đến quân lực VNCH, những người nắm vai trò then chốt, từng chiến đấu nhiều năm trước và sau khi quân đội có mặt tại VN khiến người ngồi nghe có cảm tưởng đây là cuộc chiến tranh giữa họ với Cộng Sản Bắc Việt. Đặc biệt ngôn từ của họ khiến cho người nghe rất dễ hiểu lầm. Như  “chúng ta xâm lăng VN” (we invaded VN), và đi xa hơn nữa, trong chiến tranh VN có những cuộc hành quân truy quét quân CS tại đất Lào và Cam Bốt mặc dầu được sự đồng ý của hai quốc gia trung lập này, họ vẫn gọi là xâm lăng cả Lào lẫn Cambodia” ( we invaded Lao and Cambodia ).
Dân biểu Hubert Võ đợc một bài phát biểu dài 5 phút nói về kết quả của cuộc chiến tranh khiến Việt Nam bây giờ vẫn còn là một quốc gia với chế độ độc đảng không có tự do, nhân quyền cho người dân, và theo ông, cách vinh danh các cựu chiến binh tốt nhất là việc công nhận lý tưởng của cuộc chiến tranh mà những người này đã hy sinh cho.
“Sau Cuộc Chiến”
Đề tài “Sau Cuộc chiến” với hai diễn giả bà Grace Liem Galloway, một phụ nữ Việt Nam là vợ của tác giả “ We Were Soldiers”, Joe Galloway trình bày về những công tác từ thiện mà bà tham gia nhằm giúp các cựu chiến binh gặp khó khăn và những người nghèo.Bà Grace Galloway là y tá phục vụ tại nhà thương Củ Chi.  Ông Jan Scruggs, tác gỉa của bức tưòng Vietnam Wall, được mệnh danh là “bức tường chữa lành” (The Wall that heels) nói về nỗ lực của ông và những đóng góp của bức tường trong việc xoa dịu những đau khổ, uất ức cho cựu chiến binh VN.
Không hề hối tiếc, chỉ thông cảm
Bái nói chuyện kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ với cựu ngoại trưởng Henry Kissinger tựu chung ông giải thích khi ông vào cuộc, chiến tranh đã xảy ra nhiều năm và không có lối thoát, vai trò của ông là giúp TT. Nixon chấm dứt chiến tranh Việt Nam và ông đã làm tất cả những gì ông có thể làm được để hoàn thành nhiệm vụ này. Nhìn lại thì ông công nhận Hoa Kỳ đã không thắng vì đã có  những sai lầm về chiến thuật, chiến lược nhưng riêng ông, ông  “không có gì để hối tiếc mà trái lại rất hãnh diện về những gì ông đã phục vụ dất nước”
Trước đó một nhóm sinh viên trẻ khoảng trên 30 người đã cầm những bích chương viết bằng tay gọi Henry Kissinger là “tội phạm chiến tranh” (war criminal) và “Ông phải ra  tòa, không thể có mặt tại khuôn viên Đại học” (you should be on trial, not on campus”. Theo cô Cindy Beringer, một người trong nhóm biểu tình phát biểu với người viết bài: “Ông ta đã làm ra biết bao nhiêu cuộc chiến tranh giết hại lương dân”
Buổi thuyết trình của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger được dành 15 phút để nhận câu hỏi. Ông Sherman Stephe thuộc nhóm Swift Vets là một tổ chức gồm các cựu chiến binh Hoa Kỳ tiếp tục tranh đáu cho lý tưởng của cuộc chiến tranh VN đặt câu hỏi đầu tiên là vì sao Hoa Kỳ biết rõ CS bắc Việt dùng đất Lào và Cambochia làm căn cứ để thực hiện chiến tranh, nhưng mãi đến năm 1972 mới tấn công họ? Kissinger đã trả lời vì hai quốc gia này trong thời chiến là những nước Trung lập nên Hoa Kỳ phải tôn trọng.
Bà Genie Nguyễn thuộc hội Voice of Vietnamese American đến từ Hoa Thịnh Đốn hỏi vì sao Hoa Kỳ ký hiệp ước trao đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng vào năm 1974? Ông Kissinger trả lời là Hoa kỳ tôn trọng chủ quyền của Nam Việt Nam nên không thể và không hề làm việc này. Ông cũng không thấy một văn kiện nào đã được ký kết.
Ông Đỗ Phúc thuộc Cộng Đồng Ngưòi Việt Hoa Kỳ đặ hỏi vì sao Hoa Kỳ không giữ lời hứa với TT. Thiệu là nếu CS vi phạm Hiệp định Paris, Hoa Kỳ sẽ can thiệp khiến cho miền Nam VN thua và sau đó hàng trăm ngàn người đ4 bị tù đày, riêng cá nhân ông từng bị 10 năm tù trong nha tù CS? Ông Kissinger trả lời:” đó là những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời tôi và tôi xin chia sẻ sự cảm thông sâu xa nhất (deepest sympathy)  của tôi đối với ông và người dân Nam Việt Nam vì hoàn cảnh chúng tôi không thể giữ lời hứa của mình”
Cuộc chiến tranh tại nhà  (Mỹ) và Cuộc chiến Truyền Thông
Ngày thứ hai của Hội nghị với 3 đề tài: “Cuộc chiến tại nhà”, “Của Truyền Thông” và “Sức Mạnh Của Một Tấm Hình” với các diễn giả nổi tiếng về quan điểm phản chiến của họ như Tom Hayden, chồng cũ của Jane Fonda, thủ lãnh của nhóm sinh viên phản chiến là một trong những người tổ chức các cuộc biểu tình đông đảo có chưng cờ Việt Cộng và cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam, đã gây đổ máu như cuộc biểu tình đông hàng 100 ngàn người tại Đại học Ken State tại Chicago, Marylin Young, tác giả của cuốn sách “Vietnam Wars 1945-1990” cũng là tác giả nổi tiếng phản chiến. David Maranis, ký giả của báo Washington Post, từng đoạt giải Pulitzer cho cuốn sách viết về tiểu sử của TT. Clinton. Nhà viết truyện phim đoạt giải Pulitzer kiêm diễn viên Robert Schenkkan. Hai nhà báo kiêm tác giả truyện phim “Vietnam: Ten Thousand Day War” Petter Arnett và Dan Rather của truyền hình CBS, hai nhà nhiếp ảnh đoạt giải Pulitzer David Kennerlly, và Nick Út của hãng thông tấn AP, mà hình của họ được nhóm phản chiến dùng để phê phán cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cơ nguy của một cuộc nội chiến
Những trình bày và lý luận của những người nói trên không có gì là mới mẻ so với những bài tham luận trong ngày hôm trước. Tuy nhiên, phần nói về sự hình thành và phát triển của phong trào phản chiến có nhiều điều khiến người tham dự phải suy nghĩ. Để huy động một số đông đảo binh sĩ cung ứng cho chiến trường, chính phủ TT. Johnson đã phải bắt quân dịch khiến cho giới trẻ bất mãn đứng lên chống chiến tranh, nhưng những cuộc tranh đấu khởi đầu  từ những cuộc biểu tình đòi dân quyền của Mục sư Martin Lutherking. Việc bắt quân dịch những người Mỹ da đen lúc bấy giờ càng gây thêm công phẫn vì kết quả số người da đen bị bắt đi lính tỷ lệ cao hơn người da trắng. Vào thập niên 1960 thì sự kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ còn rất gay gắt. Người da đen được coi như những công dân hạng hai. Họ bị cấm đến những nơi người da trắng tụ tập. Có những nhà hàng vẫn còn treo bảng không tiếp chó và người da màu “No dogs and colors”, người da đen không được dùng chung phương tiện chuyên chở công cộng với người da trắng như xe buýt, xe điện…Do đó những lời kêu gọi chống chiến tranh VN như: “tại sao chúng ta phải chiến đấu cho tự do, độc lập của Nam Việt Nam ở một n ơi xan xôi nào đó, không liên hệ gì vói chúng ta, trong khi chính chúng ta đang không có quyền tự do và bị đối xử phân biệt ngay tại Hoa Kỳ ?”. Sau đó nhóm chống chế tạo vũ khí nguyên tử và chất độc da cam, rồi nhóm phụ nữ đòi bình quyền, nhóm văn nghệ sĩ, thể tháo gia nhập cuộc, rồi nhóm cựu quân nhận phản chiến trở về từ VN trong đó có mặt của đương kim Ngoại trưởng Kerry, cộng thêm sự hỗ trợ nhiệt tình của báo chí, cơ quan truyền thông, truyền hình, khiến những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, nước Mỹ đã đứng trước cơ nguy của một cuộc nội chiến. TT. Johnson không dám tái tranh cử và quốc hội do đảng Dân chủ nắm đa số lúc đó đã bị áp lực không cưỡng nổi là bỏ phiếu chấm dứt chiến tranh Việt Nam và bỏ rơi hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Tom Hayden đã kết luận:”chính chúng tôi đã chấm dứt cuộc chiến tranh (We end the War”.
Peter Arnett và Dan Rather phân bua: “không giống như nhiều người nói: báo chí Hoa Kỳ khiến chúng ta thua!” 
Đạo Diễn Ken Burns với Phim “The Vietnam War” và cuộc tiếp xúc ngắn.
Buổi chiều hội trường gần 1,000 chỗ chật nứt, có nhiều người phải đứng để xem đoạn phim đầu của cuốn phim The Vietnam War do hai nhà đồng Sản Suất và Đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick. Nếu không có gì thay đổi vào giờ chót thì đây là một cuốn phim tài liệu được sản suất theo lối cổ điển kiểu như phim “Last Days In Vietnam” và sẽ có nhiều cảnh được diễn lại (reanactment). Theo lời hứa của ông Ken Burns, phim The Vietnam War sẽ phản ảnh mọi phía tham dự vào chiến tranh Vietnam, đoàn làm phim của ông đã về VN nhiều lần để phỏng vấn những người VN trong nước và c ả những người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông cũng nói trước rằng chắc chắn phim của ông sẽ không khỏi gây nhiều tranh cãi vì đó là một điều tự nhiên của một cuộc chiến tranh dài bao gồm nhiều quan điểm khác nhau.
Người viết có hân hạnh được nói chuyện với nhà sản suất Ken Burns trong buổi tiếp xúc ngắn để chia sẽ với ông Burns về phim VIETNAMERICA, cuốn phim gây được nhiều tiếng vang trong cộng đồng Việt và Mỹ trong năm qua và sắp đưọc trình chiếu tãi toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 5 sắp tới. Ông Ken Burns tỏ vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi nói về hàng ngàn những ngôi mộ của thuyền nhân tại bờ biển của các quốc gia Đông Nam Á. Ông nói sẽ liên lạc với chúng tôi để tiếp tục câu chuyện.
Khi ông Ngoại Trưởng khóc
Buổi tối của ngày thứ hai cuả Hội nghị là buổi nói chuyện của Ngoại trưởng John Kerry với bài nói chuyên ca tụng những hợp tác của chính quyền CSVN và những thay đổi của họ từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam tái lập bang giao năm 1995 cho đến nay. Khi nhắc đến buổi điều trần gian dối mà ông đã làm tại Quốc hội năm 1971. Ông đã trả huy chương và khai rằng quân đội Hoa Kỳ sang VN giết trẻ em, phụ nữ, là những thành phần nghiện ngập ma tuý…đã gây sự căm phẫn trong lòng các cựu chiến binh Hoa Kỳ, ông Ngoại trưởng đã nghẹn lời muốn khóc. Ông trần tình: “đó là những điều tôi không vui khi phải làm trong những ngày đó và cả cho đến bây giờ khi tôi nhắc lại. Nhưng tôi thật vui và hãnh diện vì bây giờ tôi đã trở lại Việt Nam  để làm những điều tốt cho đất nước này”.
“Chúng Tôi Chiến Đấu Cho Cái Gì?” và “Một Bắt Đầu Mới”
Ngày hội thảo cuối với các đề tài “Kinh Nghiệm Của Chiến Sĩ Ngoài Tuyến Đầu”, “ Một, Hai, Ba, Chúng Ta Chiến đấu Cho Cái Gì?” của hai nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng với những ca khúc phản chiến được hát trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh VN; Country Joe McDonald, Peter Yarrow. Phòng hội thảo đầy xúc động, người ta nắm tay nhau để cùng hát bài: “Những đóa hoa đã mất đâu rối” (Where All Have The Flowers Gone) 
Sau đó đề tài “Quan Hệ Mới Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam, Một Sự Bắt Đầu Mới” do Đại sứ Việt Công Phạm Quang Vinh trình bày. Với tiếng Anh khá rõ rang, mạch lạc, Phạm Quang Vinh mở đầu bài diễn văn bằng cách nhắc lại Hoa Kỳ và VN đã có sự hợp tác từ thời HCM. Sau thế chiến thứ hai HCM đã viết 7 bức thư tới TT. Truman để xin hợp tác và giúp đỡ, nhưng không được. Sau đó là cuộc chiến tranh dài và nay sự hợp tác đã được bắt đầu, mỗi ngày, mỗi tốt đẹp, và chặt chẽ hơn. Ông xác nhận tháng 5 này TT. Obama sẽ đến viếng thăm VN và để khánh thành Đại học Fulll Bright ngay tại Sàigòn. Đại sứ Vinh khoe tiếp rằng Việt Nam hiện chỉ còn 5% người nghèo, nhưng lại tuyên bố rằng   từ nay đến năm 2020 thì VN sẽ phấn đấu để mức thu nhập bình quân GPA của người dân có thể lên đến từ 2,000 – 3,000 đô la một năm. Người nghe không hiểu những người trong số 95% mà ông ta gọi không nghèo thì lợi tức của họ là bao nhiêu?
Ông Vinh còn hứa hẹn tòa Đ ại sứ của ông sẽ làm việc gần gũi với những người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ (?) và các cộng đồng bạn.
Đã có người Việt trong hội trường không kềm nổi đã giận dữ la lên:” Hãy ngừng nói láo! ( Stop lying!).
Trong khi đó bên ngoài đoàn biểu tình của gần 200 người Mỹ gốc Việt đến từ 5 thành phố: Dallas, Arlington, San Antonio. Austin và đông đảo nhất từ Houston la lớn những khẩu hiệu bằng tiếng Anh: “ Freedom for VN”, “Release All Conscience Prisonners”, “Down with the Communist”, “No Communism = No Vietnam War”, “ Thank You America”, “ We honor Vietnam Veteran”…và họ không chỉ vinh danh bằng khẩu hiệu, họ đem theo cả một vòng hoa tươi đến trước bức tường “Vietnam Wall” đang được triển lãm bên hông thư viện LBJ và cúi đầu cầu nguyện.
Trước đó, khi đoàn biểu tình mới đến, hai người con gái của TT. Johnson là  bà Lucie Baines Johnson và Linda Baines Johnson cùng với chồng là ông Charles Robb đã đến hỏi lý do về sự có mặt của đoàn biểu tình, anh Tịnh Độ, Tổng thư ký của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận là trưởng Ban Tổ Chức đã thay mặt đoàn biểu tình trả lời: “chúng tôi đến đây để vinh danh các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại VN và đòi hỏi Phạm Quang Vinh đại diện chính phủ CS phải cải thiện nhân quyền, thả các tù nhân lương tâm, chấp dứt việc đàn áp tôn giáo, báo chí và những người bất đồng chính kiến”. Bà Lucie và Linda Johnson rất cảm động. Hai bà đã cùng đứng với đoàn biểu tình trước bức tường để tham dự nghi thức truy điệu. Đoàn biểu tình sau đó đã rời sang hành lang đi vào thư viện để tiếp tục hát và hô to các khẩu hiệu cho tới khi buổi nói chuyện của Vinh chấm dứt.
Cũng nên nhắc lại là khoảng 11 giờ sáng, đoàn biểu tình cũng đã kéo đến khách sạn của công ty AT & T, nơi mà Vinh thết đãi bữa trưa dành cho đại diện các công ty tại Austin với mục đích kêu gọi họ đầu tư vào Việt Nam. Đoàn biểu tình đã chạm trán với Đại sứ Vinh. Có người đã ghi nhận ông Đại sứ VN đã châu mày khó chịu, trước khi cúi đầu đi vào nhà hàng. Chắc chắn bữa trưa ông Đại sứ đã không vui và những lời giải thích của ông với thực khách cũng không dễ dàng cho câu hỏi vì sao?
Những bài học
Buổi thuyết trình cuối với đề tài “Những Bài Học” do ông Bob Kerry, Thượng Nghị sĩ của tiểu bang Nebraska, từng chiến đấu tại VN những năm 1966-1969, bị thương và được tặng Huy chương Cao quý của Quốc hội Hoa Kỳ, Theo ông Kerry thì người Mỹ chưa học được gì từ chiến tranh Việt Nam dù rằng đất nước này trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh tiếp theo đó. Riêng ông, ông chỉ muốn phục vụ cho hoà bình, vì theo ông làm hoà bình khó hơn làm chiến tranh nhưng kết quả tốt hơn rất nhiều. Ông Charles Robb, cựu chiến binh Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ từng tham chiến tại VN và được tặng huy chương đồng.Sau khi giải ngũ, ông tham chính và từng giữ chức vụ Thượng Nghị sĩ của tiểu bang Virginia ông là chồng của bà Linda Baines Johnson, con gái lớn của TT. Johnson, Ông Robb xác định lại điều mà Hoa Kỳ cần học; đó là trước khi vào một cuộc chiến tranh nào phải có đủ hai điều kiện; đó là tư lượng sức xem mình có thể thắng hay không? Và điều thứ hai là phải ủng hộ quân đội của mình. Trong chiến tranh VN người Mỹ có thừa sức để thắng, nhưng vì chúng ta đã không hỗ trợ quân đội của chúng ta từ hậu phương, đến  truyền thông, cả đến sự an vui khi trở về của cựu chiến binh VN, khiến chúng ta đã không thể thắng. Riêng cựu Đô đốc Hải quân Navy Seal William MCraven, người hùng của chiến tranh Vùng Vịnh, A phú Hãn và Iraq thì quân đội Hoa Kỳ đã học được rất nhiều bài học của chiến tranh VN, từ cách huấn luyện, hành quân đến quản lý quân đội. Những chiến thắng của Hoa Kỳ trong các mặt trận này chính là đã rút ra những bài học xương máu từ chiến tranh VN. Sau cùng, Tiến sĩ Mark Lawrence, Giáo sư môn Sử của Đại học UT thì chiến tranh Việt Nam cho đến hôm nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi và chúng ta chưa có thể học hết được. Ông cám ơn các diễn giả đã đến chia sẻ kinh nghiệm để có thể tiếp tục thảo luận về chiến tranh VN sâu xa hơn.
Dư luận bên ngoài Hội Nghị
Tuy được gọi là Hội Nghị Thượng Đỉnh nhưng Ban Tổ chức đã cố tình sắp xếp những đề tài thảo luận và diễn giả nghiêng về phía phe phản chiến. Nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam có khuynh hướng ủng hộ cuộc chiến tranh chống xâm lăng Bắc Việt đã không được mời, do đó dư luận bên ngoài không mấy thuận lợi cho Ban Tổ chức. Nhật báo duy nhất và lớn nhất tại Austin Austin American Stateman đã liên tiếp nhiều ngày đăng những bài tham luận của gìới hữu khuynh, những bài phỏng vấn những người không được mời hoặc từ chối không muốn đến vì nghị trình thiên tả, hoặc vì sự có mặt của một số tên tuổi như Henry Kissinger, Tom Hayden, và ngay cả đương kim Ngoại trưởng John Kerry. Nhóm SwiftVets đã in 200 cuốn sách phản bác những luận điệu phản chiến của một số diễn giả để phát không cho những người tham dự. Sự  có mặt của Đại sứ Việt cộng Phạm Quang Vinh được dành riêng cho một đề tài, đã gây phẫn nộ cho không riêng gì người Mỹ gốc Việt mà còn gây khó chịu cho một số đông đảo các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại VN. Một điều khác thường nữa là trong suốt 3 ngày hội nghị, chỉ có hai bài tham luận đưọc cho người tham dự đặt câu hỏi; đó là bài nói chuyện của ông Henry Kissinger và của hai phóng viên nhiếp ảnh David Kennerlly và Nìck Út với đề tài “Sức mạnh của một tấm hình”. Vì thế đã có người gọi Hội nghị này là Hội nghị  một chiều “One way Summit”
Nhìn lại 3 ngày, Hội Nghị Thượng Đỉnh đã diễn ra không giống như lời Ban Tổ chức hứa hẹn là Hội nghị bao gồm cả bạn lẫn thù, cùng ngồi xuống để bàn thảo thẳng thắn mọi vấn đề, ngược lại Hội nghị đã tiếp đón cựu thù như thượng khách, loại trừ bạn như kẻ thù. Một điều tiến bộ của giới phản chiến cần được ghi nhận, đó là họ vinh danh những cựu chiến binh từng đến Việt Nam giúp miền Nam đấu tranh cho tự do mà trước đây, họ đã nhục mạ  bằng cách gọi là những kẻ tội phạm, giết trẻ em, và dân lành khiến người chiến binh trở về uất ức vì bị ngược đãi bao năm qua. Riêng bài học mà ngoại trưởng Kerry đã nhắc lại nhiều lần trong bài nói chuyện của ông là:” khi đến bất kỳ đất nước nào, muốn thắng họ, phải hiểu lịch sử và văn hoá của họ, và phải nghĩ giống như họ nghĩ”. Liệu ông và TT. Obama đến VN vào tháng 5 này đánh dấu một sự hợp tác toàn diện sau 21 năm nối lại bang giao, ông và Tổng Thống  Hoa Kỳ có thật  đã hiểu CSVN đang nghĩ gì, làm gì, hay chỉ là vấn đề nói rất dễ làm thì rất khó?
Một đoá hồng cho cộng đồng người Việt
Để kết thúc bài tường trình này, người viết xin ghi nhận sự nhiệt tình và tinh thần kỷ luật cao của những người Việt Nam tham gia cuộc đấu tranh  trước Hội nghị Thượng Đỉnh vừa qua. Khoảng trên 10 người có vé vào bên trong tham dự các buổi tham luận. Có những người đến từ các thành phố thuộc các tiều bang xa như California, Washington DC…Riêng Cộng đồng Houston có ông Chủ Tịch Phạm Quốc Anh, Cô Phạm Thu Thảo thuộc Ban Điều Hành và nha sĩ Chu Văn Cương, Ban Cố vấn có mặt suốt 3 ngày và không hề bỏ qua bất kỳ cuộc hội thảo nào. Cuộc đấu tranh cũng đã được phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các cộng đồng người Việt khắp nơi, với các cộng đồng cựu chiến binh Hoa Kỳ, với truyền thông Việt Nam và Hoa Kỳ nên đã gây được tiếng vang nhiều mặt và lấy được cảm tình trong dư luận truyền thông cũng như đại chúng Việt Mỹ. Chúng tôi ghi nhận sự có mặt của nhà báo lão thành Nguyễn Đạt Thịnh và phu nhân, bà Ngọc Ân và người thu hình của đài Hồn Việt TV, bà Thu Nga và phu quân của Đài SBTN Dallas và đài 1600 AM Dallas, phóng viên Michael Hòa của Đài Sàigòn TV, ông bà Dương Phục, Thanh Thuỷ của đài Sàigòn Houston 900AM Radio, diễn đàn Paltalk,…
Nhật báo Austin American Satesman đã đăng những bài tham luận phản đối sự phiếm diện của Hội Nghị, đặc biệt là bài tham luận của Giáo sư Robert F. Turner, và bài cậy đăng có trả tiền chiếm nguyên trang của Cộng Đồng Liên Bang Hoa Kỳ thuộc nhóm Bs. Võ Đình Hữu và Bs. Đỗ Văn Hội với sự đồng ký tên của khoảng 40 tổ chức cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Úc, Đức, Canada, đặc biệt là Đại diện các Tôn giáo và một số tổ chức dân sự trong nước. Vì thế nên dư luận được hiểu rõ lý do của sự phản đối của cộng đồng người Việt và khi đoàn biều tình của ngưòi Mỹ gốc Việt suất hiện tại khuôn viên của Thư viện LBJ, họ đã nhận được cảm tình của người xem và nhân viên cảnh sát dày đặc nhưng họ chỉ giữ an ninh trật tự chứ không can thiệp dù lắm khi khí thế lên cao, đoàn biểu tình đã hô những khẩu hiệu thật lớn. Và mặc dù được biết tin trong một thời gian ngắn, nhưng cộng đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận với trưởng Ban Tổ chức là anh Đỗ Tịnh, Tổng Thư Ký Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston, đã nhanh chóng cùng với ông Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas và Vùng Phụ Cận Phạm Quang Hậu liên lạc và phối hợp với các cộng đồng bạn để mời tham gia. Một số đảng phái cũng tham gia tích cực như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Phục Hưng, Việt Tân, …và hình ảnh của cuộc biểu tình đã được đăng trên trang nhất của báo Austin American Statesman với một bài tường trình đầy đủ trên số báo ngày thứ sáu 29 tháng 4 vừa qua. Một bông hồng cho những người đã hy sinh thì giờ, phương tiện và tài chánh để tham gia vào việc nói lên sự thật và chính nghiã cho người Việt hải ngoại và cho đồng bào thấp cổ, bé miệng của chúng ta tại quê nhà.
Triều Giang
          (05/2016)



     Inline image 1 Inline image 2
Từ trái, Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger và Gs. Mark Updegrove, trưởng ban Tổ chức Hội nghị trong buổi tối đầu tiên. Hình phải là quang cảnh bên trong Hội trường.
Inline image 3 Inline image 4
Hình trái: Bà Lucie Baines Johnson, ái nữ út của TT. Johnson đang cài huy hiệu vinh danh cho một cựu chiến binh Việt Nam. Hình phải: bức tường Vietnam War ghi danh trên 58,000 chiến binh Hoa Kỳ tử nạn tại VN.
Inline image 5
Đoàn biểu tình của người Mỹ gốc Việt đến từ 5 thành phố Texas và nhiều tiển bang khác đang tham dự buổi vinh danh chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam trong khuôn viên và trước toà nhà thư viện LBJ.
 
 Inline image 6 Inline image 7
Hình trái: Đoàn biểu tình đang biểu dương trước nhà hàng AT & T, nơi Đại sứ Việt Cộng Phạm Quang Vinh đang thết đãi bữa trưa để kêu gọi đầu tư.
Inline image 8 Inline image 9
Hình trái: Brandon Chu, một sinh viên Việt Nam đang giúp nhóm Cựu Quân Nhân Mỹ SwiftVets phân phối 200 cuốn sách viết để phản bác những luận điệu phản chiến. Hình phải từ trái: Ông Roger Canfield thuộc nhóm SwiftVet, bà Nancy Bùi hội VAHF, ông bà Sherman Stephen, nhóm SwiftVet.
 
 Inline image 10 Inline image 11
Hình trái: Phái đoàn của thành phố Austin. Hình phải: Một phụ nữ đến từ Dallas với bích chương tự vẽ lên án Henry Kissinger.
 Inline image 12 Inline image 13
Hình trái: Nhóm sinh viên bìểu tình chống Henry Kissinger. Hình phải: một sinh viên với bích chương gọi Henry Kissinger là tội phạm.
 Inline image 14 Inline image 15
Hình trái: Nhà sản xuất kiên đạo diễn Lyn Novak. Hình phải: nhà sản xuất phim VIETNAMERICA Nancy Bùi đứng chụp hình chung với nhà sản suất kiêm Đạo diễn phim The Vietnam War.
 Inline image 16 Inline image 17
Hình trái: Hình đoàn biểu tình trên trang nhất nhật báo Austin American Statesman. Hình phải: Tuyên Ngôn của Cộng Đồng Liên Bang Hoa Kỳ cậy đang chiếm nguyên trang

Không có nhận xét nào: