Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016
Tin Cập Nhật Chủ Nhật 22/5
Tổng thống Obama đến Hà Nội --- 'VN muốn dùng Mỹ làm con bài chiến lược'
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đáp máy bay đến sân bay Nội Bài ở thủ đô Hà Nội vào khoảng 9 giờ 30 phút, giờ địa phương, tối Chủ nhật 22 tháng 5, bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến nước cựu thù thời Chiến tranh Việt Nam.
<!=->
Chuyên cơ Air Force Once chở nhà lãnh đạo Mỹ rời Washington trưa hôm qua và đã đáp xuống Hà Nội sớm hơn dự kiến vài giờ đồng hồ.
Truyền thông chính thức của nhà nước Việt Nam cho hay sau nghi lễ đón tiếp chính thức vào sáng thứ Hai, Tổng thống Obama sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Sau đó hai ông sẽ chủ trì một cuộc họp báo chung.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng sẽ gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trưa thứ Ba (24 tháng 5), Tổng thống Obama sẽ đáp máy bay đến Sài Gòn. Theo dự liệu, ông sẽ đi thăm chùa Ngọc Hoàng ở Quận 1, và sang ngày hôm sau ông sẽ gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp trẻ ASEAN.
Sau đó, Tổng thống Mỹ sẽ rời Việt Nam để sang Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Ngoại trưởng John Kerry và một phái đoàn doanh nhân Mỹ tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam. - VOA
***
Việt Nam và Hoa Kỳ từ mấy năm qua chia sẻ một mối quan tâm chiến lược là 'thách thức cua Trung Quốc' và trong bối cảnh này, Việt Nam muốn dùng Hoa Kỳ như một 'quân bài chiến lược' như một 'đối lực' để đối phó với nước láng giềng phía Bắc, trên Biển Đông, theo một ý kiến học giả từ Mỹ.
Về phần mình, Hoa Kỳ từ lâu cũng muốn cân bằng lực lượng trên Biển Đông, trước thế và lực đang lên của Trung Quốc và muốn tìm kiếm đối tác, và tại Đông Nam Á, Việt Nam có 'vai trò quan trọng nhất', trong mắt Hoa Kỳ để Washington cân bằng, đối trọng với Bắc Kinh, vẫn ý kiến này cho hay.
Trao đổi với BBC tại Bàn tròn trực tuyến về chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam và quan hệ song phương Việt - Mỹ, từ Washington D.C, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia chính trị và bang giao quốc tế nêu quan điểm:
"Theo tôi, vấn đề cốt lõi trong bang giao hai nước, là từ năm 2009 hai nước dường như có sự quan tâm chung về vấn đề chiến lược, đó là thách thức của Trung Quốc, phải giải quyết vấn đề đó. Về phía Việt Nam, Việt Nam có đường lối đa phương, đa diện hóa ngoại giao, thực sự khi thi hành phải tìm đối lực. Đối lực mà thực chất nhất, quan trọng nhất mà khả thi nhất là nước Mỹ thôi. Thành ra đối với Việt Nam, vấn đề dùng Mỹ như một con bài chiến lược rất là quan trọng.
"Về phía Mỹ, thực sự Mỹ là một cường quốc hải quân, Mỹ coi vùng Á châu - Thái Bình Dương là vùng quan trọng chiến lược và kinh tế quan trọng nhất trong thế ký 21, cho nên họ phải có hiện diện ở đó. Và nếu hiện diện ở đó, thì đòi hỏi rằng trong đó ít nhất phải có tương quan lực lượng thuận lợi, nếu Mỹ để cho Trung Quốc khống chế vùng đó, thì Mỹ sẽ hoàn toàn bị đẩy ra vùng đó và địa vị cường quốc của Mỹ sẽ bị giảm thiểu rất nhiều.
"Thành ra Mỹ muốn làm cân bằng lực lượng nào đó, thì Mỹ phải tìm ra những đối tác nào của mình để tạo ra cân bằng, thay vì là một cái rất siêu, tức là độc quyền một nước như Trung Quốc, thì điều đó khác. Trong đó có rất nhiều nước, nước Nhật (Bản), Đại Hàn (Hàn quốc) vân vân, thì trong Đông Nam Á, Việt Nam là có một vai trò quan trọng nhất trong việc thăng bằng lực lượng đó. Đối với Mỹ có quan niệm đó, đối với Việt Nam có quan niệm đó.
"Vấn đề là hai bên có tiến sâu lắm tới đó là tùy thuộc nhiều vấn đề mà hiện nay tôi thấy là chưa đến được đầy đủ vấn đề là tiềm năng hoàn toàn của nó, bởi vì còn có những lấn cấn khác, còn về lòng tin chiến lược, tôi thấy các vị đã đồng ý với tôi là gia tăng rất nhiều," học giả Nguyễn Mạnh Hùng từ Mỹ nêu quan điểm.
'Nhân tố thứ ba'
Cũng tại Bàn tròn thứ Năm về chuyến thăm của Obama, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển (VIDS), nêu quan điểm:
"Theo tôi vấn đề chất lượng chiến lược trong hợp tác Việt - Mỹ, vấn đề bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí và một số thỏa thuận về vấn đề nhân quyền trọng và ngoài khuôn khổ TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), ba vấn đề này tập hợp thành cái bộ tam rất quan trọng. Và chúng ta sẽ đón chờ trong chuyến đi của ông Obama, bộ tam này sẽ được giải quyết như thế nào. Và nếu bộ tam này giải quyết như thế nào, thì không chỉ nó nói lên chất lượng chiến lược, cái tầm nhìn chiến lược của hai chính quyền và của hai lãnh đạo, mà nó còn nói lên đường hướng cho 5, 10 năm tới.
"Bởi vì các vị có nói là ông Obama sang cuối nhiệm kỳ có sao không, thì tôi nghĩ chiến lược, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam là nhất quán, đảng Cộng hòa hay Dân chủ lên, nếu có khác nhau, chỉ khác nhau về sắc thái, chứ còn về mặt chiến lược là sự nhất quán.
"Cho nên, những thỏa thuận sắp tới đây trong chuyến đi của ông Obama về ba vấn đề mà tôi nói, kết thành bộ tam, rất quan trọng. Trong ba vấn đề này có vấn đề bãi bỏ hoàn toàn vũ khí, để nói Việt - Mỹ đi từ chiến tranh, đi từ băng giá, và bây giờ là giai đoạn tìm thấy nhau. Trong giai đoạn tìm thấy nhau này, nó có một nhân tố mọi người có đề cập, nhưng mờ nhạt, đó là nhân tốt thứ ba, nhân tố thứ ba nó là một bóng ma ám ảnh khá mạnh đến quan hệ Việt - Mỹ.
"Và tại sao vấn đề nâng quan hệ đối tác lên đặt ra từ 2010, đến bây giờ là sáu năm rồi các ông vẫn nói với nhau là 'thôi chúng ta tuy là đối tác toàn diện, nhưng thực chất chúng ta đã là đối tác chiến lược? Tức là vẫn chưa tuyên bố điều đó được, đó là vì nhân tố thứ ba, thì tôi với tư cách một nhà nghiên cứu độc lập, tôi hy vọng ông Obama lần này sang có thể khắc phục được, vượt qua được bóng đè của nhân tố thứ ba này và chính việc bãi bỏ hoàn toàn cầm vận vũ khí nó sẽ tác động cái này.
"Ở đây tôi không nói vấn đề quân sự đâu, chắc chắn Trung Quốc sẽ không sợ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí (cho Việt Nam) xong sẽ có những diễn biến phức tạp, tôi nghĩ về tương quan lực lượng quân sự ở đây, tất cả các bên đều biết nhau cả, đây không phải là vấn đề quân sự, mà đây chính là vấn đề lòng tin chiến lược," cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói với BBC.
Đặt nền tảng lâu dài
Hôm 21/5, từ Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine nói với BBC ông tin rằng Tổng thống Obama, người sẽ thăm Việt Nam từ ngày 23-25/5, sẽ hướng tới mục tiêu lâu dài trong quan hệ Mỹ - Việt hơn là những vấn đề 'chính trị nhất thời', ông nói:
"Xin nói là nhiều người không hiểu chuyến đi này của ông Obama, trước khi ông rời ghế Tổng thống, là một chuyến đi rất là quan trọng.
"Là bởi vì ông không bận tâm những chuyện chính trị nhất thời, cho nên có thể đặt nền tảng cho vấn đề quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như ông Bill Clinton đã làm năm 2000, trước khi ông rời ghế Tổng thống.
"Nhiều người không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này, nhưng tôi nghĩ rằng đây là một chuyến đi rất quan trọng."
Cho rằng ông Obama muốn đặt một di sản về quan hệ Mỹ - Việt qua chuyến đi, Giáo sư Long khẳng định Tổng thống kế nhiệm dù là ai cũng sẽ 'tôn trọng' nền tảng này, sử gia từ Mỹ nói:
"Tôi nghĩ để lại di sản như thế này thì rất quan trọng cho những người tiếp theo.
"Bởi vì đối với Chính phủ Mỹ, trừ trường hợp đi ngược lại quyền lợi của chính phủ Mỹ, còn khi một người Tổng thống trước đặt nền tảng thì các tổng thống sau luôn luôn thi hành nghiêm chỉnh.
"Đặc biệt nếu bà Clinton lên làm Tổng thống, thì bà Hillary Clinton sẽ đẩy mạnh những chính sách của ông Obama, bởi vì chính bà là người đã chủ trương chính sách xoay trục lại Á Đông, cũng như bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở trên Biển Đông," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC. - BBC
2.
Tình báo Afghanistan: Thủ lĩnh Taliban Akhtar Mansoor bị hạ sát
Cơ quan tình báo NDS của Afghanistan xác nhận thủ lãnh Akhtar Mansoor của Taliban bị hạ sát trong một vụ không kích ở Pakistan gần biên giới Afghanistan.
Một thông cáo của NDS ngày hôm nay nói rằng Mullah Ahktar Mansoor thiệt mạng trong vụ không kích bằng máy bay không người lái vào lúc 3 giờ 45 phút chiều thứ bảy tại vùng Dalbandin của tỉnh Baluchistan.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay nói Mansoor bị nhắm làm mục tiêu tấn công vì gây ra “một mối đe dọa tức thời cho nhân viên của Mỹ, thường dân Afghanistan và các lực lượng an ninh Afghanistan”, và là người “trực tiếp chống đối các cuộc thương thuyết hoà bình”.
Trong khi đó, các bác sĩ ở thủ phủ Quetta của Baluchistan xác nhận đã nhận hai thi hài từ vùng biên giới, nơi xảy ra vụ không kích của Mỹ.
Bác sĩ Rashid Janali, bác sĩ trực tại Bệnh viện Dân sự ở thành phố này, nói với đài VOA rằng hai xác đó được dân địa phương thu hồi trước khi chở tới Quetta. Ông cho biết giấy tờ cho thấy hai người đó tên là Mohammad Azam, tài xế taxi, và Wali Mohammad, hành khách trên xe.
Những người mục kích cho biết chiếc taxi bị oanh kích chiều thứ bảy và nạn nhân được đưa tới bệnh viện quận trước khi chuyển tới Quetta.
Đài truyền hình 92 News của Pakistan cho chiếu hình ảnh của chiếc xe bị phá huỷ và hộ chiếu của hành khách thiệt mạng, trong đó có visa của Ả rập Xê út và Iran. Một số nguồn tin của Taliban xác nhận với đài VOA là hình trên hộ chiếu Pakistan đó trông giống Mullah Mansoor.
Pakistan chưa chính thức bình luận về vụ tấn công này.
Văn phòng Tổng thống Ashraf Ghani ở Kabul đưa ra một thông cáo nói rằng “chính phủ Afghanistan đang duyệt xét những chi tiết cuối cùng liên quan tới số phận của Mullah Ahktar Mansoor và sẽ loan báo kết quả càng sớm càng tốt.”
Thông cáo nói rằng thủ lãnh này của Taliban có những hành vi “lừa gạt, che giấu sự thật, mua bán ma tuý và khủng bố trong lúc hăm doạ và giết hại những người Afghanistan vô tội.”
Trước đó, một giới chức Mỹ cho biết vụ không kích được Tổng thống Barack Obama cho phép thực hiện. Theo giới chức này, vài chiếc máy bay không người lái do lực lượng đặc biệt Mỹ điều khiển đã tấn công một chiếc xe hơi trong tỉnh Baluchistan của Pakistan. Một người đàn ông đi chung với ông Mansoor cũng bị thiệt mạng trong vụ không kích này.
Trong khi đó, một giới chức an ninh Pakistan yêu cầu không nêu danh tánh nói với đài VOA rằng thị trấn biên giới nơi xảy ra vụ không kích được chia đôi giữa Pakistan và Afghanistan, và vụ không kích xảy ra bên phía Afghanistan. Tin về địa điểm này trái ngược với thông cáo của cơ quan tình báo Afghanistan.
Việc Mullah Mansoor bị tiêu diệt là một cú đấm mạnh cho Taliban. Nhóm nổi dậy này vốn đã bị chia rẽ vì vấn đề lãnh đạo từ tháng 7 năm 2015 khi họ loan báo người sáng lập và thủ lãnh đầu tiên của họ là Mullah Omar đã qua đời hơn hai năm trước.
Hoa Kỳ không ghi tên phe Taliban ở Afghanistan vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Chính sách của Mỹ ở Afghanistan chỉ cho phép máy bay của liên minh tấn công các chiến binh địch khi nào những người đó có thể được xác định là những người trung thành với al-Qaida hay Nhà nước Hồi giáo hoặc khi nào những phần tử chủ chiến đe dọa trực tiếp tới binh sĩ của NATO. - VOA
3.
Áo có thể bầu ra tổng thống cực hữu trong cuộc đầu phiếu hôm nay
Lần đầu tiên kể từ khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt, hai đảng chính có lập trường trung dung của Áo không giành được ghế tổng thống. Thay vào đó, ứng cử viên Norbert Hofer, có lập trường cực hữu, có thể giành được chức vụ này trong cuộc chạy đua rất khít khao.
Cử tri Áo hôm nay bỏ phiếu trong vòng đầu phiếu thứ nhì, trong đó ông Hofer tranh đua với giáo sư kinh tế học Alexander Van der Bellen, người được đảng Xanh hậu thuẫn, sau khi ông Hofer giành được chiến thắng bất ngờ trong cuộc đầu phiếu vòng một với tỉ lệ 35%.
Kết quả đó đánh dấu một sự chuyển đổi lớn trong nền chính trị nước Áo với cuộc bầu cử bị ảnh hưởng mạnh mẽ của vụ khủng hoảng di dân đang tiếp diễn ở Âu châu.
Ông Hofer có lập trường công khai chống di dân, chống Liên hiệp Âu châu và vận động tranh cử với những lời lẽ chiều theo thị hiếu đám đông. Ông Van der Bellen thì nói rằng nền dân chủ của nước Áo sẽ bị đe dọa nếu ông Hofer làm tổng thống.
Năm ngoái Áo tiếp nhận 90.000 người tị nạn, tương đương với 1% dân số, trong khi nước Đức láng giềng tiếp nhận hơn 1 triệu di dân, chủ yếu là những người chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria.
Số người tị nạn được tái định cư ở Áo hiện nay đã giảm khá nhiều, nhưng cử tri nước này cảm thấy bất mãn đối với hai đảng dòng chính là Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Nhân dân thuộc phe trung dung và quyết định dồn phiếu cho ông Hofer.
Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được loan báo chiều nay và kết quả chính thức sẽ được loan báo vào thứ hai sau khi kiểm xong những lá phiếu gởi qua đường bưu điện. - VOA
Tin Hoa Kỳ
4.
Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Myanmar
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang có mặt tại Myanmar, vài ngày sau khi Washington thu hồi nhiều biện pháp chế tài tài chánh và thương mại từng được áp dụng khi quốc gia Đông Nam Á này còn nằm dưới quyền cai trị của chính quyền quân nhân.
Ông Kerry đến thủ đô Naypyidaw ngày hôm nay, và theo dự liệu, ông sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi – Bộ trưởng Ngoại giao và là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mục tiêu của chuyến viếng thăm này là để bày tỏ “sự hậu thuẫn cho tân chính phủ được bầu ra một cách dân chủ và do phe dân sự lãnh đạo” và để thúc đẩy “các biện pháp cải cách dân chủ và cải cách kinh tế.”
Ông Kerry và bà Suu Kyi có phần chắc sẽ bàn thảo về yêu cầu mới đây của Myanmar đòi Đại sứ quán Mỹ ngưng dùng từ Rohingya để nói tới nhóm người thiểu số không được chính quyền nước này thừa nhận.
Đại sứ Mỹ Scot Marciel nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng từ ngữ này vì chính sách của Washington là gọi tên của các cộng đồng theo cách mà họ muốn được gọi.
Chính phủ Myanmar nói rằng những người tự xưng là người Rohingya là người Bangladesh nhập cảnh bất hợp pháp.
Myanmar, một nước đa số dân chúng là người theo đạo Phật, đã gặp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế về cách đối xử với người Rohingya.
Khối người hầu hết là tín đồ Hồi giáo này bị chính quyền tước đoạt quốc tịch và nhiều quyền cơ bản khác của con người. - VOA
5.
Bà Clinton bỏ xa đối thủ về số tiền mặt dùng để vận động tranh cử --- Khảo sát: Bà Clinton, ông Trump gần ngang ngửa về tỉ lệ ủng hộ
Những báo cáo mới về gây quỹ cho thấy hai ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders, mỗi người đã quyên được hơn 26 triệu đô la trong tháng tư, trong lúc ông Sanders tìm cách thu hẹp khoảng cách biệt về số phiếu đại biểu cần có để được đề cử.
Tuy nhiên, những bản báo cáo nộp cho Uỷ ban Bầu cử Liên bang cho thấy ông Sanders đã chi tiêu nhiều hơn bà Clinton, làm cho ông chỉ còn 5,8 triệu đô la trong lúc bà Clinton còn 30 triệu.
Ông Sanders có rất ít hy vọng đuổi kịp bà Clinton và sẽ nắm chắc phần thua nếu ông không thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang California vào đầu tháng tới.
Các số liệu cho thấy tiền quyên góp mà ông Sanders nhận được đã chậm lại khá nhiều sau khi quyên được hơn 40 triệu đô la mỗi tháng trong tháng hai và tháng ba.
Các bản báo cáo cũng cho thấy những nhóm ủng hộ ông Donald Trump, người nắm chắc sự đề cử của phe Cộng hoà, đã bắt đầu tăng cường những nỗ lực quyên tặng.
Uỷ ban hành động chính trị Nước Mỹ Vĩ Đại, nhóm ủng hộ ông Trump, đã quyên được hơn 1 triệu đô la tính đến cuối tháng tư.
Theo tường thuật của tờ New York Times hôm thứ bảy, hơn 10 nhân vật thường tặng những khoản tiền rất lớn cho đảng Cộng hoà cho biết họ sẽ không quyên tặng hoặc gây quỹ cho ông Trump, là người đã gây chia rẽ cho đảng Cộng hoà và tạo bất mãn cho nhiều nhân vật có quyền thế trong đảng này.
Nhà đầu tư Paul Singer nổi tiếng ở New York, người đã tặng hơn 28 triệu đô la cho phe Cộng hoà từ năm 2012, đã công khai tuyên bố không ủng hộ ông Trump.
Bài báo của New York Times trích lời nhà đầu tư chứng khoán William Oberndorf, một nhà tài trợ chính của phe Cộng hoà, nói rằng “nếu ông Trump tranh với bà Clinton, tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton”. - VOA
***
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa sắp được đề cử tổng thống Donald Trump và ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Dân chủ Hillary Clinton đạt tỉ lệ ủng hộ gần như ngang ngửa, với đa số cử tri không có quan điểm tích cực về họ, theo những cuộc khảo sát ý kiến mới nhất.
Một cuộc thăm dò của The Washington Post-ABC News công bố hôm Chủ nhật cho thấy ông Trump dẫn trước bà Clinton với cách biệt sít sao, trong khi một cuộc thăm dò của NBC News/Wall Street Journal cho thấy Clinton dẫn trước với cách biệt không lớn.
Cũng như những cuộc khảo sát ý kiến khác trong những ngày gần đây, cả hai cuộc thăm dò trên cho thấy ông Trump đang thắng thế so với bà Clinton sau khi trở thành người sắp được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống vào đầu tháng 5.
Cuộc khảo sát của The Post cho thấy cử tri ủng hộ ông Trump, tỉ phú bất động sản có những phát biểu bỗ bã, với tỉ lệ 46 so với 44 phần trăm dành cho bà Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ đang nỗ lực trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Kết quả này đánh dấu một sự dịch chuyển 11 điểm kể từ tháng 3 cho ông Trump, từng làm người dẫn chương trình truyền hình thực tế và chưa bao giờ giữ chức vụ dân cử.
Cuộc thăm dò của NBC News thì cho thấy bà Clinton dẫn trước với tỉ lệ 46-43 phần trăm, giảm 8 điểm kể từ tháng 4.
Cả hai cơ quan thăm dò lưu ý rằng cử tri dường như tỏ thái độ mạnh mẽ đối với người mà họ thích cũng như không thích.
Gần sáu trên 10 cử tri trong cuộc thăm dò của The Post nói rằng họ có quan điểm tiêu cực về cả hai ứng cử viên, với số người không ưa ông Trump nhiều hơn một chút. Ông ta đã vọt lên đứng đầu cuộc đua đông đúc của những ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử kéo dài hàng tháng với lời kêu gọi trục xuất 11 triệu người nhập cư sống bất hợp pháp tại Mỹ, tạm thời cấm người Hồi giáo nhập cảnh, và xây một bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn dòng di dân đổ vào Mỹ.
Cuộc thăm dò của NBC News cho thấy số cử tri đã đăng ký có ác cảm với bà Clinton nhiều hơn số người có thiện cảm 20 điểm phần trăm. Nhưng ông Trump còn tệ hơn với cách biệt 29 điểm phần trăm.
Cuộc khảo sát của Fox News vào tuần trước cho thấy ông Trump dẫn trước bà Clinton với tỉ lệ 45-42 phần trăm, trong khi một cuộc thăm dò của The New York Times/CBS News cho thấy bà Clinton dẫn trước với tỉ lệ 47-41 phần trăm.
Những nhà phân tích ở Mỹ nói rằng tỉ lệ ủng hộ tăng cao dành cho ông Trump trong những cuộc khảo sát chính trị bắt nguồn từ việc cử tri Đảng Cộng hòa bắt đầu tập hợp đằng sau ông ta, sau khi nhiều người trong số họ từng ủng hộ một trong những đối thủ của ông ta trong những cuộc bầu cử sơ bộ ở từng bang trước khi bị ông ta đánh bại.
Mặc dù vậy, một số nhân vật kỳ cựu của Đảng Cộng hòa đã từ chối công khai ủng hộ ông Trump, trong đó có ứng cử viên tổng thống của đảng này hồi năm 2012 Mitt Romney, người đã tuyên bố ông Trump không đại diện những giá trị và những chính sách bảo thủ của đảng. Một số nhà tài trợ giàu có ủng hộ Đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ ngồi ngoài cuộc đua tổng thống năm 2016, hoặc thậm chí bỏ phiếu cho bà Clinton trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 để chọn người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau.
Bà Clinton vẫn là ứng cử viên nặng ký sẽ giành được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ vào tháng 7, khi sáu bang nữa sẽ tổ chức những cuộc bỏ phiếu chọn người được đề cử. Nhưng đối thủ duy nhất của bà, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, vẫn tiếp tục tranh đua. Ông Sanders cho biết ông ta có một con đường hẹp để vượt qua bà Clinton, vợ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Bà Clinton nói trên chương trình Meet the Press của đài NBC hôm Chủ nhật rằng ông Sanders "có toàn quyền kết thúc chiến dịch của mình theo bất cứ cách nào mà ông ta chọn," nhưng bà đang tập trung tấn công ông Trump vì bà nói tư cách ứng cử viên của ông ta đề ra "những mối nguy tức thời" cho đất nước.
Trong những ngày gần đây, bà Clinton đã nói rằng ông Trump "không đủ tiêu chuẩn" để trở thành tổng thống Mỹ. Ông Trump thì chê bai sự suy xét chính sách đối ngoại của bà Clinton khi bà ta làm nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước từ năm 2009 tới 2013, đặc biệt là sự ủng hộ của bà ta đối với nỗ lực của phương Tây lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddhafi và việc bà ta xử lý vụ tấn công khủng bố hồi năm 2012 nhắm vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, Libya khiến bốn người Mỹ thiệt mạng. - VOA
Tin Việt Nam
6.
Tình hình khu vực phía Nam ngày Chủ Nhật 22/5 --- Tường trình biểu tình ở các tỉnh miền Trung
Tại khu vực miền nam; đặc biệt ở Sài Gòn (SG), trong ngày Chủ Nhật 22/5/2016 biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng vẫn rất nghiêm ngặt không để xảy ra hoạt động biểu tình hay phản đối nào.
Từ Sài Gòn bà Phạm Thanh Nghiên cho biết:
“Trên thực tế việc rời khỏi nhà đi biểu tình của một số người là bất khả kháng, vì công an Sài Gòn sẵn sàng dùng bạo lực đối với bất cứ ai, bất kỳ lúc nào. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi vẫn hy vọng hôm nay sẽ có những việc làm cụ thể. Tôi xin khẳng định, thông điệp của những người xuống đường ngày Chủ Nhật 22/5 hay những ngày tới là, yêu cầu nhà nước đưa ra các thông tin minh bạch và giải thích vì sao cá chết hàng loạt như thế?”
Theo bà Phạm Thanh Nghiên cho biết, chính quyền Sài Gòn đã huy động một lực lượng rất lớn công an cùng các lực lượng khác để siết chặt an ninh, với mục đích bảo vệ an toàn cho ngày này. Bà trình bày:
“Không chỉ từ ngày hôm nay, mà từ 2-3 ngày trước, nhà của những người đấu tranh cho Nhân quyền, những người thường xuyên đi biểu tình đã bị canh gác và công an, mật vụ đã khủng bố. Theo thông tin từ trang Dân Làm Báo có công bố nội dung công văn của ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy SG gửi tới Sở Du lịch, yêu cầu ngày thứ 7 và Chủ nhật này không cho các chuyến tham quan của khách nước ngoài đến các điểm: Dinh Độc Lập; Nhà thờ Đức Bà; công viên 23/9; Chợ Bến Thành; Đường Nguyễn Huệ… Vì đây là các điểm thường xảy ra biểu tình.”
Theo anh A Lầu một thanh niên người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, hai ba tuần qua vào những ngày cuối tuần, công an thường giám sát nhà riêng những người hay xuống đường và mạng Facebook ở VN đã bị chặn từ chiều hôm 21/5 là nguyên nhân khiến cho các thông tin về cuộc xuống đường vì môi trường hầu như không xuất hiện. Anh nói:
“Trong lúc này trước cửa nhà tôi đang có khoảng 10 người mặc thường phục đứng đó, trong đó tôi thấy cả công an Phường. Theo tôi nghĩ đó là hành động của nhà cầm quyền không muốn cho tôi đi ra đường và khi đi ra đường thì họ cho người theo dõi để ngăn chặn quyền tự do đi lại của tôi. Với mục đích không cho mình xuống đường, tôi nghĩ như vậy.”
Được biết ngay sau đó anh A Lầu đã bị cơ quan an ninh mời đi làm việc ở đâu không rõ.
Bà Trần Ngọc Anh một nhà hoạt động xã hội ở Vũng Tàu cho biết tình trạng của bà:
“Sáng nay tôi đi ra đường để đi trị bệnh thì có 5 tên công an bao vây tôi, khi mẹ con tôi chạy ngược lên thì có thêm 1 thằng nữa ra chặn, trong lúc 5 thằng kia đuổi theo. Họ đe dọa rằng sẽ giết cả nhà tôi. Bây giờ, ngay lúc này, chúng nó đang bao vây nhà tôi. Bọn công an này không phải là công an bình thường, mà là bọn An ninh PA88, có cả bọn quân đội nữa cũng đang có mặt tại địa phương tôi.”
Nhà hoạt động xã hội Đinh Quang Tuyến cho biết, do hôm nay là ngày bầu cử và việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hà Nội nên an ninh được siết chặt ở mức cao nhất, hầu như những người đi biểu tình không thể nhúc nhích được. Qua quan sát cho thấy tại các công viên, quảng trường ở Sài Gòn chỉ có công an và các lực lượng sắc phục khác nhau, hầu như không có dân thường. Theo ông, người xuống đường tập trung ở các khu đông dân cư và vờn nhau chính là chủ trương của những người biểu tình ở Sài Gòn ngày hôm nay. Song điều kiện đã không cho phép họ làm việc đó. Ông tiếp lời:
“Tôi nghĩ hôm nay là canh bạc nặng nhất nên đảng CS sẽ phải dốc hết sức, vì họ biết rằng ngày hôm nay là hết sức căng thẳng đối với chế độ. Thái độ của dân chúng thì đan xen giữa sục sôi, hào hứng và sợ hãi. Trong lúc thái độ của phía chính quyền thì rất căng thẳng và hoảng sợ. Nếu họ không làm căng thì họ sẽ mất hết tức thì, việc họ sẽ thẳng tay đàn áp là việc dễ hiểu.”
Chuyến thăm VN của Tổng thống Hoa Kỳ Obama hôm nay cũng là tiêu điểm trong vấn đề thời sự. Bà Phạm Thanh Nghiên bày tỏ:
“Đối với người dân VN và những người tranh đấu thì là sự kiện hết sức mong chờ, riêng cá nhân tôi rất có cảm tình đối với nước Mỹ cũng như cá nhân Tổng thống Obama. Vì toàn thể nhân loại đều biết nước Mỹ là một quốc gia văn minh, giàu có và có nền dân chủ hàng đầu thế giới. Tuy vậy tôi coi rằng chuyến thăm này là quan hệ giữa chính phủ Mỹ và đảng CSVN. Vì thế tôi xin không bình luận về chuyến thăm của ông Obama trong lần này.”
Trước đây ít hôm, truyền thông đưa tin nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và nhạc sĩ Tuấn Khanh đã bày tỏ quan điểm cho rằng, ngày Chủ Nhật 22/5 nên gác lại chuyện biểu tình bảo vệ môi trường, thay vào đó là sự chuẩn bị cho việc đón chào Tổng thống Obama. Ông Đinh Quanh Tuyến bình luận:
“Tôi hoàn toàn toàn tán thành với ý kiến của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và nhạc sĩ Tuấn Khanh, chúng ta nên tránh đối đầu với một đối thủ đang trong tình trạng hoảng loạn. Còn việc đón Tổng thống Obama thì chúng ta cũng không thể tổ chức hoành tráng như mình nghĩ được. Vì Nhà nước này họ không phân biệt được đâu là mít tinh ủng hộ hay biểu tình phản đối. Tôi nghĩ không nên để có mùi máu trong việc đón tiếp đó.”
Nhận xét về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, ông Đinh Quang Tuyến khẳng định:
“Việc năm nay người dân VN công khai tẩy chay bầu cử mà nhà nước không dám gây áp lực, điều đó đã cho thấy sự thay đổi cực lớn. Đó là một sự thành công mà có thể để cho chúng ta hy vọng, đây là một cuộc bầu cử dàn xếp mang tính chất hề. Một khi sự tẩy chay và bất hợp tác nó đã lớn mạnh như vậy rồi thì tôi nghĩ rằng, bất luận kết quả bầu cử hôm nay như thế nào thì sự tồn tại của cái thể chế này cũng coi như xong rồi đó.”
Kết thúc bản tường trình bằng nhận định của bà Phạm Thanh Nghiên khi nói với RFA rằng, trong những ngày qua tuy xảy ra tình trạng đàn áp hết sức khốc liệt, song những người biểu tình, đặc biệt là những người trẻ - những người mới biết hiện tình đất nước qua vụ cá chết, tham gia lần đầu tiên mà bà được dịp tiếp xúc. Họ có một nhiệt huyết rất tuyệt vời, với những ứng xử hết sức văn minh, tuân thủ các nguyên tắc bất bạo động gần như tuyệt đối. Theo bà thì đó là một điểm để có thể nghĩ đến một tương lai tươi sáng của đất nước. - RFA
***
Các tỉnh miền Trung hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình như thế nào?
An ninh bủa vây người hoạt động
Từ Nghệ An cựu tù nhân Thái Văn Dung cho rằng, tuy các tỉnh miền Trung là nơi trực tiếp hứng chịu vấn nạn ô nhiễm môi trường do công ty Formorsa xả chất độc ra biển, nhưng việc người dân hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình là rất khó xảy ra. Bởi vì, thứ nhất là cuộc biểu tình ngày hôm nay rơi vào ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp, thứ nhì là sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Việt Nam, cho nên số lượng người tham gia biểu tình sẽ rất ít.
Cựu tù nhân Thái Văn Dung kể cho chúng tôi nghe về việc anh bị an ninh huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An canh giữ, cản trở đi việc biểu tình, anh nói:
“Cách đây mấy hôm và cả hôm nay, công an canh giữ tôi rất đông và rất nhiều, những ai vào làng, vào nơi tôi sinh sống thì sẽ bị kiểm tra giấy tờ, và tất cả các xe Taxi vào địa điểm này cũng bị công an kiểm tra giấy tờ, và hỏi xem lý do vào làng là gì? Vào làng với mục đích gì? Và nếu trên xe có bất cứ cái gì như thùng quà… thì sẽ bị công an kiểm tra.”
Anh Nguyễn Văn Hải, một người hoạt động tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, nơi từng xảy ra cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, nói với chúng tôi:
“Bây giờ ở ngoài cổng, công an đã chặn ở ngay đầu ngõ, lúc chiều còn có 3 công an tỉnh về đây, rồi sau đó có công an xã canh giữ xung quanh nhà.”
Từ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ông Lê Đình Lượng – một người hoạt động cũng xác nhận rằng, trong những ngày gần đây, an ninh túc trực 24/24 để canh giữ những người hoạt động taị đây. Ở đây có an ninh mặc sắc phục, thường phục, thậm chí còn có cả côn đồ xuất hiện để gây gỗ với những hoạt động.
Ông Lê Đình Lượng tiếp lời:
“Ngày hôm qua có một em đi từ nhà tôi ra đường, đi được khoảng 3km em ấy liền bị an ninh bắt giữ, sau vài giờ giam giữ và đánh đập, an ninh đã thả em ra.”
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo nói về tình trạng an ninh đối xử với những người hoạt động tại đây:
“Thường xuyên thì không, nhà tôi không có sự canh giữ thô bạo như ở Hà Nội, Sài Gòn, nhưng tại Nha Trang một số người như blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an canh giữ trước nhà, blogger Phạm Hải cũng thế, mốt số anh em khác cũng vậy, họ bị an ninh gọi điện thoại đến can ngăn, hăm he đủ thứ…
Riêng với tôi họ chỉ hỏi bác có đi biểu tình hay không? Tôi trả lời rằng tôi không biết được.”
Được biết, trong những ngày gần đây, một số người dân đã gạch chéo thẻ cử tri, nhàu hoặc xé nát thẻ cử tri để bày tỏ quan điểm tẩy chay cuộc bầu cử mang tính hình thức ‘đảng cử - Dân bầu’, những hình ảnh này xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook.
Nói về việc có đi bầu cử ĐBQH khóa 14 hay không, nhà báo Võ Văn Tạo kể lại:
“Hôm qua, hôm kia an ninh có gọi điện hỏi tôi anh có đi bầu cử không? Tôi trả lời rằng không đi bầu, bởi chưa đi bầu đã biết kết quả thì đi bầu làm gì. Mặt khác, các văn bản quy phạm Pháp luật Việt Nam quy định việc bầu cử chỉ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ như người ta tuyên truyền bên ngoài, đã là quyền lợi thì thích là làm, không thích là bỏ.”
Tại Huế, tình trạng người dân bi an ninh canh giữ, cản trở người dân đi biểu tình cũng xảy ra. Theo tin chúng tôi nhận được, facebooker Tiêu Kim Thúy đã bị công an phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ - tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ vào lúc 23 giờ ngày 21/5/2016 vì người này đã đi in áo có logo Cá. Hiện nay không ai biết người này đang bị giam giữ ở đâu.
Biểu tình nhỏ tại Nghệ An
Đúng 5 giờ chiều, một cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ cuộc biểu tình nhỏ này, ông Lê Đình Lượng cho chúng tôi biết:
“Hiện tại ở đây có khoảng hai đến 30 chục người, có vài người là an ninh của huyện Yên Thành, họ đang khuyên người dân đừng đi biểu tình, an ninh mặc sắc phục và thường phục đứng ở đây rất nhiều, họ cứ lượn đi lượn lại xung quanh khu vực biểu tình. Và người dân ở đây bắt đầu tham gia hưởng ứng cuộc biểu tình.”
Ông Lê Đình Lượng nói với chúng tôi về việc người dân tại nơi ông sống hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình.
“Người dân ở đây họ ngộ (thức tỉnh) ra vấn đề về thực trạng của xã hội, cho nên lượng người đi bầu cử rất ít, và lực lượng an ninh đã phải đi vận động các gia đình ở đây đi bầu cử, thế nhưng tại các điểm bầu cử cũng rất vắng, sáng nay khoảng 9 – 10 giờ, tôi có đi chụp hình thì thấy như vậy.
Về vấn đề môi trường, mọi người cũng đã hiểu về việc nhà máy Formosa thải chất độc hại ra môi trường biển khiến biển bị ô nhiễm nặng nề nên cá chết rất nhiều, và điều này ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trên diện rộng. Và do người dân thấy được tầm ảnh hưởng đó nên họ đã xuống đường ôn hòa 3 – 4 lần để phản đối thái độ thờ ơ của chính quyền về vụ việc này.”
Cuối cùng ông nói thêm, hiện nay lực lượng an ninh được điều động đến đông hơn trước, và theo kế hoạch thì khoảng 6 giờ chiều người dân sẽ ngưng biểu tình.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với cựu tù nhân Thái Văn Dung để hỏi về việc sẽ gửi thông điệp gì nếu có cơ hội được gặp tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, cựu tù nhân Thái Văn Dung cho biết:
“Một thông điệp là ‘Việt Nam cần thay đổi’, tôi muốn gửi đến Tổng thống Mĩ và quốc tế rằng, Việt Nam chúng tôi cần thay đổi, thay đổi về cải cách chính trị, kinh tế, chúng tôi muốn đa nguyên – đa đảng để xây dựng đất nước phát triển.”
Cựu tù nhân Thái Văn Dung khẳng định rằng, muốn thay đổi đất nước thì phải dựa vào nội lực, dựa vào những người đấu tranh và dựa vào người dân. Tuy nhiên cựu tù nhân Thái Văn Dung vẫn mong muốn tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Quốc tế làm điều gì đó, dù nhỏ nhoi để thúc đẩy tiến trình dân chủ tại Việt Nam. - RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét