Bữa tiệc Tân niên Hội Rồng Vàng Tuổi Vàng ngày 26 tháng 3, tôi và vài bạn trong Hội đến sớm, nói chuyện hàn huyên với nhau. Anh Nguyễn Minh Trí hỏi tôi: “Lúc cô Thanh Nga bị bắn chết, ở hải ngoại người ta đồn là Thanh Nga lấy Lê Duẩn nên bị vợ của Lê Duẩn ghen mới cho người giết Thanh Nga. Anh nghĩ sao về tin đồn nầy?”<!->
Nghệ sĩ Thanh Nga bị ám sát chết 12 giờ khuya ngày 26 tháng 11 năm 1978, đến nay khi anh Trí hỏi tôi là 12 giờ trưa 26 tháng 3 năm 2016, tức là 38 năm sau cái chết của Thanh Nga nhưng lời đồn bịa đặt về Thanh Nga bị giết vì lấy Lê Duẩn vẫn chưa phai trong ký ức của những người Việt Nam ở hải ngoại.
Vì vậy, tôi thấy nên nhắc lại về cái chết bi thảm của nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Nga, nhất là nguyên nhân nào dẫn đến việc cô bị ám sát.
Cũng cần nhắc lại, trước khi Thanh Nga bị sát hại thì trước đó, ngày 16 tháng 3 năm 1977, khi đoàn Thanh Nga hát ở rạp Lao Động B (gần ngã tư Nancy) lúc diễn tuồng Tiếng Trống Mê Linh, một kẻ lạ mặt đã liệng lên sân khấu một trái lựu đạn. May nhờ lựu đạn trúng tấm màn nhung đỏ nên thay vì rớt trên sân khấu, lựu đạn rớt xuống hố dành cho dàn nhạc sĩ tân nhạc ngồi ở mặt tiền sân khấu. Lựu đạn nổ, giết chết hai nhạc sĩ (tên Trần Văn Mùi và Lê Hiếu Đức, hiện còn hai ngôi mộ chôn cạnh bên nhau ở Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, mộ bia ghi rõ mất cùng ngày tại rạp Lao Động B), làm bị thương ba nhạc sĩ khác, hai nữ nghệ sĩ Thanh Nga, Xuân Lan, nghệ sĩ Thanh Sang và vài em đóng vai quân sĩ bị thương. Lúc đó Thanh Nga thủ vai Trưng Trắc, Xuân Lan trong vai Trưng Nhị, cả hai đang quay lưng ra ngoài khi hát lớp Trưng Trắc tế chồng trước khi xuất quân đánh Tô Định nên bị miểng lựu đạn ghim sau lưng. Thanh Sang trong vai Thi Sách. Anh đứng trên cao sau tấm phông vẽ cảnh thành, anh đứng nghiêng nên miểng lựu đạn trúng vào vai trái. Các nghệ sĩ bị thương được đưa đến bệnh viện Sài gòn gần chợ Bến Thành để mổ lấy miểng lựu đạn ra và băng bó.
Sau đó, có nhiều thư nặc danh gởi đến nhà bà Bầu Thơ và gởi đến đoàn hát cho Thanh Nga, cảnh cáo cô không được tiếp tục hát tuồng Tiếng Trống Mê Linh, nếu không tuân theo ý họ thì có ngày sẽ bị giết. Cô Thanh Nga đem mấy thơ hăm dọa đó lên Sở VHTT, trình cho ông Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở và ông Trương Bỉnh Tòng, Phó Giám đốc Sở phụ trách Sân Khấu xem. Hai ông đều nói: “Đó là đám tàn quân Ngụy thấy đoàn hát được nhiều khán giả đến xem tức là dân thành phố đã được ổn định, yên lòng sống với cách mạng nên chúng tạo ra cảnh bất ổn mất an ninh.” Hai ông nói sẽ báo cho Sở Công An biết để hàng đêm, Sở Công An bố trí nhiều công an viên đến các rạp hát để bảo vệ nghệ sĩ, bắt bọn “tàn quân Ngụy” gây rối.
Sau khi các vết thương được chữa lành, Thanh Nga tập và hát tuồng mới: Thái Hậu Dương Vân Nga. Nội dung tuồng Tiếng Trống Mê Linh và tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga đều cổ vũ lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần tự cường dân tộc, cương quyết chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc nên một số nghệ sĩ chúng tôi nghĩ là vụ ám sát Thanh Nga có mục đích chính trị nhưng không ai dám nói rõ ý nghỉ của mình, nhứt là sau khi Thanh Nga bị giết, Sở Công An và nhật báo Sài Gòn Giải Phóng đưa ra những luận điệu riêng, không ai dám có ý kiến gì khác.
Trở lại chuyện đêm đó: Đêm 26 tháng 11 năm 1978, đoàn Thanh Nga diễn tại rạp Cao Đồng Hưng – Gia Định tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga. Khi vãn hát, Thanh Nga cùng chồng là Phạm Duy Lân và con là Phạm Duy Hà Linh (6 tuổi) lên xe hơi do tài xế Nguyễn văn Cát lái, về nhà riêng số 114 đường Ngô Tùng Châu. Tới trước cửa nhà, Thanh Nga và chồng bị hai người lạ mặt, chạy honda theo sau, bắn chết,
Sáng hôm sau, vợ chồng tôi hay tin nên đến ngay nhà bà Bầu Thơ. Bà rất buồn, nói như lạc giọng: “Chú thiếm Ba, Thanh Nga bị bắn chết rồi. Chú thiếm ra bệnh viện Saigon thăm cháu.” Cô Thanh Lệ, vợ của Hữu Thìn cùng đi với chúng tôi.
Khó khăn lắm chúng tôi mới vô bệnh viện được vì dân hiếu kỳ đứng nghẽn cả lối vô. Nhân viên bệnh viện đưa chúng tôi vô phòng lạnh, kéo hai hộc sắt đựng xác ra để chúng tôi nhìn.
Thanh Nga nằm hộc trên, khi kéo hộc ra thì tóc cô đổ xõa dài xuống chấm đất, đen mượt như dòng suối đen. Thanh Nga đã được chị Ngọc Nuôi đánh phấn, thoa son, hóa trang như đang trình diễn trên sân khấu. Nét mặt của Thanh Nga vẫn đẹp, đôi mắt nhắm lại như đang trong giấc ngủ bình yên. Cô được chị Ngọc Nuôi và bà Sáu đồ hội thay cho mặc bộ y phục Thái Hậu Dương Vân Nga y như đã mặc trên sân khấu đêm rồi, trước khi bị sát hại.
Ông Phạm Duy Lân, chồng của cô nằm hộc dưới, nét mặt còn lộ vẻ kinh hoàng. Ông đã được thay bộ Âu phục đen, thắt cà vạt sọc xanh trắng.
Các cô Kim Cương, Ngọc Nuôi, Liễu Thuận, vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Giang – Kim Giác, anh Văn Ngà, cô Năm Hay (em ruột bà Bầu Thơ) và vợ chồng tôi nghe anh Cát, tài xế của ông Lân kể lại diễn biến thảm cảnh đêm rồi. Anh Cát nói xe về tới nhà ở đường Ngô Tùng Châu, khi anh mở cửa xe bước ra thì một người lạ mặt đánh một báng súng vô ót anh rồi xô anh té chúi trở vô xe. Anh còn nghe tiếng cửa xe bên kia mở, tiếng khóc thét của Cúc Cu (tên gọi trong nhà của cháu Phạm Duy Hà Linh), tiếng la lớn của cô Thanh Nga: “Buông con tôi ra! Buông con tôi ra !” và tiếng của ông Lân la rất lớn: “Bớ người ta… cướp! Cướp!”, tiếp theo đó là hai phát súng chát chúa… Hai kẻ sát nhân bắn xong, có tiếng nói: “Xong rồi! Thôi bỏ đi mày”. Chúng phóng lên xe gắn máy Honda, chạy về hướng Sài gòn.
Ông Phạm Duy Lân chết liền tại chỗ, nằm gục xuống đất, gần cửa sau xe, viên đạn trúng tim. Thanh Nga cũng bị bắn bên ngực trái, gần phía trái tim. Cô được chở bằng xe xích lô đạp đi bệnh viện Sài gòn cấp cứu nhưng xe xích lô đến trước tiệm bán cơm chay Vạn Lộc, ngang ga xe lửa Saigon – Mỹ Tho thì cô Thanh Nga tắt thở.
Cơ quan Công an cộng sản và báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin là “tàn dư Ngụy quân” đã thanh toán nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã theo Cộng Sản, hát tuồng nói xấu và chửi sĩ quan Ngụy”
Ông Trần Quyết, thứ trưởng Bộ Nội Vụ cộng sản ra thông cáo (đăng trên tờ Sài Gòn Giải Phóng): “Vụ án Thanh Nga xảy ra do một số tàn quân của quân đội Sài Gòn còn lẩn trốn ở các vùng rừng núi, bưng biền, hoạt động chống lại ta. Trước đó có một tin đe dọa là gởi thơ yêu cầu Thanh Nga không được đóng vai Trưng Trắc và vai Thái Hậu Dương Vân Nga. Giữa lúc đó có một tin mật báo một tổ chức tự xưng là “Lực Lượng Thống Hợp Liên Bang Đông Dương” do sự đỡ đầu của CIA Mỹ, vừa mở tiệc ăn mừng tại một quán ven Saigon, do đã bắn chết Thanh Nga theo án lịnh trên đưa xuống.” (Theo tài liệu Báo Nước Việt PhươngNam.blogspot.ca/ 01 / 2013).
Đọc báo Sài Gòn Giải Phóng, nghe thông cáo như vừa kể, các nghệ sĩ đều biết là lời bịa đặt của nhà cầm quyền vì hát tuồng Tiếng Trống Mê Linh và tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga thì đâu có can gì đến quân đội và chánh phủ VNCH mà có “tàn quân” được phái đến trừng trị Thanh Nga. Thêm nữa làm sao mà có đám người dám tổ chức ăn mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ bắn chết Thanh Nga theo án lịnh đưa xuống như thông cáo của ông thứ trưởng Bộ Công An CS?
Họ thấy dân và nghệ sĩ không tin lời bịa đặt đó nên vài tháng sau, Sở Công An thành phố cho tin đăng báo là đã bắt được tổ chức bắt cóc trẻ em để làm tiền cha mẹ. Nhóm bắt cóc đó có 6 người, sau khi bắt cóc Hà Linh không thành, chúng đã giết Thanh Nga và Phạm Duy Lân. Tòa án “nhân dân” thành phố xử tử hình Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Văn Đức, hai thủ phạm đã bắn Thanh Nga và Phạm Duy Lân.
Lễ an táng Thanh Nga và Phạm Duy Lân được tổ chức long trọng tại nhà Hội Nghệ Sĩ ở số 81 đường Nguyễn Văn Trỗi (tức đường Mac Mahon cũ), người đến viếng tang, chia buồn và tiễn đưa linh cữu của Thanh Nga và Phạm Duy Lân đến nơi an táng ở Nghĩa Trang Nghệ Sĩ ở Gò Vấp đông đến vài chục ngàn người. Dòng người đưa linh cữu đi nghẹt mặt đường Võ Thị Sáu (đường Hiền Vương cũ), hàng đầu đến ngã tư quẹo sang đường Đinh Tiên Hoàng Dakao, đuôi dòng người chưa rời khỏi trụ sở Hội Nghệ Sĩ ở đường Nguyễn Văn Trỗi.
Dầu thông cáo của Sở Công An thành phố và báo SGGP đăng tin, hướng dẫn dư luận nhưng đại đa số dân chúng và nghệ sĩ đều nghĩ là có bàn tay tàn bạo của Cộng Sản Trung Quốc trong vụ án này.
Thử nhớ lại hoàn cảnh đất nước lúc đó ra sao? Năm 1977 có chuyện Nạn Kiều ở Hải Phòng, Sài gòn, Chợ Lớn, các tỉnh Mỹ Tho, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Người Tàu bị buộc phải rời VN, hồi hương về Tàu. Sau đó có chuyện Trung Quốc viện trợ vũ khí và cố vấn cho Khờ Me đỏ, quân đội và dân Miên vào các làng gần biên giới Việt Miên, chặt đầu, mổ bụng dân Việt Nam, tấn công các tỉnh Châu Đốc, Trà Vinh, Sóc Trăng và ở tỉnh Tây Ninh phía Nam Việt Nam. Trên biên giới phía Bắc, quân Trung Cộng phá hoại rừng, gây hấn, lấn chiếm.
Về mặt sân khấu cải lương miền Nam thì từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các đoàn hát tư nhân bị giải tán. Tháng 7 năm 1975, miền Nam mới được phép thành lập các đoàn hát cải lương tập thể. Từ khi được cho hát lại cải lương và tuồng cổ, Sở VHTT đã tuyệt đối không cho hát tuồng “chống xâm lăng của quân Tàu” (như Nguyễn Huệ bình Thăng Long, Trận Đống Đa, Nguyễn Trãi biệt Đông Quan thành…) nhưng khi có rắc rối biên giới phía Bắc, có chuyện nạn kiều, và biên giới phía Nam bị Miên và cố vấn Trung Cộng đánh chiếm, tàn sát dân lành thì các vở tuồng chống xăm lăng Tàu được Sở VHTT thành phố cho phép và khuyến khích. Các tuồng Lam Sơn khởi nghĩa, Tiếng Trống Mê Linh… được hát. Mời các bạn xem vài câu đối thoại của Trưng Trắc trong tuồng Tiếng trống Mê Linh:
– Đói với rét chịu được, nhưng nhục mất nước không bao giờ chịu được. Đó là đạo lý của dân ta đời đời.
Lớp tuồng mở Hội đền Hùng chống bá quyền Tô Định, Trưng Trắc hiệu triệu ba quân và dân làng:
“Giặc bạo quyền đã bủa vây, mà ta thì sức yếu cô đơn,
Chỉ một trận chiến khơi mào là tan tác cả quê hương,
Chi bằng chúng ta nén dạ căm hờn
Rồi lo tích thảo đồn lương
Giáo gươm quân sĩ luyện đều, chờ cơ hội vùng lên.
Khi chưa dậy như rừng sâu gió lặng
Khi vùng lên như biển cả sóng gào.
Toàn dân với sức mạnh căm thù
Lo gì không đuổi được xăm lăng?
Nổi trống đồng, Trưng Trắc dâng cao ngọn đuốc, tuyên thệ trước đền Hùng:
Hỡi đồng bào trăm họ,
Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước,
Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang?
Thà chết đứng thẳng
Không cam sống quỳ
Đất nước Nam cẩm tú
Người dân Nam anh hùng
Trước đền thờ Quốc Tổ,
Thề hy sinh giết giặc cứu non sông.
Tất cả tướng và quân hiện diện, đồng đưa tay thề: Giết giặc cứu non sông! Xin thề.
Tuồng Tiếng Trống Mê Linh như khơi dậy lòng yêu nước, chống xâm lăng, từng lời ca giọng hát của Thanh Nga như hừng hực lửa căm hờn quân xâm lược Tàu…
Và đây vài dòng về tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga (nữ nghệ sĩ Thanh Nga vào vai Thái Hậu Dương Vân Nga)
Hay tin vua Đinh băng hà, giặc Tống kéo binh dòm ngó cõi bờ Đại Việt, Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn cầm mười đạo quân trấn giữ biên cương. Sợ sự nghiệp nhà Đinh rơi vào tay dòng họ khác, các cựu thần triều Đinh dùng mọi âm mưu để lung lạc Thái Hậu Dương Vân Nga, mong tước binh quyền của Thập đạo tướng quân. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, một mình bà phải lựa chọn giữa nợ nước tình nhà:
“Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông, chảy trong óc trong tim, trong trang sử Tiên Rồng, thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối để gắn liền hãnh diện giữa xưa sau? Để cho ta trang trọng khoác long bào, ngôi cửu ngũ từ nay đà có chủ” nhưng bà “không thể đem tài má phấn mà sánh với đức cao cả của Lê Hoàn.”
Bà quyết định trao long bào, trao vận mệnh non sông vào tay người xứng đáng. “Giang san này là của chung trăm họ, nào phải đâu riêng của nhà họ Đinh”
Khi nghe đình thần cáo báo: “Muôn tâu Thái Hậu, mặt Bắc kinh đô đang diễn ra kịch chiến giữa quân ta và quân Tống. Qua mấy trận giao tranh, ải Kỳ Cấp đang bị kẻ thù vây khốn.»
Trong lúc diễn tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, chiến tranh biên giới Tây Nam đang đến hồi quyết liệt, toàn quân và dân đang tất bật vào trận. Thanh Nga trong vai Thái Hậu Dương Vân Nga đã diễn được cái hào hùng trong câu nói tập họp toàn quân chống giặc:
“Các ngươi hãy cùng ta dàn hàng, hãy cùng ta xông tới. Nói với bọn giặc Tống biết rằng kẻ vay xương máu thì phải trả bằng máu xương, ai thích hỏi giáo gươm sẽ được trả lời bằng gươm giáo.“ Và Thái Hậu Dương Vân Nga cũng thân chinh ra chiến trường để trút mọi căm hờn lên đầu quân xâm lược: “Nếu hôm xưa yếu hèn nhu nhược, thì ngày nay sông núi đã không còn. Lấy gì để mến nước thương non, cần chi phải hỏi nhau nên hòa hay chiến. Ta sẽ chiêu hùng quyết tâm vượt biển, với niềm tin sẽ thắng được ba đào.”
Khi con bà bị bắt, bà đã nghĩ suy và chọn lựa, vì con hay vì trăm họ: “Đừng ai nhân danh tình thương để giết giáo gươm vào bể Đông nước mắt, cũng đừng mong bắt con ta là có thể ràng buộc được ta. Nếu phải hy sinh đứa con duy nhất, để nước non này được bền vững muôn thu thì Dương Vân Nga quyết noi theo tiền nhân Trưng Triệu, đáp nợ nước trước tình nhà. (Yếu đuối nhưng không kém phần quyết liệt) Dẫu mắt lệ thương đau mà giáo gươm vẫn ngang mày!”
Trong tình hình đất nước bị Trung Cộng xâm phạm biên cương phía Bắc và bọn tay sai của Trung Cộng là Khơ Me đỏ tấn công biên giới Tây Nam, từng lời từng động tác hào hùng của Thanh Nga trong vai Thái Hậu Dương Vân Nga là lời động viên thanh niên nam nữ Việt Nam quyết hy sinh chiến đấu để bảo vệ quê hương.
Giặc bành trướng Tàu Cộng tưởng là giết Thanh Nga là dẹp đi tiếng nói yêu nước của nữ nghệ sĩ Thanh Nga, đó là gián tiếp đàn áp lòng yêu nước của thanh niên nam nữ Việt Nam. Nhưng chúng đã lầm.
Hành động đưa tiễn vợ chồng Thanh Nga về nơi vĩnh cữu là biểu thị của tấm lòng hàng trăm ngàn người quyết noi theo lòng yêu nước chống xâm lăng.
Nhà cầm quyền Cộng Sản vì là tay sai của Tàu Cộng hay vì sợ mất ngôi vị độc tôn ở trong nước nếu xa rời sự che chở của quan thầy Trung Cộng nên nói trớ ra là Thanh Nga bị bọn bắt cóc con của Thanh Nga không thành nên giết Thanh Nga.
Người ta ai cũng biết là Thanh Nga và chồng cùng bị bắn mỗi người một phát súng vào tim, chính là hành động của bọn ám sát chuyên nghiệp, sau khi thấy dư luận dân chúng không tán thành kết luận của Sở Công An thành Hồ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban tặng cho Thanh Nga và gia đình Thanh Nga bằng Liệt Sĩ.
Nghĩa là ông thủ tướng chánh phủ đã xác nhận là vợ chồng Thanh Nga chết như một chiến sĩ hy sinh vì nước. Ông cũng đã vô tình xác nhận là nhà cầm quyền CS và báo chí CS chuyên môn nói dối, bưng bít sự thật.
Nói sự thật sau 38 năm Thanh Nga và chồng bị ám sát.
Soạn giả Nguyễn Phương
03/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét